Mây Hàng – Truyện ngắn của Bão Vũ

“Lòng còn gởi áng mây Hàng…”
(Kiều – Nguyễn Du)…

“Lòng còn gởi áng mây Hàng…”
(Kiều – Nguyễn Du)

Cái cửa hàng phở mậu dịch ấy vẫn tồn tại đến bây giờ. Vì những nhân viên ở đây chỉ biết bán phở nuôi nhau, các khoản đóng góp, thuế má đầy đủ, chẳng thắc mắc kiện cáo gì, nên người ta cứ để yên cho nó như từ xưa với cái biển bằng tôn han rỉ có hàng chữ to: Cửa hàng ăn uống quốc doanh.
Ông giáo Bùi về hưu, đã phát kiến ra hàng phở đó. Chiều thứ bảy, ông nói với ông giáo Tứ, bạn thân, cũng đã hưu: “Này ông giáo, tôi mới lĩnh tiền dạy tiếng Tây buổi tối, mai tôi khao ông chầu phở mậu dịch”.
Ông Tứ gật gù, hoài cảm:
– Giờ vẫn còn phở mậu dịch? “Mậu dịch” là “trao đổi”. Một thời ngây thơ với “Phở trao đổi”, “Kem trao đổi” …
– Không nói chứ! Của hiếm, tối mới đãi ông! Một đồ cổ độc bản, vô giá.
Hai ông, khi vắng người, thường đùa cợt nhau để níu kéo cái thời “nhất quỷ nhì ma” đã xa lắc xa lơ như ở một kiếp khác.
Hôm sau, ông Bùi đưa bạn đến cái “di chỉ của thời đại đồ-phở-cải-tiến”, như lời bình của ông Tứ khi nhìn thấy cái biển hàng nói trên. Ông Bùi ghé tai bạn: “Moa mua vé, nhưng toa phải đến tận chỗ giao phở để hưởng lại cái thú “chơi phở” mậu dịch!”
Mọi chuyện diễn ra hệt thời xưa: Những người nghiền phở mà ít tiền, ngoan ngoãn xếp hàng trước cái bàn gỗ rộng bằng mặt phản, bên cạnh là thùng nước dùng to đùng sôi sùng sục như cái vạc dầu. Bánh phở, thịt, gia vị… do một bàn tay điêu luyện như tay gã mõ Mới của cụ Ngô Tất Tố, bốc đúng cữ tăm tắp để sẵn trong một loại bát ôtô sứt mẻ.
Một chị béo mặt mũi đỏ ứng bóng loáng, cầm cái gáo tôn chan nước dùng ào ào vào các bát như tưới cây. Thực khách đồng loạt vươn cổ, xoay đầu đưa qua đưa lại như một đàn vịt, nhìn theo tay chị béo ấy, rồi lần lượt bưng bát phở của mình đến chỗ ngồi, mặt mũi rạng rỡ.
– Bây giờ ngoài ở đây, tìm đâu ra thứ này? Hả? Coi như tôi trả ông bữa tiễn thằng Đàm đi Tây. – Ông Bùi nói ra vẻ hả hê, tự đắc.
Cả hai buông thìa, cười đến chảy nước mắt, nhớ tới buổi sáng hôm ấy.
Đàm đến từ biệt Bùi, đi học Đông Đức. Bùi đưa bạn ra hàng “phở chui” có hành nhúng, đập trứng hẳn hoi. Trước làn khói phở, Bùi nắm cánh tay Đàm, ngậm ngùi như xưa thái tử Đan tiễn Kinh Kha sang Tần:
– Thế là bảy năm nữa mới gặp nhau. Từ mai, tao thui thủi một mình. Mày đi, tao chỉ có tấm lòng… và bát phở. Mau sau, có khi nào trạnh nhớ quê hương, mày hãy nhớ cả thằng bạn khốn khổ này, thằng bạn đã từng…
– Thôi, sướt mướt đếch gì, đang đói bỏ mẹ lên đây! Mày ở nhà còn có bạn. Tao mới một mình đất khách. Đàm cộc cằn, cắt lời Bùi rồi sùm sụp nhai, húp.
Ăn xong, Bùi mới sực nhớ mình không có xu nào. Tại “phở chui” không bán vé trước nên mới gặo cái nạn này. Đàm cáu:
– Tao chỉ có đủ tiền một quả trứng. Kệ xác mày!
May sao, Tứ đi ngang qua, Bùi vội kéo vào, gọi thêm phở. Tứ lắc đầu: “Sắn luộc no rồi!” – “Vậy thì trả tiền phở đi! Ai bảo mày mới sáng ra mà đã lêu têu qua đây? Đồ hư hỏng!” Tứ đi mua lốp xe, có tiền giải thoát cho hai gã.
Ông Tứ buông thìa, chợt buồn vơ vẩn:
– Cứ như mới hôm qua. Vậy mà… Ông có tin tức gì của Đàm không?
– Học được một năm, hắn gửi cho tôi một bưu ảnh có ghi mấy chữ “Nhớ mày lắm!” Sau đấy hắn trốn sang Tây Đức, biệt tích.
Hai ông bạn già ngồi im lặng. Thời gian. Giá mà tìm lại được những gì đã mất, gặp lại những người đã khuất.
– Nhiều lúc tôi rất nhớ thương Đàm. Hắn thường làm ra vẻ thô lỗ nhưng thực ra rất giàu tình cảm. Vẫn vụng trộm làm thơ tình buồn, chỉ cho mình tôi đọc. Bài nào cũng có một người chết hoặc bỏ đi đâu đó, còn một người khóc lóc buồn nhơ. Giờ, ở nơi đất khách, nếu chưa chết, hắn sẽ khốn khổ vì mối sầu viễn xứ, nỗi buồn tha hương của một kiếp lưu đầy!… – Ông Bùi thở dài, làm một thôi dài những câu thường thấy trong các bài ca hải ngoại. Chẳng hiểu ông pha trò hay trạnh lòng thương nhớ bạn.
Một thanh niên, xách cặp lồng, bưng bát phở đi qua, kính cẩn:
– Em chào hai thày ạ!
– Mấy bữa nay cậu chê phở mậu dịch à? – Ông Bùi cười thân mật.
– Dạ, em có việc bận ạ! Cậu thanh niên lễ phép trả lời ông Bùi rồi đến một bàn góc phòng, giở cặp lồng cơm xẻ dần vào bát phở, cắm cúi ngồi ăn, dáng điệu của một người nghèo có học thức.
– Lại một của hiếm! Giờ vẫn có gã thanh niên lễ phép đến thế! Trông như chàng Ma-ri-uýt khi bỏ nhà đi hoang của Victo Huygô. Ông Tứ nói tiếng Pháp.
– Khẽ chứ! Nó là trò giỏi lớp Pháp văn của tôi đấy! – Ông Bùi hạ giọng – Đúng là Ma-ri-uýt. Nhưng bị một lão già cướp mất Cô-dét.
– Chuyện buồn muôn thuở! Nhưng sao ông biết?
– Vì nàng Cô-dét là nhân viên cửa hàng phở này. Ma-ri-uýt làm bảo bệ ở Cảng, thường đem cơm nguội đến đây mua phở làm thức ăn. Cô-dét vẫn chan thêm nước dùng cho chàng. Nhưng rồi cái thị béo giao phở kia đã dẫn một lão giàu có đến.
– Biết kỹ nhỉ, chịu ông đấy! Hệt một mụ già rỗi việc, lắm chuyện.
– Thì gần tháng nay, sáng nào tôi cũng phải “ăn” câu chuyện cùng với phở. Ngay sau tấm vách gỗ dán giáp lưng chúng mình đây, vọng ra một nửa câu chuyện, tôi buộc phải nghe. Còn một nửa câu chuyện ở bên cây cột này, tôi buộc phải nhìn. Cô bé trông hấp dẫn lắm, y như những cô mậu dịch viên có liên quan đến lương thực, thực phẩm thời xưa.
– Hấp dẫn lắm à? Thế… thế trông lão ấy có giống ông không? Ông Tứ châm chọc bạn.
– Tôi chưa nhìn thấy mặt. Chỉ nghe tiếng lão sau tấm vách này. Giọng thì có vẻ giống ông lắm. – Ông Bùi đốp lại.
Họ khùng khục cười, rồi chợt dừng ngay lại vì cảm thấy như có điều nhẫn tâm với người thanh niên dáng một hàn sĩ đang nhẫn nhục ngồi ăn bát cơm trộn phở trông giống thứ thức ăn dồn thải bỏ đi kia. Chắc anh ta không còn cách nào khác nên đành phải trở lại đây để được mua bát phở giá rẻ bằng một nửa phở ngoài, dù phải gặp lại người yêu cũ. Ông Tứ nói ý nghĩ đó với bạn.
Ông Bùi cau có:
– Tôi cũng từng nghĩ như thế. Hừ! Giá gặp cái lão già ấy, tôi sẽ… tôi sẽ… – Nói đến đây, ông lúng túng. Ừ nhỉ, không biết ông sẽ làm gì được lão? – Tôi… tôi sẽ đập vỡ mặt lão!
– Ấy, ấy, tôi cạn cụ hiệp sĩ! Đừng để tôi phải xách cặp lồng cơm trộn phở vào trại giam tiếp tế cho cụ. Nhưng tôi biết, cụ chỉ nói văng tê thế cho khoái khẩu thôi. Chứ chẳng có ai bị đập vỡ mặt cả. Tôi hỏi: Lý gì? Sức mấy? Hả?
– Nhưng mà, mẹ nó chứ! Tức, tức lắm! Nó cậy giàu! – Ông Bùi bắt chước một bác nhiêu, bác xã ngày xưa ấm ức về chuyện làng nước, đã tỏ rõ cái tiết tháo của mình với vợ con trong xó bếp.
Họ lại đành cười, cho quên nỗi đau đời.
Bỗng bên kia bức vách vọng sang:
– Thế cô Hà nói thế nào? Tôi đã tận tình đến thế mà hình như cô ta vẫn còn vương vấn cái tay bảo vệ ấy! Nó tài cán gì? Của cải có bao nhiêu để đảm bảo cho tương lai cô ấy?
Ông Bùi khẽ huých bạn: “Chính lão ấy với mụ mối béo”. Họ lắng nghe.
– Không phải thế, Hà đã nghe chúng em khuyên bảo rồi. Nhưng ông bố chưa thông. Anh cứ thư thư để Hà thuyết phục ông cụ.
– Tôi muốn xong sớm để còn lo thủ tục cho cô ấy sang Pháp, thế mà không chịu dứt khoát, lỡ hết cả việc.
Ông Tứ ghé tai bạn: “Lão đểu thật! Bây giờ thì chính tôi cũng muốn đập vỡ mặt lão!”
– Cô bảo với ông cụ của Hà rằng, cái nhà mặt phố Quang Trung tôi sang tên hẳn cho ông bà ấy ở, bán hàng. Tôi với Hà đi Pháp, vài năm mới về một lần. Đấy cô xem, có ai như tôi không? Nói thực, tôi cũng chỉ kiên nhẫn đến mức nào thôi. Chứ thiếu gì đàn bà con gái – Lão già nói bằng cái giọng bực dọc của một người quyền quý bị phật lòng.
– Vâng, thì chúng em ở đây biết cả chứ! – Mụ mối xoa dịu – Con Hà nó cũng có ngu gì đâu mà không hiểu tấm lòng của anh! Có điều…
– Thế, hôm nay tôi đã hẹn trước mà sao cô ấy không đến? – Lão già cắt ngang lời mụ mối.
– Có, có đấy! Nó cũng mong anh lắm! – Mụ cười hớ hớ – Nhưng nó vừa có việc giám đốc gọi lên Công ty.
Ông Bùi ghé tai bạn: “Mụ béo nói dối! Có vấn đề rồi!”
Ông Tứ cũng thì thầm: “Đúng thế! Chuyện thuộc loại cũ mèm, nhưng không đến nỗi tồi. Tình hình như thế này: Hà không ưng lão. Mụ mối cố dàn xếp vì lão hứa trọng thưởng.”
– Thôi được rồi, tôi về. Cô nói hộ với Hà như thế. Chiều tôi lại đến.
Ông Bùi chỉ cho bạn cái cánh cửa trên bức vách gỗ ngay sát chiếc bàn của hai người. Họ vội làm như đang chăm chú ăn.
Cánh cửa bật mở. Chị béo lăng xăng ra trước với nụ cười rộng toác. Lão già đi sau mặc bộ đồ thể thao trắng, mặt mũi đỏ văng, điệu bộ nhung nhăng rất “ta đây”. Ông Bùi và ông Tứ cùng kêu lên:
– Đàm!!!
Lão già chính là ông Đàm. Thời gian như bất lực; ông Đàm chẳng khác gã Đàm ngày xưa là mấy, chỉ già đi một chút và béo tốt, hồng hào hơn trước. Ông ta há miệng đứng ngay đơ, điệu bộ ngượng nghịu. Ông Đàm ngượng với bạn vì chuyến này về nước, ông cố ý không gặp người quen, dù là bạn thân cũ.
Họ bắt tay nhau gượng gạo.
– Ngồi xuống đây, ông bạn Việt kiều – Ông Bùi kéo ghế – Đây là ông Tứ, chắc ông còn nhớ.
Cái bàn hẹp nên họ giáp mặt nhau. Một cuộc hội ngộ bất tắc dĩ. Ông Bùi bực mình. Giá đừng gặp lại lão thì mình vẫn còn mãi hình ảnh tốt đẹp của một thằng Đàm ngày trước. Lão về nước mà chẳng hề đoái hoài đến bạn bè. Bây giờ biết nói gì với lão. Hỏi vợ con ư? Thì lão đang tính chuyện lấy vợ, hay như một lão già giàu có thời xưa, đang tìm mua một nàng hầu. Còn hỏi có khoẻ không à? Lão vừa đi đứng lâng câng ra dáng một người trẻ trung, sung sức, hiếu động; và bây giờ trước mặt hai ông giáo hưu còm, trông lão giống một cái bao bằng chất dẻo bóng loáng nhồi đầy căng những giăm bông, biptếch, xúc xích, … các món hầm nhừ, quay ròn; các loại rau, hạt, quả, củ… với bánh, kem, bơ sữa,… rượu, bia, và hàng trăm thức bổ béo khác của xứ văn minh. Hỏi về công việc làm ăn thì cúng giống như hỏi về tài sản, vốn liếng, là điều tối kỵ. Nhưng chẳng lẽ cứ ngồi sáp mặt nhau im lặng.
– Ông ở bên ấy thế nào? Ông Bùi chọn một câu vô nghĩa.
– À, cũng nhì nhằng! – Ông Đàm chép miệng, đáp lại một câu tương ứng – Thế còn các ông ở nhà ra sao?
– Tạm tạm cả thôi! Ông Tứ tham gia, để hoàn chỉnh một trò khôi hài về “sự xã giao” Và vì không thể phá lên cười sau trò chơi ấy được, nên họ lâm vào tình cảnh bế tắc. Ông Bùi đành đứng lên giải thoát cho tất cả:
– Gặp lại nhau, thấy mạnh khoẻ, là tốt. Bây giờ bọn tôi có chút việc. Lúc nào rỗi, mời ông đến nhà chơi. Tôi vẫn ở chỗ cũ. – Ông Bùi đành làm kẻ đãi bôi.
Ngoài phố, hai ông bạn già cắm cúi đi. Trong lòng họ đầy ắp những điều muốn nói về cái người gọi là bạn cũ vừa rồi. Giá như còn trẻ, họ đã tranh nhau bình phẩm về “cái thằng đốn đời” ấy, vè sẽ cùng chửi rủa Đàm không tiếc lời. Nhưng họ im lặng. Đến đầu ngõ nhà ông Bùi, họ chia tay nhau. Ông Tứ nói:
– Tôi về. Chiều, ta đi uống bia. Tôi có chỗ hay lắm – Được vài bước, ông ngoái lại nói thêm – Quên béng cái lão ấy đi, cho nhẹ người, ông ạ!
– Được rồi, chiều tôi đến ông, ta nói về chuyện ấy.

Nhưng chiều hôm ấy, ông Bùi đến nhà bạn, thấy thằng cháu nội ông Tứ bị nhốt trong nhà, đu song cửa hớn hở nói ra:
– Ông cháu đi Hải Dương làm “Ôsin” trông cái Bống để cô Vi cháu đi bệnh viện. Bao giờ cô Vi khỏi, thì ông cháu về ăn phở với ông, ông ạ!
Ông Bùi bật cười, thò tay qua song cửa béo má thằng bé một cái rồi đi uống bia một mình.
Hai tháng sau, con gái khỏi bệnh, ông Tứ về. Ông Bùi đón bạn ở ga tàu hoả rồi hai ông đến thẳng cái cửa hàng phở mậu dịch quen thuộc.
– Cho đĩa nạm để uống rượu trước khi ăn phở, nhé! Ông Tứ đã thủ sẵn chai rượu quê đem từ Hải Dương, bảo chị béo thế. Chị ta lắc đầu, mặt nặng như chì. Sực nhớ đây là cửa hàng mậu dịch kiểu cũ, Ông Tứ sáng kiến:
– Thôi được, vậy cho bốn bát phở, dồn làm hai. Mỗi bát chỉ cần một suất bánh nhưng hai suất thịt.
– Phức tạp! Chị béo lại lắc đầu, cau mặt.
Họ lại ăn bát phở như mọi lần. Cũng được thôi, vì thực ra họ chỉ muốn tìm lại cái không khí xưa cũ với những niềm vui thô sơ và cả những điều phiền muộn của một thời, mà bây giờ nhìn lại thấy tức cười.
– Dòng sông hôm qua ta tắm khác với dòng sông hôm nay, dù ta vẫn tắm ở cùng một nơi. Biết bao nhiêu nước đã chảy qua rồi. – Ông Bùi buồn rầu nhìn bát phở bốc khói.
– Kẻ sĩ có khác – Ông Tứ châm chọc bạn – Mới hai tháng, gặp lại cố nhân đã thấy có sự mới là nói ra rặt những lời cũ rích. Nguyên cớ gì mà cảm khái làm vậy, hiền huynh?
– Đàm chết rồi!
– Trời! Lão khoẻ mạnh thế cơ mà! Tai nạn à?
– Không! Theo người thường thì lão chết như một người già chết. Nhưng tôi biết, lão chết vì buồn chán.
– Một lão “kiều” giàu có hợm của, tấp tểnh tìm một nàng hầu non mà lại chết vì buồn! Nếu bảo là cái thằng Đàm làm thơ ngày xưa đã chết vì buồn chán thì còn nghe được.
– Cứ từ từ… – Và ông Bùi kể:
Chính lão tìm đến tôi. Lão khẩn khoản xin lỗi vì đã không liên lạc với bạn suốt bao năm qua và cả khi đã về nước. Lão đã biến thành con người khác; nhưng cái thằng Đàm cũ không để lão yên, vẫn gợi nhớ, thức tỉnh một điều gì đó.
Đàm trốn sang Tây Đức, cầu bơ cầu bất một thời gian, rồi đi làm thuê cho một cửa hàng ăn Tầu. Sau, có một bà đầm Pháp đi du lịch thấy chú bồi da vàng khoẻ mạnh nhanh nhẹn lại thạo tiếng Pháp, bà thích, đem về trang trại của mình ở xứ Lăng-gơ-đốc. Đàm sống kiếp đầy tớ. Ông chủ già yếu, Đàm làm tất cả những gì mà bà chủ nạ dòng muốn. Đàm nghĩ: Cần quái gì! Ở đây Đàm là một thứ bán nhân, chẳng ai xét đoán hắn theo những tiêu chuẩn đạo đức thông thường. Rồi, dần dần Đàm mụ mị đi. Hắn thấy sung sướng, hài lòng với kiếp gia nô và cũng dành dụm được ít tiền. Được bà chủ sủng ái, Đàm hy vọng khi lão chủ già chết, hắn sẽ thay vị trí lão, thừa hưởng cả bà chủ lẫn cái gia tài đồ sộ ấy.
Khi chồng bà chủ ốm chết, Đàm ngỏ ý muốn là người kế vị ông chủ một cách hợp pháp. Bà chủ điên tiết cho hắn một trận “mẹc, sà-lù, cu-soong” thậm tệ. Bà nhắc hắn biết thân phận một “nam tỳ” da màu. Xem ra bà chủ không hề đọc tác phẩm nào của các nhà văn lãng mạn cổ điển Pháp. Bà phạt Đàm, tống vào đội chăn cừu biệt lập, suốt một vụ mới ân xá cho hắn.
Những ngày dài chăn cừu trên núi, buồn như ngày xưa Tô Vũ đi đầy chăn dê nơi đất Phiên. Chiều chiều nhìn mây trắng trời phía Đông, Đàm nhớ tới cái tích cổ nói về mây trong truyện Kiều. Tích kể về một người tha hương đã thành đạt, giàu sang, lên núi Thái-Hàng chơi, chợt nhìn mây trắng lững lỡ bay, ngậm ngùi than rằng quê nhà có cha mẹ ở dưới đám mây kia. Cái nỗi nhớ hiếu nghĩa ấy đã khiến đám mây biến thể của một thời khắc trở thành điển cố “Mây Hàng” vĩnh viễn, biểu thị một hoài niệm nhân ái, đẹp đẽ. Thời gian và cuộc đời có biến cải người ta tồi tệ đến mức nào chăng nữa, thì “đám mây Hàng” lãng đãng trong tâm tưởng mỗi người đến một lúc nào đó sẽ gợi nhớ, sẽ gọi ta về cái thiện thuở nguyên sơ, như một sự hoàn lương.
Rồi, khi tuổi già chợt đến, Đàm nhận ra rằng khối tích vật chất tiền bạc hư hão mà lão tích cóp bằng nỗi tủi nhục triền miên suốt nửa đầu đời, dù có to lớn tới mức khổng lồ cũng không thể lấp đầy và sưởi ấm được khoảng trống ảm đạm lạnh lẽo trong tâm hồn thiếu quê hương, không gia đình, bạn hữu của lão. Đàm xin nghỉ dài ngày, về nước tìm cưới một cô vợ Việt, để xắp đặt cho mình một cuộc sống khác.
Về nước, lão đem theo Ami – con chó chăn cừu trung thành thân thiết suốt thời gian lão sống trên núi. Đàm sống biệt lập trong một căn phòng ở nhà người em cùng mẹ khác cha, không giao du với họ hàng bạn bè. Chỉ chăm chú mỗi mục đích: tìm một phụ nữ để cưới làm vợ.
Nghe đến đây, ông Tứ không nhịn được cười:
– Ô hô! Thôi, để tôi kể nốt… Rồi thị béo ở quán phở này làm mối cô Hà cho lão. Nhưng chuyện không thành. Lão Đàm bực, phát ốm rồi ngoẻo. Ông Bùi nhà ta bèn coi đó là một chuyện tình bi thảm, và lấy thế làm buồn lắm!
– Đừng có ác khẩu! Cứ từ từ, đâu có đó.
… Sau lần lão tìm gặp tôi xin lỗi, tôi đến nhà lão chơi theo lời mời. Dù sao cũng là bạn cũ, mình có cầu cạnh xin xỏ gì lão đâu mà ngại. Tôi bắt gặp lão nước mắt giàn giụa, ngồi trong căn phòng tối, bên chai Cônhắc.
– Có lẽ tôi làm phiền ông? Nếu có điều bất tiện, tôi sẽ đến vào dịp khác. Tôi cố ý khách sáo, nói với lão bằng tiếng Pháp, theo đúng mẫu câu kinh điển.
– Thôi đi, tôi đã xin lỗi ông rồi mà. Vậy ông còn ác với tôi thế làm gì?
Kể ra tôi cũng tệ. Chắc lão có điều gì đau khổ. Lão rót rượu cho tôi:
– Những người như chúng ta, có đốt thành tro cũng chẳng thay đổi. Dù thế nào đi chăng nữa, chúng ta vẫn là bạn tốt của nhau. Anh bạn thân yêu của tôi ạ! Nào! Uống, vì tình bạn! – Lão chạm ly vào cái ly của tôi còn đặt trên bàn.
Thôi đành dốc cạn chén đời
Rồi mang xuống huyệt một trời khát khao
Thôi đành thức giấc chiêm bao
Quận Nam Kha (*) ở nơi nào cũng thôi!…

Lão đọc một mẩu thơ, chẳng biết của ai, nhưng chắc không phải thơ của lão vì người làm thơ như thế không thể sống như lão. Rồi, sau khi nốc cạn ly rượu, lão đổi cách xưng hô – Tao tính nhầm, xin được “mày, tao” như ngày xưa. Tao đã đặt cả cuộc đời mình vào một ô đen đủi, và đã thua đau, chỉ được nỗi buồn và sự tủi hổ khôn cùng. Nhưng, mày đừng nghĩ tao đã hoàn toàn là một thằng khốn kiếp, Bùi ạ!
Tôi im lặng nhìn lão. Đột nhiên lão rũ xuống. Cái túi nhồi căng những nông sản, thực phẩm của cái trang trại xứ Lăng-gơ-đốc ấy xẹp lại, dúm dó như chỉ còn chứa toàn rượu và nỗi buồn. Lão ôm mặt nấc to:
– Bùi ơi! Nó chết rồi! Con Ami của tao, con chó chăn cừu ấy chết rồi! Nó chết đêm hôm qua. Nó bồn chồn mấy tuần nay, từ cái buổi chiều có gió mùa. Ami theo tao lên sân thượng nhìn về phía Tây. tao biết, nó nhớ đồng cỏ dưới đám mây xa tít tắp kia, nhớ gió núi, và nhớ cả những con sói mà nó vẫn giao chiến để bảo vệ bầy cừu nữa. Thế rồi, như không thể chịu được, nó đành rời bỏ tao, liều mạng trốn khỏi cái khu phố đông ngẹt người và chật cứng những ngôi nhà hỗn độn xám xịt này, hòng tìm về cánh đồng xanh của nó. Nhưng làm sao nó thoát được. Bọn bắt trộm chó rượt đuổi. Lũ chó hoang cắn xé nó để tranh cướp khúc xương. Sau một tuần lễ, dù đã thân tàn ma dại nhưng khả năng tuyệt vời của giống chó becgiê vùng Lăng-gơ-đốc vẫn giúp nó lết tìm về, cào cào vào cánh cửa phòng tao đêm qua. Tao mở cửa, lao ra ôm xiết Ami vào lòng, mắng yêu nó, rỏ nước mắt xuống bộ lông rách tướp xác xơ và nói với nó những lời âu yếm nhất. Ami dụi mõm vào tay tao, cố vẫy đuôi, rên lên như muốn xin lỗi tao, rồi chết. Nó đã chết trong nỗi nhớ thảo nguyên. Sáng nay, tao đem nó về đám ruộng sau ngôi nhà cũ của tao ở cầu Rào chôn, để nó thấy lại chút hơi hướng đồng quê. Giá mà… Sau này chết đi, tao được nằm cạnh Ami.
Lão Đàm rót rượu nữa, nhưng chai đã cạn, lão say không đứng dậy nổi để lấy chai khác; lão đổ luôn ly rượu chưa hề ghé môi của tôi vào ly của lão, uống cạn một hớp. Đúng là cái kiểu thằng Đàm ngày xưa, ăn uống tục tợn.
– … Chỉ tuần sau là tao đưa Ami về Pháp, vậy mà nó không chờ đợi nổi. Mày thử nghĩ xem, có phải tao khổ hơn Ami không? Đối với nó, chỉ cần trở về cái xứ Lăng-gơ-đốc kia là mọi chuyện trở nên tốt đẹp. Trước khi chết, nó còn được chủ ôm vào lòng với tình thương yêu chân thành nhất. Còn tao, ở cái trang trại tít tắp xứ người, tao nhớ đến phát điên quê hương dưới dưới cái đám “Mây Hàng” ấy. Nhưng về đây, tao vừa là người thế hệ cũ, vừa là người của một xứ xa lạ, một lão “kiều” giàu có đáng nể mà đáng ghét. Ở bên Pháp, thì tao là kẻ lạc loài, dị chủng. Thế là không nơi nào phù hợp với tao.
– Còn chuyện cưới cô Hà hàng phở? Tôi quyết định quất cho lão một roi nữa, dù biết lão đang rất đau. Cũng là cách giúp lão.
Đàm ho rũ một hồi rồi nhăn nhó cười:
– Trước khi gặp lại các ông, không phải là tôi không còn biết đến đạo lý nữa. Nhưng tôi thấy rằng người đời bình thường sống đơn giản, dễ chịu hơn các nhà đạo đức, các bậc thánh hiền. Vậy tôi cứ sống như những người bình thường. Nếu Hà bỏ cái gã bảo vệ ấy để lấy tôi, thì cô ta sẽ sung sướng như một cô gái may mắn lấy được chồng “kiều Pháp”. Gã bảo vệ có thể buồn một chút nhưng chính gã cũng sẽ cho chuyện ấy là lẽ thường. Bằng chứng là gã vẫn trở lại hàng phở ấy ăn uống ngon lành như trước. Mà chắc gì Hà và gã bảo vệ lấy nhau có được hạnh phúc trong sự nghèo khó.
Nhưng gặp lại các ông, tôi nhớ những ngày xưa. Nỗi nhớ cũng đắc dụng lắm! Có người lầm lẫn “nhớ” với “thèm khát”. Thèm khát là nỗi nhớ của bản năng hoang dã, có khi đồng loã với sự thấp hèn để đến với cái ác. Còn nỗi nhớ như đám “mây Hàng”, là sự hướng thiện, cho ta nỗi buồn cao thượng, làm tâm hồn ta đẹp và phong phú hơn. Có thể tôi đã biện luận lộn xộn, song đúng là khi nhớ tới ngày trước, tôi như nhìn thấy lại cái bản thiện của mình. Tôi xấu hổ với Tôi-ngày-xưa. Về chuyện cô bé Hà, tôi bỏ cuộc. Tuy vậy tôi vẫn dặn mụ béo rằng nếu Hà bằng lòng làm vợ rôi, thì báo cho biết. Nếu không, tôi đành trở lại Pháp. Tôi sẽ lấy phứa một ả An-nét hay Ma-ri người Pháp, người Đức gì đó; tóc hung tóc vàng cũng được; đẻ mấy đứa con lai da nhuôm nhuôm, sống nốt mấy năm cuối đời, rồi chết… Chỉ thương Ami, sau này không có tôi nằm cạnh nó.
Nghe đến đây, ông Tứ bình một câu:
– Chỉ mỗi đoạn về con chó chết nghe còn tạm được, chứ cái tâm sự và lý sự của lão thì… cũng “bình thường” như lão nói.
Ông Bùi vẫn nghiêm túc:
– Ông cứ việc độc miệng, kệ ông. Tôi kể tiếp.
Nghe Đàm trút tâm sự xong, tôi chẳng biết làm gì, đành nói một câu vớ vẩn: “Thôi ông ạ! Đời ấy mà!” Rồi ta về.
Tuần trước, người em cùng mẹ khác cha của Đàm đến nhà tôi báo rằng ngay đêm cái hôm tôi đến thăm Đàm, ông ta say khướt rồi chết vì xuất huyết não. Đám ma lèo tèo vài người trong họ. Khi lục tìm giấy tờ để làm các thủ tục cần thiết, người em thấy địa chỉ của tôi. Dù sao Đàm cũng toại nguyện, được nằm lại quê nhà, cạnh con Ami… Hôm nào chúng mình sẽ đi thăm mộ Đàm.
– Và đem viếng lão một vòng hoa trắng. Ông Tứ nói thêm, không hề tỏ ý đùa cợt. Ngẫm cũng đúng, nên ông Bùi không bảo bạn là “ác khẩu” nữa.
– Thế còn Hà? Ông Tứ hỏi.
Ông Bùi đưa mắt về phía góc phòng. Chàng “Ma-ri-uýt bảo vệ” đang hớn hở ngồi ăn bát ôtô cơm nguội trộn phở. Một cô gái hơi béo nhưng cũng dễ coi, đang cầm gáo nước dùng chan vào bát cho anh ta. Vẫn cái gáo tôn to đùng khói bốc nghi ngút, trông xa cứ như là cô ta đang giúp anh chàng tắm nước nóng, chẳng thơ mộng chút nào. Đó là Hà. Cô gái đến bên hai ông:
– Hai bác để cháu thay nước dùng nóng. Các bác ăn bát phở cuối cùng ở đây đấy! – Hà buồn rầu nói – Ngày mai đóng cửa hàng này rồi. Để bàn giao cho liên doanh gì ấy. Chúng cháu về công ty chờ việc.
Cả hai ông già đều ngạc nhiên, đồng thanh: “Thế à?!” Và cả hai đều cảm thấy buồn, nuối tiếc một điều gì đó không rõ.
Ngoài phố, hai ông bạn già khẽ nói chuyện với nhau:
Ông Tứ: Tôi nghĩ là Hà sẽ phải chờ việc lâu, vì cô bé chẳng có nghề ngỗng gì. Anh chàng bảo vệ cũng lâm nguy, vì không còn chỗ mua phở rẻ để ăn cơm. Nếu hai người lấy nhau sẽ ra sao nhỉ?
Ông Bùi: Thì cũng như mọi đôi khác thôi. “Bình thường” như Đàm nói.
Ông Tứ: Tôi lại nghĩ, Hà chê lão Đàm, hay còn lưỡng lự? Nếu không gặp lại chúng mình, không phải dằn vặt, có thể lão vẫn sống và tiếp tục cầu hôn. Trước cảnh ngộ mới này, Hà có bằng lòng lấy lão không? Nếu lấy lão, sang Pháp, có bao giờ nhìn đám mây xa, Hà trạnh nhớ tới chàng “Ma-ri-uýt bảo vệ” ngày trước và ân hận không?
Ông Bùi: (thở dài) Nghĩ lẩn thẩn thế nào kệ ông, chỉ biết rằng từ ngày mai, chúng ta mất một chỗ thú vị. Rồi sau đây, qua nơi này, ta sẽ như nhìn thấy đám “mây Hàng”, gợi một nỗi buồn nhớ vu vơ …

BV

(*) Tích cổ Trung Hoa: Hàn sĩ Thuần Vu Phần nằm ngủ dưới gốc cây hoè, mơ thấy mình được làm phò mã nước Hoè An và được bổ làm thái thú quận Nam Kha. Tỉnh dậy, thấy mình vẫn nằm dưới gốc hoè.

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder