Mấy ý kiến về nhà chính trị và nhà văn hóa Phạm Quỳnh (1892-1945) – Trần Thanh Đạm

Cũng như “thành công” của mọi “sự nghiệp” thực dân hoá của Pháp ở Việt Nam, “thành công” của Nam Phong có hai mặt: mặt tác dụng chính là phục vụ cho chính sách văn hoá nô dịch của thực dân song mặt tác dụng phụ là góp phần thúc đẩy phần nào cho văn hoá dân tộc đang có nhu cầu đổi mới. Lấy ví dụ như phong trào đề cao, sùng bái Nguyễn Du và Truyện Kiều với danh nghĩa đề cao quốc ngữ, quốc văn, quốc học với câu nói nổi tiếng của Phạm Quỳnh: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”…

Cũng như “thành công” của mọi “sự nghiệp” thực dân hoá của Pháp ở Việt Nam, “thành công” của Nam Phong có hai mặt: mặt tác dụng chính là phục vụ cho chính sách văn hoá nô dịch của thực dân song mặt tác dụng phụ là góp phần thúc đẩy phần nào cho văn hoá dân tộc đang có nhu cầu đổi mới. Lấy ví dụ như phong trào đề cao, sùng bái Nguyễn Du và Truyện Kiều với danh nghĩa đề cao quốc ngữ, quốc văn, quốc học với câu nói nổi tiếng của Phạm Quỳnh: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”.

Phạm Quỳnh là một nhân vật chính trị và văn hoá phức tạp trong thời kỳ trước Cách Mạng Tháng Tám từ giữa thập niên 1910 đến giữa thập niên 1940. Cũng như Trương Vĩnh Ký cuối thế kỷ XIX, Phạm Quỳnh là người bẩm sinh cực kỳ thông minh, chỉ xuất thân từ trường đào tạo phiên dịch tiếng Pháp (Trường thông ngôn – École des Interprètes) song rất nhanh chóng có trình độ cao về Pháp văn và cũng như đa số các trí thức thời đó có một vốn học về Hán văn nên sớm nổi tiếng là nhà trí thức xuất sắc đương thời, đứng đầu bốn vị Tây học: Quỳnh (Phạm Quỳnh), Vĩnh (Nguyễn Văn Vĩnh), Tố (Nguyễn Văn Tố), Tốn (Phạm Duy Tốn).

Tên tuổi của ông gắn liền với tạp chí Nam Phong (1917-1934) do Louis Marty, Giám đốc cơ quan chính trị Đông Dương, tức Chánh sở mật thám Đông Dương sáng lập và giao cho ông làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Chủ đích của tạp chí này khá rõ ràng: phục vụ cho chính sách của thực dân Pháp từ đại chiến Thế giới thứ Nhất (1914-1918) trở về sau. Chính sách đó do Toàn quyền Albert Sarraut chủ xướng, dưới chiêu bài “Hợp tác Pháp – Nam”, nhằm củng cố chế độ thuộc địa, xoa dịu phong trào yêu nước sôi nổi đầu thế kỷ XX đã bị đàn áp năm 1908 nhưng vẫn còn ảnh hưởng và sau đó bắt đầu có ảnh hưởng của Nguyễn Ái Quốc sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917 và những năm 1920.

Có thể xem tạp chí Nam Phong là ngọn cờ văn hoá của chủ nghĩa thực dân với chủ trương “dung hòa văn hoá Đông – Tây”, kết hợp truyền bá văn hóa, văn minh “Đại Pháp” với phục hồi các “quốc túy, quốc hồn” của văn hóa phong kiến bằng công cụ là chữ quốc ngữ, vốn được đề xướng bởi các nhà nho yêu nước duy tân thời Đông Kinh Nghĩa Thục, nhưng lúc này chuyển thành công cụ của văn hoá thực dân – phong kiến mang bộ mặt của chủ nghĩa dân tộc thỏa hiệp với chế độ thuộc địa.

Nhờ sự bảo hộ của chính quyền thực dân và tài năng xuất sắc của Phạm Quỳnh, trong tình hình thoái trào của phong trào yêu nước trong thập niên 1910-1920, tạp chí Nam Phong cùng với tên tuổi của Phạm Quỳnh nổi tiếng từ Bắc chí Nam, nhờ khai thác được tâm lý yêu nước thỏa hiệp bằng con đường bảo tồn ngôn ngữ văn hoá dân tộc một cách hợp pháp, xua tan ảnh hưởng của tinh thần ái quốc từ đầu thế kỷ XX và ảnh hưởng của phong trào cách mạng dân tộc dân chủ sắp sửa hình thành trong những năm 20, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930. Đó là nguyên nhân sâu xa của “thành công” tạp chí Nam Phong cùng với sự nghiệp văn hoá – học thuật của Phạm Quỳnh.

Cũng như “thành công” của mọi “sự nghiệp” thực dân hoá của Pháp ở Việt Nam, “thành công” của Nam Phong có hai mặt: mặt tác dụng chính là phục vụ cho chính sách văn hoá nô dịch của thực dân song mặt tác dụng phụ là góp phần thúc đẩy phần nào cho văn hoá dân tộc đang có nhu cầu đổi mới. Lấy ví dụ như phong trào đề cao, sùng bái Nguyễn Du và Truyện Kiều với danh nghĩa đề cao quốc ngữ, quốc văn, quốc học với câu nói nổi tiếng của Phạm Quỳnh: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”.

Câu nói này được nhiều người đương thời tán đồng, hưởng ứng do lòng mến mộ quốc văn, tưởng qua đó tỏ lòng ái quốc. Song các nhà chí sĩ kỳ cựu như Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng lại cho là sự lừa mị, bởi vì các cụ lập luận ngược lại: dân tộc đã chìm đắm, nước đã không còn thì ngôn ngữ, văn hóa đứng trước nguy cơ tiêu vong (Bài Bàn về quốc văn của Ngô Đức Kế là sự phản bác của nhà chí sĩ này đối với Phạm Quỳnh).

Cuộc tranh luận về Truyện Kiều, về quốc văn, quốc học, quốc vận thời kỳ này cần được nghiên cứu đi vào thực chất, không chỉ trên bề mặt, điều này cho đến nay vẫn chưa được hoàn toàn rõ ràng. Nguyên nhân là do tính hai mặt phức tạp, mâu thuẫn của nó. Nhiều người bênh vực Phạm Quỳnh, phản đối Ngô Đức Kế song cũng có xu hướng ngược lại, bênh vực Ngô Đức Kế, chỉ trích Phạm Quỳnh. Cuộc tranh luận này cũng góp phần làm bộc lộ bản chất của tạp chí Nam Phong và hoạt động văn hoá của Phạm Quỳnh. Phạm Quỳnh đã hai lần im lặng, không dám tranh luận với Ngô Đức Kế và Huỳnh Thúc Kháng.

Trong thời gian làm việc cho tạp chí Nam Phong đã hình thành tư tưởng chính trị của Phạm Quỳnh: Dựa vào thực dân Pháp và chế độ quân chủ để thực hiện độc lập quốc gia theo chế độ quân chủ lập hiến (Loạt bài Essais Franco-Indigènes – Tiểu luận Pháp – Việt). Chính tư tưởng chính trị này dẫn Phạm Quỳnh từ bỏ con đường làm báo, dấn thân vào con đường làm quan. Từ chức Ngự Tiền Văn phòng của Bảo Đại đến Thượng thư Bộ Học tiến lên Thượng thư Bộ Lại, đứng đầu nội các của Nam triều, thay thế nội các của Nguyễn Hữu Bài, tranh quyền chức đầu triều với Ngô Đình Diệm, thắng lợi nhờ sự đỡ đầu và sự tín nhiệm của Toàn quyền Pierre Pasquier, ông phục vụ tận tụy cho đường lối này hơn 10 năm cho đến khi Nhật đảo chánh Pháp 9/3/1945.

Suốt thời gian đó, Phạm Quỳnh không hề thực hiện được chút nào “lý tưởng” chính trị của mình, ngay cả sửa đổi chút ít chế độ giáo dục nô dịch khi làm Bộ Trưởng Bộ Giáo dục Nam triều cũng không được. Dư luận trí thức đương thời công kích và chế nhạo sự tiến thân của ông. Có người lấy làm tiếc. Tuy vậy, ông vẫn không nhận thấy sai lầm, vẫn trung thành tận tụy với chế độ thực dân phong kiến, cho đến khi bị gạt bỏ một cách nhục nhã trong sự chê cười của dư luận sau 9/3/1945.

Đương thời, tuy Phạm Quỳnh được đánh giá cao về tài năng người viết văn, làm báo, song bị đánh giá thấp về nhân cách người học giả, người trí thức. Ngô Tất Tố cho rằng ông và Nguyễn Văn Vĩnh “đánh bài Tây” với nhau, đánh lừa người khác để thu lợi chia nhau. Tản Đà – Nguyễn Khắc Hiếu thậm chí chê ông tuy có tài làm báo song “lập thân ám muội”. Chung quy là vì ông hợp tác quá “chân thành” với Pháp. Có lẽ điều đáng ghi nhận nhất của ông là tuy làm quan cao chức trọng như vậy cho chế độ thực dân, phong kiến, song không nghe nói ông có phạm tội gì làm hại những người yêu nước và cách mạng như những tên tay sai thô bỉ và độc ác khác.

Tuy phạm sai lầm to lớn về chính trị, song ông vẫn còn giữ được ít nhiều phong độ trí thức, nhiều người chê trách ông song cũng nhiều người kính nể ông. Cũng giống như Trương Vĩnh Ký ngày trước, ông tự nguyện làm một thứ công cụ cho bọn thực dân cáo già, phục vụ cho chính sách giảo quyệt của chúng, được chúng tin cậy, ưu đãi và thực lòng tin cậy, hy vọng vào chúng. Lúc nhận ra, tỏ lòng tiếc nuối và hối hận thì đã muộn rồi như những lời thú nhận muộn màng của ông vào cuối đời. Ở điểm này, ông cũng giống Trương Vĩnh Ký, song ông không được may mắn bằng Trương Vĩnh Ký. Cuối đời ông diễn ra trong bi kịch và kết thúc trong thảm kịch. Bởi vì chế độ mà Trương Vĩnh Ký phục vụ thắng lợi còn chế độ mà Phạm Quỳnh phục vụ thì sụp đổ. Đó là chỗ khác nhau, có sự ngẫu nhiên song cũng có phần tất yếu. Lịch sử ở đây công minh song cũng hơi tàn nhẫn.

Điều đáng tiếc và đáng thương là cái chết của Phạm Quỳnh. Quả là ông đã gặp một tai nạn, tai hoạ. Ông là nạn nhân đáng tiếc của tính tự phát lịch sử, kể cả lịch sử cách mạng. Vì Cách mạng có phần tự giác mà cũng có phần tự phát, ngoài ý muốn của các nhà cách mạng chân chính. Tiêu biểu là thái độ và tình cảm của Bác Hồ đối với ông được người đương thời làm chứng và thuật lại. Có nhiều chứng cứ và chứng nhân, song tôi chú ý lời kể của nhà thơ Huy Cận khi từ Huế trở về gặp Bác, báo cáo với Bác về chuyện Phạm Quỳnh gặp nạn ở Huế: “Bác thở dài, nắm tay tôi và nói: “Đã lỡ mất rồi!””.

Quả đúng là tấm lòng của Bác và cũng là chính sách của Bác. Đồng thời và đồng liêu với Phạm Quỳnh còn có bao nhiêu nhân vật, nhân sĩ của chính quyền Nam triều khác như: Thái Văn Toản, Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Vi Văn Định, Ngô Đình Diệm và bao nhiêu người khác nữa, nhất là vị hoàng đế đương thời là Bảo Đại, chưa nói đến các vị như Bùi Kỷ, Phạm Khắc Hoàng, Vũ Đình Hoè, Phan Anh, Hoàng Xuân Hãn,… trong chính phủ Trần Trọng Kim. Có ai bị cách mạng kết án hay xúc phạm gì đâu, nói chi đến xử tử hình. Rõ ràng là Phạm Quỳnh gặp tai nạn, tại họa rất đáng tiếc.

Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng Phạm Quỳnh nếu không gặp tại nạn không may ấy mà còn sống đến sau cách mạng thì với tài năng, tấm lòng và phẩm chất trí thức cá nhân của ông, với chính sách đoàn kết rộng rãi của Bác Hồ, nếu không tham gia cách mạng và kháng chiến, không tiếp tục đóng góp cho văn hóa học thuật, thì ông ít nhất cũng được sống an toàn, yên ổn như một người Việt Nam bình thường, như bao người khác. Riêng tôi, tôi tin tưởng ông có thể như Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Thái Văn Toản, Vi Văn Định. Chứng cớ là gia đình ông, các con ông đều đã là những chiến sĩ yêu nước, những hiền tài giúp nước như Phạm Khuê, Phạm Tuyên, các con khác tuy ở nước ngoài song tôi không hề nghe có lời nói hay hành vi chống lại tổ quốc hay cách mạng, vẫn một lòng trung với nước, hiếu với dân, dù rất đau đớn vì sự tử nạn của người cha thân yêu, song không hề bị kẻ địch và bọn xấu mua chuộc, lợi dụng, vẫn hy vọng có ngày chiêu tuyết cho cha.

Tấm lòng yêu nước của những con người đó tôi nghĩ cần đánh giá cao gấp nhiều lần những người bình thường khác. Tôi là bạn của nhạc sĩ Phạm Tuyên, tôi cho rằng mình thấu hiểu nỗi lòng của anh bao nhiêu năm đi theo cách mạng và kháng chiến với cái tang cha trên ý thức và lương tâm mình. Thế nhưng, anh đã sáng tác những ca khúc đẹp biết bao, hùng tráng biết bao, tươi sáng biết bao, chỉ có thể là sự thăng hoa của một tâm hồn vô cùng thánh thiện.

Tôi không được biết các anh, chị, em của anh, song tôi tin là vẫn cùng một dòng máu ấy, tâm hồn ấy. Trong chính trị, nhất là trong những thời kỳ phức tạp, bi đát của lịch sử, người trí thức trung thực và lương thiện có thể phạm những sai lầm, đi sai đường mà không tự giác. Trong thế kỷ XX có bao nhiêu trường hợp như thế. Cả những người tốt như Nguyễn Du ngày xưa cũng không dễ gì nhận ra đâu là xu hướng chính của lịch sử, như Tố Hữu đã viết:

Hỡi lòng tê tái thương yêu
Giữa dòng trong đục cánh bèo lênh đênh…
Ngẫn ngơ trông ngọn cờ đào
Đành như thân gái sóng xao Tiền Đường…

Hơn 60 năm nay, ông là một câu hỏi lớn, một mối hồ nghi trong dư luận và nhận thức của bao nhiêu người ở bên này bên kia chiến tuyến. Giằng xé đó làm cho vấn đề Phạm Quỳnh càng trở nên rắc rối, phức tạp thêm. Cách mạng khó giải thích, thanh minh, phản cách mạng muốn khai thác, lợi dụng. Nỗi đau của gia đình ngày càng lớn vì sự oan khuất của ông.

Khác với những người đương thời, tấm lòng của hậu thế đối với người xưa thường trân trọng hơn, bao dung hơn và công minh hơn. Độ lùi về thời gian cũng giúp cho cái nhìn vào lịch sử sáng suốt hơn, thấu tình đạt lý hơn. Không nhập nhoạng biến xấu thành tốt, biến tội thành công, đảo điên chính tà, lẫn lộn phải trái, song đối với những nhân vật lịch sử có số phận bi kịch như Phan Thanh Giản thế kỷ XIX, Phạm Quỳnh thế kỷ XX, thiết tưởng cần có sự đánh giá lại một lần nữa để thể hiện tấm lòng của lớp người đi sau đối với lớp người đi trước. Phải rộng trí hiểu biết để rộng lòng tha thứ, để trân trọng, để thương yêu. Đãi cát tìm vàng, gạn đục khơi trong.

Lịch sử dân tộc bao gồm mọi cống hiến nhỏ to của mọi người con rứt ruột đẻ ra của dân tộc qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Thế hệ ngày nay cũng không bỏ sót một cống hiến, mọi giá trị nào từ những hy sinh, đau khổ, máu xương của các tiền nhân; những người vô danh đã vậy, huống hồ là những con người đã để lại dấu vết của mình trong lịch sử, những giá trị tinh thần và văn hoá kèm theo những giọt máu của lòng mình và cả thân xác, sinh mệnh của mình.

Chúng ta mong mỏi sang thế kỷ XXI, tinh thần Đại đoàn kết của Hồ Chí Minh không chỉ bao trùm lên tất cả những người còn sống mà cũng hòa giải được cả những người đã khuất, nhất là những người cùng chịu những đau khổ, hy sinh, tổn thất do tai họa chung của dân tộc mà thủ phạm là các thế lực tham lam độc ác từ bên ngoài gây ra cho chúng ta từ thế kỷ XIX và vẫn chưa buông tha chúng ta cho đến đầu thế kỷ XXI.

T.T.Đ.

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder