Miền kí ức – bút kí của Ngô Xuân Tiếu

Bánh chưng mẹ gói không cần khuôn, cái nào cũng vuông vức, đông thành, sắc cạnh. Vừa gói bánh mẹ vừa kể sự tích “bánh giầy tròn, bánh chưng vuông” của Lang Liêu con trai út vua Hùng, dâng bánh lên vua cha ngày Tết. Vua khen ngon, và ý nghĩa sản phẩm từ nền nông nghiệp lúa nước châu thổ sông Hồng…

Bánh chưng mẹ gói không cần khuôn, cái nào cũng vuông vức, đông thành, sắc cạnh. Vừa gói bánh mẹ vừa kể sự tích “bánh giầy tròn, bánh chưng vuông” của Lang Liêu con trai út vua Hùng, dâng bánh lên vua cha ngày Tết. Vua khen ngon, và ý nghĩa sản phẩm từ nền nông nghiệp lúa nước châu thổ sông Hồng…

Quả đất xoay một vòng khép kín 365 ngày. Là Tết Nguyên Đán đem mùa xuân đến với mọi miền đất nước. Đón tết, đồng nghĩa với mừng xuân, thời điểm trăm hoa đua nở. Một sự giao thoa kỳ diệu của đất trời. Cảm ơn tổ tiên khéo chọn thời điểm cho cái Tết cổ truyền dân tộc. 
Không khí chuẩn bị Tết thật náo nhiệt: Dân làng gói bánh chưng, bánh giầy, giã giò, gói nem… trang trí nhà cửa, nơi thờ phụng; chạp mộ, mời tổ tiên về ăn Tết, tiễn ông công về trời. Đêm ba mươi động thổ xua đuổi ma tà. Háo hức đón xuân sang. Sáng mồng một Tết có lệ “ xông đất” còn gọi là xông nhà, chúc mừng năm mới. Mừng tuổi ông bà, cha mẹ, bạn bè, trẻ thơ. Người lớn chọn hướng xuất hành, đi chùa hái lộc; nam thanh, nữ tú nô nức đến hội làng; trẻ con tung tăng áo mới theo mẹ đi chúc Tết ông bà ngoại, hoặc đến xem hội làng… 
Chất văn hóa, tín ngưỡng dân gian, ăn sâu vào tiềm thức người Việt Nam như viên ngọc trai lấp lánh trong tâm khảm mỗi người. Một nền văn hóa nhân văn, nhân bản, dẫu vận nước trãi bao thăng trầm suốt mấy ngàn năm, cốt cách Việt Nam vẫn sáng ngời!

Nhớ khi níu váy mẹ, tôi đi chợ Tết: Chợ đông ngẹt người, hàng hóa nông, hải sản, rau quả, thịt cá, tôm hùm, nước mắm Nghệ, gà, vịt, lợn, rượu, gạo, bánh, mứt, kẹo đủ loại. Đường mật, lá dong, vải vóc, quần áo, xoong nồi, cho đến bó đũa, que tăm; hoa giấy, hoa tươi đủ loại. Tranh Đông Hồ, trống bỏi, tò he… Kẻ bán, người mua, người đi chơi chợ tấp nập đông vui.
Tôi rụt rè chỉ vào cái áo len đỏ, đòi mua. Mẹ xao đầu bảo: “ Cái áo này bằng hai tạ thóc, hơn một tháng ăn cả nhà ta đấy. Mẹ đang may cho con bộ quần áo nâu, ở hiệu ông Giai. Tết này con sẽ có quần áo mới. Khi nào có tiền, mẹ mua áo len cho con trai.” Sợ mình nghe nhầm, tôi vội hỏi:
– Thật không mẹ? 
-Ừ. Mẹ kéo vạt áo lau nước mắt, gượng cười. Hôn lên trán con, bà nói:
– “ Con cố học giỏi, mai sau mới có cơm ngon, áo đẹp!”
Sau này, mỗi khi đứng trước gương thắt cà vạt, đến công sở, tôi lại nhớ khi mẹ đi chợ Tết vẫn mặc vuông yếm vá. Và những giọt nước mắt người đẫm vạt áo nâu, khi tôi đòi mua chiếc áo len đỏ, ở phiên chợ Tết năm nào.

Từ hai mươi lăm tháng chạp, không khí chuẩn bị Tết trong làng đã sôi động. Nhà nhà quét vôi, phát rào, dọn ngõ, lau đồ thờ; thôn xóm tổng vệ sinh sạch sẽ. Đào, mai, cây kiểng đổ về các ngõ. Lá dong ôm cột ngoài hiên, cây đu, trống chèo, sân chơi cờ người, bóng chuyền, bài điếm, bóng bàn, xới vật… đã sẵn sàng. Bọn trẻ con chúng tôi chỉ mong sáng mồng một được mặc quần áo mới, và nhận tiền mừng tuổi. Được ăn bánh chưng, mứt, kẹo. Tha hồ đánh đáo, chơi cù… 
Trong các trò chơi, bọn con trai thích xem các anh, chị chơi đu, đấu vật, chọi gà. Con gái chơi ô ăn quan, đánh thẻ, chơi bài Tam cúc, nhảy dây, xem hát chèo, hoặc níu váy mẹ đi chùa lễ phật…
Từ hai mươi bẩy, hai tám tết, các gia đình khá giả mổ lợn, lấy thịt làm nhân bánh chưng, giã giò, gói nem… tiếng chày thì thọp rộn ràng. Chị em phụ nữ ra sông gánh nước đổ đầy chum, bể để ăn uống, tắm giặt trong dịp Tết.Từ tảng sáng, lợn bị chọc tiết hộc lên eng éc… vịt kêu càng cạc… tiếng pháo tép của bọn trẻ chúng tôi nổ đì đùng khắp xóm. 
Các chú rể tương lai, đi tết bố, mẹ vợ những đôi gà trống thiến to, đuôi dài như đuôi công, hoặc những đôi vịt bầu béo mẫm… Bọn trẻ chúng tôi, đến nhà mấy bác thợ may trong làng khấp khởi mong lấy được quần áo Tết. Mấy bác thợ may cười hiền bảo chúng tôi: “ Đến chiều ba mươi sẽ đâu vào đó, bác hứa đấy. Cứ yên tâm, Tết này cháu sẽ có quần áo mới, đừng lo!”

Cùng với dân làng, tôi được ông nội đưa đi chạp mộ vào chiều hai mươi chín Tết. Ông cháu phát cây, cỏ trên từng ngôi mộ. Thắp hương kính cẩn mời tổ tiên về quê ăn Tết. 
Ông tôi nói rõ tên, tuổi, ngôi thứ, nhân cách, học vấn của từng người dưới mộ. Không quên dặn cháu:- “ Phải cố học hành mới thành người có ích! Ông kể:Thời Pháp thuộc, cả tổng mười bốn xã chỉ có ba nhà giáo, nhà ta góp hai cụ. Ông dạy tôi cách chăm sóc mồ mả tổ tiên. Người chỉ lên sườn núi, sương khói bảng lãng, nhấp nhô bóng người chạp mộ, dâng hương nói:- Cháu thấy không, từ trên núi cao, đến cồn bãi, các cánh đồng ánh lửa sáng trưng, hương khói tâm linh thơm ngát một vùng. Con cháu đang mời gia tiên về quê ăn Tết đấy. Văn hóa tâm linh uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam cần phải giữ gìn!”
Sáng ba mươi Tết, tôi mài mực cho ông nội viết câu đối mừng xuân. Xem ông treo, và giảng ý nghĩa hai bức tranh cổ: “ Hứng dừa.” và “ Đám cưới chuột.” Cái hay, cái đẹp của mỗi bức tranh, tôi còn nhớ đến giờ!
Viết câu đối mừng xuân là niềm đam mê của ông tôi, không những viết cho nhà, ông còn tặng bà con trong làng đến xin chữ cụ đồ mỗi khi Tết đến xuân về.

Tôi háo hức giúp mẹ lấy củi, quét sân nhà, lau lá dong chuẩn bị gói bánh chưng, chia sẻ công việc bận rộn nhưng rất vui, vì Tết đến rất gần. Thi thoảng tôi bấm đốt ngón tay xem còn mấy giờ nữa đến giao thừa? Thấy thế, mẹ tôi mỉm cười… Bà nói:- Mẹ đang lo cuống lên, làm không hết việc, con thì muốn Tết đến ngay, rõ thật là… 
Mẹ tôi là người đàn bà đảm đang, giỏi việc đồng áng, chợ búa, nấu ăn ngon. (Những năm làng còn thi cỗ gơ, cỗ mẹ làm thường được giải nhất). Bà biết làm nhiều loại bánh ngon như: Bánh chưng, bánh cúc, bánh gai, bánh mật, bánh chè lam Phủ Quảng, bánh giầy, bánh lá răng bừa, bánh trôi nước, bánh cốm, giã giò, làm nem, chả trong dịp lễ, Tết.

Bánh chưng mẹ gói không cần khuôn, cái nào cũng vuông vức, đông thành, sắc cạnh. Vừa gói bánh mẹ vừa kể sự tích “bánh giầy tròn, bánh chưng vuông” của Lang Liêu con trai út vua Hùng, dâng bánh lên vua cha ngày Tết. Vua khen ngon, và ý nghĩa sản phẩm từ nền nông nghiệp lúa nước châu thổ sông Hồng… 
Mẹ dạy tôi gói bánh chưng từ đó. Sau này, tôi gói bánh Tết trong quân đội. Khi về hưu dạy con cháu gói bánh chưng, giã bánh giầy dâng tổ tiên ngày Tết. Không có bánh chưng không phải Tết! Tôi nói với người thân trong nhà như vậy. Mỗi khi ăn miếng bánh chưng thơm ngon, lại nhớ đến hoàng tử Lang Liêu, và công lao của tổ tiên mình những ngày lập Quốc!
Tết nào mẹ cũng gói cho ba anh em tôi mỗi đứa một cái bánh chưng nhỏ xinh xắn, trao cho chúng tôi vào sáng mồng một Tết, với năm đồng tiền mừng tuổi. Tôi gạn đổi bánh cho hai cô em gái lấy tiền chơi đáo, liền bị mẹ nhắc:- Con không nên ăn dỗ em. Nhà nghèo, mẹ chỉ mừng tuổi các con gọi là cho khỏi tủi thân. Các con giữ lấy tiền mua giấy bút học hành, là biết thương mẹ đấy. Ba anh em nhìn nhau cùng cất lời:- Vâng, thưa mẹ! Mẹ ôm các con vào lòng, hôn chúng tôi. Có cái gì ấm nóng từ môi mẹ chảy tràn trên má tôi mằn mặn… Và hương trầu thơm nồng nàn trong hơi thở của bà phả vào miền kí ức tôi không thể nào quên! Những năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ, ác liệt trên đường Trường Sơn, mỗi khi Tết đến xuân về tôi da diết nhờ hương trầu thơm của mẹ, như nỗi nhớ quê hương.

Thấm thoát thoi đưa hơn bảy mươi cái Tết đi qua. Cậu bé níu váy mẹ đi chợ Tết năm nào, râu, tóc đã bạc phơ. Mỗi khi Tết đến, xuân về tôi lại dẫn cháu đi chơi chợ, mua hoa, và vài thứ lặt vặt… chủ yếu quan sát chợ Tết, ngẫm ngợi… xưa và nay… 
Thay chợ cũ mấy dãy lều tranh xiêu vẹo ngày xưa, chợ huyện bây giờ xây dựng bằng xi măng cốt thép; tòa ngang dãy dọc hài hòa, những ki ốt khang trang, đường vào, ra, cao ráo thuận tiện, dụng cụ phòng chữa cháy, khu nhà vệ sinh ngăn nắp, sạch sẽ. Chợ được xây dựng trên hai ha đất trên trục đường 45 trung tâm thị trấn Vĩnh Lộc. Hơn ba mươi năm đất nước đổi mới, hàng hóa phong phú, đa dạng của nền khinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Sức mua của người tiêu dùng tăng vọt, bởi đời sống nhân dân được cải thiện. Người lớn, tré con ăn mặc thời trang lịch sự. Tôi nghĩ, đây chưa phải những bộ áo quần đẹp nhất của bọn trẻ, vì chúng phải để diện vào sáng mồng một Tết. Chẳng thấy đứa trẻ nào mặc chiếc áo len đỏ xoàng xuỹnh, như tôi đòi mẹ mua ngày nào.

Nhưng, khoảng cách giàu, nghèo quá xa, qua cách ăn mặc, và tiêu tiền của họ. Dẫu đời sống của nông dân, nông thôn đã được cải thiện nhiều. Phải chăng, đây là mặt trái của nền kinh tế thị trường. Dẫu hộ nghèo trong làng tôi chỉ còn 3,5%. Xã Vĩnh Thành chúng tôi vừa nhận Huân chương Lao động hạng ba của Nhà nước. Được Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng một tỷ đồng cho đơn vị hoàn thiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, về đích trước thời gian một mùa xuân. Thuộc tốp dẫn đầu của tỉnh Thanh Hóa. 
Sáng mồng một Tết dâng cơm rượu tổ tiên, có bánh chưng, bánh giầy từ hạt gạo nếp cái hoa vàng thơm phức, bên mâm ngũ quả đủ năm mầu rực rỡ. Con cháu đến bàn thờ dâng hương tiên tổ, mừng tuổi ông bà, cha mẹ, và bọn trẻ con, lòng tôi đinh ninh lời ông nội dặn “ uống nước nhớ nguồn.”

N.X.T.

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder