Sau năm 2011 có cuộc vận động xây dưng Miếu khang trang trị giá gần 10 tỷ từ nguồn xã hội hóa trên hơn 5000m2 đất do tỉnh Long an cấp cạnh miếu cũ…
Sau năm 2011 có cuộc vận động xây dưng Miếu khang trang trị giá gần 10 tỷ từ nguồn xã hội hóa trên hơn 5000m2 đất do tỉnh Long an cấp cạnh miếu cũ.
Sự hy sinh bị “lãng quên” (!)… vất vưởng… suốt 38 năm, từ năm 1973, cho mãi đến năm 2011, khi người nhà và các đồng đội e207 đi tìm ra ngôi Miếu Bắc Bỏ (do ông Tư Tờ là dân ấp Đá Biên tự vượt đất đắp lên hơn 10m2 và lập ban thờ để thờ cúng các “Thành hoàng làng đội mũ cối”), với sự tài trợ to lớn của ngân hàng Vietinbank và sự đóng góp của các đồng đội, các gia đình liệt sỹ, các nhà hảo tâm,… đến năm 2012 nơi đây đã xây dựng Khu tưởng niệm liệt sỹ khang trang, được xếp là Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh với diện tích trên 5.000m2.
Từ đó đến nay nơi đây đã trở thành điểm đến tâm linh của các đồng đội và nhân dân khắp miền Tổ quốc.
Riêng gia đình ông Tư Tờ đã được Công đoàn Tập đoàn dầu khí tại Vũng Tàu cất cho ngôi nhà gạch, UBND Long An tặng bằng khen cho làm thủ từ của Miếu có lương hẳn hoi; Cậu con trai được bạn Hoài Nam đưa lên Sài gòn lập nghiệp, cô con gái Nguyễn Tý Nỵ cũng được lên Sài gòn với anh trong năm 2015. Năm nay vào thấy nhà tư Tờ có hai tấm phản to kê trong nhà mới chứng tỏ GDP của gia đình ngày càng phát triển.
Năm 2016 vừa qua, trường ĐHXD đã vận động đóng góp của các thế hệ giáo viên, CBCNV và sinh viên để xây dựng Đài tưởng niệm liệt sỹ trung đoàn 207, được khánh thành vào ngày giỗ lần thứ 43 (08/10/2016).
Năm nay có khá đông các thầy cô giáo, cựu sinh viên ĐHXD và đồng đội về dự Lễ giỗ liệt sỹ và kỷ niệm 1 năm xây dựng tượng đài.
Trong ngày giỗ sinh viên các trường về đây không ai cầm được nước mắt, có nhiều bài văn, bài thơ viết về những NGƯỜI LÍNH SINH VIÊN đã hi sinh, rất nhiều nhưng chỉ xin dán dưới đây hai bài thơ của hai cựu sinh viên học cùng trường và cùng thời gian với các anh hùng liệt sĩ
Bài thơ của Đoàn Đức Chính
Ngày ấy các bạn tôi đã nằm xuống nơi đây
Mấy mươi năm nổi chìm không nhang khói
Những thằng lính-sinh-viên không thể tìm về quê cũ
Chỉ còn biết ôm nhau mà ngủ, dưới những gốc tràm trong Rạch Đá Biên !
Năm qua đi, tháng qua đi
Các bạn tôi đã là “Những Ông Thành Hoàng Làng Mũ Cối”
Chen chúc nhau ngồi nơi miếu nhỏ cô đơn
Miếu “Bắc Bỏ” !
Ai đặt tên mà đau từng khúc ruột… ?
Ai đặt tên mà ướt đầm nước mắt… ?
Ai đặt tên mà nghẹn thắt con tim… ?
Những người cha, những bà mẹ miền Nam âm thầm khói hương
Thương những thằng con đất Bắc
Bỏ quê hương vào đây đánh giặc
Nhưng chiến tranh qua lâu rồi mà sao không về Bắc ?
Chiến tranh qua lâu rồi sao chẳng thấy ai tìm… !
Miếu “Bắc Bỏ” nhỏ nhoi bập bềnh con nước
Bao năm qua người thân và đồng đội kiếm tìm
Em nhớ anh ngày chia tay năm ấy
Mẹ nhớ con bốn mùa nước mắt cạn khô
Bây giờ các bạn tôi ngồi trong Đền thờ Liệt sỹ
Không còn sợ nắng, không sợ mưa, chẳng lo nước nổi
Vẫn là “Những Ông Thành Hoàng Làng Mũ Cối”
Vẫn cùng đồng đội đêm đêm gìn giữ Đá Biên.
Đ.Đ.C
Bài thơ của Lê Trọng Du
MIẾU BẮC BỎ
Miếu Bắc Bỏ cái tên nghe rất lạ
Ai đặt tên mà sao chẳng giống ai
Chỉ mấy tấm tôn cũ lợp sơ sài
Trên khung tạm bằng bốn cây tràm nước
Ngôi miếu hoang sơ không tường che, cửa trước
Bốn xung quanh thông thống đón gió lùa
Mô đất con đặt tạm bát hương thờ
Gần ba trăm Thành hoàng đội mũ cối
Nhớ năm xưa vào giữa mùa nước nổi
Rạch Đá Biên thưa thớt đám rừng tràm
Những Thành hoàng đội mũ cối vào Nam
Theo tiếng gọi Non sông đi đánh giặc
Những sinh viên sinh ra từ đất Bắc
Gác bút nghiên anh cầm súng lên đường
Vượt Đá Biên để hướng tới chiến trường
Hành quân đêm sáng mệt nhoài tạm nghỉ
Địch phục kích bao vây toàn đơn vị
Nước ngập sâu biết ẩn nấp nơi đâu
Hàng đàn máy bay quần thảo ở trên đầu
Pháo bầy chúng quây không còn đường rút
Rồi chúng lại điều thêm xe lội nước
Dàn hàng ngang yểm trợ lính đi càn
Gần ba trăm người đã anh dũng hy sinh
Để yểm trợ cho Sở chỉ huy kịp rút
Anh ngã xuống dìm mình trong rạch nước
Máu anh loang nhuộm đỏ khắp rừng chàm
Lúc ra đi anh chỉ ngước mắt nhìn
Trời xanh thẳm với nỗi niềm uất hận
Anh nằm lại không có ai về nhận
Xác nổi trôi xương trắng cứ rụng dần
Nằm ngổn ngang không một xác toàn thân
Không danh tính và không còn địa chỉ
Chiến tranh trôi qua những người dân bình dị
Họ tụ về đây lập ấp để làm ăn
Rồi đêm đêm văng vẳng tiếng các anh
Con đói lắm, mẹ ơi con rét lắm
Họ gom xác các anh về một đống
Chôn các anh trong một nấm mồ chung
Dựng tạm túp lều trên khoảng đất bờ bưng
Thắp hương khấn để các anh yên nghỉ
Họ chỉ biết các anh là chiến sỹ
Mũ cối đội đầu và mang súng AK
Miền Bắc dô nên tên miếu đặt là
Miếu Bắc Bỏ – cái tên đầy chua sót
Chính các anh là những người đến trước
Nên các anh trở thành những Thành hoàng
Vật bình thường là chiếc mũ anh mang
Được ghép lại là Thành hoàng đội mũ cối
Các anh ơi xin các anh tha lỗi
Muộn lắm rồi mới tìm đến gặp anh
Gửi gắm các anh một chút tâm linh
Và gửi lại công trình anh dang dở.
L.T.D
Ngọc Châu (K12 thủy Lợi Cảng Đại học Xây dựng) tập hợp tư liệu từ nhóm HƯƠNG CANH – MỘT THỜI ĐỂ NHƠ)