Mình đã đọc oan Trúc thông rồi, “Một ngọn nến xanh” chín lửa – Trần Mạnh Hảo

“Một ngọn đèn xanh” Trúc Thông đã chín lửa, chín thơ; đi từ chốn “chầm chậm tới mình” đến cuộc ma ra tông thơ, đến được cõi không phân biệt mình với người, không phân biệt bơi với bay, chạy với đi, chạm tới mơ hồ thảng hoặc. Ông chừng như đã học được cách chơi của sông Tắc Giang quê mình mà thông thơ bằng trúc trắc. Ông lạc vào nghẽn chữ Hà Nội để để thông thênh sương khói Hà Nam ngút trời Nguyễn Khuyến, cùng “sư cụ nằm chung với khóm mây”, nằm chung với bụi đỏ mũi giày thi tứ…

VHP trân trọng giới thiệu bài viết của nhà thơ Trần Mạnh Hảo.

“Một ngọn đèn xanh” Trúc Thông đã chín lửa, chín thơ; đi từ chốn “chầm chậm tới mình” đến cuộc ma ra tông thơ, đến được cõi không phân biệt mình với người, không phân biệt bơi với bay, chạy với đi, chạm tới mơ hồ thảng hoặc. Ông chừng như đã học được cách chơi của sông Tắc Giang quê mình mà thông thơ bằng trúc trắc. Ông lạc vào nghẽn chữ Hà Nội để để thông thênh sương khói Hà Nam ngút trời Nguyễn Khuyến, cùng “sư cụ nằm chung với khóm mây”, nằm chung với bụi đỏ mũi giày thi tứ…

VHP trân trọng giới thiệu bài viết của nhà thơ Trần Mạnh Hảo.

Nhà thơ Trúc Thông

 

Đêm nay quá vu vơ trống trải, buồn không ra buồn, vui chẳng ra vui, cả người tôi nhàn nhạt chết đi được, bỗng quờ tay bất chợt kệ sách, vô tình vịn vào “Một ngọn đèn xanh” của nhà thơ Trúc Thông mà riu riu đọc, se sẽ chữ, thoang thoảng giấy, men men thơ, chợt ngỡ ngàng mình đã đọc oan Trúc Thông mất rồi.

Hóa ra, thơ chính hiệu không phải lúc nào đọc cũng được. Có tập thơ đọc lúc này thấy thường mà lúc khác đọc lại thấy hay và ngược lại. “Không mơ hồ anh chết” – một câu thơ lạ cực, rất Trúc Thông, như một tuyên ngôn thơ của trường phái mơ hồ. Tôi đã thấy nắng thu, sương thu, gió thu, lá vàng thu rủng rỉnh vỉa hè Hà Nội. Chừng như mưa phùn, heo may đất Bắc cùng tham gia thi nhóm mơ hồ với Trúc Thông. Tôi không còn đủ giấy trích thơ ông, vì “đất” dành cho bài viết này trên báo lũn cũn, eo hẹp lắm, đành phải cắt xén cả mơ hồ thôi:

“xích lô chú ơi
chở làm sao được
tôi về xa những xứ mơ hồ
vào tới cửa
được nghe tiếng thở 
thật đều đều của hai đứa con thơ
rũ đêm mưa
tôi thấy mình trú tạm”
(Ghi chép về thơ)

Đoạn thơ trên rất mơ hồ mà chừng phản mơ hồ, càng đọc càng cảm động, hư tận cùng đấy mà cũng thực bầm gan ruột đấy. May mà có tiếng thở đều đều của hai đứa con thơ, cứu chuộc nỗi cô đơn của kẻ mơ hồ vác mưa về nhà mình ở trọ. Đời và thơ, tự do và giới hạn, cụ thể và trừu tượng, hư vô và thực tại, cái không thể và cái có thể cứ đắm đuối vào nhau một nỗi bơ vơ Trúc Thông mà trú tạm mơ hồ.

Càng biền biệt vào cõi mơ hồ, Trúc Thông càng nghĩ tợn, nghĩ đến mức quắt queo cả câu thơ lại, nghĩ đến toát mồ hôi chữ, nổi da gà trang giấy, như bài “Đường lưng đèo gió”:

“nhoai lên
quành xuống
giữa núi xanh
tiếng chim rơi tịch mịch
nỗi người đi muôn trùng”

Bài thơ kiệm lời đến keo kiệt cả bút mực, giấy má, vỏn vẹn có 17 tiếng mà ta cảm thấy có nhiều binh đoàn xúc cảm nghìn nghịt trong gan ruột chữ, cuồn cuộn nỗi niềm “tịch mịch” lòng người đọc, ngẩn ra mãi không hiểu vì đâu mà rưng rưng xao xác thế? Tôi phải chợt rót mời câu thơ kỳ lạ mà thật hay của Trúc Thông một li rượu làng Vân ngâm rắn ráo quê hương: “Nỗi người đi muôn trùng”!

Trúc Thông sinh ra ở đất Hà Nam bên bờ sông Châu Giang gọi là Tắc Giang. Con sông bị bít hai đầu nên sông phải tìm ra phép lưu thủy mơ hồ là thoát nước ngược lên trời bằng phép tự bốc hơi mịt mờ sương khói. Trúc Thông chừng như suốt đời quằn quại Hà Nam ra vào với “Bờ sông vẫn gió” đã học được “phép tắc giang” tự thoát nước lên trời bằng thiên hướng mơ hồ sương khói, bít kín hai đầu tập thơ, bài thơ, câu thơ thành bề ngoài “tắc thi”, dồn nén câu chữ như bó giò, như bánh dày, phẩm oản. Chữ Trúc Thông bị nén quá, tìm cách bật vào lòng người đọc mà thảnh thơi, mà mơ hồ như sông Châu Giang mơ hồ trời đất.

Trúc Thông xin được con sông quê hương phong cách “bốc hơi thơ”, ngấm xuống đất giao lưu với những mạch ngầm khó thấy, chơi kiểu luân vũ mơ hồ tưởng đứng yên, tìm ra lối “Thông thơ” bằng “Tắc thi”, đẩy thơ vào đường cùng để thơ sinh biến trong lòng người đọc (cùng tắc biến). Xin chép ba câu thơ thoáng nhìn ngỡ “tắc”, thương chúng bị dồn vào chỗ sơn cùng thủy tận. Nhưng đi qua lớp vỏ “tắc” kia mới thấy sự “thông” thoáng mơ hồ khôn xiết kể:

“xe đường phố rồ qua
cười chõ vào tai
người mải cúi…”

(Ghi chép về thơ)

Những bài hay trong tập thơ này Trúc Thông toàn viết bằng phong cách “Tắc Giang”, đẩy thơ vào tận cùng tĩnh, bỏ mặc nó tự tìm ra phép động, cho chữ tắc toàn phần, trúc trắc toàn phần để mượt mà khoai lúa đôi bờ thơ, theo cõi mơ hồ thơ mà thông thoáng (tên ông là Thông mà); ví như bài “Tĩnh họa” sau:

“bụi trắng yên
trên các mái
đôi khe cửa
lọt đèn câm
vòm đậm xanh
cây
nói gì
phố đêm đông
Trùng Khánh…”

Tôi yêu cái “đôi khe cửa” thi ca ông vẫn hằng “lọt đèn câm” tìm tri âm tri kỷ. Những câu thơ chín lửa này mọc lên im lặng ở các hẻm chữ cổ thành rêu phong, riu riu thức của kẻ siêu hú gọi thơ về trong cô vắng:

“đi vắng
luôn đi vắng
nhiệm vụ của anh
đến chân trời
thơ”
(Thăm nhà một bạn thơ Xứ Đoài)

Nhiệm vụ của Trúc Thông trong thơ là đi vắng, không chường mặt ra câu chữ, không đứng lù lù lấp hết khoảng mơ hồ của các khe chữ, tự lùi vào bếp núc, tự đi vắng ngay trong ngôi nhà thơ mình, để các bác tìm thơ tha hồ lựa chọn, đi ở tùy tâm, không chạy xổ ra mặt tiền thơ kéo rách áo người đọc như đám tiếp thị ăn uống xô bồ hung hãn Sài Gòn, Hà Nội.

Với thơ, Trúc Thông vốn làm nghề đi vắng. Nhưng hồn ông đã hóa ma xó trông nhà chữ, ai bước vào là ám, ám bằng câm nín mơ hồ, ám bằng bút pháp răng cưa khúc khuỷu, nhùng nhằng tơ nhện rạ rơm. Trúc Thông giữa thiên la địa võng của lởm chởm không vần, chợt đốc ra chơi vần kinh khủng mà hay không ngờ khi ông viết về một tay xe lôi ở một thị thành Tây Nam bộ:

”vợ nằm viện còn thêm cha bệnh
hai con đang thơ đại học hành
cũng có lúc chở người ngoại quốc
ngắm những gì ngoài cuộc đời anh”
(Xe lôi)

Trúc Thông thực ra cũng là một tay xe lôi thơ, chở toàn mơ hồ ngao du các phố hẹp, như kiến chữ mà ngắm “những gì ngoài cuộc đời anh”. Vẫn phong cách “xe lôi thơ”, Trúc Thông hóa thân vào bụi đỏ, vào nỗi hồng trần vạn cổ cha ông mà “tĩnh” ngay trong lòng “động”, ngủ ngon trên bời bời thao thức ngay trên mũi giày cuộc đời:

“ai vừa cất tiếng nói mê
một ngày mỏi mệt trút lìa khỏi đêm
đường đời lên xuống xuống lên
bình yên bụi đỏ ngủ trên mũi giày”
(Những phiếm đề)

Trúc Thông không bị bụi, mà được bụi; một thứ bụi có vây có cánh, có hồn có vía, bụi định hướng thơ…Ông đưa bụi làm thuốc vẽ, vẽ được hồn Phủ Lý quê ông bằng câu thơ hay:

“cây bên đường lấm bụi
không thật xanh dưới đèn”
(Đêm Phủ Lý sẽ không thế nữa)

Phủ Lý là cái cây bên đường ấy, nhà thơ là cây lấm bụi “không thật xanh dưới đèn” ấy. Ông giấu mình trong bụi mà “đơn độc xanh”, tức tưởi xanh, ai có lòng mới biết, mới ngắm nổi loài cây thơ trang điểm bụi bạc đầu. Gạt bụi thời gian là cây tùng Trúc Lâm Yên Tử, ông lưu dáng ngước con người lên vĩnh hằng thơ:

“được tới đường tùng
cây xanh xuyên suốt bảy trăm năm
lưu dáng ngước biết bao cao sĩ”
(Một lần Yên Tử)

Lưu dáng ngước lên trời thơ, vừa muốn TRÚC vừa muốn THÔNG (Trúc Thông) nhà thơ mơ hồ ngóng vọng xưa:

“sau giải sương giăng thôn xóm xa mờ
lấp lánh lửa xa 
có người mẹ thức
hai người ba người
bao nhiêu làng đêm
thức đâu từ triều Lê triều Lý…”

Thơ tưng tửng, ngu ngơ, vơ vẩn, ấm ớ vậy mà đọc lên thấy rơm rớm lịch sử, cứ ẩn ức hồn quê từ cái không đâu. Trúc Thông hay nghĩ ngợi về mẹ, xót đắng dấu yêu mẹ đẻ ra thơ mình. Xin đọc những dòng thật lạ:

“sau khi trải nỗi khổ to bằng thế giới
mẹ nhỏ lại
bằng đứa cháu kia thôi
một cô bé tóc bạc”
(Tặng mẹ Tiết)

Thơ hay chạm khắc? Trong mê man quằn quại thi ca, Trúc Thông dày vò dồn nén chữ nghĩa mênh mông của mình nhỏ lại, thành đứa trẻ thơ mang tóc bạc mơ hồ.

Trúc Thông thích để vài vết xước rìu trên tượng cẩm thạch:

“Lâu đến nỗi lặn rồi Sông Vị
chỉ còn hình sông lượn quanh phố cổ
vài mái ngói âm dương
cố gượng lên đỡ nốt những ngày tàn”
(Chiêm ngưỡng)

Thương quá vài mái ngói âm dương, gầy trơ xương cố gượng dậy đỡ tàn phai, lưu lại thơ nỗi buồn sẫm hết lòng phố cổ. Có khi thơ chạy ma ra tông trên phố quên khóac y phục mơ hồ…

“Một ngọn đèn xanh” Trúc Thông đã chín lửa, chín thơ; đi từ chốn “chầm chậm tới mình” đến cuộc ma ra tông thơ, đến được cõi không phân biệt mình với người, không phân biệt bơi với bay, chạy với đi, chạm tới mơ hồ thảng hoặc. Ông chừng như đã học được cách chơi của sông Tắc Giang quê mình mà thông thơ bằng trúc trắc. Ông lạc vào nghẽn chữ Hà Nội để để thông thênh sương khói Hà Nam ngút trời Nguyễn Khuyến, cùng “ sư cụ nằm chung với khóm mây”, nằm chung với bụi đỏ mũi giày thi tứ…

(Nguồn vanvn.net)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder