Lời dẫn của người sưu tầm: Truyện ngắn Mơ ngày Tết của Vũ Trọng Phụng mà văn bản được giới thiệu dưới đây, hầu như không có trong mọi cuốn sách, kể cả các sưu tập, tuyển tập của tác giả Vũ Trọng Phụng tính đến nay, mặc dù đôi khi bạn có thể bắt gặp tên truyện này trong một số bài nghiên cứu về văn nghiệp Vũ Trọng Phụng. Sau lần đăng báo lần đầu, xuân 1936, tác phẩm hầu như chưa được in lại thêm một lần nào. Có được văn bản truyện này để giới thiệu với bạn đọc hôm nay, tôi phải cảm ơn Peter Zinoman và Nguyễn Nguyêt Cầm, hai bạn đã chụp từ vi phim (microfilm) bản gốc và gửi cho tôi. – LẠI NGUYÊN ÂN
Ngồi… chồm chỗm trên cái phản có rải một cái chiếu mới trắng nõn (mới mua đêm trước), tôi đương lau bộ ấm chén để sửa soạn tiếp rước một đám quý khách tưởng tượng. Chung quanh tôi, xa xa và gần gần, tiếng pháo nổ ran lên.
Lúc ấy tôi thấy vô cớ mà cũng vui vẻ trong lòng. Thật vậy, tiếng pháo nổ vô hồi có một cái sức mạnh huyền bí, cái sức làm cho người ta trở nên vô nghĩa lý. Tôi đưa mắt nhìn quanh trong gian phòng, ngắm nghía cái Tết của tôi. Bốn cái cột, trụ của gian nhà gianh (chứ không phải của triều đình) đã bị mọt đục lem nhem từ nghìn xưa, thì nay được phủ một lần câu đối, giấy đỏ mực đen, văn nghinh xuân mà tôi không hiểu gì cả nhưng mà tôi tin là hay lắm.
Bên ngoài cái cửa sổ chắn liếp mắt cáo là chậu thủy tiên của tôi. Một chậu hai củ. Giò lá mới nhoi lên nhu nhú như một đốt ngón tay, thành thử trông như hai củ hành. Chắc là đến rằm tháng giêng thì thể nào cũng có hoa. Và như thế là tốt lắm, vì hôm ấy, người tình nhân của tôi sẽ nhân đi lễ Phật mà ghé vào thăm tôi, có lẽ để hôn tôi một cái.
Và để khen hoa thủy tiên của tôi, mua 23 tháng chạp, nở ngày rằm tháng giêng – như vậy là pháttài. Trên cái bàn con để tiếp khách (một bộ xa-lông vậy), tôi đã rửa sạch một chai bia để cắm một cành hoa mai vào trong. Nhìn lên bàn thờ có đèn nến sáng trưng, tôi chợt giật mình vì đỉnh không thấy bốc khói. Tôi vội chạy đến mở nắp đỉnh thì thấy bên trong tinh những than đỏ rực như một cái hoả lò, à quên, đó là một cái lò sưởi.
Tôi chạy xuống bếp hỏi mẹ: “Đẻ ơi, gói trầm đâu?”. Mẹ tôi lúc ấy đương lúi húi bóc một chiếc bánh chưng, thản nhiên bảo tôi: “Mua có ít mà mày đốttừ sáng đến giờ cũng nhiều rồi, thôi để đến hôm hoá vàng”. Tôi buồn tình nhìn xuống cầu ao. Một đàn cá đòng đong nghểnh cổ lên nhìn, ra ý chầu chực và phàn nàn rằng nếu tôi cứ làm văn hay quá thì cái Tết của chúng cũng cứ thanh bạch mãi như thế.
Tôi phải vào bếp lấy mấy hột xôi vứt xuống nước. Đàn cá tranh nhau một cách hoạt động quá, trông đến hay. Dưới mặt nước xanh xanh thỉnh thoảng thấy tóe ra một mảnh hào quang sáng quắc là mình bạc của cá lúc quẫy để rứt mồi vậy. Sau cái việc từ bi hỉ xả ấy, tôi lại vào nhà, ngồi trên chiếu (chiếu mới) trầm tư mặc tưởng và thỉnh thoảng hút một mồi thuốc lào thưởng xuân. Bên tai tôi vẫn văng vẳng thấy những hồi pháo nổ liên thanh. Bên láng giềng, mỗi khi thấy tiếng pháo nổ gần, một con gà sống lại rú lên”ức ức ức ức!” để cho một con gà mái lập luận “cục cục cục cục te!” ra ý phản đối.
Tôi nhìn ra sân… Gió xuân nhẹ đưa làm rung rinh mấy cành đào. Mà hoa đào thì như lẳng lơ mà cười toe toét ra vậy. Tôi bỗng cao hứng, cất giọng ngâm: – Hoa đào năm ngoái… còn cười gió đông!
Rồi tôi thiu thiu, dựa lưng vào tường.
Chợt thầy đẻ tôi đập vào vai tôi mà bảo là mau ra đón khách. Tôi nhảy bổ vào đôi dép, vội chạy ra sân. Thì ra ba anh: Phúng, Lư và Lộc. Một anh reo:
– Ê, năm mới…
Tôi ngẩn người ra rồi cũng họa theo một cách vu vơ: – Ê, năm mới…
Rồi không biết nói gì nữa. Bạn hữu cười vang lên. Chúng tôi kéo nhau vào nhà. Tôi đang buồn một nỗi không có pháo thì may sao ở ngay bên hàng xóm, một tràng pháo nổ vang lên. Tôi ngoái cổ về phía ấy như cự một người nào trong nhà mình mà rằng:
– Lại còn phải vẽ pháo phiếc làm gì thế?
Bạn hữu lại cười vang một hồi. Anh Lộc lắc cái đầu, lên giọng: – Năm mới chúc mừng…
Tôi nói len ngay vào: – Báo Tân Thiếu Niên và báo Tiến Hóa sống lại như quỉ nhập tràng vậy.
Anh Phúng nghiêm mặt: – Mồng một Tết, không nên nói đùa.
– Nào ai nói đùa.
– Phải biết kiêng năm mới.
– Năm mới nhưng đời vẫn cũ rích.
Bạn hữu tôi cự tôi kịch liệt hơn trước: – Anh này hóa dại rồi. Anh không thấy cuộc đời đã biến đổi hẳn rồi hay sao? Anh không biết là nước nhà đã đến một chỗ rẽ của lịch sử rồi hay sao? Anh không biết rằng từ hôm nay mà đi, dân tộc đã bước vào một kỷ nguyên mới rồi hay sao?
– Dễ thường vì Hà Nội báo đã ra được một tháng?
– Thôi đi, không được nói đùa! Mau mặc áo vào để cùng nhau ta đi xuất hành! Để xem cuộc đời đương thay đổi. Anh cứ ngồi một xó như thế thì hỏng thật! Đi!
Thế rồi chúng tôi đi từ Châu Thành về Hà Nội. Trong khi đi đường, anh Phúng nói:
– Chắc anh đã biết nước Nam vừa có hoàng tử?
– Ừ, phải.
– Cho nên hai Chính phủ đã bắt đầu thực hành những cuộc cải cách lớn. Thật là một sự chưa từng ai dám ước ao. Anh mở mắtto ra mà nhìn.
Tôi cứ việc mở mắt to ra mà nhìn. Vừa đi vừa nhìn. Phố xá đông đúc, người nao cũng có quần áo đẹp. Bói không thấy một người ăn mày. Những ông lính Tây, mỗi khi xuống xe, lại để vào bàn tay phu xe một nắm tiền, rồi ôm cổ phu xe mà hôn để cảm ơn. Mấy thầy lính cảnh sát lễ mễ khiêng mấy gánh cam để lên hè cho mấy bà hàng rong một cách đáng quý. Tại một nhà nọ, trên một cái chõng tre, hai ông Tây mặc quần áo vải vàng ngồi chén rượu thịt chó với một ông cụ già An Nam. Một bà già cầm bong bóng rượu rót vào ba cái chén.
– Tây uống rượu lậu à? – Tôi hỏi.
Anh Phúng cắt nghĩa: – Bây giờ không có rượu ty, cũng không có rượu lậu. Chỉ có một chữ “rượu”. Nhà nước đã bỏ thuế rượu. Hai ông Tây kia là hai ông Tây đoan, vì không có thuế rượu nên đã đổi nghề, bây giờ ngồi đánh chén với ông già mà ngày xưa mình đã bắt giam mấy bận.
Một người âu phục cực sang trọng, vai vác một bong bóng rượu đi qua chúng tôi. Anh Lộc chỉ mà rằng:
– Ông nghị Nguyễn Lễ đấy. Bây giờ ông Lễ cũng nấu rượu bằng cái nồi đồng, cái ống tre, để độ thân.
Đi qua cầu sông Cái thấy một chuyến xe hỏa. Trên xe hỏa, những nhân viên sở hoả xa ngả mũ kính cẩn chào mấy ông sốp-phơ xe ôtô ca. Một anh nhéttrên nóc chiếc ôtô buýt đầy những hành khách, khản cổ nói với một ông xêp-tanh trên xe hỏa: “Xe tớ đông khách quá, có bằng lòng thì cho tớ trút sang một ít nhé?”. Những anh phu xe tay ếp ếp rầm lên. Những chiếc xe hơi hòm tránh sang một bên để cho xe cao su đi trước. Mấy ông đội sếp gác cầu bỏ quên sổ sách ở sở cẩm, ngồi nghêu ngao mấy câu Nhị độ mai.
Sang Hà Nội, qua phố Hàng Giấy thấy ở đầu phố có một chỗ đông người. Nhìn vào thì đó là một ty bán thuốc phiện. Bên cạnh lá cờ tam tài có cái bảng R.O. Những ông bẹp tai vào mua thuốc đều phải đi qua cái bàn có một ông Tây ngồi. Ông Tây này luôn luôn nói: “Này hỡi các người An Nam yêu quý! Thuốc phiện là một thứ thuốc độc! Hội Quốc Liên vẫn bài trừ thuốc phiện. Tôi vâng lệnh nhà nước khuyên các người An Nam nên hút ít thôi. Ấy chết, các người An Nam yêu quý ơi, sao mà mua nhiều thế? Mỗi người chỉ nên mua một hào”.
Một ông đội sếp Tây dắt một bà lão ăn mày mù qua cái đường lắm xe rồi bảo: “Sao cụ không vào viện tế bần? Để tôi cho đưa về nhé?”.
Rồi vẫy tay một cái. Một chiếc xe hơi hòm của thành phố đi đến, hãm phanh. Ông đội sếp Tây mở cửa xe cho bà lão ăn mày lên ngồi, rồi lại sập cửa cẩn thận, sau khi đã ngả mũ chào.
Một ông đội sếp ta xích tay một ông áo gấm, bài ngà, dẫn qua mặt chúng tôi. Tôi nháy mắt hỏi thì ông đội nháy mắt đáp: “Quan lớn đây vừa bị quan tòa hạ lệnh tống giam, vì có đơn thưa là năm ngoái quan đã bắt phạt vi cảnh một tên dân bằng một chai rượu, tại phủ”.
Tiếng kèn La Marseillaise. Rồi đến tiếng kèn điệu Hành vân sang Nam. Một đám điểm binh. Nhìn vào thấy người An Nam đóng đến quan Tư, quan Năm vô số. Trên trời, 20 cái phi cơ. 10 cái do phi công Tây, 10 cái khác do phi công An Nam ngồi, vì dưới cánh tầu bay thấy có dán câu đối đỏ.
Điểm binh xong, binh lính kéo nhau đi. Đi theo đám, qua tòa án thấy vắng tanh vắng ngắt. Thấy có bảng đề mấy chữ: “Tạm nghỉ trong ba tháng vì không có việc”. Hỏi ra mới biết không ai ăn cắp, không ai đi lừa, không ai hiếp dâm nên tòa Trừng trị, tòa Đại hình đều nghỉ để đi chơi Kiếp Bạc, vì quan tòa không ai có việc gì làm cả. Bên cạnh đó, nhà pha đã đổi hẳn ra một tòa nhà cao ngất ngưởng, mấy trăm cửa sổ, đề chữ: “Trường học bách nghệ của những người lầm lỗi”. Mấy ông lính gác đương đem hoa vào chào Tết tù nhân…
Chúng tôi đương đi.
Một tràng pháo Tết…
Tỉnh mộng.
V.T.P
(Nguồn Việt Báo)