1. Thần thánh và bươm bướm là tác phẩm đạt giải C trong cuộc thi tiểu thuyết lần thứ ba (2006 – 2009) do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Giải C dĩ nhiên không phải là giải cao nhưng cuốn tiểu thuyết của Đỗ Minh Tuấn lại gây được dư luận khá sôi nổi và đã nhận được những lời khen nồng nhiệt. Ngày 25/11/2011, chính Hội Nhà văn đã tổ chức một cuộc tọa đàm về tác phẩm này. Trong cuộc tọa đàm đó, một số người từng tham gia chấm giải đã lấy làm tiếc rằng lẽ ra Thần thánh và bươm bướm phải được giải cao hơn. Cần nói ngay, đây là chuyện hoàn toàn bình thường, vì xưa nay thẩm định tác phẩm không phải là việc có thể “khoán trắng” cho một ít người (dù đó là những người có uy tín văn học) và cũng không phải việc chỉ cần làm một lần là xong. Vấn đề quan trọng là tác phẩm có “nói” được những tương quan, tình thế, những vấn đề cốt yếu của đời sống dân tộc và nhân loại, có thăm dò được những nẻo đường mới cho sáng tác văn học hay không, và do vậy, có tạo được sự cộng hưởng, chia sẻ, phản bác, lý giải đa chiều ở người đọc hay không? Thật chẳng có gì đáng gọi là vinh dự nếu tác phẩm nào đó chiếm ngôi cao (nhờ một hoạt động thẩm định vốn chưa bao giờ thoát khỏi tính độc đoán, lại đầy bất trắc và giới hạn) mà chỉ đem lại mỗi cảm giác “tự sướng” cho tác giả!
2. Thần thánh và bươm bướm rất giàu phẩm chất hiện thực (hiểu theo nghĩa cổ điển nhất), dù hiện thực được miêu tả bằng một bút pháp pha trộn giữa huyền ảo và hoạt kê, phóng đại (sự phóng đại có khi được đẩy vượt ngưỡng, để người đọc nhận ra ngay đây là chuyện bịa tạc phi lý, như chuyện cây gạo nở hoa đỏ ối cả bốn mùa, chuyện bầy vịt đỏ trong ao nước đỏ, chuyện cây bưởi ra hoa quanh năm, chuyện cả làng đặt cược tương lai vào một kế hoạch bán bọ hung, bán bướm…). Mỗi trang sách của cuốn tiểu thuyết đều quy chiếu về một hiện thực rách nát tả tơi của đời sống đất nước bây giờ, trực tiếp hơn là hiện thực ở nông thôn. Kể ra, những hiện thực này đã được phơi bày khá thẳng thắn và sinh động trong nhiều bút ký, phóng sự, truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam thời gian qua. Vậy, đâu là cái mới của Đỗ Minh Tuấn? Phải chăng tác giả chỉ làm cái việc nối dài phần tư liệu, dẫn chứng vốn đã quá bộn bề, mà với chừng ấy, người đọc đã hoàn toàn có thể rút ra được ngay kết luận, không cần phải bổ sung thêm nữa?
Với ưu thế của người hoạt động khá rộng trên nhiều lĩnh vực văn hóa, văn nghệ và đã có thành tựu đáng kể, Đỗ Minh Tuấn đã chọn được cho mình một cách tiếp cận riêng – cách tiếp cận văn hóa đối với hiện thực. Điều tác giả quan tâm hơn hết là cắt nghĩa sự xô bồ, đổ vỡ của hiện thực đời sống hiện nay từ những lý do văn hóa (nền tảng văn hóa, hằng số văn hóa, khát vọng văn hóa, mặc cảm văn hóa…). Chính bởi vậy, có thể xác định lại, cụ thể hơn, sát hơn về hiện thực được thể hiện, được đánh giá trong Thần thánh và bướm bướm là hiện thực của văn hóa – thứ hiện thực có đặc điểm không khác gì một nồi lẩu, một món mộm, có đủ đồ, đủ mùi, đủ vị pha tạp, hỗn độn, mà trong đó trần tục trộn lẫn với thanh cao, quỷ sứ chung đụng với thiên thần, vị kỷ cọ xát với vị tha, vị lợi tranh chấp với vị tình… (xin lưu ý rằng các cụm từ “món lẩu”, “món nộm văn hóa” đã được chính tác giả dùng trong tiểu thuyết, ở các trang 134, 163) (2).
3. Cơ sự nào đã khiến một nền văn hóa mà ta vẫn tự hào biến thành món lẩu, món nộm? Phải chăng đây là một đặc điểm cố hữu của văn hóa Việt Nam? (3). Vấn đề này gần như đã được giải thích một cách hợp lý qua việc tác giả xây dựng nhân vật Jôn – thằng “bồ” người Mỹ của cái Minh làng Bái Hạ. Khi Jôn về quê người yêu chơi, hắn đã mặc nhiên được xem như kẻ đại diện của thế giới văn minh mà xứ nghèo đói này khao khát và đang tìm mọi cách cầu cạnh, kết thân để trục lợi, hay nói văn vẻ là để “hội nhập”. Khó mà không đồng tình với “phân tích” rành rẽ sau đây của tác giả – nhà tiểu thuyết vốn có ưu thế hiển nhiên về tư duy lý luận, không cưỡng được thói quen thuyết lý khi kể chuyện: “Jôn đâu biết sự có mặt của mình nơi làng quê đã châm ngòi nổ cho bao nhiêu ký ức và mặc cảm, cả tự tôn lẫn tự ti, cả kiêu hãnh và tủi nhục. Jôn đã vô tình mở cái hộp đựng bệnh tật của Jupie. Những thao thức dằn vặt âu lo ẩn tàng hàng trăm hàng ngàn năm trong ký ức cộng đồng trở thành những ngòi nổ văn hóa bén nhạy, tạo nên những tình huống rối ren bất trắc mà Jôn và những người phương Tây khác không thể lường trước và không thể hiểu được ngay” (trang 178). Dĩ nhiên, trong tiểu thuyết, “yếu tố nước ngoài” như một phép thử không chỉ hiện diện với Jôn mà còn với lão Wang (người Đài Loan, chủ dự án xây dựng sân golf), tay Việt kiều Pháp buôn đồ cổ, tập đoàn CROMGLOBAL của Hàn Quốc và đặc biệt là với văn minh hưởng thụ vật chất được nhập khẩu tràn lan mà sản phẩm của nó (chỉ xét trên phương diện vật thể) có thể bắt gặp được tại mọi xó xỉnh của làng quê Việt: quán bi a, quán net, quán karaoke, mobifone, đĩa CD phim gangster Mỹ, phim sex, kẹo cao su, bia Heineken… Rõ ràng, “cái hộp đựng bệnh tật của Jupite” không phải ngẫu nhiên mà bật nắp. Nói cách khác, những mầm bệnh thuộc phạm trù văn hóa của một xứ sở không tự dưng mà phát tác. Nhưng thái độ của nhà tiểu thuyết không phải là quy lỗi cho những kẻ ngoại bang (thuộc phạm trù “nguyên nhân khách quan” mà trong các bản báo cáo tình hình người ta thường cậy đến), theo kiểu lập luận “đổ vấy” của người dân quê khi họ đứng trước nguy cơ “xôi hỏng bỏng không” của những “kế hoạch” làm ăn thảm hại (đoạn kể về lập luận kết tội của dân làng Tây Lợi đối với Thao khi anh ngộ sát thằng Hoàn cho thấy rất sinh động thói phủi tay chối bỏ trách nhiệm một cách đơn giản, như là một đặc điểm thuộc căn tính của người mình). Tác giả muốn soi rọi những khuyết tật văn hóa vốn tiềm ẩn, chỉ được bộ lộ hết qua những dịp cọ xát với thế giới bên ngoài, với những nền văn hóa khác. Đây quả là một vấn đề lớn mà các cây bút tiểu thuyết của ta còn ít đề cập hay ít suy tư ở tầm bao quát, rất có thể do thiếu bản lĩnh của nhà nghệ sĩ – tư tưởng. Đặt trong bối cảnh đó, dễ thấy Thần thánh và bươm bướm là cuốn tiểu thuyết có tính đột phá trước một hướng đi mới mẻ, cần thiết. Tuy nhiên, trên vấn đề này, nhiều lúc nhà tiểu thuyết Đỗ Minh Tuấn đã bị lép vế trước nhà chính luận Đỗ Minh Tuấn. Giá ông bớt đi những trường đoạn “phân tích sự kiện” – hệ quả của trạng thái bức xúc cao độ và tâm lý “sốt ruột” muốn bộc lộ chính kiến ngay lắp tự – thì sức thuyết phục nghệ thuật của toàn tác phẩm cao hơn. Điều này ông hoàn toàn có thể xử lý tốt, do sẵn vốn sống, lại có kho tích lũy các chi tiết hiện thực hết sức dồi dào.
4. Đúng là trong Thần thánh và bươm bướm, những chi tiết minh chứng cho luận đề về món nộm của văn hóa Việt hiện nay rất phong phú. Thật thú vị là tình trạng hổ lốn của văn hóa được “lật tẩy” qua cách dùng tiếng Việt ngọng nghịu của nhân vật Jôn: “Người Mỹ của chúng tôi theo đạo Cơ đốc nhiều, nhưng bây giờ cũng đã thích đạo Phật rồi lắm. Nếu gia đình em Minh có nhiều văn hóa truyền thống như vậy thì rất tốt lắm. Tôi muốn chụp ảnh lễ hội trong nhà của em Minh”, “Tôi muốn chế tạo lại văn hóa truyền thống của Việt Nam mà rất đẹp!” (trang 156, 157). Đọc những lời bộc bạch ấy người đọc khó mà không phì cười, nhưng cười xong lại thấy cay đắng, bởi bản thân chúng giống như tấm gương mà người khác cầm đến tận nơi để ta soi chân diện mục khá nhếch nhác của mình. Cũng có thể xem chúng như bản dịch ra tiếng Tây của lời ca nguyên bản tiếng Việt.
Độc giả có thể nhìn ra sự tồn tại thực của món nộm văn hóa đã nói ở từng số phận cá nhân (vốn là kết quả nhào nặn của nó), khi theo dõi những đoạn miêu tả tâm lý hay trạng thái nhận thức rối rắm của những con người sinh ra từ đồng quê Việt như thằng Giác, Thao, vợ Thao, cái Minh… Vào đêm bỏ nhà ra đi do ăn cắp vàng bị bố đánh đuổi, trong đầu thằng Giác, đường liên hệ mạch lạc giữa mọi thứ được bộ nhớ thâu nạp bị đứt tung, khiến nó thoát ra không nổi sự vây bủa lùng nhùng của một mớ pha trộn giữa những ý nghĩ báng bổ, cảm giác oán hận với sự rùng mình, hoang mang. Đặc biệt, các vết hằn của văn hóa truyền thống gắn liền với những hình ảnh đồi sim, hoa mua, cánh diều, hoa gạo, đầm sen, miếu thờ, hình ảnh những người thân lam lũ, tội nghiệp… luôn bị các làn sóng của thứ văn minh hưởng thụ bóng loáng ánh kim loại từng đợt, từng đợt xô tới xóa mờ và làm tiêu biến, khiến nó mất khả năng suy đoán bình thường để đi đến hành động giết người một cách thậm vô lý. Bên cạnh thằng Giác, nhân vật Thao cũng có một cuộc đời nham nhở, lắm khúc ngoặt. Anh ta làm cái gì cũng quyết đoán, như thể đã làm chủ được mình, như thể đã có đủ lý lẽ để tự biện minh cho mọi hành động điên rồ nhất: tưới xăng đốt chết đàn vịt đỏ để trả thù kẻ mua tham lam; đòi khẳng định uy quyền tuyệt đối của con đực giữa đồng không mông quạnh trong đêm giông gió; rình trộm xem thằng con xưng thánh chữa bệnh bằng tình dục; kiên quyết tìm mua cho bằng được một khẩu súng (dù là súng gỉ) vì lòng tự ái; sẵn sàng xả thân như một hiệp sĩ để cứu mạng đứa con quái thai của người đồng đội; toan tính một kế hoạch làm giàu nhờ bán bươm bướm, bọ hung cho những thằng khách sộp Tây, Nhật; tham gia đánh chết kẻ ăn trộm hài cốt của bà mẹ một người bạn trung hậu… Tuy nhiên, tập hợp các hành động của anh ta lại, ta khó nhận ra sự chi phối của một căn cốt đạo đức vững bền hay của một nguyên tắc hành xử nhất quán. Các hành động đó được điều khiển bởi nhiều nguồn lực mà giữa chúng thường xuyên có sự tranh chấp, không tìm được tiếng nói chung với nhau. Cuộc đời của Thao, có thể nói, giống như một bãi chiến trường chưa biết đến bao giờ mới hết khói lửa. Trong trường hợp này, bảo Thao là một tính cách thuần Việt chẳng hề sai, có điều, khái niệm “thuần Việt” cần được nhìn nhận với tất cả tính chất hỗn dung phức tạp của nó.
Nhìn ra quy mô toàn xã hội, món nộm văn hóa kia có muôn vàn biểu hiện, để mắt vào đâu cũng thấy. Theo sự miêu tả của tác giả, hình như thảm trạng này đã được chấp nhận như một cái gì tự nhiên, đến nỗi người ta sẵn sàng tô đắp thêm cho nó, phổ quát hóa sự tồn tại của nó bằng nhiều hành vi thật kệch cỡm, khôi hài. Trong Thần thánh và bươm bướm dường như có cả một triển lãm những bằng chứng về sự lai căng văn hóa hay có cả một bản thống kê dài, đầy ấn tượng những biểu hiện của món nộm văn hóa mà các chủ thể của nó nhiều khi thích trưng ra với niềm hãnh diện. Cái gọi là văn hóa bỗng có một diện mạo thảm hại khi người ta đánh đồng dịch vụ văn hóa với việc đặt bàn bi a ở nhà ngang đình làng; khi đổi tên Hợp tác xã làm nón thành Trung tâm cung ứng vật tư du lịch bảo tồn văn hóa truyền thống với một thái độ rõ ràng là cơ hội; khi chả biết là hồn nhiên hay trơ tráo muốn kê khai hành động tổ chức đám tang to tát cho ông lão ăn mày – người của vận may – trong bản thành tích văn hóa của xã; khi ép duyên khoa học với mê tín để đưa chuyện xưng Thánh vào phạm trù văn hóa một cách êm ru; khi hợp thức hóa “trò mèo” kiếm lợi từ việc viết sớ chữ Việt bằng tình cảm văn hóa Dân ta yêu chữ nước ta!/Việt Nam dân chủ cộng hòa muôn năm!… Văn hóa quả thực đã bị đầu cơ bởi những đầu óc “làm ăn” láu lỉnh. Khái niệm văn hóa đã bị rút ruột để còn trơ lại như một chiêu bài. Hai chữ văn hóa được nhà nhà, người người dùng trên cửa miệng với thái độ trơ trẽn đã trở thành một cái gì thật gớm guốc. Hãy nghe nhân vật Thao lập luận về kế hoạch mưu sinh mới của thằng Chấn – đứa con bị chính anh ta phang đòn đến mất cả thiêng: “Số tiền thằng Chấn thu được trong thời gian xưng Thánh đổ hết vào chữa mấy cái xương sườn nên nó chỉ còn vài triệu, mua được cái xe đạp mini. Số còn lại nó mua một đàn chim bồ câu về nuôi cho vui. Bố nó bảo nuôi bồ câu cũng là văn hóa, huấn luyện tốt cho thi trong hội thả chim truyền thống có khi giật giải mấy triệu đồng. Nếu không được giải vặt lông hầm hạt sen cũng là món thuốc bổ truyền thống khá nổi danh” (trang 148). Ở đây, ngôn ngữ của nhân vật thì thản nhiên, thậm chí hồn nhiên, nhưng khi được tổ chức, miêu tả bởi nhà văn, nó mang một sắc thái châm biếm vô cùng rõ rệt. Trong Thần thánh và bươm bướm, những cú “tạt bóng ngang mặt” kiểu như thế đối với tình trạng bát nháo của văn hóa được vận dụng rất linh hoạt, ngẫu hứng và đạt hiệu quả cao, cho ta thấy tài năng trên phương diện ngôn ngữ tiểu thuyết của tác giả – một cái tài đã được “xài” có phần hơi phung phí, nếu so sánh với cách dùng dè xẻn và ít nhiều mang tính chất “khôn lỏi” của một số nhà văn khác.
Trong cái không gian bao trùm của thứ văn hóa hổ lốn ấy, bao nhiêu nghịch lý, nghịch cảnh đã phô bày. Những kẻ cầm súng canh chừng gốc cây gạo để ngăn chặn hành động cúng bái mê tín lại chính là bọn người đứng ra làm bình phong cho gia đình mình thực hiện cái trò bị phê phán ấy. Quá khứ thiêng liêng mà các cụ vẫn hay mang ra dọa con cháu lại bị chính chúng sử dụng lại theo phương châm “lấy quá khứ trị quá khứ” để khống chế các cụ, “đưa các cụ vào trật tự” (mỗi khi ông Cảnh đánh thằng Giác, thằng Giác lại nhảy lên vớ lấy bát hương trên bàn thờ đòi đập vỡ). Kẻ gian giấu thuốc Tây trong lòng tượng Phật khiến Ủy ban xã ra lệnh đóng cửa chùa để lấy mặt bằng cho các cựu chiến binh mở dịch vụ sản xuất lốp xe đạp. Khi Thánh Chấn đã mất thiêng thì cái điện thờ bị phá đi để bố Thánh lấy gạch xây chuồng lợn. Có đám người hết đường kiếm sống phải cạo đầu giả làm sư khất thực chặn ngang đường tàu đòi quyên tiền “xây tháp”. Trong Hội diễn mừng ngày Toàn quốc kháng chiến, tiết mục đơn ca lại là bài hát tiếng Pháp do một kẻ hành nghề cave có môi thâm Hàn Quốc thể hiện. Mấy thanh niên sùng Tây mất gốc bị ông trưởng họ lột truồng, cấm cửa, sau khi không đòi được tiền thưởng về công ủng hộ dự án, thoắt một cái, bỗng trở thành “những đứa con yêu của giống nòi”, thở ra tuyền giọng yêu truyền thống, bảo vệ truyền thống… Tất cả những nghịch lý, nghịch cảnh đáng cười, đáng giận, đáng khóc kia từ đâu mà sinh ra? Nguyên nhân hầu như đã được xác định khi tác giả có ý thức dùng hai chữ văn hóa suốt dọc tác phẩm…
5. Ai cũng biết văn hóa là nền tảng của tất cả mọi thứ làm nên gương mặt cuộc sống này. Tuy nhiên, đối với những gì đã được kể, tả trong Thần thánh và bươm bướm, một câu trả lời như trên là quá chung chung. Rõ ràng, Đỗ Minh Tuấn không hề bằng lòng với những cách giải thích vấn đề lưng chừng, khơi khơi. Đồng ý là nguyên nhân nằm ở hai chữ văn hóa, nhưng văn hóa là một cấu trúc gồm nhiều yếu tố cùng mối liên hệ giữa chúng, vậy đâu là yếu tố cơ bản trong văn hóa đó đã đóng vai trò chi phối quan trọng đến tất cả những diễn biến phức tạp của cuộc sống hiện thời? Căn cứ vào nhan đề cũng như hệ thống sự kiện, chi tiết giàu tính biểu trưng của tác phẩm, có thể tạm khái quát rằng theo nhà văn, hai yếu tố cơ bản đó là tín ngưỡng nửa vời và tinh thần thực dụng tiểu nông của con người Việt Nam. Hai yếu tố này tồn tại xoắn bện vào nhau, bao hàm lẫn nhau.
Quả là người Việt có tâm lý tôn thờ thần thánh. Điều này dễ hiểu và dễ chấp nhận khi dân mình bao đời chìm trong kiếp sống lam lũ, tẻ nhạt, rất cần có thêm chút “vị muối của đam mê” (lời của tác giả). Vả lại, theo một “nguyên lý” đã được câu thơ của Tố Hữu diễn đạt rất hay là “Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta”, con người sẽ thấy diện mạo của mình đỡ phần thê thảm khi thắp hương dâng lên thần thánh. Nhưng các thánh ở đây được “xây dựng”, “bồi dưỡng”, được “cơ cấu”, “quy hoạch” (xin mạn phép dùng ngôn ngữ của “các nhà tổ chức” trong thể chế hiện nay) sao mà dễ quá! Một ông lão ăn mày nhờ “khoảnh khắc ngẫu nhiên run rủi” đã đột ngột biến thành “sứ giả của cõi vô hình”, “ngày càng tỏa hào quang, thăng tiến trên con đường bí ẩn của tâm linh”. Điều đó khiến người trần thuật (cũng là tác giả, ở trường hợp này) phải buột miệng triết lý trong niềm ngao ngán: “Thế mới biết khoảng cách giữa kẻ ăn mày và người nhà Thánh cũng chỉ mong manh như sợi tơ nhện đực!” (trang 52). Một thằng nhãi (trong con mắt của bố mẹ và dân làng), chỉ sau một trận sốt bỗng có những năng lực lạ thường, “tự xưng là Thánh Chấn hiện về để cứu nhân độ thế”. Lập tức, hắn được người tứ xứ tín mộ, ùn ùn kéo tới đặt tiền xin quẻ âm dương. Từ thời điểm đó, gia đình hắn bước vào một cơ hội làm ăn mới và làng xã được dịp mát mặt, tự hào. Ở một cấp độ khác, thằng Jôn, lão Wang cũng là một kiểu ông thánh của thời này. Người ta nhìn nhận bọn họ như kẻ cứu tinh không chút băn khoăn, sẵn sàng tin vào những lời hứa hão và vô tư chịu sự sai khiến, chịu làm công cụ phá hoại mù quáng của chúng. Rồi người ta còn tự mê hoặc mình khi thổi phồng những dự định cá nhân thành thực của thằng Jôn thành một kế hoạch to tát, biến Jôn trở thành kẻ đại diện bất đắc dĩ cho nước Mỹ trong sứ mệnh bảo tồn văn hóa Việt hay làm cho người dân của xứ sở nghèo đói này được đổi đời… Ở đây, thiết tưởng cần một mở ngoặc: tác giả đã có sự nhận diện sắc sảo về thói “mê thánh” của người Việt, đã châm biếm nó một cách sâu cay, nhưng lạ thay, hình như bản thân ông cũng chưa (hay không muốn) thoát ly khỏi tâm lý ấy, thậm chí muốn ra tay tổ chức lại nó nhằm phục nguyên diện mạo văn hóa đẹp đẽ nhất mà nó từng có được. Điều này thể hiện rõ trong đoạn nói về sư cô trong chùa Mỹ Khánh – người chứng kiến cảnh anh Tây lai tên Quỳ khi giúp nhà chùa bê hộ tượng Phật lên xe đã bất đồ để của quý trỗi thoát khỏi cái quần đứt chun, bất đồ để lộ cuộc vật lộn giữa bản năng tình dục và tình cảm hướng thượng trong mình. Dĩ nhiên, sư cô có “tiềm năng” trở thành “thánh”, nhưng điều đáng nói là tác giả hơi “đốt cháy giai đoạn” trong việc đặt sư cô lên “thượng điện”, đã vận dụng toàn bộ cái tài hoa và sắc sảo trong lý lẽ để ép độc giả tin rằng cái ý nghĩ táo bạo trong đầu sư cô muốn bố thí cho Quỳ một chút lạc thú như “đem đến cho kẻ đói một bát cơm nhà Phật” là biểu hiện của sự giác ngộ. Tác giả đã rưng rưng cảm xúc khi viết: “Sư cụ tay lần tràng hạt miệng lầm rầm cầu khấn điều gì đó mà chẳng hề biết có một nguồn mạch từ bi đầy sức sống đang dâng lên từ đáy lòng sư cô lan tỏa trong không gian ẩm ướt của ngôi chùa vắng, bao trùm lên mọi hình tướng khả nghi và bí ẩn như một sự giao hòa rất tự nhiên giữa đạo và đời” (trang 348). Có thể tác giả phải cần có thêm một chút trầm tĩnh, “từ tốn” trong việc bài binh bố trận hệ thống chi tiết và hình ảnh. Nhưng qua đoạn văn vừa dẫn và nói chung là qua cả tình huống Thao, Quỳ ra tay cứu khổn nhà chùa, người đọc thấy rõ rằng ông không nói về văn hóa Việt bằng thái độ “khách quan” của kẻ đứng bên ngoài, mà bằng tình yêu sâu đằm đối với nó, bằng tâm trạng luôn thao thức về đường đi của nó trong bối cảnh mới. Dĩ nhiên, ông cũng đã nói với tư cách của người chưa bao giờ thoát khỏi hệ lụy với nền văn hóa này, xét trên mọi phương diện.
Trở lại với điều mà trên kia đã nói là tín ngưỡng nửa vời. Chính tác phẩm cung cấp đủ cứ liệu để chứng minh, cho thấy các thánh thần do con người dựng lên cũng có một số phận đầy mong manh, bất trắc. Thằng Chấn thành thánh nhưng luôn bị bố mẹ nó ngờ vực, tiếp đó bị bố lẳng ghế gãy mất ba xương sườn và giập lá lách phải. Sau sự kiện này, nó mất thiêng, trơ lại “cái xác tuổi hai mươi, trần tục và trống rỗng”, không còn có khách đến nhờ gieo quẻ và chữa bệnh, trở thành đối tượng của những lời đàm tiếu độc địa, không thương xót. Không chỉ “thánh thần hiện đại” mới dễ bị hạ bệ. Ngay cả thánh thần đã có vị trí lâu đời trong tâm thức của con người như thần cây gạo, cây bưởi cũng có thể bị người ta đem “biếu không” hay bị đuổi cổ để đổi lấy một chút lợi ích vật chất tầm thường trước mắt Nhưng có điều oái oăm là thánh thần này bị bứng rễ thì thánh thần khác lại mọc lên, theo một vòng quay miên man bất tận. Tâm lý mê thánh luôn xui người ta tìm đối tượng để thờ phụng, mà việc tìm đối tượng đó thì chẳng có gì là khó! Chỉ cần một ít lời đồn thổi, rỉ tai, một ít thông tin bá vơ chẳng thèm kiểm chứng, chỉ cần một chút cầu mong về lợi ích vật chất đột nhiên được đáp ứng, thế là có thần thánh mới ra đời: “Các vị thánh lớn bé đột ngột hiện lên, tỏa rạng, thăng hoa làm hội hè sôi động một đoạn đời để rồi một ngày không định trước các vị lại bỏ đi, ném những huyền thoại âm u choàng lên cây gạo, cây đa, hòn đá, dòng sông hay ngọn núi” (trang 146). Chính tại điểm này, ta nhận thấy rõ mối liên hệ giữa tín ngưỡng nửa vời với tinh thần thực dụng. Quanh gốc gạo người ta sẽ không thắp hương nhiều như thế trong thời mà khúc ca bài trừ mê tín dị đoan liên tục được phát đi phát lại, nếu không có chuyện ngồi tựa lưng vào nó thì sẽ ù bài liên tục. Ông lão ăn mày sở dĩ thành “thánh” được bởi ông là con người của vận may, đã giúp bao người gặp số đỏ khi họ vô tình hay hữu ý “quệt” vào mình. Dù ấm ức vì chưa được tôn trọng đầy đủ cho xứng với vai “bố Thánh”, Thao vẫn nhẫn nhịn phục vụ Thánh Chấn để kiếm thêm vài đồng bạc nhờ viết sớ chữ quốc ngữ. Cây bưởi chỉ thật sự “thiêng” và chỉ được trông coi cẩn thận khi nó đem lại những nguồn lợi thấy được cho dân làng (làng cử người bán vé qua cửa với giá rất cao), còn khi cản trở người ta gặt hái các món hời lớn, nó đố mà thoát được hàng dây lời bình phẩm báng bổ và những mưu tính sát hại.
Tinh thần thực dụng cũng như tâm lý mê thánh vốn là sản phẩm của một đời sống đói nghèo kinh niên. Chính nó đã tồn tại như một phương thức ứng xử hợp lý giúp người dân Việt (trước hết là nông dân) tồn tại được trong dòng chảy may rủi khôn lường của lịch sử. Không phải nó không chứa đựng những nét đẹp riêng để tạo nên những mẫu người sống bình dị, biết chấp nhận số phận, chấp nhận môi trường sống chẳng được mấy ưu đãi. Trong tác phẩm, nhà văn đã có những trang viết tưởng vụn vặt mà thực ra rất tinh tế về những toan tính lắt nhắt của vợ chồng Thao khi đèo nhau về Bắc Ninh chuộc lại mấy đôi vịt đỏ để nhân giống, hay kế hoạch chi tiêu tỉ mỉ và cách giữ tiền phòng mất cắp của Thao trên đường lên Yên Bái mua súng. Thật đáng gọi là sự lạ khi một cây bút ham bàn chuyện vĩ mô như Đỗ Minh Tuấn lại không qua quýt chút nào trong việc kể những chuyện tưởng mấy bà quen đi chợ và hay mặc cả mới thành thạo. Thì ra, tất cả những chi tiết đó đã được bố trí một cách hoàn toàn chủ động trong dự đồ sáng tạo của nhà văn. Dù muốn hay không, tác giả cũng đã khiến ta tin rằng: thực dụng là một phẩm chất thuộc tính cách Việt.
Thế nhưng trong Thần thánh và bươm bướm, tác giả không đặt trọng tâm khảo sát tinh thần thực dụng ở dạng “nguyên bản” mang nhãn mác Việt của nó. Ông tập trung chú ý vào sự kích phát của những yếu tố tiêu cực tiềm tại trong nó khi xã hội ta đang sống bị cuốn vào guồng quay chóng mặt và nhẫn tâm của cơ chế thị trường. Thần thánh thuở nào đã chết nên chẳng có cái gì có thể ngăn cản được sự cộng hưởng cuồng dại giữa tinh thần thực dụng xưa với kiểu thực dụng mới đang được du nhập (theo quy luật tất yếu của giao lưu thời mở cửa). Giữa đám bát nháo những ông thánh mới, có một “ông” thực sự gây uy lực: đồng tiền. “Ông” này không loại bỏ tính hoang tưởng, mê thần thánh vốn có của người Việt mà đầu cơ nó để gây thanh thế cho mình. Thằng Giác trong cơn giận đời vừa khóc vừa chửi: “Đ.mẹ đứa nào bịa ra con ma làm khổ bố mày nhé!”. Nhưng nó có biết đâu rằng con ma mà nó muốn thoát khỏi chỉ là con ma cũ, còn chính nó lúc này lại đang mê muội đi theo một con ma mới vốn có mồi nhử hấp dẫn là chiếc xe Win 250 phân khối và cuộc sống đầy đủ tiện nghi (tất nhiên, tiện nghi ở đây cũng chỉ gồm mấy thứ thảm hại mà đầu óc người nông dân khốn khổ có thể tưởng tượng ra nhờ sự “khai minh” của “thông tấn xã truyền miệng” hay của những gì được quảng diễn trên tivi). Có thể nói không có xung đột nào được miêu tả trong tác phẩm lại không liên quan đến tiền, từ xung đột ở quy mô giữa các làng xã về chuyện chọn nghi thức lễ bái thần cây gạo hay chuyện có nên phá bỏ đền thờ và cây bưởi thiêng vì dự án sân golf hay không, tới xung đột ở quy mô gia đình giữa các cặp cha con: ông Cảnh – thằng Giác, Thao – thằng Chấn, ông Hoàn – con ông Hoàn… Trong các cuộc xung đột đó, lý lẽ được đồng tiền hậu thuẫn bao giờ cũng chiếm thế thượng phong, vừa bặm trợn, tàn nhẫn lại vừa biến hóa ma mị, nghe không phải là không hấp dẫn. Bởi thế, không nói chi kẻ nhẹ dạ, đến người chín chắn, thâm trầm chỉ một lòng đề cao tâm đức như cụ Huệ – người trông đền và giữ gìn cây bưởi lạ – cũng phải phân tâm vì nó. Kết cục thì ông thánh mới nhân danh sự tiến bộ xã hội, nhân danh cuộc sống thừa mứa vật chất như bên Tây, bên Mỹ, bên Nhật, bên Sing đã đẩy dạt những ông thánh cũ của làng quê muôn đời vào cư trú trong hoài niệm chua chát, đắng cay của những ông bô, bà bô cổ hủ. Cũng chính nó đã kích động những cuộc đấu “tay bo” với tổ tiên (chữ dùng của tác giả) của một lũ thanh niên sống trong thế giới hoang tưởng được dệt nên bởi muôn vàn thông tin tạp nham, lừa mị và méo mó. Chưa hết, nó còn là kẻ tạo chia rẽ trong cộng đồng, làm hình thành những nhóm xung đột với nhau vì các hệ giá trị đối lập, làm tổn thương nặng thêm cái nền tảng văn hóa vốn đã chịu quá nhiều cú đánh phũ phàng của lịch sử… Thực ra thì giữa những hoang tưởng xưa với những hoang tưởng nay đều có một mẫu số chung: sự vắng mặt của lý trí, của một thứ tín ngưỡng đích thực có sự tham gia của lý trí. Rõ ràng, tình trạng rách tươm của văn hóa bây giờ có mối liên hệ với những khuyết tật có thật của cấu trúc văn hóa truyền thống. Có lẽ khi đặt bút viết Thần thánh và bươm bướm, thoạt tiên Đỗ Minh Tuấn muốn chỉ ra sự đối lập hay sự khu biệt giá trị giữa hai đối tượng được nêu tên trong nhan đề của tác phẩm, trong đó thần thánh là cái thiêng liêng, đáng tôn thờ và bươm bướm là cái ảo tưởng ngây ngô, nhẹ dạ. Giọng thiết tha, cảm xúc trong nhiều lần nói về thần thánh và giọng trào lộng khi miêu tả chiến dịch bắt bướm của dân làng Tây Lợi hòng hốt đô la của mấy ông tư bản Nhật đã chứng tỏ điều đó. Nhưng càng đi sâu vào vấn đề, càng đắm mình trong dòng sự kiện của chính cuốn tiểu thuyết, tác giả càng nhận thấy rõ rệt tình trạng cộng sinh giữa thần thánh và bươm bướm. Hóa ra có sự “hai mà một” ở đây. Thần thánh cũng là bươm bướm với cả hai đối cực vừa diễm ảo, vừa nhếch nhác và bươm bướm cũng là thần thánh trong các đặc điểm vừa trần tục vừa siêu thoát, phiêu diêu. Đúng là một hiện tượng khó phân chiết, bóc tách rành mạch từng yếu tố một. Nó tồn tại như một thách thức đối với nhiệm vụ xây dựng một chiến lược văn hóa cho phát triển mà các nhà trí thức, các nhà văn chân chính muốn buộc vào mình.
6. Chẳng khó nhận ra tính ẩn dụ và biểu trưng của nhiều sự kiện, chi tiết được nói tới trong tác phẩm như chuyện thằng Giác luôn dọa đập bát hương trên bàn thờ gia tiên (và cuối cùng đã đập thật) rồi ra tay sát hại ông Bổng – người đỡ đầu và vun trồng, gìn giữ thiện căn cho nó; chuyện thằng con ông Hoàn bán mộ thuyền người lính xưa vì giấc mộng sở hữu một chiếc xe máy Tàu; đặc biệt là chuyện cây bưởi thiêng ra hoa bốn mùa mọc trước đền ông tướng nhà Trần bị đánh mìn tan nát và chuyện cây gạo bao đời gắn bó với người làng Bái Hạ bị trực thăng cẩu đi khỏi mảnh đất quê hương để thành của riêng một ông chủ tư bản Hàn Quốc… Con người quả thật đang quay lưng với truyền thống, đoạn tuyệt với cội nguồn văn hóa, dứt tình với những giá trị tinh thần được nâng niu một thuở. Còn lại nơi này chỉ là cái chết thê thảm của tâm hồn – một cái chết được nhìn nhận qua hình ảnh biểu trưng là hồ chứa bùn đen mênh mông và dòng sông nước đen kịt như nước cống. Mất hương thơm thanh khiết của hoa bưởi, cũng là mất môi trường văn hóa tâm linh, những con người coi trọng nghĩa tình như cụ Huệ làm sao có thể sống được, cũng như con của cựu chiến binh Lôi – một sinh linh bé bỏng đáng thương – không còn điều kiện để tồn tại. Nói chung, cái chết của văn hóa đích thực thật kinh khủng. Chỉ trong hình dung lãng mạn của một nhà tiểu thuyết có tư duy thơ (khái niệm này được dùng theo cách hiểu thông thường) như Đỗ Minh Tuấn, nó mới mang vẻ đẹp bi thảm của những cánh bướm màu lộng lẫy bay lên từ cây bưởi bị tử thương mà thôi! Chẳng rõ theo yêu cầu của một thứ chủ nghĩa hiện thực nghiêm ngặt mà một thời hay được nhắc nhở, cái nhìn và cách miêu tả đó của nhà văn sẽ được đánh giá như thế nào? Không biết việc mỹ hóa một cái chết có làm sao nhãng phần nào sự chú ý của người ta về nguyên nhân gây ra cái chết đó hay không? Thực tế cho thấy, những cái “óng ánh” trong loại trường hợp như thế này rất dễ khiến con người mủi lòng, tiếp đó sẽ tha thứ, cho qua mọi chuyện! Chẳng nói đâu xa, ngay trong tác phẩm, một đoạn văn chính xác đến “khó chịu” như sau đã làm cho tội giết người của thằng Giác nhẹ đi rất nhiều trong suy nghĩ của người đọc: “Nó trả ông từ thế giới đời thường lam lũ về thế giới huyền thoại, hóa kiếp cho ông từ thân phận vô danh thành một cái bóng huyền ảo xoay vòng mãi xung quanh cái đèn kéo quân của ký ức cộng đồng. Thằng Giác đâu biết nó vừa làm cho ông Bổng trở thành bất tử!” (trang 63).
Ở Thần thánh và bươm bướm, Đỗ Minh Tuấn đã rất thành công trong việc phơi bày một thảm trạng văn hóa. Tuy nhiên, tham vọng của tác giả còn lớn hơn thế nữa và điều này hoàn toàn hợp logic. Ông dường như muốn thực hành một cuộc truy tìm “ẩn số văn hóa” Việt, một cuộc mổ xẻ tâm hồn, tính cách Việt để tìm lối, chỉ lối “hội nhập” đúng đắn cho nó. Hình tượng của chính tác giả được phản chiếu một phần qua nhân vật điều tra viên Long (tất nhiên, không chỉ qua Long, nhưng Long là người thích hợp ông để hóa thân, bởi anh này, do nghề nghiệp của mình, phải thường xuyên phân tích và biện luận, mà điều đó thì tác giả rất cần!). Có lẽ nhà văn đã hơi cường điệu về tính phức tạp của vụ án (chỉ riêng với vụ án hình sự này thôi) mà nhân vật Thao can dự vào. Nhưng những gì mà ông “mớm lời” cho các điều tra viên để họ chất vấn bị cáo, nói rộng ra là những gì mà ông “dàn dựng” cho vụ án lại mang tính chất của những dữ kiện phải tập hợp đủ để theo dõi, đánh giá đúng hành trình số phận của một tính cách Việt (nói có mức độ hơn là tính cách nông dân Việt). Hoặc nữa, chúng có ý nghĩa tương đương một gợi ý cho vấn đề: làm sao để có được sự gặp gỡ giữa người dân và chính quyền, làm sao để có được một thứ pháp luật có văn hóa và thực sự của văn hóa. Nhà tiểu thuyết, nhà chính luận, nhà thơ Đỗ Minh Tuấn hình như đã chập một với nhau trong dự án “tác thành” được tiết lộ ở đoạn văn này: “Trong các cuộc hỏi cung sau đó, Long đã chia sẻ với Thao nhiều điều khiến Thao bật khóc vì xúc động, thấy hả lòng hả dạ vì hóa ra cũng có người trong bộ máy chính quyền hiểu rõ mình như đi guốc vào trong bụng mình vậy!” (trang 429). Chắc chắn rằng trước khi Thao xúc động, tác giả đã xúc động rồi – xúc động về chính điều mình vừa tưởng tượng! Từng châm biếm sâu cay dự án bươm bướm của dân làng Tây Lợi, hẳn tác giả chẳng hề mong dự án mà mình là “chủ đầu tư” cũng hóa thành bươm bướm!
Quả thật, Thao là một nhân vật rất hay, có tính tiểu thuyết rõ nét với cuộc đời nhiều nông nỗi, lắm éo le, không thể đoán định trước. Tất nhiên, cái không thể đoán định ở đây chỉ là những tình huống cụ thể mà nhân vật gặp trong cuộc đời nhờ tài hư cấu và bút pháp biến hóa của nhà văn, còn xuyên qua chúng, người đọc vẫn nhận ra những hằng số tính cách – cái tạo nên số phận bầm dập mang tính tất yếu của anh ta. Ở Thao có sự hiện diện đủ những đặc điểm của một con người bình thường, vô danh trong cuộc sống. Nhưng đó cũng là nhân vật được nhà văn ủy thác cho nhiệm vụ làm sáng tỏ cái “ẩn số văn hóa” nói trên. Về tính cách của Thao, tưởng có thể đồng tình với nhận xét sau của chính tác giả (được phát biểu trong cuộc tọa đàm về tiểu thuyết Thần thánh và bươm bướm đã nhắc ở đầu bài viết): “Thao là nhân vật mang tâm thức nông dân Việt với những đặc điểm: Cảm tính, tùy tiện, ngẫu hứng, trọng tình, hay tự ái vặt, thiếu tinh thần chiến lược thực dụng nhất quán một chiều rất quyết liệt của người phương Tây. Vì thế, sự lang bang dở dang của Thao là biểu hiện của cá tính và thân phận nông dân Việt. Còn về hình tượng thì Thao đã đi đến cùng sự dở dang bối rối của mình trong thời buổi chuyển đổi hệ giá trị” (4). Nói đến nghệ thuật xây dựng nhân vật Thao, không thể không khâm phục, không thể không đánh giá là độc đáo việc tác giả đã sáng tạo ra câu chuyện Thao tìm mua súng. Súng vốn gắn với Thao trong tư cách một cựu chiến binh. Súng lại gắn với bổn phận bảo vệ những cái rất cần được bảo vệ trong chính cuộc sống hôm nay. Súng liên quan đến sĩ diện và tư thế ngẩng cao đầu không chỉ của Thao mà của cả một dân tộc trong trường kỳ lịch sử. Nhưng súng cũng là điểm gây nhiều cấn cái cho việc giải quyết thanh thỏa những nợ nần quá khứ nhằm bước vào thời kỳ hội nhập. Súng gợi nhớ những vết sẹo, những tổn thương quá khứ, cản trở con người ta đi tới một hạnh phúc trần thế trọn vẹn. Súng hoàn toàn có thể gây tai vạ cho người giữ, dù nó đã gỉ sét, không còn khả năng khạc lửa, bởi kẻ từng khuyến khích người ta dùng súng lại cũng rất sợ “tác dụng phụ” của súng. Vẫn luyến nhớ súng và thấy có súng mới yên lòng, điều đó biểu lộ một mặc cảm văn hóa sâu xa…
7. Thần thánh và bươm bướm là một tiểu thuyết nhiều tham vọng. Chính tham vọng này đã tạo cho nó một diện mạo trùng phức chập chùng: quá nhiều sự kiện và chi tiết; bộn bề miêu tả và luận giải; đan xen phức hợp đủ sắc thái giọng điệu; phối trộn nhiều ngón kỹ thuật của tiểu thuyết, điện ảnh, hội họa và thi ca; ngả nghiêng khiêu vũ trên cả hai chân huyền ảo và hiện thực… Theo một góc nhìn khác, nó khá ôm đồm, và chính vì ôm đồm nên có một số nhân vật, sự kiện chưa được xử lý nghệ thuật một cách kỹ lưỡng để tự chúng có thể cất lên tiếng nói của mình. Gặp trường hợp đó, tác giả buộc phải làm đầy hình tượng bằng lý lẽ. Các lý lẽ về cơ bản là hay nhưng có lúc còn nặng tính áp đặt, phơi trên bề mặt của hình tượng. Giọng hoạt kê, sự giễu nhại ngôn ngữ gây được ấn tượng mạnh nhưng nhiều khi bị trung hòa lập tức bởi giọng trữ tình hơi lộ tính chữ nghĩa. Vẫn biết bút pháp của tác giả cần phải biến hóa và tính đa giọng điệu, tính hỗn dung thể loại luôn là điều kiện cần của tiểu thuyết, nhưng trên thực tế, tác giả đã kéo độc giả cùng lúc tham gia vào quá nhiều trò chơi, trò này chưa xong đã thấy bày trò khác, khiến cho tính độc đáo của từng trò khó được cảm nhận hết. Tuy nhiên, sự ôm đồm bên cạnh cái dở cũng có cái hay. Nó ít nhiều gây rối trí cho độc giả, nhưng độc giả lại dễ quy nguyên nhân cho cái món nộm văn hóa đã được tác giả phơi bày! Bên cạnh đó, nó cũng chứng tỏ được năng lượng sống, năng lượng nghệ thuật dồi dào của nhà văn. Và điều này có lẽ quan trọng hơn: nó chỉ rõ nhiệt tình công dân, nhiệt tình của nhà tư tưởng mới là cái cần được độc giả chia sẻ trước hết, khi đọc cuốn sách này. Thần thánh và bươm bướm không thiếu những dấu hiệu cách tân nghệ thuật tiểu thuyết, nhưng nó đã được tác giả viết ra bằng tâm thế của một nhà văn cổ điển vốn coi trọng, đề cao chức năng xã hội của văn học, vốn tin vào sứ mệnh dẫn đạo cho nhân quần của sáng tác. Đây chính là điểm tạo nên vị thế riêng của Đỗ Minh Tuấn trong nền tiểu thuyết Việt Nam đương đại – vị thế một kẻ có quan niệm “cổ điển” về văn học nhưng không còn tin vào cách viết “cổ điển”, rất chú trọng đổi mới hình thức nghệ thuật nhưng lại ít mặn mà với khuynh hướng trò chơi trong văn học mà hiện nay nhiều tác giả, nhất là tác giả trẻ, đang hăm hở tham gia. Chẳng phải tác giả đã tỏ thái độ châm biếm điều đó khi hình dung ra cảnh bọn thanh niên cởi truồng đến gặp ông Wang và không ngượng mồm tri hô lên rằng chúng đang hy sinh vì cái mới, vì sự phát triển? Với Thần thánh và bươm bướm, rõ ràng tác giả muốn truyền đến người đọc cảm giác ưu tư, lo lắng về tình trạng suy đồi của văn hóa, sự thiếu hụt văn hóa (5) trong đời sống đất nước bây giờ, về sự cẩu thả của chúng ta trong bước chuẩn bị trên phương diện văn hóa (bao gồm cả việc chữa trị những căn bệnh cố hữu) cho cuộc hội nhập lớn ở thời đại toàn cầu hóa. Tác giả hẳn cũng muốn độc giả, như ông, như Thao – những chàng Don Quijote Việt – tích cực can dự vào các vấn đề lớn của đời sống, không “mụ mẫm, đãng trí và vô tâm”, tất nhiên, cũng không hoang tưởng và ảo vọng.
4 – 2012
(1) Nhà xuất bản Văn học, 2009.
(2) Trước Đỗ Minh Tuấn, trong truyện ngắn Vàng lửa, Nguyễn Huy Thiệp đã dùng cụm từ này: “Sẽ đến lúc nền chính trị thế giới giống như một món nộm suồng sã, khái niệm thanh khiết ở đấy vô nghĩa”.
(3) Câu hỏi này hoàn toàn có thể đặt ra trước tiểu thuyết Thần thánh và bươm bướm, do trong tác phẩm, tác giả trực diện, công khai đề cập những vấn đề của văn hóa Việt Nam, với liều lượng lớn những lời phân tích, dẫn giải không hề mang tính chất hư cấu, “giả vờ” theo kiểu của tiểu thuyết thông thường. Những phát biểu thêm, bên ngoài của Đỗ Minh Tuấn về Thần thánh và bươm bướm tự chúng đã xác nhận điều này.
(4) Đỗ Minh Tuấn: Những ý kiến tri kỷ còn giá trị hơn cả giải Nhất, http://www.vanhoanghean.com.vn/goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/3644-nhung-y-kien-tri-ky-con-gia-tri-hon-ca-giai-nhat.html
(5) Thật nghịch lý là sự thiếu hụt lại có biểu hiện gần như là sự sum suê, đa dạng.
Nguồn: Viện Văn học