Món quà bất ngờ: Bài viết của Hoài Khánh về tập truyện ngắn “Món quà bất ngờ” của nhà văn Dương Thị Nhụn

 

Không ngạc nhiên khi Dương Thị Nhụn dành hẳn một tập truyện ngắn cho đối tượng bạn đọc nhỏ tuổi mang tên “Món quà bất ngờ” (Nhà xuất bản Hải Phòng – 2019). Cuốn sách tập hợp 10 truyện ngắn của tác giả đã sáng tác trong những năm gần đây, chủ yếu dành cho thiếu nhi.Tập truyện chỉ vỏn vẹn gần 130 trang và số lượng bản in còn ở mức khiêm tốn, nhưng đó thực sự là một món quà tinh thần quý hiếm dành cho bạn đọc tuổi thơ Đất Cảng.

Là nhà văn từng sáng tác tiểu thuyết  “Thuyền nghiêng” cùng 2 tập truyện ngắn “Kiếp phù du” và “Men của tình yêu” dành cho người lớn, nhưng Dương Thị Nhụn vẫn dồn nhiều tâm huyết và bút lực vào những trang viết tặng trẻ em.Trước khi về làm biên tập viên ở Tạp chí Cửa Biển của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng, chị có hơn chục năm gắn bó với nghề dạy học ở một trường giáo dục chuyên biệt trong thành phố.Môi trường dạy học và cả một thời tuổi xanh giúp tác giả đúc rút vốn sống, thâm nhập vào đời sống học trò, hiểu rõ các em, từ đó đưa lên trang văn cả một thế giới sống động mà chỉ tuổi thơ mới có.

Nhân vật trẻ em hiện lên trong những trang văn của Dương Thị Nhụn thật gần gũi và đáng yêu. Đó là những học sinh tinh nghịch, có khi hóm hỉnh và cũng dễ bị tổn thương. Truyện ngắn “Món quà bất ngờ” kể về chuyện Trung bị bố đánh trận đòn đau do hiểu nhầm là cậu bé quá nghịch ngợm ở lớp và không lễ phép với người già. Thực ra Trung là học sinh ngoan, học giỏi dẫn đầu lớp và trên đường về nhà đã giúp đưa bà cụ qua đường. Chuyện ngầm nhắc nhở các bậc cha mẹ nên tin yêu con mình và đừng dùng đòn roi để dạy dỗ con cái.

Trẻ em hiện lên trong trang viết của Dương Thị Nhụn rất đáng mến. Đó là các em nhỏ biết yêu thương bạn bè cùng trang lứa, biết kính trọng người già, cha mẹ và thầy, cô giáo, biết làm bạn và chăm sóc các con vật nuôi trong nhà, biết gắn bó với thiên nhiên và quan tâm bảo vệ môi trường.Truyện ngắn “Bông ơi” được nhà văn kể rất tự nhiên. Câu chuyện hai chị em Thanh và Thắng không dừng lại ở việc chọn đặt tên và lo chăm sóc cô mèo lông trắng  mà dẫn bạn đọc chứng kiến cảnh cắn xé nhau giữa mèo nhà và con chuột cống. Câu chuyện đưa đến các em nhỏ những kiến thức về cách nuôi dạy mèo trong nhà. Từ đó tác giả ngầm giáo dục tình thương yêu những con hiền lành và gần gũi. Truyện tăng sức hấp dẫn bởi nhiều tình huống hành động và cách mô tả khá kỹ lưỡng về bức tranh sinh hoạt trong gia đình.

Dương Thị Nhụn chủ yếu lấy thủ pháp kể chuyện để dẫn dắt bạn đọc nhỏ tuổi vào điều mình lý giải. Truyện ngắn “Cuối năm” có cốt truyện đơn giản nhưng đọc lên thấy thật cảm động. Chỉ vì không trông cá phơi bị mèo hàng xóm sang ăn vụng khi Hùng lẻn khỏi nhà đi chơi đá bóng với đám bạn cùng thôn mà chú chó Vện bị cậu chủ đánh đòn khá đau, mặc dù cậu hàng ngày luôn chiều chuộng. Sau tối ấy, Hùng đã ân hận và đi tìm Vện về nhà tránh cái rét đêm đông. Câu chuyện nhằm khuyên nhủ các em nên biết yêu thương các con vật nuôi trong nhà.

Thế mạnh của ngòi bút Dương Thị Nhụn là cách hành văn tự nhiên nhờ óc quan sát thực tế và sử dụng những kiểu diễn đạt đặc trưng trong đời sống học đường, cộng với sự am tường tâm lý lứa tuổi mới lớn. Ngay phần mở đầu truyện ngắn “Những ngày đầu”:“là khung cảnh khá sinh động về một lớp học đầu cấp trung học cơ sở với những cô cậu học trò đang chớm tuổi dậy thì.Chúng háo hức muốn biết về hình thức bên ngoài của những giáo viên dạy ở lớp mình khi bước vào năm học mới. Chuyện học sinh bình phẩm về các thầy cô giáo của mình chẳng đáng khuyến khích chút nào nhưng vẫn xẩy ra như cơm bữa.”. Vẻ đẹp bề ngoài của cô giáo Hải chủ nhiệm lớp và cô giáo Thùy dạy văn khiến đám học trò phấn khích bao nhiêu thì dáng vẻ thấp béo của cô giáo Liên dạy vật lý và thầy giáo Mạnh dạy sinh vật làm cho đám học trò ấy có phần thất vọng bấy nhiêu. Nhưng chính những phương pháp dạy học của các thầy cô giáo lôi cuốn học trò say mê học tập đã giúp các em hiểu rằng vẻ đẹp người thầy chính là hiệu quả của những giờ lên lớp.

Truyện viết cho thiếu nhi của Dương Thị Nhụn chủ yếu xoay quanh đề tài học sinh trường học hoặc mối quan hệ thầy trò. Một khung cảnh sinh động của đám học trò nghịch ngợm, giàu cá tính trong giờ tự quản được nhà văn miêu tả khá chi tiết ngay phần đầu truyện ngắn “Chuyện ở lớp 8C”. Không khí náonhiệt của một tập thể học sinh được tác giả miêu tả thật sinh động với một loạt nhân vật nhỏ tuổi với các cá tính khác nhau cùng nhiều chi tiết chân thực chỉ có trong môi trường học đường. Thông qua từng mẩu đối thoại, mỗi cử chỉ, lời nói, hành động của một vài nhân vật học sinh cá biệt, tác giả mang tới người đọc vốn nhận biết về tâm lý tuổi dậy thì, mảng sinh hoạt ngoài giờ học trong môi trường giáo dục phổ thông. Tình tiết của truyện ngắn nằm chính ở phần cuối khi có sự xuất hiện của cô giáo Thanh chủ nhiệm lớp. Không khí lớp học trầm lắng hẳn khi cô giáo bị đau chân và buổi sinh hoạt lớp bất thường với những phát biểu thẳng thắn của học sinh về những khuyết điểm của giáo viên. Truyện ngắn này mang tới bài học đạo đức một cách khéo léo về tính trung thực, sự thẳng thắn, tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, phê bình và tự phê bình.

Mỗi câu chuyện là một bài học giáo dục nhẹ nhàng và thiết thực. Truyện ngắn “Thầy giáo cũ” như một hồi ức của tác giả. Thầy giáo Dâu thường hay đánh mắng đám học trò tinh nghịch, lười học của mình. Bọn trẻ ấy cũng lém lỉnh và hay tìm cách chế nhạo thầy. Lời di huấn của thầy để lại sau khi qua đời bởi một căn bệnh quái ác khiến đám trò nhỏ ân hận và vô cùng thương tiếc thầy. Tác giả không nhờ cốt truyện hấp dẫn mà để kết cục câu chuyện lắng sâu, ghim vào lòng bạn đọc nhỏ tuổiniềm xúc động nhân lên tình yêu thương, kính trọng người thầy giáo của mình.

Sáng tác văn học cho thiếu nhi là một lao động nghệ thuật đặc thù và không phải nhà văn nào cũng dễ dàng thành công trên lĩnh vực đó. Trong thực trạng thiếu vắng đội ngũ tác giả và số lượng tác phẩm văn học cho trẻ thơ, có được cuốn truyện “Món quà bất ngờ” của nhà văn Dương Thị Nhụn thật đáng trân trọng. Hi vọng cuốn truyện này không chỉ mang tới cho các em những bài học đạo đức cần thiết qua văn chương mà còn góp phần cùng những cuốn truyện, tập thơ của một số tác giả khác xác lập lại vị trí xứng đáng cho văn học Hải Phòng  trong nền văn học Việt Nam viết cho thiếu nhi mà nhiều năm trước đây từng có một thời vang bóng.

H.K

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder