Câu chuyện này xảy ra vào khoảng đầu năm 1954…
Kim Chi
Câu chuyện này xảy ra vào khoảng đầu năm 1954, cách đây đã gần 60 năm, nhưng vẫn in đậm trong tâm trí tôi như mới xảy ra hôm qua vậy…
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (trên cương vị Phó Thủ Tướng)
kiểm tra tình hình thi công cầu An Dương- Hải Phòng- 1983
Tôi may mắn được tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Là một cán bộ kỹ thuật ngành cầu đường, tôi được giao nhiệm vụ Chỉ huy trưởng công trường mở đường 13 thuộc địa phận tỉnh Sơn La để phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau khi con đường này hoàn thành, tôi được giao tiếp nhiệm vụ đảm bảo giao thông ở ngã ba Cò Nòi- nơi giao cắt của đường 13 từ khu Việt Bắc lên Điện Biên Phủ và đường số 6 từ Hòa Bình lên Điện Biên Phủ. Đây chính là cửa ngõ mà hai hậu phương lớn của ta từ Thanh Hóa, Nghệ An và từ Việt Bắc đi lên tiếp vận cho chiến dịch Điện Biên… Vị trí hiểm yếu của ngã ba Cò Nòi có một tầm quan trọng đặc biệt như vậy nên nó lập tức trở thành một trọng điểm bắn phá ác liệt của máy bay Pháp, hòng cắt lìa tuyến đường tiếp vận của ta nối với chiến trường Điện Biên mà Đại Tướng Võ Nguyên Giáp và quân dân ta đang chuẩn bị cho một trận đánh lớn.
Vào thời điểm đó, lực lượng do tôi phụ trách làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông an toàn và thông suốt tại Ngã ba Cò Nòi gồm hai đại đội chủ lực cầu đường, một đại đội thanh niên xung phong, ba đại đội dân công hỏa tuyến, phối hợp với một lực lượng pháo cao xạ. Mấy trăm con người, phần lớn là thanh niên trai tráng ngày đêm làm nhiệm vụ vừa khó khăn vất vả, vừa luôn phải đối mặt với hiểm nguy, bom đạn… Sinh hoạt thời chiến thiếu thốn, nhất là đời sống tinh thần. Đôi khi thèm một điếu thuốc lào- món “quốc hồn dân tộc” để vơi đi nỗi nhớ nhà… mà cũng không có. Tuy vậy, cánh thanh niên chưa vợ chúng tôi vẫn cảm thấy hăng say, vui vẻ làm nhiệm vụ đúng với tinh thần “ăn truyền thống, uống tiềm năng”.
Một hôm, chúng tôi nhận được lệnh của cấp trên: chuẩn bị đón một đoàn khách đặc biệt. Đoàn sẽ đi qua địa phận ngã ba Cò Nòi để lên Điện Biên… cần phải lập phương án đưa Đoàn đến nơi, đảm bảo bí mật và an toàn tuyệt đối. Chúng tôi vội tức tốc đến địa điểm đã hẹn để đón đoàn…. Đoàn kia rồi!!! Thật bất ngờ: chúng tôi nhận ra ngay Đại Tướng Võ Nguyên Giáp với dáng người tầm thước, nhanh nhẹn, gương mặt chữ Điền cương nghị mà đôn hậu, chính là vị khách đặc biệt trong đoàn. Ngay sau đó, chúng tôi triển khai rất nhanh phương án đã chuẩn bị sẵn: xe chở Đại tướng vẫn đi đường chính, nhưng kỳ thực, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn phương án ngụy trang, cùng Đại Tướng đi bộ theo con đường mòn, xuyên rừng núi để lên Điện Biên… Con đường tắt này có đoạn dẫn qua lán trại- trụ sở của anh em. Chúng tôi bèn mời Đại Tướng ghé vào, dừng chân nghỉ ngơi một lát, ông vui vẻ nhận lời.
Vừa tới nơi, ông bắt tay thân mật chào hỏi anh em. Ông hỏi tôi về lực lượng tôi phụ trách tổng số bao nhiêu người, gồm những lực lượng nào… rồi đột nhiên ông quay ra hỏi tôi: “tình hình đời sống, sinh hoạt của anh em có thiếu thốn gì không”. Bị bất ngờ, tôi lúng túng trả lời: ” Báo cáo Thủ Trưởng, chúng em được cung cấp nhu yếu phẩm, thực phẩm…đầy đủ cả. Vả lại, dù có thiếu chúng em cũng chịu được. Tuy nhiên… cũng có một thứ mà thiếu nó, chúng em thấy… nhớ và… thèm ạ”. Thấy tôi ngần ngại nói ra, Đại tướng gợi ý: “Các cậu cứ nói, đừng ngại, nếu được, tôi sẽ giải quyết…”. Bấy giờ, tôi mới ngập ngừng thưa: “Dạ, đó là món… thuốc lào ạ!”, Tất cả cùng cười ồ lên vui vẻ tán thành…
Câu chuyện vui của chúng tôi với Đại Tướng tưởng như chìm vào quên lãng thì khoảng một tháng sau, chuyến xe chở đồng chí Đinh Đức Thiện (Cục trưởng Cục Vận tải Quân sự, sau này làm Bộ trưởng bộ GTVT) từ chiến trường Điện Biên trở về, mang theo những chiến lợi phẩm của địch thả dù bị lạc chỗ để chia thưởng cho bộ đội. Khi xe dừng lại ở Barie trạm gác ngã ba Cò Nòi, ông gọi điện cho chúng tôi ra lấy quà. Sau khi đưa đầy đủ từng suất quà cho mọi người, ông nói: Lần này các cậu còn được nhận một món quà đặc biệt của Đại Tướng nữa đấy. Chúng tôi hồi hộp mang xuống xe một chiếc sọt nhỏ rồi mở ra: Hóa ra trong đó đựng đầy thuốc lào!
Tôi chợt lặng người đi vì cảm động. Ai có thể ngờ được rằng vị Đại tướng ấy, dù đang bận trăm công ngàn việc, dù đang phải căng óc ra để dàn trận, đối phó với quân địch giữa lúc nước sôi lửa bỏng chuẩn bị giao chiến… mà vẫn còn nhớ đến một điều mong ước cỏn con của chúng tôi trong một câu chuyện thoảng qua như vậy. Chúng tôi chợt hiểu ra: chính những điều bình dị, tưởng như nhỏ nhặt ấy đã làm nên tính cách cao cả, vĩ đại của vị Đại Tướng- người chỉ huy chiến dịch “Lừng lẫy năm Châu, chấn động Địa cầu”!
Năm 1983, khi tôi làm nhiệm vụ chỉ huy thi công cầu An Dương- Hải Phòng, một duyên may khiến tôi được gặp Đại Tướng một lần nữa. Khi đó Đại Tướng đảm nhận chức vụ Phó Thủ Tướng đã xuống Hải Phòng kiểm tra tình hình thi công cầu An Dương. Thật may là tôi vẫn còn lưu giữ bức ảnh quý giá này cho đến tận bây giờ. Trong ảnh: Đại Tướng đứng giữa, còn tôi (người mặc quần sooc trắng) đứng bên cạnh, đang thuyết trình quá trình thi công cầu An Dương cho Đại Tướng.
KC
(Ghi theo lời kể của ông Nguyễn Xuân Chúc)