Một chuyện ở biên giới – Truyện ngắn Vũ Đức Tân

Và tôi cũng quên đi mọi chuyện, cũng như tự bảo tại sao cái cậu đại đội trưởng ấy lại nghĩ ra cái quái chiêu đổ nước lá khoai môn. Không biết cậu ấy lấy từ sách vở nào hay do câu thơ của Xuân Diệu gợi cho cậu ấy cái ý nghĩ lạ lùng nọ: “Lòng em như chiếc lá khoai/Đổ bao nhiêu nước ra ngoài bấy nhiêu.”
Có trời mà biết được!..

Và tôi cũng quên đi mọi chuyện, cũng như tự bảo tại sao cái cậu đại đội trưởng ấy lại nghĩ ra cái quái chiêu đổ nước lá khoai môn. Không biết cậu ấy lấy từ sách vở nào hay do câu thơ của Xuân Diệu gợi cho cậu ấy cái ý nghĩ lạ lùng nọ: “Lòng em như chiếc lá khoai/Đổ bao nhiêu nước ra ngoài bấy nhiêu.”
Có trời mà biết được!

Trong cánh nhà báo, tôi là tay săn tin lọc lõi. Sự kiện vừa xảy ra là tôi đã có mặt ở đó, và thề có thủy thần, tôi bao giờ cũng vớt được thông tin sớm nhất. Nhưng buồn một nỗi, dù tôi hăng hái bao nhiêu thì toà soạn của tôi cũng hay làm nguội cái đầu bởi sự chậm trễ và trì hoãn của nó. Tôi ghét tay tổng biên tập vì thói đỏng đảnh và trì trệ. Y là người không chơi được vì hay làm mất hứng.
Cũng bởi vậy, nhiều khi tôi lại cho mình cái thú tán gẫu trong những doanh trại, khi tề tựu bên mình đủ các sĩ quan các cấp, đây vừa là nguồn tin quan trọng lại vừa chẳng là gì cả, vì trách nhiệm ở đơn vị dưới cũng hết sức lơ mơ, người ta có thể tôn vinh cũng như buộc tội bất cứ lúc nào.
Vào một ngày nắng đẹp trời, tôi ngồi tán gẫu với một tay trung uý được cử phụ trách một đại đội. Có hai chốt chính được đại đội chăm sóc. Tuy gọi là một đơn vị, nhưng nó không ở ngay mặt trận mà ở cách biên giới đến hơn một tầm đạn 130mm. Doanh trại là một dãy nhà lá đơn sơ, với một cái sân bóng chuyền rộng đủ để đỗ vài cái xe tải nhà binh. Đây cũng là nơi tân binh hàng ngày ra ắc ê luyện tập và lau súng.
– Trời đẹp quá. Hơi lạnh một chút nhưng lại có nắng. Nhà báo có chuyện vui kể cho lính tráng nghe cho đỡ buồn. Dạo này đói tin quá.

Ở ngoài chốt biên giới này đói tin không có gì lạ. Tiếng là được ưu tiên, nhưng báo chí trong ngày có khi phải hàng tuần sau mới tới đơn vị. Khi báo về, chỉ huy đọc, xong mới tới lính, nhiều khi tờ báo nát nhàu mới lại có một tờ báo mới.Thỉnh thoảng mới có hôm tập trung được cả trung đội đọc báo chung được nửa tiếng, thế là vui lắm rồi. Từ mẩu tin nhỏ anh em cũng thuộc, và còn bình luận chẳng khác gì bình luận những trận đấu bóng đá lớn trên thế giới.
Thời gian còn lại là cắm trại và chờ chiến đấu. Lúc nào cũng căng thẳng, nhưng lại chẳng có trận nào rõ rệt. Chủ yếu là hai bên thăm dò nhau. Thỉnh thoảng lại có thằng hăng lên bắn sang một qủa đạn pháo. Thế là đơn vị tá hỏa. Gọi điện từ trên xuống dưới.
Vui nhất là chuyện vào khu dân ở chơi. Người dân ở biên giới rất tốt bụng. Có cậu vào chơi người dân còn biếu đồ ăn mang về tiểu đội. Không cầm, họ không bằng lòng. Về lại phải báo cáo đơn vị mới được ăn. Có lúc chỉ huy phải đến nhà dân để giải quyết những chuyện vụn vặt này. Nhưng tình dân quân cá nước, việc dù khó mấy cũng xong, không xong không được. Việc hóng tin cũng là một thói quen của anh em lính. Có tin thì còn có chuyện mà kể. Người dân cũng thích chuyện trên trời dưới bể. Mà chiến tranh thì có báo chí nào tới tay dân đâu.Cánh lính ở đại đội thích được dự những đêm múa xoè. Nghe tiếng nhạc rộn rã, lòng nôn nao, vào nhảy múa với các cô gái xinh đẹp, nhìn những cái eo thon thả được tôn lên trong bộ quần áo dân tộc, với những bộ ngực vun cao, tự nhiên thấy xốn xang lạ. Đấy cũng là một nguồn tin.
Tôi ngồi ở sở chỉ huy tán gẫu với anh em cán bộ trong cái không khí như vậy. Lúc ấy cũng là vào dịp xuân, hoa đào trên vùng núi đã nở, đi dọc theo con đường núi thỉnh thoảng lại thấy một cây đào rực rỡ khoe sắc.Những câu chuyện của tôi chủ yếu là những chuyện nhì nhằng ở dưới xuôi. Từ chuyện mổ lợn trốn thuế, chuyện mua hàng trao tay nhau mua phiếu ở Tôn Đản, đến chuyện nhà thơ bình Kiều đi ra mặt trận, chuyện bình thơ ngay trên nóc xe tăng.Cánh lính lại thích nghe những chuyện lặt vặt ấy. Nó bớt đi cái căng thẳng, làm đỡ nhớ hậu phương, đỡ nhớ những con đường thanh bình lặng lẽ ở Hà Nội.
Đúng tối hôm ấy, một tổ trinh sát được cử sang trinh sát bên phía địch. Thực ra ranh giới của hai phía là một con sông tự nhiên, chỉ cần vượt qua bên kia sông là gặp địch rồi. Nhưng bên kia cũng là xóm làng, cũng là vườn tược, cũng có những người dân sống xen kẽ với trân địa, có người còn có dâu, rể với bên này. Nhưng người ở trong các làng ấy cũng thưa thớt.Họ sợ súng đạn, những thứ không nhìn được bằng mắt, nhận thấy được bằng tay. Nhóm trinh sát còn có nhiệm vụ thứ hai là tìm lá nấu nước gội đầu cho mấy cô văn công lên phục vụ chốt, một cách nịnh các mỹ nhân hiêm hoi có mặt bên cánh lính vốn khô khan, thiếu thốn tình cảm.
Khoảng mười giờ sáng hôm sau thì tôi lại có dịp ngồi với cánh chỉ huy sau giao ban. Trời cũng đẹp như ngày hôm qua. Ở một góc sân tôi thấy một cậu lính gánh nước đổ vào một cái lá khoai môn. Cậu lính mặt mũi đỏ gay, chừng đang căng thẳng, quần áo xộc xệch. Ác cái là chỉ huy chỉ cho phép đổ nước từ thùng chứ không được múc ra gáo. Mỗi lần cố sức như vậy, mặt cậu lính lại căng lên,cánh tay gồng hết cỡ, nước lại giỏ từng ngụm một, trông hết sức vất vả.Cái sân chỉ huy lênh láng nước. Vốn là đất núi, vậy mà nước đổ nhiều đến nỗi cái sân đã lầy lên thành bùn, màu đỏ cạch.
Tay đại đội trưởng mặt tỉnh queo, ngồi pha ấm trà mới, rót nước mời tôi rất ân cần. Trong cái lạnh của biên giới, tôi thấy nước da của tay sĩ quan này vẫn còn mượt và mịn như da con gái. Rõ ràng là mì sợi và bo bo đã không thể động chạm đến sức khoẻ cường tráng của anh ta.
– Cậu quê ở đâu?
– Em quê ở Hà Nội. Ngay ở phố Khâm Thiên, chỗ ngõ chợ rẽ vào ấy.
– Thẩm nào, trông cung cách cậu lạ lắm, không giống mấy anh lính tớ thường gặp.
– Em lên đây cũng nhớ nhà lắm, nhưng rồi cứ bám trận địa miết, không biết ở gia đình thế nào nữa.
Đã động đến Hà Nội là tôi lại ngồi dai. Bởi Hà Nội đối với tôi không lạ gì. Bến Phà Đen là nơi tôi lớn lên, từ hút nước mắm trộm tới chuyện lê la nhẵn mặt các hang động ven đê. Cái sân bãi Phúc Xá với chân bóng của tôi cũng chẳng xa lạ gì. Nó cũng là nơi tôi chứng kiến cảnh các cầu thủ của đội thể công và công an Hà Nội ra luyện tập và tranh tài nhau.Dòng sông Hồng chảy qua cuộc đời tôi cũng thân thiết và gắn bó máu thịt như với mỗi người dân tự hào là Hà Nội gốc. Tôi và cậu đại đội trưởng nhắc lại từng con đường, từng góc phố, chúng tôi chợt cùng nhìn quê hương dưới một góc độ mới, và cũng không thể lường hết tình huống một ngày nào đó Hà Nội sẽ bị tấn công từ dưới mặt đất. Cứ hình dung ra mũi nọ,mũi kia tấn công vào Hà Nội là đã thấy sốt ruột rồi. Xem cái cách nói chuyện của tay đai đội trưởng thì anh ta cũng chẳng vội vàng gì.Tôi nấn ná ngồi một chút rồi cũng đi theo một đơn vị ra chốt lấy tài liệu viết bài.
Nhảy từ một chiếc xe tải xuống, tôi thấy người đã thấm mệt khi phải đi xe và lên chốt, xong lại trở về sở chỉ huy ngay. Nắng chiều đã nhạt. Bên góc sân, tôi thấy cậu sĩ quan đang gầm gừ với cậu lính đã bã người vì gánh nước. Cả bộ quần áo của cậu như được tắm trong mồ hôi. Giọng hơi cao của cậu sĩ quan có vẻ chì chiết, nanh nọc tợn:
– Đồ ngu, muốn nó thấm nước thì phải có cái đầu chứ.Loại mày chỉ có hỏng việc lớn thôi.
Cậu đại đội trưởng giật lấy cái lá môn trên tay câu lính, rồi vò nát nó bằng tay, ném vào chậu nước:
– Đây, mày nhìn xem, nó không thấm nước là gì.
Cậu sĩ quan cao giọng:
– Nghiêm.
Cậu lính đứng cứng người, nhìn thẳng, hai tay để dọc theo lưng quần một cách nghiêm túc. Cái giọng cao lại cất lên:
– Đằng sau, quay.Bước đều, bước. Về tiểu đội.
Vậy là cái hình phạt với anh lính đã xong.
Thấy tôi chứng kiến mọi cảnh và nhìn mình một cách chăm chú, cậu đại đội trưởng mời tôi vào nhà uống nước, nói với giọng phân bua:
– Em dạy cho cậu ấy chữ nhẫn. Làm việc mà cứ cáu giận là hỏng hết, không sửa được.
– Nhưng vì sao cậu ấy bị phạt.
Mặt cậu đại đội trưởng bỗng trở nên buồn.
– Hôm qua, đội trinh sát vượt sang bên kia dòng sông. Các cậu ấy đã thuộc địa điểm nên không có trở ngại gì nhiều. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các cậu ấy trở về bờ sông, một cậu tranh thủ quay lai vào vườn hái lá sả gội đầu. Ai ngờ, lúc trở lại thì bị bắn chết. Lúc đội trinh sát trở về mang theo thi hài của cậu ấy thì cả đội như cuồng lên vì đau xót quá.
Lúc ấy, ở bên này bắt được một thằng thám báo vượt qua sông. Đã trói nó lại ở cái cây gần chốt, định đưa về sở chỉ huy. Cái cậu trinh sát gánh nước (mà anh thấy ấy) vừa trông thấy thằng thám báo là lấy AK bắn trọn cho nó một băng. Ngăn cậu ấy lai không kịp.
Phạt cậu ấy thế là còn nhẹ. Ai lại đi bắn tù binh bao giờ.

Buổi tối hôm ấy tôi đi dự một buổi tối lính nghe văn công quân đội hát. Mùi lá sả từ tóc các cô gái bay ngát một góc rừng. Những tiếng hát mênh mang và quyến rũ gợi lên bao kỷ niệm trong sáng, đầm ấm của quê hương. Giữa những ngày chiến tranh, nghe những lời hát mới thấy quý. Bâng khuâng bao nhiêu kỷ niệm về hạnh phúc của đời người. Tôi nghĩ tới cậu lính bị bắn ở bên kia dòng sông, lại nghĩ tới cái cậu lính suốt một ngày gánh nước mà không làm sao cho chiếc lá khoai môn thấm nước, lại nghĩ về cậu Đại đội trưởng người Hà Nội gốc đang đứng mũi chịu sào ở mấy cái chốt này. Tôi biết rằng tôi không thể viết điều này lên báo.
Và bài báo ngắn của tôi trong chuyến công tác ấy chỉ giản dị kể về một chuyện những người lính trinh sát đã chăm sóc các cô văn công như thế nào khi họ lên chốt. Một câu chuyện ở đại đội có thể làm mủi lòng những anh lính lãng mạn và mơ mộng mà không phải là những điều giản dị, khắc nghiệt trong chiến tranh.
Và tôi cũng quên đi mọi chuyện, cũng như tự bảo tại sao cái cậu đại đội trưởng ấy lại nghĩ ra cái quái chiêu đổ nước lá khoai môn. Không biết cậu ấy lấy từ sách vở nào hay do câu thơ của Xuân Diệu gợi cho cậu ấy cái ý nghĩ lạ lùng nọ: “Lòng em như chiếc lá khoai/Đổ bao nhiêu nước ra ngoài bấy nhiêu.”
Có trời mà biết được!

V.Đ.T

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder