Cái tư tưởng lạc quan “chúng ta đã làm tốt công tác phòng chống dịch” dường như đã khiến nhiều người chủ quan, có phần tự mãn. Tiếp đến là bởi lâu nay chúng ta vẫn hướng sự đề phòng về phía Trung Quốc, quốc gia cho đến giờ phút này vẫn được xem là nơi khởi phát của trận “đại dịch” Corona này, nên khi nó đột ngột xuất hiện từ một nơi khác vốn vẫn được mặc định là “văn minh”, là “an toàn” trong tiềm thức, thì cái cảm giác sững sờ thảng thốt ắt không tránh khỏi. Và bởi vậy mà phản ứng đầu tiên của hầu hết mọi người là đổ lỗi cho bệnh nhân, cũng là nạn nhân thứ 17 của Covid – 19 ở Việt Nam vừa xuất hiện. Việc cung cấp thông tin rất chi tiết về gia thế của “cô gái số 17” ấy, cũng như hành trình di chuyển của bệnh nhân, cả bằng những nguồn tin chính thức và không chính thức, cho thấy không chỉ người dân lo ngại, mà các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng thận trọng đến mức nào. Trên mạng xã hội và cả trong đời sống sau đó, hệ lụy của Covid – 19 được “gia tăng” bởi nỗi sợ hãi và sự thiếu hiểu biết của một số người đã gây ra nhiều náo động trong đời sống của cá nhân và cộng đồng… Và có lẽ chỉ đến khi những nạn nhân tiếp theo, số 18, 19, 20, 21… lần lượt xuất hiện liên tiếp những ngày sau đó, thì người ta mới bắt đầu bình tĩnh lại trong sự e dè để nhìn nhận lại vấn đề một cách khách quan…
Nỗ lực là điều không thể phủ nhận. Song sau ca dương tính thứ 17 (N17), khi chúng ta tiếp tục công bố cùng lúc ca nhiễm tiếp theo đối với người Việt Nam (T21) và 8 ca nhiễm khác từ những người nước ngoài cùng có mặt trên chuyến bay với N17 và T21, thì việc lây lan Covid -19 trên chuyến bay VN00054 này rất có thể chưa hẳn là từ một nguồn bệnh duy nhất. Không thể loại trừ khả năng chính chiếc máy bay này là một ổ dịch di động lây truyền, hoặc tất cả đều là nạn nhân của các ổ dịch đang bùng nổ tại châu Âu, mà N17 chỉ là người biểu hiện các triệu chứng lâm sàng sớm nhất và là người chủ động đến bện viện sớm nhất mà thôi… Giả thiết việc N17 và T21 có thể đều là nạn nhân của ổ dịch di động trên chuyến bay kinh hoàng này là hoàn toàn có cơ sở. Tại sao không?… Như vậy vấn đề ở đây cần phải rành mạch giữa hai khái niệm PHÒNG và CHỐNG đối với mục tiêu ngăn chặn tình trạng đại dịch đang bùng phát trên khắp toàn cầu.Cho đến khi bài viết này lên khuôn, số người nhiễm Covid – 19 ở Việt Nam đã lên đến con số 35, sau 5 ngày tái xuất. Điều này không phải là chưa từng được dự báo. Đặc biệt trong bối cảnh nhiều ổ dịch mới đang ngày một gia tăng theo tốc độ bùng phát ở nhiều quốc gia trên thế giới, mà số ca nhiễm cũng như tỷ lệ tử vong cao đột biến, nhiều nơi đã lên đến con số hàng ngàn, thì diễn biến như ở Việt Nam hiện nay rõ ràng là điều khó tránh khỏi và chưa phải là đã dừng lại. Song điều đó thực sự cũng đang phản ánh một nỗ lực rất lớn trong vấn đề ngăn chặn dịch bệnh ở ta…
“Phòng hơn Chống” vốn là bài học nằm lòng mà cha ông ta từ bao đời truyền lại. Nó được vận dụng thành công trong rất nhiều lĩnh vực, đến mức bản thân nguyên tắc đó đã trở thành một chân lý không cần bàn cãi. Thế nhưng sẽ rất sai lầm nếu chỉ hiểu Phòng và Chống là các bước kế tiếp nhau trong cùng một giải pháp. Trong ứng xử, hai khái niệm này thực ra rất khác, thậm chí là đối lập nhau ở cái sự Xa và Gần, ở cái sự Trước và Sau, ở cái sự Chủ động và Bị động… Chúng ta có Chống tốt đến đâu thì cũng là Bị động, cũng là ở khoảng cách Gần, cũng là làm Sau khi nó đã diễn ra. Nỗ lực là điều không thể phủ nhận, song hiệu quả thì rất khó chủ động kiểm soát. Việt Nam đã tính đến tình huống xấu nhất khi cùng lúc có nhiều người nhiễm Covid -19 rồi. Đó chính là những kịch bản về việc cách ly cả khu phố, cả phường hay thậm chỉ cả quận… Ngành giáo dục cũng đã có những phương án kéo dài thời gian kết thúc năm học trong bối cảnh đại dịch bùng phát. Tuy nhiên, việc thực thi những kịch bản ấy tốt đến đâu còn phụ thuộc rất lớn vào niềm tin và sự chung tay của cộng đồng, và kết quả của nó sẽ đến đâu vẫn còn phụ thuộc vào rất nhiều những yếu tố khách quan khác nữa…
Trở lại chuyện hai “nhân vật” N17 và T21. Hãy bỏ qua việc họ nhiễm virus từ đâu, thì rõ ràng với hiện tại, điều đáng trách là từ sự chủ quan của họ đã dẫn đến tình trạng N17 đã lây bệnh cho 2 người thân, cùng với hơn 30 người khác bị đặt vào tình trạng nghi vấn. Còn T21 với vị thế và hành vi bất cẩn của mình, đã gây nguy cơ và sự lo lắng cho gần 400 người, trong đó có cả những bộ phận cơ quan và nhiều gia đình gần như bị “F hóa” toàn bộ…
Và điều gì sẽ xảy ra khi tất cả những người nước ngoài vừa được xác định mang dấu dương (+) với con virus tai ương kia cùng có mặt, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm trên đất nước này để tận hưởng văn hoá cùng sự mến khách của người Việt chúng ta (mà thực tế đã phần nào diễn ra như thế), nếu không sớm có tiếng chuông báo động đầu tiên rung lên từ N17?… Rõ ràng là việc để “lọt lưới” hơn 200 hành khách và phi hành đoàn trên một chiếc máy bay có đến hơn chục người nhiễm virus (tính đến thời điểm hiện nay) vào giữa thủ đô, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát khắp nơi như một lời cảnh báo gay gắt, và tinh thần sẵn đối phó của chúng ta đã được đẩy lên đến mức độ cao nhất, rõ ràng là việc không thể xem nhẹ. Lại càng không thể tập trung sự suy diễn vào một giả thiết “chỉ có một nguồn lây lan duy nhất (N17)” và xem đó là tác nhân chính trên chuyến bay oan nghiệt đó để làm nhòa đi cái lỏng lẻo của hoạt động Phòng, vành đai bảo vệ từ Xa đối với sự an toàn của đất nước mà lẽ ra phải rất chặt chẽ trong thời điểm này. Chính sự tắc trách đó đã làm mất đi tính Chủ động trong việc ngăn chặn Sớm dịch bệnh đang rình rập lây lan. Bài học này không phải là chưa có những tiền lệ đã được cảnh báo mà cách đây chưa lâu chúng ta đã từng phải giải quyết hậu quả ngay trong công cuộc phòng chống dịch bệnh vừa rồi ở Đà Nẵng và Tp. Hồ Chí Minh. Câu chuyện cũng liên quan đến những chuyến bay…
Covids -19 sẽ không đáng sợ trước quyết tâm, trước sự đồng lòng và hiểu biết của mỗi con người trong xã hội, mặc dù nó đã và đang là mối đe dọa cho sự sống và cho nền kinh tế trên khắp toàn cầu. Chính phủ, Bộ Y tế Việt Nam đã lên nhiều kịch bản chống dịch, có những kịch bản để đối phó trong trường hợp có thể có mấy chục nghàn ca bệnh hay phải cách ly cả một quận… Đó là tinh thần sẵn sàng chống dịch ở mức cao nhất. Hãy xem trên các phương tiện truyền thông tại các nước Châu Âu, Châu Mỹ về thái độ thờ ơ và “vô tư” trong công tác chống dịch mới thấy Việt Nam đã quyết liệt trong việc này đến mức nào. WHO, CDC không phải vô cớ khi kêu gọi những nước khác hãy học theo Việt Nam và Trung Quốc trong công tác phòng chống đại dịch Covid -19. Việc cần làm lúc này của mỗi chúng ta là bình tĩnh, tiếp cận thông tin từ nguồn có độ tinh cậy cao và thực hiện một số biện pháp an toàn cho chính mỗi người
Những hệ lụy từ chuyến bay VN00054 ngày 2/3 vừa rồi sẽ còn rất nhiều, rất lâu, và ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Từ kinh tế, văn hóa, đạo đức, nguyên tắc, quy trình làm việc cho đến cả con người… Tuy nhiên đó là trách nhiệm và việc làm của một phạm vi khác. Còn với riêng công cuộc phòng chống dịch bệnh lần này, ít nhất nó cũng gióng lên một tiếng chuông cảnh báo về một nhận thức của trách nhiệm và tầm nhìn…
Nguồn Văn nghệ số 11/2020