Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước với sứ mệnh đưa dân tộc đến thắng lợi cuối cùng, chống chủ nghĩa thực dân đế quốc đưa đất nước đến kỉ nguyên hoàn toàn độc lập là một giai đoạn đặc biệt của lịch sử Việt Nam. Đây là những năm đất nước đối mặt với một thế lực hung hãn và tàn bạo nhất của thời đại. Chúng tuyên bố: sẽ đưa đất nước Việt Nam trở về thời kì đồ đá, và chúng hành động: không tiếc bom đạn, không từ bất cứ một tội ác nào để đốt sạch, giết sạch, xóa sạch… một dân tộc.
Không chỉ một lần, trong suốt chiều dài lịch sử giữ nước của mình, hình như số phận thường chọn dân tộc Việt Nam đối kháng với những thế lực hung bạo nhất như giặc Nguyên Mông, giặc Thanh, giặc Minh, giặc Pháp. Có điều, những kẻ chinh đông, phạt tây với sự tàn bạo khủng khiếp kia, đến Việt Nam và rút cuộc không khuất phục nổi Việt Nam, một dân tộc nhỏ bé nhưng trong đó mỗi con người biết yêu đất nước hơn cả bản thân mình.
Vậy yêu nước có phải là đặc điểm tiêu biểu nhất của tính cách và tâm hồn Việt Nam? Là phẩm chất có thể không có gì khác biệt so với các dân tộc khác, nhưng khác biệt ở chỗ là mỗi khi phẩm chất ấy được kết tinh và phát huy ở một thời điểm mang tính sống còn của lịch sử thì sự hi sinh bản thân mình cho đất nước của dân tộc Việt Nam… không phải dân tộc nào cũng làm được?
Từ lịch sử, có thể suy rộng ra, nếu văn chương là tấm gương của tính cách và tâm hồn, thì phẩm chất yêu nước có thể xem là đặc tính tiêu biểu nhất của văn chương Việt Nam suốt các thời kì lịch sử. Nếu lật lại những trang văn chương đẹp nhất của dân tộc, có thể nhận ra chủ nghĩa yêu nước như một dòng chảy xuyên suốt, không bao giờ cạn, và là điều làm nên sức sống mạnh mẽ của phẩm giá Việt Nam. Trong hơn mười năm kháng chiến chống Mĩ cũng vậy, có thể xem yêu nước như một sự tiếp nối tự nhiên giữa lịch sử và thời cuộc, như một sự hòa hợp, gặp gỡ tự nhiên giữa tâm tư con người và tinh thần của thời đại, trong tâm hồn người viết, qua ngòi bút của từng tác giả, làm thành một giai đoạn quan trọng của văn chương Việt Nam, nếu muốn nghiên cứu mười năm văn học này như một lát cắt thời gian. Vậy phẩm chất yêu nước ấy thể hiện ở những nét tiêu biểu nào?
1. Phẩm chất yêu nước của nhà văn trong chiến tranh
Đấy là những năm đất nước có chung tâm hồn, có chung gương mặt. Nhà văn, nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy. Xin lưu ý những thế hệ đến sau rằng, đây không phải là một cách nói mà là sự thật, là hành động của cả dân tộc, của mọi nhà văn nhà thơ. Các nhà văn lớn tuổi như Nguyễn Thi, Nguyễn Trọng Oánh, Nam Hà, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức… đều hăm hở ra mặt trận. Có người ở trên chiến trường hàng chục năm trời, vừa đánh giặc, vừa sản xuất lo cái ăn, vừa viết tác phẩm. Không ít người trong số họ hi sinh anh dũng trước bom đạn của kẻ thù trong tư thế của người cầm súng, như Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý… Giải thích thế nào đây sự tự nguyện hi sinh không tiếc bản thân mình cho Tổ quốc như vậy nếu không căn cứ vào lòng yêu nước như một phẩm chất đặc biệt trong tâm hồn họ, trong tâm hồn người Việt trước họa xâm lăng?
Chiến tranh lan rộng, không một ai đứng ngoài cuộc, kể cả những nhà văn lớp trước như Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Bùi Hiển, Chế Lan Viên… và nhiều nhà văn nhà thơ cao tuổi khác đã từng có mặt trên các tuyến lửa, đến tận chiến hào cho dù sức khỏe, tuổi tác đã không còn cho phép. Còn nhớ những bài thơ đánh giặc hào sảng và khích lệ của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Hoàng Trung Thông, Chính Hữu… đã như tiếp thêm tinh thần cho các thế hệ những ngày đánh Mĩ; còn nhớ những tác phẩm nóng hổi không khí cuộc chiến đấu của Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân… như củng cố thêm niềm tin của toàn dân, toàn quân vào chiến thắng của dân tộc.
Hơn ai hết những nhà văn quân đội hiểu rõ trách nhiệm lớn lao của mình trong chiến tranh. Bám sát các đơn vị chủ lực, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Xuân Thiều, Hữu Mai, Hồ Phương, Thu Bồn… luôn luôn có mặt kịp thời trong những chiến dịch, những trận đánh tiêu biểu, theo sát dấu chân người lính và kịp thời có những tác phẩm xứng đáng với những chiến công hiển hách. Nguyễn Minh Châu và chiến thắng Khe Sanh; Nguyễn Khải với Cồn Cỏ, Hòa Vang; Xuân Thiều với vùng ven Quảng Trị; Hữu Mai với dải đất hẹp miền Trung; Hồ Phương với các anh hùng miền tây Quảng Trị; Thu Bồn với địa bàn Tây Nguyên…
Cuộc kháng chiến chống Mĩ đã làm xuất hiện trong lịch sử văn học Việt Nam một thế hệ nhà văn đặc thù, sản sinh từ trong lòng cuộc kháng chiến, vừa cầm súng vừa cầm bút như một đặc trưng chưa từng có trước đó. Vào mặt trận chưa phải là những tên tuổi nổi bật, hoặc có khi chỉ là những người yêu văn chương ở các đơn vị quân đội khác nhau, nhưng ra khỏi cuộc chiến và cũng nhờ năng lượng tích lũy từ cuộc chiến, họ là những tác giả vững vàng, rồi trở thành lực lượng chủ chốt của nền văn học. Họ là những cây bút mang đến nền văn học tiếng nói tươi trẻ nhất, trực tiếp nhất, gần gũi nhất của người cầm súng trên mặt trận. Họ là những Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu, là những Thái Bá Lợi, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Khắc Trường, Chu Lai, Khuất Quang Thụy… và nhiều nhà thơ nhà văn khác nữa.
Như vậy, có thể nói các thế hệ nhà văn đều ở trên tuyến đầu chống Mĩ trong một giai đoạn đặc biệt thử thách lòng yêu nước của mỗi công dân – nhà văn trước vận mệnh của dân tộc; và văn học, vì thế, cũng mang một phẩm chất đặc biệt: tập trung sức lực cho sự tồn vong ấy của đất nước.
2. Đặc sắc nội dung yêu nước của một giai đoạn văn học
Khi sự sống và cái chết đang đặt ra một cách cấp thiết trước mỗi công dân, có mối quan tâm nào lớn hơn sự quan tâm đến vận mệnh của đất nước. Những câu thơ gan ruột của Tố Hữu Dẫu một cây chông trừ giặc Mĩ/ Hơn nghìn trang giấy luận văn chương trở thành triết lí sống của những ngày đánh Mĩ. Văn chương trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng ấy lẽ nào lại có thể là nơi tàng giữ những tiếng nói lạc lõng với khí thế của toàn dân tộc? Vì vậy, rất dễ hiểu một phẩm chất sử thi bao trùm, một tinh thần lạc quan, lãng mạn tràn chảy trên mỗi trang viết, ngay bên cạnh sự khốc liệt, dữ dội của chiến tranh như là lẽ tồn tại của văn học thời chống Mĩ.
Ta hiểu vì sao những vật dụng bình thường nhất của đời sống chiến tranh đi vào thơ ca một cách tự nhiên như vậy. Trong thơ Phạm Tiến Duật có bài ca về tiểu đội xe không kính trên những tuyến đường vận tải bom giật, bom rung Trường Sơn; trong thơ Thanh Thảo có bài ca ống coóng giữa những ngày gian lao của chiến tranh; trong thơ Nguyễn Duy có hình ảnh mái tăng trên đường ra trận; trong thơ Hữu Thỉnh hiện lên gốc sim cằn trong tình thế một mất một còn đối mặt với kẻ thù; trong thơ Nguyễn Đức Mậu có phút giây đau thương trước nấm mộ và cây trầm; thơ Nguyễn Khoa Điềm với người mẹ cõng con lên rẫy giữa những ngày bom đạn; thơ Dương Hương Ly lại da diết nói về hạnh phúc ngay trước sự hi sinh của người vợ – người đồng nghiệp của mình; Giang Nam yêu quê hương vì trong từng nắm đất có một phần xương thịt của em tôi; Lê Anh Xuân để lại dáng đứng Việt Nam trước mũi súng quân thù; Trần Vàng Sao có cả một tác phẩm nói về bài thơ của một người yêu nước mình… Ta hiểu vì sao trong những trang tiểu thuyết của Nguyễn Thi hiện lên hình ảnh quê hương Trung Nghĩa oi ngột và bất khuất như vậy trước sự kìm kẹp của kẻ thù; vì sao người chiến sĩ trong Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu), trong Gieo mầm (Xuân Thiều) lại có thể lựa chọn cho họ một sự hi sinh quả cảm như vậy khi đã không còn một sự lựa chọn nào khác; vì sao Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Tuân, mỗi người một cách tiếp cận, đã cho thấy cái anh hùng lãng mạn của những người lính phi công trẻ Việt Nam và cái thảm hại của những tên giặc lái Hoa Kì sau những lần giáp mặt… Chỉ điểm qua một cách sơ lược như vậy cũng có thể thấy cái khỏe khoắn, đậm đà của nội dung yêu nước đã làm nên gương mặt tinh thần đặc sắc của một giai đoạn văn học, giai đoạn chống đế quốc Mĩ, trong dòng chảy của văn chương yêu nước Việt Nam.
3. Những điều rút từ thực tiễn
a. Có thể nói, văn học thời kì chống Mĩ là một bộ phận của công cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Với trách nhiệm xã hội đó, mặc nhiên tinh thần yêu nước là nội dung bao trùm của toàn bộ nền văn học. Cũng với trách nhiệm xã hội đó, văn học giai đoạn chống Mĩ là bằng chứng để khẳng định văn chương không bao giờ đứng ngoài chính trị, hơn nữa, khi chính trị đúng đắn, văn chương và chính trị có cùng một mục đích thì văn chương có cơ hội để phát triển rực rỡ. Có thể nói, vào thời kì chống Mĩ, văn chương và chính trị đã tạo nên một cuộc gặp gỡ đẹp và hay như cùng hẹn trước trước một mục đích cao cả. Văn học giai đoạn chống Mĩ làm nhiệm vụ chính trị tự nguyện, và tìm thấy niềm cảm hứng sáng tạo lớn của mình trong nhiệm vụ chính trị. Đây là bài học để chúng ta ngẫm nghĩ về trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ, cũng là kinh nghiệm quý giá để lãnh đạo, quản lí và phát triển văn học, nghệ thuật. Thời gian càng đi qua, càng thấy rõ ý nghĩa to lớn ấy.
b. Sau khi chiến tranh kết thúc, có điều kiện xem xét lại văn học giai đoạn chống Mĩ, không ít nhà nghiên cứu, phê bình văn học, các nhà văn… đã nói về những thành công cũng như những hạn chế của giai đoạn văn học này. Về hạn chế, có người cho rằng văn học giai đoạn chống Mĩ chỉ chú ý đến cái chung mà chưa chú ý đến cái riêng, chỉ chú ý đến sử thi mà chưa chú ý đến đời thường, chỉ là một thứ văn học minh họa, phải đạo, chỉ chú ý đến cái lạc quan, lãng mạn mà chưa chú ý đến những khoảnh khắc tâm trạng, chỉ chú ý đến giọng cao mà chưa chú ý đến giọng trầm, chỉ là một dàn đồng ca mà chưa có nhiều những solo cần thiết… Ngoại trừ việc nêu lên nhằm cố ý phủ định (đã từng bị nhiều người phê phán) giá trị của văn học thời kì chống Mĩ, những nhận xét trên xét về khía cạnh này, khía cạnh khác, không phải không có những điều đáng suy nghĩ. Nhưng ở đây, cũng như khi nhìn nhận lại bất cứ một vấn đề nào đó của văn học hoặc lịch sử, tư tưởng, triết học… cần phải hết sức chú ý đến quan điểm lịch sử. Bài học cũ không ai xa lạ, đó là không thể xem xét một hiện tượng xã hội khi tách nó khỏi điều kiện xã hội và lịch sử của nó. Với văn học giai đoạn chống Mĩ cũng vậy, hãy nhìn từ góc độ của một dân tộc bị kẻ thù rắp tâm dùng mọi thủ đoạn để đưa về thời kì đồ đá như ta từng biết, trong tình thế ấy, mọi đòi hỏi khác với lòng yêu nước, khác với niềm tin, niềm lạc quan ở chiến thắng… sẽ trở nên vô nghĩa.
c. Nhưng một mặt, khi nêu lên những bất cập như vậy, mặt khác cần phải khẳng định những giá trị đặc sắc của văn học giai đoạn chống Mĩ. Trên đây đã nói đến tư tưởng yêu nước đậm đà của hơn mười năm văn học đó. Phẩm chất yêu nước ấy có từ văn học của cha ông qua các thời đại, mỗi khi dân tộc đứng trước họa xâm lăng, nhưng đến văn học giai đoạn chống Mĩ được thể hiện tập trung nhất, sâu sắc nhất, biến thành sức mạnh vật chất cụ thể nhất trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Không dễ gì có được những giá trị như vậy đối với một giai đoạn văn học. Và điều đáng nói hơn, giá trị ấy sẽ có sức trường tồn. Cũng như chúng ta từng biết ý chí, sức mạnh và lòng yêu nước Việt Nam qua Hịch tướng sĩ, qua Bình Ngô đại cáo, qua Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và nhiều tác phẩm văn học quá khứ, nếu có phải tìm hiểu ý chí, nhân cách và tâm hồn người Việt trong chiến tranh, thiết nghĩ văn học giai đoạn chống Mĩ là nơi lưu giữ phong phú nhất. Điều đó chắc chắn không ai có thể phủ nhận được.
d. Văn học giai đoạn chống Mĩ cũng để lại những tác phẩm đỉnh cao có sức sống lâu dài. Ở đây chưa cần nhắc tới nhiều tác phẩm xuất sắc xuất hiện sau chiến tranh, chỉ riêng những gì được viết trong chiến tranh, nếu tìm hiểu về những ngày u ám nhất nhưng cũng bất khuất nhất của người dân Nam Bộ trong chiến tranh, không thể không nhắc đến tác phẩm đặc sắc của Nguyễn Thi, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Văn Bổng…; nếu muốn hiểu con người Việt Nam đã tồn tại mãnh liệt ra sao trên mảnh đất khu V máu lửa và kiên cường, không thể không nhớ tới những trang viết rất hiện thực nhưng cũng đầy chất lãng mạn của Phan Tứ; nếu muốn biết bộ đội và thanh niên xung phong Việt Nam lạc quan ra sao ngay trong những ngày bom đạn, không thể không nhắc tới một phong cách độc đáo thơ của Phạm Tiến Duật; nếu muốn tìm hiểu bộ đội chủ lực đã chiến đấu và hi sinh ra sao không thể không nhắc tới những trang viết vừa nồng nhiệt vừa triết lí sâu sắc của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Xuân Thiều…
Ở những tác phẩm vừa nêu trên đây, nếu theo những thao tác thông thường khó có thể phân biệt rạch ròi đâu là nội dung tư tưởng đâu là hình thức nghệ thuật. Tất cả hòa quyện thành một chỉnh thể nghệ thuật độc đáo, trong đó nội dung chuyển hóa thành hình thức và ngược lại. Hãy dừng lại những trang viết của Nguyễn Thi Ở xã Trung Nghĩa. Nguyễn Thi viết tác phẩm này trong điều kiện hết sức nghiệt ngã của chiến trường. Ông chỉ kịp phác thảo một số chương, rồi chiến dịch Mậu Thân bùng nổ, tác giả lao vào mặt trận và anh dũng hi sinh ngay sau đó. Chỉ mới là những trang ghi chép, vậy mà tác phẩm đã cho thấy quy mô một tiểu thuyết lớn, trong đó đặc biệt là nỗi bức bối, oi ngột của không gian, sự thúc bách, đe dọa của thời gian như dự báo những ngày khủng khiếp sẽ đến đối với kẻ xâm lược. Sự oi ngột, thúc bách ấy hiện lên từ ngôn ngữ, cử chỉ, hành vi của nhân vật, sau những linh giác đặc biệt của một khả năng quan sát, sự mẫn cảm đặc biệt của một ngòi bút hiện thực, qua lăng kính nghệ thuật phong phú và tinh tế hiếm thấy, nghĩa là qua tài năng nghệ thuật đích thực của một tác giả bậc thầy…
Như vậy, có thể thấy, hơn mười năm văn học giai đoạn chống Mĩ là một lát cắt đặc sắc của dòng văn chương yêu nước Việt Nam đã trải qua hàng nghìn năm. Hiển nhiên, sau chiến tranh văn học Việt Nam tiếp tục có nhiều đóng góp xuất sắc về đề tài này. Mặt khác, có thể khẳng định hiện thực cuộc chiến tranh chống đế quốc Mĩ xâm lược sẽ còn được các thế hệ nhà văn Việt Nam tiếp tục khám phá trong tương lai, bởi vậy, việc nhìn lại và nhận chân giá trị những gì văn học giai đoạn chống Mĩ của chúng ta đã đạt được một cách khách quan, khoa học sẽ mang ý nghĩa tích cực đối với việc phát triển văn học
Tháng 12/2014
L.T.N