Một ngày kiếm việc – Truyện ngắn của Lương Văn Chi

Đã nhiều năm rồi, kể từ ngày nhà máy giải thể, Lương được nghỉ theo chế độ hưởng lương trợ cấp một lần. Với mười tám năm công tác anh được lĩnh một số tiền mà có lẽ ngót hai mươi năm làm công nhân nhà nước, anh mới được cầm đâu có một đôi lần. Nhẩm tính, nếu thêm vào khoảng một phần tư số tiền ấy, sẽ đánh đủ cái nhẫn vàng một chỉ…

Đã nhiều năm rồi, kể từ ngày nhà máy giải thể, Lương được nghỉ theo chế độ hưởng lương trợ cấp một lần. Với mười tám năm công tác anh được lĩnh một số tiền mà có lẽ ngót hai mươi năm làm công nhân nhà nước, anh mới được cầm đâu có một đôi lần. Nhẩm tính, nếu thêm vào khoảng một phần tư số tiền ấy, sẽ đánh đủ cái nhẫn vàng một chỉ.

Bỏ lại đằng sau tất cả sự ồn ào, náo nhiệt của một đường phố trong thời kỳ mở cửa, Lương thất thểu ngoặt xe vào ngõ nhỏ nhà mình. Dựng chiếc xe đạp ọc ạch  vào bờ rào, anh thẫn thờ bước vào nhà, và uể oải ngồi phịch xuống chiếc ghế tựa cũ kỹ độc nhất kê dựa bên tường, rồi giơ ngang tay áo, gạt mồ hôi trán. Thậm chí anh cũng không cần để ý đến thái độ của Hà – vợ anh – sẽ như thế nào khi biết anh đã đi không để về rồi: bởi Lương biết nói gì đây với người vợ cũng hoàn toàn bất lực, khi gặp cảnh nhà túng quẫn, chẳng có phương sách gì tháo gỡ mà chỉ chăm chắm trông vào một người duy nhất là anh.
Đã nhiều năm rồi, kể từ ngày nhà máy giải thể, Lương được nghỉ theo chế độ hưởng lương trợ cấp một lần. Với mười tám năm công tác anh được lĩnh một số tiền mà có lẽ ngót hai mươi năm làm công nhân nhà nước, anh mới được cầm đâu có một đôi lần. Nhẩm tính, nếu thêm vào khoảng một phần tư số tiền ấy, sẽ đánh đủ cái nhẫn vàng một chỉ. Lương tặc lưỡi: Thôi thì rướn lên một tý!
Lồng cái nhẫn vàng một chỉ vào ngón tay vợ, Lương thấy mặt Hà có vẻ nở nang, hớn hở hơn mọi ngày. Anh biết rồi đây, trước họ hàng nội ngoại, trước bạn bè cùng trang lứa và hàng xóm, vợ anh sẽ vô cùng hãnh diện bởi món quà kỷ niệm: công sức còn lại ngót hai mươi năm trai trẻ của chồng mình.
Chỉ vậy thôi, nhiều người cùng nhà máy với anh còn ghen tị bởi anh về đúng đợt nên mới làm đơn xin nghỉ có hơn một năm là đã lĩnh được tiền rồi.
Niềm kiêu hãnh không ở lại với vợ chồng Lương bao lâu. Chiếc nhẫn vàng rời bỏ tay Hà và trở lại tay chị là nhiều kí lô gam muối hạt ngô và những mớ rau muống: Nguồn thực phẩm chủ yếu của gia đình trong những ngày anh thất nghiệp.
Từ bấy đến nay, anh sống phập phều, trôi nổi, chẳng có chút gì gọi là căn bản. Với một tay nghề không thấp, nhưng chưa cao và cũng chẳng phải là thứ nghề hiếm hoi cho lắm, có được từ ngày làm ở nhà máy, anh kiếm việc nhì nhằng, buổi đực, buổi cái, cố duy trì hết sức khiêm tốn cuộc sống của gia đình mình.
Những lúc thất nghiệp dài dài, khi mà hòm gạo và túi tiền nháy lên liên tục tín hiệu cấp cứu, do nhiều năm vật vã kiếm sống, Lương có được một mẹo nhỏ là đi thăm lại những người quen cũ. Qua tâm sự may ra anh kiếm được việc làm.
Nhưng sáng nay, sau khi lòng vòng đạp xe bên cạnh mấy ông bạn xích lô đang gập những cái lưng áo sũng ướt mồ hôi trên những xe hàng nặng, sau khi ngồi cùng mấy ông thợ sửa chữa xe đạp vêu vao dưới mấy gốc cây, toàn những người bạn cùng đội ngũ trong nhà máy khi xưa, chẳng kiếm được manh mối gì khả dĩ nảy ra việc làm, Lương thất vọng ra về.
Khác hẳn với sự rã rời buồn chán của Lương, Hà lại vui vẻ ra mặt. Chưa ráo mồ hôi, Lương đã  thấy một điều là cái không khí bí bách ngột ngạt do hết tiền, hết gạo mà chưa kiếm được việc làm suốt thời gian qua, hình như đã bừng lên một luồng sinh khí mới, mặc dù anh chưa biết cơn cớ từ đâu. Vợ anh đã vay nóng được một món tiền của ai đó? Hay một người bà con xa là kiều Mỹ mà vợ anh hay thắc thỏm nhắc tới, đã về nước thăm họ hàng rồi?…
Trong lúc Lương còn đang phân vân thì Hà giơ tay bật công tắc quạt trần, hai gò má đổ mồi tái xám, lấm tấm tàn hương như hồng hơn.
– Anh Kế vừa sang, nhắn mình đến ngay, có việc làm.
Ba tiếng “có việc làm” Lương nghe mà tưởng tiếng chuông đồng hồ báo thức cắt đứt một đêm dài, một điểm sáng le lói trong đường hầm không lối thoát. Anh nhíu mày:
– Kế nào nhỉ?
– Khổ quá! – Hà giãy nảy – anh Kế ở tổ chức nhân lực nhà máy khi xưa chứ còn ai nữa!
Chẳng biết chồng mình đã nhớ ra chưa, Hà kể tiếp:
– Anh ấy bây giờ béo lắm, đi ô tô con đến nhà mình. Anh ấy kể mới xây lại nhà trên nền đất cũ, những bốn tầng, ghê không? Rồi mở năm công ty. Nghe kể, em biết họ bây giờ sướng lắm – mặt Hà sáng ra – Thật là những người phúc đức, giầu thế mà còn nhớ đến vợ chồng mình…
Hà loay hoay lục túi áo:
– Các-vi-dít của anh ấy đây này!
Lật đi lật lại tấm các thơm mùi nước hoa, lòng Lương bập bùng như tiếng trống mừng công hoàn thành kế hoạch cuối năm của nhà máy, thời anh còn là công nhân biên chế.
– Đi ngay đi! – Hà giục – kẻo chậm lại mất việc – rồi Hà cười – ăn cơm khách ngon đừng có quên mẹ con tôi nhé!
Giữa chừng câu nói của vợ, Lương xuống bếp lấy vội cái thước cuộn Trung Quốc, bỏ vào túi quần rồi dắt xe đi.
*
Mặc dù bánh trước xe đạp Lương đi bị lót một miếng, nên mỗi vòng quay lại nhảy lên một nấc, nhưng đường phố vẫn lùi lại mau sau xe. Mặt trời tuy lên cao nhưng gió thoáng hơn. Đường phố nhộn nhịp khi lòng Lương phơi phới, anh lạng lách, tránh xe này, vượt xe khác như hồi trai trẻ khi xưa, bởi chỉ tý nữa thôi anh sẽ gặp lại Kế, anh sẽ có việc làm và sẽ có tiền. Gia đình anh một lần nữa sẽ vượt ải nguy nan. Vừa mải miết đạp xe, vừa suy tư, lắm lúc Lương lại tự trách mình. Mấy năm rồi, bao lần đi kiếm việc làm, sao không lần nào anh nhớ đến thăm anh chị Kế ,bởi ngày xưa, khi còn làm ở cơ quan, tình nghĩa đôi bên khá thân mật kia mà.
Thực ra, Lương quen với vợ Kế trước. Ngày ấy anh là tổ trưởng công đoàn và là thanh toán viên của một tổ sản xuất. Tháng tháng anh thường lên lĩnh lương cho tổ mình, còn vợ Kế là thủ quỹ.
Chẳng biết vì sao, Kế đang là cán bộ Sở lại được điều về làm anh quản lý nhân lực nhà máy Lương. Việc ấy thường được công nhân lúc giải lao uống nước trong căng-tin nhà máy đoán già, đoán non và tô vẽ, gán ghép với đủ những lý do chẳng lấy gì làm hay ho cho lắm.
Một hôm, giờ giải lao, tại căng-tin nhà máy, Dũng – một công nhân trong tổ Lương – Sau khi chiêu một ngụm nước chè nhấp giọng, đưa mắt nhìn một lượt anh em ngồi quanh, ra giọng hùng biện:
– Theo tôi, lão Kế bị hạ bệ về đây, phi tham ô thì vây cánh, bè đảng bị thất sủng…
Không may cho Dũng, “ếch chết tại miệng”, bài hùng biện co thế đã phải dừng lại; Kế đứng sững trước mặt Dũng lúc nào không biết. Mấy phút sau ,Dũng bị điệu lên ban bảo vệ nhà máy. Trước sự giám sát và nhân chứng là Kế, biên bản được lập ra về việc “Công nhân Dũng đã bôi nhọ danh dự cán bộ”, buộc nghỉ việc không lương nửa tháng làm kiểm điểm.
Cả tổ lo lắng cho Dũng bởi hoàn cảnh anh có dễ chịu gì đâu. Sự việc xảy ra, ngoài ảnh hưởng đến thu nhập hiện tại, còn “uy hiếp” cả thi đua của quý, đến tiền thưởng năm của Dũng. May sao, trong lúc khó khăn ấy, có tin vợ Kế bị “vỡ kế hoạch”, mới đi làm phẫu thuật, đang nghỉ tại nhà. Cả tổ thống nhất trích một phần ba quỹ thăm hỏi của tổ mình, mua một món quà đáng giá và cử Lương thay mặt tổ đến thăm vợ Kế, nhân đó nói lót cho Dũng.
Nhưng vài ý kiến cho rằng: Cái việc sinh con thứ ba của vợ chồng Kế vốn dĩ chẳng ra sao. Là vợ chồng cán bộ mà sinh hoạt bừa bãi, ảnh hưởng đến phong trào sinh đẻ có kế hoạch của cả nước. Tổ cử người đến thăm lúc này, biết đâu vợ chồng họ nghĩ là giễu cợt, bóc mẽ thì sao? Vấn đề quả là nhạy cảm, cuối cùng bác Thục quyết định:
– Thà hy sinh tất cả, quyết không để tổ viên mất việc! Dồn toàn bộ quỹ thăm hỏi cả năm cho vụ này!
Chẳng biết do tài ăn nói của Lương hay vì món quà biếu khá đầy đặn, chỉ hai ngày sau Dũng được trở lại làm việc. Biên bản được sửa lại là: “Công nhân Dũng nghỉ giải lao quá thời gian quy định năm phút”.
Sau lần đó, Lương được vợ chồng Kế nhìn nhận và luôn ban cho anh những đặc ân: những ngày nghỉ lễ hay chủ nhật, họ nhờ anh khi thì láng hộ cái nền bếp, khi thì mở to thêm cái cổng, lúc thì trát lại nhà vệ sinh và nhiều việc dọn dẹp linh tinh khác trong nhà. Đôi lúc Lương cũng cảm thấy tự hào trước mọi người, bởi mấy trăm công nhân trẻ trong cùng nhà máy, ai đã được cả hai vợ chồng cán bộ như vợ chồng Kế tin tưởng như anh. Nên mỗi khi có việc làm hộ cho vợ chồng Kế, anh làm hết sức tận tình.
Mải suy nghĩ, Lương đến nhà Kế lúc nào không hay. Theo trí nhớ của mình và được vợ thông tin trước: nhà Kế xây lại bốn tầng trên nền đất cũ, nhưng Lương vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước kiến trúc của nó với những ban công ngoằn ngoèo, những trụ cột hoa văn bay bướm, những mảnh tường bóng loáng ốp đá hoa cương. Hai cánh cổng sắt sơn mầu ghi, mở vát hình chữ V, trông tựa một cái hom giỏ, chỉ đủ cho một người lách xe vào.
Để trấn tĩnh, Lương đưa tay vào túi quần kiểm tra lần nữa cái thước cuộn Trung Quốc rồi len lén dắt xe vào. Khẽ khàng, anh tựa tay lái xe đạp vào mé tường. Chẳng biết do tường nhà Kế quá trơn do ốp lát đá, hay cũng như Lương, đứng trước một dinh thự bề thế và của cải sang trọng mà nó chất chứa bên trong, chiếc xe đạp khốn nạn của Lương cũng mất tự tin, đứng không vững, trượt trượt mấy lần rồi đổ đánh “xoạch” một cái, kềnh ra sân, hai bánh được đà quay tít, phát ra liên tục những tiếng loạch xoạch hết sức ngớ ngẩn.
Hai tay đẫm mồ hôi, Lương gượng gạo dựng xe lên cùng lúc một người dừng trước cửa và một câu hỏi ấm áp:
– Chú muốn gặp anh Kế hả?
Lương ngẩng vội lên, nhận ra đó là một người đàn bà ngoài năm mươi tuổi, ăn vận xuềnh xoàng, có vẻ là một người giúp việc. Anh vội gật:
– Dạ, vâng ạ!
Người đàn bà chỉ tay sang mé tường đối diện:
– Chú tựa xe vào tường kia, ổn hơn – Chị quay vào – Chú cứ vào trong ngồi đợi, tôi lên báo anh Kế!
Trong lúc chờ chủ nhà chậm chạp từ trên gác xuống, Lương đưa mắt quan sát căn phòng.  Nó khá rộng, nửa như phòng làm việc của Giám đốc vì giữa nhà có bàn ghế, giấy bút, máy điện thoại, cùng máy vi tính, nửa như là ga-ra để xe bởi trong góc có một ô tô con, đầu chúi vào tường, đuôi vểnh ra ngoài cửa.
Kế đã xuống. Đó là một người đàn ông xấp xỉ cỡ năm ba, năm tư tuổi, béo tốt trong bộ pi-gia-ma kẻ sọc, nhưng hai má đã chảy sệ. Lương vội đứng lên, lúng túng:
– Chào anh ạ!
Đang dở bước trên bậc thang cuối cùng, Kế dừng lại, giơ cả bàn tay dày thụp của mình vỗ vỗ trong không khí phía trên đầu Lương, ý ra hiệu cho anh ngồi xuống:
– Sao chú vội thế?
Lương nói lấy lòng khi Kế đã ngồi vào ghế trước mặt:
– Ai chứ… anh chị mà có việc thì em phải xuống ngay!
Rồi Lương trầm trồ:
– Mấy năm không gặp, anh chị “bật” lên nhanh quá!
Kế hơi ớ ra trước câu nói nịnh của Lương. Thoáng chút, ông ta phá ra cười, hai tảng thịt má nhảy lên:
– Tất nhiên, tất nhiên là thế! Nói thế nào cho cậu hiểu nhỉ – ông ta nhíu mày ra vẻ suy nghĩ rồi đứng lên, giơ tay khoát một vòng cung rộng trước mặt – Nếu xa hơn thì không dám, chứ tổ tiên nhà tớ, tính từ thời vua Hùng thứ nhất đến nay, đùng một cái các cụ sống lại hết, tớ cũng dư sức bao được ấm áo, no cơm.
Dứt câu, Kế lại phá ra cười thoả mãn. Lương cảm thấy chờn chợn khi nghe Kế nói. Linh tính mách bảo anh phải dè chừng, nhưng thấy Kế bỗ bã “cậu cậu, tớ tớ” như ngày xưa, Lương tạm yên lòng theo Kế lên gác.
Sau khi ngồi yên vị, Kế vào đề:
– Tôi gọi chú đến để nhờ chú một việc. Đơn giản thôi. Tay nghề chú thừa sức làm được. Tất cả khu phụ của toà nhà này, từ tầng một đến tầng bốn, cần đập gạch men ốp tường ra, bởi gạch đó không được trắng và bóng lắm, ốp lát lại gạch khác xịn hơn. Chú mang thước mét theo không?
Nét mặt ngời sáng, Lương lấy vội cái thước cuộn từ túi đặt lên bàn:
– Dạ, đây ạ!
Vừa lúc đó, vợ Kế lẹp kẹp bước từ trên gác ba xuống, theo sau là người đàn bà Lương gặp trước cửa. Lương lễ phép:
– Em chào chị Kế ạ!
Vợ Kế gật đầu, bước đến bên chồng và ngồi vào ghế đối diện với Lương.  Người phụ nữ giúp việc đứng túc trực bên cạnh như có ý chờ sai bảo. Không một câu hỏi thăm kiểu xã giao nào, vợ Kế vào đề:
– Anh Kế bảo chú làm gì?
Lương chẳng ngạc nhiên cho lắm trước câu hỏi đầy trịch thượng và kẻ cả của vợ Kế. Vẫn con người ấy ngày xưa, ngồi chắn trước két bạc của nhà máy, đã quen cái vẻ uy quyền rồi. Chỉ khác là bây giờ chị ta béo hơn nhưng cũng nhiều nếp nhăn hơn, cổ và tay đeo nhiều vàng hơn. Lương khẽ khàng:
– Dạ, anh bảo em ốp lát lại gạch men trong các khu phụ ạ!
Vợ Kế vẫn giọng nhát gừng:
–  Chú định làm công nhật hay khoán trắng?
Lương tính nhanh: Nếu khoán trắng, số công nhiều, thành tiền nhiều, vợ chồng Kế có thể từ chối. Tốt nhất là làm công nhật. Lương mạnh bạo:
– Thưa chị, em tính thế này: nguyên vật liệu anh chị cung cấp, có thứ gì em làm thứ ấy. Để cẩn thận và đẹp, em xin làm công nhật…
Vợ Kế ngắt lời Lương:
– Một công của chú bao nhiêu?
Lương đắn đo:
– Chỗ anh chị với em ngày xưa, em chả dám dấu: hoàn cảnh nhà em lúc này cũng khá bê bấn. Nhưng, trước thế nào, sau thế vậy, người khác công thợ cả 7 chục, em  chỉ xin chị 5 chục!
Lương nói một thôi dài, sợ dừng lại không có cơ hội để nói. Vợ Kế ngồi im ra chiều suy nghĩ, rồi lẩm bẩm nói như để mình chị ta nghe:
– Năm chục, vị chi bằng một phần tư ngày lương của công chức – mặt vợ Kế rúm lại, vẻ bất bình – té ra, lương cán bộ bọn ta chỉ gấp 3, 4 lần bọn công nhân lao động chân tay thôi à! Bất cập, bất cập!
Quay sang chồng, chị ta kể lể:
– Năm chục, cũng vị chi bằng 5 ký gạo! Tháng 30 ngày bằng tạ rưỡi! Người nông dân hai sương, một nắng, nếu không mất mùa, một sào ruộng một vụ 5, 6 tháng cũng chỉ thu được ngần ấy…!
Như ngớ người ra trước bài tính của mình, vợ Kế ngả phịch lưng vào thành ghế:
– Thời bao cấp, mình làm tài vụ, một công nhân kèm một ăn theo cũng chỉ phấn đấu được 50 ký là cùng.
Rồi chị ta quay sang chồng:
– Anh lạ thật đấy! Công việc như thế anh chẳng bàn gì với tôi…
Trời đất bỗng nhiên tối lại, một cái gì lành lạnh như mồ hôi thành dòng chảy dọc sống lưng, cổ họng Lương chát ngắt. Tương lai công việc đang chập chờn phụ thuộc vào vợ Kế. Mặt Lương xám dần. Người đàn bà giúp việc như hiểu được cảnh ngộ của Lương, chị vội đưa cho anh cốc nước sôi để nguội. Lương uống vội vàng rồi nói như thể vớt vát:
– Thế ý anh chị thế nào?
– Tôi chưa có dự toán kinh phí cho việc này – vợ Kế chẳng đếm xỉa gì đến chồng, trả lời Lương thẳng thừng – Chú cứ về, nếu cần tôi gọi.
Rồi chị ta ra lệnh cho chị giúp việc:
– Dưa chú ấy xuống gác!
Một cảm giác hẫng hụt dâng tràn trong Lương khi anh dắt xe ra cổng nhà Kế. Cái hy vọng có việc làm vừa mới nhen nhóm lúc đến đây đã tan biến như bọt bong bóng xà phòng. Trong cái chới với của cả đời mình, chưa bao giờ Lương thấy choáng ngợp như hôm nay. Thiên hạ đầy người mà anh như thấy không còn ai cả. Tự nhiên anh thương vợ, thương con mình vô cùng. Nét mặt rầu rầu của vợ anh mỗi khi dùng cái ống bơ bò nạo quèn quẹt vào đáy hòm gạo, nhiều lần anh từng bắt gặp, chỉ chiều nay thôi, sẽ lại tái diễn. Tại sao con người anh, số phận anh, trải bốn chục tuổi rồi, toàn gặp những dở dang, trắc trở. Suốt bao nhiêu thăng trầm đảo lộn, anh vẫn nằm dưới đáy cùng của sự bất hạnh. Chẳng lẽ anh lại là một sản phẩm kém phẩm chất nhất của “thợ trời” sao?
Não nề, Lương giơ chân gác qua yên xe đạp, chực đi. Chợt nhớ cái thước cuộn Trung Quốc vẫn đút túi quần mỗi khi đi nhận việc, còn để quên trên bàn ở gác hai nhà Kế. Một thoáng lưỡng lự, anh quầy quả dắt xe quay vào.
Đang định đặt chân lên bậc thang dẫn tới tầng 2, Lương thấy có tiếng rì rầm của vợ chồng Kế trên gác. Sợ họ có việc bàn kín, Lương ý tứ nán lại.
Tiếng vợ Kế:
– Tưởng nó làm hộ, chứ làm lấy công thì gọi một tiếng có cả trăm thằng thợ như nó…
Tiếng Kế vặc lại:
– Người như cô, mang tiếng tay hòm chìa khoá, rách giời rơi xuống, chưa nóng nước đã đỏ gọng!
Tiếng vợ Kế:
– Thế ông định chơi nó kiểu gì?
– Thằng Lương vốn hiền lành, tay nghề chẳng kém ai, đáng lẽ cứ để nó làm xong, cho bao nhiêu chả được. Nếu không bằng lòng thì soi kĩ, tìm lỗi của nó mà trừ phéng tiền công đi. Làm gì mà phải mặc cả công xá trước.
Thoạt nghe, Lương tưởng vợ chồng Kế bàn công chuyện gì, xong hiểu ra mới biết: Chỉ suýt nữa thôi, họ chỉ ăn ý với nhau tý nữa thôi, thì cái thằng thợ khốn nạn như anh đã sập bẫy họ rồi. Anh lảo đảo suýt khuỵu xuống, nếu tay anh không nắm  được cái trụ cầu thang. Lương gắng gượng lê bước ra ngoài cùng lúc cánh cửa buồng bên bật mở. Chị giúp việc tay dắt chiếc xe đạp, cất tiếng hỏi Lương:
– Chú quay lại lấy thước phải không? – Chị chỉ tay vào giỏ xe – hết giờ chị về, định đạp đuổi theo đưa chú…
Nhìn dáng bộ của Lương, chị như hiểu tất cả:
– Thôi quên họ đi, chú ạ! Chị cũng về chế độ một lần như chú! Nửa đời nửa đoạn, chẳng biết làm gì! May xin được cái chân ô-sin ở nhà này, nên chị hiểu. Về cùng chị, chị giới thiệu việc làm ở Tổ xây dựng mới thành lập cùng phố. Toàn những người như chúng ta thôi, nhưng làm thật, hưởng thật – chị hướng cái nhìn lên gác – Không như những người này! – Rồi chị giục – Ta đi chú!
Khi hai người ra đến đường chính, trời đã sang trưa. Một nhà máy bên đường tan tầm. Từ hai bên cổng, lớp lớp công nhân hoà cùng dòng người trên đường phố. Đa số trong họ là những công nhân trẻ. Nét mặt họ hồ hởi, thân thể họ rắn chắc, căng mọng như những quả cam chín cây. Bất giác, Lương quay sang chị giúp việc nói:
– Chẳng biết rồi đây, những người công nhân này có đến nỗi dở dang như chị em mình không, hả chị?

L.V.C

Đã nhiều năm rồi, kể từ ngày nhà máy giải thể, Lương được nghỉ theo chế độ hưởng lương trợ cấp một lần. Với mười tám năm công tác anh được lĩnh một số tiền mà có lẽ ngót hai mươi năm làm công nhân nhà nước, anh mới được cầm đâu có một đôi lần. Nhẩm tính, nếu thêm vào khoảng một phần tư số tiền ấy, sẽ đánh đủ cái nhẫn vàng một chỉ.

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder