Một người thơ bình dị – Vũ Quốc Văn


Hình như người nào đã nguyện đồng hành cùng nghiệp văn chương, không thấy mấy ai lánh xa việc học. Học ở sách vở, học ở cuộc đời, học ở bè bạn. Nguyễn Thanh Tuyên đã lựa chọn cho mình một sở học đúng đắn của người cầm bút.
VHP trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Vũ Quốc Văn về nhà thơ Nguyễn Thanh Tuyên.

Hình như người nào đã nguyện đồng hành cùng nghiệp văn chương, không thấy mấy ai lánh xa việc học. Học ở sách vở, học ở cuộc đời, học ở bè bạn. Nguyễn Thanh Tuyên đã lựa chọn cho mình một sở học đúng đắn của người cầm bút.

VHP trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Vũ Quốc Văn về nhà thơ Nguyễn Thanh Tuyên.


Nhà thơ Nguyễn Thanh Tuyên

 

Lần đầu gặp ở Trại sáng tác văn học trên Tam Đảo, nom gương mặt anh hiền, phong thái thanh nhàn, nói cười khiêm thiện, tôi thầm đoán anh làm nghề dạy học, thày thuốc, hay một viên chức nơi công sở nào đó. Lúc ấy tôi còn nghĩ rằng con người này trên đường đời hẳn thuần gặp những êm đềm bình lặng thôi chứ chẳng hề biết đến gian lao khổ ải là gì nên nom thần sắc mới được tươi nhuận an nhiên như thế chứ.

Sau này, gần gũi với nhau rồi tôi mới biết sự đoán mò của mình hồi nào về anh chỉ đúng được về cái nết sống khoan hòa, khu xử chí tình chí nghĩa với mọi người, còn lại những nếm trải cuộc đời, cùng cái cách hiến thân thời trai trẻ của anh cho nghề y và cho thơ văn thì còn xa mới thấu sát được.

Tên khai sinh cũng là bút danh ghi trong các tác phẩm thơ văn của anh là Nguyễn Thanh Tuyên. Quê xã Trực Phương, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Nguyễn Thanh Tuyên cũng như nhiều chàng trai cô gái thời những năm 60 hồi thế kỷ trước, thích khai tăng tuổi mình để chóng được làm người lớn, thi vào các trường Đại học, trung học chuyên nghiệp, đi bộ đội, thanh niên xung phong bay nhảy đó đây cho thỏa chí tang bồng.

Khai sinh sớm hai năm, Nguyễn Thanh Tuyên đủ tuổi thi vào trường Trung cấp Kỹ thuật viên thuộc Viện Sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương. Sau vài năm vùi đầu đèn sách, năm 1967 tốt nghiệp hạng ưu, anh được giữ lại trường làm Giáo vụ kiêm hướng dẫn Kỹ thuật Thực hành.

Năm 1971, cuộc kháng chiến chống Mỹ vào giai đoạn quyết liệt, Viện Sốt rét có đợt điều cán bộ đi phục vụ chiến trường, Nguyễn Thanh Tuyên không có tên trong danh sách đợt ấy, nhưng vì một đồng nghiệp trở ngại không đi nên Viện đã điều động anh thay thế. Nhận quyết định đi B, 4 tiếng đồng hồ sau Nguyễn Thanh Tuyên phải giã từ Hà Nội, gia đình, người yêu, kịp lên đường ra mặt trận.

Là Kĩ thuật viên chuyên khoa Côn trùng, Nguyễn Thanh Tuyên được phân bổ  vào Ban Dân Y Trị – Thiên tham gia Phòng chống sốt rét cho quân và dân đang sống chiến đấu ở hậu cứ Trường Sơn. Đêm đêm anh cùng đồng nghiệp vào rừng già lấy thân mình làm mồi nhử cho muỗi đốt, rồi nhốt chúng vào ống nghiệm đem về phân định các loài Anophen để góp phần tìm các biện pháp phòng trừ.

Trong những khuya lặng lẽ làm việc giữa rừng sâu, núi thẳm bom đạn mịt mùng, chẳng hiểu sao Nguyễn Thanh Tuyên lại bỗng nổi hứng muốn làm thơ mới lạ. Bây giờ nói thế thật khó tin vì nó quá lãng mạn, có vẻ hư cấu. Nhưng tôi dám chắc với ai đã từng trải qua cảnh đơn côi lẻ vắng, sống chết mong manh tích tắc ấy thì sẽ tin đó là một ham muốn thành thật. Thành thật, bởi khi con người luôn phải đối mặt với nguy cơ bị tiệt diệt thì niềm khát vọng sống và tình yêu cuộc đời bỗng nhiên bùng lên mãnh liệt hơn bao giờ hết. Nguyễn Thanh Tuyên muốn làm thơ  cũng giản dị như người ta thích hát lúc vui buồn. Và, anh bắt tay tập viết những dòng thơ đầu tiên của đời mình.

Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, Nguyễn Thanh Tuyên trở ra Hà nội rồi về Hải Phòng công tác. Không bằng lòng với chuyên môn đã có, anh quyết định tiếp tục học lên nữa để nâng cao trình độ của mình.

Năm năm lăn lộn tại chiến trường, hơn chục năm làm Kỹ thuật viên nhưng kiến thức phổ thông của Nguyễn Thanh Tuyên vẫn còn khá vững, anh thi đỗ rồi vào học Đại học Y hệ chính quy. Sau sáu năm học tập, nhận bằng Bác sĩ, Nguyễn Thanh Tuyên được điều về công tác ở Ban Bảo vệ Sức khỏe Cán bộ Thành phố Hải Phòng.

Cuộc sống của thời còn “cơ chế quan liêu bao cấp” thật khó khăn. Như hết thảy mọi người, Nguyễn Thanh Tuyên phải đối mặt với muôn nỗi vất vả thiếu thốn. Vợ chồng anh cùng hai đứa con nhỏ tá túc trong nửa gian nhà tập thể rộng chỉ 7 mét vuông, mái giấy dầu vách liếp. Lương tháng, sẻn so tùng tiệm đến mấy cũng không đủ sinh hoạt hàng ngày cho cả nhà. Anh vật lộn kiếm thêm bằng nghề: chụp ảnh, kẻ vẽ, thuộc da, làm men rượu và nuôi lợn… Đêm đêm thì xay đậu nành, nấu sữa bỏ mối. Cực nhọc đấy nhưng tổ ấm bé mọn của vợ chồng anh luôn tràn đầy tiếng cười con trẻ và niềm vui sum vầy. Ngỡ tưởng hạnh phúc ấm áp sẽ làm Nguyễn Thanh Tuyên quên đi kí ức của một thời đã xa. Nhưng là người đa cảm, mỗi bữa ngồi bên vợ con ăn một miếng ngon, đêm  nằm trong chăn nệm ấm, lòng anh lại cồn cào thương nhớ những người đồng nghiệp gắn bó cùng anh thời lửa đạn không về. Hình ảnh những người mẹ, người chị, người em nhỏ dân tộc Pa Kô, Vân Kiều đùm bọc, nhường cơm, sớt muối nuôi anh những ngày ở núi rừng Trường Sơn lại hiện về làm anh day dứt khôn nguôi.

Nguyễn Thanh Tuyên mang chiếc ba lô cũ, gia tài của hồi cơm vắt ngủ hầm ra tìm những bài thơ tập viết ngày nào ra đọc. Niềm cảm xúc im lắng trong anh bấy nay bỗng đâu lại bừng lên như than hồng, như lửa cháy hối thúc anh đến với thơ. Anh nghĩ, qua thơ anh có cơ hội được giãi bày chia sẻ chút tâm tình, ân nghĩa nhỏ nhoi nào đó với mỗi phận người, với cuộc đời mình đang sống.

Và niềm mong ước lớn dần thành niềm khát khao giục giã Nguyễn Thanh Tuyên mạnh bạo cầm bút làm thơ. Anh mê đắm được dâng hiến cho thơ. Lúc nào  cũng nghĩ đến thơ, có được chút thời gian nào anh lại chăm chắm vào việc viết.

Khoảng chục năm hồi cuối thế kỷ trước, Nguyễn Thanh Tuyên có khá nhiều thơ xuất hiện trên các báo, tạp chí trung ương và địa phương. Anh góp thơ in chung cùng một nhóm tác giả trong các tập Hoa muống biển, 1996; Người miệt biển, 1997 đều do Nhà Xuất  bản Hải Phòng ấn hành.

Số lượng thơ xuất hiện đều đặn trên thi đàn kia vẫn biết chưa nói được gì nhiều giá trị của nó, song đó là một ghi nhận khả năng và sức lao động vì thơ và cho thơ của Nguyễn Thanh Tuyên.

Qua một thời gian dồn tâm sức cho thơ, cuối cùng Nguyễn Thanh Tuyên cũng được đền đáp. Anh cho xuất bản tập thơ riêng: Tiếng Vọng, rồi lần lượt nhận được các giải thưởng: Gỉai Nhì, cuộc thi sáng tác về đề tài Môi trường do Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng tổ chức; Gỉai Tư, cuộc thi thơ của Tạp chí Văn Nghệ Quân đội, 2 năm ( 2002- 2004); Gỉai Ba, cuộc thi thơ Tạp chí Cửa biển, 2005; và một vài giải thưởng thơ khác nữa.

Với tập thơ Tiếng Vọng, người đọc khắt khe cũng dễ đồng cảm với những bài thơ thấm đẫm tình đời, tình người ấy của Nguyễn Thanh Tuyên. Những thi phẩm trong Tiếng Vọng được tác giả viết bằng nguồn cảm xúc hồn hậu, đằm chín, thi tứ cũng như ngôn ngữ thơ luôn tạo ra một trường lực cuốn hút, bởi cái đẹp của tiết điệu, của thi cảnh và cả tâm tình người viết gửi gắm trong từng con chữ thơ nữa.

Trong loạt bài viết về chiến tranh, bài Tiếng vọng là một đề từ mở đầu của tác giả hoài nhớ ân nghĩa về một thời đã qua: “Nhớ a-trói a-đư* gùi ta qua dốc đói/ Mắt em nhìn lui cơn sốt chiều mưa/ Vị mặn ngấm sâu sáng như hạt muối/ Gạo nương dụm dành khắc khoải câu thơ”. Hay: “Bom dội thế vẫn nguyên lành nỗi  nhớ/ Dẫu trở trăn tim đều nhịp đến giờ/ Bao ưu tư chất đầy hồn mắc nợ/ Biền biệt đi ngày ấy chưa về”.

Hòa bình trở về hậu phương rồi mà Nguyễn Thanh Tuyên vẫn canh cánh nỗi niềm về những người ở vùng căn cứ xưa đã bớt vất vả đói nghèo? Anh ước: “Xin trẻ lại cùng ba lô dép lốp/ Aó lại xắn tay, đội mũ tai bèo/ Rải Atsphall đường xưa lối cũ/ Tìm tiếng vọng của mình nơi vách đá suối reo…”. Bài thơ Tiếng Vọng đã mang đến cho anh giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Tìm lại chữ mình, là một bài thơ được tác giả viết với một tâm trạng thảng thốt, rưng rưng tiếc xót người bạn hy sinh: “Ta đào bới nét chữ mình thời trẻ/ Trong vỏ kháng sinh chôn theo bạn cuối đồi/ Làn hương mỏng bồi hồi gọi hộ/ Sao chữ mình mà bạn mãi không …Ơi…!”

Chỉ 4 câu thơ mà chứa chan nỗi niềm thương nhớ của người còn sống kết tụ trong một thanh âm mãi thiếu vắng là thán từ“ Ơi..!”. Da diết quá chừng!

Về ký ức chiến tranh, Nguyễn Thanh Tuyên còn có bài Di vật tình yêu với những câu thơ xúc động: “… AK kề vai hoen rỉ mất rồi/ Vẹn nguyên túi nilon óng nuột tóc dài/ Mấy mươi năm chưa sợi phai sợi bạc/ Rừng tái sinh bàng hoàng/ Âng ấng sương ngơ ngác…”.

Tác giả khéo léo thiết lập sự kiện: Khi người ta ủi đất làm con đường thời đất nước đã yên bình, bỗng thấy một búp tóc óng ả bên hài cốt một liệt sĩ chưa biết tên. Đó hẳn là vật lưu niệm, một búp “tóc thề” của người con gái hậu phương trao gửi người yêu trước lúc chia tay ra.

Bài thơ là lời tố cáo cuộc chiến tranh đã cướp đi cuộc đời, tình yêu, hạnh phúc của bao đôi lứa đang tuổi thanh xuân. Người đọc nhận ra ẩn ý: thời gian có thể làm mờ mòn mọi vật, thậm chí rỉ sét cả sắt thép… nhưng không thể làm phai bạc được tình yêu vĩnh hằng. Những câu thơ giản dị nhưng hàm súc và lay động lòng người.

Một lần trở lại Quảng Trị, chiến trường xưa Nguyễn Thanh Tuyên từng sống chiến đấu trong những năm tháng bom đạn. Khi đến viếng thăm Thành cổ, nơi có hàng ngàn chiến sĩ quyết tử đã anh dũng hy sinh giữ từng tấc đất cho Tổ quốc, Nguyễn Thanh Tuyên gửi niềm ngưỡng vọng của mình vào bài thơ Viết ở cổ thành với những lời ngợi ca thật hào sảng: “… Dâng Tổ quốc những trái tim cảm tử/ Họ là tương lai, họ là quá khứ…/…. Nhận tên mình vô danh”. Và anh tha thiết, gọi:

Quảng Trị ơi? Quảng Trị!/ Ngả mũ nghiêng mình/ Trước rưng rưng sắc cỏ/ Trước nghẹn ngào cờ đỏ/ Dưới trời nằng nặc xanh…”

Nguyễn Thanh Tuyên làm nhiều thơ về chiến tranh, và anh khá thành công ở mảng đề tài này.

Tuy nhiên, kiểm đếm “gia tài” thơ của Nguyễn Thanh Tuyên có được đến ngày tháng năm này, anh không chỉ đơn nhất viết những bài thơ về cuộc chiến, mà bằng năng lực, vốn sống và sự trải nghiệm của mình anh còn sáng tác nhiều thơ về các  đề tài khác nữa.

Đề tài tình yêu, khi đã ở tuổi không còn trẻ nữa nhưng anh vẫn giữ được hoài niệm hồn hậu và thật là tơ trẻ: “Cầu ao, sét đánh đầu đời/ Vào đêm trăng tỏ bầu trời vắng mây/ Lặng nhìn bậc đá còn đây/ Bỗng dưng chớp giật giữa ngày nắng chan”

(Kỷ niệm).

Nguyễn Thanh Tuyên là một Bác sĩ có nết của người nghiêm cẩn mà cũng không ít khoảnh khắc tự trào: “Đập con lợn đất mua đàoTết/ Lộc ít nụ thưa khẳng khiu cành/ Gíáp canh thúc lửa mong hoa rộ/ Che miệng cười Tố nữ nép vào tranh”- (Không đề).

Không tuyên ngôn ồn ào, Nguyễn Thanh Tuyên lặng lẽ làm thơ và luôn cầu thị. Anh chịu khó tìm tòi những tứ lạ, những nét tiềm ẩn, khuất lấp trong hiện thực cuộc sống. Thời gian gần đây, Nguyễn Thanh Tuyên thiên viết những bài thơ mang tính giải minh thế sự.

Bài thơ Lời cỏ sương, là một trong nhiều thi phẩm của anh: “Bia đời… chức chạy mua danh/ Tầng sâu vẫn cỡ tiểu sành ấy thôi/ Phù du chi thế cõi người?/ Có nghe đất hát những lời cỏ sương!”

Thơ Nguyễn Thanh Tuyên ngày càng có phần “kiệm lời, kỹ chữ”, bớt đi sự dàn trải, phô bày, để dồn nén vào ý tưởng, và tạo ra được một nhịp điệu mới trong mỗi tác phẩm của mình.

Phẩm bình về thơ Nguyễn Thanh Tuyên, Tạp chí Cửa biển số Xuân Canh Dần  đã viết: “Chừng mực, cẩn trọng, không quá khích cực đoan, Nguyễn Thanh Tuyên tìm thơ trong ấm lạnh hằng thường ở những niềm dung dị mà không kém phần tế vi nơi tâm trạng và công phu trong hình thức biểu đạt. Tiếp xúc với anh, ta không phải e dè đề phòng sự ranh ma quỉ quái.  Tiếp cận với thơ anh, ta gặp sự hồn nhiên tở mở rồi chân thành sẻ chia cùng những tâm tư, tình cảnh (phải chăng sau những tâm sự thơ, vấn đề đặt ra là tâm thế sống ?).

… Chắc Nguyễn Thanh Tuyên thường tự dặn mình như vậy, nên thơ anh không chỉ thuần túy là chuyện văn chương. Anh muốn giữa thơ và đời sống có mối quan hệ ấm nóng, gần gũi. Và như thế lại trở lại cái vấn đề muôn thuở của văn chương, ấy là trách nhiệm công dân của người cầm bút.”

Thống kê một cách số học thì số đơn vị thơ viết về thế sự, gia đình, xã hội, tình yêu… của Nguyễn Thanh Tuyên là nhiều hơn so với thơ viết về chiến tranh, nhưng công bằng mà xét thơ anh hay nói một cách khác là văn hóa thơ anh có được tầm phổ tiếp cận đa dạng cùng với biên độ rộng như bây giờ là nhờ vào sự trải nghiệm và nhất là yếu tố vị tình của người đi ra từ cuộc chiến tranh.

Mặc dù vậy, Nguyễn Thanh Tuyên chưa bao giờ nhận là nhà thơ, mà anh coi mình chỉ là dân “tay ngang”- một Bác sĩ mê thơ và làm thơ thôi. Khiêm nhường, chân thành, và tự trọng trong cuộc sống và trong quan hệ bầu bạn, đồng nghiệp cũng như đối tượng phục vụ là bệnh nhân hình như đã rèn nên cái nết đó của anh. Phải chăng thơ cũng đã góp phần làm nên y đức của anh khi anh hành nghề thày thuốc?

Qua một thời gian dài say đắm làm thơ, gần đây Nguyễn Thanh Tuyên còn thử sức trên những trang văn bằng loạt bài viết cảm nhận, bình thơ đăng trên báo giấy và báo mạng. Anh có thói quen đọc kỹ, suy ngẫm rồi phân tích kỹ lưỡng, gắng  tìm tòi phát hiện ra cái hay, cái thú của tác phẩm. Anh nhận định khá thấu sát về nhiều thi phẩm của các tác giả đã thành danh và cả với tác giả anh chưa một lần gặp mặt với thái độ trân trọng yêu quý. Khen một câu thơ, ngưỡng mộ một tác giả mình chưa một lần quen biết thiết nghĩ cũng là một phẩm chất đáng yêu của người cầm bút Nguyễn Thanh Tuyên.

Đã có lần tôi thốt lên việc anh say sưa đọc thơ, bình thơ “trẫm tối” và ngỏ ý lo cho sức khỏe của Nguyễn Thanh Tuyên. Anh cười phớ lớ bảo rằng: Tôi đang học!

Hình như người nào đã nguyện đồng hành cùng nghiệp văn chương, không thấy mấy ai lánh xa việc học. Học ở sách vở, học ở cuộc đời, học ở bè bạn. Nguyễn Thanh Tuyên đã lựa chọn cho mình một sở học đúng đắn của người cầm bút.

V.Q.V

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder