Cảm giác này gắn liền với một thế hệ cầm bút đặc biêt trong văn học Viêt nam :thế hệ những ngườì sinh ra khoảng 1930.
Tôi bắt đầu có bai viêt đăng ở báo Văn nghệ từ năm 1965 nhưng để ý nhiều tới đời sống văn chương ngay từ nhưng năm bắt đầu vào học cấp ba tức là từ 1958.Và một linh cảm sớm đến với tôi để rồi nhiều năm sau tôi còn sống dưới ảnh hưởng cuả nó ,ấy là nhận ra một cách lờ mờ nhưng hết sức chính xác rằng chung quanh mình những người đi trước mình đang sống trong một cảm giác mãnh liệt,những người sáng nghiệp,bắt tay sáng tạo nên một nền văn học mới chưa từng có trong lịch sử.
Cảm giác này gắn liền với một thế hệ cầm bút đặc biêt trong văn học Viêt nam :thế hệ những ngườì sinh ra khoảng 1930.
:Thế hệ của những người tự tin
Đọc lại lịch sử văn học hồi kháng chíên chống Pháp người ta được biết rằng ban đầu Hội văn nghệ VN gồm toàn những tên tuổi cũ: Thế Lữ, Ngô Tất Tố, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nam Cao…Nhưng sau nhiều đợt học tập chinh trị nhất là sau chỉnh huấn 1953 một nét tâm lý hình thành trong những người này :họ thuộc về một cái gì đã lỗi thời.Mà tương lai thì thuộc về một lớp người khác,lớp người lúc ấy còn trẻ và đang trực tiếp tham gia chiến đấu Những người này là Võ Huy Tâm, Nguyễn Văn Bổng, Chính Hữu, Vũ Tú Nam, Hữu Mai, Nguyễn Khải, Hồ Phương Nguyên Ngọc…Cái lý để người ta tin tưởng ở lớp nhà văn này:họ chưa hề nổi tiếng trong xã hội cũ.Họ không bị cái danh hôm qua ám ảnh.Và nhất là họ có một tình cảm mới,cách nhìn mới đối với thực tế xã hôi…Chính những nhà văn thế hệ chống Pháp này cũng có một niềm tin sâu sắc vào sứ mệnh của mình.
Trong sự sáng tác họ không hề bị cái mặc cảm rằng mình là kẻ đến sau hoăc không có kinh nghiệm. Ngược lại có thể nói là họ cảm thấy mình sẽ tạo ra những chuẩn mực mới.
Kịp đến khi nổ ra cuộc chiên tranh chống Mỹ thì lớp nhà văn này càng thiết tha tin tưởng hơn vào sứ mệnh của mình. Họ đi và viết về chiến tranh một cách tự nhiên.Những kinh nghiệm của cuộc kháng chiên chống Pháp hôm qua được huy động trở lại tới mức tối đa.Và sự thực là họ đã gặt hái được những thành tưụ mới
Ở tạp chí VNQĐ mà tôi về nhận công tác từ năm 1968 chỉ có một nhà văn thuộc thế hệ cũ là Thanh Tịnh và ít nhiều ông sống có vẻ lạc lõng ( điều nay tôi đã kể trong bài viết có tính chất chân dung Thanh Tịnh ). Những Vũ Cao, Từ Bích Hoàng tuy sinh năm 1922 song đã thuộc về lớp nhà văn trưởng thành về sau.
Những con đường hình thành
Trong bài Con đường dẫn tôi tới nghề văn in trong tập sách Đường vào nghệ thuật (1963), nhà văn Nguyễn Khải có kể lại những bước đi chập chững của mình khi mới bước vào nghề. Theo ông cho biết, những bài văn đầu tiên của ông là những bài đăng trên một tờ báo tường, và những nguời bảo ban ông về cách viết lại cũng chính là những người dạy dỗ ông về cách sống, đó là các đồng chí chính trị viên. Tác giả không nói thật rõ, nhưng qua bài viết, cứ thấy toát ra cái ý: chừng như ông đã đến với nghề này tự nhiên, dễ dàng, thuận lợi. Qua cách kể ít nhiều có phần cường điệu của tác giả, thì thuở nhỏ,ông là một người “ăn không nên đọi, nói không nên lời” và cho đến nay, những người vốn quen biết ông từ trước, vẫn không hiểu vì lẽ gì ông lại trở thành một người viết văn. Có thật tuổi trẻ Nguyễn Khải là như vậy không, điều đó không quan trọng lắm; cái chính là điều tác giả nhấn mạnh.Ông đã trưởng thành cùng với sự trưởng thành của đời sống cách mạng; trước sau, bao giờ ông cũng chăm lo một cách nghĩ mà ông cho là đúng với những người như ông: nghĩ rằng mình đã viết văn như thể làm công tác chính trị, một công tác được giao phó, suốt thời gian kháng chiến chống Pháp , và những ngày tiếp.
Bên cạnh Nguyễn Khải, tôi nhớ tới nhiều nhà văn khác, cùng lứa tuổi với tác giả Xung đột, và nhất là cùng sự đào tạo giống như ông, hiện cũng đang tại ngũ như ông. Hoặc là Hồ Phương, trong số các nhà văn trưởng thành trong kháng chiến, có thể nói đây là người nổi tiếng sớm nhất; năm 18 tuổi, Hồ Phương đã viết được một truyện ngắn chững chạc, từ đó đến nay, mọi người vẫn nhắc tới. Nhưng chính truyện ngắn đó thì lại ra đời rất giản dị: Theo lời một người bạn kể lại, trong một lần đi công tác,ông nghỉ lại một bản vắng, xin một ống dầu dọc ngồi viết. Sau khi có được Thư nhà và một vài bài ký, truyện ngắn đăng ở Văn nghệ trung ương, Hồ Phương còn tiếp tục làm công tác ở cơ sở, đến Điện Biên Phủ, làm chính trị viên một đại đội cao xạ, và sau hoà bình, mới chính thức trở thành một nhà văn chuyên nghiệp.
Hoặc như Nguyễn Minh Châu, tuy cũng đã chuẩn bị từ kháng chiến chống Pháp, nhưng mãi sau 1954 khá lâu, tức tới đầu những năm 60, mới thực sự cầm bút. Về cái khâu gọi là chuẩn bị này, trong lúc vui chuyện với tôi , Nguyễn Minh Châu có kể lại một kỷ niệm: Một lần, mấy anh em cùng đơn vị chạy càn đói, rét, mới ngồi tính sau hoà bình lập lại sẽ làm gì. Có người nói về dạy học. Có người nói về ba-ninh-thôn, đi cày. Riêng tác giả Cửa sông, Dấu chân người lính tương lai trong một phút cao hứng bảo: “Tôi sẽ viết văn”. Mọi người cùng cười ồ lên, không ai tin. Không hiểu trong số những người bạn cũ, có ai trở về với nghề nghiệp của mình không, nhưng cái người mà chung quanh cùng cười ồ lên đó, thì lại đang làm đúng cái nghề mà mình ước ao, và làm tốt, có được địa vị nghề nghiệp vững chắc.
Nguyên Ngọc làm y tá và Hữu Mai làm phái viên mặt trận. Phạm Ngọc Cảnh diễn kịch, Hải Hồ và Nguyễn Ngọc Tấn đều phụ trách văn công, còn như Đào Hồng Cẩm thì chính thức là làm công tác chính trị, chứ không phải phụ trách chuyên môn ở một đội văn công… Tôi có thể kể thêm nhiều ví dụ khác, những ví dụ nhất trí với nhau ở chỗ này: Là các nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch nói trên đều đã trưởng thành từ những công việc rất cụ thể trong cuộc chiến đấu chung của dân tộc. Ban đầu, phần lớn không nghĩ rằng sau này mình sẽ sống chết với văn nghệ. Cái phần mà những người viết văn xưa nay ai cũng thường có một thời gian luẩn quẩn và phải nhiều năm tháng sau mới gột rửa hết được, là bệnh ảo tưởng, quá cuồng si với nghệ thuật, ở đây không thấy ai bị vướng mắc. Ngược lại, phần lớn theo sự sắp xếp của tổ chức mà làm, do yêu cầu mà làm, xoay xoả, mầy mò, rồi thì cũng làm được cả. So với những người viết văn ở thế hệ trước (lớp các nhà văn đã có tên từ trước Cách mạng), lẫn thế hệ những người mới viết về sau, thì bước đi ban đầu của lớp người viết trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp quả thật có nhiều chỗ khác. Trong lịch sử văn học, ít có thế hệ người viết nào lại phát triển kỳ lạ vậy. Nhưng với chính họ, một giai đoạn mới trong lịch sử văn học lại bắt đầu. Và nguyên nhân sâu xa thì không thể tìm ở đâu khác, ngoài hoàn cảnh xã hội mà thế hệ đó sống, là cách mạng và kháng chiến.
Sự định hướng của thời đại.
Nếu cần tóm gọn những đặc điểm của xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, có thể nói một cách đơn giản là nó hết sức trì trệ. Một cái khung chủ nghĩa thực dân áp đặt lên một xã hội phong kiến bề ngoài trở thành tập quyền từ lâu, nhưng thực chất về mặt kinh tế vẫn nặng về tự cấp tự túc, tức phân tán, rời rẽ. Đói nghèo và lạc hậu, tất cả bắt nguồn từ nền sản xuất thấp kém và cũng do đói nghèo và lạc hậu, nền sản xuất đó lại cứ luẩn quẩn trong cái vòng thấp kém mãi, không sao ngẩng mặt lên được. Một tí thành thị đã rất quê mùa, đại bộ phận nông thôn càng tăm tối không thể tưởng tượng nổi. Trên dải châu thổ sông Hồng , đồng đất còm cõi bị bòn rút bao đời mà không bao giờ được bồi đắp, càng còi cọc đi mãi; và những người nông dân vốn rất mực tài hoa cũng chỉ còn có cách giam mình trong một khung cảnh khép kín về mọi mặt, cuộc sống lê lết như những vệt mòn trên đê, vô cùng tẻ nhạt, đơn điệu. Có thể nói rằng tất cả những gì mà nền văn học hiện thực với những Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan… đã viết về nông thôn trước Cách mạng đều đã rất đúng với thực trạng xã hội lúc bấy giờ, chỉ trừ có một điều: các nhà văn hiện thực đó không hề thấy được bước phát triển tất yếu phải tới là Cách mạng tháng Tám, và tiếp đó là cuộc kháng chiến chống Pháp thần thánh.
Nhưng thực tế lại là như vậy, cái xã hội trì trệ hôm qua lại kết thúc bằng cuộc Cách mạng xới lật lại tất cả mọi nền nếp của xã hội cũ, và cuộc kháng chiến trong đó cả dân tộc trở thành một đạo quân hùng hậu tiến hành đến cùng một cuộc chiến đấu để bảo vệ tự do và độc lập.
Phải nhắc lại tất cả những trì trệ kiềm toả nói trên để thấy tiếng gọi giải phóng là cái tinh thần chủ yếu làm nên sức mạnh của Cách mạng tháng Tám. Đời sống ngột ngạt quá rồi, chưa hiểu vui buồn thế nào, hãy cứ đổi thay cái đã. Cuối cùng thì cách mạng phải là việc tổ chức, xây dựng lại xã hội mới, nhưng trước hết, nó là chuyện phá bỏ một cái gì hôm qua hết sức ngưng đọng. Là sự thức tỉnh của những người hôm qua hoàn toàn mê muội. Là bước khởi động rầm rập của một đoàn người khổng lồ trên đường đi tới một chân trời mà ai cũng tin là mới mẻ.
Dường như để chứng minh rõ thêm sức mạnh chính nghĩa của cách mạng, nên tiếp ngay sau cuộc khởi nghĩa, lịch sử lại thử thách dân tộc trong một chặng đường gay go ác liệt tiếp theo là cuộc kháng chiến. Từ thời nhà Trần, nhà Lê, dân tộc này đã biết đến nhiều cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, tuy nhiên, chưa bao giờ xã hội lại được tổ chức chặt chẽ, để tập trung phấn đấu cho một mục đích chung sáng rõ như lúc này. Xã hội cũ bị đập vỡ ra, mọi nền nếp mới chưa được xây dựng, thì đất nước đã bước vào một cuộc chiến đấu, và từ đó, có xây dựng cụ thể những gì, thì cũng là trên phương hướng phục vụ cuộc chiến đấu trước mắt . Điều quan trọng nhất là cũng như Cách mạng, kháng chiến là một cuộc vận động lịch sử lay chuyển đến tận gốc rễ toàn bộ đời sống dân tộc, chiếu rọi đến mọi hang cùng ngõ hẻm, lôi cuốn mọi tầng lớp và thành phần xã hội cùng tham dự, phấn đấu. Với kháng chiến và từ kháng chiến, đông đảo quần chúng được thức tỉnh để đảm dương nhiệm vụ lịch sử trước nay đã từng đảm đương, nhưng lại chưa có ý thức đầy đủ. Về mặt tổ chức, từ đây xã hội được nhất thể hoá từ trên xuống dưới để xiết chặt hàng ngũ như một đạo quân, quyết lòng đánh bại kẻ địch mạnh hơn gấp bội. Phát huy hết những đặc điểm trong tâm lý quần chúng những năm sau cách mạng, nghệ thuật lãnh đạo và tổ chức đã lên tới mức hoàn chỉnh. Bắt đầu, hãy nhớ lại Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, trong đó những chữ như “tất cả”, “bất kỳ”, “không phân biệt” đều là chỉ cái ý sự nhất trí đến cao độ của cả dân tộc, cũng là sự định hướng đến cao độ của một hành động lịch sử. Và thực tiễn đã diễn ra, đúng như Lời kêu gọi mong muốn.
Sở dĩ phải nhắc lại vài nét về hoàn cảnh lịch sử như trên, vì theo tôi hiểu, đó là một điểm đầu tiên phải nhớ tới, khi muốn tìm hiểu sinh hoạt tinh thần của xã hội ta sau Cách mạng tháng Tám nói chung, bộ mặt văn học nói riêng, và liên quan đến điều chúng ta đang nói ở đây, là lớp nhà văn trưởng thành trong kháng chiến. Bởi cách mạng như một lưỡi cày khổng lồ, đào xới toàn bộ xã hội (hình ảnh mượn của nhà văn Nguyễn Đình Thi), nên mới có hiện tượng phổ biến là các ông xuất thân từ rất nhiều tầng lớp khác nhau, đã trải qua rất nhiều công việc khác nhau, trong đó có những người vốn trước cách mạng sống cuộc sống hết sức lầm than, không hề biết đến quyển sách, nay làm chủ cuộc đời mình, làm chủ văn học. Và cũng bởi kháng chiến yêu cầu mỗi người tập trung tất cả vào cuộc chiến đấu, nên lúc đầu mỗi nhà văn đã làm bất cứ việc gì mà hoàn cảnh yêu cầu, để sau đó, lại sẵn sàng cầm bút, do năng khiếu cá nhân một phần, một phần khá quan trọng khác là do yêu cầu tuyên truyền trong kháng chiến đòi hỏi – kháng chiến yêu cầu văn hoá, như đã yêu cầu kinh tế, tài chính phải phục vụ kháng chiến. Bề ngoài, hình như mỗi người đến với văn học một cách hồn nhiên, song xét đến cùng, việc hình thành một đội ngũ những người viết văn như thế lại là một điều hoàn toàn hợp quy luật. Cuối cùng, cũng bởi lẽ có những người viết cụ thể như thế đóng vai trò chủ công, để phục vụ một số yêu cầu cấp thiết như thế, cho nên nền văn học mới có khuôn mặt như chúng ta thấy. Bên cạnh thế hệ các nhà văn lớp trước dần dần tự cải tạo trong cách mạng và kháng chiến –giờ đay có cả một thế hệ cầm bút mới . Họ đã mang vào văn học những đặc điểm của hoàn cảnh mới, sự từng trải mới, và nhất là quan niệm về đời sống và quan niệm về văn hoá trong điều kiện lịch sử cụ thể lúc này. Và trong sự vận động tuần tự của lịch sử , văn nghệ đã cứ theo phương hướng đó mà đi, những đặc điểm hoạt động văn nghệ từ hồi còn ở Việt Bắc được tiếp tục giữ gìn và trở thành khuôn vàng thước ngọc cho mọi sinh hoạt văn nghệ nói chung, khi về Hà Nội, cũng như nay, tiếp quản Sài Gòn… Như tất cả những nền nếp trong kinh tế, trong sinh hoạt chính trị vẫn đã được hình thành và gìn giữ như vậy, thực chặt chẽ, xít xao.
Niềm tin
Con đường đi của chúng tôi tới cách mạng rất đơn giản. Cuộc đời chúng tôi xét về một mặt nào đó, cũng đơn giản… Cách mạng đến đúng lúc với dân tộc, với xã hội, với mọi lứa tuổi chúng tôi.
… Tuổi 15 là tuổi lý tưởng nhất để đón chào cách mạng, vì những thói quen của xã hội cũ chưa đủ thời gian để giằng trói nó, còn những quan niệm mới mẻ của một thời đại mới mẻ lại được tiếp thu hết sức dễ dàng. Cách mạng là ngày hội tưng bừng nhất của lớp người sắp tới tuổi truởng thành… Chúng tôi mới có 15 tuổi, nhưng chỉ cần vài tháng được sống trong một biến cố lịch sử to lớn, chúng tôi đã trở thành những thanh niên anh tuấn.
Những đoạn trên đây, trích lẫn lộn từ trong Một thế hệ có mặt trong ba cuộc tiến công lẫn Người 40 tuổi là những bài tự sự Nguyễn Khải viết trong thời điểm bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, tức khoảng 1968 -1970. Như thể “những lời tự thú của một đứa con thời đại”, các đoạn văn đó thống nhất lại ở một điều là muốn khái quát bộ mặt tinh thần của chính tác giả và những người cùng lứa với mình khi bắt đầu tiếp xúc với Cách mạng và đi theo kháng chiến, tức một điều rất quan trọng, nó là cái lúc đến (chữ của Nguyễn Khải) mà người ta cần phải hiểu, nếu như muốn hiểu sinh hoạt văn học từ bấy đến nay.
Đúng như tác giả Xung đột đã nói, khi Cách mạng tới, lớp người như các ông, mới khoảng 15-16 tuổi, nói chung là lớp người mới bước vào tuổi trưởng thành, thường khi tin tưởng rất cuồng nhiệt, và thích hành động hơn suy nghĩ. Tuy việc sử dụng một lớp người ở lứa tuổi như thế này không phải là đặc điểm riêng của cách mạng Việt Nam, song cũng phải nhận là ở đây, sự kết hợp giữa xu hướng thời đại và sức mạnh bản năng của cả một thế hệ cũng đã đạt đến một trình độ rực rỡ ít nhất là lịch sử dân tộc chưa bao giờ biết tới. Một guồng máy xã hội bắt đầu khởi động theo những nguyên tắc tự nó đặt ra, miễn sao không giống với những nguyên tắc đã chỉ đạo sự vận động của xã hội cũ là được. Tất cả các ngành, không loại trừ ngành nào, đều được tổ chức lại, trong đó những người trẻ tuổi nắm vị trí then chốt. Nên chi hoàn toàn có thể lý do để căn cứ vào những người trẻ tuổi đó, mà tìm hiểu sinh hoạt tinh thần sau Cách mạng.
Từ sự định hướng của thời đại, tức tính chất tất yếu của Cách mạng và yêu cầu tất cả phục vụ kháng chiến, trước tiên chúng ta bắt gặp ở tâm lý những người đi kháng chiến và nhất là ở lớp người trẻ một sự thanh thản đến kỳ lạ. Lý tưởng lúc ấy sao mà trong sáng “Con người bỗng chốc như đẹp ra, như trong hơn, mọi mối quan hệ bỗng chốc trở nên giản dị” (Người 40 tuổi) “Những cái mà ta nghĩ, ta nói, ta yêu thương phẫn nộ, cũng là những cái mà cả xã hội cùng nghĩ, cùng yêu thương, cùng phẫn nộ.” (Con đường dẫn tôi tới nghề văn). Nói tóm lại, tức là có sự nhất trí hoàn toàn giữa cái chung và cái riêng, giữa cá nhân và xã hội (một mối quan hệ có ý nghĩa làm nền cho mọi sự phát triển của các hình thái ý thức). Rõ ràng đây là một đặc điểm mới, một sự thay đổi 180o, nếu so với đời sống tinh thần trước Cách mạng, cũng như so với tình hình các nước khác, nhất là từ sau đại chiến thứ hai. Trong khi người ta gọi đây là thế kỷ của nghi ngờ, thì với chúng ta, đây là thời đại của niềm tin. Trong khi mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội ở họ tha hoá, biến chuyển, giữa hai bên có một cái gì dó hoàn toàn không tương ứng với nhau, không hiểu nổi nhau ( từ đó mà tiểu thuyết hình thành và tiểu thuyết hiện đại là tiểu thuyết đa âm, tiểu thuyết của những quan điểm tư tưởng đối thoại), thì ở ta, mối quan hệ đó, trong cách hiểu của mọi người, từ những người viết văn đến bất cứ người bình thường nào là hết sức hoà hợp tốt đẹp. Ví như tác phẩm Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc chẳng hạn. Một nhà phê bình văn học ông Huỵnh Lý đã rất có lý khi từ 1960 đã gọi đó là một anh hùng ca . Thật ra, ba chục năm nay, cả nền văn học Việt nam là mang tính chất anh hùng ca, cũng như do mối quan hệ giữa người và người nhất trí hoà hợp, các tác phẩm anh hùng ca đã làm nên âm hưởng chủ yếu của nền văn học tất cả các nước, ở giai đoạn khởi thuỷ.
Trở lại với cái mạnh chủ yếu trong đời sống tinh thần những năm kháng chiến chống Pháp, và có thể nói là cả những năm sau hoà bình lập lại, vắt sang những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trên cơ sở sự nhất trí cao độ giữa cá nhân và hoàn cảnh, hàng loạt đặc điểm khác trong quan hệ xã hội được hình thành, và nhất là được thế hệ thanh niên lúc đó tiếp nhận, hoàn thiện về đại thể, có thể nói như tác giả bài Người 40 tuổi đã tự nhận: đó là những năm tháng các ông sống rất hồn nhiên, hồn nhiên tới mức nông nổi, tuỳ tiện (chữ của Nguyễn Khải) mà cũng chưa gây ra xáo trộn gì đáng kể. Phong cách quan hệ chung giữa người với người lúc này là giản dị, dễ dàng. Tất cả như thẳng băng một chiều. Không có đất sống cho những hoài nghi, tiêu cực đã đành, ngay cả những biến thái tạm gọi là phức tạp trong sinh hoạt tinh thần, một chút băn khoăn, một thoáng tìm tòi đổi khác, cũng đều trở thành vô lý, lạc lõng, và cần phê phán triệt để. Mặt khác, lúc này con người trở nên kiêu hãnh hơn bao giờ hết, kiêu hãnh ngẩng cao đầu như chúng ta thường nói, tự hào ngay từ những vất vả mà mình phải chịu.
“Chín năm kháng chiến, chúng ta đi khắp mọi nơi, biết đủ mọi việc, tiếp xúc đủ mọi người, nếm trải đủ gian nan, đương đầu với mọi sự hiểm nghèo. Cái lo nhất từng biết, cái buồn nhất cũng từng biết, cái vui nhất cũng từng biết”
(Nguyễn Khải: Một thế hệ có mặt
trong ba cuộc tiến công)
Với ý chí sắt đá, mỗi người tin rằng mình có thể làm được bất cứ việc gì, vì mình là những người tốt nhất, đẹp nhất trong cuộc đời này, mình đã hiểu biết tất cả.
“Kẻ yếu bóng vía thường hò hét ầm ĩ mà trong lòng lạnh ngắt, kẻ cuồng tín mê muội ưa lời phỉnh nịnh tâng bốc mà ngọn lửa điên dại chỉ hồng ngoài mặt chứ không nhen nhóm trong tim. Còn ta… ta hiểu rõ vị trí của mình, hiểu rõ quá khứ và hiểu tận tương lai công việc ta làm hôm nay. Khát vọng và lý tưởng, nỗi niềm và tâm tư đã nhuần nhuyễn trong ta, đã trở thành bản lĩnh.”
(Xuân Thiều : Màu sắc ngoài mặt trận)
Có thể chọn ra nhiều đoạn văn tương tự như trên trong các phát biểu chính thức của các nhà văn, các bài tuỳ bút, lý luận, cũng như những đoạn gọi là phát biểu chính luận của các nhân vật trong các tập truyện xuất hiện trước 1975. Chính nó là cái tinh thần quán triệt trong tất cả các tác phẩm từ sau Cách mạng , và càng qua chất giọng của các kiện tướng của nền văn học mới như Hồ Phương, Hữu Mai, Nguyên Ngọc, Nguyễn Ngọc Tấn, Nguyễn Khải… thì nó lại càng vang lên mạnh mẽ. Không một thoáng run rẩy một phút chần chừ, niềm kiêu hãnh về sau còn được đẩy tới mức những kết luận khái quát có tính chất bao trùm rộng rãi, có tính cách lịch sử. Ví như, đây là dạng thức mới nhất của nó: một đoạn trích trong phát biểu của Nguyễn Trung Thành tháng 6-1975
“Đẹp thay là lịch sử. Và trước hết đẹp thay là dân tộc kỳ diệu chúng ta. Bởi vì chính dân tộc này, dưới sự lãnh đạo của Đảng tuyệt vời này, đã làm nên lịch sử đó” (Báo Văn Nghệ giải phóng số 52)
Những chữ nghĩa tốt đẹp nhất thần thánh, tuyệt vời được huy động. Và người nói mới dứt khoát, thành tâm làm sao! Những cách nói mới, những kiến thức mới được bổ sung kịp thời, để những điều nói ra tự mấy chục năm nay ngày càng trở nên sắc bén, hoàn hảo. Có lẽ rất lâu về sau, các thế hệ tiếp nối còn ghen tị với một niềm tự tin lên đến mức tuyệt đỉnh như vậy. Nếu làm tuyển tập những lời phát biểu tương tự, chúng ta sẽ có một tập sách rất dày, tất cả châu tuần quanh một ý thơ của nhà thơ Tố Hữu:
Vươn lên cao và tự biết : vô cùng
Đây có lẽ là câu đề từ xứng đáng với toàn bộ tuyển tập mà chúng ta giả định.
Dĩ nhiên, nhờ tiếp được cái tự hào tự tin nói trên, nên cái phần niềm tin, tức là yếu tố thiết cốt trong việc sáng tác, đối với thế hệ những người cầm bút hình thành trong kháng chiến, cũng được giải quyết hết sức giản dị. Hạnh phúc thay cho các nhà văn của chế độ mới, cái phần khó khăn nhất của sáng tác, tức cái phần chủ đề tư tưởng không phải tìm đâu xa: đã có chủ trương chính sách của Đảng. Rất phổ biến là cách nói sau đây của Hữu Mai, tưởng như thoáng qua một chút mặc cảm tự ti, mà thực ra hết sức sung sướng tự hào về nghề nghiệp viết văn của mình. Theo Hữu Mai , người viết hiện nay chỉ còn có một khó khăn duy nhất và có thể gọi là đáng kể: đó là choáng ngợp trước thực tế quá vĩ đại. Ông ví “Chúng ta là những người tìm hoa bị lạc giữa rừng hoa” . Kể ra ,riêng ở chỗ này cũng đáng để cho chúng ta dừng lại lâu la một chút, thông cảm thêm với vai trò chiến sĩ của những người cầm bút. Thì ra, những khó khăn ở đây thật khác xa với những khó khăn mà mỗi nguời bình thường gặp phải trong cuộc sống. Nhưng thôi, hãy nghe tác giả Vùng trời nói rõ thêm:
“Sự nghiệp cách mạng vĩ đại đã đem đến cho những nhà văn, nhà nghệ sĩ những chất liệu mới vô cùng quý giá. Chúng ta bắt gặp nó trong từng bước đi trên những chặng đường của đất nước hôm nay. Nhưng trên mảnh đất vô cùng giàu có của sự sáng tạo, chưa bao giờ chúng ta thấy khả năng nhỏ bé, sức tưởng tượng của mình trở nên nghèo nàn như hôm nay …”
(Trích Văn Nghệ số 1-3-1975)
Tóm lại, vấn đề chỉ còn là làm sao tinh chế chất liệu, bồi bổ thêm sức tưởng tượng tức là sức bay bổng của ngòi bút, thế thôi. Ngoài ra thì không có việc gì phải lo tính hết. Mỗi khi bàn về nghề nghiệp, đó là cái ngụ ý chủ đạo toát ra qua bài viết của Hữu Mai, cũng như của nhiều tác giả khác. Đại để là trong khi aác nhà văn thường muốn nói một cách kín đáo thì có một người nói ra một cách rõ ràng mạch lạc: không ai khác, đó chính là tác giả Xung đột. Không phải một lần, mà trong nhiều lần khác nhau, mỗi khi có cơ hội, không bao giờ Nguyễn Khải bỏ qua mà không phát biểu trực tiếp cái ý đó cho thực thấu đáo. Năm 1963,ông viết:
“Với những người viết hiện nay, thì người đỡ đầu quan trọng nhất, có tác dụng quyết định nhất lại là cuộc sống, và Đảng cộng sản thân yêu, nơi nương tựa vững chắc, tin cậy về đời sống tinh thần, phương hướng của mọi suy nghĩ và hành động, là lẽ sống, là cội nguồn của những đức tính đẹp đẽ nhất của mỗi chúng ta.”
Bảy năm sau, tức năm 1970, qua bao nhiêu suy nghĩ, nghiền ngẫm, và từng trải hẳn lên trong chiến tranh (Nguyễn Khải là người rất hay nói đến từng trải), trong “một bản thu hoạch” được gọi là “riêng tư” tức là chứa chất nhiều điều tâm sự sâu xa,ông lại đi tới một khẳng định dứt khoát hơn. Theo ông, cái mức phấn đấu của mỗi nhà văn phải là làm sao để:
“… tư tưởng lớn của Đảng đồng thời cũng là mục tiêu riêng của sự sáng tạo. Đường lối lớn của Đảng đồng thời cũng là những kết luận đã được hoàn toàn khẳng định của chính mình”
Cũng một niềm tin ấy, chúng ta thấy biểu hiện ra bao nhiêu vẻ khác nhau. Ở Nguyễn Khải, nó là niềm tự hào, ý thức kiêu hãnh, và một lối nói cả quyết đến tuyệt đối; sang Hồ Phương, nó hiện ra ở vẻ vô tư, nhẹ nhõm: thì tất nhiên mọi chuyện là như thế, làm sao quan niệm khác được, đời sống tốt đẹp lắm, cứ làm thôi, có việc gì phải nói thêm nữa? Trong khi Nguyên Ngọc bay bổng, trữ tình, thì Hữu Mai cố gắng phanh phui một vài khía cạnh phức tạp, nhưng ai cũng biết, đó là cách để củng cố cho kết luận sẵn có được thêm hoàn thiện và thêm sức thuyết phục. Hải Hồ và Mai Ngữ, Xuân Thiều và Nguyễn Trọng Oánh, mỗi người một vẻ riêng, nhưng đều theo một phương hướng chung, trăm sông đều đổ ra biển. Và đây, Nguyễn Minh Châu, người xuất hiện hơi muộn, trong một bộ y phục ít nhiều có vẻ mới mẻ, do nơi bản năng nghệ sĩ tài hoa khá thấm đượm của mình, nhưng tận trong tiềm thức sâu xa, vẫn chia sẻ với đồng chí đồng đội của mình không thiếu một thứ gì. Hoặc là niềm tự hào của một người viết khi có được một chỗ dựa về tinh thần tuyệt đối vững chắc.
“Những người cầm bút chúng ta hiện nay đang có một thuận lợi to lớn là có Đảng lãnh đạo. Nhờ có Đảng chúng ta đã có đôi mắt nhìn hiện thực cách mạng và kháng chiến một cách sáng tỏ. Chúng ta lại được học tập đường lối cách mạng của Đảng trong từng giai đoạn để nhìn thấy trước từng chặng đường xã hội đang đi tới.”
Hoặc là cái cảm hứng chung về đời sống hiện nay, một đời sống đã trưởng thành, theo như chữ dùng của tác giả.
“Ngày nay, chúng ta đã có hàng chục năm Cách mạng thắng lợi. Những lý tưởng ngày xưa đã trở thành hiện thực và tồn tại xã hội, cái xã hội ấy đang được đem ra thử thách trong máu lửa và càng tỏ rõ sức bền vững. Lớp người trẻ tuổi vác dao kiếm đi cướp chính quyền hồi cách mạng tháng Tám, ngày nay đã có con cái và con cái cũng đã trưởng thành.”
(Trang sổ tay viết văn)
Từ một tác gia sắc sảo đến những ngòi bút được xem là đôn hậu, từ người trưởng thành trong kháng chiến đến người mới có tác phẩm in những năm 70 trở lại đây; tất cả, không phân biệt ai, hễ cùng thế hệ đó, là cùng một giọng điệu, cùng một ý nghĩ, tất cả y như những diễn viên đồng ca, màu sắc trong tiếng hát có thể hơi khác ít chút, nhưng đều là hát lên bài hát đã được quyết định chung, và mỗi người đều tôn trọng giai điệu đó một cách hết sức tự giác.
Khi tìm hiểu quan niệm của những người viết, đáng lẽ chúng ta phải căn cứ vào nội dung hình tượng của các tác phẩm hơn là những phát biểu trực tiếp. Tuy nhiên, nếu xét riêng về mặt niềm tin, cái phần thẳng băng trong ý nghĩ, tư tưởng, thì rất dễ cảm thấy là qua tác phẩm của các nhà văn nói trên, giữa tác giả và các nhân vật có sự trùng hợp hoàn toàn, hơn nữa, nhìn rộng ra, đó cũng là quan niệm chi phối cả thế hệ đó trong cách làm kinh tế, khoa học và các hoạt động khác, nên ở đây, không phải lo về bất cứ sự so le nào hết. Nhìn chung, có thể mệnh danh thế hệ của các nhà văn đang nói – những người sinh khoảng trước sau 1930 và bắt đầu tìm cảm hứng cầm bút từ sau1945– là thế hệ của niềm tin; và toàn bộ nền văn nghệ của chúng ta từ bấy trở đi là nền văn nghệ của niềm tin, tin tuyệt đối, tin một cách thành thật, chính niềm tin đó là lẽ sống của mỗi người, là động cơ thúc đẩy mọi hoạt động. Nếu như ở người nọ người kia, trong một lúc không vững vàng nào đó, có thoáng qua một chút băn khoăn, ngần ngại, thì cũng nhanh chóng tự gạt bỏ, và được ánh sáng của Đảng chiếu rọi, được những ngòi bút đồng chí đồng đội giúp thanh toán cho bằng hết. Vả lại, ngồi tính toán một lúc thì thấy: Cái niềm tin đó là không khí của thời đại. Cả đoàn quân đã khởi hành. Cả guồng máy đã quay. ít nhiều, mỗi người đều có dính cả phần máu thịt, đều gắn cả tuổi trẻ sôi nổi và nói chung là quá khứ tốt đẹp của mình vào sự nghiệp, đều có đóng góp vào sự chuyển vận của bộ máy xã hội. Vậy thì còn có cách nào khác ngoài con đường hăng hái tiến lên dưới ngọn cờ cách mạng ba mươi năm trước? Vinh dự và trách nhiệm, hai ý niệm không tách rời như như chúng ta đều biết mà làm thành một mối dây ràng buộc; cả hai không phải là chia đều cho tất cả mọi người, ít nhiều vẫn có người kém người hơn, tuy nhiên, chắc chắn là ai cũng có phần xứng đáng của mình trong đó.
Truyền thống cũ, bộ mặt mới
Điểm lại thơ ca hồi Cách mạng tháng Tám và những năm đầu kháng chiến, nhà phê bình văn học Lê Đình Kỵ từng có một nhận xét: Lúc này, thơ văn thường nói đến cái tôi, cái ta.
– Chúng ta đoàn áo vải
Sống cuộc đời rừng núi bấy nay
Hoàng Trung Thông
– Lũ chúng tôi, lớp người tứ xứ….
Hồng Nguyên
Đó là giai đoạn tự nhận thức của một thế hệ. Đó cũng là cái thuở ban đầu của thơ ca của sáng tác văn học. Có phải mấy chục năm qua đi mà đời sống tinh thần con người vẫn đang nằm trọng trong cái thuở ban đầu đó? Và một điều có thể chắc chắn hơn: chính sự tự nhận thức kia đã là một khía cạnh làm nên sinh khí chủ yếu của nền văn học mới.
Nhắc lại chuyện kháng chiến chống Pháp, không biết chừng sẽ có người e ngại: đời sống đã bao nhiêu biến chuyển. Từ những chiếc xe đạp thồ, hoặc những đòn gánh tre kẽo kẹt chuyển gạo lên Điện Biên, đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chúng ta đã có những chuyến tiếp tế bằng máy bay: một vài giờ chở hàng chục tấn đạn từ Gia Lâm vào Đà Nẵng. Vậy thì có nên nhắc chuyện cũ? Song nhìn kỹ thì thấy: sau những chuyển biến bên ngoài, cái lõi bên trong hình như chẳng mấy xao động. Tuy những phương tiện vật chất phục vụ cho sự nghiệp sản xuất và chiến đấu ba mươi năm qua có nhiều đổi mới – suy đến cùng, đó là một yếu tố có sức thúc đẩy lịch sử rất mạnh từ nay về sau – nhưng trước mắt, cái mà có tác dụng thường xuyên hơn đến đời sống xã hội nói chung, là cách quản lý sản xuất, phân phối, những nguyên tắc làm việc, nguyên tắc quan hệ giữa người và người, và khái quát hơn, đường lối chính sách của Đảng trước sau vẫn là như vậy. Nên chi trải qua mấy chục năm rồi, các thế hệ kế tiếp ra đời, nhưng cái thế hệ đóng vai trò xung kích trong cuộc kháng chiến chống Pháp, lại vẫn tiếp tục đóng vai trò trụ cột trong cuộc chống Mỹ, và thắng lợi lịch sử tháng 4-1975 chỉ củng cố thêm ở cácông ý chí cả quyết và lòng tự tin voà con đường mà mình đã đi qua. Đây là một ít tâm sự vừa được bộc bạch:
“… Những năm tháng qua, cuộc sống thật vô cùng đầy đặn, vừa cô đọng, vừa bão táp. Thiếu niên biết nói lời triết lý. Cụ già vẫn giữ mãi tiêng cười thơ trẻ. Mỗi biây biết bao sự tíchông hùng. Một ngày biết bao giây phút sống vĩ đại. Sử ba mươi năm phải chép dầy hơn 400 năm.
… Mỗi năm tháng đi qua đều mang nặng nghĩa tình, đều chĩu nặng thương đau, đều nấu nung hy vọngm đều cháy bùng tin tưởng và cũng đều chứa chan hạnh phúc, hạnh phúc của đấu tranh, của chiến thắng.”
(Toàn thắng đã về ta, báo QĐND ngày 8-5-75)
Rõ ràng, con đường đi tới nhất định sẽ được hoạch định từ đây. Muốn biết ngày mai ra sao, cứ trông hôm nay sẽ rõ.
Riêng về mặt văn học, như trên đã nói, cũng tính trong vòng mấy chục năm qua, mấy thế hệ văn học kế tiếp nhau cùng tồn tại, cái phần khác đi có thuộc về quy mô, mức độ, hoặc là những nét tài hoa, song đại thể, nền văn học của chúng ta vẫn là bám thật chắc trên một đường ray mà các cự ly, quy cách đã được cố định từ hồi còn kháng chiến. Thật vậy, ví dụ ở một tác giả: từ Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc đến Đường chúng ta đi, Rừng xà-nu đứng tên Nguyễn Trung Thành qua những bài bút ký gần đây viết trong chiến dịch Hồ Chí Minh, trước sau vẫn phong cách ây, một cảm hứng ấy, một niềm tin ấy. Mặc dù xét trên phương diện văn học, trong kháng chiến chống Pháp nhiều cây bút chúng ta đang nói, mới tập sự, và chỉ thật sự trưởng thành từ những năm hoà bình 1954 trở về sau, song nhìn chung, cả giai đoạn văn học 1945-1975, thì đây vẫn là thế hệ chủ công, thế hệ có vai trò lớn lao, kiểu Sáng nghiệp sử, Khai quốc công thần trong ngành văn chương nghệ thuật. Những nền nếp mới đuợc hình thành cùng với cácông. Những tiêu chuẩn do cácông lập nên. Và mùa màng văn học hôm nay là gì khác, nếu không phải do cácông gieo vãi mấy chục năm trước. Đúng như quy luật trong sản xuất nông nghiệp trên mảnh đất hoang vừa mới khai phá, mùa đầu tiên do cácông gặt hái dĩ nhiên là mùa chín đẹp nhất.
Này đây, những tập tiểu thuyết dày dặn, những công trình sáng tác dài hơi, những bộ sách có đến hàng vài ngàn trang. Nhưng tiền thân của nó là gì? Đó là những bài báo tường, báo lớp, báo nói nói đại hội. Là những báo cáo từ các mặt trận, kiểu báo cáo tuyên huấn, báo cáo chính trị, những thư hồi ấy cần hơn tác phẩm văn nghệ rất nhiều. Và các tác giả của những tập tiểu thuyết ấy thì suốt tám năm kháng chiến hoặc lăn lộn cầm súng ở đơn vị, hoặc làm phái viên mặt trận, hoặc xoay xở với một tờ báo in li-tô, vừa viết, vừa vẽ, vừa làm nhạc, vừa khắc đá, lại vừa in vừa phát hành – cho đến hoà bình lập lại,ông vẫn không hiểu mình nên làm gì, làm thơ hay viết tiểu thuyết, ba chục năm qua, nền văn học chung lớn lên đến đâu, thìông trưởng thành đến đó.
Này đây, những lớp học văn nghệ đông đủ, những buổi tranh luận ồn ào, những đợt đi công tác rầm rộ khác thường. Dù quy mô lớn đến đâu chăng nữa, nhưng về căn bản, thì đấy vẫn là những nền nếp sinh hoạt văn nghệ hình thành trên chiến khu Việt Bắc, từ một buổi tranh luận ở Phú Thọ, hoặc một lớp học văn nghệ ở Thái Nguyên.
Và kia, những bài lý luận hùng hồn, những lý lẽ viện dẫn đanh thép, thề quyết bảo vệ đường lối của Đảng, bảo vệ chân lý. Nếu lục lại sách báo tạp chí những năm 48-50, chúng ta sẽ thấy chẳng khác là bao so với những ý kiến viện ra trong một buổi họp nào đó, giữa rừng; gần ba mươi năm trước đây mới chỉ được coi như những ý kiến trao đổi nhũn nhặn, khiêm nhường, có chỗ nói rõ là những ý kiến góp nhặt được nhân một vài số báo hiếm hoi từ các nước bạn gửi tới.
Sự truởng thành quả thật trước không ai ngờ.
Nhưng tinh thần cơ bản thì vẫn không chệch một li so với truyền thống hồi kháng chiến.
Như thế đấy, thật vinh dự cho thế hệ những người đi đầu, những người đặt nền móng cho mọi mặt hoạt động của xã hội; mới nói chung và vừa đặt cơ sở cho lý luận, vừa đưa ra những mẫu mực sáng tác cho nền văn học mới nói riêng. ở bất cứ đâu, sự mở đầu đã là tốt đẹp, nhưng ở Việt Nam, sự mở đầu còn có ý nghĩa tất cả. Cácông hiểu rõ điều đó lắm.
Là người viết văn, trong những ngày lớn lao này, tôi muốn nghĩ: Cuộc chiến đấu vĩ đại và thắng lợi vĩ đại, trọn vẹn, triệt để này đã đưa dân tộc ta, con người việt Nam ta phát triển đến những đỉnh cao nào hôm nay? Sau thắng lợi này, những bản lĩnh mới mẻ và sâu sắc nào đã được khẳng định thêm trong con người Việt Nam chúng ta?
“Có phải chăng một trong những phẩm chất quý giá đó, một trong những bản lĩnh được khẳng định vững chắc thêm đó trong con người Việt Nam trải qua mấy chục năm đấu tranh, cho đến hôm nay, là một điều này – ấy là bản lĩnh nắm vững làm chủ những quy luật cực kỳ phức tạp của cuộc sống của xã hội.”
(Nguyễn Trung Thành, báo Văn Nghệ giải phóng số 52, 6/1975)
Cuộc sống và xã hội mà Nguyễn Trung Thành nói ở đây, dĩ nhiên là bao gồm cả văn học nghệ thuật mà cácông cũng đang “nắm vững” và “làm chủ”. Lô-gích suy nghĩ của cácông có thể tóm tắt trong một câu: cả sự nghiệp dựng nước và giữ nước, còn làm được, nữa là cái phần phản ánh của sự nghiệp đó là phạm vi của văn học nghệ thuật! “Đã đến lúc chúng ta phải là tác giả của những tác phẩm thật hay rồi” (Trích bài phát biểu tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ III-1968- tôi nhấn mạnh hai chữ thật hay – V.T.N.) Chả cứ Nguyễn Khải. Tôi đã gặp bao nhiêu người cùng lứa với ông, cả người xưa nay chỉ quen chỉ huy và làm công tác chính trị lẫn người đang sống bằng nghề cầm bút, người nào cũng đau đáu trong lòng một điều tâm sự: làm sao có được những tác phẩm lớn, để xứng dáng với võ công của lịch sử. Ta hiểu đó là một món nợ từng day dứt mỗi người, đời phải thanh toán cho sòng phẳng. Và chúng ta chạnh nhớ tới món nợ mà chính cácông hay nhắc, sau cuộc kháng chiến chống pháp, nhất là sau Điện Biên Phủ. Chao ôi, hình như cácông đã làm quá nhiều, mà lại tự nói về mình quá ít, chỉ vì bận bịu quá! Bao nhiêu khó khăn đã vượt qua, chỉ còn mỗi trở lực về thời gian hôm qua chưa khắc phục nổi, thì phen này đã có điều kiện để khắc phục. Quả thật, trông thấy lứa tuổi 45, 50 trở lên đã qua hai cuộc kháng chiến mà nay vẫn đầy hào hứng tự đảm nhiệm lấy một công việc nặng nhọc là sáng tác văn học nghĩ lại thời đại vĩ đại này, mỗi người thanh niên hôm nay có lẽ phải suy nghĩ rất nhiều. Bài học của cácông là bài học của ý chí, quyết tâm, hành động.
Liệu lần nay, những tác phẩm văn nghệ lớn lao đó sẽ có khuôn mặt ra sao? Câu trả lời còn đang ở phía trước, trong tay thời gian. Riêng tôi chỉ nghĩ đại khái: nếu nhớ lại những mơ ước mà các ông hằng nung nấu trong lòng ba chục năm trước, rồi đối chiếu với những Vùng trời và Chiến sĩ, Kan lịch và Dòng sông phía trước, Trận tuyến chiều dài và Đất Quảng, Thôn ven đường, Dấu chân người lính, Sao Mai... cùng nhiều tác phẩm khác, mới xuất bản hôm nay thì có thể đoán ra những cái mà các ông làm trong thời gian tới sẽ như thế nào. Văn học bao giờ cũng xứng đáng với thời đại trong đó nó sản sinh, nhất là xứng đáng với những người đã làm ra nó.
Kỷ niệm 30 năm Cách mạng tháng 8
và Quốc khánh 2-9.
Từ Wb Vương Trí Nhàn