Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức của người trong cuộc thì chưa bao giờ phai nhạt. Hơn ai hết, họ hiểu rõ nhất cái giá của độc lập, tự do… Vì vậy, những vần thơ của họ không đơn thuần là lời tự sự gợi nhớ về một thời đau thương, oanh liệt, mà còn là lời cảnh tỉnh nhắc nhở mọi người hãy biết trân trọng những giá trị của cuộc sống hòa bình, thống nhất hôm nay.
VHP trân trọng giới thiệu chùm thơ “Một thời áo lính” của nhà thơ Trần Chấn Uy.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức của người trong cuộc thì chưa bao giờ phai nhạt. Hơn ai hết, họ hiểu rõ nhất cái giá của độc lập, tự do… Vì vậy, những vần thơ của họ không đơn thuần là lời tự sự gợi nhớ về một thời đau thương, oanh liệt, mà còn là lời cảnh tỉnh nhắc nhở mọi người hãy biết trân trọng những giá trị của cuộc sống hòa bình, thống nhất hôm nay.
VHP trân trọng giới thiệu chùm thơ “Một thời áo lính” của nhà thơ Trần Chấn Uy.
Nhà thơ Trần Chấn Uy
KHÁT
Biên giới phía Nam vừa im tiếng súng
Biên giới phía Bắc, giặc dữ lại tràn sang
Ôi đất nước cả hai đầu nóng bỏng
Đồng đội ơi, Tổ quốc gọi lên đường.
Những hoàng hôn rớm máu chân trời
Tiếng trẻ khóc tắt chìm, súng nổ
Chúng tôi đi hàng trăm cây số
Khát một túp lều mái rạ bình yên.
Những làng xóm có tên và không tên
Không bóng người dọc đường ra trận
Cây khế chua trĩu cành quả chín
Khát những bàn tay con gái tuổi dậy thì.
Chúng tôi đi mải miết chúng tôi đi
Làng xóm hắt hiu không một tiếng chó sủa
Đêm thì lạnh, lòng tôi như có lửa
Khát một tiếng gà gáy sáng gọi bình minh!
CHỊ
Chị dỏng cao trắng ngần da thịt
Tôi mười ba vỡ giọng vịt bầu
Vai thon thả chiếc đòn tre kĩu kịt
Chị gánh tuổi xuân ngây dại những đường cong.
Chị đi lính khi chưa kịp lấy chồng
Vồng ngực trẻ, bánh giầy chúm chím
Mùa chớm xuân, chị cũng vừa chớm chín
Áo Tô Châu run rẩy trái đào non.
Tôi tiễn chị nơi bờ cỏ chân cồn
Cánh đồng làng sáng ấy bỗng xanh hơn
Chị lặng lẽ nhìn tôi, lặng lẽ
Hàng mi cong khẽ chớp ánh buồn.
Rồi chị đi vào chiến tranh
Như bao trai gái làng tôi cùng trang lứa
Cuộc chiến tranh tàn khốc như lò lửa
Và một ngày chị hoá thành than!
Chiều cuối xuân đi dọc đường làng
Hoa gạo đỏ một chùm hoa như máu đỏ
Tôi giật mình buốt lạnh, chiều se gió
Một làn hương trinh bạch. Chị đang về!
THẾ SỰ BUỒN, SAO CÚI MẶT LÀM NGƠ
(Thơ trên máy tính vào một đêm không ngủ)
Đọc Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung
Thấy ngượng
Thế sự buồn! Sao cúi mặt làm ngơ?
Sử sách lưu truyền bao danh tướng
Biên ải nghìn năm tiếng gươm khua.
Mùa thay áo, những cánh rừng bạc lá
Cha ông nằm thành gò bãi biên cương
Tiếng ngựa hý giữa muôn trùng núi đá
Những Đồng Đăng, Móng Cái, Kỳ Lừa.
Đường ra trận bốn ngàn năm đánh giặc
Đoàn quân đi rợp bóng biên thuỳ.
Nghe núi chuyển rì rầm Ải Bắc
Áo trận rùng mình đẫm ướt sương khuya.
Ôi cái giá của tự do, độc lập
Trả bằng máu xương nước Việt muôn đời.
Xin đừng để từng tấc đất vô giá
Rơi vào tay bọn dạ thú, mặt người!
NGƯỜI LÍNH TRỞ VỀ
(Thân yêu tặng những đồng đội của tôi
trở về sau chiến tranh)
Còng lưng một thời áo lính
Chiến trường mưa nắng mòn chân
Sống sót sau ngày chiến thắng
Anh về cày ruộng nuôi con.
Ngực gầy chẳng một huân chương
Ngày ngày theo bò lội ruộng
Bữa cơm quả cà rau muống
Vợ con chân lấm tay bùn.
Nét cười chẳng gợn chút buồn
Hồn nhiên nhận phần thua thiệt
Chiến trường bạn bè thân thiết
Lưu lạc giờ chẳng còn ai.
Đồng trưa bóng nắng tròn vai
Anh ngồi nhìn về phía núi
Nơi ấy bao nhiêu đồng đội
Máu xương xanh núi xanh đồi.
NƠI NÀO CHA TÔI NGẢ XUỐNG
Sau chiến tranh, tôi tới Sài Gòn
Giữa bát ngát phố phường và điệp trùng cao ốc
Giữa những con đường bóng loáng bánh xe bon
Nơi nào cha tôi ngã xuống sau dãy tường đổ nát?
Tôi cắn răng nghe môi mình mặn chát
Những viên gạch lát đường run rẩy dẫn tôi qua
Dẫn tôi qua những ngã bảy, ngã ba
Đâu con đường ngày cha tôi vào trận?
Những cánh cổng trầm tư rơi đầy hoa mận
Những cửa hàng chói lọi ánh đèn giăng
Dãy phố dọc và dãy phố ngang
Nơi nào cha tôi ngã xuống sau dãy tường đổ nát?
Tôi lang thang qua hiệu cắt tóc, rạp xi nê, nhà hát
Viện bảo tàng, đài tưởng niệm, công viên
Tất cả ồn ào, tất cả hồi sinh
Nhưng có một nơi nào đó
Cha tôi đã ngã xuống sau dãy tường đổ nát!
Con đường trước mặt tôi rồi sẽ mở ra bát ngát
Những công trường và giàn giáo dựng cao
Có lẽ không bao giờ tôi tìm thấy được đâu
Bức tường đổ, nơi cha tôi ngả xuống!
T.C.U
(Nguồn facebook.com/uy.c.tran)