Một thời hoa lửa – Kí của Lê Mạnh Thường

Vào buổi chiều năm 1967, khi đang cùng tổ rà phá bom dã chiến làm nhiệm vụ ở khu vực sông Tam Bạc, gần chợ Sắt thì CCB Bùi Mạnh Hùng được đồng chí đội trưởng phân công về phá quả bom từ trường giữa đường Phan Bội Châu mà máy bay Mỹ vừa thả xuống..

Vào buổi chiều năm 1967, khi đang cùng tổ rà phá bom dã chiến làm nhiệm vụ ở khu vực sông Tam Bạc, gần chợ Sắt thì CCB Bùi Mạnh Hùng được đồng chí đội trưởng phân công về phá quả bom từ trường giữa đường Phan Bội Châu mà máy bay Mỹ vừa thả xuống.

Một thời mình là lính của ông. Ông thì không biết mình nhưng thằng Binh nhì là mình lại nhớ mãi hình ảnh ngày ngày có một ông Đại tá đi chiếc xe đạp mini đỏ ra vào cổng Bộ Tư lệnh Hải quân để làm việc. Sau hăm mấy năm gặp lại, hỏi ông về chiếc xe đạp, ông bảo, chiếc xe vẫn đang được ông niêm cất kỹ càng, coi đó là một vật kỷ niệm, một gia tài của thời kỳ còn khốn khó….

 

MỘT THỜI HOA LỬA…

Đã 45 năm trôi qua, kể từ ngày kết thúc Cuộc chiến đấu chống phong tỏa trên sông, biển miền Bắc với kẻ thù nhưng ký ức về những tháng ngày đối mặt với hiểm nguy, với tử thần vẫn in hằn trong tâm trí ông…..
Ngôi nhà nhỏ nằm trong khu tập thể yên tĩnh của Hải quân giữa thành phố Cảng. Cổng mở, một ông già tóc trắng như cước, phong thái mẫn tiệp ra đón tôi bằng nụ cười đôn hậu. Ông là Đại tá, cựu chiến binh (CCB) Bùi Mạnh Hùng, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tham mưu Hải quân.
Căn phòng khách của ông ngập tràn những kỷ niệm, những ký ức của 35 năm quân ngũ. Ông đã dành thời gian cả buổi sáng để trò chuyện cùng tôi, kể cho tôi nghe những câu chuyện về thời chiến nói chung và đặc biệt là giai đoạn diễn ra cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường mà ông được tham gia, được trui rèn trong bom đạn. Ông cho biết, chống phong tỏa sông, biển là một bộ phận của cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại của nhân dân Việt Nam nói chung và Hải quân nhân dân Việt Nam nói riêng. Đây là cuộc chiến đấu thực sự diễn ra vô cùng gay go ác liệt giữa một bên là những cán bộ, chiến sĩ Hải quân, còn bên kia là kẻ thù xâm lược – một đội quân thiện chiến nhà nghề, tiến hành cuộc chiến tranh phong tỏa đường biển vô cùng dã man tàn bạo và phi nghĩa. Mặc dù chỉ với những trang thiết bị thô sơ nhưng bằng những trái tim quả cảm, những người lính Hải quân đã vượt lên hiểm nguy, chết chóc để rà phá thành công hàng ngàn quả thủy lôi, bom từ trường mà giặc thù đã rải xuống sông, cửa biển miền Bắc, khai thông luồng vận tải của ta.
Càng nghe ông kể, tôi càng bị cuốn hút và như được sống trong không khí hào hùng của dân tộc trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh…

 

SÁT CÁNH CÙNG QUÂN DÂN ĐẤT CẢNG

CCB Bùi Mạnh Hùng sinh năm 1944 tại xã Hải Thịnh, huyện Hải Hậu (Nam Định). Năm 1963, chàng trai miền biển Bùi Mạnh Hùng lên đường nhập ngũ và trở thành người lính trên con tàu mang số hiệu 197 thuộc Phân đội 12- Căn cứ 1 Hải quân. Với chức trách được giao là khẩu đội trưởng pháo 25mm, chiến sĩ Bùi Mạnh Hùng đã cùng đồng đội trên con tàu của mình kiên cường bám trụ và tham gia nhiều trận đánh để bảo vệ các mục tiêu trọng điểm bắn phá của máy bay Mỹ khu vực Hòn Gai, Hải Phòng. Ông kể, ngày 9/7/1966, Trung đoàn 171 Hải quân được thành lập. Trung đoàn gồm các phân đội tàu 79 tấn là 3, 6, 7, phần lớn từ miền Trung ra và các Tiểu đoàn 100, 200. Đơn vị tàu 100 của ông tiếp nhận nhiệm vụ mới: trực chiến ở khu vực vịnh Lan Hạ – Cát Bà để hàng đêm đi tuần tiễu phát hiện địch và đón đánh máy bay tầm thấp đánh phá tuyến vận tải của ta.
Cuối tháng 6/1966, Giôn Xơn cho máy bay Mỹ đánh phá kho dầu Thượng Lý (Hải Phòng). Sau đó, chúng liên tục đánh phá các kho tàng và phương tiện vận chuyển xăng dầu của ta và còn dùng máy bay giám sát các tàu chở dầu của Liên Xô ra vào cảng Hải Phòng. Trước tình hình đó, tàu 197 cùng Tiểu đoàn 100 nhận lệnh của Sở chỉ huy Quân chủng hành quân từ Cát Bà về Hải Phòng trực chiến và tham gia chiến đấu bảo vệ các mục tiêu quan trọng ở hai bờ sông Cấm. Ngày 7/7/1966, máy bay địch tập trung đánh phá Nhà máy điện Cửa Cấm, Sở Dầu, nhà máy Xi măng cùng một số mục tiêu quan trọng khác. Dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Thanh Chỉ, Chính trị viên Tiểu đoàn Ngô Vận, thuyền trưởng Lê Hùng, chính trị viên Phạm Cao Luận, tàu 197 cùng 3 tàu 195, 199, 201 cơ động, triển khai theo đội hình chiến đấu phòng không trong khu vực luồng từ Bến Bính đến ngang Nhà máy Xi măng. Trong trận này 4 tàu của ta đã nổ súng liên tục, đánh trả các đợt không kích của máy bay địch. Vì bị bất ngờ, các máy bay tầm thấp đều lọt vào vòng ngắm của các khẩu đội trưởng đã dày dạn kinh nghiệm bắn đón. Toàn đơn vị đã cùng lưới lửa phòng không Hải Phòng hạ 11 chiếc. Riêng trận chiến đấu kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ này, Tiểu đoàn 100 thuộc Trung đoàn 171 Hải quân của Bùi Mạnh Hùng bắn hạ tại chỗ 4 chiếc. Chiến công này đã được lãnh đạo chính quyền và nhân dân Hải Phòng khen ngợi.
Thời gian gần giữa năm 1967, Tiểu đoàn tàu 100 của ông được lệnh hành quân lên phía Bắc cầu Long Biên với nhiệm vụ trực chiến và trực tiếp bảo vệ hai cây cầu trọng yếu của thủ đô Hà Nội đó là cầu Long Biên và cầu Đuống.

 

TRỞ THÀNH NGƯỜI THỢ RÀ PHÁ BOM

CCB Bùi Mạnh Hùng nhớ lại, khi các tàu thuộc Tiểu đoàn 100 tham gia chiến đấu ở Hà Nội được hơn một tháng thì cấp trên điều động ông cùng hơn 10 cán bộ, chiến sĩ của các tàu, chủ yếu là đảng viên do đồng chí Chiểu, thuyền phó hỏa lực tàu 197 phụ trách về Hải Phòng nhận nhiệm vụ.
“Đoàn chúng tôi về đến Hải Phòng và được tiếp nhận trụ sở Chi Cục Thống kê, tại số 3 Đinh Tiên Hoàng làm địa điểm đóng quân. Ngay sau đó, đồng chí Châu, Đại úy, phụ trách Công binh Hải quân xuống ổn định tổ chức và tuyên bố thành lập Đội rà phá bom dã chiến trực thuộc D158 Công binh Hải quân. Đội chúng tôi có nhiệm vụ trinh sát, đánh dấu các vị trí và tiến hành rà phá bom, thủy lôi do Mỹ thả xuống ở khu vực các sông Tam Bạc, Bến Bính, bến phà An Dương, cảng Nhà máy Xi măng, cầu Quay, cầu Thượng Lý và cảng K25 Hải quân. Đơn vị hiệp đồng là lực lượng Công binh và dân quân tự vệ Hải Phòng!”.
Thời gian này, đế quốc Mỹ sử dụng bom từ trường là chủ yếu. Chúng rải với mật độ dày đặc trên các luồng sông ở Hải Phòng nhằm phá hoại tuyến vận tải thủy của ta. Bom được lắp đặt máy định giờ và định lần, nếu đánh dấu sai hướng bom rơi sễ rất khó khăn cho công tác rà phá. Trong khi đó, trang thiết bị rà phá của đội không có gì ngoài một số cuộn dây mồi, một ít phao, còn tấm tôn để rà phá thì tự tìm kiếm lấy. Khi mỗi quả bom rơi xuống, chúng để lại cánh bom trên mặt đất, ông lại cùng anh em trong tổ đã tiếp cận sát hút bom quan sát, xác định vị trí, hướng bom để đánh dấu cho chuẩn, sau đó tiến hành rà phá.
“Việc rà phá bom nằm rải rác trên bãi và trên một số đoạn sông khi tiến hành hết sức vất vả, khó khăn – CCB Bùi Mạnh Hùng kể – Chúng tôi phân công mỗi người ở hai bên bờ sông cầm một đầu dây. Bất kể trời mưa rét hay nóng bức đều phải làm mỗi khi phát hiện mục tiêu. Anh em phải bơi qua bơi lại nhiều lần trên sông để tiến hành rà phá, nếu không biết bơi thì không thể làm gì được. Không có trang bị bảo hộ hay quần áo, giày dép chuyên dụng gì cả. Anh em chỉ mặc quần đùi, đi chân không. Nhiều đồng chí nhiều lần bị vỏ hà, mảnh chai, mảnh sắt cứa chân chảy máu rất đau đớn. Có đoạn, khi phát hiện bom chúng tôi phải kéo đi kéo lại hàng trăm lần. Vì là bom định lần, có quả kéo hai ba chục lần nó nổ có quả kéo gần trăm lần nó mới nổ. Hầu như ngày nào chúng tôi cũng rà phá và có bom nổ để thông luồng cho tàu bè qua lại!”. Với người yếu bóng vía thì khó mà hoàn thành được nhiệm vụ, nhưng bằng ý chí, bản lĩnh của mình, ông cùng đồng đội đều rất hăng hái và tự giác xung phong, không ai từ chối nhiệm vụ. Tinh thần trách nhiệm và lòng dũng cảm của ông đã góp phần vào công tác rà phá bom trên sông đạt hiệu quả cao.

 

PHÁ BOM TRÊN PHỐ

Vào buổi chiều năm 1967, khi đang cùng tổ rà phá bom dã chiến làm nhiệm vụ ở khu vực sông Tam Bạc, gần chợ Sắt thì CCB Bùi Mạnh Hùng được đồng chí đội trưởng phân công về phá quả bom từ trường giữa đường Phan Bội Châu mà máy bay Mỹ vừa thả xuống. Nhận lệnh, ông liền khẩn trương mang theo đồ nghề chạy trên con phố vắng tanh, nhà cửa đổ nát để đến vị trí có bom. Phát hiện có cánh bom còn nằm ở giữa đường, ông liền thu gọn vào bên vỉa hè sau đó đặt tấm tôn gần nơi quả bom đang nằm dưới đất. Ông buộc một đầu dây vào một gốc cây bên trái đường sau đó một mình cầm đầu dây bên này di chuyển qua lại chỗ bom rơi. “Mới kéo được một vài lần thì ở đầu dây chỗ tôi buộc vào gốc cấy xuất hiện một cô tự vệ mặc áo xanh sỹ lâm, quần đen, đội mũ sắt nói rất to với tôi: “Để em kéo với!”. Tôi hét lên: “Không được đâu, rất nguy hiểm đấy!”. Cô ấy không nghe lời tôi mà cởi dây tôi buộc ở gốc cây cùng tôi kéo. Hai người kéo qua kéo lại khoảng hơn chục lần thì bom nổ. Mấy nhà bên cạnh bị sập, khói bụi mù mịt không trông thấy gì cả. Khi ngớt khói bụi, tôi không thấy cô gái đâu cả. Sau đó tôi phải thu dây và miếng tôn để về đội tiếp tục làm nhiệm vụ!”. Ông nói với tôi vẻ tiếc nuối: “Đây là sự kết hợp chiến đấu giữa quân và dân thật tuyệt vời. Sau vụ này tôi không gặp lại cô gái ấy nữa. Không biết cô có bị sao không? Lúc ấy tôi cũng không rõ mặt cô vì vừa xuất hiện là thực hiện nhiệm vụ phá bom luôn…!”.
CCB Bùi Mạnh Hùng ở Đội rà phá bom dã chiến được gần 2 năm thì được cấp trên điều đi học lớp cán bộ chính trị để tăng cường cho miền Nam. Ông tiếp tục công tác trong Quân chủng đến năm 1998 thì nghỉ hưu theo chế độ.

BOX: Năm 1967-1968, đế quốc Mỹ phong tỏa khu vực Hải Phòng gần 1.500 quả, các tuyến khác là 6.680 quả bom từ trường và thủy lôi các loại. Cuộc chiến tranh phong tỏa lần thứ 2, bắt đầu từ ngày 9/5/1972, đế quốc Mỹ phong tỏa tuyến duyên hải 5.431 quả, Quảng Ninh 1.142 quả và tại Hải Phòng 1.735 quả bom từ trường và thủy lôi các loại. Chúng phong tỏa nhiều lần, nhiều hướng chồng chất và liên tục bổ sung. Mỹ công khai tuyên bố: “… sẽ làm tê liệt cảng Hải Phòng bằng việc ném bom và thả mìn, làm tiêu hao và mòn mỏi ý chí của dân chúng bằng cách phơi bày một khu vực rộng lớn của Bắc Việt Nam vào cảnh thương vong và tàn phá…”.

 

6/2018

M.T

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder