Hội thảo “Tác phẩm hay – đích đến và giải pháp” do Liên chi hội Nhà văn các tỉnh phía Bắc (Hội Nhà văn Việt Nam) vừa được tổ chức tại Thái Nguyên. Mỗi ý kiến tham luận của các nhà văn đều là những lời trăn trở đích thực về nghề viết của mình. Với bạn đọc, rất có thể sẽ có nhiều tâm sự gan ruột hơn thế (!?). Chính vì vậy, chúng tôi lựa chọn giới thiệu một số tham luận để bạn đọc cùng chia sẻ.
VHP trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Lê Hà Ngân!
Nhà văn Lê Hà Ngân – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
Kính thưa các nhà văn!
Khi cái thiện, cái ác vỗ vai nhau cùng cười để đi tới tưong lai, thời đại thay đổi theo xu hưóng chạy theo đồng tiền, các phân nhánh nghệ thuật khác giàu tính tưong tác thu hút thanh niên thì văn chưong luôn và mãi là ngôi đền thiêng với dân tộc Việt. Ngay từ còn ấu thơ tôi đã yêu mến văn chương, ước mơ ấy cứ lớn dần trong tôi tạo thành những khát khao cháy bỏng mong được trở thành người cầm bút viết văn. Tôi luôn tâm niệm câu nói của Mác-xim-gooc-ki: “văn học là nhân học” – Học văn là học để làm người, viết văn giúp mình sống tử tế hơn. Để cho văn chương cất cánh, không chỉ là tiếng chim gù trong mỗi sớm mai, giọt sương long lanh trên cành lá, bông hồng e ấp khi chiều buông, mà còn là những giọt nước mắt, những phận người lầm lụi trong kiếp nhân sinh. Không phải chỉ là nhà văn tôi mới nghĩ tới điều này mà đã rất lâu rồi trong những trang viết tôi luôn trăn trở: văn chưong là thân phận con người. Vậy để làm sao có một tác phẩm văn chương hay là cả là một vấn đề không đơn giản. Nó trìu tượng mênh mang, rất nhiều những quan điểm bàn luận khác nhau. Nếu viết văn hay mà có sẵn một công thức thì ai cũng thể có cầm bút và trở thành nhà văn, nhưng thực tế lí luận chỉ là màu xám còn cây đời mới mãi tươi xanh.
Văn chương là một khái niệm dùng để chỉ một ngành nghệ thuật – nghệ thuật ngôn từ. Văn chương dùng ngôn từ làm chất liệu để xây dựng hình tượng phản ánh và biểu hiện đời sống. Vậy thế nào để có một tác phẩm văn chương đích thực vươn tới giá trị chân thiện mỹ thì theo tôi đòi hỏi người cầm bút phải đảm bảo các yếu tố sau: đó là TÀI NĂNG- VỐN SỐNG VÀ CẢM XÚC.
Vậy tài năng là gì? Tài năng (talent) là một khái niệm thường được sử dụng nhiều trong đời sống hàng ngày, mặc dù cách hiểu chưa được thống nhất cao nhưng chung quy lại là khi nói tới tài năng là nói đến phẩm chất, trình độ. Năng lực, tri thức, sức sáng tạo có nhiều đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Cụ thể tài năng văn chương là một yếu tố quan trọng, là cái tôi có bản sắc riêng không lẫn lộn với một ai cả, đó là tiếng nói cá nhân không chỉ phản ánh được nội dung sâu sắc mà còn phản ánh được cái chân tài của người nghệ sỹ đúng như nhà văn Nga Tuốc-Giê-Nhép đã đề cập trong quan điểm của mình: “Cái quan trọng nhất trong tài năng văn học mà tôi muốn gọi là tiếng nói của mình…”. Tài năng văn chương không hẳn chỉ là do năng khiếu mà thượng đế ban phát cho mỗi cá nhân, mà còn là sự tìm tòi khám phá và lao động thực sự, trong những góc nhìn về thế giới xung quanh.
Muốn có một tác phẩm văn chương hay không thể thiếu được sự sáng tạo, quan sát thâm nhập thực tế tạo thành vốn sống cho tác phẩm của mình.
Vậy ta hiểu thế nào là vốn sống? Vốn sống là tổng thể nói chung những tri thức, kinh nghiệm tích lũy ở cuộc sống thế giới xung quanh. Nhà văn muốn tác phẩm của mình chiếm lĩnh được tâm hồn độc giả tôi nghĩ rằng phải quan sát, tìm tòi khám phá tới tận cùng, để khi đọc trang văn của mình bạn đọc như thấy được cái nhịp sống tươi ròng ngoài đời. Muốn viết về biển hãy để hồn mình lắng theo tiếng thở của đại dương, thiên di theo cánh chim chiều, lênh đênh theo cánh buồm tít tắp ngoài khơi xa. Gọi được hồn vía nhập vào trang văn, quan sát tới tận cùng những chi tiết mình cảm thấy ám ảnh để đưa vào trang viết. Tôi chỉ nói đơn giản như viết về con sò, thì phải hiểu được có bao nhiêu loại sò, hình dáng, cách thức di chuyển của nó theo mùa, rồi cách chế biến ẩm thực ra sao… Cái tinh tế của vốn sống quyện trong nhịp lòng tạo thành một mạch văn quấn hút bạn đọc.
Muốn vốn sống của văn chương phong phú, đòi hỏi người cầm bút phải có những chuyến đi thực tế, thanh lọc cái hay cái đẹp ở xung quanh để nhập vào miền tư duy của mình một cách sáng tạo, vốn sống văn hóa phong phú. Vốn sống của nhà văn chính là sự trải nghiệm trong thiên nhiên và cuộc đời. Thực tế mới là cây đời tươi xanh tiếp nhựa sống hồn cốt cho tác phẩm.
Muốn có một tác phẩm văn chương hay yếu tố quan trọng quyết định chính đó là cảm xúc. Vậy cảm xúc là gì? Cảm xúc là những thái độ rung động của con người với sự vật hiện tượng liên quan đến việc thỏa mãn hay không thỏa mãn với những nhu cầu cá nhân. Hay nói một cách khác cảm xúc là những rung động của con người đối với hiện thực, trong quá trình tác động tương hỗ với môi trường xung quanh và trong quá trình thỏa mãn nhu cầu. Người ta thường nói rằng Thiên Chúa là tình yêu, là tôn giáo cho con người một đức tin. Tôi cứ nghĩ rằng văn chương cũng là một thứ tôn giáo làm cho tâm hồn chúng ta thanh sạch vươn tới chân thiện mỹ. Vậy cái cảm xúc trong văn chương phải là cảm xúc vươn tới yêu thương. Tâm sáng lòng trong thì viết văn mới hay được. Phải biết rung động trước cái đẹp của thiên nhiên: Một vầng trăng treo giữa trời đêm, một rạng đông sao Hôm còn bồn chồn lưu luyến ngày cũ, một cánh rừng với rì rào tiếng suối… mê mãi hóa thân vào vũ trụ tạo thành những điệu hồn và nhịp lòng văn chương. Cảm xúc văn chương còn khơi gợi từ phận số đớn đau của kiếp nhân sinh, những ái ố hỉ nộ… trong tiềm thức con người cần được giả mã. Và điều quan trọng hơn muốn viết văn hay thì nhà nhà văn phải luôn biết hâm nóng và làm mới cảm xúc. Nếu chỉ dùng mãi một tông màu, bắt người ta ăn mãi một món ăn sẽ gây sự nhàm chán… Chính vì thế chúng ta phải biết đổi mới cảm xúc, tạo cảm xúc ngay cả trên những vấn đề đã cũ để tác phẩm của mình không bị nhàm chán. Phải tạo ra được những trường riêng về ngôn ngữ và không gian mang dấu ấn riêng… Những không gian đa chiều của cảm xúc. Hiện nay còn một số ít nhà văn trẻ cũng như già viết cũ quá, xơ mòn kết cấu đến ngôn ngữ. Mà thời đại ngày nay đã khác hẳn xưa rồi. Cho nên chúng ta cần phải đổi mới cách viết, tạo nên những tư chất khả năng đặc biệt trong sáng tạo nghệ thuật và văn chương…
Vậy theo thiển ý của tôi thì muốn có tác phẩm văn chương hay thì tài năng – vốn sống và cảm xúc phải là là những yếu tố không thể thiếu được trong mỗi nhà văn chúng ta. Văn học là nhịp cầu thông linh đưa ta đến vối những miền cảm xúc mới lạ, vươn tới bến bờ nhân sinh và mỹ học…. Một tác phẩm văn chương hay sẽ lưu luyến bạn đọc, bồi đắp cái mỹ cảm để vươn tới cuộc sống tươi xanh. Tác phẩm văn chương hay như người con gái đẹp làm đắm đuối lòng người:
“Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách
Sắc bất ba đào dị nịch nhân”.
Xin mượn câu thơ của người xưa để cảm ơn các nhà văn đã cho tôi chia sẻ những suy nghĩ của mình về làm thế thế nào để viết văn hay.
Kính chúc các nhà văn sức khỏe và thăng hoa.
Trân trọng cảm ơn!
Trọng thu 2018
L.H.N