Một con đường riêng khắc hoạ chân dung Hồ Chí Minh – Nguyễn Thanh Tú


Dưới góc độ nghiên cứu tôi cũng có một vài cuốn sách góp phần nhỏ làm sáng tỏ thêm tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Dưới góc độ nghiên cứu tôi cũng có một vài cuốn sách góp phần nhỏ làm sáng tỏ thêm tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng viết về Bác đã có rất nhiều, ở cả trong nước và ngoài nước, có thể nói có cả một thư viện riêng đồ sộ với thư mục của hàng mấy chục thứ tiếng, mỗi thứ tiếng có rất nhiều đề tài, mỗi đề tài lại có rất nhiều đầu sách. Trong khi đó, mục đích trước mắt của người nghiên cứu là phải có những dẫn chứng tiêu biểu, đặc sắc, nổi bật để chứng minh cho luận điểm mới của mình. Khi hình thành đề cương cho cuốn Hồ Chí Minh – nhà ngụ ngôn kiệt xuất tôi đã đọc hàng mấy trăm quyển, dĩ nhiên nhiều nhất là tiếng Việt, sau đó là tiếng Pháp, tiếng Hán, tiếng Anh. Đọc đến Từ Làng Sen đến bến Nhà Rồng của Trình Quang Phú – in lần thứ 12, Nxb Thanh Niên, 2012, tr.193, tôi bắt gặp một chi tiết quý, đó là lời Bác Hồ nói với đồng chí Hà Huy Giáp: “Cách mạng là con chim đại bàng có hai cánh, một cánh vỗ ở các nước thuộc địa, một cánh vỗ ở các nước chính quốc. Có hai cánh vỗ thì đại bàng mới bay được”. Đọc đến Đường Bác Hồ đi cứu nước của cùng tác giả, tái bản lần thứ 9, Nxb Thanh Niên, 2011, tr.460, tôi lại có được một ngụ ngôn thú vị. Trong kháng chiến chống Pháp, một lần Bác đến thăm đơn vị bộ đội nọ. Sau khi hỏi thăm về tình hình tăng gia sản xuất, biết cơ quan không quan tâm lắm đến phong trào, Người nói có ý phê bình, hài hước mà sâu sắc: “Ăn rau mà không trồng rau là con sâu. Ăn thịt gà mà không nuôi gà là con cáo”. Ngụ ngôn này có thể hiểu theo nghĩa phổ quát rộng rãi: đã là con người thì ai cũng phải lao động. Phải làm thế nào để cho xứng đáng giữa thành quả lao động với sức lao động đã bỏ ra. Chỉ biết hưởng thụ mà không lao động thì là con sâu, con cáo.

Những chi tiết này tôi chưa tìm thấy ở sách nào.

Mấy lời giới thiệu như vậy cũng là một cách khẳng định đóng góp của tác giả Trình Quang Phú qua hai cuốn sách trên. Để có được điều ấy, theo tôi tác giả đã có con đường đi của riêng mình.

Con đường riêng thể hiện trước hết ở tư tưởng, một tư tưởng phải thỏa mãn sự hòa quyện nhuần nhuyễn, vừa mang tính phổ quát vừa mang tính cá biệt. Tư tưởng của tác giả ở đây thể hiện rất rõ là viết về Bác cho đối tượng đọc là đồng bào miền Nam hiểu, yêu mến, cảm phục, kính trọng Bác hơn. Sinh thời Bác rất yêu, rất nhớ miền Nam, qua một câu nói mà có lẽ không có lời nào cảm động, chân thành và sâu sắc hơn: “Miền Nam luôn trong trái tim tôi”. Nhà thơ Tố Hữu nói thay nhân dân cả nước, nói thay cả một thời đại về mối ân tình gia đình ruột thịt giữa Bác Hồ và miền Nam: Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác nỗi mong Cha. Trình Quang Phú là người con của miền Nam thấu hiểu tình cảm thiêng liêng đó và ông đã viết theo tiếng gọi của trái tim mình cũng là tiếng nói của nhân dân miền Nam về Bác. Nếu khái quát một cách chung nhất về nghệ thuật của hai tập sách thì có thể gọi đó là nghệ thuật của tình cảm, của những rung động trong sáng nguyên thủy. Lời văn được viết ra không hề có dấu vết của sự “làm văn” nhưng cứ hấp dẫn, lôi cuốn nhờ men theo những hồi ức, những trạng thái tâm lí có thật, thiêng liêng mà gần gũi.

Tương ứng với tư tưởng này tác giả đã chọn một giải pháp hợp lí mà hiệu quả nhất là tập hợp nhiều cái nhìn, nhiều nhận xét, đánh giá trung thực, tin cậy về Bác Hồ. Bác là một vĩ nhân, bởi vậy, nếu từ một điểm nhìn thì dù uyên bác đến mấy, có năng lực khái quát đến mấy cũng không thể nói hết, nói rõ cho được những nét kiệt xuất của con người vĩ đại mà rất đỗi bình dị ấy. Tập sách cho ta thấy những hồi ức, suy nghĩ của rất nhiều người ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trẻ có, già có, lãnh tụ có, dân thường có, người gần gũi với Bác và người chưa được gặp Bác bao giờ… Những dòng tâm trạng ấy lại rất riêng, không lẫn: khâm phục, quý mến của Võ Nguyên Giáp; tinh tế, chân thành của Phạm Văn Đồng; lắng đọng, sâu sắc của Nguyễn Thị Bình; bồi hồi cảm động của Tạ Thị Kiều; hồn nhiên của nhà thơ Thanh Hải; triết lí của luật sư Trịnh Đình Thảo…

Phương châm chọn chi tiết dẫn chứng của tác giả là làm sao nói được nhiều nhất con người Bác – trí tuệ, tình cảm mà vẫn dung dị, đời thường – nên ai đọc cũng thích, cũng hiểu, thấm thía. Một ví dụ khi Bác nhận xét về báo Lao động với một đồng chí ủy viên chấp hành Tổng liên đoàn lao động Việt Nam: “Theo Bác, nội dung báo như thế này không thể gọi là báo Lao động mà chỉ nên gọi là báo Công nhân. Vì tờ báo Lao động thì phải nói đến nhân dân lao động bao gồm lao động trí óc, lao động chân tay, lao động trong xưởng máy, ngoài đồng ruộng, trong nghề rừng, nghề biển… Nếu chỉ nói lao động trong nhà máy thì chỉ có thể gọi là báo Công nhân…” (Đường Bác Hồ đi cứu nước, tr.465). Có thể thấy, ngoài một tầm nhìn bao quát, một tấm lòng quan tâm đến con người nói chung, câu nói của Bác còn toát lên quan niệm biện chứng về sự thống nhất giữa hình thức và nội dung của một sự vật, hiện tượng.

Hai tập sách cố gắng đưa ra cái nhìn tổng quát về cuộc đời và sự nghiệp Hồ Chí Minh, với quê hương nguồn cội, với tuổi học trò, với những nỗi đau mất mát…, và đặc biệt là hành trình của con người vĩ đại tìm đường đi cho cả một dân tộc đang còn lầm than. Tôi hiểu đằng sau những dòng viết về Người, tác giả đã gián tiếp đưa ra một sự cắt nghĩa lí giải tại sao Hồ Chí Minh lại có những phẩm chất phi thường ấy. Vì ngầm ẩn nên mỗi bạn đọc lại rút ra sự lí giải theo kinh nghiệm sống của riêng mình. Đấy cũng là một lí do để hai tập sách mời gọi nhiều thế hệ độc giả.


N.T.T
(Nguồn vannghequandoi.com.vn)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder