Một giờ với nhà văn Đình Kính

Cách đây mấy tháng, gặp nhau trong tuần lễ giới thiệu văn học…

 

Cách đây mấy tháng, gặp nhau trong tuần lễ giới thiệu văn học VN ra nước ngoài, tôi đã hẹn với Đình Kính sau hội nghị sẽ về Hải Phòng chơi, làm một cuộc tao ngộ với các bạn văn đất Cảng. “Tôi biết ông định làm gì rồi!” – Đình Kính nói và bắt tay tôi rất chặt. Sau đó tôi định xuống ngay nhưng rồi cứ việc nọ việc kia lùng tùng mãi đến giờ mới thực hiện được. Và như cái duyên định sẵn, nó lại rơi vào đúng dịp này, khi cả nước đang hướng về kỉ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những ngày này mà gặp tác giả Sóng chìm, tác phẩm lấy bối cảnh đoàn tàu không số đưa vũ khí vào Nam thời đánh Mỹ thì quả là hợp điệu!

Trong chuyến xe đò từ Hà Nội xuống Hải Phòng, tình cờ ngồi cùng ghế với một cán bộ lão thành đã nghỉ hưu ở thành phố Cảng, tôi hỏi chuyện và được biết bác ta rất ham đọc sách. Một khu rừng rậm như bộ Cửa Biển của cụ Nguyên Hồng mà bác ta cũng kiên trì đọc hết từ đầu đến cuối, thật là đáng nể.

– Các nhà văn lớp sau ở thành phố này cũng đông lắm đấy, bác có đọc của ai không? – Tôi hỏi

Bác ta gật đầu:

– Có chứ! Tôi còn có vinh dự được làm quen với họ nữa kia!

Và bác ta kể ra một loạt: Nguyễn Quang Thân, Chu Văn Mười, Vũ Hữu Ái, Trần Tự, Bùi Ngọc Tấn, Bão Vũ,  Đoàn Lê, Đình Kính…

– Đình Kính là sĩ quan Hải quân, bác nhỉ?

– Tôi không rõ lắm. Chỉ biết ông ấy là tác giả cuốn Sóng chìm, nghe đâu được giải thưởng gì to lắm.

– Giải thưởng Hội nhà văn!…  Bác đọc thấy thế nào?

– Nói chung là được. Nhưng ông ấy nói quá ít về thành phố Cảng. Nên nhớ rằng điểm xuất phát của đoàn tàu không số là ở Cảng chúng tôi. Điều này tôi biết rõ hơn ai hết.

Câu nói của người bạn đọc cao tuổi này khiến tôi chú ý. Không phải do sự đòi hỏi có phần lệ thực của bác ta, đây là tiểu thuyết chứ đâu phải ký sự mà phải đầu cuối thế. Điều khiến tôi phải ngẫm ngợi ở chỗ bác ta đã vô tình nhắc tôi nhớ đến cuộc thảo luận khá sôi nổi trên một số trang mạng xung quanh tác phẩm này ngay sau khi nó được trao giải thưởng. Nhiều người cho rằng tác giả đã bỏ qua một số sự kiện lịch sử cụ thể khi viết tiểu thuyết. Đây quả là điều cực khó đối với người viết truyện có dính dáng đến đề tài lịch sử, nhất là sự kiện đó, địa danh đó đã được nhiều người biết. Nếu xử lý không khéo sẽ rơi vào tình trạng mắc míu bởi người thì cho rằng đã gọi là tiểu thuyết thì hoàn toàn được hư cấu, kẻ lại bảo phải tôn trọng sự thật lịch sử dù đó là tiểu thuyết. Đình Kính đã rơi vào cái vạ này, mặc dầu anh đã lấy ý của Duma cha để giải thích rằng lịch sử là cái mắc để người viết treo áo lên đó. May mà trong Sóng chìm có nhiều chương viết giỏi, có sức, có tầm, có âm hưởng sử thi cuộn sóng trong từng trang viết, chinh phục được phần đông bạn đọc nên người ta cũng cho qua, nếu không còn mệt.

– Ông thấy thế nào – Người bạn đường khẽ nhắc – Tôi nói thế có đúng không?

Tôi gật đầu:

– Đúng quá! Chắc nhà văn thiếu vốn sống nên mới lướt qua như vậy. Nếu có điều kiện bác nên góp ý cho ông ấy thì hay.

– Tôi cũng định thế. Nhưng mấy lần gặp nhà văn Đình Kính trong các hội nghị lớn được tổ chức ở đây, toàn thấy ông ấy bận lên bận xuống, đâm ra ngại.

Tôi bật cười. Nhớ có lần ngồi gẫu chuyện với một nhà thơ ở Hải Phòng, anh nói: “Trong số các nhà văn hiện đang nổi tiếng ở ta, lão Đình Kính là người có nhiều chức nhất. Tôi nói không ngoa, đúng hai mươi chức cả to lẫn nhỏ!”. Và như để chứng minh điều đó, anh xòe bàn tay ra đếm ngón tay, vòng đi vòng lại mấy lần. Vì không kịp ghi vào sổ nên tôi chỉ nhớ lơ mơ, giờ đếm lại chỉ được mấy ngón tay là tịt. Một, Chủ tịch Hội nhà văn Hải Phòng, với hơn 130 hội viên; hai, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Hải Phòng, gồm 25 nhà văn, nếu không tính Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thì kể như là Chi hội to nhất nước. Ba, Phó ban công tác Hội nhà văn khu vực phía Bắc, gồm 200 nhà văn Hội viên và khoảng hai nghìn nhà văn chưa vào Hội. Chức này tiếng là Phó nhưng vẫn to hơn chức Chi trưởng kia nhiều. Rồi là Chủ tịch CLB văn hóa Doanh nhân; Chủ tịch Hội Văn hóa danh nhân Hải Phòng. Đứng đầu hàng trăm doanh nhân, cũng oách đấy chứ! Và …hình như cũng Phó ban, à không, Phó trưởng ban An ninh quốc phòng, không biết của Hải Phòng hay cả nước nhưng một khi đã thuộc ngành An ninh thì không đùa được, dù là bạn văn thì khi gặp cũng phải nói năng đi đứng cho nghiêm cẩn, như Khổng Tử trước nhà vua, không thì thất lễ! (Tôi tự nhủ). Và… nhiều chức vụ quan trọng khác nữa, nhớ không hết . Hi Hi!

Đã răn mình trước thế rồi mà tội vẫn không tránh khỏi. Lắm cái xui cứ ở đâu ập đến. Có lẽ do trước khi đi quên mất việc bấm giờ, dính phải “lưu niên”, rất xấu. Đầu tiên vào nhầm bến xe đi tuyến khác, phải quay ra, ngơ ngáo tìm xe buyt sang tận Gia Lâm mới có xe xuống Hải Phòng, mất đứt đi một tiếng. Đã thế dọc đường xe lại bị bắn tốc độ, thành thử đang nhanh hóa chậm, trưa trật ra mới về đến bến. Nhà văn Bão Vũ đón tôi ở cửa sông Tam Bạc, dùng xe máy lai thẳng đến nhà Chi hội trưởng, vừa đi vừa trách:

– Sao về muộn vậy? Đình Kính hắn đang cáu đấy!

Tôi xoa dịu bằng một câu đùa:

– Trần Đăng Khoa bảo trong hàng ngũ cán bộ Hội nhà văn có hai người chị hiền, đó là Nguyễn Tri Huân và Đình Kính. Hóa ra “chị Kính” cũng có lúc cáu à?

Bão Vũ cười khinh khích:

– Chiều nay “chị ấy” có cuộc họp, đợi ông lâu quá nên mới thế.

May sao lúc đến nhà, đang tính đường tạ lỗi với đại gia thì ngài lại ra tạ trước:

– Hai ông thông cảm, thời gian sít quá, tôi vừa ăn tạm bát cơm với vợ rồi. Giờ tôi và các ông ra quán, uống với nhau một ly. Đầu giờ chiều tôi phải họp ở Ủy ban thành phố, không bỏ được, giao nhiệm vụ cho Bão Vũ dẫn khách đi tham quan thành phố Cảng, tối về hội ngộ, được không?

Tôi mừng rỡ gật đầu. Quá được!

Bữa trưa gói gọn trong vòng một tiếng. Tôi định tranh thủ hỏi Đình Kính một vài điều đã dự định từ nhà nhưng không được. Anh đã tranh mất quyền phỏng vấn của tôi, hỏi tôi đủ thứ. Té ra các nhà văn đất Cảng hết sức quan tâm đến Website của Hội, đòi hỏi phải cải tiến nhiều về cả nội dung và hình thức. Tôi lắng nghe và gật liên hồi. Nhưng thực tình tôi có nghe được mấy, trong lúc Đình Kính nói, tôi chỉ tập trung vào việc quan sát anh là chính. Nhìn cái vẻ thư sinh bạch diện của anh, ngoại lục tuần rồi mà vẫn trẻ trung xinh xẻo như một cậu giáo mới ra nghề, khó có thể nghĩ rằng anh lại đảm đương được nhiều việc thế. Những hai mươi chức cơ mà.

Một lần tham dự trại sáng tác ở Hạ Long, tôi thấy Đình Kính chỉ xuất hiện một loáng vào hôm khai mạc rồi mất hút. Dịp ấy tôi còn ở Đài Quảng Ninh, có sang làm một phóng sự truyền hình cho trại sáng tác này. Định quay hình Đình Kính đang ngồi viết nhưng tìm mãi chẳng thấy đâu. Leo lên phòng viết của anh ở tầng hai thấy khóa im ỉm, đành bỏ lại. Vài hôm sau Kính đến, tôi hỏi thì anh nhăn mặt lắc đầu:

– Bận lắm ông ơi! Muốn ở lại ngao du với các ông lắm chứ. Nhưng không được, công việc lúc nào cũng ngập đầu.

– Vậy còn đăng kí đi trại làm gì, làm sao viết được?

– Phải thế thì mới viết được chứ! Nếu không tôi sẽ không đủ quyết tâm ngồi vào bàn đâu ông ạ. Ông nên hiểu đây là một biện pháp để tôi tự gò mình vào kỉ luật, để chống bệnh lười. Nghề này mà cứ lười một chút là hỏng ngay, cứ ỷ vào việc bận công tác, mỗi ngày ngại một tí không làm, rồi sẽ thành quen, không khéo là bỏ hẳn. Cho nên bận mấy tôi cũng phải cố đăng kí đi trại đấy!

– Ai bảo cứ ôm rơm rặm bụng. Sao không bỏ bớt chức đi cho nó nhàn thân?

– Khổ! Nào tôi có muốn làm đâu. Mấy lần xin rút rồi đấy chứ. Nhưng bọn họ cứ bầu, không làm họ chửi! Tính các nhà văn ta thế nào chắc ông thừa biết?

Tôi gật đầu. Đúng là lãnh đạo giới văn nghệ sĩ không phải dễ, mỗi người một tính một nết, coi giời bằng vung cả. Phải biết kìm nén lắm…

Mạch nghĩ của tôi bị ngắt đoạn. Đình Kính nâng cốc bia lên, cụng với tôi một cái rồi nói tiếp:

– Theo tôi các ông cần cập nhật nhiều hơn những tin tức hoạt động của các Chi hội địa phương. Cần thiết anh em chúng tôi sẽ huy động nhau gửi bài cộng tác. Phải mở rộng mạng lưới cộng tác viên ra chứ, phải không nào?

Tôi gật đầu:

– Phải phải!

– Và nên mở thêm mục thảo luận về Đại hội Nhà văn sắp tới, để anh em Hội viên người ta có ý kiến của mình, cho nó dân chủ. Điều đó chỉ có tốt hơn thôi, phải không nào?

Tôi lại gật đầu:

– Phải phải!

Đến đây Đình Kính hơi cảnh giác:

– Sao tôi nói gì ông cũng cho là phải thế?

– Thì Hội trưởng đã nói thì phải quá còn gì? Tổng biên tập của chúng tôi, nhà thơ Hữu Thỉnh, cũng luôn nhắc anh em như vậy. Rồi các bác xem, sắp tới thế nào Website của Hội ta cũng có nhiều đổi mới.

– Tốt,  tốt! – Đình Kính khoát tay, trông bộ giống y bác Thỉnh. Cả bọn lại nâng cốc chạm leng keng một chập.

Bão Vũ ngồi bên tôi, từ đầu đến cuối bữa chẳng nói gì, cười suốt. Lúc rời bàn nhậu đi ra, anh ghé tai tôi bảo:

– Đình Kính bao giờ cũng hăng hái thế, nhưng nói xong lão cũng quên luôn. Nếu ai hỏi lại, lão bảo thế à, tôi nói thế thật sao? Buồn cười lắm!

– Lão nhiều chức lắm à?

– Nhiều! Việc gì cũng đến tay. Đủ thứ bà rằn! Đã vậy chiều nào hắn cũng đến sàn ôm eo các em nhảy đầm… Nghiện rồi, khó bỏ! Hắn nhẩy dẻo lắm, điệu lắm. Nghe đâu cũng lại phụ trách một câu lạc bộ nhẩy đầm nào đó.

– Thế thì hắn viết vào lúc nào?

– Không biết! Nhưng hắn cứ đẻ sòn sòn. Vừa ra một cuốn nữa đấy. Tiểu thuyết Biển trổ hoa vàng. Chiều nay thế nào hắn cũng tặng ông.

Giỏi thật! Công nhận hắn lắm tài. Và cũng đam mê nữa. Nếu không làm sao bận thế mà hắn vẫn viết được nhiều như vậy? Những gì viết trước 2000 đã khá lâu rồi, không tính nữa, chỉ riêng trong thập niên đầu tiên của thế kỉ mới, cánh trẻ thường gọi là thời A còng, Đình Kính đã liên tiếp cho ra đời 5 tác phẩm văn chương, trong đó có tiểu thuyết Cỏ lông chông, đoạt giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn (2004) và Sóng chìm, giải thưởng Hội nhà văn (2008). Đó là chưa kể hàng chục tập kịch bản phim đã được dựng phim phát trên Đài truyền hình TW và cũng giật giải của ngành điện ảnh đem về cho vợ.  Và trung tâm sản xuất phim truyền hình đài Truyền hình Việt Nam đang quay 40 tập phim Chủ tịch tỉnh do hắn viết kịch bản; chưa kể còn tham gia biên soạn 10 đầu sách các loại. Quả là một sức làm việc phi thường, ít người theo nổi.

Thế mà xem ra lúc nào hắn cũng ung dung, không có vẻ tất bật gì cho lắm. Điều này xem ra hơi giống nhà thơ Hữu Thỉnh. Đúng là vua nào tướng ấy.

Nghỉ ở nhà Bão Vũ một lát, đang định lai nhau đi thăm thú đó đây thì nhà thơ Kim Chuông đến, rủ tôi đến chỗ bác Thi Hoàng, hẹn chiều quay lại. Bão Vũ ngần ngừ xong cũng nghe theo. Đến Thi Hoàng lại gặp Tô Ngọc Thạch, nhà thơ kiêm giám đốc một doanh nghiệp. Tiện có xe con, Tô Ngọc Thạch rủ cả bọn sang chơi với nhà thơ Hà Cừ ở Hải Dương. Thế là lỡ hẹn với Đình Kính và các văn nhân đất Cảng tối ấy.

Tuy thế, tôi cũng thu được khá nhiều kết quả trong chuyến đi này. Riêng với tác giả Sóng chìm, dù chỉ gặp nhau có một giờ thôi, tôi rút ra được một kinh nghiệm quí: “Người viết văn càng bận càng phải có biện pháp để tự khép mình vào kỉ luật lao động!”. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là lòng tự trọng của nhà văn.

Bến Văn

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder