Một đời tầm gửi – Truyện ngắn Vũ Quốc Văn

Nhưng cái lợi như bác biết rồi đấy lão Khượt đây chẳng màng. Cái danh lão cũng không hám nốt..


Bão giật đổ nhà, Hội chữ thập đỏ vận động “lá lành đùm lá rách” mang tranh tre nứa lá đến giúp, lão Khượt khăng khăng khước từ: Ấy chết, làng mình còn ối nhà hoàn cảnh hãy ưu tiên cho họ, tôi tự lo được, không nhận đâu.

Lão Khượt vừa nói với đoàn cứu trợ vừa lụi cụi thu nhặt mớ tre đòn tay, tre dằn mái ộp như xơ mướp đêm qua mưa ngấm nước giá có đốt cũng không cháy được.

Giữa nền nhà đổ nát, duy nhất còn sót lại cây cột tre đồng ngộc mọt không hiểu vì sao chưa chịu đổ xuống vẫn dương dương đứng giữa trời đất. Lão Khượt tần ngần vuốt ve rờ rẫm từng nhát dao khắc đo chiều cao hồi lão còn bé trên cây cột. Mặt lão Khượt thộn ra như người mất trộm. Hình như lão tiếc.

Ba vị chức sắc của xã Hồng An được Hội chữ thập đỏ phái xuống cứu trợ chứng kiến gia cảnh lão Khượt nhìn nhau lắc đầu ngạc nhiên. Một ông thốt lên: Có lẽ lão già này bị điên, không điên cũng dở người nên mới chê tiền chê của. Thật không thể tin được.

– Tin được! Ông Tháo trưởng thôn khẳng định với ông Nhu trưởng đoàn, người tỏ ý thắc mắc trước thái độ của lão Khượt.

ÔngTháo nói thêm: Bác Nhu ở xa không biết, chứ tính nết lão Khượt thôn tôi là thế. Hồi khoán sản, đội thương nhà neo người chia cho lão mấy sào ruộng thượng đẳng điền, lão nhường phắt cho mẹ con bà cụ Vỡi mù. Lão Khượt tình nguyện xin nhận ruộng dưới xứ đồng Mít chiêm úng mùa khê, chó chạy ba ngày không lấm dái, có chịu khó chăm bón, lúa tốt chấp bằng cỏ may, mất trắng là thường. Hai vợ chồng lão Khượt với đứa con gái câm ốm đau bệnh tật thiếu ăn quanh năm suốt tháng, lão vẫn vui vẻ lạc quan. Đôi lúc hứng lên lão còn ư ử hát “cuộc đời vẫn đẹp sao” đấy bác Nhu ạ.

Ông Nhu lúc lắc cái đầu hói trọi ề à: Hồi còn làm chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp tôi có nghe Thượng Cầu có một ông gàn dở nhưng nay mới tường.

– Cũng phải – ông Tháo nhũn nhặn: Xã có đến sáu thôn, Thượng Cầu đã to lại cuối xã thì bác biết sao được. Chuyện lạ lùng về lão Khượt có mà kể cả ngày chẳng hết. Tôi hỏi bác trên đời này có thằng người nào không cầu danh lợi không nào? Không chứ gì. Nhưng cái lợi như bác biết rồi đấy lão Khượt đây chẳng màng. Cái danh lão cũng không hám nốt.

Sau ngày Miền Nam giải phóng, đơn vị lão cử người từ trong đó ra liên hệ với tỉnh nhà chuyển ngành cho lão về Sở Thương binh. Vì lão có nhiều công lao, lại thương tật đầy mình sức khoẻ yếu không thể cày cuốc mới được quan tâm thế.

Biết chuyện, lão cảm ơn đơn vị rồi nằng nặc xin được phục viên trở về quê đi cày chứ nhất định không thoát li đồng ruộng.

Thế thì trên đời này chỉ có… ông Nhu lấp lửng.

Ông Tháo e hèm dọn giọng nói tiếp:

– Bác Nhu có biết mối tình của vợ chồng lão không hở?

– …

– Hiếm có cuộc tình nào thuỷ chung đến vậy. Họa chỉ có tiểu thuyết mới tả được mà thôi. Nhưng số vợ chồng lão vất vả về đường con cái. Vợ lão ba lần sảy, bảy lần sa. Chẳng hiểu vì sao lần nào cũng sinh ra những quái thai. Mãi sau này chạy chữa mãi mới tọt ra được mụn con gái thì lại vừa câm vừa điếc.

Ông Nhu trố mắt nhìn ông Tháo tặc miệng: Khốn khổ như thế mà vẫn bình thản thế kia thì sắt đá thật.

– Còn hơn cả sắt đá chứ lị. Nhưng thôi, chuyện lão Khượt còn dài lắm, để khi khác có thời giờ tôi sẽ xin hầu tiếp.

Ông Tháo ngừng nói liếc xéo sang cậu Thắng cán bộ tài chính của xã Hồng An, chuyển đề tài: Đi từ sớm đến giờ rạc cả chân, bụng cứ réo ong óc, sếp Thắng với thủ trưởng Nhu có cho ra bến đò không đây?

Ông Nhu tán đồng: Ông Tháo nói chí phải. Chú Thắng? Cái khoản cứu trợ lão Khượt…

Ông Nhu nói xong nhìn hai vị đồng nghiệp cười khư khứ.

Thắng cười mỉm: Chịu đại ca Nhu, chỉ được cái giàu kinh nghiệm, bến đò thì bến đò, ngán gì!

Cả ba cười ngất, rảo bước về phía bờ sông Văn Úc.

***

Bến đò ngang thôn Thượng Cầu vài năm nay mới mọc lên một nhà hàng có cái tên học lỏm ngoài tỉnh: Chiều Tím, nghe rất thơ mộng. Dân nhậu quanh vùng chỉ cần nhắt nhau ra “bến đò” là đủ biết rủ đi ăn chơi tươi mát rồi.

Thoạt nghe tên Chiều Tím tưởng chỉ là quán cà phê đèn mờ nhưng không hẳn thế. Chiều Tím còn là quán nhậu đa năng kiêm Casinô tép nữa.

Buổi sáng, Chiều Tím tranh thủ bán tiết canh cháo lòng. Buổi trưa, Chiều Tím bán cơm phở, đặc sản. Chiều tối và đêm thì hơi bị sinh động: Gồm cầy tơ đủ món; cho thuê phòng hát, múa Karaokê cỏ; cho thuê phòng trà phục vụ đám khách ham sát phạt đánh phỏm, tổ tôm, chắn cạ, xóc đĩa… Vị khách nào hầu bao khá lại máu mê có nhu cầu “đổi gió” cứ việc ẵm một bóng hồng “hương đồng gió nội” ưng ý xuống lá thuyền câu có mui che, rèm chắn rập rình trôi giạt qua đêm trên sông Văn mà không sợ làm phiền.

Chủ nhà hàng theo chủ nghĩa văn minh hổ lốn ấy là Quách Vớ. Bẩm sinh, lưng Quách Vớ cong hơi quá đáng nên người đời quen gọi là Vớ gù.

Vớ gù là con ông Cả Nhỡ chuyên nghề đóng cối xay rong. Vớ là sản phẩm một lần ông Cả trót hứng tình với người đàn bà quá lứa không chồng tận xứ Đông. Đẻ Vớ được bảy tháng thì bà đó mất. Ông Cả Nhỡ gửi Vớ cho cô em gái lấy chồng xa. Đến lúc Vớ mồm ăn chân chạy ông Cả Nhỡ mang về Thượng Cầu và nói với vợ rằng nhặt được thằng bé bị bỏ rơi trên chợ huyện. Rồi ông Cả Nhỡ đặt tên cho thằng bé là Vớ.

Mười ba tuổi Vớ theo ông Cả Nhỡ đi phụ nghề đóng cối. Không hiểu do nghèo đói hay tính quen tắt mắt, cứ làm ở nhà nào Vớ cũng phải tìm cách cuỗm được một thứ gì. Một lần đóng cối ở nhà ông công an, Vớ thó được cái đồng hồ quả quýt dấu trong lồng dăm cối. Ông kia phát hiện thân chinh áp giải về địa phương giáo dục. Từ đó Vớ chừa tính ăn cắp vặt nhưng hay đánh người. Thất trực với ai điều gì là Vớ nổi khùng đánh không thương tiếc. Vớ chẳng có võ vẽ gì nhưng liều lĩnh. Để trở thành thằng đầu mặt, hắn nhờ người nung dùi đỏ khắc vào ngực mình một cái mặt chó. Mũi dùi đi đến đâu thịt cháy xèo xèo đến đấy, khét lẹt mà mặt hắn vẫn tỉnh bơ. Một lần bực mình với ông Cả Nhỡ ngăn Vớ không cho yêu cô Tí Bọt con lão thày cúng làng bên. Vớ kê tay vào cái thớt nghiến chặt đánh bốp đứt lìa ngón tay trỏ máu chảy ròng ròng. Ông Cả Nhỡ hoảng. Từ đấy trở đi Vớ muốn làm gì thì làm không dám can thiệp nữa.

Vớ trôi giạt trên bãi vàng Na Rì bặt tin tức cả chục năm. Đùng một cái Vớ xúng xính trở về như gã công tử Bạc Liêu. Chỉ thiếu cách đốt tiền chơi. Dạo ấy thônThượng Cầu ồn lên rằng trong một lần đào vàng trúng vỉa, Vớ thắng đậm. Có lẽ tin đồn kia là thật vì ít lâu sau Vớ dở ngón nghề học được trên bãi vàng: Kinh doanh dịch vụ ăn, chơi.

Vớ thuê xã năm sào đất sát bến đò sông Văn Úc vật nền mở nhà hàng. Người thôn Thượng Cầu bảo nhau: Thằng Vớ gù thế mà có đầu óc tính toán ra phết nhỉ. Bến đò Thượng Cầu án ngữ ngã ba sông. Một tiếng gà gáy cả ba tỉnh đều nghe thấy. Vì thế nên khách qua lại bến đò đông như trảy hội. Thuyền bè, tàu dắt ngược xuôi như mắc cửi. Đơm hóng buôn bán ở cái thón đẹp như thế hỏi còn đâu bằng? Khách lại toàn dân tứ chiếng chẳng ai biết ai, Vớ đúng là bậc cao thủ.

Từ ngày Vớ gù mở nhà hàng, các ông uỷ ban, các bà đoàn thể, các hội đồng ngũ, đồng môn, đồng tuế trong xã ngoài làng mỗi khi họp hành liên hoan, chiêu đãi thường kéo đến Chiều Tím chén thù chén tạc. Nhiều hôm có cả khách trên huyện trên tỉnh cũng về, xe con, xe du lịch xếp dài cả nửa cây số. Được cái Vớ trường vốn nên đám thực khách nào nhỡ tiền, thiếu nợ cứ việc kí sổ vô tư. Dĩ nhiên nợ lâu cũng phết phảy tí chút nhưng êm ái chịu được. Uy tín thanh thế nhà hàng Chiều Tím của Vớ gù nổi tiếng hàng tỉnh. Bến đò thôn Thượng Cầu bây giờ đâm ra vui vẻ ầm ĩ, quay cuồng, nhộn nhịp về sự ăn chơi thời hiện đại. Bến đò bỗng dưng thành điểm đến, điểm hẹn của người sang, kẻ hèn. Của cả những bác nông dân quanh đời núp luỹ tre làng cũng cố bòn mót buồng cau trái chuối thậm chí dấu vợ dấu con bán vụng yến thóc, con gà lấy tiền ra bến đò một lần xem cái anh “Chiều Tím” nó thế nào.

Dân chúng thôn Thượng Cầu như lên cơn sốt đua ăn, đua chơi. Có điều đầu tư cho sự ăn chơi lâu dài này nó tốn kém cứ như vỡ đề, mất trộm. Thôn Thượng Cầu nhà ta như sắp trở thành Tô Giới Hồng Kông, Ma Cao thuở nào.

***

Vớ gù thơm tho trong bộ quần áo thổ cẩm của dân mạn ngược. Vớ ngả người trên chiếc xích đu gỗ bóng lộn lơ đãng nhìn ra khoảng sân um tùm những chậu cây cảnh đặt nhốn nháo đang thi nhau phá thế trở thành vườn. Nhác trông bóng trưởng thôn Tháo cùng hai vị khách, Vớ đứng dậy ra tận cửa bắt tay từng người nói như diễn viên nửa kịch nửa tuồng quát:

– Rất lấy làm hân hạnh có ba sếp chiếu cố đáo gia, xin mời các đại huynh vào tệ quán để thảo dân tôi được hầu hạ ạ.

Ông Nhu sốt ruột vào đề: Còn lòng phèo, họng dạ, cổ hũ ngon ngon không hở?

– Thưa sếp có đấy ạ! Vớ lễ phép đáp.

Ông Nhu hỉ hả: Cho một đĩa.

Ông Tháo dẩu miệng: Món vitamin gâu gâu đã có chưa, cho đĩa nầm.

– Có ngay thưa sếp. – Vớ gập người đáp như diễn viên Hàn Quốc.

Ông Tháo nói thêm: Nhớ cho rượu Vân ngâm ngọc dương đấy nhá, rượu làng mình nhạt hoét uống không vào.

Người thứ ba là Thắng tài chính xã nói nhỏ vào tai Vớ: Súp rau khai vị, gà chọi nướng, tôm sú hấp, thịt bò xào hoa lí, một chai Giôn đỏ, tạm thế, cần gọi sau.

Vớ toét miệng cười vào nhà trong cắt đặt bọn đầu bếp. Vừa đi Vớ vừa lẩm bẩm: Chịu các bố sành điệu bỏ mẹ, chiều tất. Vô tư đi…

Ba ông khách hả hê cười. Hả hê ăn. Hả hê uống tì tì. Rượu vào thì lời phải ra. Ông Nhu bắt đầu khởi động, giọng rè rè:

– Này ông Tháo, tôi hỏi khí không phải, các cụ ngày trước vì sao lại đặt ông là Tháo nhẩy? Nguyễn Tiết Tháo thì ghê thật đấy! Hẳn là cụ thân ông học rộng?

Ông Tháo đang mải duỗi cần cổ dài như cổ sếu cố nuốt miếng nầm dính sụn hơi dai mắc nơi cuống họng, trố cặp mắt ướt nhoèn lắc đầu quầy quậy:

– Thầy tôi ngày xưa có học mấy năm chữ Hán nhưng ông cụ lười, mải chơi, thường trốn học vào quán bà Túc ăn bánh chưng. Ngần ấy năm học, chữ nghĩa chẳng được bao lăm, bù lại thày tôi học được cách gói, luộc bánh chưng rất cừ. Cái tên nguyễn Tiết Tháo là thày tôi lỏm được đâu đó đặt cho tôi ngụ ý mong tôi trở thành người có khí phách gì đấy. Đại ý thế.

Ông Nhu bưng miệng cười khư khứ: Té ra các cụ cũng chí lí đấy nhẩy?

Hỏi là hỏi thế chứ bụng ông Nhu nghĩ khác: Tiết Tháo cái con khỉ! Thời đánh Mỹ nhát chết như cáy ngày ai chẳng biết.

Ông Tiết Tháo lờ mờ hiểu ra ông Nhu hỏi xỏ mình. Ông bặm môi, nghiến răng: Được, con mọt già này cứ đợi đấy, đây sẽ có cách. Mũi ông Tháo hình như đã cay cay. Giọng ông Tháo đã ngàn ngạt vì tức giận nhưng cố mát mẻ: Trận bão vừa rồi lớp nhà bác Nhu có hề hấn gì không ạ?

– Không! À mà có lật mất mấy hàng ngói, tiếc đứt ruột. Giờ kiếm đâu ra thứ ngói ấy nữa.

– Kiếm được! Em vợ làm chủ tịch huyện, bác chỉ cần ho một tiếng là có cả mái nhà ngói Giếng Đáy xịn, băn khoăn làm gì.

Ông Nhu xỉu mặt. Ông hiểu ra Tháo đang nói móc mình vô ơn bạc nghĩa. Của tội ngày ông Tháo làm đội trưởng ngành nghề có bớt xén của công biếu ông vài vạn gạch và mớ ngói loại đặc biệt lợp ngôi nhà.

Ông Nhu tợp ngụm rượu, chống đỡ: Còn lâu mới nhờ cậy được, hắn còn phải giữ ghế ông ơi…

Ông Tiết Tháo thừa cơ quyết không buông tha: Thì đầu năm vừa rồi chủ tịch em chẳng rỉ tai mấy ông xã mình đưa bác ra nhậm chân mặt trận là gì? Bảy mươi ba xuân vẫn xách cặp cống hiến cho nhân dân quê mình khớ khớ…

Ông Nhu gượng cười, biết là Tiết Tháo đang bôi bác mình. Trong cơn phê phê vẳng bên tai ông những lời bóng gió của dân trong xã: “Già rồi không ở nhà với con cháu còn thích quyền bính; còn cố đấm ăn xôi, tham như mõ”. Những lúc đó, ông biết họ ám chỉ mình, tức mà không nói lại được. Đã tính nghỉ quách nhưng tất cả chỉ tại cái thói quen. Thói quen nó ám vào ông. Nó làm ông nghiện không dứt bỏ được.

Ông Nhu không chịu được cảnh ngồi nhà mà chẳng có thằng cha căng chú kiết nào thèm đến cầu cạnh, chuyện gẫu. Cả ngày đi ra đi vào đụng mụ vợ mặt dái trâu vổ chìa vổ trật lắm mồm như vẹt. Mụ nói ra rả cả ngày không biết mệt là gì. Thậm chí mụ còn lôi chuyện chim chuột hú hí của ông với cô kế toán từ hồi nảo hồi nào ra rủa sả, chì chiết. Mụ cho rằng ông có con với cô kia. Thật oan cho ông quá. Của tội ông có trăng hoa, dấm mẻ vuốt tóc sờ tai, bóp “còi” tí tỉnh, nhưng chung chạ sâu sắc thì chưa. Thời ấy làm gì có bao cao su, thuốc tránh thai như giờ. Nhỡ nó phễnh bụng ra chức tước có mà tuột hết. Muốn lắm nhưng đành bấm bụng nhịn thèm. Nhiều lúc bây giờ nghĩ lại cũng tiếc của giời nếu cái sự văn minh kia đến sớm thì hay biết mấy.

Chán cảnh nằm nhà nghe cái đài không cần pin, cần điện vẫn chương trình ca cẩm suốt ngày. Ông Nhu lẻn lên huyện gặp Đức chủ tịch huyện em ruột vợ nhờ cậy kiếm chân loong toong cho đỡ buồn. Thương anh rể, vì Đức biết chị mình vừa xấu người lại xấu cả nết, đành về Hồng An thương thuyết. Ông Nhu phấn khởi lắm. Đành rằng cái chức mèng mèng nhưng mỗi kì bầu bán cũng có người cậy, kẻ nhờ. Có cái chân đó thì hôm nay mới được đình huỳnh ngồi ở ChiềuTím này đánh chén chứ không có chó nó mời.

Trước lời vờ vịt quan tâm của ông Tháo, ông Nhu cay lắm, định sừng cồ nhưng kịp dừng lại. Ông nhủ: Đụng vào thằng thâm nho nhọ đít lắm mưu nhiều kế này có khi rách việc. Chẳng gì nó cũng là chiến hữu cung cúc mình một thời. Có khi mình còn có lỗi với nó ấy chứ. Im lặng là vàng, các cụ dạy thế.

Ông Nhu rót thêm rượu cho ông Tiết Tháo thân mật: Chú mày uống đi. Chẳng gì anh em mình cũng một thời bùi ngọt với nhau. Anh có gì không phải chú cho qua nhá?

Ông Tiết Tháo đang phừng phừng tức giận nhưng được lời thành thật xuống thang của ông Nhu, cũng hả.

Ông Nhu giơ cốc lên: Ta cụng li chứ các chú?

Ông Nhu, ông Tiết Tháo và Thắng giơ cao ba cái li cụng đánh cách, làm rượu sánh cả ra ngoài rồi cả ba ngửa cổ dốc vào họng như người ta rót nước vào phích.

Từ nãy giờ Thắng chỉ ngồi ăn, uống nghe ông Nhu ông Tháo xúc xiểm nhau. Thắng cười thầm, khinh hai lão già mười lăm phút. Các lão chỉ là hạng cổ lỗ sĩ. Ngày xưa thời hoàng kim của các lão mõi được vài tấn thóc, vạn gạch, ít tiền hoa hồng bán lợn, bán gà của dân ăn nhằm gì. Bất quá xây được căn nhà cấp bốn. Mua được cái xe đạp Phượng Hoàng giá cao. Vợ được mét xa tanh Nam Định, con được mảnh ni lông chứ nước mẹ gì. Cào cấu tranh giành ngần ấy năm bây giờ chưa hết gầm gừ rõ thật sầu đời. Thưa với hai vị, Thắng này chỉ cần kê kích điều chỉnh tí đỉnh, phết phẩy tí đỉnh phần trăm công trình, dự án, xà xẻo lô đất mặt đường có mà mua sắm ăn chơi mệt nghỉ cả đời.

Thắng giương hai khoé mắt vằn vằn tia đỏ gườm gườm khinh mạn nhìn ông Nhu, Ông Tháo, cười ha hả.

Từ trong nhà dậy lên tiếng nhạc dậm giật khiến cho ba ông khách ngất ngư rượu cùng lắc lư “biểu diễn” một điệu múa ngồi nom khá lạ mắt.

Thắng gào lên theo giai điệu một bản nhạc bốc lửa, quay cuồng thổn thức, quái dị.

Khói thuốc lào từ miệng ông Nhu, ông Tháo phả ra như đám hun chuột.

Vớ gù đi ra gập người khoát tay rất điệu: Xin mời các sếp vào thư giãn…

Ba cái bóng nhàu nhĩ, ngả nghiêng, xệch xạc khuất sau tấm rèm nhung màu máu đỉa.

***

Lão Khượt ngồi trên cái chiếu rão tướp trải bên bờ giếng, tẩn mẩn vuốt lại mấy tấm bằng giấy khen đã úa vàng, ướt át, nhàu nhĩ vùi trong đống đổ nát của ngôi nhà mới lượm ra hồi sáng. Lão cúi sát mặt giấy nheo mắt lẩm nhẩm đọc những dòng chữ viết trong đó. Lão hình dung về chiến tích của từng tờ giấy đang mềm nhão trên tay. Lão Khượt như được sống lại thời vượt núi băng rừng trong gió mưa tầm tã. Trong đanh chói tiếng bom và chớp đạn pháo bầy nồng nặc mùi thuốc súng cháy, đắng nghét. Lão nhớ lại lần vác thi thể tiểu đội trưởng dưới hai làn đạn về yên ngựa núi Cu Sáp chôn cất. Tiểu đội trưởng hy sinh không kịp nhắm mắt vì một mảnh pháo trúng vùng ngực trái.

Ngày ấy Khượt mới mười tám tuổi, chưa một lần giáp mặt với cái chết. Vừa vác tiểu đội trưởng mềm oặt trên vai Khượt vừa thì thầm: Anh Thuận – tên tiểu đội trưởng – anh sống khôn chết thiêng hãy phù hộ cho bọn em hất lũ Mẽo xuống khỏi điểm cao…

Đặt tiểu đội trưởng nằm xuống cạnh một hố pháo, Khượt hối hả xúc đất cho rộng dài ra làm huyệt. Chốc chốc lại loé lên những làn chớp xanh lè của những trái pháo nổ gần chỗ Khượt. Tiếng nổ đanh, tung lên từng làn mưa mảnh bay ràn rạt găm vào cây rừng lập phập. Khượt nhào xuống hố huyệt tránh mảnh. Pháo chuyển làn lại tiếp tục đào để lấy chỗ đặt tiểu đội trưởng. Trước lúc gói tiểu đội trưởng vào tấm tăng mắt anh vẫn mở trừng trừng.Khượt lấy tấm mùi xoa người yêu tặng thấm vào miệng bi đông nước rửa mặt cho tiểu đội trưởng. Một cảm giác lạnh buốt chạy dọc sống lưng Khượt. Khượt khẽ rùng mình. Vừa lấp đất xuống huyệt, nước mắt Khượt vừa ứa ra. Tiểu đội trưởng côi cút từ tấm bé. Bố mẹ anh chết đói năm Ất dậu. Anh còn sống là nhờ đi ở chăn trâu cho một nhà giàu trong làng. Đơn vị cho nghỉ mười ngày phép trước lúc vào chiến trường anh không có chỗ để về. Anh ở lại chờ bọn Khượt lên rồi cùng đi. Thương nhất trước lúc hi sinh nửa giờ anh mượn Khượt cái gương con để soi mặt mình. Vừa soi anh vừa vuốt bộ râu tua tủa ước ao: Giá có lưỡi dao lam thì tốt. Tao sẽ cạo thật nhẵn Khượt ạ, chứ râu dài quá thế này nhỡ có bề gì bọn Mẽo nó nhìn thấy nó khinh.

Khi khâm niệm tiểu đội trưởng, Khượt vẫn nhớ lấy tấm dù nguỵ trang quấn quanh cổ anh, cố che bộ râu dài là nỗi băn khoăn lúc anh còn sống.

Đang đắm đuối vào mớ giấy và những kỉ niệm thời chiến tranh bỗng lão Khượt hốt hoảng hỏi vợ:

– Mẹ cái Bưởi có thấy cái hộp đựng các thứ lặt vặt của tôi đâu không?

– Tôi không biết! – Bà Na vợ lão Khượt đáp – Mọi khi vẫn thấy thày em cất trong ba lô treo trên xà nhà.

– Tôi lục ba lô rồi, không thấy bà nó ạ – Lão Khượt cuống quýt.

– Mất đâu được – Bà Na trấn an chồng.

Hai vợ chồng lão Khượt lao vào đống tre, rạ ngổn ngang, lật giở, moi móc khắp hốc hẻm, xó xỉnh tìm cái hộp.

Bà Na biết cái hộp ấy chồng bà rất nâng niu quí trọng. Vào những hôm trời nắng to, lão Khượt thường mở cái hộp ra phơi và coi sóc cẩn thận. Đồ chừng mọi thứ trong hộp đã khô, lão lại cất hộp vào đáy ba lô treo lên xà nhà. Bây giờ mất cái hộp ấy thì… Bà Na không dám nghĩ tiếp nữa. Bà vào bếp bắc nồi cháo đã nhừ đặt trong chậu nước cho chóng nguội lại chỗ chồng an ủi: Ông cứ bình tĩnh, trước sau gì rồi cũng tìm được cái hộp, ông rửa chân tay ăn cháo đi kẻo đói.

Lão Khượt lắc đầu thở dài thườn thượt, mặt xanh mét như người trúng gió. Lão tiếc. Trong cái hộp ấy lão cất ba cái huân chương chiến sĩ giải phóng; hai huân chương chiến công và mấy huy hiệu dũng sĩ diệt Mỹ, diệt xe cơ giới. Những thứ ấy giờ chẳng còn mấy ý nghĩa nhưng nó là kỷ niệm của đời lão. Lão trách mình già đời trận mạc còn mất cảnh giác. Giá như lão để phân tán ra thì đâu đến lỗi.

Bưởi lễ mễ bê rổ khoai lang củ to bằng nắm liềm, củ nhỏ bằng ngón tay út trẻ con vừa dỡ ngoài ruộng về. Cô ú ếu ra hiệu với bà Na mẹ cô rằng: Khoai sắp thối hết rồi, có dỡ ngay cô còn đi chuyến nữa.

Bà Na nhìn con gái quần áo sũng nước, lấm láp từ đầu đến chân, môi tím tái, lắc đầu. Lòng se lại. Bà ra hiệu bảo Bưởi để chiều bà dỡ nốt. Bưởi ở nhà kẻo dầm nước ốm mất.

Bưởi lắc đầu quầy quậy ú ếu, xua tay. Bưởi ra hiệu phải cùng đi dỡ khoai với mẹ cơ.

Chiều con, bà Na gật đầu. Bưởi hớn hở nhảy cẫng lên sung sướng.

Bà Na múc cháo ra mấy cái bát đặt lên miệng vại nước khỏi con vện háu ăn thục mõm vào. Bưởi đến bên cầm bát cháo thì bà Na ra hiệu đợi bố đã. Bố còn đang tìm cái hộp đựng huân chương ngoài vườn.

Bưởi nhặng xị ra hiệu hôm nọ ông Tháo bảo nó rằng bố cho ông ấy mượn để chụp hình. Bỗng mặt Bưởi đỏ bừng lên mắt trợn trừng tức giận. Cô rú lên những âm khản, ngắn của người câm rồi lao đầu chạy ra ngõ về hướng nhà ông Tháo.

***

Hồi đánh Mỹ, ông Tháo đi ba năm bộ đội nhưng chỉ quanh quẩn giữ chân củi lửa ở đơn vị huấn luyện quân đi chiến trường.

Tháo ngày ấy mới hai mươi tuổi được cử đi B đến ba lần nhưng cả ba lần đều trục trặc vì lí do sức khoẻ.

Lần thứ nhất lĩnh quân trang quân dụng chuẩn bị hành quân thì người Tháo tự nhiên sưng vù lên mõng nước như người bị bệnh phù thũng. Nguyên do trước đó mấy hôm Tháo lén uống nhựa đu đủ sống. Chẳng hiểu Tháo học được cách đó ở đâu nhưng thứ nhựa quái quỉ ấy khiến Tháo phải ở lại điều trị chờ đợt sau. Ông chỉ huy nào dám bắt một chiến sĩ bị phù thũng đi chiến trường. Đơn vị hành quân được chừng mười ngày người Tháo lại xọp đi bình thường. Bí quyết chữa chứng phù đó rất đơn giản: Tháo bỏ dép đi chân đất một hai ngày là hết. (Dĩ nhiên để che mắt quân y Tháo vẫn lĩnh thuốc đầy đủ nhưng vứt vào hố xí hai ngăn đổ tro lên phi tang).

Lần thứ hai đang đêm đơn vị báo động hành quân di chuyển. Tháo nghe lỏm được lần này là đi B luôn. Tháo hoảng vì bất ngờ quá. Nhưng rồi Tháo vẫn nghĩ ra khổ nhục kế. Lợi dụng đêm tối Tháo lỏn xuống bếp cạo mùn thớt nuốt chửng. Sau ít phút Tháo ôm bụng quằn quại lăn lộn trông thương lắm. Và Tháo nôn. Nôn ra mật xanh mật vàng. Nhìn bộ dạng ai cũng phải tin rằng có lẽ Tháo bị cảm tả. Chỉ còn thiếu đi tháo tỏng nữa mà thôi. Dĩ nhiên Tháo lại được đưa gấp vào quân y viện cấp cứu. Lần thứ ba… Nghĩa là Tháo lại nghĩ ra một mẹo quyết không vào chốn bom rơi, đạn nổ.

Nhờ những chiêu ngoạn mục như thế, Tháo không hề mang tiếng “B quay” “đào ngũ” “tư tưởng” thường gắn cho những kẻ hèn nhát thời đó.

Kết thúc cuộc chiến Tháo phục viên. Nhờ trời phú cho Tháo khiếu ăn nói trôi chảy lại có trình độ văn hoá, anh ta được địa phương trưng dụng phân công vào khá nhiều việc. Kế toán hợp tác xã. Đội trưởng nghề phụ. Trưởng ban văn hoá. Bây giờ thì Tháo vừa làm trưởng thôn vừa có chân uỷ viên Hội cựu chiến binh xã. Chính các chức này thôi thúc Tháo – giờ già rồi phải gọi là ôngTháo tìm đến lão Khượt. Chẳng gì ngoài chức trưởng thôn ông Tháo còn là lãnh đạo cánh cựu chiến binh. Không lẽ trước hội nghị, ngày lễ lớn chỉ đeo toòng teng mỗi cái Huân chương chiến sĩ vẻ vang. Nom mất thế lắm. Trong thôn có lão Khượt lại quá sẵn cái thứ ấy. Ông Tháo đeo tất tật các thứ công trạng của lão Khượt sang thị trấn chụp ngót chục kiểu ảnh chân dung với những là cầu vai quân hàm đầy đủ. Ông phóng to, ép plastic. Lồng khung treo giữa nhà. Số còn lại cất đi phòng thất lạc, mất mát. Đời con chẳng nói làm gì. Nhưng đến đời cháu, chắt, chút, chít sẽ là vô giá. Thế hệ ấy ông sẽ là niềm tự hào kiêu hãnh của chúng.

Bưởi đẩy cổng lao vào nhà ông Tháo. Nhà vắng ngắt. Chỉ có lũ chó lao vào Bưởi tru sủa inh ỏi dễ đến nửa giờ đồng hồ. Bưởi đành bỏ cuộc chạy như người mất trí trên đường thônThượng Cầu. Vừa chạy nước mắt Bưởi vừa lã chã rơi…

Bà Na gọi một lần, hai lần, rồi ba lần vẫn không thấy chồng thưa. Bà lao ra vườn và không tin vào mắt mình. Lão Khượt nằm vắt người trên cây chuối đổ. Bà thét lên: Ối làng nước ơi! Cứu … C…ứ…u…V…ơ…ớ…ơ…i…

Từ các ngõ xóm rộn lên tiếng chân người. Tiếng gọi nhau gấp gáp, hối hả chạy về hướng nhà lão Khượt.

Người lão Khượt rừng rực. Lão sốt. Sốt cao lắm. Lão lảm nhảm những lời mê sảng đứt quãng. Nó… Nó… Bọn Mẽo lên đ…ấ…y. B…ắ…n… Đ…i…B..ắ…n…

Bà Na mếu máo: Ông đừng bỏ mẹ con tôi… Ông ơ…i…

Trời tối dần. Tính mạng lão Khượt có bề nguy kịch. Mấy người đàn ông hàng xóm hò nhau huỳnh huỵch chạy, khênh lão Khượt lên bệnh viện thị trấn.

***

Đoạn kết:

Ước chừng những người hàng xóm tốt bụng đưa lão Khượt đi cấp cứu chỉ đến bệnh viện thị trấn thì vùng trời thôn Thượng Cầu bỗng tối sụp như có cái chảo khổng lồ úp xuống, đen kịt. Rồi gió ào ào. Không! Phải gọi là lốc xoáy. Không! Phải gọi là cuồng phong. Vì nó cuồn cuộn, lồng lộn, réo rít hung giữ bứt phăng cây cối, nhà cửa. Nó lôi cả nước dưới ao lên ào ào rồi lại đáp xuống như người dội. Bóng tối như được kéo roãng ra. Mù mịt gió, bụi, cành lá cây, đồ đạc bay đặc trời.

Gió lốc như thế dễ đến vài chục phút. Thôn Thượng Cầu tưởng tướp nát chẳng còn gì nữa. Chỉ còn lại tiếng người gọi nhau lào khào. Tiếng trẻ khóc thất thanh. Tiếng chó sủa hoảng loạn. Tiếng gà vịt tao tác bay chìm lẫn vào thứ hợp âm ù ù ma quái.

Hình như thôn Thượng Cầu chưa bao giờ gặp trận tai nạn thiên nhiên khủng khiếp như thế. Đây có lẽ là một tai nạn thế kỉ. Nhưng dân trong đê còn may chán. Trận cuồng phong, lốc xoáy, rồng cuốn mỗi người có một cách gọi chỉ làm gãy đổ thêm một số nhà cửa cây cối trong vườn còn sót lại sau cơn bão vừa rồi. Không ai bị thương tích.

Thảm khốc nhất là bến đò sông Văn. Nhà hàng Chiều Tím của Vớ gù kiên cố chắc chắn là thế mà bị cuốn phăng, trơ khấc lại cái nền đất. Ông thần tài bằng đá trắng nặng có đến hàng tạ mà cuồng phong cũng nhắc đi đâu mất dạng.

Kinh hoàng thay là bộ ba thực khách nhà hàng Chiều Tím là ông Nhu, ông Tháo và cậu Thắng tối ấy xuống hú hí dưới du thuyền với mấy em mắt xanh mỏ đỏ đều mất tích. Thật khủng khiếp cứ như chuyện bịa.

Mãi năm ngày sau dưới hạ lưu sông Văn dân chài mới rà được xác một ông già đã trương nhưng người ta vẫn nhận dạng được đó là ông Nhu nhờ cái áo đống si đa sọc đỏ.

Còn cậu Thắng thế mà cao số. Vòi rồng tha cậu đến cây số, rồi nhẹ nhàng đáp xuống đống cây ngô giữa đồng vắng bên làng Sồi. Thắng bị ngất. May mà lũ trẻ trâu làng ấy phát hiện cứu được.

Riêng ông Tiết Tháo vẫn bặt tin tức. Vợ con ông đang nhờ Đài truyền hình tỉnh thông báo tìm người thân và xin được hậu tạ.

VQV

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder