Một đề thi gợi tư duy đa chiều.

Kỳ thi học sinh giỏi văn lớp 12…

 

Kỳ thi chọn học sinh giỏi văn lớp 12 thành phố Hải Phòng vừa kết thúc, dư luận mạng xã hội lại bùng phát bình luận về đề thi có vấn đề. Vậy nhìn nhận nó như thế nào?

Hiện tượng Ngọc Trinh, Bà Tưng – “Nữ hoàng nội y” luôn là một trong những cái tên hot nhất tại thời điểm hiện tại, tuy nhiên bản thân cô gái trẻ này lại luôn có những phát ngôn gây sốc. Hội đồng ra đề thi ngành GD&ĐT Hải Phòng đã lựa chọn những phát ngôn này được đăng tải trên các báo chí để làm đề văn thi học sinh giỏi toàn thành phố năm học 2013-2014, cho phần thi Nghị luận xã hội, một phần trong đề thi môn ngữ văn thuộc bảng A.

Nguyên bản đề thi như sau: “Câu 1: Người mẫu Ngọc Trinh từng trả lời phỏng vấn rằng : “Yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn à?” Mới đât cô gái trẻ Lê Thị Huyền Anh (biệt danh “Bà Tưng”) khi trả lời một trang mạng xã hội, cũng thẳng thắn : “Tôi mơ ước có nhiều đại gia, nhiều người giàu quan tâm đến mình, cho tôi thật nhiều tiền: (Theo Vietnamnet).

Từ những hiện tượng trên, anh/chị hãy viết một bài văn (tối đa 800 từ) về chủ đề : “Tiến bộ xã hội và ước mơ đại gia của cô gái trẻ”.

Học sinh giỏi bộ môn văn của thành phố đã thực hiện bài thi có câu hỏi này vào sáng ngày 8/10 và đến hết ngày 9/10, hội đồng chấm thi cũng đã thực hiện xong phần chấm. Sự việc diễn ra hết sức bình thường. Tuy nhiên, nhiều thành viên mạng xã hội và một số báo tổng hợp nguồn tin mạng và đưa ra hai luồng ý kiến trái chiều; một là đưa hiện tượng Ngọc Trinh là biểu tượng không tốt, có thể tạo ra những ảnh hưởng phản tác dụng và hai là hoan nghênh sự đổi mới sáng tạo thiết thực “ hoan nghênh Sở GD-ĐT Hải phòng vì đã phá cách. Văn học nghệ thuật là phải đề cao sự sáng tạo và bộc lộ quan điểm cá nhân” (Theo NLĐO).

Nghị luận là một thể loại văn học đặc biệt, dùng lí lẽ, chứng cứ để bàn luận về một vấn đề nào đó gồm những nội dung về tư tưởng, đạo lí, một hiện tượng tích cực hoặc tiêu cực… trong cuộc sống hàng ngày, như một câu hỏi cần giải đáp, làm sáng tỏ. Đồng thời phát huy suy nghĩ chủ quan bàn về đúng, sai, khẳng định điều này, bác bỏ điều kia, để người đọc nhận ra chân lí, đồng tình với mình.

Từ cách hiểu như vậy về văn Nghị luận xã hội cho thấy việc đưa ra hiện tượng Ngọc Trinh, một hiện tượng đang được giới trẻ quan tâm là việc bình thường. Mục tiêu của để văn rất rõ, đó là từ lý luận, học sinh (Ở độ tuổi xấp xỉ với Ngọc Trinh), căn cứ trên hiện tượng này bình luận và bộc lộ thái độ sống của mình. Cái hay của đề là chọn vấn đề khá nóng “ước mơ đại gia của cô gái trẻ”, nhưng lại có định hướng “tiến bộ xã hội”. Như vậy bài làm của học sinh phải xây dựng được quan niệm về tiến bộ xã hội là gì và soi chiếu vào hiện tượng Ngọc Trinh để thấy những sai lầm và rút ra bài học. Đây chính là phần chìm của đề mà học sinh bình thường dễ ngộ nhận. Do đó, việc các trang mạng xã hội chỉ chú ý đến vế nói về hiện tượng Ngọc trinh là một khiếm khuyết trong cách tư duy làm văn.

Chọn đề thi này, Sở GD&ĐT Hải Phòng đã đem đến vấn đề nóng hơi thở đời sống, nhưng lại rất gần gũi với giới trẻ. Đây cũng là cách làm cho “văn” bước vào cuộc sống sinh động và phục vụ cuộc sống. Nó khác căn bản với dạng ra đề thi hàn lâm trước đây và không bó hẹp vào những hình tượng nhân vật hay đời sống xã hội đã khuôn mẫu hóa.

Nói như thạc sỹ ngữ văn Hoàng Roãn Tuấn (THPT Nguyễn Khuyến -HP) thì đề văn đã khuyến khích người làm bài có tư duy nhiều chiều, và tìm ra kết luận riêng đúng với chuẩn mực xã hội bằng bản ngã của riêng mình. Đó thực sự không phải chỉ là yêu cầu đối với học sinh giỏi văn, mà là tất cả tầng lớp thanh niên và cả chúng ta hiện nay, khi mà xã hội đang có nhiều biến động giữa thời kỳ mở cửa.

Thiết nghĩ không có sai lầm nào trong đề văn này, đây là cách làm thậm chí không mới bởi Bộ GD, hay trường Đại học FPT, đã từng có những đề như vậy. Đặc biệt ở thời điểm thế kỷ 21, giữa không khí sôi động hội nhập thế giới mà còn có tư tưởng văn chương khô cứng theo khuôn mẫu như những năm giữa thế kỷ 20 là một điều đáng trách. Hãy truyền cảm hứng và cách nghĩ để văn thâm nhập vào học sinh thật nhiều chiều như chính cuộc sống muôn màu; Từ đây, bộ óc và trái tim các em tìm ra một chân lý đi theo, đó là cách dạy, cách ra đề văn hướng vào hình thành nên tính chủ động sáng tạo, bồi bổ nhân cách cho các em trước cuộc sống đầy thách thức.

Ths. Nguyễn Đình Minh


 

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder