vanhaiphong- Là cây bút của Ban văn trẻ có thế mạnh ở nhiều thể loại: thơ, truyện ngắn, ký…. nhưng 8.3 này Cù Thị Thương gửi đến chùm tản văn trong đó có “Mùa khoai”. Trang viết tràn ngập cảm xúc vừa tưoi non vừa ứ nghẹn về mùa đã qua đi chỉ còn là hoài niệm trước cái đổi thay còn quá nhiều bất cập trên quê hương hiện tại. Chúng ta tìm thấy tiếng lòng trắc ẩn của một người phụ nữ còn rất trẻ thắc thỏm trước ngày mới đang bỏ dần những dĩ vãng xa xôi buồn mà long lanh đẹp…
Những dự án chạy qua. Những dãy nhà mới dựng. Cánh đồng trước nhà tự bao giờ chỉ biết trơ đất vụ đông. Mang theo tiếng thở dài trầm ổn nơi mùa đông cũ thật xa xôi. Mùa thứ ba một đi không trở lại. “Lũ chúng tôi bỏ làng đi mãi. Đất không mùa xám xịt lạnh trơ trơ ”
Một năm có 12 tháng thì thì có một khoảng ba tháng để người nông dân quê tôi có một mùa khoai xen giữa. Đó là sau khi thu hoạch vụ mùa khoảng vào cuối tháng 9 lịch dưới. Chỉ cần gặt xong là đất được cày lên ấp vào nhau theo luống có một rãnh giữa. Lũ chúng tôi ôm mớ rạ vừa gặt xong dải vào giữa. Người lớn lấy quốc phủ lên một lớp đất mỏng. Rồi tiếp tục đặt dây khoai đã được cắt thành đoạn theo hàng, cùng hướng. Người đi sau gạt đất sơ, bỏ phân vào bên cạnh. Cuối cùng vun đất vừa đủ cho cây ấm áp không chết vì rét hay hở dây. Khi những dây khoai đã ra rễ khỏe thì người ta mới bắt đầu công đoạn cho phân lần hai và xúc gọn luống. Phân lần một thường để dành để nuôi củ. Còn lần phân hai thì nuôi cả củ cả cây.
Và nuôi cả mua rau dền dại!
Chỉ khoảng sau nửa tháng, những ngọn khoai vươn dài bò chạm rõng. Thì những thân rền non mỡn đã bắt đầu lớn nhanh như thổi. Mùa rảnh rỗi. Lũ chúng tôi mỗi đứa một bao một rổ để đi lấy rau cho lợn. Chính là những thân rền mọc như rừng trên luống khoai màu mỡ. Cứ nhìn những luống khoai mà càng nhiều ngọn rền vươn ra sau những khóm khoai trùm phủ là những luống đó rau dền tốt và non. Những luống khoai vừa cắt dây thì rất dễ nhìn là luống đó có nhiều rau hay ít. Nếu vừa cắt thì vừa dễ nhìn mà chắc chắn rau sẽ non, còn chỉ cần một ngày không có những thân khoai che, những vạt rau đó sẽ già và dai.
Vừa kiếm cho lợn lại có rau cho người. Bình thường chỉ cần đun nước sôi rồi thả rau đã thái vào rồi nêm muối, mì chính là cả nhà đã có một món canh tươi mát. Còn hôm nào mẹ đi quốc móc được vài con cua giã nhỏ lây nước nấu canh thì quá ngọt ngào. Nấu bao nhiêu cũng chỉ còn cặn thừa cho cún.
Vẫn so kè nhau những bao rau ít hay nhiều. Có đứa tinh quái vẫn ngắt thêm những dây khoai để nhiều thêm phần rau đọ. Nếu bác bảo vệ bắt lại kiểm tra thấy cả củ trong bao cứ cãi bướng là mói khoai của nhà mình. Bác thả về với nụ cười “ Ta biết đấy! nhóc con”.
Thế mà vẫn sung sướng âm ỉ khi bước về nhà . Để rồi bếp rơm vàng đượm lửa ủ những cũ khoai tron tron đầu mùa. Thấy mùi thơm dậy là kéo ra bóc lớp vỏ đen là lớp lòng khoai vàng bở tướp, bốc khói nghi ngút. Tay lem nhem, mồm lem nhem nhưng cái lưỡi lại cảm nhận được cái ngọt ngọt bùi bùi, càng nhai càng ngon. Hí hửng ghế nồi cơm gang đã vùi mấy củ khoai hấp cùng. Phần đó dành cho gia đình nếm thử miếng khoai đầu mùa.
Mùa cấy bắt đầu, người mới đi dỡ khoai. Bởi càng để, khoai càng to, càng ngọt và bở. Nhưng phải tránh mưa vì nếu gặp mưa khoai sẽ bị sượng không thế để lâu. Mỗi nhà đều có một gầm giường khoai được nhặt cẩn thận để ăn dần. Một góc khoai nhỏ, bị sứt do quốc bới để cho lợn. Có khoai nấu cám thì chỉ cần cho rất ít gạo. Còn người thì khoai có thể luộc để ăn sáng, để ăn chơi ngày đông nhạt miệng hay có thể thái thành lát để dán bánh khoai, mà có thế thái thành sợi phơi khô để làm nồi khoai đường bung ăn dặm thêm ngày lạnh.
Khoai ăn nhiều thì nóng song ăn chơi thì rất thích hợp với những ngày đông giá lạnh. Vì thế, qua xuân hè tới, nếu nhà nào còn khoai mà mọc mầm là khi khoai đã vào đường. Ăn vừa ngọt lại có cả mật chảy ra. Có củ khoai ăn mùa này quí như củ khoai đầu mùa bói trộm.
Những gánh hàng khoai rao giữa phố. Những chiếc xe khoai nướng dậy mùi từ xa. Tự nhiên lại thấy nao lòng mùa thứ ba đông cũ. Người giờ cứ đi. Ruộng màu một vụ. Người phụ đất mùa những năm đói ngày đông. Miếng khoai hồi ức nghẹn lại. Người đã đi qua tất cả lâu rồi!