Năm tháng không quên – Truyện ngắn: Tô Hoàng

 

Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn “Năm tháng không quên” của nhà văn Tô Hoàng in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước – NXB Hội Nhà văn 2014.

Nhà văn TÔ HOÀNG

HỌ VÀ TÊN KHAI SINH: TÔ HOÀNG. SINH NGÀY 8 THÁNG 3 NĂM 1941. QUÊ QUÁN: XUÂN CẦU, NGHĨA TRỤ, VĂN GIANG, HƯNG YÊN. DÂN TỘC: KINH. HIỆN THƯỜNG TRÚ TẠI: 239 CÁCH MẠNG THÁNG 8, PHƯỜNG 4 QUẬN 3, TP HỒ CHÍ MINH. TỐT NGHIỆP KHOA NGỮ VĂN ĐẠI HỌC SƯ PHẠM I HÀ NỘI. NHẬP NGŨ, TỪNG LÀ SĨ QUAN PHÁO BINH. HỌC NGÀNH ĐẠO DIỄN PHIM TÀI LIỆU TẠI ĐẠI HỌC QUỐC GIA ĐIỆN ẢNH Ở LIÊN XÔ. PHÓNG VIÊN BÁO LAO ĐỘNG. LÀM BÁO, VIẾT VĂN, LÀM PHIM TRUYỀN HÌNH.

 

NĂM THÁNG KHÔNG QUÊN

Nón Ba Đồn và những đêm sông Gianh
Cự Nẫm – một làng nằm ở bờ Nam sông Gianh vốn nổi tiếng với những chiến công trong 9 năm kháng chiến chống Pháp. Vào cuối năm 1968, đầu năm 1969, Cự Nẫm bỗng trở thành nơi tập kết quân cuối cùng trên đất Bắc trước khi nhập trạm T.5 – trạm đầu tiên trên tuyến đường Trường Sơn. Một hoặc hai ngày nghỉ ở Cự Nẫm, giữa bom đạn ùng oàng gần xa lính ta còn được nhìn thấy lần cuối cùng đôi vai tròn lẳn, bóng dáng óng ả của các cô gái Quảng Bình làm ruộng trên đồng, kéo nước bên giếng; còn được nghe lần cuối tiếng guốc võng kẽo kẹt như điểm nhịp tiếng bà ru cháu, tiếng con chị lớn 6, 7 tuổi ru con em nhỏ ẵm ngửa trước cửa những căn hầm chữ A, đào ngay dưới lòng một hố bom tấn. Chao ơi muốn rơi nước mắt, trong cái nắng hè đổ lửa, trong tiếng xủng xoảng sắt thép siết chạm nhau của đủ loại máy bay Mỹ, giữa tan hoang, đổ nát bỗng nghe lời ru bằng chính một bài hát quen thuộc:
Dẫu có phải mười năm hay hai mươi năm sống trong gian khổ,
Ta đi lên làm theo lời Bác
Lòng mở cờ tim gióng trống…
Trạm Cự Nẫm bổ sung cho người sắp lên Trường Sơn thịt hộp, mắm ruốc, sữa đường… Lính ta cũng vội vã xé sổ tay, viết những dòng thư cho người yêu ở lại hậu phương. Để được bỏ phong thư vào thùng bưu điện của một làng cuối cùng trên đất Bắc…
Đấy là việc làm muộn màng của những những chú lính chân chỉ hạt bột, còn đám lính Hà Nội tinh ranh, ma quái chúng tôi lúc này đã có thể nằm gác chân trên võng, phì phèo điếu thuốc Tam Đảo bao bạc, mắt lơ đãng ngó nhìn mặt sông Gianh thấp thoáng hiện ra phía sau hàng chân tre, mà nôn nao nhớ lại bao kỷ niệm những ngày sắp chia tay…
Kỷ vật cuối cùng gửi lại cho người thương, lính Hà Nội đã biết lo từ đêm hôm trước.
Không biết ai mách nước, những ông “tham mưu con” đã rỉ tai nhau, bên bờ Bắc sông Ròn có sản phẩm nón Ba Đồn nổi tiếng từ ngày xửa ngày xưa. Chẳng biết nón Ba Đồn có đẹp, có bền hơn nón làng Chuông bày bán ở chợ Đồng Xuân không? Chỉ cần nghĩ rằng vào tới Ba Đồn, qua phà Ròn, tới sông Gianh là đã đi xa Hà Nội cả một “dặm đường máu lửa”, là đã sắp rời hậu phương Miền Bắc để đặt chân lên Trường Sơn. Người yêu của ta nom sẽ ra sao dưới vành nón lá Ba Đồn nhỉ? Gương mặt lúc buồn mắt ngân ngấn nước? Hay lúc vui, mỉm nụ cười với đôi hàm răng tăm tắp ngọc ngà? Nàng sẽ đội vành nón lá lên đầu tới cơ quan, công sở hay vẫn thích chiếc mũ cối gắn ngôi sao vuông tự vệ? Mình sẽ làm nàng đẹp thêm hay xấu đi đây trước ánh nhìn dòm dỏ của những thằng cha trốn lẩn ở phố phường, không chịu ra trận? Mà thôi, nghĩ làm gì cho đau đầu? Cứ đinh ninh tin rằng hẳn người ta yêu cầm chiếc nón Ba Đồn lên tay sẽ bổi hổi bồi hồi vừa nhớ nhung, vừa tự hào biết bao về chính ta đang dãi gió dầm sương, đang bước vào nơi trận mạc – thế là sung sướng lắm rồi! Chỉ còn một sự hệ trọng không thể quên: muốn chiếc nón nguyên lành, không bẹp, không méo khi tới tay người thương thì hãy biết chăm lo, chiều chuộng, thậm chí hầu hạ nước thuốc cánh lái xe… Mong sao bọn hắn chằng buộc cẩn thận chiếc nón ngay trong buồng lái để không rách bẹp và trên đường trở ra mấy gã lái đừng có ngủ gật mà phóng con xe xuống một hố bom, một lòng sông lòng suối cạn…
Xe vào tới thị trấn Còng, giáp ranh hai tỉnh Thanh Nghệ đã cảm nhận ra hơi thở của chiến trường. Phía tây, máy bay trinh sát Mỹ nháy đèn chụp ảnh liên hồi. Phía đông nhang nháng những quầng lửa của đạn từ pháo hạm Mỹ bắn vào các xóm làng ven biển. Dọc đường lộ 1, đèn dù từ máy bay Mỹ thả xuống lúc xa lúc gần. Đèn dù vừa tắt lập tức rền vang tiếng bom, tiếng rockét. Nghỉ một ngày ở thị trấn Voi, Hà Tĩnh. Vừa sẩm tối hôm sau xe tranh thủ vượt đèo Ngang, xuống tới chân đèo đã sang đất Quảng Bình, đã gặp ngay sông Ròn, phà Ròn.
Ngày nay, vài ba năm có dịp qua lại sông Ròn tôi đứng rất lâu trên cây cầu mà không thể nào tự trả lời nổi câu hỏi, vì sao chỉ một khúc sông hẹp, êm đềm, hiền hòa trôi chẩy trước mắt kia mà một thời lại trở thành trọng điểm đánh phá quyết liệt của đủ loại máy bay và hạm pháo của Mỹ đến như vậy? Tôi nhớ tới con đường đổ xuống phà mù mịt bụi xe, nhỏ to tiếng người gọi nhau lẫn lộn trong tiếng xe rồ máy. Tôi như nghe thấy tiếng nổ inh tai nhức óc của bom Mỹ từ đường 20, từ phía bờ bên kia phà Ròn vọng tới. Phía ven biển pháo hạm của địch đang đổ đạn xuống các xóm thôn Quảng Thuận. Ngọn lửa nhà cháy mỗi lúc một vươn cao thêm. Tiếng mắt tre, mắt luồng nổ lốp bốp. Văng vẳng trong gió nhận ra cả tiếng khóc, tiếng hời của những người đàn bà gặp nạn. Hai bên con đường xuống bến phà là những cánh đồng nước lõng võng, trong ánh sáng đèn dù hiện ra những miệng hố bom lở lói như những mụn ghẻ khổng lồ, nằm chi chít bên nhau. Còn ngay trên mặt sông Ròn giăng giăng hàng pháo sáng đèn dù câm lặng, cái nọ chưa kịp tắt cái kia đã bung nở ra. Những tốp lính vào chiến trường vừa từ trên xe tụt xuống, theo một mệnh lệnh chỉ huy của ai đó, vội vã tạt ngay ra hai bên vệ đường, gắng tìm cho mình những chiếc hố cá nhân đã đào sẵn. Chỉ cần hàng đèn pháo sáng kia chợt tắt, những chiếc máy bay cường kích có thể rẹt sát sạt trên đầu, tung xuống những loạt bom bi sát thương, hoặc bom napal để thiêu cháy những chiếc xe…
Trong cái ắng lặng, căng thẳng thần chết đang chơi trò ú tim như vậy, không biết từ đâu bỗng xốn xao tiếng nói cười trẻ thơ, ngay sau đó xuất hiện những bóng dáng thấp nhỏ của các cháu với những chồng nón trắng trên tay. Các cháu len lỏi giữa đám xe cộ tìm đến bên những tốp lính, giọng Quảng Bình ngọt ngào, dễ thương:
– Nón Ba Đồn đấy các chú ơi! Các chú mua, làm quà gửi về quê kỷ niệm cho các o!
– Nón thương, nón nhớ, nón đợi nón chờ. Em đội chiếc nón mà ngờ chiêm bao.
– Anh đi đánh giặc nơi xa. Em đội nón lá ở nhà đợi anh!

Chúng tôi cầm nón lên tay, không lựa chọn, móc tiền trong túi ra trao cho các cháu, cũng không cần đếm nữa, vì đây là những đồng tiền cuối cùng còn chi tiêu được trước khi đặt bước lên Trường Sơn. Lòng dạ bồn chồn, nôn nóng, chúng tôi chỉ mong các cháu bán cho chóng hết chồng nón kia để mau chóng tránh xa nơi cái chết có thể bất thần ập tới.
Từ phà Ròn vào tới phà Gianh chúng tôi vội vã ghi những dòng chữ thương nhớ lên phía bên trong vành nón. Ghi dưới ánh đèn dù. Ghi trong luồng sáng nhỏ như hạt đỗ của chiếc phao đèn pin đã bị giấy đen che kín mít. Ghi dưới ánh sáng của ngọn đèn gầm khi xe ô tô bị sa rệ… “Tạm biệt em yêu, anh đi nhé!”, “Phà Ròn, Quảng Bình… Nhớ em rất nhiều”, “Quà nghèo gửi tới cho ai. Đừng đếm ngày rộng tháng dài, anh đau”, “Chờ anh, anh lại về. Trông chết cười ngạo nghễ”…
Trong mười một thằng lính Hà Nội tiểu đội tôi mua nón Ba Đồn gửi về cho người yêu đêm qua phà Ròn năm ấy đã nằm lại trên mảnh đất các chiến trường mất tám thằng. Đứa chết vì đạn bắn thẳng. Đứa chết vì pháo bày, vì bom tọa độ. Đứa chết do sốt rét ác tính. Cũng có đứa chết tức tưởi vì bị cây đổ đè vỡ xương chậu trong mùa phát nương trồng sắn chống đói cuối năm 1969.
Vài đứa sống sót trở về Hà Nội, như hẹn ước với nhau, không bao giờ dám mở miệng nhắc lại chuyện đã mua những chiếc nón Ba Đồn gửi cho người yêu thuở nào. Nhớ cả đấy, nhưng nhắc để làm gì? Những người bạn gái của chúng tôi đều đã nhận được những chiếc nón lá Ba Đồn. Nhưng chiến tranh kéo quá dài mà tuổi xuân thì có hạn. Trách móc chị này, em kia không thủy chung chả cố chấp lắm sao? Dăm ba người tình của những thằng bạn xấu số khóc lóc, vật vã đến võ vàng, tiều tụy cả năm ròng sau ngày nhận được giấy báo tử người yêu chết trận, các chị các em châm lửa đốt chiếc nón đã ngả vàng đi, để bước chân sang một bến đò khác, để lấy chồng, mà sinh con đẻ cái, mà làm bà nội bà ngoại…

Sex với lính tráng cánh bắc KonTum
Các bạn trẻ bây giờ sướng thật! Ảnh khoả thân, tạp chí Playboy, phim con heo hiện tại đã là “đồ bỏ”. Không cấm đoán, không kiêng cữ cũng chẳng cô cậu nào thèm đoái hoài để mắt tới. Tuổi 14, 15 “đầu mày cuối mắt” đã trở thành chuyện bình thường. Mê nhau tí tị là đã có thể ôm choàng lấy nhau, ve vuốt, hôn hít cả ở chỗ vắng người lẫn nơi thanh thiên bạch nhật. Nẩy sinh nhu cầu muốn “nghiến” nhau, cô cậu sẵn sàng kéo nhau về nhà riêng lúc cha mẹ bận sấp ngửa làm ăn nơi lòng đường, hè phố hoặc bận giao tiếp, tiệc tùng săn đón những hợp đồng béo bở. Còn nếu cha mẹ ở nhà thì tìm tới khách sạn, nhà hàng. Vào cửa không ai hỏi chứng minh thư, giấy hôn thú. Ở bên nhau một giờ, có giá một giờ; hai, ba giờ có giá hai, ba giờ… Rẻ hều! Ve vuốt, hôn hít, va chạm, quần thảo nhau – những cử chỉ, hành động như thế bây giờ thiên hạ gọi bằng chữ SEX. Mấy năm trở lại đây báo chí còn mở ra những cuộc tranh luận quanh đề tài bạn trẻ có nên sống thử, có nên SEX nông và SEX sâu trước hôn nhân hay không? Xem ra thiên hạ công khai ủng hộ hoạt động tình dục trước hôn nhân. Chỉ có điều cần truyền giảng cho các cô các cậu hiểu thế nào là an toàn, là vệ sinh trong chuyện SEX mà thôi.
Thương quá, tội nghiệp quá các đồng đội chết trẻ của tôi ơi! Ngày xưa ấy nào như bây giờ?
Ba, bốn chục năm trước chúng ta có biết tới từ SEX là gì đâu! SEX với chả Siếc! Nghe vừa không sướng tai, vừa không cụ hình, cụ tượng chút nào. Cái hoạt động âu yếm, ve vuốt, hôn hít, chung đụng anh ả kia chả biết thằng cha tinh ma, quỷ quái nào ở mặt trận cánh Bắc Kontum chúng tôi gọi tên bằng hai tiếng Lích chích. Cả về phương diện âm học lẫn phương diện hình tượng đều mê ly. Lích chích gợi lên hình ảnh con chim trống xun xoe, lăng xăng bên con chim mái dụ khị ả bằng tiếng kêu… Lích chích. Khi con chim mái đã chịu nằm ép xuống để con chim trống trèo lên lưng, Lích chích là tiếng riu riu, siu siu trong rên rỉ, sung sướng vào thời khắc con chim mái bỗng ưỡn cái đít dậy để chú chim trống ngóc đầu lên, rịn cái đít xuống. Lích chích cũng có thể là tiếng vằng ra trong bóng tối ở góc bếp, dưới chân giường bạn nằm của đôi chuột nhắt đang tán tỉnh nhau hoặc lúc đã hân hoan, mãn nguyện thực hiện được chuyện “động trời”. Để phòng ngừa máy bay trực thăng Mỹ, Ngụy sạt thấp, thả bọn biệt kích, ở Bắc Kontum có những trạm quan sát đặt tít giữa tàng cây trên những ngọn cổ thụ cao chót vót. Lên xuống bằng chiếc thang bện dây rừng. Nước uống, thức ăn tiếp tế từ hậu cứ được kéo lên cũng bằng dây rừng. Bọn lính trinh sát sống ở các trạm quan sát này quả là sướng hơn tiên. Được ở trên cao, hưởng ngọn gió trong sạch, mát lành, được phóng tầm mắt ra ngút ngát, chúng nói thánh nói tướng như trạng. Chúng kể, voi khi hợp cẩn cũng phát ra âm thanh… Lích chích… Lích chích. Lẽ dĩ nhiên lúc phát dục chàng voi đực không rủ rê mấy nàng voi cái bằng mấy tiếng Lích chích. Trước tiên chúng rống lên vang động cả mấy cánh rừng. Nàng voi cái nào bị mê hoặc bởi tiếng rống oai hùng, đầy nam tính ấy liền bị chú voi đực đưa đến một ngọn đồi. Bảo voi cái đứng đợi ở đó, chàng voi đực lần xuống sườn đồi tìm cho ra một gốc cây cổ thụ thật chắc, thật khỏe. Tìm được rồi, voi đực dẫn voi cái tới đó. Và như một bản năng trời phú, thấy gốc cây, nàng voi cái liền quỳ gối xuống, trán tỳ vào gốc cây kia như tìm ra một điểm tựa, mông chổng về phía đỉnh đồi chờ đợi. Từ trên cao, voi đực ầm ầm lao dốc. Phập!! Chốt ngập sâu vào mộng trong lần đầu, lần thứ hai – đôi voi ấy thật diễm phúc! Có khi, sức mạnh cuốn bão giông kia đánh bật cái gốc cổ thụ. Cả chàng, cả nàng đều lăn như hai trái bóng xuống tít chân đồi. Thế là phải hì hụi, hổn hển leo ngược dốc làm lại, làm lại. Bọn trinh sát trên ngọn cây kể rằng, khi mộng mẹo của đôi voi tình nhân đã khớp khao đâu đấy, suối bỗng ngưng chẩy, thác bỗng ngừng reo, ắng lặng tuyệt đối bỗng ngự trị. Và tít từ khoảng đồi dưới thung sâu kia, lẫn trong cơn gió thoảng, bọn trinh sát nghe rõ đôi voi rên lên… Lích chích… Lích chích!
Sử sách, các công trình tổng kết chiến tranh, phim ảnh quay thực, đóng giả… đọc cả, xem cả rồi, nhưng chưa thấy đâu nêu ra hai cái khổ, hai loại thử thách thuộc loại “đặc thù” của lính tráng phía Bắc Kontum: Đó là Cái đói và Những cơn khát đàn bà. 1,5 lạng gạo chia làm ba bữa, thiếu đâu đã có măng rừng, rau môn thục bù vào – cái đói thì đã rõ. Nhưng cung cách vắng bóng chị em, vắng bóng những mớ tóc dài, những bờ vai tròn lẳn thì không một mặt trận nào có thể so sánh được với Cánh Bắc Kontum thuở đó. Có thể đếm được mấy rúm con gái ở nơi này. Đó là các cô y tá, chị nuôi, cấp dưỡng… bỗng một ngày kia được tập trung về để ai đó dạy cho một vài bài hát, một vài động tác múa và trở thành nữ diễn viên trong một đoàn văn nghệ không chuyên. Đó còn là các cô hộ lý, ý tá, y sỹ phục vụ tại Viện Quân y 211. Con gái xấu đẹp cũng đều quý hiếm như mật gấu, mì chính cánh! Nhưng để có cơ hội năm thỉnh bẩy thoảng được xem các em văn nghệ nghiệp dư biểu diễn đã khó; có cơ hội tới được Viện quân y 211 càng khó hơn. Bởi muốn được ngắm nghía mấy em y sỹ, hộ lý kia đứt khoát phải có một cẳng chân hoại tử cần cưa, phải có một bên xương quai hàm đã vỡ nát vì mảnh bom, mảnh pháo cần đục bỏ. Không một nơi nào khác bói ra đàn bà, con gái nữa. Hàng vạn lính đấy, đủ các quân binh chủng hợp thành đấy, ráo rạo đều là đực rựa. Toàn đực đến nỗi xẩy ra nhiều chuyện tức cười. Hai thằng lính không đồng hương, đồng khói, không quen biết nhau trước ngày nhập ngũ. Vào tới nơi đây bỗng thành bạn thân. Không có tấm ảnh của người yêu thời ngồi chung ghế trường cấp 3, cũng không có hình ảnh một người con gái nào hai đứa cùng quen, thằng A bực bội vì không thể diễn tả để thằng B hình dung ra người yêu của mình mảnh mai ra sao, cao chừng nào, ánh mắt, hàm răng tuyệt vời cỡ nào… Cực chẳng đã, bèn lấy lão anh nuôi của đơn vị làm vật trung gian so sánh với câu bẳn gắt: “nhưng nàng của tao không hôi nách, không trọc lóc, không phẳng lỳ trước, sau như gã anh nuôi đâu nhé!”. Thiếu chị em, thành thử có cái cớ nào, có cơ hội nào liên tưởng được bóng dáng của phái yếu lính ta như vớ được vàng. Đêm đưa cỗ pháo 130 ly nặng cả chục tấn thép vào công sự, vừa mệt phờ phạc, vừa buồn ngủ, bỗng tỉnh như sáo, bỗng nhộn nhạo hẳn lên khi xúm vào đẩy hai cái càng pháo ra xa nhau, đua nhau réo vang theo lời hô của khẩu đội trưởng: “Dạng càng! Dạng càng!”. Tiếp tới là thao tác dùng búa ghìm hai càng pháo xuống lại la hét vui sướng như động rồ: “Đóng cọc! Đóng cọc!”. Cơ may hiếm hoi lắm nếu ở mỗi khẩu đội, mỗi tiểu đội bỗng được bổ sung một bác, một chú lính tái ngũ ở tuổi tam tuần, tứ tuần – tức ở cái tuổi đã biết thế nào là dạng càng, đóng cọc. Giữa đêm đông rét mướt, lính trẻ chuẩn bị sẵn chừng chục bi đông nước suối lạnh ngăn ngắt, bắt lính già tường thuật lại đã ăn nằm với vợ lần đầu như thế nào. Oai oái phân trần rằng tao lấy vợ tảo hôn; rằng buồng vợ chồng tao ở ngay cạnh buồng cha mẹ, giường tre cọt kẹt một chút là nghe tiếng tằng hắng của hai cụ liền; rằng thuở xưa đàn bà mặc quần thắt giải dút, đâu luồn giây thun như thời nay, tao loay hoay gỡ được cái giải dút buộc rối thì gà đã te te gáy sáng rồi; rằng đêm ấy đâu dám thắp đèn nên mô tê có thấy gì đâu… Không khai thật à, không chịu diễn tả tỉ mỉ, cụ thể sao? Chịu được một hay hai, hay ba bi đông nước suối tưới lên mình đây? Thế là đành khai tuốt tuột! Nhớ có một lần 4 chiếc Zin Khơ chở gạo từ Binh trạm 47 trên tuyến đường Trường Sơn vào giúp mặt trận cứu đói số thương binh tồn đọng. Tin đâu lan truyền rất nhanh, lái xe là 4 chiến sỹ gái. Xôn xao, nhộn nhạo cả lên yêu cầu của lính được cho ra đường thồ xem mặt chị em. Đại đội không giải quyết nổi yêu cầu của lính, đành chuyển lên Tiểu đoàn. Tiểu đoàn chuyển lên tận Trung đoàn. Vị Chính ủy Trung đoàn khá tâm lý chiến sỹ liền cử người ra thương lượng với đoàn xe cho bốc gạo ở một khúc cua hai bên có thành ta-nuy cao. Lính ta phải đứng trên bờ ta-nuy nhìn xuống mà chiêm ngưỡng bốn cô gái. Vị Chính ủy còn ra lệnh tỷ mỉ mỗi đơn vị chỉ được cử một phần tư quân số thay nhau ra ngắm chị em để bảo đảm sẵn sàng chiến đấu và mỗi chiến sỹ cũng chỉ được ngắm đúng nửa tiếng thôi, rồi về để người khác đi. Nghe đâu vì chuyện đó, Phòng Chính trị mặt trận đã gọi Chính ủy lên bắt làm kiểm điểm.
Nhiều vị Tiểu đoàn trưởng, Trung đoàn trưởng khác cũng thương lính và thích cùng lính tán chuyện Lích chích… Lích chích. Nghĩ cũng tội. Mang cấp bậc, chức vụ cao thôi, mới trong ngoài bốn mươi cả. Thế mà vào đây, phải xa bà vợ ngoài Bắc, quên lãng chuyện Lích chích cả chục năm ròng. Có một vị Trung đoàn trưởng pháo binh, nghe đâu dân tú tài thời Tây, đi đài quan sát phía trước, đêm pháo bắn rát quá, không ngủ được, bèn gọi tốp trinh sát pháo tới, chiêu đãi trà Nam Vang, thuốc lá Cotab sợi thả ga. Sau đó lấy bàn đạc và bút tác nghiệp ra, Trung đoàn trưởng vẽ những đường đồ thị Parabon giải thích cho lính trẻ hiểu hưng phấn của đàn ông khác đàn bà như thế nào. Hưng phấn đàn bà lên chầm chậm, ở anh đàn ông vọt lên nhanh, phải quay ma-ni-ven từ từ thôi, làm sao cho đỉnh điểm hai đường Parabon trùng nhau, cô vợ mới đạt tuyệt đỉnh khoái cảm, mới nhẹ nhàng bước vào giấc điệp mơ màng. Đám trinh sát vỗ tay sung sướng, la rầm rầm, thủ trưởng có ba cô con gái, hãy nhắn các cô, chờ ngày chiến thắng, nếu còn sống trở về, chúng con nhất định sẽ trở thành những đứa con rể lý tưởng của bố. Chuyện buổi tối vui ở đài quan sát ấy không hiểu sao đến tai cấp trên. Vị Trung đoàn trưởng Pháo cũng phải viết bản kiểm điểm gửi lên Phòng Chính trị Mặt trận.
Những đêm mùa mưa đói mòn đói mỏi, không ngủ được, thức dậy gầy lửa, đặt cóng nước lên bếp, nghe nước sôi lóc bóc, lóc bóc cơn đói càng vật vã tợn. Vào những lúc như thế, chỉ kể chuyện về các món bánh đa, bánh đúc, bún riêu cua, bún ốc… Ở quê nhà; chẳng thằng nào hơi sức đâu nhắc tới chuyện Lích chích… Lích chích. Còn những bữa được no cơm, hoặc săn bắn được con thú gì có miếng thịt tươi bỏ miệng… y như rằng chuyện Lích chích… Lích chích bung nở như vắt nhú sau mưa. Nhiều thằng tài bịa đặt. Nhiều đứa kể rất có duyên. Có nút thắt, nút mở, có kịch tính, có khoảng dừng như trong âm nhạc đàng hoàng. Trợn tròn mắt, thót tim, khô đắng cả cổ họng ra mà nghe. Để đêm đó lăn qua lăn lại trên sạp lồ ô. Để sáng sớm hôm sau, thằng nọ lấm lét nhìn thằng kia – mười thằng thì cả mười – tháo màn mang xuống suối giặt. Chả thế mà ở mặt trận chúng tôi lan truyền câu nói sau: “Lính tráng cánh ta đái vào gốc tre, gốc tre cũng mang bầu!”. Khiếp chưa!
Phòng Chính trị Mặt trận chỗ Đại tá Hà dĩ nhiên là đã chú tâm tới chuyện Lích chích… Lích chích. Nhỡ quá tưởng tượng, quá thèm muốn Lích chích, lính đảo ngũ, trốn lẩn về Bắc thì sao? Số chiến sỹ “B quay” mấy tháng mùa mưa năm nay tăng vọt lên. Lý do gì đây? Không chừng vì thèm Lích chích? Tai hại nhỡn tiền của Lích chích là ở chỗ, bị ám ảnh về chuyện này để rồi đêm đêm vòi phun nước của bọn trẻ cứ phun bừa bãi, tứ tung sao? Để sáng hôm sau cậu nào cậu nấy mặt mày xanh rớt, đi đứng run rẩy, giọng nói trở nên yếu ớt, thều thào. Hỏi còn tìm đâu ra sức mà vác gạo, khênh pháo vượt qua các đỉnh Chư Mon ray, Ngọc Tinh tong, Ngọc Biêng… còn sức đâu mà đánh lên tuyến phòng thủ vỏ cứng của địch? Thế là biện pháp, lệnh lạp chống đối, ngăn ngừa Lích chích được nghĩ ra khá kỹ lưỡng, khá công phu và nhiều trường hợp cũng khá… quái đản.
Bộ phim tài liệu “Một ngày Hà Nội” do Xưởng phim quân đội quay, đã được Tổng cục Chính trị duyệt kỹ. Trong phim có cảnh một nữ tự vệ trẻ Hà Nội kéo khẩu súng trung liên lên gác thượng khu Cao-Xà-Lá(1) nhắm bắn máy bay Mỹ. Cô gái xinh tươi kia có cặp “Gờ-La-Vu” kích cỡ hơi bất bình thường. Đã thế, anh quay phim còn quỳ xuống, ngước ống kính lên quay nhằm ca ngợi khí phách hiên ngang của người Hà Nội thời chống Mỹ. Lính tráng xem đoạn phim này sẽ ra sao đây? Duyệt phim, Phòng Chính trị quyết định cắt bỏ ngay cảnh này. Tại sao khi Đội văn nghệ Mặt trận diễn vở múa hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” cứ đến khúc các em gái Tây Nguyên nhún nhẩy đâm chày tay vào cối gạo, lính tráng đang xem bỗng đứt phắt dậy vung tay khuỳnh chân gào lên: “… Người Bombo sẵn có cối chày to”? Lệnh: xà rông của nữ diễn viên phải may rộng hơn, không được bó sát người. Khi làm động tác giã gạo chày tay phải giảm năm mươi phần trăm động tác đẩy mông ra phía sau, ưỡn “của ấy” về phía trước.
Mùa hạ năm 1970, lần đầu tiên lính Bắc Kontum chiếm được thị trấn Tân Cảnh. Chị em gái điếm Sài Gòn không kịp chạy về Pleiku. Nghe đâu số chị em mắc bệnh lậu, bệnh giang mai không được quan hệ với đàn ông là ngứa ngáy, khó chịu lắm, bệnh nặng lên liền. Lính ta từ trong rừng ùa ra, ào ngay vào đám chị em quần chẽn phô bắp chân trần căng tròn; áo pul để hở cả lỗ rốn rất sâu, mảng bụng trắng hêu hếu. Sau một hai tuần, Ban quân y báo cáo ở các đơn vị đã xuất hiện căn bệnh xưa nay chưa từng có: vỡ ống khói. Phòng Chính trị phối hợp với Viện 211 thiết lập ngay một Nhà hát… Phẫu thuật. Lính tráng đặt tên vậy quả không ngoa! Một căn hầm rộng được công binh thiết kế gấp, từ dưới cao dần lên, vây bọc bốn phía là những hàng bậc đất, có lát những khúc lồ ô chẻ đôi, úp sấp mặt làm ghế ngồi cho khán giả. Phía dưới cùng là bàn mổ, chiếu sáng bằng mấy bóng điện đi-na-mô xe đạp. Mỗi trung đội được cử một chiến sỹ tới Nhà hát. Quang cảnh chiều hôm ấy hệt giống những sân khấu thời Hy-La cổ đại – đám lính Hà Nội nói thế. Đèn sáng được chừng mươi phút, một tốp người áo trắng khênh một chú lính trẻ đặt lên bàn mổ. “Con mồi” còn chưa biết chuyện gì sẽ xẩy tới, vẫn nhoẻn cười tứ phía chào người xem. Lột truồng. Làm sạch lông lá. Mân mê cho ” thằng bé” ngỏng cứng lên. Và cứ thế, không mê, không tê, dao phẫu thuật bén ngọt bổ của quý ra làm 4 phần, như ta chẻ một cọng rau muống. Càng kêu thét, càng gào khóc càng gây ấn tượng mạnh. Tiếp tới là những panh-sô đẫm thuốc sát trùng I-ốt ngoáy rửa nhiều lần. Tiếp tới là khâu sống lại. Lính tráng có mặt chiều hôm đó tím tái, mồ hôi ướt dọc sống lưng, về tới đơn vị kể lại điều mắt thấy tai nghe giọng còn run run và từ nay xin good bye đám chị em quần chẽn, áo pul nhé!…
Nhưng không phải lúc nào những biện pháp, những lệnh lạp chống Lích chích cũng hiệu quả. Chuyện dưới đây xẩy ra vào những ngày sau Tết âm lịch năm 1972, trước khi đại quân nổ súng đánh chiếm thành phố Kontum. Sáng hôm ấy, một chiếc máy bay L.19 lượn nhiều vòng trên những cánh rừng các đơn vị đang ém quân, phụt ra phía đuôi những đàn bươm bướm trắng lóa. Lại truyền đơn bốn gã Việt cộng trèo không gẫy cây đu đủ đây mà!! Lại những lời chiêu hồi gợi lính ta nhớ miền Bắc với câu thơ đại loại “những nàng thiếu nữ khăn to hó. Môi quết trầu thơm, mắt ngóng ai?’ chứ gì! Ngồi ru rú ở Sài Gòn, mấy cha nội tâm lý chiến ăn đồ Mỹ, hưởng lương Mỹ cho béo mầm mà sao quan liêu, thiếu thực tế miền Bắc, ngu cách chi là ngu! Ô, nhưng vừa nhặt sấp truyền đơn lên tay, lính tráng đã trố mắt sững sờ: cả một sấp ảnh mầu thật đẹp, thật rực rỡ chụp các cô gái Mỹ trần truồng phô đùi, phô ngực, phô mông… mà sau này chúng tôi mới hay tên gọi là tạp chí “Playboy”. Truyền tay nhau xem, kháo nhau xem. Xem dấu diếm. Xem kín hở. Lưỡi bỗng khô, miệng bỗng đắng, khí huyết trong người bỗng chạy rần rần… rần rần. Quả là hy hữu tâm lý Mỹ mới chơi một quả “độc” như thế này. Dĩ nhiên là xem xong, ngay tối ấy các vòi phun nước hoạt động ráo riết. Chỉ qua một, hai đêm dáng lính đi lại đã có phần khật khừ, liêu xiêu. Sang ngày thứ ba, chuông điện thoại bắt đầu réo vang. Mặt trận gọi xuống các Sư đoàn. Các Sư gọi xuống các Trung đoàn. Từ các Trung đoàn lệnh truyền gấp xuống các Tiểu đoàn, các Đại đội, các Trung đội: Cho thu gom gấp và ném vào lửa hết. Chập ấy tôi đã là phóng viên tờ báo “Quân Giải phóng” của Cánh Bắc Kontum và đúng chiều hôm thu gom để thiêu hủy tạp chí Mỹ, tôi đang đi theo một đại đội chủ công sẽ đánh chiếm cứ điểm vỏ cứng ở Kleng, mở lối cho các cánh quân phía Tây vượt sông Poko, đánh chiếm thành phố Kontum. Đống lửa được đốt lên dưới một căn hầm dã chiến. Những gương mặt lính thân quen lắc đầu cười, miễn cưỡng móc trong ngực, từ chiếc bòng đeo phía sau lưng ra những cuốn “Playboy” ném vào ngọn lửa. Lưỡi lửa lem lém cháy dần những mớ tóc vàng, những cánh tay, những eo lưng nuột nà trên thân hình đầy hấp dẫn của các cô gái Mỹ. Khi ông chính trị viên vừa đi sang kiểm tra ở trung đội khác, nhanh như chớp, không ai bảo ai, các chàng lính giấu kín những bi đông, những can nhựa, những ống lồ ô đựng nước từ bao giờ liền lao vội tới, xối nước dập lửa, mau tay giành lại những mảnh “Playboy” đang cháy. Tối hôm sau đại đội cường tập đánh căn cứ Kleng, cả hy sinh lẫn bị thương chiếm già nửa quân số. Tôi đã được các phóng viên đàn anh tập cho thói quen, sau mỗi trận đánh nhất thiết phải đi theo nhóm kiểm nghiệm tư trang của người hy sinh để gói bọc, đánh số gửi về cho cha mẹ anh em. Làm thế để mình nhớ lại tên tuổi, gương mặt của từng chiến hữu đã ngã xuống; để ngòi bút không lạnh giá, vô cảm dù chỉ viết một bài tường thuật trận đánh dăm ba trăm chữ. Những chiếc ba lô lính được đưa từ trên giá tre nứa xuống, được mở nắp ra. Tài sản của người lính để lại nào có gì đâu: bộ quân phục mới xỏ tay hai, ba lần; một cuộn dây quai dép dự phòng, một thanh gỗ thơm để vót thành đôi đũa ăn, tệp thư của người thân từ quê Bắc gửi vào, hay cuốn sổ chép bài hát. Tất tật chỉ có thế! Và kẹp giữa những tệp thư, những cuốn sổ chép bài hát là hình ảnh một bờ vai, một cặp đùi hoặc một bờ mông của nhũng cô gái Mỹ bị lửa ăn nham nhở…
Dịp Tết Dương lịch năm 2001 – cũng cách nay đã gần 10 năm, tôi tình cờ ngồi với một nhóm những trí thức Việt kiều từ Mỹ mới về nước tại một quán cà phê gần chợ Bến Thành. Câu chuyện trao đổi xoay về chủ đề quen thuộc: nguyên nhân gì khiến Mỹ và chính quyền Sài Gòn thua và Việt cộng thắng vào mùa xuân năm 1975. Cuộc trao qua đổi lại khá vui vẻ, thẳng thắn, chân thành. Gần cuối buổi, bỗng một câu hỏi tình cờ bật ra: Các cán bộ, binh sĩ Quân giải phóng sống ở rừng, xa vợ con suốt 7, 8 năm đã giải quyết nhu cầu sinh lý (tức chuyện Lích chích đây mà!) ra sao, phía bên ấy có gái điếm không? Tôi khăng khăng bảo vệ điều đã là chứng nhân, đã trải qua. Nếu tin vào lời ông Việt cộng này nói, nếu điều đó là sự thật, dễ thường các ông là người gỗ, các ông vô cảm hoặc là những tín đồ theo đạo khổ hạnh? Lại cũng đã có lời dị nghị phía bên các ông cho lính trẻ uống thuốc diệt dục trước khi họ vào chiến trường, v.v. Tôi không gắng gỏi thanh minh, không muốn biện giải làm gì. Buồn quá! Buồn muốn trào nước mắt quá! Chả lẽ các đồng đội chết trẻ của tôi lại chịu oan uổng thế sao? Anh em tội tình gì mà chịu thiệt đơn thiệt kép đến như vậy? Tôi chỉ còn biết báu víu vào câu chuyện về trường hợp Mỹ thả truyền đơn “Playboy” năm nào để kể cho các bạn Việt kiều nghe. Câu chuyện vừa ngưng, bàn cà phê bỗng im phắc. Có một chị Việt kiều vẫy tay gọi nhân viên nhà hàng tới yêu cầu giảm nhẹ tiếng nhạc, vặn bớt ánh sáng đèn…
Khi rời quán cà phê cũng không ai nói thêm lời nào. Lúc đi ngang qua tôi, từng bạn Việt kiều nắm lấy bàn tay tôi lắc lắc…

Bốn câu chuyện lạ trong gia đình một người lính
Chuyện lạ thứ 1
Đến thành phố Biên Hoà, ghé thăm ngôi nhà của đại tá Lê Bá Ước, nguyên Chính ủy kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 10 bộ đội đặc công nước rừng Sác thời chống Mỹ và bà Thân Thị Tuyết Vân, vợ ông – cũng là một cựu binh rừng Sác, thắp một nén nhang lên bàn thờ tổ tiên của gia chủ, bạn sẽ phát hiện ra một điều lạ.
Tít trên cao nơi kệ thờ là ảnh Hồ Chủ tịch, kế tới ảnh ông bà nội ngoại, ở hàng thứ 3 có ảnh 2 liệt sĩ rừng Sác: Nguyễn Kim Mến, quân y sĩ, hy sinh năm 1971, là người vợ đầu của đại tá Lê Bá Ước; Phạm Như Tiếp, cán bộ đại đội, hy sinh năm 1972, là người chồng đầu của bà Thân Thị Tuyết Vân.
Ra thăm khu nghĩa trang liệt sĩ thành phố, bạn sẽ còn gặp điều lạ hơn: ngôi mộ của liệt sĩ Phạm Kế Tiếp nằm cạnh ngôi mộ của liệt sĩ Nguyễn Kim Mến. Hình như đoán được câu hỏi trong mắt tôi, bà Vân nói luôn:
– Thời còn ở rừng Sác chị Mến bên quân y, tôi bên hậu cần. Anh Tiếp chồng trước của tôi là cánh tay mặt của ông Ước. Chúng tôi không chỉ là đồng đội, đồng chí của nhau mà còn thân thiết, nương tựa vào nhau như trong một gia đình.
Đại tá Ước tiếp lời bà Vân:
– Ấy nhưng khi đưa mộ Mến, Tiếp về khu nghĩa trang Biên Hoà, sắp đặt hai ngôi mộ ra sao, tôi và bà Vân phải lấy ý kiến của từng đứa con. May sao sắp nhỏ nhất trí liền.
“Sắp nhỏ” đây là 9 người con – 2 gái, 7 trai đều đã bước qua tuổi phương trưởng, cùng đông đúc dâu rể, nội ngoại. 9 người con ấy – như lời đại tá Ước nói vui, thuộc 3 kênh VTV1, VTV2, VTV3, hay thường được gọi là con anh, con tôi, con chúng ta.
VTV1 gồm Hương, Hùng, Thắng – là kết quả cuộc hôn nhân lần 1 giữa đại tá Ước và quân y sĩ Kim Mến. VTV2 gồm Lê Phạm Thúy, Lê Phạm Hải, Lê Phạm Dũng – kết quả cuộc hôn nhân giữa đại đội trưởng Tiếp và bà Vân. Bà Mến, ông Tiếp hy sinh, ông Ước bà Vân “tác hợp” với nhau sinh thêm Lê Bá Thành, Lê Bá Công và Lê Bá Long.
Trong gia đình này, đã từ lâu cứ theo tuổi tác mà gọi tên Hai Hương, Ba Dũng, Tư Thúy, Năm Hải, Năm Thắng… Quy củ, trật tự ấy đến lượt các chàng rể, các nàng dâu, và đám nội ngoại cứ thế phăm phắp tuân thủ.

Chuyện lạ thứ 2
Bà Nguyễn Kim Mến và ông Lê Bá Ước đều là bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc, làm lễ cưới ở Hà Nội. Khi Hương mới lên 4 và Hùng mới được 2 tuổi thì ông Ước vượt Trường Sơn trở về với rừng Sác. 3 năm sau, gửi lại 2 con nhỏ nhờ bà cô trông coi, chị Kim Mến vào Nam với chồng.
Bác sĩ Kim Hương không cầm được nước mắt khi nhớ lại cuộc chia tay với mẹ: “Tôi còn nhớ rõ gia đình có làm bữa cơm để tiễn đưa mẹ tôi. Em Hùng còn nhỏ quá không biết gì. Mẹ con, bà cháu tôi cứ giục nhau ăn nhưng nước mắt ròng ròng không ai có thể nuốt nổi. Năm ấy tôi đã 7 tuổi nên tôi nhớ mọi điều rành rõ như đang xảy ra trước mắt: mẹ tôi vận bộ đồ bà ba, tư trang cá nhân xếp cả trong chiếc ba lô cóc. Trên xe lên vùng tập trung trên Lập Thạch (Vĩnh Phú) mẹ tôi không khóc nữa mà đưa tay vuốt ve mớ tóc, gương mặt, bờ vai tôi rồi tới em Hùng. Mẹ bảo hai chị em tôi, mẹ đi xa phải nghe lời bà, nghe lời thầy cô, học cho giỏi. Mẹ hứa sẽ nhanh chóng trở về với chúng tôi… Thư trong Nam ra Bắc có khi nửa năm, có khi hơn năm mới được một lá. Ở Hà Nội cứ vào giờ tan lớp buổi chiều, nhìn cha mẹ các bạn khác đến đón con họ hoặc đi qua những ngôi nhà gia đình tụ họp vào bữa cơm tối, hai chị em tôi nhớ bố, nhớ mẹ mà dầm dề nước mắt. Mẹ tôi hy sinh, mãi hai năm sau tin mới ra tới Hà Nội”.
Vào tới chiến trường, bà Mến trở thành quân y sĩ tại Trung đoàn 10 do ông Ước chỉ huy. Gian khổ, ác liệt nhưng vợ chồng luôn bên nhau cũng đỡ. Năm 1969 ông bà sinh Lê Toàn Thắng đúng vào những ngày tháng khó khăn, quyết liệt sau Tết Mậu Thân năm 1968, Thắng mới 12 ngày tuổi, bà Mến đã phải ẵm con gửi cơ sở nuôi giùm. Cũng đã có quyết định điều bà lên R tập huấn lớp quân y dài ngày, nhưng bà còn nấn ná ở lại vì không muốn xa ông vào thời điểm cam go ấy. Ba tháng sau Toàn Thắng đã cứng cáp, mập mạp, gia đình cơ sở chụp hình gửi vào rừng Sác cho bà Mến mừng. Ảnh chưa tới, trong một trận địch càn vào rừng Sác, bà Mến trúng đạn, không kịp trăn trối điều gì với chồng, với con…
Nhìn tấm ảnh bà Mến trên bàn thờ gia đình ông Ước, tôi thầm hỏi, liệu trước lúc ngã xuống, người mẹ kia muốn nhắn gửi điều gì cho những đứa con còn quá nhỏ dại cả ở ngoài Bắc lẫn trong Nam?

Chuyện lạ thứ 3
Khi chiến đấu ở rừng Sác, bà Vân và ông Tiếp – chồng bà, gửi đứa con lớn là Thúy về cho bà ngoại nuôi, còn đứa con trai bà phải gửi cơ sở nuôi hộ. Đêm ngày 18 tháng 5 năm 1972, bà Vân trở dạ đúng lúc chồng bà nhận nhiệm vụ đưa anh em đi đánh tàu. Sáng 19 tháng 5, bà Vân sinh Dũng, cậu con trai, cũng là thời khắc ông Tiếp hy sinh, nhưng đơn vị giấu không cho bà Vân biết, lo ảnh hưởng tới sức khỏe sản phụ. Năm ấy bà Vân 26 tuổi.
Người đàn bà này bây giờ hạnh phúc sống giữa bày cháu con, dâu rể, nội ngoại nhưng bà cũng dễ mủi lòng mỗi khi nhắc tới những tháng năm chiến tranh.
Bà Tuyết Vân tâm sự, bà đi tới hôn nhân lần hai với ông Ước một phần là do anh em trong đơn vị Đặc công vun vào. Anh em có lý khi nói rằng, chỉ những ai trải qua sống chết ở rừng Sác mới thực lòng thương yêu, cưu mang đám con cái các chiến sĩ rừng Sác. Cái lý, cái tình là như thế, lại còn thêm lý do khác: hai gia đình ông Ước bà Vân đã quá gần gụi, thân tình với nhau, cái lỗ hổng kẻ mất vợ, người mất chồng, dễ ai khác có thể bù đắp được?
Bà Tuyết Vân kể, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, giữa làn sóng di tản ra nước ngoài, ông Ước và bà đã thực hiện một công việc ngược lại: đi gom đàn con từ khắp mọi nơi về sống dưới một mái nhà. Ông Ước ra Hà Nội đón Hương, Hùng. Trở vào, ông bà đáp xe đò đến các gia đình cơ sở đón Thúy, Hải, Thắng, Dũng. Có gia đình nuôi con ông bà lâu quá rồi, nay thành bịn rịn, không muốn trả, phải nài nỉ, thương lượng cả tháng trời mới xong.
Hai cô gái lớn thì Hương mới 13 tuổi, Thúy mới lên 7, phía sau lưng còn lít nhít cả một lũ em 5, 6 tuổi. Lương của ông Ước là bao nhiêu, đồng tiền phụ cấp thương tật của bà bao nhiêu ai mà chẳng rõ. Ông Ước lại ra Hà Nội học tại Học viện quân sự dài ngày. Một mình bà Vân tần tảo, xở xoay, nuôi lợn, nuôi gà, nhận may gia công. Chả bao lâu đến lượt Hương, Dũng nhập ngũ theo cha sang chiến đấu ở Campuchia. Kiếm được đủ hai bữa cơm là may, lũ trẻ đến trường buổi sáng với cái bụng rỗng là chuyện bình thường.
Lựa lúc bà Tuyết Vân thanh thản, vui vẻ tôi hỏi bà bí quyết gì khiến bà không mắc vào sự thiên tư, nghiêng bên này, ngả bên kia một chút, để từng ấy đứa con đều coi bà thực sự là mẹ ruột, bà Vân cười mà hai giọt mắt bỗng lăn trên gò má: “Nói thật anh đừng cười, thử hỏi con Thúy, thằng Hải, thằng Dũng là 3 đứa tôi và anh Tiếp đẻ ra có bao nhiêu ngày sống với bố mẹ, được bố mẹ chăm nom? Ngày mới đón về chúng cũng xa lạ với tôi hệt như đám con của anh Ước và chị Mến xa lạ với ba chúng. Thành thử sao riêng tây được, khi chúng đều là con của những người lính, số phận đám trẻ này y hệt như số phận của đám trẻ kia”.

Chuyện lạ thứ 4
Chín người con của ông Ước bà Vân hiện nay như hình ảnh của một xã hội thu nhỏ. Có người làm bác sĩ, có người đã ra ngoài biên chế nhà nước, góp vốn làm ăn riêng, có ngư dân, có thợ sửa chữa đồ điện gia dụng, có cảnh sát, có sinh viên. Điều mà lân bang, xóm giềng thường ngợi ca hơn thế là cái tình, cái nghĩa, cái cung cách đám anh chị em cùng dâu rể ăn ở, đối xử với nhau.
Ông đại tá lưu ý tôi điều này: Cả chín người con ông bà không một ai ra nước ngoài đi học hay xuất cảnh lao động. Ông nói với tôi, với lý lịch của một gia đình 4 quân nhân, 2 liệt sĩ, lại có mối bang giao rộng, ông bà có thể xin cho cô này cậu kia lên đường xuất ngoại. Nhưng ông bà đều chung một tâm nguyện, vì chiến tranh đám trẻ đã chịu thiệt thòi sống xa cha mẹ, xa nhau quá lâu ngày rồi, nay đi xa nữa chúng dễ thành… người thiên hạ!
Bố mẹ nghèo, con đông nhưng ông Ước và bà Vân cũng đã đạt tới cái đích tự vạch ra: tạo điều kiện cho cả 9 người con tốt nghiệp phổ thông trung học. Còn cô cậu nào vượt xa, vươn cao hơn nữa ông bà rất hoan nghênh. Gia đình ông bà nay đã có cả bác sĩ, kỹ sư và sinh viên chưa ra trường.
Bộ đội đặc công nước rừng Sác đã làm điên đầu bộ máy chỉ đạo chiến tranh của Mỹ-Ngụy bởi những trận pháo kích kho xăng Nhà Bè, kho đạn ở Thành Tuy Hạ, khống chế tàu thuyền tiếp tế vũ khí, đạn dược của địch trên khúc sông nối giữa biển Vũng Tàu và Cảng Sài Gòn… Nơi đứng chân của Trung đoàn 10 là những cánh rừng đước ở vùng Cần Giờ – cách Sài Gòn một tiếng xe chạy, ấy thế mà kẻ thù không cách gì nhổ bật được lực lượng đặc công nước khỏi nơi này.
Nhưng cũng đã có hơn 800 cán bộ, chiến sĩ bộ đội rừng Sác anh dũng hy sinh. Trong ngôi nhà của ông Ước, bà Vân tại Biên Hòa dành hẳn một góc để lập bàn thờ hương khói đều đặn cho 800 liệt sĩ ấy. Suốt mấy chục năm sau chiến tranh, dù đang công tác hay đã nghỉ hưu, ông Ước đều dành hết tâm huyết và thời gian để nuôi giữ cho thật bền lâu mối kết bện thâm tình giữa các đồng đội năm xưa với nhau. Ông đi thăm hỏi những người đau bệnh. Ông đứng ra tổ chức phúng điếu, ma chay cho người chết. Ông dẫn đầu những đoàn truy tập hài cốt liệt sĩ. Đại tá Ước còn góp nhiều công sức, tâm lực, mồ hôi cố vấn cho hàng chục bộ phim, vở dựng; viết sách hồi ký, lập khu di tích căn cứ Trung đoàn 10 tại Khu du lịch sinh thái Cần Giờ; kêu gọi mọi người góp công góp sức xây dựng Khu tưởng niệm bộ đội đặc công nước rừng Sác ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai…
Qua năm 2010 tới đây, đại tá Lê Bá Ước sẽ bước sang tuổi tám mươi. Tuy không nói ra, nhưng mấy năm nay, thỉnh thoảng qua lại thăm ông, tôi nhận ra dáng đi, nuớc bước của ông đã trở nên chậm chạp, thận trọng; ánh mắt của ông bớt đi vẻ sắc sảo, tinh nhanh, giọng nói đã run run…
Một đêm khuya lắm ngồi lai rai trong khu vườn nhà ông, nghe có ai đó khen ông vì tất cả những gì ông đại tá đã làm để Trung đoàn 10 còn lưu đọng trong ký ức mọi người, ông Ước ắng lặng hồi lâu, sau thủng thẳng:
– Những việc ấy tôi không làm thì cũng có anh em khác đứng ra đảm trách. Điều về già nghiệm ra, mà cũng là điều tôi mừng nhất chính là ở chỗ mình đã gây dựng được một đại gia đình êm ấm, con cái biết yêu thương cha mẹ, chăm nom nhường nhịn nhau và nói chung là đều nên người. Các ông thử tưởng tượng xem, nếu chúng xì ke, tiêm chích, lêu lỏng, vô giáo dục, khinh thường cha mẹ, thử hỏi tôi và bà Vân có nhồi ấn những chuyện chiến đấu hào hùng của bộ đội rừng Sác vào đầu chúng thì cũng là chuyện nước đổ đầu vịt mà thôi!

T.H

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder