Nhân nhìn lại những tác phẩm tôi viết về Giao Thông Vận Tải…
Trong số các tác phẩm tôi đã viết hình thành khá rõ những mảng. Nếu về đề tài thì có thể lựa ra những mảng về nông thôn ( chỉ tính riêng tiểu thuyết và truyện vừa tôi có Vết xoáy trước ngực làng, dòng sông màu máu vẫn chẩy. Người đàn bà quỷ ám. Con Ngố. làng êm ả ven sông.Tây tây ta ta ….)về thành thị ( có tình nhân. Lặng lẽ cuối cùng.Tôi bán mình. Bốn bước đến chân trời, trái tim nhiều mầu…). Về giao thông vận tài ( có bụi đường. Quá cảnh. Biển toàn là nước.Tàu hoang…). Về thể loại hài ( có những mảnh trần gian. Tây tây ta ta). Về huyền thoại cổ sử ( có Chuyện tình người điên)về quân đội ( có xử bắn) …
Bài viết này tôi chỉ khoanh mảng đề tài giao thông vận tải. Chính từ đề tài mặc dù là trong lĩnh vực văn chương này nhưng dường như nó có khả năng mang tải nhất những vấn đề về tuyên truyền- một đặc trưng mà nền văn học hiện đại nước ta rất tôn trọng một cách điển hình dưới khẩu hiệu đã thành sáo ngữ và thô thiển ”văn học phục vụ chính trị”. Những với tôi- một nhà báo đã có thâm niên qua 39 năm theo dõi ngành GTVT, trải qua 9 đời bộ trưởng, từ thời còn nghẹt thở trong cơ chế bao cấp đến thời hỗn mang, phức tạp của kinh tế thị trường- nên có thể coi là một nhà văn am hiểu tường tận những ngóc ngách của ngành kinh tế quốc dân quan trọng này.
Tôi viết tiểu thuyết “bụi đường” vào những năm giữa thập niên 80 của thế kỉ 20. Khi đất nước ta đang ngột ngạt giữa vòng vây kiềm tỏa của cơ chế bao cấp. Đời sống từ người dân đến cán bộ, công nhân viên chức cực kì khó khăn. Trong một chuyến đi dự lễ khởi công con đường bê tông dài 30 cây số từ Bắc Cạn kéo ra biên giới Việt Trung do Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên hồi đó là Bộ trưởng bộ GTVT chủ trì. Dù đi làm báo nhưng với nhãn quan của một nhà văn tôi đã có cái nhìn toàn diện, vượt qua mọi sự tuyên truyền bề nổi về tinh thần vượt khó của những công nhân làm đường, tinh thần chấp hành kỉ luật của lái xe đường dài trong các công ty, xí nghiệp vận tải ô tô hồi đó, tôi đã nhận ra, và nhìn thấy rõ mồn một cuộc sống thiếu thốn toàn diện từ vật chất đến tinh thần của những đội làm đường cả gái lẫn trai giữa rừng núi heo hút. Nhìn thấy thực trạng buôn lậu thành dây thành dợ của cánh lái xe đường dài và cả sự lừa gạt ái tình của đám lái xe này đối với những cô gái làm đường đa số từ thôn quê đang độ thanh xuân chịu chôn vùi tuổi thanh xuân nơi rừng xanh núi đỏ. Nguyên bản thảo tiểu thuyết bụi đường có thể nói phản ảnh trực diện, khá trung thành cuộc sống của anh lái xe và chị làm đường với những đau khổ, tội lỗi và cả những bi kịch của họ trong guồng quay khắc nghiệt của cuộc sống. Tôi còn nhớ anh chị em nhà xuất bản rất mê bản thảo này nhưng khi in ra thì tất cả những mảng hiện thực trần trụi nhất bị biên tập viên nhà văn Nguyễn Thế Hội cắt sạch với lời giải thích “cắt thế mới in được”. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn tiếc đến quắt lòng hai chương” đêm Hạ Long” kể về sự buôn lậu của anh lái xe đường dài và sự làm ăn với cô gái điếm tỉnh than. Hai chương đó xét về nhãn quan chính trị thì không hề động chạm gì đến chính thể ngoài sự mô tả sự cùng cực đến đốn mạt của hai hạng người một dưới đáy, một vật lộn đến tàn nhẫn để sống và làm giầu trong một chính thể luôn được ca ngợi là ưu việt cho cuộc sống mỗi con người . Đó là chưa kể vị biên tập viên này còn cắt sạch những dòng văn mà chỉ có nó mới lột tả được trạng huồng, tính cách nhân vật, nhưng lại bị né tránh, gạt bỏ khi gán cho nó hai từ “tế nhị, nhậy cảm”
Mặc dù bị cắt nhiều chương, đoạn rất văn chương đó nhưng thực tế của bụi đường mô tả đậm đặc chất GTVT nên nó đã đoạt giải nhất cuộc vận dộng sáng tác về đề tài GTVT lần thứ 2. Sau thành công này, vào năm 1986 ông Bùi Quang Tựu Cục trưởng Cục Vận tải ô tô dạo đó mời tôi đến đặt tôi viết cuốn tiểu thuyết về lái xe quá cảnh. Sau lời đề nghị này tôi đến đặt vấn đề với NXB Hà Nội và NXB đã cử nhà văn Hà Ân phụ trách bản thảo của tôi để có thể giúp tôi hoàn thiện và có điều kiện in tiểu thuyết này. Vậy là tôi và Hà Ân hai anh em có điều kiện được Xí nghiệp 6 ( đóng tại Hòa Khánh- Đà Nẵng) cho xâm nhập thực tế. Từ bãi xe quá cảnh tập trung nơi một thung lũng ở Đông Hà cho đến Sê Pôn, Đồng Hến, Sà Vằn thủ phủ của tỉnh Sa pha na khét( Lào). Riêng tôi từng có thời gian ở hai, ba tháng với anh em lái xe cùng ăn, cùng ngủ, cùng ngồi trên ca bin xe từ Hòa Khánh ra Đông Hà đến thành phố Đà Nẵng. Nhiều lần chứng kiến giám đốc công ty cầm súng đi săn thỏ ở những bụi rậm bãi xe Đồng Hà hay vợ lái xe quấn quanh bụng mình những chiếc áo phông, quần bò Thái, mang thuốc chống bệnh lậu đề xa mê ta jôn, rồi những trưa nắng hè đỏ lửa trên đèo cửa khẩu Lao Bảo khi anh hải quan bắt tài xế quá cảnh dỡ từng phiến đá thạch cao để tìm hàng lậu. Rồi những chuyến xe quá cảnh từ Lào về, dân con buôn đa phần là những kẻ giao, cho vay vốn lái xe quá cảnh ra ăn hàng là quẩn bò, thuốc lá a A lào, dép tông, áo phông, xi lip, xu chiêng Thái…Chứng kiến và nghe kể những tối ăn chơi nổ trời của lái xe quá cảnh, những mỗi liên hệ lạ kì của gái điếm và tài xế …Tất nhiên vì sự phản ảnh trung thực hiện thực nghiêt ngã của quá cảnh nên ông Cục Trưởng đã không thể cho in cuốn tiểu thuyết “ghê gớm” đó làm tặng phẩm kỉ niệm 40 năm này thành lập ngành vận tải ô tô trung ương. Nhà XB Hà Nội cũng lắc đầu. Vậy là với hai lời từ chối, tiểu thuyết quá cảnh tôi hoàn thành vào năm 1988 chỉ là bản thảo. Số phận của nó trôi rất long đong qua các NXB mặc dù thời gian 1988, 89 là giai đoạn đầu ngành XB đang mở cửa. Mãi đến năm 91, 92 nhà thơ Bùi Việt Phong phóng viên báo Lao động thường trú ở TPHCM đưa xuống nhà xuất bản Tiền Giang. Tiểu thuyết Quá cảnh sau khi in ra, hình như nhà văn Đà Linh nói lại là ở Đà Nẵng có ngày nó bán được tới hơn 400 cuốn, NXB phải nối bản. Nhưng tác giả của nó lại không được một xu nhuận bút và cả sách biếu. Tình cờ trong chuyến công tác ở Hải Phòng, nhà văn Phong Thu khi vào hiệu sách thấy bán. Mặc dù tên tác giả in là NGUYỄN HIẾN nhưng ông vẫn mua về và tặng tôi.Ông bảo”khi anh đọc đầu đề và nhìn tên tác giả anh nghi cuốn này là của chú.Quả đúng vậy”.
Cũng lại sau tiếng vang của bụi đường thì Bộ trưởng Bùi Danh Lưu trong một lần đi công tác cùng nhóm phóng viên chuyên theo dõi ngành đã gợi ý tôi nên đi thực tế trên tàu viễn dương để có thể viết cuốn tiểu thuyết về anh em thủy thủ viễn dương dũng cảm vượt qua bao khó khăn để vận tải hàng mang ngoại tệ về cho nhà nước. Thế là sau thời gian chuẩn bị, vào tháng 4 năm 1992 tôi xách ba lô xuống tàu Điện Biên 01 để thực hiện chuyến thực tế dòng dã nửa năm trời “ăn, ngủ làm việc như thủy thủ viễn dương”. Vậy là thêm một lần tôi được nhìn tận mắt, cảm thấy đến từng vị mặn của cuộc đời người thủy thủ viễn dương. Từ bi kịch gia đình khi người bố bằn bặt xa nhà hàng vài tháng trời để mang về , dấu diếm hàng cáy ( hàng dấu hải quan dưới hầm hàng ) chiếc xe Hon đa, xe đạp mi ni Nhật, dàn cát sét, lao thùng, máy giăt, ti vi, chiêc áo phảo, đôi giầy Adidat …từ bãi rác xứ người bãi rác để vợ bán lấy tiền sống và ngoại tình, con hư hỏng. Rồi những lần gặp bão tưởng tàu chìm mất mạng. Rồi những lần thủy thủ viễn dương ăn chơi ở Băng cốc, cảng Công Pông xom, những chuyến lùng hàng giã chân ở bãi rác các thành phố Nhật, kho hàng cũ cảng Pu San Hàn Quốc ….Tất nhiên cuốn tiểu thuyết “biển toàn là nước” tôi viết xong năm 1993 thì từ NXB Giao thông vận tải đến các nhà xuất bản khác đều chối từ. 7 năm sau vào năm 2000, nhà văn Nguyễn Đình Chính trong một lần đến nhà chơi đã cầm nó và cho nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc in. Cũng 10 năm sau thì biển toàn là nước được trao tặng hạng ba tác phẩm viết về công nhân do TLĐLĐVN và HNVVN . Tôi nghe một ông trong ban tổ chức nói” nó dữ quá, chả nhẽ giai câp công nhân lại thế này sao.Nhưng trao giải cho nó vì đề tài viết về loại công nhân này hiếm quá”
Còn cuốn tiều thuyết”tàu hoang” –Mới đầu tôi đặt là tàu ma- cuốn tiểu thuyết thứ tư về đề tài GTVT của tôi được viết trong cuộc vận động “vì bình yên cuộc sống…” lần thứ 3 của Bộ CA và HNVVN tổ chức. Đây là đề tài tôi rất thích vì nếu mô tả chuẩn sẽ thấy rõ một cách điển hình xã hội ta với sự chuyển đổi trong đó có sự tham nhung ở lĩnh vực này. Chính vì thích thú như vậy nên tôi đã viết tàu hoang ở cả bốn thể loại kịch bản sân khấu, kịch bản phim nhựa, truyện ngắn và tiểu thuyết. Mặc dù không nói cụ thể một vụ án nào nhưng tàu hoang dù ở thể loại nào người tiếp xúc nó cũng thấy hình bóng ít nhiều của vụ án Vinashin. Con tàu vận tải Hạnh Phúc mà hãng tàu nước ngoài đã giao bán nó ở loại tàu giải bản khoảng 2 triệu USD, nhưng về đến Việt Nam người ta nâng lên khoảng 24 triệu USD. Sau khi sửa chữa qua loa, sơn lại Hạnh Phúc thực hiện một chuyến vận tải vòng quanh trái đất. Nhưng khi về đền gần lãnh hải VN tầu nhận được lệnh tàu không được vào bến và phải lênh đênh ngoài biển. Lần lượt thủy thủ rời tầu vì tàu hết nhiên liệu và lương thực. Trên tàu chỉ còn thuyền trưởng và thuyền phó. Thuyền trưởng đề nghị thuyền phó về đất liền xin cho tàu Hạnh phúc được vào bờ để bán sắt vụn bằng hai cách cho tàu lai dắt kéo vào, hoặc tiếp nhiên liệu để Hạnh Phúc tự vào bờ. Trong lúc đó những tên bị truy nã trên đất liền vì tội giết người leo lên tàu để trú ẩn, kẻ xấu lên tàu để ăn trộm, ngư dân leo lên tàu để xem và thấy cái gì lấy được thì lấy…Thuyền trưởng ngóng đợi tin thuyền phó, con trai thuyền trưởng ở nhà chứng kiến mẹ mình – vợ thuyền trưởng ngoại tình với em kết nghĩa của chồng ra với bố. Nhờ điện thoại của nó mới biết tàu Hạnh Phúc không được vào bờ mà cứ thả trôi vô định. Thuyền trưởng gào lên trong cơn phẫn uất ”thế tàu Hạnh Phúc này thành tàu ma à”…Cuốn tiểu thuyết được NXBCA in và lọt vào chung kết cuộc thi nhưng không được giải( nói như một vị biên tập lâu năm thì đây là sự bất thường vì ”đã vào chung kết thì chỉ ít cũng có giải”).Tôi không bình luận ý kiến này .
Điểm qua bốn cuốn tiểu thuyết về đề tài GTVT của tôi mới thấy. Nền văn học nước ta với những tác phẩm được xuất bản đúng với thể chế và nó tuân theo quy luật”thể chế nào văn chương ấy”. Nếu để so sánh thì ở mỗi thể loại có sự tác động riêng nhưng với sân khấu thì sự tác động trực giác mạnh hơn và tạo ra chính kiến lớn. Không phải bỗng nhiên các tác phẩm kịch lớn của nhân loại đều là báo hiệu, thông điệp cho sự biến chuyển giai đoạn của xã hội như kịch cùa Xếc xpia, V Huy Gô, Sin lơ…Riêng kịch Văm pi lốp thì càng rõ hơn, cái ngẫu nhiên trong kịch ông thành công và có tác động lớn đến người xem vì nó báo hiệu sự tan rã của thể chế cứng nhắc, tù đọng của xã hội Liên Xô cũ. Tàu hoang của tôi ở dạng tiểu thuyết, truyện ngắn có thể in nhưng lên sân khấu và lên phim thì..hãy đợi đấy.
Xã hội và người đọc đang mong những tác phẩm lớn trong văn học nghệ thuật.
Còn thế nào là tác phẩm lớn ?
Nói ngắn gọn tác phẩm lớn là tác phẩm hội tụ hai yếu tố về nội dung và nghệ thuật khi nó phản ảnh mâu thuẫn lớn, trung tâm của thời đại bằng nghệ thuật siêu việt. Nhưng nền xuất bản, sân khấu và điện ảnh của ta còn chưa chịu được sự khắc nghiệt dữ dội của hiện thực hay nói đúng hơn còn né tránh và cắt gọt hiện thực cho phù hợp với chủ quan thì ….chỉ riêng biện pháp để tạo an toàn đó liệu có giúp cho những tác phẩm lớn ra đời hay không ?.
Quỳnh Mai tháng 8/2015
N.H