Ngày 27/7 năm nay, mạng xã hội có gì? Với ý nghĩ ấy, mở trang FB, ta sẽ gặp vô số những bài viết, hình ảnh của cá nhân chia sẻ về ngày thiêng liêng này. Song có lẽ sôi động nhất vẫn là những người nổi tiếng và đặc biệt hơn là tâm sự của họ được thể hiện bằng thơ.
Ngày 27/7 năm nay, mạng xã hội có gì? Với ý nghĩ ấy, mở trang FB, ta sẽ gặp vô số những bài viết, hình ảnh của cá nhân chia sẻ về ngày thiêng liêng này. Song có lẽ sôi động nhất vẫn là những người nổi tiếng và đặc biệt hơn là tâm sự của họ được thể hiện bằng thơ.
Vanhaiphong.com trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:
TS. LÊ THỊ BÍCH HỒNG:
Sáng nay, con gái dâng lên bàn thờ gia tiên, dâng lên ba đóa sen thanh tao, những bông hồng son thơm ngát.
Ba “đi công tác”- đó là câu nói quen thuộc của mẹ mỗi khi chị em con hỏi khi quá lâu không thấy ba về. “Chuyến công tác” của ba kéo dài suốt từ năm 1968 đến giờ…
Sự vắng mặt của ba tạo ra khoảng trống lớn. Trống vắng. Mẹ và chúng con đều biết phải “cầm lòng vậy, bằng lòng vậy”, chấp nhận “Ngôi nhà không có đàn ông”…
Sau này lớn lên, đọc lén nhật ký của mẹ, con mới thấm hiểu: “Chiến tranh đã cướp đi người thân yêu nhất của tôi. Tôi và các con tôi chỉ sống trong tình thương của tập thể, nhưng thực ra về tình cảm, tôi thấy rất cô đơn”…
Ba là điểm tựa sức mạnh lớn cho con. Mỗi khi lòng bất an, hoang hoải con gái thường về phủ phục trước mộ ba, thắp nén hương, ba như gần lắm, ba nghe được tiếng lòng con, ba tiếp thêm sức mạnh cho con…Con gái được động viên để gồng lên vượt qua giông gió…
Con chắp đôi chữ thành bài thơ tặng ba. Bài thơ đã được đăng tạp chí ba ạ…
ĐƯA CHA VỀ QUÊ NGOẠI
(Kính dâng hương hồn cha nhân ngày 27-7)
Năm con mười tám tuổi
Cùng ông tìm mộ cha
Đón cha về quê ngoại
Miền Kinh Bắc yên hòa
Ôm quanh cha màu cỏ
Bạch đàn xòe bóng che
Như Nguyệt mang mang hát
Khúc sáo diều triền đê
Cha ôm vào lòng quê
Đình Bút bên cầu ngói
Sông Hương trăng rời rợi
Sông Cầu sóng lơ thơ
Làng đón cha về quê
Khói hương… mưa bỗng tạnh
Trời cao hâng hẩng nắng
Cha hiện giữa mây hồng…
Canh hát anh Cả trông
Đợi chị Hai vào hội
Lạc Thiên Thai vời vợi
Mớ bảy, ba xênh xang.
Cha vẫn tuổi đôi mươi
Giọng Huế chừ…ngọt lạ
Vòm trời xanh là lá
Áo đồng đội giăng giăng
Cha hòa vào đất quê
Nồng nàn thơm hương huệ
Lúa lên đòng như gọi
Dâng hương. Ôi! Cha về.
L.T.B.H
NHÀ THƠ NGUYỄN THỊ HỒNG NGÁT:
Nhân 27/7 mình post bài thơ viết về Quảng Trị. Quảng Trị bé nhỏ mà có những…72 nghĩa trang. Một con số khiến ta giật mình. 72 nghĩa trang có nghĩa là bao nhiêu liệt sĩ đã nằm xuống nơi đây???
Những ngày quay bộ phim Những đứa con của làng tại nơi này… biết bao nhiêu là cảm xúc….
QUẢNG TRỊ
Ôi xứ Quảng
Ai vô trong nớ…
Mình đã vô mình nhớ ta chăng
Một vùng đất đạn bom cày xé
72 nghĩa trang còn đó chập chùng
Đây nghĩa trang Trường Sơn
Kia nghĩa trang Đường 9
Ôi đường 9 ngày hôm nay thật mịn
Xe đi như trôi về Lao Bảo nhẹ nhàng
Xin ở lại bên dòng Đakrong
Nước trong xanh bốn mùa uốn khúc
Dồn nhớ thương bốn mùa rạo rực
Đổ vào sông Thạch Hãn bạn ta nằm(1)
Những cái tên một thuở hào hùng
Kia Cồn Tiên và đây Dốc Miếu
Khe Sanh, Cam Lộ, Đầu Mầu
Không thể quên những ngày giặc giã…
Những con đường mở ra trăm ngả
Chi chít hố bom ta đã lấp từ lâu
Mìn thỉnh thoảng vẫn còn đâu đó
Khiến chân ta bước đặng bước dừng
Ôi đất Quảng gió Lào khắc nghiệt
Nắng như thiêu và gió cũng như thiêu
Quất rát mặt nhưng ta không vì thế
Mà bớt yêu đất Quảng ít nhiều
Đã gắn bó và yêu thương Quảng Trị
Nề hà chi một chuyến Hoa Hồng
12 tiếng xe giường nằm nhẹ nhõm
Ta lại vào chia sẻ với Đakrong
Ôi đất Quảng ta đã vô trong nớ
Một đêm nằm một năm ở quí sao
Nhớ đất Quảng từng bữa ăn nhịp thở
Mỗi lần qua ta ngả mũ kính chào.
Đakrong những ngày tháng 7/ 2014
________
(1) thơ Lê Bá Dương ” Thuyền xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Dưới sông còn đó bạn tôi nằm”
Cùng mọi người tại trường quay nghĩa địa làng ở Dakrong hè 2014. DV Thúy Hằng (vai Bưởi) nghỉ trưa trên võng trong bối cảnh nhà Bè (Huy Cường đóng).
N.T.H.N
NHÀ THƠ NGUYỄN QUANG THIỀU:
Trên đoạn đường từ Cầu Lão (cách Vân Đình 4km) về đến làng Chùa của tôi có một nghĩa trang liệt sỹ không rõ của xã nào. Mỗi lần đi qua nghĩa trang đó, tôi đều dừng xe lại, hướng về những tấm bia mộ và khấn thầm lòng biết ơn những liệt sỹ đã hy sinh vì nền hòa bình của dân tộc.
Hàng năm, trên đường về quê ăn Tết, tôi đều mua hoa vào đặt trước đài tưởng niệm nghĩa trang và thắp hương. Tôi thường ngồi rất lâu trong nghĩa trang trong buổi chiều gió lạnh cuối năm và cảm thấy linh hồn những người lính tỏa hơi ấm quanh mình. Tôi không biết một ai trong những liệt sỹ đó nhưng luôn cảm thấy họ như những người ruột thịt của tôi.
Nhân ngày 27 tháng 7, tôi post lên một bài thơ. Bài này tôi viết cách đây đã 31 năm.
TRONG CHIỀU NGHĨA TRANG
Mẹ ơi mẹ về đi, chiều phủ kín hết rồi
Sông ngửa mặt lên trời thở từng hơi trắng
Ai gọi đò bơ phờ bến vắng
Mẹ về đi, gió lạnh, cỏ đầy sương
Mẹ run run thắp những nén hương
Cắm trước từng bia mộ
Kia khói lên, khói lên lặng lẽ
Những con đường cát trắng của làng quê
Hồn những chàng trai giờ ở đâu xa
Nhìn thấy khói mà về với mẹ
Chim khách góc vườn mười mấy năm nói dối
Cau mười mấy năm trời vô ý trổ buồng đôi
Các anh về với mẹ một đêm thôi
Cho đèn khuya đỡ giật mình phụt tắt
Cho nồi cơm thêm một lần đầy đặn
Cho đũa trong nhà một bữa được so thêm
Các anh về không hóa được thành người
Thì xin hóa ngọn lửa cười trong bếp
Hóa chú cá con dưới ao nhà đợi mẹ
Hóa thạch sùng thưa lời mẹ trong mơ
Chiều phủ kín hết rồi, gió lạnh đổ từng cơn
Trăm mắt hương trăm mắt người hoe đỏ
Trong hoàng hôn hàng trăm bia mộ
Cùng dâng hương lặng lẽ đến bên người.
1984
N.Q.T
NHÀ THƠ VĂN CÔNG HÙNG:
Năm 1990, tại một bữa tiệc kỷ niệm Ngày Thành lập Quân đoàn 3, thấy cảnh các sĩ quan quân đoàn thắp hương đồng đội trước khi vào dự tiệc, ông nào cũng khóc, dù trước đấy đang cười đùa rất vui vẻ. Nhìn những người lính dạn dày trận mạc, quân hàm quân hiệu trang nghiêm, khóc lặng đi trước bàn thờ đồng đội, tôi cũng… khóc theo và làm bài thơ này:
DÁNG QUỲ
Trước cuộc bia kỷ niệm Quân đoàn
bạn tôi trang nghiêm thắp nhang
khấn đồng đội
trước khi say cùng gào lên và hát
chân nhang im lìm cứa ngang niềm vui
Nghĩa trang Ayun Pa
mộ chí đè lên mộ chí
viên đạn xuyên qua cuộc đời rất trẻ
trước giờ chiến thắng chỉ vài giây
Từ mọi miền đất nước các anh về đây
nuôi cỏ mềm quấn tượng đài cao vút
và trời xanh cứ như là không có thật
cứ như là vô tận cõi bình yên
Nghĩa trang Pleiku
ông bố vượt trên ngàn cây số vào đào trộm xác con để mang về gần họ hàng xóm mạc
tưởng chúng tôi là người gác nghĩa trang ông quỳ xuống lạy và hối lộ bao thuốc Zet
“các anh ơi tha cho cháu nó về!…”
Những chiếc xe du lịch loáng qua
xe cup loáng qua
ông bố già quỳ như tượng
tay ông lạy rạch ngang trời như chớp giật
nước mắt không còn để ông khóc cùng tôi
Bạn ơi tượng đài kia thiếu dáng quỳ hôm ấy
để thêm một lần ta hiểu giá chiến tranh…
V.C.H