Từ ngày 21/11 đến 05/12/2016, Hội Nhà văn Hải Phòng đã tổ chức Trại sáng tác Văn học “Biển Đảo và Thiếu Nhi” năm 2016. Bên cạnh 01 tập thơ và 45 bài thơ, BTC còn nhận được 06 tác phẩm văn xuôi (05 truyện ngắn và 01 bài ghi chép) của các hội viên gửi về.
VHP xin trích giới thiệu truyện ngắn “Ngày ấy có một đêm trăng…” của nhà văn Lưu Văn Khuê.
Từ ngày 21/11 đến 05/12/2016, Hội Nhà văn Hải Phòng đã tổ chức Trại sáng tác Văn học “Biển Đảo và Thiếu Nhi” năm 2016. Bên cạnh 01 tập thơ và 45 bài thơ, BTC còn nhận được 06 tác phẩm văn xuôi (05 truyện ngắn và 01 bài ghi chép) của các hội viên gửi về.
VHP xin trích giới thiệu truyện ngắn “Ngày ấy có một đêm trăng…” của nhà văn Lưu Văn Khuê.
Nhà văn Lưu Văn Khuê
Y hẹn với ông Sửu, ông Tất lại dong thuyền đi Quan Lạn. Cách đây ba năm chuyện ban đầu chỉ do vô tình. Năm ấy bão vừa tan, trời mới chớm hửng các vạn chài Đồ Sơn đã rộn ràng ra khơi. Đi biển suốt tháng không bằng mấy ngày này, bởi sau bão bao giờ cũng đánh được nhiều cá. Ông Tất và hai người con lớn quăng chài thả lưới cứ thế giương buồm lên mạn bắc. Đến ngày thứ ba họ tạt vào Quan Lạn mua một số thứ cần thiết, định bụng xong thì quay thuyền về, không ngờ ông Tất lại gặp ông Sửu là bạn trong quân ngũ thời Nguyên Phong, cùng tham chiến trận Cổ Sở cách đây gần ba chục năm. Ông Sửu bảo bởi cái thú ngắm trăng không cưỡng lại được mà ông phải lặn lội từ Tam Trĩ ra đây. Trăng rằm tháng tám năm nay lại là đêm trăng lạ. Trải mấy đời chiêm nghiệm các cụ nhận ra cứ sau hai mươi năm lại thấy trăng lớn và sáng hơn lúc thường mà trăng đêm nay là vậy. Ngắm trăng từ rừng núi bãi sông ở Ba Chẽ mãi rồi, đêm trăng khác thường này ông Sửu quyết ra đảo, lại phải là đảo xa dõi đến đuối tầm mắt cũng không vướng núi mà chỉ là biển, nơi như vậy hay hơn cả chỉ có Quan Lạn. Nghe bùi tai, cha con ông Tất ở lại. Quả nhiên đêm ấy là một đêm khác lạ, trăng cứ to dần, sáng dần, đến đầu giờ hợi thì lớn chưa từng thấy, tròn vành vạnh và sáng đến mức nhìn xung quanh thấy rõ mồn một, rồi sau đó trăng nhỏ dần và cũng bớt sáng, khoảng canh tư thì vàng đi. Họ vừa uống rượu vừa ngắm trăng và đọc thơ, ai nhớ bài nào đọc bài ấy, toàn là thơ trăng. Ngà ngà say và cao hứng hai ông hẹn nhau cứ rằm tháng tám lại đến đây uống rượu ngắm trăng. Vậy là thành lệ. Kể ra cũng kỳ quặc, nhưng cái chính là được gặp nhau vì ai cũng đã lục tuần, có níu kéo dùng dắng cố bám lấy đời cũng chẳng còn được mấy nỗi.
Năm nay theo ông Tất là Chót, con út ông. Hai anh đang là quân dưới trướng Hưng Vũ vương nên Chót thay các anh đi biển. Vì vậy tuy mới mười ba tuổi Chót đã sớm dạn dày sông nước. Bước chân xuống thuyền nhìn trời thấy vống đằng đông, nghĩa là sẽ chẳng mưa dây cũng gió giật nhưng hai cha con vẫn quyết đi. Làm cuộc viễn du trong mưa chỉ cốt chơi trăng chẳng những kỳ quặc mà còn ngông cuồng, nghề chơi đến vậy thật quá công phu! Quả nhiên đi chưa được mấy chốc, quay phía sau vẫn còn thấy tháp Tường Long lờ mờ trong sương núi trên đỉnh Tháp Sơn thì trời đổ mưa và cứ thế sầm sập suốt chặng đường. Nhưng đến Quan Lạn thì tạnh! Hóa ra trời cũng chiều người.
Bến thuyền là bãi cát dưới chân núi, cách chợ chừng trăm thước, xảm thuyền, đốt hà hến đáy thuyền, sửa mái chèo chữa bánh lái, vá buồm vá lưới cũng luôn cạnh đấy. Cột thuyền xong, cha con ông Tất vào chợ. Được hôm trời hửng sau chuỗi ngày mưa tầm tã, Quan Lạn như bừng tỉnh, đâu đâu cũng tấp nập, thật đáng gọi là thương cảng. Thuyền đủ loại, người đủ các nơi, gần là từ các đảo Ba Mùn, Trà Bản, Vạn Cảnh, Ngọc Vừng lân cận, xa thì từ Vạn Ninh xuống, Cửa Lục lên, ngoài Cô Tô vào, xa nữa phải hai ba ngày dong buồm miệt mài là từ Đồ Sơn, Giao Hải, lác đác còn cả thuyền tận Thanh Hoa, Hoan Diễn – đấy là trong nước. Ngoài nước đông nhất là từ phương bắc, dân ta dù ai lần đầu mới thấy thuyền và người phương ấy cũng không khó nhận ra bởi thuyền nào cũng lớn, người ai cũng ra vẻ cao ngạo; còn như muốn hiểu tường tận thì phải hỏi dân sở tại, vì thuyền Phúc Kiến không như thuyền Quảng Đông; người cũng vậy, từ cách đi đứng đến lời ăn tiếng nói cũng ít nhiều khác biệt dù đều là người nước Tống. Nay lại thêm người Thát, họ dùng thuyền Tống vì sau khi diệt được Nam Tống dựng nên triều Nguyên, họ chẳng những dùng thuyền Tống mà thu nạp cả thủy thủ người Tống do đám này thông thuộc lối vào Vân Đồn. Nhận biết người Thát không khó, bởi y phục và dáng đi, ngay từ bé họ đã biết cưỡi ngựa, họ không chỉ du cư và chinh chiến trên lưng ngựa mà ngay cả lúc chết nhiều khi cũng trên lưng ngựa nên ai đi đứng chân cũng khuỳnh khoàng như vòng kiềng. Thương nhân phương bắc mang lên bến gấm vóc, đồ sứ, thảo dược, da dê da cừu, đuôi chồn đuôi cáo và khuân xuống thuyền sừng tê giác, ngà voi, lông công, đuôi trĩ, quế, trầm hương, rồi nhãn, vải, muỗm là các thứ quả nơi họ không có. Thương nhân phương nam, gần thì Chiêm Thành, Chân Lạp, xa thì Qua Oa, Tam Phật Tề, Mã Lai Á. Những người này đem đến trái cây lạ, san hô, ngọc trai, tượng vũ nữ và các tấm gỗ vân sắc như xà cừ. Có lần Vân Đồn còn đón những người da dẻ nâu bóng, tay chân săn chắc như gỗ lim gỗ táu, nói liến láu không ai hiểu nên mọi giao dịch đều bằng cử chỉ. Nghe bảo họ tận xứ Thiên Trúc; đất Phật có khác, thuyền rất lớn, có cái đến trăm tay chèo và mấy cánh buồm, chả trách vượt được biển xa. Ngôn ngữ bất đồng nên với người nước ngoài hàng hóa đôi bên thường trao qua đổi lại, người bán kẻ mua nếu bằng lòng một cái gật đầu là xong.
Cha con ông Tất vào chợ không cốt mua gì mà chỉ thăm thú, vả lại phải giữa giờ thân ông Sửu mới từ Tam Trĩ ra. Quán chợ cái nào cũng trống bốn mặt, hàng hóa bày đủ bốn phía, người bán ngồi ở giữa, khách tứ bề hỏi han khiến lắm lúc xoay xỏa cười nói đến mệt. Nón ma lôi lộ Khoái, chiếu hới, gạo tám thơm Sơn Nam Hạ, đũa ngà, chén bạc từ Thăng Long, rồi quạt lụa vân mây, quạt lông công, rượu sen, rượu cúc. Đông nhất vẫn là những hàng cá, cả một dãy quán sực nức mùi tanh cá. Thợ làm lược đồi mồi, thợ tiện mâm gỗ hành nghề ngay tại chợ. Nơi ít ồn ào là chỗ các thầy lang, mười người thì đến bảy người râu tóc đốm bạc, dáng vẻ thâm trầm, mặt mày nói năng đầy vẻ quan trọng, móng tay để dài, ngồi xếp bằng tròn bắt mạch bốc thuốc, trước mặt là đỗ trọng, thục địa, tam thất, cá ngựa, mai rùa, quế Thanh. Những thứ quý hiếm như ngà voi, sừng tê giác không bày bán xô bồ như các thứ khác mà trong các hàng quán kín đáo có cửa đóng then cài. Bởi là ngày trung thu nên chợ thêm quán bán đầu kỳ lân, sư tử, trống con trống cái, pháo đùng pháo tép.
Cách chợ mấy chục bước chân là nơi cho những trò vui, từng chỗ từng đám tách bạch. Chọi gà, chơi gụ, đánh khăng, đi trên dây, nhảy qua vòng lửa, vắt chân qua lưng đưa lên cổ xỏ ngón chân vào lỗ mũi. Đặc biệt, ngày trước đã có nhưng mấy năm nay lại càng thịnh hành là nơi diễn võ. Tuy từng bị quân ta đánh bại tới hai lần, lần gần nhất là năm Ất Dậu (1285) cách nay chỉ hơn năm, nhưng quân Nguyên vẫn không thôi nhòm ngó Đại Việt. Chúng thường hạch sách cốt viện cớ dấy binh nên tinh thần thượng võ của người Đại Việt bừng bừng hơn bao giờ hết, có cảm tưởng đâu đâu cũng có thể biến thành đấu trường và chốn đảo xa này cũng không ngoài cuộc. Những là đấu vật, đấu võ tay vo, quần thảo siêu đao, múa côn, múa thương, đánh gậy, phóng lao, bắn cung bắn nỏ. Vốn đã vậy, lại gặp ngày trung thu nên càng náo nhiệt.
Hai cha con ông Tất bị hút ngay vào đám võ. Họ tới đúng lúc một thằng bé trạc tuổi Chót đang múa thương. Cây thương lúc chĩa lên trời lúc chúc xuống đất, lúc lại xoay như chong chóng, nhanh đến mức không còn nhận ra thương mà chỉ thấy loang loáng cùng với tiếng xé không khí vun vút, giả sử có tên bắn đến cũng sẽ bị đáng văng chứ không thể tới được người thằng bé. Ai cũng xuýt xoa, trầm trồ. Bất ngờ thằng bé tung thẳng cây thương lên trời, thương vút lên, mũi thương nắng phản chiếu nhoang nhoáng rồi lao xuống nhằm thẳng vào thằng bé. Trong khi người xem thốt lên, co rúm lại, nhắm mắt kinh hãi, ai cũng lo cho thằng bé thì nó cứ thản nhiên. Khi mũi thương chỉ còn cách đầu chưa đầy sải tay thì thằng bé hơi né người đưa tay túm lấy cán thương rồi chĩa thẳng về phía trước, thét một tiếng xé trời: “Sát Thát”. Người xem ào lên hoan hô như vỡ hội. Thằng bé cúi chào mọi người rồi đi về phía một người đàn ông đang đứng xem, quỳ xuống sụp lậy. Người đàn ông vuốt râu cười đỡ thằng bé dậy, xoa đầu nó, chỉ thế, không nói một lời.
Người đàn ông ấy đã khá tuổi nhưng như thể tráng niên, râu tóc đen nhánh, da dẻ hồng hào, dáng vóc to lớn. Trong khi Chót thán phục nhìn thằng bé nọ không rời mắt thì ông Tất lại để ý đến người đàn ông này. Ông ta mặc áo ngắn hệt như mọi người nhưng lại có gì đó khác thường, từ điệu cười, cách vuốt râu đến nét mặt, cái nhìn, cứ như dáng vẻ của các vị vương hầu thời Nguyên Phong ông Tất từng phụng sự. Nên khi ông này và thằng bé rời cuộc vui thì cha con ông Tất cứ thế cuốn theo như bị hút hồn.
Ông nọ đến quán gần đó, bước thẳng tới một bàn, kéo ghế ngồi, chẳng nói chẳng rằng, dáng ngồi thật đường bệ, cao ngạo. Chủ quán khúm núm bưng rượu đến và rót thật cung kính, ngay nói cũng lễ độ:
– Ông lại đến ạ. Rước ông xơi rượu. Thưa ông, hôm nay có thịt nai…
– Ừ, hay đấy! – Ông nọ gật đầu và bảo thằng bé – Con ngồi xuống đi.
Thằng bé từ nãy đến giờ lặng lẽ chống thương đứng sau ông nọ, lúc này mới gác thương vào tường và ngồi xuống. Trong khi chờ đồ ăn, ông khách nhấp rượu, ngay cách nâng chén cũng đầy vẻ quyền quý, nhưng lại hờ hững như không quan tâm đến gì khác kể cả rượu, mà chỉ chăm chú nhìn ra biển. Chợt có hai người lướt qua quán. Ông ta bừng tỉnh tức khắc, rượu trong chén hơi sóng sánh, ông hừ một tiếng, vẫy tay gọi chủ quán tới:
– Ông đã thấy hai người kia bao giờ chưa?
– Thưa, vài lần ạ. Họ mới tới đây được mấy hôm. Nhưng sao ạ?
– Đó là người Tống. Nhìn kiểu đi cái nhìn thì biết.
– Thế ạ, chúng tôi thật có mắt như mù, cứ tưởng…!
– Tôi ngờ đó là quân do thám, nếu chỉ là khách buôn không việc gì họ phải ăn mặc giả làm người của ta! Ông phải để ý đến họ.
Nói rồi ông nọ đưa mắt ra hiệu cho thằng bé bám theo hai người kia. Thằng Chót vội xin phép bố rồi chạy ngay theo thằng bé. Thấy vậy, ông nọ hỏi ông Tất:
– Cha con ông chắc không phải người đây?
Ông Tất nói mình từ Đồ Sơn tới.
– Vậy như. Tháp Tường Long nơi ấy với thương cảng nơi này đều từ triều Lý lập nên đấy. Tôi ưa thuyền vùng ông.
– Vâng. Nhưng thuyền ta thuyền nào chả vậy!
Ông nọ cười:
– Thế ông đã biết thuyền Trà Cổ chưa? Chưa hả, thảo nào! Nó ghép bằng tre luồng, mũi thuyền cong. Khó chìm nhưng chỉ len ven gần bờ chứ đi biển xa không được. Nhỏ với nhẹ quá! Đi biển xa phải như thuyền Tống. Cái nào cái ấy sừng sững như tòa thành. Đám Thát Đát chỉ giỏi cưỡi ngựa bắn cung chứ đi thuyền đánh thủy thì kém.
– Vâng, thời Nguyên Phong tôi từng giáp trận với chúng. Vừa thấy chúng trên lưng ngựa thoáng cái đã biến mất, thì ra họ ngả người luồn cung dưới bụng ngựa mà bắn lên, vừa tránh được tên của ta bắn tới vừa làm ta không biết mà đề phòng. Ta biết thì họ đã có ngựa đỡ tên.
Ông nọ gật đầu:
– Hóa ra ông từng trận mạc hồi ấy, ông quán đây cũng vậy vì tôi với ông ấy biết nhau đã lâu. Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh huống chi đàn ông. Hai ông như vậy là phải lắm. – Ông nọ như trầm tư – Người Thát đi biển, đánh thủy kém nên năm Ất Dậu vừa rồi để chinh phạt Chiêm Thành họ chẳng những dùng thuyền Tống mà cả tay chèo người Tống. Người Tống ai còn lòng ái quốc có người lánh sang nương nhờ Đại Việt ta nhưng cũng có kẻ cúi đầu làm nô lệ. Hai đứa lúc nãy chính là những kẻ đó. Tôi đoán lần này nếu đánh ta từ biển vào quân Nguyên ắt phải cần đến người Tống và sẽ qua Vân Đồn, để tới An Bang mà vào sông Bạch Đằng rồi ngược dòng đến Thăng Long. Nếu có phải lui binh bằng thuyền thì cũng xuôi ngả ấy thoát ra biển. Đánh thủy thì đấu sức thuyền chứ không đấu sức người. Cứ lý mà suy thì thuyền lớn thắng thuyền nhỏ, thuyền chắc chắn thắng thuyền mỏng mảnh, thuyền xuôi dòng thuận gió thắng thuyền ngược dòng nghịch gió. Nhưng ở nơi sông chật nước cạn như nước mình thuyền lớn kềnh càng, khó bề xoay xở. So với thuyền họ thuyền của ta đúng là kém bề thế và sức mạnh nhưng lại hợp với sông ngòi nước mình. Nên chúng chớ có cậy thuyền lớn mà coi thường thuyền nhỏ của ta. Vóc nó nhỏ, mình nó thon, nếu gỗ chắc, xảm kỹ thì khác gì giao long, cá kình, dễ tiến thoái, đi nổi mọi luồng lạch. Hai cánh buồm lúc no gió như hai cánh dơi căng từng nếp da, duỗi hết các khớp xương mà bay, khi vát khi nghiêng lựa theo chiều gió, đi xuôi đi ngược thuận nghịch đều khéo như nhau.
Chủ quán bưng đồ ăn đến cũng góp chuyện:
– Thưa ông, tôi ở đây đã mấy chục năm nên biết nước Tống cũng nhiều loại thuyền, không phải cái nào cũng lớn.
– Ông nói đúng. Thuyền Phúc Kiến to lớn lừng lững, thuyền Liêu Đông dập theo kiểu thuyền Nhật Bản chỉ bằng một khoang của thuyền Phúc Kiến. Thuyền Quảng Đông nhỏ hơn thuyền Phúc Kiến một chút song thuyền Phúc Kiến làm bằng gỗ thông lướt thì nhanh nhưng lại mảnh yếu, thuyền Quảng Đông nhấn nước đè sóng có phần chậm nhưng làm bằng gỗ lim chắc chắn. Cái nào cũng có cái hay cái dở. Phúc Kiến thì xa, Liêu Đông lại còn xa hơn nữa mà Quảng Đông lại sát ngay Đại Việt nên sang ta hẳn là họ dùng thuyền Quảng Đông nhiều hơn. Ta phải biết thế mà ứng phó.
– Vâng. – Chủ quán tiếp tục – Đấy là ông nói việc đụng nhau ở nơi sông chật nước cạn nhưng giả dụ gặp nhau ngoài biển hay tại Vân Đồn, Quan Lạn này thì sao ạ? Biển thời rộng, nước thời sâu, gặp khi gió bấc sóng lớn thuyền ta chòng chành khó mà chịu nổi trong khi thuyền Tống chẳng hề hấn gì.
Ông khách bỗng cười ngất, tiếng cười vang và khỏe:
– Nhỏ mà thắng lớn, yếu mà được khỏe mới là điều kỳ diệu của phép dùng binh. Ngày trước Ngô vương với Lê Đại Hành đã chẳng thế sao. Tôi nghĩ là nghĩ đến cách lấy nhỏ thắng lớn, lấy yếu được khỏe chứ cứ thuận theo thuyền lớn đè thuyền nhỏ thì nghĩ làm gì cho nhọc lòng. Ông còn chưa thấy hết cái lạ cái hay của thuyền cánh dơi ta đâu. Hạ Long, Bái Tử Long muôn ngàn đảo núi, ẩn náu dễ dàng, ào cái từ chỗ nấp bất ngờ xông ra đánh, thoắt cái lại lẩn biến vào núi kín. Cứ bốn người một thuyền, to thì sáu người, tám người, hạ buồm, hạ cột khiêng thuyền lên vai giấu vào hang vào bụi, một thoáng đã không thấy chiếc nào trên vịnh, cũng chỉ trong khoảnh khắc vác trở lại vịnh, dựng cột, giương buồm xông vào trận. Đó là tôi còn chưa nói đến hỏa công, càng to càng dễ làm mồi cho lửa. Còn như giặc bại, chiến thuyền tan tác, lính tráng bơi chạy thì bắt được nhiều giặc chính là nhờ thuyền cánh dơi, thuyền chài nhỏ bé giỏi luồn giỏi lách.
Chủ quán như vẫn không chịu cái lý ấy:
– Nói ông bỏ quá cho, giả dụ ta thua thì sao ạ?
– Trận mạc được thua là chuyện thường. Các bậc hào kiệt xưa nay đều đã từng bại trận. Đến như Đinh Tiên Hoàng khi còn được tôn là Vạn Thắng vương cũng đâu phải bách chiến bách thắng. Người giỏi cầm quân thì không cần bày trận, người giỏi bày trận thì không cần phải đánh, người giỏi đánh thì không thua, người khéo thua thì không chết!
Không bảo nhau mà cả chủ quán lẫn ông Tất cùng một lúc vái người nọ đến năm bảy cái. Ông Tất nói:
– Tôi nghĩ ông phải làm tướng đứng đầu vạn quân chứ chả nhẽ lại chịu khuất thân thế này!
– Ông nghĩ thế là chưa hết nhẽ. Lưu Bang vốn là anh đình trưởng. Khổng Minh chỉ ở lều tranh mà biết thiên hạ sẽ chia ba. Ở ta Đinh Tiên Hoàng thuở nhỏ chỉ là trẻ chăn trâu bày trò cờ lau đánh trận giả. Nhân đây, tôi nói điều này các ông chỉ nên biết, kín mồm kín miệng sống để dạ chết mang đi, chớ có hở ra mà mất đầu, vạ lây đến ba họ. Ngay nhà Trần ta thuở cơ hàn các bậc tiền bối cũng từng mấy đời làm nghề đánh cá. Nên người trong vùng toàn gọi các cụ ấy bằng tên các loài cá: Cụ Trần Kính là ông Trần Cá Kình, cụ Trần Hấp là ông Trần Cá Trắm, cụ Trần Lý là ông Trần Cá Chép. Ngay Thượng hoàng Trần Thừa cũng từng bị gọi là ông Trần Cá Dưa, Linh Từ quốc mẫu Trần Thị Dung là cô Cá Ngừ, Thái tông Trần Cảnh hồi nhỏ bị gọi là chú bé Cá Lành Canh. Chính do cô Cá Ngừ được Hoàng tử Sảm nhà Lý yêu dấu đưa về cung phong làm Hoàng hậu, sau này sinh ra Lý Chiêu Hoàng nên nhà Trần ta mới có được ngày nay.
Ông nọ bỗng thở dài:
– Tôi làm nghề đốt than. Buôn than bán nón là nghề hèn mọn nhưng phải cắn răng chịu. Chí lớn mà không được dùng kể cũng đau xót. Chả giấu gì các ông, tôi vốn là tướng của triều đình, chỉ vì mắc tội mà bị giáng xuống làm thứ dân. Điều ấy cũng chẳng sao bởi quả đáng tội, chỉ ân hận người Thát nước Nguyên đang rục rịch động binh mà bao nhiêu kế sách và phép dùng binh đều chết gí trong đầu, chẳng giúp được gì cho triều đình. Càng nghĩ càng giận mình chỉ ham chuyện nhỏ mà hỏng việc lớn. Nam nhi ở đời như vậy thật đáng hổ thẹn.
– Sao ông không xin triều đình tha tội?
– Tội đáng chết, được sống đã là may rồi.
– Thưa ông, tội gì mà lớn vậy?
Ông nọ cười chua chát:
– Cái tội “Sông bao nhiêu nước cho vừa” của cánh đàn ông ấy mà.
– Ôi dào, tưởng gì! – Chủ quán thốt lên – Thiên hạ đầy! Cái chuyện ấy mà phải tội chết thật cũng quá đáng.
– Thường dân như các ông thì kể gì. Luật triều đình có khác, rất nghiêm, phải nghiêm mới giữ được phép nước nên tôi chẳng trách, chỉ giận mình. Tội đáng chết nhưng Hưng Đạo vương ngài tiếc tôi là người có tài nên nói nhỏ với nhà vua sai kẻ hành quyết khi đánh thì chúc đầu gậy giáng xuống đất vậy nên nhận đủ 100 gậy tôi vẫn sống, 100 gậy mà không chết có nghĩa là trời tha tội nên tôi chỉ bị giáng xuống làm thứ dân.
Chủ quán và ông Tất đều cười, lấy làm thú vị. Chủ quán bảo:
– Ông đến quán tôi đã nhiều, biết ông đã lâu, thấy ông có vẻ quan cách nên đoán có khi là người của triều đình được lệnh giấu mình nên cũng ngại gần và e nể. Nay được nghe ông nói, lúc đầu tưởng mình phán đoán không sai, hóa ra lại là cái chuyện kia! Xin hỏi khí không phải, ông là…
– Tôi là Trần Khánh Dư.
Cả ông Tất và chủ quán đều sửng sốt tưởng như sét đánh, vội sụp lậy. Ông Tất rưng rưng không cầm nổi nước mắt:
– Ôi Nhân Huệ vương! Sao trời lại để ngài khổ quá thế này! Chúng tôi người trần mắt thịt, xin quý vương tha lỗi.
– Các ông chớ vậy, đừng gọi tôi như thế, tôi bây giờ có hơn gì các ông đâu!
Đúng lúc ấy, thằng Chót và đứa bé theo hầu Trần Khánh Dư trở về:
– Thưa ông, – thằng bé nói – hai người kia đúng là người phương bắc do thám đấy ạ. Họ nom dòm, nghe ngóng và còn tới chỗ khuất lén vẽ địa đồ, họ nói với nhau xì xồ những gì con không hiểu. Chúng con nấp chỗ kín thấy cả.
– Hẵng biết thế. Chúng sẽ chẳng làm gì được ta đâu. – Trần Khánh Dư nói và quay về phía ông Tất cùng chủ quán – Thể nào cũng sẽ đến lúc nhà vua cho gọi tôi. Không có ý sau này sẽ lại dùng thì để cho sống làm gì! Khánh Dư này là ngọn truyền đăng báo tin có giặc, là cơn sóng dữ chặn giặc nơi biển khơi. Mà triều đình không gọi thì tôi cũng chiêu tập dân binh. Thằng bé này chỉ là một, hiện tôi đã có gần chục người. Lúc nãy tôi xem đấu võ là có ý tìm kiếm thêm.
Trần Khánh Dư chợt đứng dậy, ngẩng đầu nhìn trời. Một cánh chim biển ở đâu bỗng đường đột bay tới, chao lượn sát mặt sóng, toàn thân trắng muốt. Lúc ấy mặt trời đã đã xế bóng, biển nhuộm nắng quái chiều đỏ rực. Con chim mềm mại lướt trên đầu sóng, nắng có lúc phủ lên mình nó một màu đỏ ánh. Con chim như muốn gọi biển cả nổi sóng nhưng nó chỉ có một mình nên tiếng kêu kiu kíu trở nên cô quạnh giữa bao la biển biếc; đang vậy bất ngờ nó nghiêng mình rồi lao vút lên thoáng cái chỉ còn là cái chấm trên không trung rồi khuất hẳn. Trần Khánh Dư nhìn theo, nghĩ đến mình mà cám cảnh, cố nén tiếng thở dài, hỏi ông Tất:
– Cha con ông lặn lội từ Đồ Sơn ra đây hẳn có việc gì?
Ông Tất kể chuyện mình. Trần Khánh Dư bảo:
– Cái thú chơi trăng của các ông thiên hạ thật hiếm. Vậy thì sắp đến lúc đón bạn ông rồi đấy, ông tới chỗ hẹn đón rồi cùng lại đây. Tôi cũng đã có ý thưởng trăng đêm nay, cứ sau hai mươi năm mới có một đêm thế này thôi. Trăng lớn và sáng lắm.
– Ngài cũng biết có đêm trăng lạ này? – Ông Tất ngạc nhiên.
– Làm tướng thì phải tường thiên văn địa lý. Trăng gắn với kỳ con nước, đánh thủy mà không biết con nước ra sao thì chỉ chuốc lấy bại vong. Đêm nay tôi sẽ cùng thưởng trăng với các ông.
– Thật quý hóa, hân hạnh cho chúng tôi quá chừng!
Chủ quán bảo:
– Ngài cho tôi theo với. Để tôi chuẩn bị rượu ngon rồi đóng cửa quán ngay giờ.
Đêm ấy trăng biển đẹp khác thường. Trăng lớn dần và tỏa sáng, dọi xuống biển một màu trong suốt và huyền diệu. Ánh trăng vẫn chuyển động theo đầu sóng lan tỏa và vang động như mọi rằm nhưng bọt sóng khi vỡ ra biến thành những hạt nước sáng như ngọc trai nên có cảm tưởng tiếng sóng cũng ngân nga như tiếng reo của ngọc thạch. Người bất ngờ hơn cả tất nhiên là ông Sửu bởi được hầu rượu Trần Khánh Dư. Ông còn bảo được một đêm thế này dẫu có chết cũng hả dạ!
Người ít nói hơn cả lại là Trần Khánh Dư. Ông như phiêu dạt về cõi nào, âm thầm mà sục sôi, thâm trầm mà day dứt. Thuở kiêu hùng cùng chiến mã những ngày chinh chiến, giáp trụ loang hồng máu huyết hay những lúc mày mặt nhom nhem, cặm cụi với thuyền than dọc theo các dòng sông bến bãi khi nắng khi mưa khi trời vần vũ? Những đêm tình vụng trộm và đắm say trong chăn êm nệm ấm với vòng tay ân ái, da thịt nồng nàn, làn tóc mây thoảng hương dạ lan của công chúa Thiên Thụy vợ Hưng Vũ vương hay trận đòn không đến nỗi chết nhưng rát đau, nhục nhã thấu tận tim gan; lại càng đau đớn khi nỗi nhớ hòa nỗi giận hờn lúc một mình một bóng mong manh áo vải trên con thuyền trống trải giữa biển trời gào thét? Lang thang khắp vịnh biển đến thuộc lòng trăm nghìn đảo núi và luồng lạch trong nỗi xót xa của kẻ anh hùng phải khuất thân làm nghề hèn mọn hay mơ tưởng lúc bất thần từ hang đá trong lòng núi giữa vịnh trên thuyền cánh dơi lao thẳng vào chiến thuyền giặc Thát vung đao, bắn tên, phóng hỏa rồi len lách giữa trùng trùng trận mạc túm đầu từng tên giặc lóp ngóp dưới nước lôi lên thuyền, thiêu đốt chúng bằng cái nhìn rừng rực? Tất cả, là tất cả…
“Dù Quan gia (1) Và nhất là Hưng Đạo vương muốn ta sống để sau này có giặc sẽ dùng đến, ta cũng không thể chờ mãi được! Phải buộc triều đình để mắt đến ta. Còn quân Thát Đát kia, các ngươi phải biết trên đời này, chí ít thì nơi biển cả này còn có Nhân Huệ ta!” – Trần Khánh Dư giộng mạnh bát rượu xuống sạp thuyền, bất ngờ đến nỗi ông Tất, ông Sửu, ông chủ quán phải ngạc nhiên đến sững người. Nhưng họ chỉ dám khẽ đưa mắt nhìn nhau. Thằng bé theo hầu Khánh Dư và thằng Chót không biết chuyện ấy vì chúng ngồi với nhau ở cuối thuyền và mải trò chuyện. Trăng sáng đến mức làm đầu mũi thương bên cạnh thằng bé ánh lên như dát bạc.
Ngày ấy có một đêm trăng như thế.
VĨ THANH
1. Sau đêm ấy ít lâu, biết Thượng hoàng, Quan gia và các vương hầu đang ở Bình Than, Trần Khánh Dư cố tình đi thuyền than tới, cắm sào giữa sông cứ thế đứng đằng mũi nhìn về phía thuyền rồng. Nhân tông thấy ý tứ khác thường của người ấy và sực nghĩ ra, bảo thị thần: “Ta ngờ rằng người kia là Nhân Huệ. Người ta ai chẳng có lúc lỗi lầm, điều cốt yếu là sau đó cải tỉnh ra sao. Cứ mỗi lần nhớ đến Nhân Huệ ta lại thương cảm, tài cán ấy mà để mai một thực tiếc, nhất là lúc triều đình đang như trên đống lửa thế này. Đánh thủy ngước Nam chẳng ai bằng được Nhân Huệ.”. Nói rồi nhà vua truyền sai thị thần ra vời người ấy.
Còn giận Quan gia, bản tính lại ngông ngạo nên Khánh Dư bảo viên thị thần: “Ông về nói với nhà vua rằng lão phu chưa từng nghe đến ai là Nhân Huệ cả!” và nhổ sào đẩy thuyền đi.
Thị thần về bẩm lại. Thượng hoàng Thánh tông nói: “Nhân Huệ là thiên tử nghĩa nam, con nuôi ta nên ta biết tính nó, ngang ngược ngạo mạn lắm, đôi khi còn thô lỗ. Nhưng đúng là nó đấy. Chỉ nó mới dám ăn nói như vậy. Ngươi hãy đuổi theo, bảo ta đang ở long thuyền, tất nó phải quay lại.”.
Trong khi đó những người trên thuyền với Khánh Dư có ý trách ông và tiếc ông để lỡ cơ hội. Ông cười: “Ta cam đoan với các ông, Quan gia lại sai thị thần đuổi theo gọi cho mà xem. Trận đánh tới này không có ta không xong!”.
Quả vậy, lần này Khánh Dư nghe theo và quay lại.
Được triều đình cho làm Phó tướng, Trần Khánh Dư đóng quân ở cù lao Lợn Lòi. Tháng 11 năm Đinh Hợi (1287) giặc Thát chia làm ba ngả tấn công Đại Việt. Cánh quân thủy đúng là đi theo lối Khánh Dư đã đoán nhưng chúng mạnh quá ông chặn đánh không nổi nên thuyền giặc cứ thế tiến sâu vào đất liền. Khánh Dư xin triều đình tha mạng, nguyện lập công chuộc tội vì đoán thể nào đi sau đoàn thuyền binh cũng là thuyền lương của giặc. Quả nhiên đoàn thuyền ấy bị quân Khánh Dư đánh chìm, bao nhiêu lương thảo mất hết, khiến giặc trong đất liền hoang mang cực độ. Trần Khánh Dư góp phần quan trọng vào chiến thắng quân Nguyên lần này. Chót gặp lại đứa bé theo hầu Trần Khánh Dư ngày trước, cả hai giờ đã là gia binh của Nhân Huệ vương.
Sau đêm trăng ở Quan Lại, ông Tất, ông Sửu còn gặp nhau lần nữa. Họ lên tận Trà Cổ. Cũng bởi ông Tất muốn biết thuyền Trà Cổ làm bằng tre luồng thế nào như Nhân Huệ vương đã nói. Trà Cổ rộng mênh mông mà thưa thớt nhà cửa. Bãi biển trải dài, nhìn ra biển đến ngút mắt chỉ thấy những là sóng và những con thuyền dập dình như đùa dỡn. Có một con sông ở phía bắc, cửa sông rộng, bên kia sông là nước Nguyên. Không ngờ lần ấy lại là lần cuối cùng hai người gặp nhau. Ông Sửu gia nhập thủy đội dân binh của Trần Khánh Dư, người lính già đầu bạc ấy mất khi đuổi theo Trương Văn Hổ, tên tướng áp tải đoàn thuyền lương đang trốn chạy bằng thuyền nhỏ. Hắn vốn là tướng cướp người Tống được người Nguyên thu nạp. Mải đuổi không kịp đề phòng ông đã trúng tên của hắn.
2. Chẳng ngờ lần đón trăng ở Trà Cổ năm ấy của ông Tất sau này lại trở thành nguyên cớ để hơn 450 năm sau nhiều người Đồ Sơn di cư đến đấy.
Năm Tân Dậu (1741) thời vua Lê chúa Trịnh người Đồ Sơn theo Nguyễn Hữu Cầu khởi nghĩa. Hôm tế cờ ở gò đất gần biển có một đàn cá he (cá heo) ngoài khơi bơi vào cửa sông nhảy lên như mừng rỡ, nghĩa quân liền tôn chủ tướng là Quận He, con sông nọ từ đấy gọi luôn là sông He. 12 họ tộc Đồ Sơn cử 12 người làm văn thần cho Quận He. Được mười năm thì cuộc khởi nghĩa thất bại, Nguyễn Hữu Cầu chạy lên Kinh Bắc, dân chúng Đồ Sơn bị dìm trong bể máu, những người sống sót nghĩ tới Trà Cổ để nương náu.
Đồ Sơn vốn là bãi lầy và những ngọn núi(3) sau đó được người nơi khác đến khai phá. Sáu dòng họ có công đầu là Lương, Lê, Đinh, Hoàng, Nguyễn, Phạm; các vị trưởng họ thời khai thiên lập địa ấy được tôn là thần vương, gọi là Lục vị tiên công. Ông Tất thuộc dòng dõi Hải Bộ thần vương họ Lê. Sau chuyến cùng ông Sửu đón trăng ở Trà Cổ, ông Tất cứ nói mãi với mọi người về miền đất theo ông là ‘”hải tần đệ nhất” ấy nên đã không ít lần ông rồi con cháu và người Đồ Sơn đến đấy như để chứng thực lời ông nói. Cứ thế truyền khẩu hết đời này sang đời khác, cho đến khi người Đồ Sơn buộc phải nghĩ đến nơi lánh nạn sau khởi nghĩa thất bại. Vậy là vào một đêm mù mịt không trăng, tối đến mức xòe bàn tay ngay trước mặt cũng không rõ, những con người khốn khổ nhưng quả cảm đó đã lặng lẽ xuống thuyền hướng về phía bắc. Trong đất liền thì tối bưng mắt nhưng ở biển nhờ ánh lân tinh nên có chút ánh sáng, tuy nhiên họ cũng không cần đến thứ ánh sáng đó bởi sao trời hướng gió mới chính là cái la bàn của họ. Kỳ diệu nhất là những người di cư ấy khi đến Trà Cổ lại đúng vào ngày rằm nên đã có một đêm rằm khác thường ở nơi đất lạ. Những người ấy sinh sôi nảy nở, truyền đời đến nay nhưng không bao giờ quên cội nguồn. Họ nhắc nhau rằng: “Người Trà Cổ tổ ở Đồ Sơn”. Người Trà Cổ cũng thờ Lục vị tiên công là do vậy.
Tháng 11/2016
L.V.K
______
Ghi chú:
1. Một cách gọi vua Đời Trần
2. Theo người nhiều tuổi ở Đồ Sơn thì thư tịch cổ (chữ Hán) viết “ĐỒ” có chấm thủy và bộ thổ, nghĩa là bãi bùn. Tuy nhiên Casino Đồ Sơn lại viết có bộ vi, với nghĩa bức tranh.