Cuộc đời như một dòng chảy không ngừng nghỉ, phía trước còn mênh mang mà phía sau đã trở lên hun hút. Biết bao đêm trăn trở cuối cùng Trân cũng nhận ra điều mình cần làm.
Mới mười năm tuổi dáng vóc nhỏ bé nhưng Trân luôn hoài bão trở thành một hiệp sĩ để giúp đời, giúp cho xã hội như một người chân chính. Khát khao ấy cứ cháy lên, cháy lên tới mức Trân không đủ kiên nhẫn để chờ mình cao lớn. Nhìn người ta vào dân quân, đi bộ đội… Trân thấy như chính mình đang xông pha ngoài trận mạc tiêu diệt quân thù cứu lấy non sông đất nước. Ngày nào cũng nghe những tấm gương dũng cảm phi thường, như anh Đổng Quốc Bình chiến sĩ hải quân khi bị thương ruột lòi ra ngoài anh dùng kim băng cài lại chỗ bị thương quấn chặt bụng và tiếp tục chiến đấu tới hơi thở cuối cùng. Anh Nguyễn Viết Xuân với tinh thần “nhằm thẳng quân thù mà bắn”. Ở chiến trường miền Nam xa xôi vang vọng trong Trân bao tấm gương oanh liệt như các anh Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Bé, Kan Lịch… Trong lòng Trân trào sôi khao khát cống hiến sức mình cho Tổ Quốc, cho non sông Việt Nam.
Trưởng thành trong môi trường XHCN tuổi như Trân không thiếu những bạn bè cùng chung chí hướng muốn được xả thân cống hiến. Cùng lớp bẩy với Trân còn có các bạn Hoàn, Vi cùng viết đơn tình nguyện xin đi bộ đội để được vào chiến trường Miền Nam góp phần giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Thậm chí Hoàn còn đổi họ thành Đổng Quốc Hoàn để thể hiện dòng máu Đổng Quốc Bình đang chảy trong mình. Biết được tinh thần khí thế của tuổi trẻ anh Phùng người bà con họ hàng động viên:
– Tôi rất hoan nghênh tinh thần của các cậu, xin được giới thiệu các cậu với ban tuyển quân huyện.
Nói rồi anh đưa cho Trân và hai bạn mỗi người một giấy khám tuyển bộ đôi. Trân và Hoàn, Vi khấp khởi mừng thầm, tập chung nhau lên ban tuyển quân huyện. Đến cổng huyện còn đang thập thò dò hỏi thì gặp ngay ông Phạm Hồng. Ông Hồng vốn cùng làng đã hơn bốn chục tuổi mà mới đeo hàm thiếu uý. Nhìn thấy Trân và hai bạn ông nhăn mặt ra oai quát lớn:
– Mấy thằng kia đi đâu! Xéo ngay về cho tao, bộ đội… bộ điếc gì chúng mày, thằng nào còn muốn đi tao ra đá đít quật chết. Đồ trẻ ranh lại muốn làm người lớn…
Hậm hực lắm song Trân đành lủi thủi ra về. Trên đường về gặp các bạn cùng lớp tan trường tất cả xúm lại chào to
– Chúng em chào anh bộ đội ạ!
Trong lòng xấu hổ tấm tức lắm, nhưng không biết làm gì các bạn. Về nhà Trân đem chuyện kể lại với bố mẹ.
Bố Trân lặng lẽ không nói gì, còn mẹ Trân nhỏ nhẹ bảo:
– Anh ấy là người họ hàng với nhà mình thấy chúng mày trẻ con nên đuổi về là đúng. Thôi con ạ, sang năm lớn thêm tí nữa đi chưa muộn, như thế chắc chắn hơn. Bây giờ mẹ ngắm mày giỏi lắm thì được mét rưỡi, cân cả quần áo chắc gì được bồn chục ký chứ.
Trân nghĩ bụng “bà già” nói cũng có lý, năm đó Trân đẹn người, da đen, cân thử được ba tám cân rưỡi. Có được khám chắc cũng bị loại. Tất cả chỉ vì cái tính yêng hùng thích làm người lớn, thích làm anh bộ đội Cụ Hồ. Tuy vậy trong sâu thẳm Trân vẫn muốn mình trở thành anh bộ đội Cụ Hồ. Trong đầu Trân luôn hiện lên hình ảnh người chiến sĩ da rám nắng đội mũ cối, đeo sao, hai bên ve áo có phù hiệu đỏ rực thật vô cùng phấn khích. Nhìn các anh bộ đôi Trân rất ngưỡng mộ, đó là lý tưởng, là lẽ sống của những thanh niên như Trân.
Cũng năm ấy kỳ thi lớp bẩy Trân bị trượt, thầy hiệu trưởng bắn tin tới gia đình qua anh Tường giáo viên cấp một trường làng. Thầy khen Trân về thành tích đóng góp kẻ vẽ cổ động phong trào cho nhà trường và vì vậy thầy rất buồn khi không giúp gì được cho Trân, Trân thì năng đông hiểu biết vẽ giỏi, thầy nói:
– Trân à, em đã có nhiều đóng góp cho nhà trường mà thi lại bị trượt. Thầy cũng không có cách gì giúp đỡ cả, em thông cảm cho thầy nhé!
Nhiều đêm nằm nghĩ Trân thấy mình thật không may mắn. Số là so với các bạn trong lớp Trân học cũng không tới nỗi nào vậy mà khi thi tại sao lại trượt! Các thầy thì biết rất rõ đề thi năm ấy rơi vào đúng những bài học trong khoảng thời gian Trân nghỉ học để vẽ cho nhà trường. Ngày ấy con người công tư rạch ròi, không có cảm thông nâng đỡ gì cả!. Trân đành chấp nhận sự an bài của số phận. Mùa hè năm đó (1965) kỷ niệm 135 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du, dưới sự bảo trợ của thầy Dư dạy văn và là chủ nhiệm lớp, Trân được nhà trường trưng dụng vẽ tranh phỏng theo truyện Kiều. Thầy nói:
– Tôi thích nhất câu thơ “Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng”
Thầy bàn bạc, trao đổi với Trân và đi đến thi công, thất bại nhiều rồi cuối cùng cũng hoàn thành tác phẩm. Một thành trì trong sương khói ảo mờ của hoàng hôn xa vắng, tất cả im lìm trong ráng chiều của vùng trung du vàng rực rỡ hiện ra dưới mặt hồ phẳng lặng như tấm gương phản chiếu tất cả. Trân cũng bất ngờ trước vẻ đẹp mà thi hào đã vẽ nên bằng những con chữ huyền thoại… huyền thoại!
Buồn nhất hôm nhà trường tổ chức trao bằng tốt nghiệp. Trân vẫn đến trường cùng các bạn. Mọi người đều nhận bằng với nụ cười tươi rói trên môi… còn Trân cố nở những nụ cười héo hắt, trái tim như nghẹn lại thẫn thờ và tủi hổ. Thầy Dư biết chuyện đã nhắn Trân tới nhà, thấy muốn trao đổi với Trân vài chuyện. Tới gặp thầy hỏi:
– Thầy biết em rất buồn. Nên muốn hỏi em có ý định gì không!
Trân nhìn thầy tự nhiên không kìm nổi lòng mình, đã lâu lắm những giọt nước mắt của kẻ muốn làm “người lớn” tự dưng cứ trào ra đầy hai hốc mắt. Trân bật khóc thành tiếng giọng như nghẹn lại bảo thầy:
– Em quyết định xung phong đi bộ đội đợt tới thầy ạ!
Lúc này thầy nghiêm giọng nói với Trân như nói với một người đàn ông thực thụ.
– Trân à! Thầy quý em và coi em như em trai thầy nên bàn với em thế này. Mọi chuyện thi cử đã xong rồi. Giờ em đi bộ đội thì chưa đến tuổi, sức khỏe chắc cũng không ổn nếu đuối quá không theo kịp mọi người sẽ ốm đau chỉ khổ thôi. Em nên học lại một năm nữa sau này khi hoà bình nhà nước cần người có bằng cấp. Lúc đó em có bằng cấp có thành tích nhất định sẽ tốt hơn, em nên nghe thầy
Thầy rót trà mời, tự dưng lúc đó Trân thấy mình người lớn và cũng nghe ra nhiều vấn đề, thầy nhìn Trân chia sẻ rồi nói tiếp.
– Thêm một tuổi nữa em có bằng cấp, có trí tuệ, có sức khỏe làm việc gì chẳng được…
Sau buổi nói chuyện Trân thấy thanh thản nhẹ nhàng bước vào ôn luyện bài vở chuẩn bị cho năm học mới.
Năm học đó Trân tiến bộ vượt bậc luôn là học sinh giỏi trong lớp. Được sự động viên của thầy cô bạn bè. Kiến thức vững vàng, Trân luôn thể hiện mình là một học sinh suất sắc. Với chủ đề: Chủ nghĩa anh hùng cách mạng VIỆT NAM NHẤT ĐỊNH THẮNG, ĐẾ QUỐC MỸ NHẤT ĐỊNH THUA. Bài luận văn của Trân được điểm năm (5), điểm tối đa ngày ấy đồng thời được đọc trước cả lớp. Kỳ thi lớp bẩy năm đó Trân đỗ loại ưu.
Lại nói về thầy Dư, thầy là người nho nhã, cẩn thận. Lúc nào thầy cũng phải đàng hoàng, tóc rẽ ngôi chải mượt, quần áo chỉnh chu, tươm tất. Khi đi ra ngoài mà thấy chiếc áo cởi ra treo trên mắc áo còn lệch thầy nhất định sẽ quay vào chỉnh lại rồi mới đi. Đôi dép cao su đã mòn thầy vẫn giữ, lúc nào cũng sạch sẽ đen bóng.
Hôm Trân nhập ngũ thầy rủ mấy học sinh đi chụp ảnh kỷ niệm trong đó có Trân, thầy lấy ghế đứng sau cho cao hơn còn ba trò đứng trước
Những trận đánh dữ dội, những ngày hành quân gian lao vất vả, nhưng trận đòn tù, những bữa cơm có thấm máu đồng đội… Trân đều từng trải qua. Rồi năm 1973 khi Trân ở chiến trường ra nghe nói thầy cũng vào bộ đội và hi sinh trong chiến trường Miền Trung, hai bạn chụp ảnh cùng Trân người hi sinh ở Quảng Nam, người kia hi sinh tại mặt trận Tây Ninh. Trái tim Trân thắt lại, hơi thở như bị ai bóp nghẹt, nghẹn ngào và đau đớn!
Phần Trân sau khi nhập ngũ, tham gia huấn luyện ngắn hạn rồi bổ sung tăng cường cho tỉnh đội Đà Nẵng, trong một trận chiến không cân sức và nằm trong vòng vây phục kích, Trân bị địch bắt giam cầm tại đảo Phú Quốc. Tại đảo Trân được tổ chức cho học văn hoá, các anh đi trước có trình độ hơn dạy từ lớp ba đến lớp mười. Trân theo học lớp năm tới lớp mười. Các buổi học được vẽ xuống nền đất, tài liệu là những mảnh giấy nhỏ ghép lại đóng thành quyển nhỏ, như vậy dễ cất giấu và chuyền tay nhau học. Trong tù chúng cấm tất cả mọi cuộc hội họp, tập chung, trao đổi, bàn bạc dưới mọi hình thức. Các anh đi trước đều là giáo viên giỏi, nhiệt tình. Mọi người học kiến thức nền TOÁN và VĂN. Sau này nhờ những kiến thức ấy mà nhiều người đã bước vào trường đại học. Riêng với Trân năm năm tù Trân đã hoàn thành chương trình lớp mười. Nhờ đó mà Trân thi và đỗ vào trường MỸ THUẬT CÔNG NGHIỆP.
Đêm Hồ Tây làn gió mùa thu mát rượi, ngồi trên con thuyền ngắm bốn bề trời nước thủ đô Hà Nội Trân bỗng thấy nhói đau trong tim, giá mà…
Cho đến hôm nay câu nói của thầy Dư vẫn nguyên giá trị, thấm thía và chân tình. “Có bằng cấp, có trí tuệ, có sức khỏe làm việc gì chẳng được”.
Mùa thu, 2020