Đại hội đại biểu toàn quốc Hội nhà văn Việt Nam lần thứ IX (nhiệm kỳ 2015-2020) được tổ chức tại thủ đô Hà Nội trong 3 ngày từ 9 đến 11/7/2015.
Tổng số hội viên HNVVN tính đến tháng 7/2015 là 1.014, số đại biểu tham dự đại hội gồm 542 của 13 đoàn đến từ khắp các vùng miền đất nước. Đại hội IX HNVVN được tổ chức tại khách sạn La Thành (trong hai ngày đầu) và Trung tâm Báo chí Quốc tế Lê Hồng Phong (ngày thứ ba).
Hà Nội mấy hôm nay trời giảm nóng nực nên lòng người cũng trở nên mát mẻ, thân ái hơn. Một số địa phương có đại biểu đi dự đại hội đều có động thái quan tâm, chăm sóc các nhà văn (thịnh tình nhất là đoàn nhà văn TP Hồ Chí Minh, được đi về đều bằng tàu bay). Nhưng cũng có địa phương thì “việc ai người ấy làm” kiểu thôi thì ta tự cứu lấy mình trước vậy.
Các nhà văn ở các địa phương về dự đại hội đều được Ban Tổ chức thu xếp nơi ăn chốn ở đàng hoàng, đều khách sạn 3 sao cả.
Đại hội lần này được tổ chức khá chặt chẽ, mỗi đại biểu có thẻ dán ảnh, cửa ra vào hội trường lớn có các vệ sĩ chuyên nghiệp bảo vệ nghiêm cẩn. Chỉ hiềm nỗi, không ít nhà báo (ngày họp cuối mới có giấy mời?) nhiệt thành tìm đến ngấp nghé đều bị kiên quyết từ chối!
Không có điểm danh, kiểm tra quân số khi mới vào khai mạc buổi đầu. Nhưng nhìn ang áng hình như thấy thiếu khuyết cũng lắm? Đến buổi chiều trong phần lấy biểu quyết về việc BCH HNVVN bầu ra Ban kiểm tra hay Đại hội đại biểu bầu, khi kiểm đếm mới tá hỏa. Có mặt trong hội trường, đếm đi đếm lại tất cả chỉ 337 đại biểu. Sao thế nhỉ? Có trời mới biết! Những đại biểu vắng mặt (dù có lí do hay không có lí do) đều đáng trách, bởi phải cần biết điều này, có gần 500 nhà văn buồn đến vài tháng nay vì không trúng cử đại biểu đi dự đại hội! Tuy nhiên sự đời lại lấy cái đại đồng để mà giải quyết trừ đi cái tiểu dị lúc nào, ở đâu chẳng xuất hiện?
Kết quả làm thỏa mãn cả hai quan điểm trái nhau: có 129 đại biểu đồng ý BCH HNVVN bầu Ban Kiểm tra; có 208 đại biểu đồng ý Đại hội đại biểu bầu Ban Kiểm tra. Lúc cộng hai loại phiếu thì mới “phô” ra cái sự vắng mặt quá nhiều của các đại biểu được triệu tập (tổng số là 337 trên 542).
Trong số đại biểu, có nhà văn như giáo sư Phong Lê đã được dự đến 8 đại hội. Đồng nghiệp “khích” nhà văn trưởng lão này nên viết hồi ký chỉ chuyên về các đại hội nhà văn. Ông chỉ cười hiền mà rằng “hồi ký đang là mốt. Mà tôi thì không thích mốt”. Nhà văn Nguyễn Thế Quang (Nghệ An) vừa được kết nạp năm 2014, đã trúng ngay đại biểu đi dự đại hội. Đúng là vào đại hội mới thấy nhà văn ta mỗi người một vẻ, mười phân, tuy nhiên, chỉ vẹn chín. Thế đã là nhiều!
Thời trang đại hội tuy không phải là chuyện sống còn, nhưng nó là ánh phản của đội ngũ nhà văn ở thập kỉ thứ hai thế kỉ XXI. Nhiều người xuýt xoa khi thấy nhà thơ Nguyễn Quang Thiều lâu nay được coi là người có phong cách “bụi”, từ quần áo đến râu tóc. Hôm nay thi sĩ đánh bộ hơi bị oách, sơ-mi màu hồng, thắt cà-vạt trông đỏm đến lạ hẳn? Anh ngồi Chủ tịch đoàn bên cạnh hoa hậu HNVVN Nguyễn Thị Thu Huệ, thi thoảng hai anh ả bỏ nhỏ nhau điều gì khiến đoàn chủ tịch ngó mềm hẳn? Tuyệt đại đa số các nữ nhà văn xứng danh là phái đẹp đều diện váy. Thôi thì đủ màu đủ kiểu. Thôi thì không kém tha thướt. Trông thật bắt mắt. Vì thế mà đại biểu cảm thấy dịu mát hơn chăng? Câu hát “Em ơi Hà Nội váy” được lớp trẻ “chế” hôm nay trong hội trường mới thấy thỏa đáng. Chủ tịch Hội NVVN Hữu Thỉnh hôm nay mặc áo cộc tay buông, màu xanh nhạt trông trẻ khỏe, nhiều người khen thẳng thừng “tuổi bảy ba mà vẫn ngon!”. ?!
Hãy học làm dân chủ là tinh thần cốt lõi của Đại hội IX HNVVN. Nhưng giữa nói và làm là một khoảng cách. Kết thúc ngày thứ nhất, ra về, nét mặt các đại biểu đều hân hoan dẫu trải qua 8 tiếng đồng hồ tập trung trí lực theo dõi và xây dựng đại hội. Hân hoan vì ít nhiều học được dân chủ. Sau báo cáo (dự thảo) của BCH khóa VIII, do chủ tịch HNVVN Hữu Thỉnh trình bày, đã có 20 ý kiến đóng góp thẳng thắn, chân thành.
Nhà văn Tô Nhuận Vỹ (Thừa Thiên – Huế) đề nghị xem xét lại tiêu chuẩn “cứng” kết nạp hội viên mới (cần có 2 tác phẩm và 2 nhà văn giới thiệu). Làm theo lối cũ là “xin – cho” kiểu bao cấp. Hãy để mỗi người sáng tác tự chịu lấy trách nhiệm về sản phẩm tinh thần của mình. Nhà thơ Bùi Hoàng Tám (Hà Nội) đề nghị cải tổ lại bộ máy nhân sự của báo Văn nghệ, phải tìm lối thoát nếu không muốn mất độc giả và trở nên tụt hậu trong thời đại thông tin mạng. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nói xúc động và thẳng băng về trách nhiệm, và là lương tâm, của Hội NVVN trong việc bảo vệ sinh mạng chính trị của nhà văn hiện nay. Kiểu nói như móc ruột gan mình ra của Nguyễn Việt Chiến đã được hưởng ứng bằng tràng pháo tay hơi bị nhiệt liệt.
Nhà văn Lê Hoài Nam tỏ ý muốn thanh minh trước đại hội về những chuyện xì xèo cái ngày anh còn làm chủ tịch một hội VHNT địa phương. Nhà văn Nguyễn Thị Phước (Nghệ An) xin phát biểu đến ba lần trong một ngày. Đại hội vẫn chấp nhận và lắng nghe. Ưu tiên phái đẹp! Nhà văn Nguyễn Khắc Phê (Thừa Thiên – Huế) nhiệt hứng và đau đáu với nỗi niềm biển Đông, biển đảo chưa trở thành mối quan tâm thường trực và cháy bỏng trong tâm thức nhà văn chúng ta. Thật ra thì trong Báo cáo (dự thảo) có câu: “Văn hóa biển và biển Đông là vấn đề rất mới và nóng bỏng được thể hiện khá kịp thời trong nhiều tác phẩm”. Dù một câu thôi nhưng đó là đường hướng của tư duy và cảm xúc trong sáng tạo văn chương.
Không khí đại hội buổi chiều “nóng” hơn khi các đại biểu thông qua 3 nội dung: 1/Nhà văn không được tham gia các tổ chức chưa được Nhà nước cấp phép hoạt động; 2/Quy chế kết nạp hội viên mới; 3/Quy chế bầu Ban Kiểm tra của Hội NVVN.
Có thể nói vừa nhạy cảm vừa nóng nên các ý kiến góp ý rất sôi nổi, quyết liệt một cách chân thành về nội dung thứ 3. Các nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Đặng Huy Giang, Trần Nhương đều phát biểu riết róng về vấn đề được đa số đại biểu tán thành: Nên để Đại hội đại biểu bầu Ban Kiểm tra HNVVN. Vì không theo thủ tục bỏ phiếu, chỉ giơ tay, nên Ban Thư ký phải làm việc vất vả. Mất cả tiếng đồng hồ về việc này. Nhưng rồi tất cả được tháo gỡ khi các đại biểu đều thấy “hãy học làm dân chủ từ một việc cụ thể nhất!”. Nhà thơ Trần Nhương lên diễn đàn xúc động toát lên cái tinh thần “Hãy học làm dân chủ… ”.
Kết quả làm thỏa mãn cả hai quan điểm trái nhau: có 129 đại biểu đồng ý BCH HNVVN bầu Ban Kiểm tra; có 208 đại biểu đồng ý Đại hội đại biểu bầu Ban Kiểm tra. Lúc cộng hai loại phiếu thì mới “phô” ra cái sự vắng mặt quá nhiều của các đại biểu được triệu tập (tổng số là 337 trên 542). Nhiều đại biểu cảm thấy qua việc bầu Ban Kiểm tra đã bắt đầu phát lộ những quan điểm khác nhau, những cách ứng xử khác nhau trong đại hội. Và ngày mai khi bầu Ban chấp hành, tình hình chắc còn nhạy cảm và nóng hơn ngày đầu tiên khi chỉ mới là khúc dạo đầu học dân chủ?
Hà Nội, đêm 9/7/2015
Từ Thanh niên