Từ hồi thơ trẻ, mỗi lần năm hết tết đến hầu như lứa U50 ai cũng được biết cặp câu đối mà các cụ hay đọc :
a- THỊT MỠ, DƯA HÀNH, CÂU ĐỐI ĐỎ
b- CÂY NÊU, TRÀNG PHÁO, BÁNH CHƯNG XANH
Có người lại đọc vế hai là:
b1- NÊU CAO, PHÁO NỔ, BÁNH CHƯNG XANH…
Từ hồi thơ trẻ, mỗi lần năm hết tết đến hầu như lứa U50 ai cũng được biết cặp câu đối mà các cụ hay đọc :
a- THỊT MỠ, DƯA HÀNH, CÂU ĐỐI ĐỎ
b- CÂY NÊU, TRÀNG PHÁO, BÁNH CHƯNG XANH
Có người lại đọc vế hai là:
b1- NÊU CAO, PHÁO NỔ, BÁNH CHƯNG XANH
Vế “b1” xét theo luật thì không chuẩn đối bởi không cân nhau về từ loại, nhưng vẫn được nhiều người thuộc lòng như vế “b” bởi cặp đối này tóm tắt những thứ có thể coi là đặc trưng cơ bản của ngày Tết Nguyên Đán, chỉ hội tụ đầy đủ vào dịp Tết cổ truyền của dân Việt ta mà thôi.
Trong sáu hạng mục cặp đối trên liệt kê ra thì năm hạng mục hoàn toàn là dạng vật chất, có thể mua ở chợ hoặc do các bàn tay nội trợ làm ra với chất lượng không chênh nhau bao nhiêu. Riêng mục CÂU ĐỐI ĐỎ thì tính tinh thần đậm nét hơn rất nhiều và chất lượng thì thực sự không đồng đều. Giờ thì mọi công việc hối hả của năm Ngọ đã được Táo công báo cáo lên Thiên đình rồi, ta có thể thảnh thơi mạn đàm đôi chút về Câu đối trước khi bước vào những ngày vất vả tiếp theo của năm Ất Mùi.
Câu đối (cũng như thơ luật Đường) đều có nguồn gốc từ Trung Quốc với quan niệm: “nếu thơ văn là tinh hoa của chữ nghĩa thì câu đối là tinh hoa của tinh hoa” nhưng hàng ngàn năm nay dân ta cũng đã quen sáng tác và sử dụng hai loại hình văn chương này trong nhiều lĩnh vực khác nhau, có nhiều sáng tạo theo phong cách riêng của dân tộc Việt, rất cần được duy trì và phát triển.
Hiện nay số người ham thích Thơ luật Đường (tạm coi là cô em ruột của chàng Câu Đối) ngày càng đông, sinh hoạt ở rất nhiều CLB thơ luật Đường ở khắp nơi nhưng vẫn ít người dám bước vào sân chơi Câu Đối, xuất hiện khá vui vẻ mấy năm nay ở một số trang Web văn chương như Đônthưquêmẹ (Hà Nội), Đấtđứng (Tây Ninh), Trannhuong.com, ViệtNamthihữu…
Tham gia các sân chơi nói trên hiện nay thường là lớp U50 trở lên, thi thoảng mới xuất hiện một vài cao nhân (cũng khá cao tuổi) tái xuất giang hồ. Với mong muốn kéo thêm lớp trẻ vào sân, nên dù chẳng phải người học Cổ văn hay Hán học tôi cũng gắng tìm hiểu và mạn phép trình bày đôi điều về luật viết câu đối như sau:
Với tên gọi là CÂU ĐỐI nên nguyên tắc cơ bản của loại hình này là phải ĐỐI: Đối về ý (tứ của hai vế), đối về số chữ (số chữ phải bằng nhau giữa hai vế), đối về thanh (Bằng phải đối với Trắc nhưng yêu cầu cụ thể còn phù thuộc vào loại câu đối) và đối nhau về từ loại của các từ tương ứng (Danh từ đối danh từ, chủ từ đối chủ từ, hư từ đối với hư từ, số lượng đối số lượng, tên riêng đối tên riêng, âm thanh đối âm thanh, màu sắc đối màu sắc, hình ảnh đối hình ảnh, tục ngữ đối tục ngữ, điển tích đối điển tích, chữ nước ngoài đối với chữ nước ngoài v.v… )
Xin nêu một ví dụ:
Vế xuất: Năm Ngọ đến, tới phố Mã mua con ngựa giấy
Vế đối: Tháng Thìn qua, thăm chợ Rồng kiếm chú giao long
Phân trích theo yêu cầu nêu trên sẽ thấy:
Về ý:
Xuất nói về ngựa (là chủ thể của các năm Ngọ)
Đối nói về rồng (là chủ thể của các năm Thìn)
Số chữ:
Hai vế đều cùng có 10 từ, mỗi câu đều có 1 dấu phẩy tách thành 2 phân câu.
Về thanh:
Từ ở vị trí tương ứng giữa hai câu đều giữ đúng luật Bằng (gồm những chữ không có dấu hoặc mang dấu huyền viết tắt là B) đối với Trắc (là những chữ mang dấu sắc (‘) hỏi (?), ngã (~), nặng (.) viết tắt là T)
Chi tiết hơn:
Năm (B) đối với tháng (T)
Ngọ (T) đối với Thìn (B)
đến (T) đối với qua (B)
Phần sau dấu phẩy tuân theo biệt lệ của hai cặp đối trong thơ luật Đường nên được phép du di về B với T.
Về từ loại:
“Năm Ngọ” đối với “tháng Thìn” (cùng là tập hợp danh từ)
Động từ “đến” đối với động từ “qua”
Phân loại câu đối:
A- Theo số chữ và cách đặt câu, từ xưa phân ra làm ba loại câu đối:
1- Câu tiểu đối: là những câu ngắn 4 – 6 chữ trở xuống.
Ví dụ như các cặp sau:
Cháy chợ, chớ chạy
Bể vò, bỏ về
Ô! Quạ tha gà
Xà! Rắn bắt ngóe
Trời sinh ông Tú Cát
Đất đẻ con bọ hung
Trẻ cưỡi mo cau
Già chơi hạc gỗ
Cá đối nằm trong cối đá
Cò lửa đậu giữa cửa lò
Trồng môn trước cửa
Bắt ốc sau nhà.
Câu tiểu đối thường không quá câu nệ với việc đối thanh khi có tứ hay ở hai vế đã đối khá đắt với nhau.
2- Câu đối thơ: là câu đối có 5 hay 7 chữ
Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà
(Nguyễn Đình Chiểu)
hoặc:
Quê người đón Tết không nghe pháo
Đất khách chào Xuân chẳng thấy mai
Loại câu này phải giữ đúng luật bằng trắc như 2 cặp thực & luận trong một bài Đường luật, khi có tứ hay người ta cũng thường được phép du di theo nhất-tam-ngũ bất luận.
3- Câu đối phú: là những câu làm theo lối đặt câu của thể phú, chia làm ba loại:
– Câu song quan là những câu 6 đến 9 chữ, đặt thành một đoạn liền:
Con ruồi đậu trên mâm xôi đậu
Cái kiến bò dưới đĩa thịt bò
– Câu cách cú là những câu mà mỗi vế chia làm 2 đoạn, một đoạn ngắn, một đoạn dài:
Ngói đỏ lợp nghè, lớp trên đè lớp dưới
Đá xanh xây cống, hòn dưới nống hòn trên
Cung kiếm ra tay, thiên hạ đổ dồn hai mắt lại
Rồng mây gặp hội, anh hùng chỉ có một ngươi thôi
(cặp này viết để vừa khen vừa trêu một viên quan võ chột mắt )
– Câu gối hạc hay hạc tất là những câu mỗi vế có 3 đoạn trở lên.
Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai ai dễ biết ai (Đặng Trần Thường)
Thế Chiến quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thời phải thế (Ngô Thời Nhậm)
Yêu cầu về bằng trắc với câu đối phú là: Chữ cuối mỗi vế và chữ cuối mỗi đoạn phải Bằng đối với Trắc hoặc Trắc đối với Bằng. Khi mỗi vế đối có từ 2 đoạn trở lên thì nếu chữ cuối vế là Trắc, các chữ cuối các đoạn trên phải là Bằng và ngược lại. Nếu đoạn đầu hoặc đoạn dưới có đúng 7 chữ thì đoạn ấy thường theo luật thơ thất ngôn.
Câu đối phú thường dài và ngày nay cũng ít người làm, chỉ xin nêu một ví dụ để mọi người cùng tham khảo:
Đám công danh có chí thì nên: ơn làng giấy trắng, ơn vua giấy vàng; chiếu trung đình ngất ngưởng ngồi trên, ngôi tiên chỉ đó cũng là rất đáng.
Nhờ phúc ấm sống lâu lên lão; anh cả bàn năm, anh hai bàn sáu; đàn tiểu tử xênh xang múa trước, tranh tam đa ai khéo vẽ nên tranh.
B- Phân loại theo mục đích sử dụng của Giáo sư Dương Quảng Hàm thì có những loại câu đối sau:
– Câu đối mừng: làm để tặng người khác trong những dịp vui mừng như: mừng thọ, mừng thi đỗ, mừng đám cưới, mừng nhà mới…
– Câu đối phúng: làm để viếng người chết.
– Câu đối Tết: để dán nhà, cửa, đền, chùa… về dịp Tết Nguyên Đán. – – – – Câu đối thờ: là những câu tán tụng công đức tổ tiên hoặc thần thánh làm để dán hoặc treo những chỗ thờ.
– Câu đối tự thuật: là những câu kể ý chí, sự nghiệp của mình và thường dán ở những chỗ ngồi chơi.
– Câu đối đề tặng: là những câu đối để đề vào chỗ nào đó hoặc tặng cho người khác.
– Câu đối tức cảnh: là những câu tả ngay cảnh trước mắt.
– Câu đối chiết tự (chiết: bẻ gãy, phân tách; tự: chữ): là những câu do sự tách chữ Hán hoặc chữ Nôm ra từng nét hoặc từng phần mà đặt thành câu.
– Câu đối trào phúng: là những câu làm để chế diễu, châm chích một người nào đó.
– Câu đối thách (đối hay đố): nghĩ ra những câu đối oái ăm, cầu kỳ rồi người ta tự đối lấy hoặc thách người khác đối. Lối đối này thường sử dụng nghệ thuật chơi chữ, đồng âm dị nghĩa…
Không khí Tết ngày nay không còn quá bận rộn, miền Bắc (vốn được coi là miền đất văn hiến) bây giờ cũng đã giống như miền Nam: CHƠI TẾT là chính, không tập trung vào mục đích ĂN TẾT như xưa. Vậy nên xin phép mời độc giả cùng điểm lại một số câu đối vui và ý nghĩa từ xưa để lại:
– Lý Công Uẩn (sau là vua Lý Thái Tổ) hồi còn là chú tiểu ở chùa đã có khẩu khí đế vương, một lần không thuộc bài bị Thiền sư Vạn Hạnh hạnh trói hai cẳng co lại, đặt trước Phật đài, đã tự vịnh:
Đêm khuya chẳng dám dang chân duỗi
Vì ngại sơn hà xã tắc xiêu
– Trên là “nhà vua non”, còn đây là ông thợ rèn ra câu đối và Học sĩ Lê Văn Hưu đối lại:
Than trong lò, sắt trong lò, lửa trong lò, thổi phì phò đúc nên dùi sắt
Nghiên ở túi, bút ở túi, giấy ở túi, viết lúi húi mà đậu khôi nguyên
– Chuyện vua Trần Nghệ Tông với Hồ Quý Ly
Tương truyền Hồ Quý Ly lúc hàn vi thường theo cha nuôi họ Lê đi buôn đường biển, một lần thuyền ghé vào bờ, Quý Ly thấy trên bãi biển có ai vạch lên câu thơ: Quảng Hàn cung lý Nhất Chi Mai (Quảng Hàn cung nọ một cành mai). Quý Ly thấy hay liền nhẩm thuộc lòng câu thơ đó. Sau này làm quan một hôm hộ giá vua Trần Nghệ Tông đi chơi, nửa chừng ghé vào tránh nắng ở điện Thanh Thử, thấy trước điện rất nhiều cây quế, vua liền ra câu đối:
Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế (Thanh Thử điện kia ngàn gốc quế)
Quy Ly chợt nhớ lại câu thơ trước đây liền đọc luôn:
Quảng Hàn cung lý Nhất Chi Mai
Tự nhiên thành một vế đối chuẩn. Vua lấy làm lạ vì trong cung tả có một công chúa tên là Nhất Chi Mai, tòa lầu của công chúa là cung Quảng Hàn chính do vua đặt tên làm sao mà Quý Ly lại biết. Quý Ly thuật lại chuyện ngày trước, vua Nghệ Tông cho là do duyên trời định bèn gả con gái cho.
– Chuyện câu đối về tình yêu: Vua Lê Thánh Tông khi còn là hoàng tử một lần dạo chơi trên sông đào vùng Tống Sơn (Thanh Hóa) tình cờ gặp một cô gái đang vo gạo bên bến nước. Vốn hay chữ, hoàng tử buột miệng đọc:
Gạo trắng nước trong, mến cảnh lại càng thêm mến cả…
Không ngờ cô gái nghe được liền đối lại:
Cát lầm gió bụi, lo đời đâu đấy hãy lo cho…
Hai bên đều sử dụng nghệ thuật tàng tự, chữ ẩn không nói ra nhưng ai cũng hiểu. Cô gái ấy là Ngọc Hằng, con gái một vị quốc công, mẹ bị tình phụ nên phiêu dạt đến xứ Thanh. Sau này Lê Thánh Tông lên ngôi và nàng Ngọc Hằng trở thành hoàng hậu.
– Chuyện sứ thần Đại Việt Giang Văn Minh đã bị vua Minh Sùng Trinh bên Tầu xử tử vì vế đối bảo vệ danh dự quốc gia và chủ quyền dân tộc.
Đồng trụ chí kim đài dĩ lục (Cột đồng đến nay rêu đã xanh).
Sùng Trinh ra câu đối như vậy. Nguyên xưa Mã Viện sau khi đánh bại hai Bà Trưng đã dựng một cột đồng ở biên giới Giao Chỉ và khắc lên đó mấy chữ: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” nghĩa là khi nào cột đồng gẫy thì Giao Chỉ sẽ diệt vong. Đến khi Minh Thành Tổ đánh bại nhà Hồ đã sai quân chặt gẫy cột đồng này, ở đây Minh Thần Tông có ý muốn hỏi rằng cột đồng đó đâu mà rêu nay đã xanh, nghĩa là cột đồng đã gẫy mà sao Giao Chỉ chưa bị diệt.
Đằng giang tự cổ huyết do hồng (Sông Đằng từ xưa máu còn đỏ). Sứ thần Việt không chịu kém đã nhắc cho vua Minh biết rằng nhiều xương máu của người phương Bắc vẫn còn đỏ cả sông Đằng vậy.
Thẹn quá hóa giận Sùng Trinh lại ra:
Nhật hỏa, Vân yên, bạch trú thiêu tàn Ngọc Thỏ. (Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày đốt cháy vầng trăng) .
Hiểu rõ dụng ý và mục đích đe dọa của vua Minh nhưng cần phải khẳng định ý chí và sức mạnh quật cường của Đại Việt, sứ ta đã trả lời:
Nguyệt cung, Tinh đạn, hoàng hôn xạ lạc Kim Ô. (Trăng là cung, sao là đạn, chiều tối bắn rơi mặt trời)
Vế đối lại thật giỏi về nghĩa về chữ. Lại thấy trăng lưỡi liềm như cánh cung, những vì sao tròn như viên đạn, đây là sự hình dung thật tuyệt. Song, hay hơn cả là vế đối tỏ rõ sức cứng rắn của người nước Việt, không lời đe dọa nào có thể làm cho run sợ, luôn sẵn sàng đối phó với kẻ thù.
Rất nhiều những câu đối hào hùng như vậy được lưu lại trong sử sách nhưng câu đối vốn đa dạng nên xin được giới thiệu thêm vài dạng khác. Có những vế xuất đối ra từ ngày xưa, đến nay nhiều người cố đối lại nhưng vẫn chưa thật chỉnh lắm, ví dụ như câu của Bà Đoàn Thị Điểm đố Trạng Quỳnh:
Da trắng vỗ bì bạch
Đã có nhưng vế đối như sau:
Rừng sâu mưa lâm thâm (Nguyễn Tài Cẩn)
Quạ vàng đội kim ô (không rõ)
Tay tơ sờ tí ti (khuyết danh)
Nhà vàng ngồi đường hoàng (không rõ)
Áo vàng mặc trang hoàng (khuyết danh)
Trời xanh cao thiên thanh (khuyết danh)
Đêm đen nhìn tối thui (không rõ)
Riêng người viết bài này cũng góp vào hai vế sau:
Mấn đen chùm váy thâm (NC)
Đá đen chèn hắc thạch (NC)
Trong dân gian cũng có nhiều chuyện về câu đối không kém phần hài hước và thú vị: ông nọ có tính thích làm câu đối nhưng rất sợ vợ, ngày nào ông ta cũng đặt nhiệm vụ cho bản thân phải nghĩ ra được một câu. Hôm đó đã là cuối buổi chiều 30 Tết, mãi chưa nghĩ ra được câu nào, đang mải suy nghĩ thì bỗng thấy một con chó sủa rất hăng về phía mình. Vị này tức quá, nhưng cũng chợt nảy ra được một câu:
Chiều ba mươi con chó sủa.
Tận sáng hôm sau, lúc đang ngủ nghe thấy tiếng vợ ho nhiều nghĩ mà thương, bèn viết luôn:
Sáng mồng một vợ tôi ho.
Phấn khởi ra mặt, ngay đó ông ta đọc cả hai vế đối để khoe, nào ngờ bà vợ lại nổi tam bành lôi phắt chồng ra khỏi giường, định làm to chuyện vì dám đặt vợ ngang với con chó! “Đối sĩ” cuống lên vội giải thích: ““Sáng” đối với “chiều”, “mồng một” đối với “ba mươi”, “vợ” đối với “con”, “chó sủa” đối với “tôi ho”. Đấy bà thấy không, tôi ví tôi ho với con chó sủa đấy chứ…!
Nghe giải thích như vậy sư tử Hà Đông bỗng phì cười, không làm chuyện om xòm trong ngày mùng một Tết!
Câu đối xưa nay nhiều khi rất hiểm hóc, có hiểm hóc thì mới hay và để người ta phải nhớ mãi, ví dụ như câu “Thử chuột một tí, xem mày tốt xấu” (Yên Thao). Cũng có nhiều vế đối đưa ra nhưng chỉnh nhất có lẽ là câu “Kê gà vướng dậu, bay được thấp cao”
*
* *
Phần trên do người viết sưu tầm từ các nguồn và mạn phép giới thiệu khái quát về câu đối với CLB Thơ luật Đường Hải Phòng. Những phép tắc viết câu đối trên đã hình thành từ rất lâu rồi, nhưng ở các Sân chơi Câu đối – mấy năm nay luôn tổ chức ở một số trang Web văn chương như Vanthoviet.com (Bình Định), Đôn Thư quê mẹ (Hà Nội), Đất Đứng (Tây Ninh) Việt Nam thi hữu… – thì không phải “đối sĩ” nào cũng đã nghiên cứu và biết một cách tường tận về luật.
Vậy nhưng các sân chơi này rất vui vẻ, lí thú và càng ngày số người tham gia càng đông hơn lên, mỗi năm lại xuất hiện thêm một vài cao thủ “tái xuất giang hồ”. Môn chơi tuy khó nhưng rất thú vị, tôi thường rủ các thi hữu là người đã viết thơ luật Đường vào loại cứng tay tham gia sân chơi này nhưng một số bạn lắc đầu bảo “khó lắm anh ạ!”. Tôi thì lại nghĩ luật là luật, mình cần biết để khi muốn tham gia cuộc thi câu đối nào đó thì giữ cho đúng luật mới có hi vọng giật giải, còn khi viết câu đối để vui chơi với nhau thì ban đầu hãy phiên phiến đi, nếu như ta tìm được ý nào đắt và phù hợp với ngữ cảnh.
Ví dụ vừa rồi khi nghe tin về vụ án anh em nhà họ Dương tố cáo một nhân vật lớn dính dáng đến tham nhũng và làm lộ bí mật quốc gia, tôi đưa ra vế xuất:
Chưa Giáp Ngọ, ngựa quí đã lở mồm long móng!
Câu tự đối là:
Hết Canh Dần, hùm thiêng đà rơi bẫy cạn cơ!
Ngay lập tức nhận được những vế đối:
Sắp Đinh Mùi, dê non đang mở mắt, mọc râu.
Quá Đinh Mùi, dê già còn dương cổ vểnh cằm!
Lỡ Tân Mùi dê đen vừa teo cẳng gãy sừng!
Chẳng Tân Mùi, dê non còn trông mặt đặt tên
Sắp Ất Mùi, dê hiếm đừng bán chó treo dê
…….
Không khí của sân đối rất vui tuy rằng cả vế xuất lẫn vế đối đều sai luật. Vế xuất sai vì đây là câu Hạc Tất mà phần sau dấu phẩy không theo đúng Bằng, Trắc của hai cặp Thực & Luận của thơ luật Đưởng. Các vế đối còn sai luật nhiều hơn, thôi thì cũng gọi là có chỗ vui vẻ với nhau là chính, bao giờ tham dự cuộc thi câu đối hẵng hay!
Đấy là nói về chuyện sai luật nhưng ở các sân chơi này cũng có nhiều cặp đối chỉn chu và trí tuệ. Vế xuất dạng câu Hạc tất của bác Phan Tự Trí (Đồng Nai) phải nói là trái khoáy:
Năm Dần, cứ tu sửa dần dần, khỏi hổ danh gái Dốc Mơ vừa dơ vừa mốc.
Phải chữa vài lần tôi mới có được vế đối khả dĩ:
Tết Ngọ cần xếp trò ngọ nguậy, đừng lưu tiếng trai Dương Tễ thấy dễ lại tương.
Sau đó trong không khí đông vui bạn bè tham gia tôi còn xuất hoặc đối thêm một số cặp khác góp với mọi người, cũng vào loại tàm tạm như:
Tết Giáp Ngọ, ngồi xe tư mã, chơi bài tam cúc, mất xe – pháo – mã, buồn như “Tái ông mất ngựa”. (Diên Minh – Hà Nội)
Xuân Tân Mùi hám tiệc tam dương, hóng khúc bốn mùa, toi chó – trâu – dương, cực quá Tô Vũ chăn dê (NC)
– Giáp Ngọ, ngựa quen đường cũ, mã đáo thành công, họ Cựu hồn kinh
Nhâm Thìn, long đến nhà tôm, ăn như rồng cuốn, làng Tép chết khiếp (NC)
– Giáp năm Giáp Ngọ, lũ Ngựa chứng giở chứng, bung chuồng Ngọ nguậy (Kim Lão Tà)
Tân tháng Tân Mùi, bày Dê non ăn non, kiếm bãi Dương dê (NC)
– Xuân Giáp Ngọ, bác Ngọ mặc áo giáp, vênh vang lên xe xuống ngựa, dạo phố Mã Mây, lễ đền Bạch Mã. (Ngọc Thanh )
– Tết Đinh Mùi, cu Mùi dù lên đinh vẫn thích bịt mắt bắt dê ra đồng Dương Cỏn cầu cụ Hoàng Dương (NC)
– Quí Tỵ qua, rắn ráo em chiên, nhâm nhi rượu ngũ xà chúc tết (Ngọc Thanh)
– Nhâm Thân lại, đười ươi một dạ, cố nhóm đoàn tam khỉ bày trò (NC)
Thiết nghĩ Câu đối là một di sản quí giá của dân tộc ta. Xã hội dần Phú quí lên thì Lễ nghĩa cũng tăng theo, nhu cầu có một cặp câu đối cho ngày tết, để mừng nhà mới, phúng viếng, thờ phụng, đề tặng sẽ ngày càng nhiều hơn. Theo thiển ý của tôi thì đã là nhà văn, nhà thơ, đặc biệt là người ham thích thơ luật Đường – tức là những người mang tính có chữ nghĩa và chấp nhận cách làm thơ gò bó cao hơn người bình thường – chẳng lẽ chúng ta lại không dám bước vào sân chơi này. Nói cho đúng ra, các câu đối viết theo mục đích sử dụng thường không khó như các câu tôi giới thiệu trên. Sân Câu đối là sân chơi trí tuệ nên mọi người cố nghỉ những câu khó và hóc hiểm, cũng chỉ để vui là chính, còn viết câu đối theo mục đích sử dụng nếu chúng ta để tâm một chút sẽ thấy là đơn giản hơn nhiều.
Ví dụ để mừng ngày tết người ta viết những câu:
– Lộc biếc, mai vàng, xuân hạnh phúc
Đời vui, sức khoẻ, tết an khang
– Trời thêm tuổi mới, người thêm thọ
Xuân khắp dương gian, phúc khắp nhà
– Tết trong nhà, Tết ra ngoài phố
Lộc trên trời, lộc xuống nhân gian
Để mừng thọ người ta viết:
– Tuổi thọ chín mươi mừng phúc lộc
Hoa tươi muôn đóa chúc an khang
– Tám chục tuổi đời, người vẫn trẻ
Ngàn năm gia tộc, phúc vô biên
Câu đối ở đám tang:[IMG]
– Nghĩa nặng gửi theo về chín suối
Tình sâu để lại đến ngàn thu
Có nghĩa là chúng ta ai cũng có thể nghĩ ra một vài vế đối dùng cho từng hoàn cảnh. Xin các “tân đối sĩ” đừng e ngại, hãy cứ thử xem sao.
Tuy các cụ có câu “Ra giêng ngày rộng tháng dài” nhưng bàn về câu đối thì còn lâu mới hết, cũng còn nhiều chuyện hay lắm, vì bài viết cũng đã dài, xin phép được dừng ở đây.
Xin cám ơn tất cả mọi người đã để mắt đến những dòng viết có phần lan man này.
N. C