Ngày ấy – Truyện ngắn của Mai Hà

Nỗi xúc động hiện lên trên gương mặt anh. Dường như những kỷ niệm xưa đang trở lại. Tôi ngồi bên anh lặng lẽ. Hai chúng tôi cùng dõi mắt qua cửa sổ con tàu. Bầu trời tháng năm trong xanh. Xa xa một đầm sen xanh ngắt sắp đến mùa trổ hoa…

Tàu vào ga, mọi người lục tục xách đồ đạc chuẩn bị lên tàu. Hành khách đi tàu bây giờ không đông lắm, chỉ những người say xe ô tô hoặc mang theo nhiều hàng mới chọn tàu hoả để đi. Tôi vẫn muốn đi tàu vì được ngắm nhìn cảnh vật bên đường và có một tâm trạng thảnh thơi hơn khi đi ô tô.

Sau một tuần đi công tác, hôm nay tôi mới được về nhà, chắc bố con đang mong lắm. Quà cho các con là mấy quyển truyện kèm theo túi hoa quả đặc, sản của vùng Tây Bắc – nơi tôi đến công tác. Bọn trẻ sẽ vui lắm khi ra ga đón mẹ. Đang miên man với suy nghĩ về gia đình, chợt giọng nói trầm ấm cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi:

– Ghế này có ai ngồi chưa chị? Tôi ngồi được không?

– Vâng, anh ngồi đi.

Tôi quay lại nhìn, người đàn ông vừa hỏi, vừa đặt chiếc cặp xuống chân, ngồi vào chiếc ghế trống cạnh tôi. Một anh bộ đội. Tôi quay mặt nhìn ra cửa sổ. Nắng tháng năm nhàn nhạt, bóng nắng đổ dài trên sân ga vắng vẻ.

– Chị xuống ga nào vậy?

Câu nói của anh bộ đội kéo tôi quay lại.

– Tôi xuống ga cuối cùng.

– Tôi cũng về Hải Phòng.

Anh bộ đội vừa nói, vừa ngẩng lên nhìn tôi. Có cái gì đó rất quen nơi khuôn mặt, nơi giọng nói của anh. Tôi ngẩn người ra trong giây lát. Anh bộ đội cũng nhìn tôi chằm chằm. Chợt, anh reo lên:

– Mai… phải không?

– Anh… Đức! – Tôi cũng chợt nhận ra anh.

Thật bất ngờ, tôi và anh lại gặp nhau trong hoàn cảnh này. Những kỷ niệm nơi miền ký ức dội về trong tôi…

* * *

Ngày  ấy, tôi, Bích và Hồng học chung một lớp. Nhà ba đứa ở ba xã khác nhau trong huyện. Ở nội trú nên cuối tuần chúng tôi mới về thăm nhà và lấy đồ “tiếp tế” cho tuần sau. Thi thoảng về nhà nhau chơi, các gia đình coi ba đứa như một.

Chúng tôi hay về nhà Hồng chơi hơn, vì nhà Hồng đông chị em, bố mẹ trẻ, rất tâm lý.

Hôm đó là chiều thứ bảy, sau môn thi cuối cùng của học kỳ hai, được nghỉ hai ngày. Ba đứa lấy biểu quyết xem về nhà ai, cuối cùng thì cả ba cùng nhất trí về nhà Hồng. Vậy là, hướng nhà Hồng thẳng tiến. Ba đứa trên ba chiếc xe đạp còng lưng đua vớ gió biển, truyện trò ríu rít. Chiều tháng năm nắng đã nhạt, gió từ biển thổi về mát lộng. Con đường về nhà Hồng chạy giữa hai đầm sen xanh mướt như lúa đang thì con gái. Sen tháng năm chưa trổ hoa. Lá sen xòe rộng, che kín mặt nước. Nhìn từ trên xuống đầm sen như tấm thảm xanh ngắt. Mỗi khi có cơn gió, tấm thảm xanh gợn sóng. Mùi ngai ngái, ngòn ngọt của sen làm chúng tôi không thể đi tiếp. Ba đứa xuống xe, ngắt mỗi đứa một chiếc lá đội lên đầu làm mũ, nhìn nhau cười rúc rích.

Về tới nhà,mọi người ra đón, vui như Tết. Tối ấy chúng tôi được mẹ Hồng thết món khoai lang khô bung với đỗ đen. Những miếng khoai khô bở tơi quyện vào những hạt đỗ đen nở bung hết cỡ. Màu đen của đỗ hoà với màu trắng của khoai tạo nên màu tim tím, trông rất hấp dẫn. Khi bắc nồi khoai ra khỏi bếp, mẹ Hồng cho thêm một chút đường vàng, đánh đều lên. Cho miếng khoai vào miệng có vị ngọt man mát của mía, vị thơm ngai ngái đậm đà của khoai và đỗ đen. Ngon tuyệt! Đến bây giờ nghĩ lại vẫn tứa nước miếng.

Ăn xong, chúng tôi trải chiếu ra sân ngồi hóng mát cùng với chị và mấy đứa em của Hồng. Truyện trò, trêu đùa nhau cười rôm rả. Chợt con Bông chạy ra đầu ngõ sủa inh ỏi.

– Mấy em về chơi đấy à?

– Anh Đức ơi, vào nhà em chơi đã.

Cái Hồng nhanh nhảu mời. Hoá ra anh Đức, bạn học với chị Ly của Hồng. Anh biết chúng tôi về chơi, sang góp chuyện. Mấy lần trước về nhà Hồng chúng tôi đã gặp anh. Anh rất vui tính, hát hay, đặc biệt anh đàn ghi ta rất giỏi. Anh mà kể truyện cười, chúng tôi đứa nào đứa ấy cười chảy nước mắt.

Anh cầm trên tay cây đàn ghi ta quen thuộc, thêm một gói gì đó.

Cái Bích ghé tai tôi thì thào:

– Gói gì ấy nhỉ?

– Mày đoán xem, cho bọn mình hay cho chị Ly ấy nhỉ?.

Hai đứa rất tò mò, miệng thì “Em chào anh Đức” nhưng mắt nhìn chằm chằm cái gói trên tay anh. Cái Bích không nén nổi buột miệng hỏi:

– Anh có gói gì thế?

– À, quà cho mấy đứa đây.

Anh như quên mất cái gói trên tay, đến khi cái Bích nhắc mới sực nhớ ra. Mọi người  hào hứng với món quà của anh, vội vàng đón lấy.

– Ôi, nóng quá!

Cái Hồng bỏ vội xuống chiếu, hai tay xoa vào nhau, miệng xuýt xoa. Cả bọn xúm vào mở gói quà.

Mùi thơm bốc lên ngào ngạt, những con rốc nướng vàng ruộm nằm trong lá sen. Lại có một bữa tiệc nữa!

Đứa đi lấy muối, đứa đi tìm ớt tươi trên cây, không khí chợt nhộn nhịp.

– Cho cái Mai con to nhất. – Chị Ly bảo.

– Sao nó lại được ưu tiên hơn em? – Cái Bích lên giọng tị nạnh.

– Vì ý chủ nhân của gói quà muốn thế.

Tôi chợt đỏ bừng mặt, may trời tối không ai nhìn thấy nếu không tôi xấu hổ chết mất. Lén nhìn trộm anh Đức, anh cũng đưa ánh mắt về phía tôi.

– Vì Mai gầy hơn so với hai đứa nên được ưu tiên. – Anh Đức lên tiếng.

Tôi thở phào nhẹ nhõm. Cả bọn lao vào chén rốc nướng, chấm muối ớt, hít hà, xuýt xoa. Những chú rốc nướng ròn tan trong miệng, thơm ngậy, có thêm mùi ngai ngái của lá sen tươi. Chưa bao giờ tôi được ăn một món đồng quê nào ngon đến thế.

– Chiều nay ra đồng anh bắt được mớ rốc mẩy. Biết tin mấy đứa về chơi, anh cho vào bếp củi nướng “thết” mấy đứa.

– Ngon quá anh Đức ơi. Lần sau về anh lại cho chúng em ăn rốc nướng nữa nhé. – Cái Bích khen nức nở.

– Mai thấy sao? – Anh nhìn tôi chờ câu trả lời.

– Ngon anh ạ, em chưa bao giờ được ăn rốc nướng, lần đầu tiên đấy.

– Lần đầu tiên bao giờ cũng ấn tượng. – Anh nói bâng quơ.

Bữa tiệc rốc nướng kết thúc. Vẫn là cái Bích chuyển chủ đề:

– Chương trình ẩm thực đã kết thúc, bây giờ chuyển sang chương trình văn nghệ đi anh Đức ơi.

– Các em muốn gì anh cũng chiều.

Anh cười sảng khoái đưa tay với cây đàn bị bỏ quên từ nãy đến giờ.

– “Khai đàn” bằng bài “Cây đàn sinh viên” nhé, em hát chung với anh. – Hồng đề nghị. Hồng là cây văn nghệ của lớp tôi. Giọng của Hồng khoẻ, vang nhưng cũng rất mượt mà. Hồng hát sôi nổi những bài ca cách mạng, say sưa những bản tình ca, đặc biệt với những bản “nhạc vàng” nó hát đầy tâm trạng.

Anh dạo đàn, tay Hồng bắt nhịp, đầu nó nghiêng bên này, nghiêng bên kia theo nhịp hát. Hai anh em say sưa như mình đang sống trong đời sinh viên thật, mắt lim dim mơ màng. “Đời sinh viên có cây đàn ghi ta….”

Trăng mười bảy nhô lên độ một cây sào, toả ánh sáng trong veo xuống khắp không gian. Mùi hoa cau thoảng thoảng, dìu dịu. Dưới ánh trăng tôi nhìn rõ gương mặt anh. Gương mặt thanh tú với sống mũi thẳng và cao, vầng trán rộng, tóc anh để hơi dài trông rất nghệ sĩ. Mỗi lúc cúi xuống cây đàn, tóc rủ xuống trán, anh hất đầu rất điệu nghệ. Đôi bàn tay anh với những ngón dài, thon lướt trên những phím đàn thật điêu luyện. Tôi chợt nghĩ: Sao anh không đi làm ca sĩ nhỉ? Chắc sẽ có nhiều fan hâm mộ lắm…

– Mai, em thích bài gì?

Câu hỏi của anh làm tôi sực tỉnh.

– Anh hát cho chúng em nghe bài “Nỗi buồn hoa phượng’’ nhé.

– Ừ, anh cũng rất thích bài này. Chỉ còn ít ngày nữa là đến kỳ thi đại học rồi, sắp xa trường, xa bạn. Vậy là kết thúc tuổi học trò nhiều kỷ niệm. Có lẽ anh không thi đại học.

– Sao vậy anh? – Tôi buột miệng hỏi như một phản xạ.

– Nhà anh có 2 anh em trai. Anh sẽ đi bộ đội để em trai anh học đại học.

Giọng anh buồn buồn. Mọi người im lặng. Chợt sống mũi tôi cay cay…

– Thôi, anh hát tặng Mai nhé!

“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn, chín mươi ngày qua chứa chan tình thương, ngày mai xa cách hai đứa hai nơi, phút gần gũi nhau hết rồi, tạ từ là hết người ơi…”

Anh cất tiếng hát, không gian như lặng đi. Mọi người cùng một tâm trạng: buồn man mác!….

– Khuya rồi đi ngủ thôi các con. – Giọng mẹ Hồng từ trong nhà vọng ra.

– Thôi anh về đây, mấy đứa đi ngủ đi, mai rảnh sang nhà anh chơi.

Anh đứng dậy vác cây đàn lên vai, vừa đi ra ngõ vừa huýt sáo.

– Mai ơi, anh Đức về em ra đóng cống nhé.

– Vâng ạ!

Tôi ngoan ngoãn đi theo anh Đức. Dưới ánh trăng, bóng hai chúng tôi đổ dài trên con ngõ nhỏ.

– Mai này, em thích thi trường đại học nào?

– Anh hỏi xóa đi khoảng cách ngại ngùng g ữa hai chúng tôi.

– Em… Em thích trường Đại học Tổng hợp – khoa Văn.

– Mai viết thư chắc hay lắm nhỉ?

– Em chưa viết thư cho ai bao giờ.

Tôi lúng túng trả lời anh. Bất chợt anh nắm bàn tay tôi, kéo tôi lại gần anh hơn. Tay tôi run run trong đôi bàn tay ấm áp của anh. Anh đặt bàn tay tôi lên ngực trái, nơi trái tim anh đang đập lỗi nhịp. Giọng anh gấp gáp bên tai tôi:

– Đi bộ đội anh nhớ Mai nhiều lắm! Anh sẽ viết thư về cho Mai, trả lời anh nhé.

Tôi bất ngờ trước tình cảm của anh, không nói gì, chỉ gật nhẹ mái đầu, toàn thân run rẩy. Lần đầu tiên có người con trai nắm tay tôi, gần tôi đến thế. Tôi bối rối rút nhè nhẹ bàn tay ra khỏi đôi bàn tay anh.

– Thôi, anh v ề đi kẻo muộn.

– Anh về nhé!

Tôi đứng chôn chân nhìn theo dáng anh khuất sau con ngõ nhỏ. Tôi mung lung với những điều anh vừa nói. Anh sẽ đi bộ đội. Trong khi chúng tôi luôn mơ về cổng trường đại học…

* * *

– Mai đi đâu mà lên đây?

– Em đi công tác, công ty em đang có dự án trên này, hôm nay xong việc em về Hải Phòng. Còn anh?

– Anh đóng quân tại biên giới Tây Bắc, hôm nay về quê nghỉ phép. Không ngờ được gặp lại Mai.

Nỗi xúc động hiện lên trên gương mặt anh. Dường như những kỷ niệm xưa đang trở lại. Tôi ngồi bên anh lặng lẽ. Tôi thực sự bối rối không biết phải nói chuyện với anh thế nào. Cả hai cùng rơi vào im lặng, rất lâu…

Chợt anh xoay qua nhìn sâu vào m ắt tôi:

– Ngày ấy sao Mai không trả lời thư anh?

Tôi né tránh ánh mắt như đang muốn thiêu đốt tôi. Anh lộ rõ vẻ sốt ruột. Tôi lúng túng nhìn anh với ánh mắt của người có lỗi. Biết nói sao cho anh hiểu. Tôi ấp úng:

– Em… Em…

– Mai cứ nói đi, anh muốn biết.

– Em nhận được các bức thư của anh sau khi có giấy báo vào đại học. Bố mẹ đưa cho em. Bố mẹ nói: muốn em tập trung vào việc học nên cất nó đi. Em rất buồn…

Anh thở dài!

Sau bao năm gặp lại, cùng đi chung một chuyến tàu, cùng xuống một ga nhưng anh và tôi đã không thể cùng nhau đi chung chuyến tàu cuộc đời.

Chúng tôi cùng dõi mắt qua cửa sổ con tàu. Bầu trời tháng năm trong xanh vời vợi. Xa xa một đầm sen xanh ngắt sắp đến mùa trổ hoa…

M.H

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder