![](http://vanhaiphong.com/wp-content/uploads/2015/06/bi-vit-thng-nv.jpg)
“Riêng tôi có cái cảm giác về độ tin cậy cao khi đọc hồi ký của nhà văn Tô Hoài…” – Đó là nhận định của nhà văn Bùi Việt Thắng khi bàn về Chân dung văn nghệ sĩ trong hồi ký của Tô Hoài.
“Riêng tôi có cái cảm giác về độ tin cậy cao khi đọc hồi ký của nhà văn Tô Hoài…” – Đó là nhận định của nhà văn Bùi Việt Thắng khi bàn về Chân dung văn nghệ sĩ trong hồi ký của Tô Hoài.
Vanhaiphong.com xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Nhà văn Tô Hoài (1920 – 2014)
TRONG DÒNG THÁC HỒI KÝ
Đang có một “cơn sốt” hồi ký trong đời sống văn hóa của con người thời đương đại. Đủ các kiểu hồi ký của các nhà hoạt động chính trị, các tướng lĩnh, các chính khách, các văn nghệ sĩ, thậm chí đến hàng quan chức cấp bộ, tỉnh thành cũng hăm hở viết hồi ký (có loại xuất bản chính thống, có loại tự xuất bản, có loại đưa lên mạng). Độc giả đang bị “hớp hồn” bởi những hồi ký kiểu như Đèn cù của Trần Đĩnh đến mức một độ tấp nập người mua kẻ bán ở phố sách Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Hà Nội. Nhưng ở đây tôi muốn nói đến hồi ký của các nhà văn Việt Nam hiện đại từ Đặng Thai Mai, Tố Hữu, Lưu Trọng Lư, Phạm Cao Củng, Anh Thơ, Huy Cận, Nguyên Hồng, Mộng Tuyết, Sơn Nam, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Đăng Mạnh, Bùi Ngọc Tấn, Vũ Bão, Đào xuân Quý,… Nhưng đắt khách nhất vẫn là hồi ký của Tô Hoài với Cát bụi chân ai và Chiều chiều (đều do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành). Đọc thấy hay nhưng ít người đặt câu hỏi “vì sao?”. Đành rằng muốn có nhiều Thượng Đế thì phải là chuyện lạ, là chuyện “nhạy cảm”, thậm chí “húy kị” nhưng rơi vào tay người này hay người khác thì đôi khi thấy nhạt, thấy nhàm. Thậm chí thất vọng vì qua hồi ký chỉ thấy người viết khư khư “mình thì trong thiên hạ thì đục”. Nhưng với hồi ký của nhà văn Tô Hoài thì có cái ấn tượng khác hẳn. Riêng tôi có cái cảm giác về độ tin cậy cao khi đọc hồi ký của nhà văn Tô Hoài. Phải chăng sự chân thành của ngòi bút đã quyến rũ độc giả? Tôi không muốn nói đến phần trăm độ chính xác của sự việc mà muốn nói đến niềm tin và quan điểm của chính tác giả về những sự việc, con người ấy trong một không gian và thời gian cụ thể. Một triết gia đã nói, đại ý có thể mất ngủ một đêm vì sự thật còn hơn suốt cả đời lạc lối vào sự lừa lọc. Sự chân thực mà tác phẩm mang tới cho độc giả xuất phát từ sự chân thành của tác giả, đã đành, cao hơn còn là nhờ ở sự tiết tháo của ngòi bút. Viết như ai đó nói, là đối diện với “pháp trường trắng”. Lối viết hồi ký của nhà văn Tô Hoài, theo tôi, thường “gây hấn cảm xúc”, có thể chia đôi dư luận, và dễ làm “mất lòng” những người quản lí văn nghệ. Trong hồi ký của Tô Hoài chuyện “đời” và chuyện “đạo” ở thế cân phân nhìn từ phương diện tổng thể, cũng như chuyện “đời” và chuyện “nghề” đan cài, quấn quýt ở từng hiện tượng cụ thể.
Trong Cát bụi chân ai và Chiều chiều Tô Hoài đã hồi cố đủ thứ chuyện trên trời dưới bể. Nhưng đậm đặc và ấn tượng nhất vẫn là những trang viết về các văn nghệ sĩ. Tô Hoài đã “điểm danh” gần như đủ mặt anh tài làng văn Việt Nam hiện đại. Mỗi người một vẻ, tuy nhiên mười phân chưa thể vẹn mười. Trái lại đầy những khiếm khuyết, thậm chí là tì vết, nhưng rất lạ là chính nhờ nhìn vào những hao khuyết đó mà độc giả thấy họ đời hơn, thật hơn, gần gũi hơn. Và tôi nghĩ đó cũng là những kiếp người trong những cuộc bể dâu tang thương ở chốn trần gian. Hơn nữa lại là những kiếp người nghệ sĩ thì cái bất bình thường đôi khi lại nổi trội hơn cái bình thường.
KHÔNG PHẢI TRUYỀN THẦN
Không cố gắng vẽ lại cho đúng theo kiểu truyền thần, Tô Hoài có cái cách của một nhà tiểu sử học, tâm lí học, xã hội học và đôi khi như một luật sư khi dựng chân dung bạn văn nghệ sĩ. Chẳng hạn như với Nguyễn Tuân thì sách vở báo chí lâu nay vẫn tụng là người “ngông” cả trong đời cả trong văn, uyên bác tài hoa, là xảo thủ ngôn từ,… Tô Hoài nhìn Nguyễn Tuân từ góc độ nhân cách: “Nguyễn Tuân không nhiều tâm trạng và băn khoăn thời sự như Nguyễn Huy Tưởng. Con người ấy quan niệm về tự do là “không bờ bến”, không chính trị, cũng không lung tung”. Nguyễn Tuân là một cách thế tồn tại của người nghệ sĩ trong bối cảnh như ở Việt Nam thời đại cách mạng và chiến tranh. Nghệ sĩ vốn yêu tự do và coi tự do là điều kiện tiên quyết cho sáng tạo. Nhưng tự do lại tất yếu, tự do là kỉ luật. Nguyễn Tuân cho một bài học về cái tự do bên trong của nghệ sĩ. Nghệ sĩ tài năng là những cá tính sáng tạo độc đáo, những phong cách nghệ thuật có một không hai. Tô Hoài cũng là nhà văn “tiền chiến” như Nguyễn Tuân nên ông đánh giá bạn văn chính xác: “Thời ấy, thời Tây, mới thực Nguyễn Tuân, những nông nỗi, những vang bóng của Nguyễn Tuân”. Định vị Nguyễn Tuân theo cách của Tô Hoài mới đúng vì tài năng và sắc đẹp là những thứ Trời cho con người, mỗi người có một khoản nào đó, phát tiết lúc này hoặc lúc khác, không thể cả đời được. Cái phần văn của Nguyễn Tuân sau 1945, khách quan mà xét cũng có nhiều phần hay như Sông Đà, Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi. Nhưng so với phần văn trước 1945 của Nguyễn Tuân thì quả thực “lép” hơn. Có những tác phẩm một thời bị phê như Phở, Tình rừng, Tờ hoa. Nhưng trong mắt Tô Hoài thì: “Xem lại những bút ký Phở, Tình rừng, Tờ hoa, có thể đọc một lần rồi đọc lại lần nữa. Không phải vì thích thú mà vì ngạc nhiên. Đấy chỉ là những áng văn vẫn bộc lộ những nét riêng với cái nhìn đáo để và trang nhã, mài những cái ấy đi thì còn đâu phong cách Nguyễn Tuân”. Không phải ngẫu nhiên trong Cát bụi chân ai, Tô Hoài dành rất nhiều trang cho Nguyễn Tuân. Dường như qua Nguyễn Tuân, Tô Hoài muốn kí thác tâm sự của văn nghệ sĩ Việt Nam nói chung đã sống và sáng tác khó khăn như thế nào, tồn tại như thế nào và vượt lên như thế nào. Dường như có một ẩn ý về cái gọi là “tiết tháo” của kẻ sĩ, đặc biệt của nghệ sĩ cùng với tài năng làm nên thành công của sáng tạo là khó lắm thay. Tôi chú ý đến những trang viết về Nguyễn Tuân trong đó nhà văn tài năng này đã nói đến cái gọi là “chuyện ta mộng thành nhà văn quốc tế ấy mà”, đó là “chuyện đâu đâu của người ta”. Hóa ra các nhà văn tài năng không ảo tưởng như những nhà văn hạng trung bình. Hiện chúng ta đang có những chiến dịch quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới. Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức được 3 cuộc hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới, đã thành lập Trung tâm Dịch thuật trực thuộc Hội NVVN. Nhưng như nhà văn Lê Minh Khuê đã viết về “sự cô đơn của tiếng Việt”, văn học Việt Nam muốn đổ bộ vào thị trường văn học thế giới còn “ba chìm bảy nổi chín lênh đênh”.
Với Nguyên Hồng, Tô Hoài có cái nhìn khác: nhìn vào cái tâm của nhà văn theo lối cụ Nguyễn Tiên Điền viết “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Nguyên Hồng “như người ốp đồng” và vì thế “Chúng tôi quen với với những cảm hứng giữa đường giữa chợ của Nguyên Hồng”. Ai cũng biết Nguyên Hồng là người hay khóc: khóc lúc viết bởi những buồn khổ của nhân vật, khóc lúc người khác không hiểu công việc của mình: “Tôi ngồi cạnh Nguyên Hồng. Kiểm điểm Nguyên Hồng một buổi vẫn chưa xong (…). Nguyên Hồng xòe bàn tay lên chồng báo, vuốt vuốt, mếu máo nói, nước mắt như trút… tôi thức đêm thức hôm…tôi bỏ hết sáng tác, ngày đêm tôi chỉ nghĩ đến tờ báo…bài này đề tài công nhân…bài về kháng chiến…bài về thống nhất…bài về sửa sai cải cách ruộng đất…tôi không…tôi không… Rồi chẳng mấy lúc Nguyên Hồng khóc hu hu”. Nguyên Hồng là người tốt nhưng luôn thua thiệt, là người nhạy cảm dễ bị tổn thương nên cái sự hay khóc của ông là có cái căn nguyên sâu xa của nó. Nhưng đừng tưởng Nguyên Hồng hèn. Trái lại ông là người tiết tháo, từng trải, từng ra tù vào tội: “Tôi được Trần Quang Huy kể rằng trước chiến tranh thế giới lần thứ hai, bộ phận hoạt động công khai của Đảng chuẩn bị rút vào hoạt động bí mật. Trần Quang Huy được phân công đưa Nguyên Hồng đi công tác thoát li. Nguyên Hồng đã ra ngoại ô Hải phòng ở bí mật được vài hôm. Nhưng mà cậu ta nhớ nhà hay sao ấy, hôm nào cũng khóc. Thế là lại mò về. Ít lâu sau mật thám Pháp bắt rồi bị đày lên trại tập trung Bắc Mê”.
Với Xuân Diệu, lần đầu tiên Tô Hoài đem đến cho độc giả một cảm nhận về phần “người” của Ông Hoàng tình yêu trong thơ ca. Xuân Diệu là một “ca” đặc biệt. Xuân Diệu với “tình trai” vốn chưa quen với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Có người nhận xét những trang viết về quan hệ giữa Tô Hoài và Xuân Diệu hồi kháng chiến ở chiến khu là “ghê răng” nhất trong hồi ký Cát bụi chân ai. Nói theo cách của Nguyễn Trọng Tạo “tin thì tin không tin thì thôi”. Xung quanh chuyện này cũng chia làm hai phe phê phán hay đồng tình với cách viết của Tô Hoài những chuyện động trời như trong Cát bụi chân ai (các trang từ 185 đến 188). Tô Hoài viết cứ như không: “Xuân Diệu yêu tôi”. Bây giờ những mối tình trai không còn làm thiên hạ ngạc nhiên nữa. Nhưng vào thời điểm những năm chín mươi thế kỉ trước, ở Việt Nam mà ra “sách trắng” về chuyện này theo cách của Tô Hoài thì quả là như một quả bom nổ giữa thanh thiên bạch nhật. Tô Hoài cũng viết về thói quen ăn uống và sinh hoạt “rất Xuân Diệu”. Nhưng khi hạ bút viết Xuân Diệu như là “con ma ăn” thì độc giả cảm thấy hơi bùi ngùi, tội nghiệp và thương hại. Nhưng có thể đó là cách viết riết róng của Tô Hoài, đi đến tận cùng sự thật. Tôi nghĩ Tô Hoài không có ý hạ bệ thần tượng, chắc cũng chỉ muốn độc giả nhiều thế hệ gần xa hiểu rõ hơn con người thi nhân vốn không phải là thần thánh. Tô Hoài thường có cái nhìn rất gần như lối “cận cảnh” trong điện ảnh, làm cho nổi hình nổi khối, thậm chí có thể ngửi thấy mùi và nhìn thấy màu.
NHỮNG GÓC KHUẤT ĐỜI NGƯỜI
Trong hồi ký của mình, Tô Hoài thường nói đến những khuất lấp sự kiện, những góc khuất của cuộc đời nghệ sĩ. Chẳng hạn Tô Hoài viết về cái cảnh ngộ “chui” của Phùng Quán gói trong 6 chữ chui: “Câu chui. Rượu chui. Viết chui”. Sáu chữ này thâu tóm cảnh ngộ, thân phận và thần thái Phùng Quán. Nhờ Tô Hoài mà độc giả biết một Phùng Quán rất thạo việc nhà nông: “biết gặt, biết bó, biết gánh, gánh không đỗ, làm được ba cái biết ấy mới là thợ gặt”. Phùng Quán là người thực tiễn, thạo việc nhà nông nên mới giảng giải cho Tô Hoài: “Anh viết văn phải giàu tưởng tượng lắm, mà anh chưa phân tích được bùn là cứt của trời ném xuống thì nhất định hảo hạng rồi”. Đó là chuyện ngày đi cải tạo Phùng Quán phải đi gắp phân để bón tưới cho lúa ngô, khoai sắn: “Cái việc khó nhọc nhất vẫn là quang gánh Quán đi gắp phân sớm, lỡ muộn là bị nhặt tranh hết”. Những hôm không gắp được phân thì ông nạo bùn về thay thế và lí sự với bạn văn Tô Hoài. Có cái gì đó tủi phận của một kiếp người trong những góc khuất cuộc đời. Việc Phùng Quán làm nằm trong cái chính sách “hạ phóng” thời đó đưa văn nghệ sĩ trở về với thực tế đời sống.
Qua hồi ký của Tô Hoài, độc giả lần đầu mới biết những án oan của văn nghệ sĩ như Thế Lữ và Quang Dũng dính vào chính trị, dính dáng đến Quốc dân đảng, còn Đồ Phồn và Nguyễn Đình Lạp thì dính vào tờ -rốt- kít . Chính Tô Hoài là người trực tiếp tháo gỡ những oan sai này. Tô Hoài là người quảng giao về cá tính, lại có vị trí trong giới văn nghệ một thời gian dài nên có nhiều quan hệ với nghệ sĩ các lĩnh vực ngoài văn chương. Những câu chuyện về họa sĩ tài năng Nguyễn Sáng được Tô Hoài kể lại tường tận khiến độc giả hiểu thêm nhiều điều còn khuất lấp về con người này. Đó là chuyện Nguyễn Sáng cưới vợ, nhưng dự định chỉ mời dăm mười người, và đám cưới thì không có cô dâu! Có hai lí do để Nguyễn Sáng không tổ chức đám cưới bài bản, vui vẻ một cách bình thường như thiên hạ là vì “tập hai” như ngôn ngữ phố phường, mà còn vì đúng hôm đám cưới thì vợ bị ngất (bị bệnh tim) phải đi cấp cứu. Phải chăng đời nghệ sĩ thường bi ai?!
Nhạc sĩ Đặng Đình Hưng (thân phụ tài năng âm nhạc Đặng Thái Sơn) qua ngòi bút Tô Hoài là một số phận “dài dài phí hoài”. Vì vướng vào Nhân Văn mà nên nỗi bị ra khỏi biên chế nhà nước, kiếm kế sinh nhai bằng cách dịch thuê và “đi cất rượu quê đem ra bán các quán”. Một con người “vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa” thế mà giờ đây: “Ở một quán nước bán rượu chui, chỗ trông ra rạp xiếc cạnh công viên Thống Nhất. Một người mặc áo ka ki đại cán màu cháo lòng, đội cái mũ dạ rúm ró. Lấm láp như người đánh dậm ngoài cầu Giẽ vác cả cái dậm lên tận phố. Nhưng không. Người ấy khoác một cái bị cói lẳng lặng bước vào nhà trong. Thông thường đấy là khách mua bán dấm dúi”. Mấy ai biết nếu không có Tô Hoài kể lại người nhạc sĩ này thời thuộc Pháp đã từng “làm chân thầu cơm trại lính khố xanh”. Rồi đến đận Đặng Thái Sơn thành danh, có tiền mua cho bố một căn hộ 16 mét vuông ở tầng hai tập thể Giảng Võ. Ở cái tổ ấm mới ấy Đặng Đình Hưng có những người đàn bà mới trong đời mình,…
NGHỆ THUẬT DỰNG CHÂN DUNG
Nếu ví von Tô Hoài là một nghệ sĩ nhiếp ảnh, một nhà quay phim thiện nghệ thì cách làm của ông để dựng tác phẩm chân dung là từ xa đến gần, từ toàn cảnh đến cận cảnh, từ bên ngoài đến bên trong, từ lớn đến nhỏ, từ mơ hồ đến rõ ràng. Và đặc biệt nhờ vào các chi tiết sống, tươi, đặc sắc khiến cho chân dung văn nghệ sĩ hiện lên như khắc như chạm, tạo ấn tượng và liên tưởng. Nói cách khác là đọc hồi ký của Tô Hoài có dư ba.
Xin đơn cử trường hợp Tô Hoài dựng chân dung Nguyễn Tuân trong Cát bụi chân ai: “Tôi kém Nguyễn Tuân mười tuổi. Trước kia, tôi không quen Nguyễn Tuân (…). Hình như Nguyên Hồng đã chỉ cho tôi biết Nguyễn Tuân đương lững thững bên kia hè đường Bờ Hồ (…). Đi bên này hồ Gươm thấy Nguyễn Tuân ngồi trong nhà hàng Hoàng Gia, cái quán rượu kiểu Pháp che cánh sáo kín ra vỉa hè. Nhà văn chơi chua khác đời. Khăn lượt vố, áo gấm trần, tay chống dọc chiếc quạt thước thay ba toong, chân bít tất dận giày mõm nhái Gia Định. Năm ấy Nguyễn Tuân cũng chỉ khoảng trên ba mươi đôi chút”. Rồi ống kính gần đối tượng hơn nữa khi: “Rồi thì tôi xem Nguyễn Tuân đóng vai người đi săn ở kịch Ngã ba của Đoàn Phú Tứ. Tôi thấy Nguyễn Tuân thoáng mấy giây một cái bóng câm trong phim Cánh đồng ma của Đàm Quang Thiện”. Nhìn thấy rồi nghe người khác nói về Nguyễn Tuân: “Một lần ở cuộc họp tổ bí mật, nghe Như Phong báo cáo thuyết phục Nguyễn Tuân vào nhóm Văn Hóa Cứu Quốc, chưa có kết quả. Nguyễn Tuân bảo Như Phong: “Ở Hà Nội, đứa nào Việt Minh, đứa nào tơrôtkit, đứa nào Đại Việt, Quốc Dân đảng, đứa nào bố láo cách mệnh mồm khoác lác, đứa nào ăn tiền mật thám, tớ biết cả”. Vào đầu những năm bốn mươi (thế kỉ trước) thì: “Những cái biết của tôi về Nguyễn Tuân hồi ấy chỉ mang máng thế”. Nhưng rồi hoàn cảnh đưa đẩy, cuối cùng thì Nguyễn Tuân và Nam Cao là hai nhà văn lớp tiền chiến gần gũi nhất với Tô Hoài từ sau năm 1945. Trong Cát bụi chân ai, Tô Hoài dành cho Nguyễn Tuân một số trang đáng kể, từ đầu đến cuối tác phẩm. Về sau khi đã thân cận, gần gũi Tô Hoài đã nhận ra những thăng trầm trong đời và trong nghề ở bạn văn của mình: “Những năm về sau, Nguyễn Tuân vẫn làm việc cho viết, vẫn khắc khoải sự viết, mà không viết bao nhiêu”. Hình như chỉ có Tô Hoài mới giải thích được thấu đáo vì sao Nguyễn Tuân vẫn “khắc khoải sự viết” mà lại “không viết được bao nhiêu”: Nguồn cảm xúc mới chưa được thật chín nhuyễn như hồi trước năm 1945 với những gì “vang bóng một thời” đã ngấm vào trong máu, đã như là khí trời, thậm chí như là men đời. Trong một bức thư gửi Tô Hoài đề ngày 12-6-1966, Nguyễn Tuân viết: “Cái quà quý nhất ông sẽ kể cho tôi nghe sau này tôi nghĩ rằng phải là những cảm xúc về huyện Mường Tè biên giới và đầu ngồn sông Đà!”. Chúng tôi nhấn mạnh hai chữ cảm xúc trong trường hợp này chính là nhiệt hứng đi nhưng có thể chưa đến của Nguyễn Tuân, như trong một bức thư gửi Tô Hoài đề ngày 28-6-1966: “Ông cố nhớ hộ nhiều chi tiết Mường Tè – cái nơi tôi chưa được đi tới và ông thì đang đi tới”. Cái khoảng cách giữa Tô Hoài và Nguyễn Tuân được rút ngắn gần đến mức biết rõ bạn văn của mình sợ mùi tỏi, không ăn mắm tôm, phở chỉ ăn phở bò chín, thích uống rượu vang, ăn xúc xích hun khói, và có nhiều cái “không” (không biết bơi, không biết ngồi ngựa,…).
Là người viết văn xuôi nên trong hồi ký của mình Tô Hoài rất sành về các chi tiết. Ai đó nói chí lí: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Cát bụi chân ai và Chiều chiều là một kho tàng các chi tiết về xã hội hiện đại, con người đương thời trong những biến thiên của thời cuộc và nhân tình thế thái. Tô Hoài hay viết về “miếng ăn” trong khi dựng chân dung các bạn văn nghệ sĩ. Với Nguyên Hồng, thì món khoái khẩu là rau bà đẻ: “Khi bị đày lên Bắc Mê, tao ngồi viết được cả tập bút ký Cuộc sống, lại còn sống và dò về được Nam Định rồi lấy vợ cũng là nhờ ở cái phải gió ấy của trẻ sơ sinh. Mẹ tao ngâm rượu mật ong gửi lên. Bây giờ một cái rau ăn tươi cả nhà được tẩm bổ”. Nguyên Hồng cười hể hả”. Trong tiếng cười hể hả ấy có cái niềm vui sống, vôt tư và bản năng của Nguyên Hồng, và cũng ánh phản một thời kì gian khổ thiếu thốn của toàn dân, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ.
Với Xuân Diệu thì cái sự ăn uống rất đậm nét. Thi sĩ rất khoái khẩu món thịt chó nhưng không mấy khi ra hàng ăn mà mua về tự làm: “Xuân Diệu cũng không đụng đến thịt chó hàng. Xuân Diệu mua thịt chó sống, mỗi tuần lễ đánh chén hai lần vào ngày nhất định. Trong thành phố có nhiều quán thịt cầy, mà không có hiệu bán thịt chó sống. Xuân Diệu đã có thổ mua quen”. Đó là cá tính cần kiệm, thậm chí hơi tính toán chi li của thi sĩ. Nhưng trong con mắt cuả Tô Hoài thì đó là “chỉ hồn nhiên như Xuân Diệu mới lạ”. Thậm chí: “Xuân Diệu dạy tôi khi nào đứng đái thì cắn chặt hai hàm răng lại, như thế sẽ ăn khỏe chẳng kém hàng ngày uống vitamin B”.
Hà Nội, tháng 6 năm 2015
B.V.T