Nghĩ về hai thần đồng thơ đất Việt – Nguyễn Thanh Tâm

Góc sân và khoảng trời Đường xa con hát là tập hợp những hoa trái đầu mùa rất ngọt ngào trong đời thơ Trần Đăng Khoa và Đỗ Nhật Nam. Cậu bé Khoa tự tình trên chính đất đai, làng mạc quê nhà còn Đỗ Nhật Nam thì chỉ thực sự bung tỏa cảm xúc khi ở bên kia bán cầu. Thanh âm cơ bản của hai tập thơ vẫn là những tình cảm yêu thương dành cho gia đình, thiên nhiên, quê hương, đất nước nhưng mang dấu ấn riêng từng thời đại, từng cuộc đời.

VHP trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Thanh Tâm:

Góc sân và khoảng trời Đường xa con hát là tập hợp những hoa trái đầu mùa rất ngọt ngào trong đời thơ Trần Đăng Khoa và Đỗ Nhật Nam. Cậu bé Khoa tự tình trên chính đất đai, làng mạc quê nhà còn Đỗ Nhật Nam thì chỉ thực sự bung tỏa cảm xúc khi ở bên kia bán cầu. Thanh âm cơ bản của hai tập thơ vẫn là những tình cảm yêu thương dành cho gia đình, thiên nhiên, quê hương, đất nước nhưng mang dấu ấn riêng từng thời đại, từng cuộc đời.

VHP trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Thanh Tâm:

Vào những năm 60 thế kỉ XX, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, và xa rộng hơn thế, xôn xao trước hiện tượng Trần Đăng Khoa. Mười tuổi, Khoa đã là chủ nhân của hai tập thơ Từ góc sân nhà emGóc sân và khoảng trời. Mọi người gọi Khoa là thần đồng. Nhà thơ, nhà phê bình Xuân Diệu, bằng nhãn quan tinh tường của người trong nghề, đã nhận định: “Hàng ngàn em nhỏ cất tiếng gáy ò… ó… o ở khắp nơi, Khoa ở trung tâm của cuộc đồng ca vang tương lai ấy”. Gần năm mươi năm sau, thần đồng ngày xưa và cũng là cây bút phê bình kiệm lời khen hiện nay đã dành nhiều khen tặng cho cậu bé mang tên Đỗ Nhật Nam: “Đó là một thần đồng đích thực. Một dấu hiệu của thiên tài”. Trước đó, cậu bé sinh ngày 1/5/2001 này đã liên tục gây “bão mạng” với rất nhiều thành tích, đặc biệt là hai lần được ghi vào sách kỉ lục Việt Nam: dịch giả nhỏ tuổi nhất và người viết tự truyện nhỏ tuổi nhất. Trong nhiều tài năng không đợi tuổi đó, Đỗ Nhật Nam – nhà thơ xuất hiện muộn hơn nhưng lại góp phần tái khẳng định vòng nguyệt quế vô hình mà công chúng dành tặng.

Góc sân và khoảng trời Đường xa con hát là tập hợp những hoa trái đầu mùa rất ngọt ngào trong đời thơ Trần Đăng Khoa và Đỗ Nhật Nam. Cậu bé Khoa tự tình trên chính đất đai, làng mạc quê nhà còn Đỗ Nhật Nam thì chỉ thực sự bung tỏa cảm xúc khi ở bên kia bán cầu. Thanh âm cơ bản của hai tập thơ vẫn là những tình cảm yêu thương dành cho gia đình, thiên nhiên, quê hương, đất nước nhưng mang dấu ấn riêng từng thời đại, từng cuộc đời. Cậu bé Khoa tuổi thơ chưa đi quá lũy tre làng nên viết về quê hương Bắc Bộ với niềm say mê bất tận. Không khí, hương sắc làng quê trở thành phông nền cho mọi hình tượng và cảm xúc nghệ thuật. Nhiều bài thơ của Khoa thể hiện thành công cái hồn của thiên nhiên Bắc Bộ: Mặt trời lặn xuống bờ ao/ Ngọn khói xanh lên, lúng liếng/ Vườn sau gió chẳng đuổi nhau/ Lá vẫn bay vàng sân giếng/ Xóm ngoài, nhà ai giã cốm/ Làn sương lam mỏng, rung rinh/ Bạn nhỏ cưỡi trâu về ngõ/ Tự mình làm nên bức tranh… (Khi mùa thu sang). Những câu thơ như thế đã họa được “đặc thù thể trạng” quê hương. Mùa thu dù tĩnh nhưng vẫn lúng liếng gợi tình. Lá rơi nhuộm vàng sân giếng cùng với hương cốm đã trả lại cho mùa thu miền Bắc những ấn tượng đã thành nếp. Đi ra từ trong làn sương chiều mỏng mảnh, hình ảnh những trẻ mục đồng cưỡi trâu về càng làm cho bức tranh mùa thu quyến rũ và xao xuyến lòng người.

Khó có thể nói hết ân tình của Khoa dành cho làng quê. Cậu bé đã thu vào tâm, vào trí những cảnh tượng đơn sơ của quê hương và tìm cách làm cho nó thăng hoa trong thơ mình. Cảm thấu niềm vui của người dân quê khi được mùa, Khoa vẽ lên một khung cảnh thật rạng rỡ: Thóc nở bung như sao/ Nhuộm vàng cả trời cao (Vào mùa). Trò chơi thả diều quen thuộc của trẻ em thôn quê qua lăng kính của Khoa lại bảng lảng sương khói huyền thoại: Cánh diều no gió/ Tiếng nó trong ngần/ Diều hay chiếc thuyền/ Trôi trên sông Ngân… (Thả diều). Nhưng năm tháng tuổi thơ Trần Đăng Khoa không chỉ có bình yên. Giặc Mĩ đã leo thang bắn phá quê hương. Tiếng thơ vốn hồn nhiên, hiền lành trở nên sâu sắc và lớn bổng với những âm vang của thời đại. Khoa viết về tiếng bom rùng rùng nổ trong đêm trăng tràn ngập tiếng đàn bầu, về hình ảnh những hố bom, đôi nạng gỗ bên bàn thầy giáo, mặt bảng đen lỗ chỗ vết bom bi, những bài học dang dở… Không miêu tả cặn kẽ lịch sử, không nhìn lịch sử với cái nhìn ráo riết như những nhà văn lớn tuổi nhưng Trần Đăng Khoa vẫn gợi được một góc nhìn dữ dội về chiến tranh.

Với cậu bé du học sinh Đỗ Nhật Nam, những ngày xa nhà học tập trên đất Mĩ đã dồn nỗi nhớ người thân vào thơ em. Nam viết nhiều về bố, về mẹ, về ông bà và bài nào cũng nặng tâm tình. Triệu vòng ôm, triệu cái hôn liên tục gửi qua thơ cho “ông già nho” “Khốt Ta Bít”, cho “người hay khóc nhất năm”, cho “bà ngoại xì tin”… Thơ Nam là “quà bé mọn” gửi tặng người thân yêu mỗi khi “tim em ngơ ngác” trước bộn bề nỗi nhớ. Cậu con trai có cái “trán rô”, ngày ở nhà thỉnh thoảng hay cãi bướng, nhưng khi xa xôi thì “thấy lòng chợt mềm như cỏ”. Thơ em cùng với lòng em lặn lội tìm về ấu thơ, về với những con đường mưa dìu dặt sắc xuân Hà Nội. Dẫu đó chỉ là sự trở về qua tâm tưởng nhưng cũng đủ để Nam “thấy lòng mình lành như hoa xoan, hoa khế”. Không ngăn được niềm xúc động khi đọc những bài thơ rất đỗi chân thành được viết từ nỗi cô đơn của con dân Việt xa nhà: Giao thừa xa nhà lơ lắc/ Con vẫn đang giờ học bài/ Mắt con dõi tìm ra ngoài/ Mong một nụ đào đi lạc/ Mong một đường bay chim hạc/ Mong hơi lửa ấm bánh chưng/ Sắt se vai mẹ rưng rưng/ Ấm êm đôi bàn tay bố (Khúc hát giao thừa).

Thời thơ ấu, Trần Đăng Khoa may mắn có một bà mẹ nông dân thuộc nhiều truyện kể, câu ca dân gian. Những bài học đầu đời giản dị và nhân hậu, Trần Đăng Khoa đã tiếp nhận từ chính người mẹ hiền “một đời đi gió, đi sương”. Giờ đây, ở bang Texas, Đỗ Nhật Nam cũng vô cùng biết ơn người mẹ trí thức của mình. Câu chuyện về “Quan Âm tóc rối”, ý nghĩa của từ “rì rầm” trong câu thơ Nguyễn Đình Thi… qua lời mẹ thủ thỉ đã khai trí, khai tâm, khai tình cho em. Lắng đọng trong tim Nam những tiếng “rì rầm” mới: Đừng cách ngăn, đừng cách rời/ Khẽ khàng chạm tim ấm nóng/ Rưng rưng một miền trông ngóng/ Con nghe trọn nỗi… rì rầm (Rì rầm yêu thương). Đỗ Nhật Nam làm mọi người bất ngờ với suy luận: bố, mẹ, ông, bà đều là những Quan Âm tóc rối. Thế nên thơ em đã thay lòng em “hò hẹn”: Một sớm mai con sẽ quay về/ Rồi ấm áp nắm bàn tay “Quan Âm” mẹ/ Cánh hoa hồng buông lơi nhè nhẹ/ Vũ trụ quanh mình bừng sáng tin yêu (Quan Âm tóc rối).

Đọc thơ Nam, ta nhận ra đấy là tiếng thơ của thời đại mới. Em thuộc thế hệ công dân thời đại số, quen làm bạn với bàn phím chứ không làm bạn với cây bút như Trần Đăng Khoa. Thơ Khoa sực nức hương đồng nội; chất làng quê và chất dân gian đã hun đúc một nhà thơ mục đồng chính hiệu. Thơ Nam cũng không thiếu nguồn cội bình dị ấy. Dù đang ở không gian trung tâm văn hóa, kinh tế lớn của thế giới, thơ Nam vẫn âm vang sắc điệu mềm mại của thơ lục bát, vẫn thơm bát canh rau muống, rau cần mẹ nấu: Này đây hoa bưởi thơm tho/ Này đây vũ khúc con cò lí lơi/ Này đây, con hát à ơi/ Ngủ đi mẹ nhé, cho vơi nhọc nhằn (Thương mẹ). Đúng như em từng nói: Nếu biết yêu thương thì đâu cũng là nhà/ Đâu cũng gặp con cò đến hát/ Đâu cũng thấy lời quê hương bát ngát/ Xin bố mẹ yên lòng… con vẫn ấm… mùa đông… (Đông ấm). Nhưng thơ Nam cũng đã theo cuộc đời em mà lớn, mà khác. Ngôn ngữ @ trong thơ Nam cho thấy xu thế hội nhập của thơ, của chủ nhân thơ cũng như những nhân vật trong thơ: Bà ngoại ngoài bảy mươi/ Bắt đầu dùng facebook/ Cháu đi xa “chín khúc”/ Bà mong gặp hàng ngày/ Bà vào like, comment/ Hình icon rực rỡ/ Bà “xì tin” khó đỡ/ Bà vui thêm ngàn lần (Bà ngoại xì tin). Góp phần xác tín tư cách công dân thời hội nhập cho Đỗ Nhật Nam còn chính là khả năng mở rộng suy cảm của thơ em. Thế giới trong thơ Nam thực sự xa và rộng. Không chỉ là ngôi nhà thân yêu, Hà Nội thân yêu, tâm hồn em đã kết nối với nhiều không gian xa lạ. Có thể nói, Đỗ Nhật Nam đã thụ hưởng thành quả của cuộc sống số theo nghĩa tích cực, thu nhận thông tin chóng vánh và chân thành đồng cảm sẻ chia. Lời ước nguyện cuối năm của cậu bé tuổi mười bốn đáng được trân trọng: Những ngày cuối năm đầy gió/ Lá rơi xao xác đường về/ Thế giới ngập tràn biến động/ Cháy phà/ Rồi máy bay rơi/ …Chỗ nào trên biển xa xôi/ Trôi vào mênh mông sâu thẳm/ Chấp chới những lời gọi cuối/ Chúa ơi!/ Xin mở đường về... Bài thơ này và bài thơ Nguyện cầu cùng chung một tứ. Trái tim bé thơ đang đập những nhịp run rẩy trước những thảm họa đau lòng của bạn bè thế giới. Đọc những câu thơ ấy lại liên nhớ sự thảng thốt từng hiện diện trong thơ Trần Đăng Khoa khi đài đưa tin Mĩ ném bom Hà Nội. Tiếng thơ bật ra như một lời kêu cứu: – Các chú bộ đội ơi!/ – Các chú bộ đội ơi!/ – Thằng giặc Mĩ nó ném bom Hà Nội rồi/ Hà Nội có Bác Hồ đang ở (Hà Nội có Bác Hồ).

Có thể thấy cả Đỗ Nhật Nam và Trần Đăng Khoa đều sở hữu sự nhạy cảm lớn với những bước chuyển của ngoại giới. Tất nhiên, Trần Đăng Khoa có những mối bận lòng riêng của một công dân lớn lên trong thời kì đất nước hai miền chia cắt, khi mọi tin yêu và tự hào luôn được gửi tới lãnh tụ, các anh bộ đội. Điều may mắn là sự nhạy cảm không làm tổn thương cách nhìn đời của hai bé thơ này. Cả hai hiểu được rằng, những nỗi đau và tổn thất chỉ là phông nền làm hiển hiện và thăng hoa một không gian khác – không gian của sự sống, niềm tin. Hình ảnh cánh diều vươn cao ngạo nghễ bên bờ hố bom là một tương phản rất đẹp của không gian nghệ thuật, thể hiện sức sống bất diệt của con người: Tiếng diều vàng nắng/ Trời xanh cao hơn/ Dây diều em cắm/ Bên bờ hố bom (Thả diều). Những tương phản đầy chất thơ đó xuất hiện nhiều lần trong tập Góc sân và khoảng trời. Chiến tranh phút chốc bị đẩy lùi, nhường chỗ cho những không gian yên ả, trong trẻo, đầy ánh sáng niềm tin. Giống như cái kết mà Đỗ Nhật Nam đã viết trong bài Nguyện cầu: Rồi đền đài lại ngát hương lan/ Rồi Everest lại mênh mông tuyết trắng/ Rồi Kathmandu lại thênh thang nắng/ Và đất lại liền như chưa hề có vết đau/ Nepal ơi, xin nguyện cầu cho nước mắt khô mau/ Cho những số phận đã hòa tan vào lòng đất/ Biết quên vết thương thịt da, quên nỗi đau mất mát/ Ngủ yên hoài, trong lòng đất… xanh xa. Đó là một sự trưởng thành sớm về tâm hồn. Đau cho những giấc mơ tan hoang, vụn vỡ nhưng Nam cũng nhìn xa về sự hồi sinh của người dân Nepal. Cơn động đất đã làm “thân thể họ vụn rời” nhưng những giấc mơ cũng đồng thời bay lên từ đấy. Cái nhìn tươi sáng, an nhiên ấy có thể nhờ tuổi đời mà có nhưng cũng đã vượt lên trên tuổi đời non trẻ mà lớn.

Còn nhiều điều riêng chung nữa trong thơ hai thần đồng Trần Đăng Khoa và Đỗ Nhật Nam làm ta thích thú. Không hẹn mà gặp, hình ảnh một ấu nhi có khả năng tự lập cao hiện diện trên trang thơ cả hai. Trong bối cảnh miền Bắc một lòng hướng về tiền tuyến, ấu nhi trong thơ Khoa tình nguyện làm người nội trợ đảm đang sẻ chia một phần gánh nặng với người mẹ một đời lam lũ: Khi mẹ vắng nhà, em luộc khoai/ Khi mẹ vắng nhà, em cùng chị giã gạo/ Khi mẹ vắng nhà, em thổi cơm/ Khi mẹ vắng nhà, em nhổ cỏ vườn/ Khi mẹ vắng nhà, em quét sân và quét cổng… (Khi mẹ vắng nhà). Ấu nhi trong thơ Nam thì chủ động hoán đổi thiên chức. Em là người ru bố, ru mẹ. Em là người thường xuyên dặn dò người thân. Đặc biệt, em tự “dọn lòng” vững vàng đi qua bao vất vả nơi đất khách để làm an lòng người ở xa: Tất niên về trong chầm chậm/ Em “dọn” lòng đón tân niên/ Tự nở một đóa trạng nguyên/ Ngày về, vinh quy… gần lắm! (Khúc hát giao thừa). Đọc thơ Khoa, ta say mê với nhiều liên tưởng sáng tạo, ngộ nghĩnh cùng sự biểu cảm, chính xác của ngôn ngữ. Với cách nhìn đời non tơ, Khoa phát hiện ra vầng trăng đêm và ai đó đang chơi trò ú tim của tuổi thơ: Ai dắt ông trăng vàng/ Thả chơi trong lùm nhãn. Nhà thơ mục đồng này làm ta thán phục bởi cách dùng từ đắc địa: Nắng mưa từ những ngày xưa/ Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan (Mẹ ốm). Thơ Đỗ Nhật Nam thì tạo ấn tượng với người đọc bằng những cảm nhận sâu sắc giàu tính duy lí. Sửng sốt yêu thương khi nghe em tự vấn: Muôn đời “nước mắt chảy xuôi”/ Phận con sao không “chảy ngược”/ Quên tình mẹ trong như nước/ Quên cha là núi lặng thầm (Trán rô của bố). Tự thấy mình bé nhỏ trước lời Nam triết lí:

Thế giới này sẽ chẳng còn
khổ đau

Nếu ai cũng biết là mình không
hoàn hảo
Mình dẫu sao chỉ là thanh
ghép nhỏ
Trong bộ xếp hình tròn trịa của
nhân sinh…

(Tiếng hát con chim nhại)

Người viết muốn dùng chính những câu thơ này để nhìn lại một lần nữa gia tài thơ của hai thần đồng. Những điều không hoàn hảo trong thế giới nghệ thuật của hai nhà thơ còn rất trẻ về tuổi đời, tuổi nghề là điều không tránh khỏi. Đỗ Nhật Nam vì biết nhiều, đọc nhiều nên có lúc thơ em không kiểm soát được tiếng vọng từ âm nhạc, thơ ca của người đi trước. Trần Đăng Khoa, bên cạnh những bài thơ trong trẻo, hồn nhiên về thiên nhiên và con người, có những bài thơ hơi lớn giọng. Với những bài thơ ấy, phần tuổi thơ cùng cá tính sáng tạo trong thơ Trần Đăng Khoa bị tiết chế và nhà thơ nhí trở thành người phát ngôn cho những người bạn cùng thế hệ trong giai đoạn kháng chiến chống Mĩ. Nhưng nếu thiếu tiếng thơ của hai công dân nhí ấy, “bộ xếp hình” văn học nước nhà chắc chắn sẽ thiếu đi hai “thanh ghép” ý nghĩa.

N.T.T

(Nguồn vannghequandoi.com.vn)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder