Nghĩ về tâm sự mới đây của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang – Bùi Hoàng Tám

Đã tròn 5 tháng (2/4 – 2/9/2016) kể từ ngày Chủ tịch nước Trương Tấn Sang rời cương vị người đứng đầu Nhà nước, trao lại nhiệm vụ chèo lái con thuyền đất nước cho người kế nhiệm. Ông đã “trở lại làm dân” giản dị mà đàng hoàng “không phải cúi đầu lầm lũi mà đi” như có lần ông nói:..

 

Đã tròn 5 tháng (2/4 – 2/9/2016) kể từ ngày Chủ tịch nước Trương Tấn Sang rời cương vị người đứng đầu Nhà nước, trao lại nhiệm vụ chèo lái con thuyền đất nước cho người kế nhiệm. Ông đã “trở lại làm dân” giản dị mà đàng hoàng “không phải cúi đầu lầm lũi mà đi” như có lần ông nói:

“Trong cuộc đời người “cầm cân nảy mực,” nhân danh công lý, khi phán quyết phải nghĩ rằng đến lúc về già phải thấy tự hào với con cháu, dòng họ, đồng đội, đồng chí và nhân dân rằng mình đã mang lại công lý cho mọi người, chứ không phải cúi đầu lầm lũi mà đi ở buổi cuối đời”.

Đối với nhân dân cả nước, hình ảnh và đặc biệt là tài năng và nhân cách của ông vẫn in đậm trong tâm trí của đồng bào Việt Nam trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài.

Không thể nói khác, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là tấm gương trong sáng, tận tụy, hết lòng vì nước, vì dân.

Trưởng thành từ phong trào sinh viên tham gia đấu tranh thống nhất đất nước, từng bị chính quyền Sài Gòn bắt giam ở Phú Quốc, ông trở thành chính khách với đỉnh cao là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhưng trong ông, vẫn nguyên vẹn trái tim người chiến sĩ, hết lòng lo lắng cho sự nghiệp cách mạng và hạnh phúc của dân.

Dù đã từng có nhiều năm nắm “hầu bao” kinh tế đất nước, gia đình ông vẫn sống một cuộc sống gần gũi và giản dị. Cho đến giờ phút này, kể cả những người đối lập với lý tưởng của ông cũng không dám đặt điều nói xấu ông về sự liêm khiết và lòng chính trực nơi ông.

Nhớ lại cách đây ít lâu, ông từng bộc bạch: “Nhà tôi nhỏ thôi, 51m2, khi về hưu dứt khoát tôi không lấy một mét vuông đất nào. Bữa nay tôi nói dứt khoát như vậy”.

Những năm tháng là ngưới đứng đầu đất nước, ông luôn cánh cánh nỗi lo xứng đáng với 90 triệu đồng bào và không hổ thẹn với tổ tiên.

Ông đã từng hơn một lần tâm sự: “Đằng sau lưng, trước mặt mình là 90 triệu đồng bào, tôi nhớ chứ! Là 4.000 năm lịch sử, tôi nhớ chứ! Không quên được đâu!”

Trong dịp Quốc khánh năm 2012, ông viết: “Tự hào với những gì đã làm được, chúng ta cũng cần phải biết hổ thẹn với tiền nhân, với những bậc tiền liệt về những yếu kém, khuyết điểm của mình đã cản trở bước đi lên của dân tộc…”.

Và mới đây, nhân Kỉ niệm Quốc khánh (2/9/2016), ông đã viết bài “Gánh nặng trách nhiệm trước lịch sử và tương lai” với những dòng tâm sự đầy nhiệt huyết và trách nhiệm, dù không còn ở cương người đứng đầu Nhà nước nữa:

“Trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc bảo vệ Tổ quốc thế kỷ vừa qua thôi, máu của hàng triệu người ngã xuống vẫn còn ấm nóng trên lá quốc kỳ. Biết ơn các bậc tiền nhân, biết ơn đồng chí, đồng bào, thì ngày hôm nay đối với những người chèo lái con thuyền Tổ quốc, không có cách nào khác là phải nhận lấy gánh nặng trách nhiệm trên đôi vai của mình”.

Điểm lại lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc, người đầu tiên ông nhắc đến là Đức vương Ngô Quyền với chiến thắng Bạch Đằng lịch sử từ hơn 1000 năm trước, mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ lâu dài của dân tộc.

Rồi ông dẫn lời Đức vua Lê Thánh Tông với câu nói về pháp quyền nổi tiếng: “Pháp luật là phép tắc chung của Nhà nước, ta và các người phải cùng tuân theo” và những lời bình luận: “Dâu bể đa đoan, một cá nhân, dẫu có là một vị “vua tốt”, có khi cũng chỉ biên soạn được những bản anh hùng ca dang dở. Không ai thay đổi được lịch sử, hậu thế chỉ có thể nhìn vào tấm gương lịch sử để nhận thức lại chính mình”.

Song, ông đã dành phần khá nhiều trong bài viết hơn 2.000 từ để nói về thời đại Hồ Chí Minh và tư tưởng của Người. Ông nhắc lại lời Hồ Chủ tịch: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không còn trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Đồng thời, ông cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Chưa bao giờ trong lịch sử hơn 70 năm Nhà nước ta, Nhà nước “của dân, do dân và vì dân” lại xuất hiện những biểu hiện tiêu cực như hiện nay: “tư bản thân hữu”, “lợi ích nhóm”, “sân sau của gia đình”; xuất hiện sự cấu kết quyền lực với lợi ích kinh tế, lèo lái chính sách, dàn dựng để tạo ra các cú “áp-phe” lớn mang lại lợi ích “khủng” cho một số cá nhân và phe nhóm…, gây thiệt hại khôn lường cho ngân sách Nhà nước, làm chao đảo nền kinh tế.

Các vụ án tham nhũng lớn, đặc biệt nghiêm trọng được đem ra xét xử hay chưa xét xử, thấy thấp thoáng “bóng dáng” của những cán bộ nắm giữ vị trí quản lý, thậm chí cả cán bộ quản lý ở cấp cao”.

Có lẽ mỗi chúng ta, những ai quan tâm đến tình hình của đất nước và sự tồn vong của thể chế không thể không lo sợ nhận thấy những điều ông nói là sự thực và tiếc thay, nó vẫn đang diễn ra nhiều lúc, nhiều nơi với nhiều cấp độ.

“Lợi ích nhóm”, “sân sau gia đình” với những cú “áp – phe chính trị” mà ông nhắc ở trên chính là những thế lực tàn phá đất nước, hủy hoại giang sơn, chà đạp lợi ích của dân tộc, đẩy đời sống nhân dân vào nghèo nàn, khốn khó, lãnh thổ biên cương bị xâm lấn, đe dọa…

Với tinh thần trách nhiệm, ông còn đặt nhiệm vụ cho Đảng mình, cho đồng chí của mình: “5 năm một nhiệm kỳ chỉ là cái chớp mắt của lịch sử, nhưng cũng chính vào lúc này, Đảng phải chứng minh cho nhân dân thấy được rằng, bằng việc làm đúng đắn hôm nay, những đảng viên chân chính sẽ giữ cho con thuyền Cách mạng không bị chệch hướng trong tương lai”.

Đồng thời, ông cảnh tỉnh: “Không có cách nào khác, trước sự tồn vong của Đảng, của đất nước, với sự ủng hộ của hơn 90 triệu nhân dân, trách nhiệm với lịch sử và tương lai đang đè nặng lên vai những người được tin tưởng nắm giữ vai trò chèo lái; phải lấy lại niềm tin trước sự rộng lượng của nhân dân bằng cách hành động, bằng tính tiên phong đã được chứng minh trong thực tiễn đấu tranh. Ai đó cảm thấy không đảm đương được công việc hãy tự nguyện trao lại mái chèo, hoặc Đảng buộc họ phải ra đi”.

Đọc những dòng trên, càng kính trọng nhiệt huyết, lòng yêu nước và trách nhiệm của ông.

Chúng ta, những “công dân” trong “gia đình BLOG Dân trí” cùng cầu chúc cho ông mạnh khỏe, giữ mãi trong mình một ngọn lửa yêu nước, thương dân và trách nhiệm cao cả trước non sông đất nước, các bạn nhé?

B.H.T

(nguồn Dân Trí)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder