Nguyễn Khuyến được gọi với danh xưng “nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam”. Bằng những nét vẽ thơ của mình, không gian làng quê Việt hiện lên đẹp như nguyên bản cảnh làng quê bên ngoài vậy.
vanhaiphong- Nguyễn Khuyến không chỉ là cánh chim đầu đàn của dòng văn học yêu nước chống Pháp nửa cuối thế kỷ XIX nửa đầu thế kỷ XX, ông còn là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam. Trong sự nghiệp sáng tác khá đồ sộ của ông để lại có một chùm thơ băng vượt thời gian, đó là chùm thơ về mùa thu Việt. Bài viết của tác giả Phạm Thuỳ Linh dưới đây là một cảm nhận thú vị về nét đẹp của thơ thu Tam Nguyên Yên Đổ.
Bao nhiêu giấy mực, nghiên cứu, phân tích của nhiều nhà phê bình, nhà sư phạm từ xưa đến nay về chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến. Bao nhiêu tiết học, bài giảng, bài viết về chùm thơ này. Đầu thu, tôi cũng muốn được trở lại với chùm thơ quen thuộc này để được đắm mình trong không gian nông thôn thuần Việt mà nhà thơ Nguyễn Khuyến vẽ lên thành công bằng những câu thơ được làm với niêm luật thơ Đường của mình.
Những bức tranh thu bằng thơ
Quả đúng là những bức tranh tuyệt đẹp về mùa thu. Nếu xét ở góc độ hội họa thì chắc nhiều người sẽ phong ông là họa sĩ. Đọc thơ mà tưởng ra được cả khung cảnh của làng quê Việt trước mắt mình.
Muốn ngắm cảnh ao thu ư? “Thu điếu” đưa bạn đến với không gian ao thu trong vắt với chiếc thuyền câu nhỏ bé lọt thỏm giữa làn nước phẳng như gương ấy. Tuyệt nhiên thanh bình. Tuyệt nhiên lặng đến phăng phắc. Tưởng như chỉ một cử động khẽ thôi cũng sẽ làm vỡ tan cái không gian trong veo như thủy tinh ấy. Đến thiên nhiên còn phải rón rén nữa kia. Thế nên gió cũng chỉ dám thổi thật khẽ để “Sóng biếc theo làn hơi gợn tí/ Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo”. Trong tranh có khối hình, có màu sắc, có không gian. Thấy lá vàng, trời xanh. Thấy chiều sâu của những mảng màu với ngõ trúc quanh co, đám bèo lờ lững trôi.
Còn muốn “mục sở thị” không gian nhỏ của nếp nhà xưa, “Thu ẩm” tái hiện những mảng màu xam xám có ánh sáng, có chấm phá hình ảnh của người uống rượu trong tiết thu man mác. Trong bức tranh uống rượu mùa thu này, Nguyễn Khuyến vẫn sử dụng màu sắc đan cài trong từng mảng, khối và sự đối lập của ánh sáng. Màu nền chủ đạo là bóng tối của màn đêm. Trên đó, lập lòe ánh sáng đom đóm, bảng lảng khói bếp buồn rầu, mỏng mảnh ánh trăng, đậm xanh sắc trời khuya khoắt. Và điểm nhấn có hồn của bức tranh này và viền mắt đỏ của người uống rượu. Đây cũng là sắc đỏ duy nhất trong bức tranh đêm mùa thu này.
Bức tranh trong “Thu vịnh” lại hoàn toàn khác. Hiện lên ở đây là một không gian bàng bạc, huyền ảo, mơ hồ, gợi sự mông lung và liên tưởng. Cũng bởi, ý nghĩa của bài thơ là vịnh cảnh mùa thu nên toàn bức tranh là thiên nhiên, là khói sương, cần trúc, nước biếc, song thưa… Sắc màu sử dụng vẫn là xanh đặc trưng và bạc của không gian mở sương và ánh trăng. Bức tranh có nét liêu trai, bí ẩn và không tránh khỏi tâm trạng bâng khuâng của người cầm cọ bằng những câu thơ.
Không gian làng quê Việt với ngôn từ thuần Việt
Nguyễn Khuyến được gọi với danh xưng “nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam”. Bằng những nét vẽ thơ của mình, không gian làng quê Việt hiện lên đẹp như nguyên bản cảnh làng quê bên ngoài vậy. Tài ở chỗ, nhiều thập kỷ sau, khi người đọc đến với những bức tranh quê của ông trong thơ vẫn có thể mường tượng được toàn cảnh bố cục, màu sắc của nơi mà ông “tức cảnh sinh tình”. Cảnh ấy gần gũi, mộc mạc và thân thương với người nông dân Việt. Cảnh ấy là nếp nhà thấp “lè tè”, là lưng giậu “phất phơ”, là song thưa, là làn khói bếp rơm loãng dần vào bầu trời thoáng đãng.
Đặc biệt hơn, như trong 3 bài thơ về mùa thu này, dù ông sử dụng thể thơ Đường song ngôn từ trong các bài đều thuần Việt. Nguyễn Khuyến dùng toàn những lời nói hàng ngày của người nông dân Việt. Không xuất hiện một danh từ Hán -Việt. Nguyên việc ông sử dụng những âm láy trong tiếng Việt để vịnh cảnh cũng đủ làm nên nét riêng thuần Việt của mình. Như: lạnh lẽo, tẻo teo, lơ lửng, (Thu điếu); le te, lập lòe, phất phơ, lóng lánh, ngắt, (Thu ẩm); lơ thơ, hắt hiu (Thu vịnh)… Những từ láy ấy tạo nên sự phong phú, đa dạng không đâu có của ngôn ngữ tiếng Việt. Và trong thơ Nguyễn Khuyến, những từ láy ấy tạo nên bản sắc thuần Việt riêng của một nhà thơ quê hương Việt Nam./.
Thu Điếu*
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối ôm cần lâu chẳng đặng,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
———
Thu Ẩm*
Năm gian nhà nhỏ thấp le te,
Ngõ tối đêm khuya đóm lập lòe.
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt,
Mắt lão không viền cũng đỏ hoe.
Rượu tiếng rằng hay, hay chẳng mấy
Độ năm ba chén đã say nhè.
—
Thu Vịnh*
Trời thu xanh ngắt mấy từng cao,
Cần trúc lơ thơ gió hắt hiu.
Nước biếc trông chừng như khói phủ,
Song thưa để mặc bóng trăng vào.
Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,
Một tiếng trên không ngỗng nước nào?
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,
Nghĩ ra sợ thẹn với ông Đào!