10
Nắng ùa qua cửa sổ đánh thức Thảo dậy. Bên cạnh anh, Tuấn vẫn ngủ say. Tuấn ngủ vất vả, nặng nề. Đêm qua một hai lần Tuấn mơ ngủ, ú ớ, có lúc thét lên rồi cười ằng ặc. Chưa đủ thời gian để xóa được dấu vết cuộc sống nhà tù, cuộc sống Thảo dễ dàng tưởng tượng ra được. Thảo chỉ còn mỗi khả năng duy nhất để giúp đỡ Tuấn trong những ngày trở về là chạy vạy, lo toan các thủ tục cho Tuấn. Công việc này không dễ dàng gì. Chỗ nào anh cũng gặp những người tử tế. Họ ái ngại, trắc ẩn, nể nang và hứa hẹn. Nhưng công việc thì cứ giẫm chân tại chỗ, không nhích lên được bước nào. Mấy ngày nay, riêng thủ tục để Tuấn được công nhận là một công dân, Thảo đã đến ba nơi và xin bốn, năm con dấu.
Giá như Tuấn không nẩy ra chuyện đi đãi vàng thì Chi và Thảo, với sự giúp đỡ của Bích có thể lo chỗ ở và điều kiện làm việc cho Tuấn. Tuấn về ở chỗ Bích thì tiện lợi nhiều bề. Nhưng từ ngoài nhìn vào, vẫn có cái gì hơi mất tự nhiên. Bích đã chịu đủ điều tiếng rồi. Thảo đoán biết Bích muốn một lần nữa coi thường dư luận, xem ra nàng cố tình khiêu khích thiên hạ cho vui.
Còn chuyện đãi vàng? Thảo biết đó là một ý đồ nghiêm túc, được Tuấn nghiền ngẫm từ lâu. Tuấn sẽ đi vì Thảo rõ là anh ít khi nói rồi để đó. Thảo sẽ can ngăn Tuấn thế nào đây? Anh biết Tuấn sẽ không mang về nổi một hạt bụi vàng nào mà chỉ là bệnh sốt rét, vàng da hoặc cụt què vì đánh lộn. Không ít người bỏ xác quanh những bờ suối có vàng hoặc chết vì giang mai, quà của các cô gái điếm. Thảo sẽ mất Tuấn, như nhìn thấy anh tự sát mà không dám giữ tay anh lại.
Phải bàn thêm với Chi, Thảo nhẹ nhàng ra cửa, lấy xe ra phố. Thục vẫn chưa về. Bà Nhàn bảo Chi ra đi từ sáng sớm. Thảo đoán thế nào Chi cũng đến chỗ Tuấn. Từ lâu, anh thật sự vui mừng vì Chi và Tuấn đã gặp nhau. Cả hai đều yêu và được yêu, theo Thảo, đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất trên trần thế. Thảo hoàn toàn không có mặc cảm khi anh tự nguyện làm người bảo trợ cho cuộc tình đó. Thảo cũng đã từng là bạn Thục. Nhưng hiện nay không ai xa lạ với anh hơn Thục. Xa hơn cả những người đi đường không quen biết. Xa chứ không thù ghét. Như Thục là người ở một thế giới khác vậy. Trong thâm tâm Thảo chưa bao giờ coi Chi đã phản bội chồng. Đúng ra, chính Thục đã phản bội những lời hứa hẹn với Chi trước khi cưới. Nhốt Chi trong vòng hôn nhân luẩn quẩn ngay từ tuần trăng mật, bỏ nàng lại đó với những khát vọng tốt đẹp nhưng xa lạ rồi mải mê đuổi theo những mục đích hoàn toàn trái ngược với bản chất cao thượng đến lãng mạn của nàng. Chi ốm o, gầy mòn như người bị bỏ đói, gầy mòn, xấu xí đi vì tinh thần bị tổn thương. Với bản năng tự vệ đặc biệt, Chi tự dồn nén, tự thích nghi, vì thế nàng càng u uất trong thế giới tinh thần thường xuyên phải chống đỡ của nàng.
Có lẽ còn hơn Tuấn, Thảo theo dõi cuộc sống tinh thần đó của người bạn gái, người luôn luôn tin cậy anh. Thảo biết những cuộc tình thoáng qua của Chi trước khi nàng quyết định yêu Tuấn. Chi lấy lại sức khỏe thời con gái và sắc đẹp làm mê đắm đàn ông của nàng khi bước vào cuộc tình vụng trộm đầu tiên với một anh họa sĩ. Cuộc tình tiếp theo với anh kiến trúc sư làm cùng chỗ với nàng. Nó bùng cháy rồi tắt ngấm. Lại một cuộc tình khác, lại bùng cháy và tắt ngấm. Cho đến lúc nàng biết rằng mình chỉ có thể yêu người con trai quen biết nàng còn trước cả chồng nàng và những người tình sau này của nàng. Nàng đã tìm thấy và chắc chắn sẽ dừng lại mãi mãi.
Nếu Thục là một người chồng khác, biết coi trọng sự cao quý của đời sống tinh thần hơn thì chắc là nàng đã tự sát rồi. Nhưng mỗi ngày Chi càng đẹp hơn, tươi mát hơn và mạnh khỏe hơn. Những cuộc phiêu lưu mạnh mẽ và ngắn ngủi ấy không làm nàng mảy may đau khổ. Bởi vì, như Chi nói, Thục đã không làm Chi đáng buồn một phút. Thảo lấy làm lạ về điều đó. ở người khác là sự trụy lạc, vô đạo đức và suy đồi. ở Chi, chỉ là những cuộc tắm rửa làm nàng óng chuốt thêm. Không ai trách cứ gì về sự phóng túng của nàng. Mọi người hình như đều tin là nàng hoàn toàn có lý.
Thục không biết những chuyện đó. ít nhất thì Thảo tin như vậy, tuy rằng về sau này anh biết là mình đã nhầm. Thục càng leo lên bực thang danh vọng cao bao nhiêu, thu nhặt vào tay mình nhiều vàng bạc, của nả bao nhiêu thì khoảng cách giữa anh và vợ càng xa vời bấy nhiêu. Sợi dây liên hệ giữa anh và Chi chỉ còn trong phạm vi vật chất. Những nghĩa vụ anh phải cáng đáng, những món tiền anh phải cho, những lời nói, ve vuốt, những cuộc làm tình anh phải làm.
Cho đến ngày Chi quyết định yêu Tuấn, một đôi lần nàng đã đặt vấn đề ly dị với chồng. Lúc đó Thục vẫn không biết rằng anh đang vọt tiến đến mục tiêu của anh thì Chi luôn hướng về những mục đích ngược lại. Một véctơ ngược chiều, khác dấu.
Bằng tình cảm chân thành, Thảo cho rằng mình đã hiểu Chi. Cũng như Chi, anh không hề nghĩ là mình đã phản bội Thục dù Thục không thuộc loại bạn bè anh cần bảo vệ, tha thứ, dung nạp, bao che. Thục khác rất nhiều, tuy anh vẫn là bạn, không thể nói gì khác.
Điều áy náy duy nhất làm Thảo buồn bực là bà Nhàn. Bà mến Thảo, rất thương Tuấn. Có thể bà cũng biết khá nhiều vì bà ở nhà luôn và những người mẹ thường rất tinh tường nhạy cảm trong chuyện đó. Nhưng bà vẫn rất mến hai người.
Bà Nhàn níu Thảo lại để trò chuyện. Ngồi tiếp anh ngay trong nhà con trai mình mà bà vẫn e dè, vụng về. Như bà cảm thấy mình không xứng đáng được ngồi trên chiếc ghế xa lông sang trọng kia.
– Chị Chi vất vả quá – bà nói – tôi thì vụng tay vụng chân, chữ nghĩa không có, không đỡ đần được. ở nhà này tôi như là người lạ.
Bà nói tiếp khi thấy Thảo vẫn im lặng.
– Phiền nỗi con chó. Hai năm rồi nó vẫn ghét tôi. Nó coi tôi như người ngoài.
Bà kể, đêm đêm con Bốp vẫn nằm dưới chân giường bà. “Nó canh tôi đấy!”, bà nói. Ban ngày nó quanh quẩn cạnh bà. Nó nhìn bà đôi mắt long lanh. Khi thì lạnh lẽo, ghét bỏ. Khi thì đôi mắt chó ấy tra hỏi, xuyên suốt bà. “Lạ quá, bà nói, đời thuở nhà ai như thế. ở quê có lần đi chợ mua chó to hẳn hoi mà chỉ hai ngày là nó quen tôi ngay”.
Bà im lặng một lát. Rồi mắt bà chợt sáng:
– Hay là tôi cúng hả cậu? Tôi xin rước một bát nhang, tôi cúng. Tôi cầu Trời Phật cho con chó nó buông tha tôi ra.
Thấy Thảo vẫn không nói gì, chỉ nhìn bà vẻ khó hiểu, bà nói tiếp:
– Hay là kiếp trước nó là bà cô ông mãnh nào có thù oán với tôi? Mà đời tôi thì có thù oán gì ai? Tôi phải cúng, cậu ạ, nhất định tôi phải cúng.
Trong khi bà nói chuyện với Thảo, con Bốp vẫn nằm cách bà một quãng vừa một tầm vồ. Thảo nhìn nó, quan sát, thử lượng định với cung cách của một nhà văn xem đôi mắt chó ấy nói gì. Quả thực con bốp không hề chú ý đến anh. Nó chăm chăm nhìn bà Nhàn. Như chính bà đang nói chuyện với nó.
Bà Nhàn còn kể rằng, ban ngày, lúc bà lúi húi thu xếp bát đĩa, đồ đạc trong bếp hoặc chỗ rửa bát góc sân, nó vẫn đi lại, quanh quẩn quanh bà. Không gần mà cũng không xa quá. Có nhiều lần tưởng như nó muốn nhảy xổ vào bà.
– Hay là nó không chịu nổi mùi mồ hôi dầu của tôi? Trong nhà chỉ có tôi là mồ hôi dầu. Anh Thục mồ hôi muối. Giống bố anh ấy. Còn chị Chi thì mồ hôi không có mùi. Như là chị ấy không có mồ hôi ấy. Vả lại, thỉnh thoảng chị ấy có xức chút nước hoa. Tôi cũng nghĩ: hay là nó ghét bộ quần áo nhà quê của tôi? Chị Chi mua cho tôi hai bộ mặc trong nhà. Loại đắt tiền lắm. Tôi mặc vào cứ ngọng nghịu là. Nhưng con chó vẫn thế. Nó vẫn không buông tha tôi. Tôi thì buông giầm cầm chèo, ngồi yên là không chịu được. Tôi thích tưới cây lắm. Lối từ bếp lên nhà anh Thục có đặt một chậu hồng. Nó khát nước quanh năm. Nhưng khổ thân tôi. Mỗi lần tôi đến gần cái chậu là con bốp hộc lên một tiếng khủng khiếp. Nó lao tới, cắn vào ống quần tôi, rồi kéo tôi ra xa cái chậu liền.
Bà cho một miếng trầu vào miệng. Bà nhai, đôi hàm răng vẫn còn nguyên, trông có duyên lắm. Nhưng bà không biết nhổ nước trầu vào đâu. Thảo nghe tiếng bà nuốt nước trầu ừng ực.
– Tôi định xin anh Thục cho tôi về quê, ở với vợ chồng đứa gái út, cậu ạ. ở đây tôi thiếu việc làm. Mà hai đứa ở quê thì cứ mùa đến là vắt chân lên cổ cũng không xuể. Vả lại, tôi hãi con chó lắm.
(còn tiếp)
N.Q.T