12
Thảo chào bà Nhàn, đi về nhà. Một chiếc Toyota trắng bóng lộn lướt qua. Thục không nhìn thấy anh. Ghế sau có hai người. Thục đăm chiêu nhìn đi đâu vào khoảng không của tương lai như phần lớn những người đang hãnh tiến. Một hai năm gần đây Thục nổi lên như một người hùng, nhiều quyền lực và triển vọng. Chưa đến bốn mươi tuổi mà có trong tay quá nhiều sức mạnh, công khai và bí mật, vật chất và tinh thần.
Như vậy là Thục đã về. Không biết sáng nay anh có tạt qua nhà không? Thảo đạp vội, mong gặp lại Chi và Tuấn.
Tất nhiên, giá như ngay bây giờ Thục có nhìn thấy Chi đang trong tay người tình rảo bước trên đường phố thì cũng chẳng sao. Tuấn và Chi không hề đặt ra vấn đề Thục biết hay không biết cuộc tình vụng trộm của vợ. “Anh ấy biết cũng hay”. Chi bảo Thảo. Nàng đang ở cái ngưỡng cửa sự chịu đựng. Chi vốn là một người đàn bà đàng hoàng.
Khi Thảo bước vào nhà, chắc cuộc trò chuyện đang vào lúc gay cấn. Hai người cùng dựa lưng vào tường, chân duỗi thẳng trên tấm chiếu. Hai điếu HERÔ chầu nhau, bốc khói trên cái gạt tàn bằng sứ.
– Ông chủ về rồi. Anh cho bọn này uống cái gì đi. Khát quá – Chi nói.
– Sao không pha trà?
– Em muốn một cốc cà phê – Chi ra lệnh. Nàng biết Thảo sẽ chiều mình như chàng lùn chiều cô Bạch Tuyết.
– Còn Tuấn?
– Cũng cà phê cho tiện.
– Thì mình cũng cà phê – Thảo bước ra.
Bà chủ đổ ba cốc cà phê sữa vào cái ca tráng men cho Thảo. Buổi sáng, quán vắng người. Bà chủ ngồi ngáp vặt, giữa bầy ruồi vo ve.
Thảo đốt bếp dầu hâm lại cà phê đựng trong ca. Nhà trên Chi và Tuấn vẫn rì rầm. Tuấn thường ít nói. Nhưng Thảo đã chứng kiến hai người nói chuyện với nhau suốt đêm. Họ ngồi ríu rít. Thảo ngủ ngay dưới chân họ. Huy thì kéo gỗ trên cái giường tận đầu kia phòng. Thỉnh thoảng nó nói mê, hoa chân múa tay. Huy là thằng giỏi thức mà ngủ cũng khỏe. Nó bảo Thảo: “Bọn các anh có cái mốt là trăn trở, thao thức. Già mất rồi, ông anh! Em ấy à? Làm ra tiền thì thức, không màu mè gì thì ngủ, khỏe!”.
Thảo bưng cà phê lên nhà thì chú Ni-cô-lai đã ngồi hút thuốc lá ở ghế xa lông từ bao giờ. Ông già vẫn đội mũ phớt trên đầu, một cái áo khoác tàng rất mốt ngoài chiếc sơ mi cáu bẩn. Thảo có cảm giác là ông đã quá khô kiệt, ông không biết nóng, không còn mồ hôi nữa. Ông gầy, nhưng vì gầy nên mắt ông càng sáng, cử chỉ càng linh hoạt. Toàn bộ con người ông đượm buồn.
Thảo gọi chú Ni-cô-lai bằng chú họ, bạn con dì với bố Thảo. Đó là loại người xưa nay hiếm, không chỉ trong họ hàng nội ngoại mà ngay giữa thành phố trẻ trung này. Không biết ông năm nay bao nhiêu tuổi. Nhưng từ bé Thảo đã thấy ông già lắm, già như bây giờ. Ông là người đầu tiên làm ra những cây kem nhiều màu ở thành phố này, hồi đó cửa hiệu của ông có tên là crème couleur, lúc nào cũng có trẻ con túm tụm quanh một cái tủ kem ướt át, ồn ã. Ông cũng là người đầu tiên xuất bản ở thành phố này một tờ tạp chí tạp-pí-lù gồm đủ món văn chương, chính tri, xã hội, quảng cáo v.v. Nghe nói ra được hai ba số gì đó thì đình bản. Đó là chuyện thời Pháp thuộc, thời ông còn làm thư ký ở nhà băng Đông Dương. Lúc tản cư, bố Thảo lôi ông đi kháng chiến theo mình. Ông cũng làm cán bộ ngân hàng và về hưu khoảng những năm sáu mươi gì đó. Có thể nói từ ngày tiếp quản thành phố năm 1955, đời ông bắt đầu xuống dốc thảm hại. Ông phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác. Sai lầm đáng kể nhất làm ông khốn đốn là một ngày nào đó khi cái máu ra tạp chí sống lại trong ông, chú Ni-cô-lai đã cao hứng gửi cho tờ Nhân Văn Giai Phẩm một ít tiền. Bởi một số văn nghệ sĩ trong nhóm này với ông là bạn cũ từ thời ở Việt Bắc. Ông chưa đọc tờ báo, chưa biết họ ra báo để làm gì. Nhưng ông thừa biết ra báo là lỗ, là bao nhiêu tiền cũng không đủ nên ông thương, ông gửi cho, thế thôi. Thế là lại chính ông, chú Ni-cô-lai trở thành phần tử Nhân văn đầu tiên của thành phố như trước đây ông đã mở đầu việc làm kem màu. Người ta đang cần một người như thế. Để theo dõi, để phê phán, để giáo dục và để chứng minh cuộc đấu tranh giai cấp trong giai đoạn mới. Nhưng rồi việc ấy cũng qua, tuy ông phải khốn đốn trong nhiều năm liền. Sau đấy, ông luôn phạm những sai lầm lặt vặt. Vì sống độc thân, ông thường chống chếnh như những người độc thân khác. Gặp một cô gái lang thang giữa đêm mưa, ông cho cô ta về nhà ngủ nhờ và để trả ơn, cô ta cuỗm luôn của ông một quý lương hưu trọn vẹn. Một cô gái bụi đời có thể biến một ông già đáng kính thành kẻ ăn mày là như thế. Một lần, lang thang trên đường phố vào lúc nửa đêm, ông gặp một chàng trai bị đâm vào vai nằm gục bên vỉa hè. Ông vét túi gọi xích lô, đưa anh ta vào bệnh viện cấp cứu. Thì ra, đó là một tên tội phạm đang bị truy nã, nó bị chiến hữu thanh toán ân oán giang hồ. Chú Ni-cô-lai bị hỏi cung mấy tháng trời, lên lên xuống xuống vất vả mới gỡ xong cái án có liên quan đến tội phạm hình sự. Vì một kẻ đã từng là phần tử nhân văn giai phẩm ắt có thể dính líu vào những tội lỗi như thế lắm. Ông dạy tiếng Pháp cho bọn trẻ nhưng thường bị chúng quỵt tiền. Người ta đến giúp ông chữa điện, lấy của ông một số tiền công bằng nửa tháng lương. Nhưng điện vẫn không bao giờ sáng. Khó mà kể ra hết những rủi ro chú Ni-cô-lai gặp trên đường đời vào quãng tuổi già.
Đối với xã hội, tuy không ai làm gì ông, nhưng ông luôn bị canh chừng như là một kẻ thù công cộng. Hễ ông có thất thố điều gì, với kẻ khác thì không sao, với ông thì cái sẩy nẩy ngay cái ung liền. Chỉ có con cháu là hiểu ông, thương ông. Nhưng con cháu không có nhiều, lại là những người thấp cổ bé họng và nghèo cả. Lúc Thảo lớn lên đã thấy ông có cái tên Ni-cô-lai rồi. Nghe nói cái tên ấy là do một người em họ đặt cho ông vì ông rất hay mủi lòng, hay rơi nước mắt. Chú Ni-cô-lai đờ rưng rưng. Cái tên này rất đạt, đầy gợi cảm và có lý, đã được công nhận rộng rãi đến mức mọi người quên hẳn tên thật của ông. Đối với Thảo, ông thương quý đặc biệt vì ông thuộc lớp người hiếm hoi còn biết ái mộ nhà văn và không coi nhà văn như đầy tớ, có thể gọi đến bất kỳ lúc nào để viết điếu văn hay báo cáo thành tích. Nhưng hai chú cháu ít khi gặp nhau. Thường Thảo chỉ gặp ông ngoài đường với cái mũ phớt đen, đôi giày xăng đá cũng đen. Hai chú cháu rủ nhau vào quán cà phê gần nhất, ngồi với nhau một lúc, cả hai đều rất ít nói. Thảo tránh kể những chuyện thương cảm vì sợ chú Ni-cô-lai rút khăn mù-soa lau nước mắt, còn ông thì chỉ nhìn đứa cháu với đôi mắt buồn rầu. Ông biết hơn ai hết thân phận nhà văn xứ này, nhất là những người cầm bút có nhân cách như Thảo. Khi ngồi với ông, Thảo không dám hỏi ông sống ra sao, vì anh biết mình không thể cứu ông được nếu ông gặp khó khăn về tài chính. Anh trả tiền cà phê, rủng rỉnh thì đưa ông một ít tiền mà không nói lý do. Nhưng ít khi ông chịu nhận.
– Lâu ngày quá không gặp chú – Thảo san chỗ cà phê ra bốn chén nhỏ – chú có mạnh khỏe không ạ?
– Tôi nghe anh Tuấn được libéré, đến thăm anh ấy.
– Ai cho chú biết ạ?
– Mađam cây Táo. Bà ta khoe với tôi chiều hôm qua.
Chú Ni-cô-lai cũng rất quý Tuấn. Vì là người đầu tiên làm ra kem màu ở thành phố này nên ông biết quý trọng những người phát minh. Khi nghe Thảo nói bạn anh ta có ba phát minh (tạm gọi như thế) mà không được lĩnh một xu tiền thưởng, ông khóc. Khi biết Tuấn nắm được công thức pha chế sơn màu có chất lượng không thua sơn Nhật Bản, vì cãi nhau với giám đốc mà bị thả ra vỉa hè, ông lại rút mùi-soa ra lau mắt. Ông gần như phát điên lên khi nghe tin Tuấn bị bắt vì một tội vớ vẩn đại loại như tội ông đưa cấp cứu một tên cướp vượt ngục hồi nào. Và bây giờ ông đang nhìn Tuấn, bên cạnh Chi, niềm hạnh phúc của Tuấn mà ông biết khá rõ, đôi mắt ông rưng rưng. Ông đang nghĩ tới người đầu tiên ở xứ này làm ra những tấm phoócmica tuyệt đẹp, như trước đây ông đã nghĩ cách làm ra những chiếc kem que nhiều màu sắc và tuyệt đẹp, ngang với sự kiện chiếu phim màu trong các rạp.
– Chú Ni-cô-lai còn cho anh Tuấn tiền nữa đấy – Chi nói với Thảo.
– Lạy Chúa! – Thảo nói – chú nhặt được ở đâu đấy?
– Không lo, không lo – ông ngượng ngùng nói.
Chi mỉm cười, nàng cười rất dễ thương như muốn chia đều tâm trạng xao xuyến của mình trước hành động cảm động của chú Ni-cô-lai cho mọi người. Chi bước tới, dúi xếp tiền có lẽ của chú cho Tuấn lúc Thảo còn ở dưới bếp vào túi ông già. Thảo chắc chắn là Chi tốt bụng đã kịp thêm vào đó những đồng tiền nàng kiếm được sau những đêm thức trắng trên bản vẽ.
Chú Ni-cô-lai đã ra về, sau khi nhất định từ chối không chịu ở lại ăn cơm. Mọi người lặng đi. Thảo nhớ lời trách cứ của Huy. “Các anh có cái thói hay trăn trở, thao thức…”. Làm sao lại không thể trăn trở, thao thức được? Mỗi thế hệ đều có những tiếng thở dài riêng, một bài hát riêng của thế hệ mình. Huy thường nghêu ngao trước khi ngủ, cả những lúc nó buồn và những lúc nó vui. “Sao anh Thảo? Anh suy nghĩ gì thế? Anh đang thèm đàn bà phải không? Em mà thèm là em đi kiếm liền, không thở dài và nghệt mặt ra như anh đâu!”. Rồi nó hát, hai ngón tay bật tanh tách điểm nhịp: “Một thế hệ không buồn – Một thế hệ không vui – Không phải đánh ai – Không phải làm anh hùng – Nhưng cũng chán la la la cũng chán”. Một lần Thảo rủ Huy đi nghe nhạc Văn Cao. Nó hỏi: “Văn Cao là ai thế?”. Nghe chưa hết bài Thiên Thai nó bỏ về. “Cứ như vọng cổ, chán bỏ mẹ!”. Thảo suỵt nó: “Vậy mà có người khóc kia kìa!”. Đúng ở dãy ghế thứ hai có người đang rút khăn chấm nước mắt. Đó là chú Ni-cô-lai. Huy nói: “Khóc nhè, đói là phải”. Rồi nó đi ra, không nói với Thảo nửa lời. Sau đó mấy hôm chú Ni-cô-lai đến nhà. Đêm nhạc Văn Cao vẫn ám ảnh ông. Vừa uống trà ông vừa hát khẽ bài Thiên Thai, sai cả nhịp cả làn. Thảo hỏi ông: “Hôm ở rạp Tháng Mười chú khóc phải không?”. Ông đáp: “Tôi nhớ thời trẻ. Tôi đến nhà thím anh, hát: Thiên thai… ơ chúng em xin dâng hai chàng trái đàothơm… Ông già của thím vác gậy đuổi chú: “Đồ đểu! Mày cút khỏi nhà tao!”. Thế là chú rút được bài học tình ái. Lần sau, chú sửa lời: “Thiên Thai… gì gì đó quên mất rồi, ông già nghe thích lắm, khen: “Phải hát thế mới ra người tử tế”. Thằng Huy hỏi: “Bác nhịn hát đi được không, cháu nghe sốt cả ruột!”. Chú Ni-cô-lai đáp: “Khốn nỗi, bài hát hay quá, không được hát thì thèm lắm, nhớ lắm. Nhớ hồi còn sống, thím cứ thúc tôi: này anh, anh hát đi, hát cái chỗ đào thơm gì gì ấy! Tội nghiệp, bà ấy chết lúc hai mươi tám tuổi, chết mà vẫn tươi nguyên như bông hồng”. Ông già lại rưng rưng. Ôi, chú Ni-cô-lai-đơ-rưng-rưng của Thảo! Chắc là bài hát nhắc lại với chú người vợ đã chết. Vì thế mà chú hay đi lang thang chăng? Bước chân chú loạng choạng như gà sợ giẫm phải trứng. Chú thường đi bộ hết phố này đến phố khác. Chú đi tìm vợ của chú, tình yêu của chú, bài hát của chú, dĩ vãng của chú. Nhưng chú chỉ gặp những người hiện đại, chỉ nghe những bài hát hiện đại, những câu chửi tục của thời hiện đại. Cả bọn trẻ con cũng vô cớ trêu chọc, ném vào chú những cái vỏ chuối của thời hiện đại. Chú về nhà Thảo, ngắc ngư, thở không ra hơi, thở xong, lấy lại được nhịp tim đập, chú bắt đầu rống lên một tràng tiếng Pháp. Thấy mọi người ngớ ra không hiểu, chú bảo: “hỏng hẳn rồi!”. Chú cất mũ phớt khỏi đầu. Thảo nghĩ là chú vừa nói về cái mũ. Một cái vỏ chuối rơi xuống đất. Chú cầm cái vỏ chuối lên, lại rưng rưng nước mắt: “Chúng nó ném, chúng nó ném…”. Chú lắc đầu buồn bã.
Ba người còn lại sau khi chú Ni-cô-lai ra về, ngồi nhấp cà phê với nhau. Thảo vẫn không rời được hình ảnh chú Ni-cô-lai. Chú ở một mình đầu kia thành phố. Ngôi nhà xưa kia của chú bị quản lý hồi ngày đầu tiếp quản, chú được phân một căn hộ một người tận khu lắp ghép ngoại ô. Thảo rùng mình, không biết chú làm sao sống nổi với đồng lương hưu, nhưng anh không dám hỏi. Hỏi làm gì nếu chính anh cũng chưa thể sống bằng đồng lương và tiền nhuận bút của anh. Anh thường choàng dậy vào lúc nửa đêm, thảng thốt tự hỏi: “Chú Ni-cô-lai còn không? Khéo chú ấy chết đói rồi cũng nên”. Anh ngạc nhiên khi lại nhìn thấy chú.
– Nghĩ gì thế, bạn? – Tuấn hỏi.
– Không, không ai chết đói cả – Thảo đáp.
– Mày mộng du à? – Tuấn nói.
– Đừng, Tuấn – Chi bóp chặt chén cà phê, đôi má nàng đột nhiên hồng thắm trở lại – chính anh mới là người mộng du.
– Hôm nay Chi rất đẹp phải không Thảo?
– Chi bao giờ cũng đẹp – Thảo đáp.
– Người ta khen để bỏ đấy, anh Thảo ạ. Như tặng huân chương trước khi cho về hưu ấy mà – Chi nói, đặt cái chén xuống. Thảo tưởng như tiếng cạch trên mặt bàn là gõ vào tim mình. Họ tính chuyện chia tay chăng?
Không khí bỗng đọng thành nước đá. Thảo hiểu vì sao Chi lại đòi cà phê, vì sao cái giọng đòi uống của nàng lại mất tự nhiên, khách sáo đến thế. Vì sao không khí lại băng giá đến thế. Có thể chú Ni-cô-lai là chất xúc tác làm mọi tình cảm đông đặc lại và ai cũng có thể sờ được nỗi đau khổ của nhau.
– Phải đi thôi, Thảo ạ – Tuấn nói. Anh đoán được ý nghĩ của Thảo. Anh không cho Thảo có thời gian suy nghĩ – Không phải một cuộc mộng du mà là cuộc sống thực. Một cuộc ra đi có thực.
– Cậu vừa mới về – Thảo nói.
– Không còn thời gian, mình đã mất toi tám tháng rồi.
– Mình chưa lo xong các thứ cho cậu.
– Cũng chẳng sao. Một cái chứng minh thư là đủ. Cậu hãy viết cho xong cuốn sách, đừng để ý đến mình làm gì.
– Còn Chi? – Thảo hỏi. Nói xong anh run bắn người vì anh nhận ra ngay sai lầm của mình. Đáng lẽ anh không có quyền hỏi câu đó.
Anh lo ngại nhìn Chi. Nàng đã uống hết chén cà phê nhưng cầm chén lên miệng, dùng hai làn môi mỏng, có thoa chút son đỏ, cắn chặt lấy. Mắt nàng long lanh, chờ đợi.
– Biết làm thế nào được? – Tuấn nói – Chẳng nhẽ cứ sài mòn ở đây và yêu nhau như hai con chuột. Mà sẽ…
Mặt Chi méo mó. Thảo chưa hề dám nhìn thẳng vào mặt Chi. Càng không bao giờ dám phán xét nàng. Thảo thường nghĩ: Chi hành động và nói cái gì cũng đúng.
– Anh Tuấn! – Nàng quên là đang cắn cái chén, thả nó xuống sàn nhà làm nó vỡ tan, nàng như quên là Thảo đang có mặt trong phòng – em tùy anh. Bao giờ em cũng chiều anh. Nhưng anh phải biết là anh tàn nhẫn quá.
Thảo nghĩ là Chi sẽ khóc. Anh chờ đợi điều đó như người ta chờ một cơn mưa và thở phào vì sự dịu ngọt của cơn mưa. Nhưng không phải cơn mưa mà là tiếng sét. Giọng Chi mỗi lúc một cao, một gay gắt:
– Tôi sẽ giàu, rồi tôi sẽ cưới cô. Hay nhỉ! Em cần anh giàu làm gì? Anh sẽ không bao giờ giàu được như Thục đâu. Thục giàu, giàu lắm. Các anh không thể biết Thục giàu như thế nào. Nhưng em cần gì vàng bạc, của nả của Thục. Và cả của anh nữa nếu anh có. Em cần những thứ đó để làm gì.
Chi rút một điếu Hero trên bàn, châm lửa. Nàng réo một hơi dài, vẩy vẩy cho tàn rơi xuống chiếu. Nàng bực bội vứt điếu thuốc đang cháy ra cửa sổ. Không bao giờ Chi vứt bừa mẩu thuốc lá như thế. Thảo biết là Chi chưa nói hết. Anh tư lự nhìn chén cà phê nguội nổi váng, im lặng chịu đựng như Chi đang trút cơn giận lên đầu mình.
– Em đã bảo: thôi, đừng làm cái trò sáng chế nữa. Anh bỏ ngoài tai. Anh muốn cái gì? Muốn làm rạng rỡ con cháu vua Hùng à? – Con cháu Vua Hùng đâu phải một mình anh? Anh không hề biết nghe lời em. Anh kiêu hãnh. Nhưng kiêu hãnh với ai mới được, anh Tuấn. Đây là em, em của anh. á! – Chi rít lên như một con chim bị thương – tôi hiểu rồi. Tôi chẳng là cái thá gì đối với anh cả. Cả anh Thảo kia cũng thế. Tôi chẳng là cái gì với các anh cả!
Thảo ngẩng đầu lên, sững sờ. Anh bỗng phát hiện ở trong mình một điều sâu kín: giá như Chi không khều anh vào một cách oan uổng thì chắc anh sẽ buồn khổ hơn, đau đớn hơn. Anh cam chịu vì anh vừa nhận ra điều làm anh run sợ đó.
– Tuấn! Anh cứ đi. Nhưng tôi sẽ ly dị. Dù thế nào thì cũng phải thế. Chỉ có điều là… tôi không biết rồi sẽ ra thế nào nếu tôi mất anh!
Thảo tiễn Chi ra cầu thang. Anh nói cho nàng biết là anh vừa thấy Thục đang ngồi trong xe đi ngoài phố. Chi không trả lời. Như nàng nói rằng chuyện ấy chẳng có ý nghĩa gì với nàng cả.
– Giận tôi đấy à?
– Xin lỗi anh Thảo – nàng nói khi đã ngồi lên yên chiếc xe mini Nhật hai gióng, kiểu mới nhất, màu đỏ ớt.
Thảo trở vào nhà, ngồi xuống trước mặt Tuấn rầu rĩ.
– Cậu chuẩn bị hộ mình hai cái quần bò Thái. Số 30 – 31, màu bạc thì hay. Tiền đây.
Số tiền khá lớn. Thảo hỏi:
– Chi đưa à?
– Phải.
Thảo biết là bạn mình đã có một quyết định dứt khoát về mối tình kéo dài đã khá lâu. Tuấn đã nhận tiền Chi đưa một cách tự nhiên như việc vay mượn, cho nhau giữa những người bạn. Thảo thấy buồn. Anh đã nhìn thấy nó bắt đầu. Anh bảo trợ, anh nâng niu. Và nó đang tàn lụi. Mối tình ấy cũng là nỗi đau và cũng là niềm vui của anh.
– Thảo – Tuấn vẫn ngồi nguyên chỗ cũ, như là bất động từ lúc Chi đi ra khỏi phòng – hai cái quần bò là việc cuối cùng mình nhờ vả cậu.
– Mình khuyên cậu…
– Hai cái quần bò thứ thiệt chứ không phải lời khuyên. Cậu nhờ Huy nó mua cho. Nó thạo.
– Chỉ thế thôi à?
– Mọi việc khác mình lo. Việc lớn nhất là tìm cách đưa thằng Lanh ra khỏi nhà tù.
– Cậu thì vẫn chứng nào tật ấy.
– Mình cồng kềnh và gai góc quá. Cuộc chia tay này là không tránh khỏi.
Giọng Tuấn trầm xuống:
– Dù sao thì cũng thế. Mình có quyền sống cho ra con người. Thằng Lý Thông coi mình như một thứ nông nô. Như bọn mình mà khổ sở, đói rách được sao? Vô lý! ở trong tù mình đã nghĩ nẫu óc ra rồi. Thục nó có lý: đối với mình đây là thời điểm không thể được!
Thảo đi tìm Huy nhưng không thấy. Tại sao anh lại không thể mua cho Tuấn hai cái quần bò. Người bán hàng mừng như bắt được của. Mùa hè, quần bò đang ế. Tuấn chọn hai cái đúng số, màu bạc. Khi trở lại nhà Tuấn không còn ở đó nữa.
……
N.Q.T