7
Tuấn bị bắt vào ngày mười hai tháng giêng. Thảo đang dự một cuộc hội thảo, nghe tin không lấy gì làm lạ. Cũng như tay lái mô tô nào đó vút qua như một tia chớp và chẳng ngạc nhiên khi thấy y ngã sóng xoài trước mặt anh.
Thảo lấy phấn viết lên cửa ra vào hàng chữ 1-12 đóng khung. Giây phút đầu tiên trở về nhà khi nghe tin, Thảo chỉ có thể làm được thế. Sau đó, dùng quan hệ rộng rãi của một nhà văn, anh làm được một số việc khác để đỡ đần gánh nặng cho bạn. Anh tổ chức cho Chi thăm nuôi. Anh tìm một luật sư quen biết. Nhưng mỗi ngày anh thấy mình cựa quậy chỉ là vô ích. Tuấn rơi tõm vào dòng xoáy bí ẩn của cuộc đời.
Họ đang đứng trước hàng chữ đó. Tuấn đã quên xóa hàng chữ kịp thời. Anh vội đè tay trái lên, xóa vội trước mặt Tuấn. Tuấn không nhìn thấy.
Họ đứng thở một chút. Cái cầu thang bê tông vừa hẹp vừa dốc. Những tay vẽ kiểu vẽ nó ra không phải để cho người ta leo lên sau khi đã làm tám tiếng đến kiệt sức ở nhà máy, bến cảng. Hình như anh ta đã nghĩ cách vẽ cái cầu thang thế nào để tiết kiệm diện tích và vật liệu nhất. Có thể anh ta đã được thưởng về thành tích tiết kiệm ấy.
Gió từ cánh đồng phía sau tới làm dịu cơn giận cầu thang của Thảo, cơn giận thường trực như người luôn luôn có hạt sạn trong giầy. Phía xa kia là biển. Cánh đồng mới gặt. Gió mang theo mùi đồng nội không bao giờ lên giá. Niềm an ủi của những tối mất điện này là có trăng. Trăng cũng không phải trả tiền và lên giá, trừ trăng trung thu. Trung thu này một cái bánh dẻo dễ phải lên đến ba bốn ngàn đồng, một phần năm tháng lương – Thảo nghĩ.
Gian phòng trống trơn nếu không có cái giá sách và bàn viết của Thảo, một cái tủ gỗ thông đóng bằng gỗ kiện hàng. Miếng nào cũng có chữ CCCP. Huy giải mã mấy chữ ấy theo quan điểm chợ Trời: Các chú cứ phá. Thảo thắp đèn, lấy chai rượu nếp mới uống một nửa hồi chiều. Hai cái chén nữa. Hồi nãy, qua lối vào khu nhà, Tuấn đã kịp mua được một gói thịt chó luộc. Đèn vàng vọt, cái chụp ít khi được lau.
Tuấn ngả người dựa vào tường, hai chân duỗi thẳng. Tuấn uể oải, mệt mỏi từ hôm về. Như là xương cốt đã biến thành ý nghĩ.
Mùi rượu thơm làm Tuấn rưng rưng. Cuộc đời thực đang sống dần lại. Bố anh nói: “Bốn mươi tuổi tao mới biết uống rượu”. Anh bắt đầu vào quán gọi nước cay ầm ĩ từ thời sinh viên. Ngủ với đàn bà cũng từ thời sinh viên. Hút thuốc lá ngay ngày đầu tiên vào học cấp ba. Buổi tựu trường đứa nào cũng phì phèo. Thời hiện đại. Con hơn cha, nhà có phúc.
Căn phòng cũng là một ân huệ của Thượng đế dành cho ba linh hồn vất vưởng. Thảo ly dị, anh không còn gì hết ngoài tấm thân tốn vải dài lưng. Huy rủ anh đến. Nó là em vợ Thảo. Khi nghe tin anh chị ly dị nó chỉ bình mỗi câu: “Hay nhỉ!”. Không ai biết nó có đồng ý hay không. Cũng không ai có thể định nghĩa Huy là người thế nào. Tốt hay xấu. Lương thiện hay bất lương. Nó bị bắt, được thả. Lại bị bắt, được thả. Ba lần như thế. Cả ba lần đều có công an dẫn về nói hộ với phường: “Nó thất nghiệp, buôn lậu nhì nhằng, không cơm đâu mà giữ nó”. Huy xấp xỉ ba mươi, đi nghĩa vụ ba năm, hai năm ở chốt. Ngày về nhà nó mang một ba lô hoa hồi. Đó là tất cả tài sản của nó. Chỉ sáu tháng sau nó có một cây, rời nhà Huy Thảo ra ở riêng, “hoa hồng” được căn hộ này. Sau khi trả xong tiền nhà thì tay trắng lại hoàn tay trắng. Hôm thì nó giàu như tay buôn cỡ bự, đãi bia anh em và bạn bè mỗi bữa đến nửa chỉ vàng. Hôm sau lại gãi tai xin Tuấn hay Huy Thảo vài trăm mua thuốc lá. Chính Tuấn và Thảo cũng không biết nó ăn uống ở đâu. Lúc họ về nhà đã thấy nó ngủ lăn ra như chết. Họ tỉnh dậy thấy nó biến đi đằng nào rồi. Lần bị bắt đầu tiên là do nó đi xin việc. Nó đến xí nghiệp đóng giày xin làm bảo vệ. Tay trưởng phòng lao động tiền lương vòi một chỉ vàng và một bữa đặc sản. Nó chạy một ngày vẫn không ra tiền. Nó bảo Thảo: “Trước sau thì nó cũng không nhận mình. Em cho nó một bài học”. Huy rủ tay trưởng phòng đi “đặc sản”. Tay kia hí hửng dắt xe đi. Đến vườn hoa, nó quẳng xe xuống đất, cà khịa, chửi bới rồi đánh nhau với tay trưởng phòng. Ai ngờ gặp phải cao thủ. Huy bị một trận nhừ đòn. “Để cho mày biết – tay trưởng phòng nói – tao cũng từ đầu gấu mà lên”. Hai người bị bắt vào đồn. Hai ngày sau được thả. Sau này, Huy kết thân với tay đầu gấu nay là trưởng phòng lao động tiền lương kia. Nó được tay kia giao việc. Bắt đầu chạy hàng, lê la ở các bến cảng, môi trường sống của nó lâu nay. Bây giờ nó đủ tiền để chạy một chân gì đó ở những chỗ thơm tho. Nhưng nó không xin đi làm nữa. Nó sống vất vả nhưng sống được. Và có tự do, điều nó thích nhất. Tuấn có lần hỏi đùa nó: “Huy, mày cho chúng tao ở nhờ mà không sợ mất nhà à?”. Nó đáp: “Các anh giở trò thì em dùng luật rừng tống cổ các anh ra”.
Hai người đang uống thì cánh cửa bật tung. Tuấn giật mình. Người vừa vào là chú công an hộ tịch trẻ măng vẫn bồ bịch với Huy. Cậu ta hỏi Huy. Thảo trả lời là Huy vắng nhà. Anh không nhìn Tuấn để Tuấn khỏi ngượng vì cử chỉ hốt hoảng vừa rồi. Tám tháng chắc cũng đủ để một người như Tuấn giật mình khi nhìn thấy công an.
Họ ngồi nhấp từng ngụm một. Không có Tuấn thì Thảo không uống. Anh không thích uống với Huy. Chênh nhau năm tuổi mà cách uống rượu cũng đã khác nhau nhiều lắm. Nhờ thế mà còn chỗ rượu này. Rượu nếp, nặng, để lâu mà không nhạt đi. Như tình bạn vậy.
Thảo vẫn nghĩ tới chuyện Tuấn đi đãi vàng. Tuấn khó mà tìm được việc hợp sở thích sau khi ở tù ra. Khó quá. Tự do thích thật, nhưng không nuôi sống người. ở tù mãi thì khỏi lo cơm áo, việc làm, sự nghiệp. Tuấn nghĩ về người công an. Anh tưởng tượng đó là một tay trinh sát. Anh ta đến đây có ý nghĩa gì? Nhà khoa học nào cũng biết tưởng tượng. “Không biết tưởng tượng thì làm khoa học thế quái nào được?”. Tuấn vẫn bảo Huy Thảo thế.
Họ vẫn quen ngồi uống với nhau trong im lặng.
Ngày mười hai tháng giêng năm nay, Lanh hốt hoảng đập cửa báo cho Huy Thảo tin Tuấn bị bắt. Thảo rời cuộc hội thảo về nhà ngay. Trưa hôm đó Lanh bị bắt nốt.
Hồi Tuấn bỏ xí nghiệp Thảo chưa ly dị. Huy chưa mua được nhà. Vì vậy Tuấn không thể đến ở chung với Thảo. Chi bàn: “Em sẽ làm nhà”. Nhưng Chi ly dị không xong, không thể làm nhà. Nếu ly dị xong Chi có thể bắt Thục chia một phần tài sản. Một góc thôi cũng quá đủ để làm một cái nhà tử tế. Nhưng hồi đó Tuấn bỗng đổi ý. Tuấn không đồng ý để Chi ly dị với chồng trong hoàn cảnh này. Cả Chi và Thảo đều biết Tuấn không thể chấp nhận việc Chi lót ổ cho mình. Tuấn không muốn phiền ai, kể cả người anh yêu đến chết. Chi buồn, cho Tuấn khách sáo. Nhưng không gì lay chuyển Tuấn nổi.
Tuấn phải trả lại căn phòng ở khu tập thể của xí nghiệp. Ông giám đốc thở phào. Tuấn biến mất có nghĩa là toàn bộ quá khứ về chuyện những cái gioăng sẽ biến mất. Ông vẫn canh cánh bên lòng về chuyện đó. Nếu bọn nhà báo mà biết rõ sự thật thì hại ông quá. Mà chỉ Tuấn là có thẩm quyền nhất để tiết lộ sự thật mà thôi. Ông quên mất một điều hiển nhiên là chính Tuấn đã quên hẳn, quên hoàn toàn về chuyện những cái gioăng ấy. Giá có ai bắt anh kể lại anh cũng không biết thế nào mà lần. Trước mắt Tuấn sau ngày rời xí nghiệp là một loạt khó khăn. Phải có nhà để ở. Có chỗ cho những đồ thí nghiệm tuy không nhiều nhưng khá lủng củng của anh. Tuấn gốc là kỹ sư hóa chất. Đọc nhiều, giỏi Toán và Vật lý, anh muốn vươn ra nhiều thứ khác. Một trong ba sáng kiến của anh đã bị sang tên hoàn toàn là quy trình công nghệ in ốp-xét mầu lên nhựa, mi ca hoặc đá hoa. Kỹ nghệ này ở ta chưa ai biết làm. ở Trung Quốc vẫn có những chiếc cặp trong có tấm nhựa trắng in ảnh của Mao chủ tịch hay một cô gái Thượng Hải, dùng làm quà tặng, bán rộng rãi trên thị trường. Trước Đại hội Đảng của ngành mấy tháng, ông giám đốc đưa cho Tuấn một chiếc cặp như thế. Ông giao cho Tuấn nhiệm vụ nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất thử một ngàn chiếc cặp có in ảnh bên trong để tặng Đại hội ngành. Mọi thiết bị và kinh phí xí nghiệp sẽ cấp rộng rãi. Tuấn đồng ý vì anh chưa bao giờ bỏ lỡ một dịp thuận lợi để đưa những hiểu biết bách khoa của mình vào lĩnh vực sản xuất. Anh cũng nhìn thấy ngay triển vọng của mặt hàng này. Tuấn miệt mài trong hai tháng, không người hướng dẫn, không tài liệu kỹ thuật trực tiếp. Nhưng rồi, với một máy làm nhiệt cao tần, một ngàn chiếc cặp có in ảnh màu đã ra đời. Ông Lý Thông chất một xe về Hà Nội. Đó là quà tặng Đại hội đặc sắc nhất được hâm mộ, trầm trồ. Mọi người nhìn thấy le lói phía sau người giám đốc và xí nghiệp ông ta một sự năng động đáng quý. Ông giám đốc, người lãnh đạo xí nghiệp xuất thân từ công nhân, người có sáng kiến nổi tiếng năm nào trong việc sản xuất gioăng thủy lực nay vẫn giữ được phong độ sáng tạo. Vân vân và vân vân. Sau đó, mọi việc, kể cả Tuấn nữa bị quên lãng.
Lần Tuấn cãi nhau với giám đốc rồi dẫn tới việc rời khỏi xí nghiệp chính là chuyện in ảnh này. Hôm đó, anh lên gặp ông ta yêu cầu xí nghiệp bỏ vốn trang bị dây chuyền sản xuất hàng loạt cặp sách, ví tiền, ảnh chân dung trên đá v.v. để bán rộng rãi, mở rộng mặt hàng hấp dẫn này trên thị trường trong nước. Nhưng con cá to nhất đã chui vào giỏ của ông giám đốc rồi (ông được đại hội ngành bầu vào đảng ủy). Ông giám đốc không còn muốn thả câu nữa. Chiếc máy làm nhiệt cao tần đã được chuyển về một phân xưởng khác. Rồi chết và biến thành sắt vụn ở đó.
Khi còn một thân một mình, Tuấn vẫn không chịu rời bỏ đề tài anh đang làm dở. Chi đưa tiền anh mua hóa chất. Gay go nhất vẫn là chuyện nhà. Thực ra, với cương vị và thế mạnh của mình, Thục dễ dàng xoay cho Tuấn một nơi ở thích hợp. Nhưng đó lại là điều cấm kỵ đối với Tuấn. Cuối cùng, Lanh đến. Lanh là công nhân nguội bậc 5 ở xí nghiệp Tuấn. Trước đây Lanh được giám đốc cử đến giúp Tuấn in ảnh cặp sách. Hai tháng miệt mài với nhau, rồi sau đó cùng chịu thiệt thòi hẩm hiu, họ mới thân nhau. Một tình cảm bền vững chỉ những người sống chết với nhau mới có được.
Lanh đón Tuấn về nhà, dành hẳn cho anh một phòng nhỏ, có sân, đi khóa về mở. Lanh chạy giúp những thứ Tuấn cần. Lanh được việc đến mức Tuấn không cần nhờ Thảo giúp việc lặt vặt nữa. Lanh trẻ hơn Tuấn, năng động và thông thuộc nhiều ngõ ngách. Chuyện gì đối với Lanh cũng đều dễ dàng, ngoại trừ việc đưa đủ tiền lương cho vợ. Nó không có tiền. Nó sống vào quan hệ với bạn bè mọi lứa, mọi thang bậc. Họ giúp đỡ Lanh cũng dễ dàng như nó vẫn thường cởi áo trên người cho họ những ngày rét bất chợt. Đó là một chàng trai nghèo nhưng bạn bè có thể nhờ vả những việc khó khăn nhất. Nhược điểm lớn của Lanh là thiếu suy nghĩ chín chắn. Như người đánh cờ mà không tính nước thứ hai.
Ân nhân mang đến tai họa. Trước khi bị bắt hai hôm, Tuấn đến gặp Huy Thảo. Chàng hiệp sĩ mặc rất diện, sáng sủa hơn hẳn thường ngày. Thảo đùa: “Chắc là Chi đã hâm nóng cậu lên rồi phải không?”. Tuấn cười, mặt sáng choang. Anh đưa cho Thảo xem một miếng phoóc-mi-ca bằng quyển vở. “Đây!” – Tuấn hồn nhiên như nhặt được của. “Của nợ ở đâu ra thế? Cậu cậy mặt bàn lên à?”. Tuấn lắc đầu: “Miếng phoócmica đầu tiên xứ này chứ không phải Nhật Bản sản xuất ra, Thảo ạ. Trên thị trường thế giới mỗi mét vuông giá hai mươi đô la. Giá thành của tớ năm đô la. Có tuyệt không, Thảo?”.
Thảo hiểu chuyện gì đã xẩy ra. Phoócmica với đô la chẳng là cái gì với anh cả. Nhưng anh mừng vì Tuấn đã làm xong một việc. Tuấn đã được giải thoát khỏi việc đó. Như anh giải thoát khỏi một cuốn sách, đến chữ cuối cùng, để lại tất cả, lên chiếc xe đạp khổ đạp một vòng quanh phố. Anh tíu tít quanh Tuấn. Mở rượu ra uống suông. Họ ngồi nói chuyện với nhau đến khuya. Uống vào, Tuấn ăn nói hoạt bát hơn. ảo tưởng rực rỡ hơn. Và ngây thơ hơn. Theo Tuấn, chỉ cần một chiếc máy ép thủy lực cỡ mạnh nữa là kỹ nghệ làm phoócmica Việt Nam sẽ ra đời. Thảo dịu xuống. Anh nghĩ: “Cái máy ấy ở đâu? Kỹ nghệ ấy ở đâu? Đây đâu phải là ý đồ đầu tiên bị chìm lấp dưới đống rác vô trách nhiệm của thời đại?”.
Ngày hôm sau Tuấn bị bắt. Chuyện rất giản đơn: Lanh đã tha về cho Tuấn một cái máy ép nhỏ. Không có máy ép thì đừng có nói gì đến phoócmica. Chiếc máy ép ấy là do một thằng bạn thân (bạn của Lanh bao giờ cũng là bạn thân) tháo trộm của xí nghiệp làm xe đạp, nơi cậu ta làm. Vì mất cái máy mà cả một xí nghiệp đình đốn gần một tháng trời. Công an đến khám nhà Lanh. Tuấn nhận mình là chủ của chiếc máy. Anh đưa tay cho họ.
Nếu vụ án chỉ đóng khung trong những sự việc như thế thì trở nên quá dễ dàng. Nhưng có người nào đó đã vung bàn tay vô hình của mình ra, vô hình nhưng mạnh mẽ. Ông giám đốc xí nghiệp Tuấn làm việc trước đây, người đã gặt hái trọn một mùa gặt do Tuấn gieo vãi trong vụ những tấm gioăng thủy lực, đã tự nguyện cung cấp cho cơ quan điều tra một tập hồ sơ đầy đủ về người kỹ sư “có rất nhiều vấn đề, kể cả những nghi vấn chính trị” – nguyên văn một câu trong bản hồ sơ. Cái nghi vấn chính trị ấy bắt nguồn từ sự việc sau đây. Không lâu lắm trước khi rời xí nghiệp, trong một đại hội công nhân viên chức Tuấn đã viết một bài phát biểu. Anh phê phán giám đốc có nhiều chủ trương không đúng, làm thiệt hại đến sản xuất và lợi ích chung. Nhưng không một ai trong xí nghiệp có điều kiện góp ý với giám đốc. Một vài người thẳng thắn nói ra thì lập tức được nếm mùi trù dập và phải trả giá sòng phẳng cho lời ngay thẳng. Để tạo điều kiện cho những sai lầm như vậy không có thể xẩy ra nữa. Tuấn đề nghị thành lập trong nhà máy một hội đồng phản biện giám đốc. Đề nghị này không phải mới mẻ ở tên gọi mà chính là do chức năng lạ lùng của nó. Nó làm nốt một nửa công việc của hội đồng khoa học kỹ thuật của xí nghiệp để lại. Hội đồng khoa học lâu nay về thực chất chỉ là tổ chức phụ họa, tô vẽ cho sự dốt nát của giám đốc, nói cách khác, giám đốc lấy tiền của xí nghiệp trả cho hội đồng khoa học để hợp pháp hóa sự dốt nát của mình. Vì là kẻ phụ họa, nó bưng tai bịt mắt trước những điều phi lý đầy rẫy. Hội đồng phản biện sẽ làm nốt công việc mà hội đồng khoa học không muốn làm. Đề nghị của Tuấn gây hoảng loạn trong số cán bộ chủ chốt của xí nghiệp. Họ cho đó là một đề nghị gây rối của một kỹ sư bất mãn. Sao lại có thể tồn tại trong xí nghiệp một số người ăn rồi chỉ lo việc bới móc sai lầm của giám đốc? Thực chưa hề thấy ở đâu có một tổ chức như thế bao giờ. Ngay trong đại hội công nhân viên chức lần đó Tuấn được coi như một anh gàn và đề nghị của anh bị bỏ xó, thậm chí không được ghi vào biên bản. Giờ đây, ông giám đốc bới móc nó lên, coi như bằng chứng của một đầu óc thiếu lành mạnh, khả nghi, anh ta muốn thiết lập một tổ chức đối lập trong nhà máy, đối lập với giám đốc, với đảng ủy… thể hiện một ý đồ chính trị xấu. Phải nói là bộ máy của chúng ta rất nhạy cảm và giỏi giang trong những chuyện quy kết, chụp mũ và phê phán như thế này. Tập hồ sơ được chuyển tới cơ quan điều tra và sau đó, Viện kiểm soát đã làm trầm trọng thêm vụ cái máy ép. Tuấn được mô tả như một kỹ sư được Nhà nước đào tạo chu đáo, được tạo mọi điều kiện để phục vụ cách mạng, nhưng vì tư tưởng có vấn đề, vì chạy theo lợi nhuận và sở thích phóng túng cá nhân, tha hóa về mọi mặt, vụ án không thể bó khung trong tội danh đồng lõa với hành động xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa.
Trong thời gian chạy ngược chạy xuôi để gỡ cho bạn mình, Huy Thảo đã cảm thấy, thậm chí có lúc sờ thấy được bàn tay vô hình từ một người có thế lực nào đó đưa ra. Để bảo vệ cậu bạn thân, Lanh và Tuấn đều khai đã mua cái máy ép ở chợ Trời, một điều không ai có thể tin và chấp nhận. Thảo đã gặp đồng chí kiểm sát viên và sau đó viện phó viện kiểm sát quận, thuyết phục họ là, nếu Tuấn được tạm tha, anh sẽ khuyên Tuấn tiết lộ tên người bạn thân của Lanh và lúc đó cuộc điều tra sẽ kết thúc dễ dàng. Hai người này đồng tình và chấp nhận biện pháp đó. Họ nói sẽ thống nhất với tập thể của Viện. Hai hôm sau, họ cho biết đề nghị bị Viện trưởng bác bỏ vì những lý do chính bản thân họ cũng không hiểu nổi. Cuộc xét hỏi được tiếp tục cho đến lúc chính Lanh đã gỡ cho Tuấn. Lanh khai cậu ta mua cái máy của một tay buôn đồ sắt nay đã cùng gia đình vượt biên và chỉ một mình cậu ta chịu trách nhiệm hình sự về chiếc máy đó. Rằng cậu ta khiêng cái máy về nhà mấy tháng rồi Tuấn mới đến ở nhờ và Tuấn vẫn tưởng rằng chiếc máy là của Lanh. Thảo và một người hàng xóm đã làm chứng cho sự thật dối trá đó. Sợi xích giam giữ Tuấn bị đứt nhờ tình tiết hợp lý này. Tuấn được lệnh tạm tha. Nhưng anh đã bị giữ hơn tám tháng và ra tù với tư cách ngoại cứu.
Trước đó Tuấn chỉ mơ màng một nền kỹ nghệ làm phoócmica chứ không nghĩ đến một cái gì khác. Tuấn chưa hề một lần nào bàn với Huy Thảo chuyện kiếm tiền dù cả hai đều nghèo rớt mùng tơi. Chưa hề nói đến chuyện đi đãi vàng để làm giàu như hôm nay.
– Các anh chưa ngủ à?
Từ ngoài cửa Huy kêu to. Nó bao giờ cũng ồn ào. Huy bước vào với chiếc Jean may thật khớp với cặp giò rắn chắc, đẹp. Hàng râu con kiến trên mép. Phải mất ba tháng Thảo mới hết khó chịu với hàng râu ấy. Bây giờ anh đã thấy quen quen. Anh còn nghĩ, giá Tuấn có một hàng ria như thế thì Tuấn trông còn bảnh hơn Huy nhiều. Mùi bia, mùi thuốc lá thơm, mùi mồ hôi và cả mùi mạo hiểm, phiêu lưu của giới buôn lậu hay thủy thủ. Mạnh mẽ, quyết đoán và bạo liệt có thừa. Huy chưa hề là thủy thủ. Nó kiếm ăn giữa giới thủy thủ viễn dương. Cảng chính, cảng phụ dọc sông úc, đó là môi trường của nó. Nó ham làm giàu vì bao giờ cũng trắng tay.
– Ngồi xuống đây – Thảo nói, rút hú họa một đồng năm trăm mới cứng – Để tao mua thêm lạc rang. Có gói cầy luộc bọn tao chén hết rồi.
– Khỏi cần anh. Em có cái này – Huy kéo từ trong đống đồ đạc ra một hộp thịt – Cây nhà lá vườn đây. Nhân dịp anh Tuấn về mà chỉ thế này thì suông tình quá.
Thật ra đêm hôm qua Huy đã dựng Tuấn dậy và ba anh em nốc cạn một can bia năm lít rồi.
– Mày làm được thịt hộp bao giờ đó Huy? – Tuấn hỏi.
– à, chuyện còn dài.
– Của Hương đấy – Thảo nói.
– Hương cá hộp à? – Tuấn hỏi.
– Đúng thế.
Tuấn ngồi dậy. Anh nhớ một đêm biểu diễn văn nghệ liên hoan các đội nghiệp dư năm nào, xa lắm. Hương xuất hiện trên sân khấu trong bộ đồ bảo hộ lao động may cho diễn viên, được cách điệu rất nhiều. Tay Hương cầm micrô, thỉnh thoảng lại hất nhẹ đầu về phía trái vì mấy sợi tóc cứ phủ xuống mắt. Hương hát một bài hát nào đó Tuấn không nhớ nữa. Tiếng vỗ tay vang rền cả rạp hát to rộng chứa gần một ngàn người. Giọng ca hay, thân hình tuyệt đẹp trong bộ quần áo bảo hộ đã chinh phục khán giả và ban giám khảo. Tuấn thấy Thục tái mặt đi. Thục ngồi cạnh anh, bên phải anh là Thảo. Tuấn cảm nhận được một làn sóng ngầm mãnh liệt đang trào lên trong lòng Thục. Anh cầm lấy tay Tuấn như tìm một chỗ dựa. Lúc ra về, Thục cứ nài hai người ở nán thêm, đợi ở cửa rạp hát. Thục chờ Hương. Anh gặp được Hương, nói với Hương vài câu Tuấn không nghe rõ. Ba hôm sau, Thục nói với Tuấn: “Tớ đổ vì cô bé ca sĩ nhà máy đồ hộp mất rồi. Tớ đang điên đây!”. Dạo đó Thục đang làm thư ký riêng cho ông lớn nọ. Tuấn và Thảo xa dần anh ra và họ không quan tâm đến chuyện Thục đổ vì cô bé nhà máy cá hộp như thế nào. Dạo đó Chi cũng chưa chuyển về công tác ở thành phố. Cho đến lúc Thục trở thành giám đốc và đeo đuổi Chi thì Tuấn đã hoàn toàn quên bẵng cô gái ca sĩ nghiệp dư của nhà máy đồ hộp. Chỉ còn lại cảm giác bàng hoàng vì một giọng hát, một duyên sắc đã tan biến vào quá khứ, đang sống lại trong anh. Thảo nói:
– Hương nó đang say mê thằng Huy như một cô nô lệ trung thành.
– Tao chúc mừng mày – Tuấn nâng cái chén còn ít rượu – Tao biết có những thằng còn mạnh hơn mày mà chỉ được nó cho leo cây thôi. Mày cưới nó chứ?
– Còn lâu – Huy thoăn thoắt mở hộp thịt bằng một lá thép nhỏ tự làm lấy.
Miếng nắp hộp bật ra láng một lớp mỡ vàng hươm.
– Rót rượu cho em đi – Huy nói – em sẽ không lấy ca sĩ, và những cô ăn cắp sản phẩm nhà máy cho người tình. Chôm đồ nhà cho trai là một tật xấu.
– Mày phũ thế – Thảo nói – tao thấy giá trị duy nhất của mày là được một cô bé nổi tiếng như con Hương nó yêu. Nó có thể trở thành mệnh phụ mà lại đi yêu một thằng thất nghiệp dở.
– Cứ ăn hết hộp thịt cái đã. Yêu đương với cưới hỏi đình lại, để về sau.
– Khốn nạn – Thảo nói. Anh biết Huy không bao giờ giận ai vì những câu nói thẳng thắn. Nó chỉ ghét lối ăn nói quanh co, dựa hơi nồi chão.
– Cũng khốn nạn tí chút. Nhưng em vẫn thương nó như thương con Huệ nhà mình.
Huệ là em út của Huy và vợ Thảo.
– Mày ngủ với nó rồi phải không? – Tuấn hỏi, anh phải cố gắng lắm mới dùng lại ngôn ngữ anh vẫn thường nói trong tù.
– Anh mát rồi, anh Tuấn ơi. Không ai hỏi thanh niên thời đại câu đó đâu. Chẳng là cái quái gì cả chuyện đó. – Huy đặt hộp thịt đã mở xuống chiếu.
– Nếu mày đã ngủ với nó rồi thì phải lấy nó. – Tuấn dồn.
– Uống đi các anh – Huy lảng.
– Đừng coi cái Hương như đồ chơi, Huy ạ.
– Sao anh đàn bà thế, anh Tuấn. Đàn bà mới hay nói chuyện cưới xin. Hễ cứ đụng vào bọn họ là y như đòi cưới.
– Thôi chuyện đó – Tuấn nói – mày có đi đãi vàng với tao không Huy?
– Đãi vàng à? – Huy mừng rỡ vì thoát được một pha gay cấn – Em đã từng đi đãi vàng, nói chung thì kiếm được. Nhưng sau em nghiệm ra là việc đó không phải dành cho người có đầu óc.
– Tao cũng biết thế. Nhưng cái đầu của tao không biết dùng để làm gì nữa. Vì thế tao phải dùng đến tay chân. Chó má thế.
– Nhưng anh đi đãi vàng để làm gì? – Huy đột ngột hỏi.
– Việc ấy rất đẹp cho những thằng ở tù ra. Vả lại tao muốn có tiền. Tao cần tiền. Không nhà, không cửa, không hộ khẩu thường trú, trong tay chỉ có mảnh giấy tạm tha, thì phải có tiền bù vào những thứ đó.
– Đừng chua chát thế, Tuấn. Còn có bạn bè và tình yêu.
Huy trầm ngâm:
– Không được đâu, anh Tuấn à. Đãi cát lấy vàng, đâu có dễ thế. Mà là máu, anh Tuấn.
Nó vuốt tay áo lên, lộ một cái sẹo dài. Gân thịt bám vào cánh tay như một con sâu trắng, kỷ niệm của vàng.
– Sao anh không đãi vàng ngay trên đường phố? – Huy hỏi.
– Máu chảy trên đường phố thì hãi lắm. – Tuấn nói.
– Vàng có khắp nơi – Huy nói – Bóp họng người khác là ra vàng. Hèn mạt, phản trắc, lừa lọc, ngậm miệng lại như hến cũng ra vàng. Vàng ở khắp nơi, anh Tuấn.
Huy đưa tay xem đồng hồ. Nó uống cạn chén rượu:
– Em phải đi đây.
– Vội gì, đang vui – Thảo nói.
– Cái số em bao giờ cũng phải bỏ cuộc vui nửa chừng. Em đi nhé.
Huy đứng dậy. Tuấn đứng lên theo.
– Tôi đi với chú có được không?
– Cả anh nữa – Thảo nói với Huy – ra phố giờ này cũng hay.
Huy cầm cái mũ Lewis móc trên tường.
– Các anh đi làm gì? Tìm cảm giác lạ hẳn? – Huy nói, vẻ bất cần. – Cũng chẳng sao.
– Ta muốn xem mày đãi vàng trên đường phố – Tuấn nói.
– Thì đi.
Cả ba xuống đường. Huy đập cửa vào quán bia Hướng Dương, nơi nó gửi chiếc 67. Tuấn và Thảo ngồi lên yên sau. Xe nổ máy.
N.Q.T