Trung tâm LĐXH Gia Minh – Ngôi nhà thắp lửa yêu thương – Ghi chép của Thanh An

 

Một ngày cuối xuân đẹp trời, trong đội hình Hội Nhà văn Hải Phòng, chúng tôi đến thăm Trung tâm Lao động xã hội Gia Minh, Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Từ đầu quốc lộ 10 rẽ vào, con đường dẫn đến Trung tâm đang được mở rộng. Vẫn đang tiết xuân nên cây cối đâm chồi nảy lộc xanh mướt mát. Sinh ra và lớn lên trên đất Thủy Nguyên nhưng đây là lần đầu tiên tôi đến nơi đây. Dưới sự hướng dẫn của cán bộ Phòng tuyên truyền – giáo dục trung tâm, chúng tôi lần lượt đi thăm những khu vườn rau, vườn hoa, cây cảnh, vườn thú, khu y tế… Ít ai có thể nghĩ đây là “Trại cai nghiện”. Bởi một không gian rộng mênh mông 74 ha, không có miếng đất nào bỏ trống. Tất cả đều được phủ một màu xanh huyền thoại. Cây có hoa thì trổ hoa rực rỡ, cây có quả thì quả trĩu cành. Vườn rau cúc, rau ngót đang mơn mởn; cây hoa ban Tây Bắc nở hoa trắng muốt, cây mai vàng miền Nam vẫn còn khoe sắc giữa trời xuân… làm ai cũng trầm trồ thích thú. Đây đó tiếng nhạc du dương theo bước chúng tôi. Hóa ra mỗi gốc cây đều có một chú cóc sứ phát ra tiếng nhạc. Khu chăn nuôi lợn, dê, bò, cá… những chú dê vểnh tai khi nghe thấy tiếng nói cười của đoàn người, những chú lợn rừng đen trũi leo lên vách núi nhanh như sóc, chú khỉ vui tính, chú vẹt biết nói tiếng người chào khách, chào khách rộn rã… Quang cảnh cứ như một công viên hay một vườn bách thú thơ mộng.
Cảnh đẹp, không khí trong lành như một khu sinh thái đã đánh tan ý nghĩ ban đầu của những ai trót ngộ nhận về “Trại cai nghiện”. Là người Thủy Nguyên nên tôi hiểu rõ Gia Minh vốn là vùng đất hoang sỏi đá khô cằn, đầm lầy, chua mặn chỉ với lau sậy, sú vẹt cùng muỗi dĩn… Khi xây dựng Trung tâm, sóng Bạch Đằng vẫn ngày đêm vỗ vào vách núi. Cải tạo và đánh thức tiềm năng của nơi đây là một kỳ công. Giống như trồng hoa trên sa mạc, cán bộ trại đã giáo dục, cải tạo “những ma quỷ” thành con người. Họ đã gieo hạt sống trên đất chết. Tôi không biết dùng lời nào để nói về họ, bởi tất cả những lời ngợi khen thông thường e rằng không xứng với công sức của họ.
Cái khó nhất chính là cải tạo con người. Những học viên – nói là học viên cho lịch sự, bởi chỉ khi gia đình, cộng đồng hoàn toàn bất lực “hết thuốc chữa”, họ mới được đưa vào trại và hầu như không có một ai tự nguyện tới cai nghiện. Trước khi tới Trung tâm, họ không chỉ là con bệnh nghiện hê-rô-in, ma túy tổng hợp… mà họ còn là những người hư hỏng về nhân cách. Vì nghiện ma túy mà dẫn tới các hành vi xấu: trộm cắp, đánh nhau, gây mất trật tự công cộng, ngược đãi cha mẹ, vợ con… Không biết bao gia đình tan nát vì có người nghiện, tất cả của cải, mọi thứ trong nhà đều “đội nón” ra đi, nhà hết thì sang hàng xóm. Họ không còn lòng tự trọng, cơn nghiện lên không có tiền mua thuốc là xin, không xin được thì trộm cướp… Họ tự biến mình thành ma quỷ. Họ hành sự trong hoang tưởng… Vì thế họ là đối tượng vô cùng nguy hiểm cho cộng đồng xã hội.
Trung tâm lúc nào cũng có hàng nghìn người cai nghiện, không chỉ là người Việt, cả người nước ngoài; không phải chỉ có con cái dân thường, cả con cán bộ, thậm chí con em cán bộ có quyền chức cao. Ai chưa đến cứ tưởng Trung tâm phải được bảo vệ bằng hàng rào trong ngoài chắc chắn. Nhưng điều kì diệu chính là ở đây không hàng rào, chỉ có sự bao bọc của tình thương…
Chúng tôi nghe câu chuyện của những người làm công tác quản lý giáo dục nơi đây mà ngỡ như một câu chuyện cổ tích. Chỉ có thể là tấm lòng nhân ái, tình thương thực sự chân thành và sự kiên trì, lòng dũng cảm, bản lĩnh kiên cường mới có thể làm thay đổi được mọi thứ nơi đây. Tôi biết họ đã phải đổ nhiều mồ hôi, cả máu và nước mắt… hy sinh, cống hiến để đổi lấy một chút bình yên. Cái khó nhất không phải là chiến đấu trực tiếp với kẻ thù ngoài chiến trận mà chính là chiến đấu làm thay đổi tư tưởng của những con người lầm lạc và đôi khi chính lại là ở chỗ làm sao thống nhất được nhận thức của cộng đồng về ý nghĩa, mục đích, cách thức công việc họ đang làm.
Khó khăn, vất vả là vậy nhưng họ đã làm được. Những con nghiện từng ngày từng giờ thay đổi. Từ cứng rắn đến mềm dẻo, họ cứ lay dần, lay dần và nhổ ra những gai góc trong những cái xác không hồn, đưa họ trở về là con người bằng da, bằng thịt, có tâm hồn, có trái tim. Họ hiểu ra muốn sống thì phải làm gì? Bàn tay họ vun trồng để cây cối đơm hoa kết trái, từ đó trái tim họ nảy mầm yêu thương tự cất lên tiếng hát. Có nơi đâu như Trung tâm LĐXH Gia Minh – thầy trò tự cung, tự cấp, thưởng thức sản phẩm từ chính bàn tay lao động của mình làm ra: rau trên vườn, cá dưới ao… Nơi đây có lớp học nghề gốm, nghề sửa xe ô tô, nghề mộc, nghề may mặc…, những vườn lan nghĩa tình, chợ tình thương… Trên đỉnh núi cao là bức tượng Phật A Di Đà để mỗi sáng dậy, mọi học viên nhìn lên mà sám hối. Bao bọc xung quanh những người lầm lỗi là cả một không gian văn hóa lành mạnh, không gian của tình người tốt đẹp, tình mẹ – tình cha – tình anh em – tình đồng loại… Nơi họ nhìn ra là một khung trời ấm áp, xanh màu xanh hy vọng. Trung tâm cai nghiện đâu phải là nhà tù tăm tối mà nơi thắp lên ánh sáng cuối đường hầm.
Tôi cảm động rơi nước mắt khi thấy các học viên họ kính cẩn cúi chào, có người hăng say luyện tập, người miệt mài nhổ cỏ trồng rau… Ai cũng có lúc mắc sai lầm, nhưng điều quan trọng là phải biết sữa chữa. Và phải có một nơi thật kiên quyết và thật tin yêu để họ hiểu ra lẽ phải. Không gì là không thể – họ đang rèn luyện để làm người và bắt đầu hiểu được giá trị của mình. Có một nơi giúp họ chào đời đó là bệnh viện phụ sản. Và có một nơi tái sinh ra họ chính là Trung tâm LĐXH Gia Minh.
Một trong những bữa cơm ngon nhất trong đời tôi, có lẽ chính là bữa cơm trong Trung tâm. Chúng tôi đang sử dụng những sản phẩm do những người cai nghiện làm ra. Ăn miếng cơm mà lòng thấy rưng rưng… Có rất nhiều các nguyên thủ của quốc gia, và các quan khách nước ngoài, các cấp ngành trong thành phố… đến thăm nơi đây. Chắc chắn mô hình tích cực của TT GD, LĐXH Gia Minh sẽ được đánh giá, nhân rộng. Nhưng Trung tâm cũng rất cần sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ hơn nữa của các tổ chức doanh nghiệp, các nhà hảo tâm.. .
Chúng tôi rời Trung tâm giữa lúc trời chiều bắt đầu hửng nắng, gió thoảng đưa hương hoa khắp không gian. Lòng tôi vô cùng cảm kích, khâm phục đội ngũ cán bộ nơi đây. Tôi nghĩ đây chính là ngôi nhà thắp lửa yêu thương. Cảm ơn BCH Hội Nhà văn Hải Phòng, Ban Giám đốc Trung tâm Giáo dục – Lao động xã hội Gia Minh đã tạo điều kiện cho chuyến đi bổ ích và ý nghĩa này!

Hải Phòng, ngày 15/3/2019
T.A

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder