Ngọt lành như sắc mùa xuân – Trần Thị Hoài Phương


Trước cửa ngõ Mùa Xuân Bính Thân 2016, nhà thơ Kim Chuông vừa cho ra mắt bạn bè tập thơ “Những bài thơ mùa xuân”. Ngay từ khi ra mắt, tập thơ đã gây được sự chú ý của bạn đọc.

Vanhaiphong.com trân trọng giới thiệu cũng bạn đọc bài viết “Ngọt lành như sắc mùa xuân” của tác giả Trần Thị Hoài Phương.

Trước cửa ngõ Mùa Xuân Bính Thân 2016, nhà thơ Kim Chuông vừa cho ra mắt bạn bè tập thơ “Những bài thơ mùa xuân”. Ngay từ khi ra mắt, tập thơ đã gây được sự chú ý của bạn đọc.

Vanhaiphong.com trân trọng giới thiệu cũng bạn đọc bài viết “Ngọt lành như sắc mùa xuân” của tác giả Trần Thị Hoài Phương.

Trong cuốn Sổ tay Văn học của tôi từng lưu lại câu thơ tâm huyết của Kim Chuông, như một tuyên ngôn khiêm nhường của thi sĩ:

“Có câu thơ mở miệng để ngân nga

Tôi thích đọc những câu thơ để cho mình mở mắt

Câu thơ tôi thích và lưu lại trên đây, là thơ của một nhà thơ, một người thầy từng dìu dắt Bùi Thị Biên Linh, cô giáo của tôi, từng dạy tôi hơn chục năm về trước. Bùi Thị Biên Linh là tác giả tập thơ “Ý nghĩ ban mai” – NXB Hội Nhà văn 2015. Bùi Thị Biên Linh sớm có năng khiếu sáng tác văn học, nhiều năm đi qua các Trại sáng tác Văn học của Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình từ những năm 70 của thế kỷ trước.

Là học trò của cô Biên Linh rồi trở về trường, thành đồng nghiệp gắn bó với cô trong sự nghiệp giáo dục, hôm nay bỗng dưng được cầm trên tay tập thơ “Những bài thơ mùa xuân của Kim Chuông, tôi cứ ngờ ngợ điều gì đó đã quen thuộc từ lâu. Thì ra, tôi đã từng “gặp” Kim Chuông ở một nẻo đường nào đó của văn chương! Để rồi, khi được đọc tập thơ này, tôi dần mường tượng ra hình ảnh một người thầy tận tâm, một nghệ sĩ đa tài. Một Kim Chuông với tư cách thi sĩ của những vần thơ dễ đa mang, mê đắm…

Trước cửa ngõ xuân Bính Thân (2016) đang dần mở ra, trong tôi càng có cớ để háo hức đón nhận những bài thơ mùa xuân của thi sĩ Kim Chuông, một tập thơ vừa ra mắt bạn đọc.

Mùa xuân! Một chủ đề không mới, nhưng cũng chẳng cũ với những ai trân trọng, nâng niu vẻ đẹp thiên nhiên, cuộc sống này. Biết thế, nhưng tôi cũng không khỏi ngạc nhiên khi cảm xúc về mùa xuân của Kim Chuông luôn ứa tràn, đến lạ. Bởi, mùa xuân đẹp. Viết về mùa xuân thật khó. Rất hiếm những thi sĩ viết nhiều về mùa xuân như cái “kênh” mang một “đặc sản” riêng như vậy. Thế mà, ở “Những bài thơ mùa xuân,” Kim Chuông có tới hơn ba chục bài thơ xuân mà bài nào cũng có thần thái và những phát hiện mới mẻ. Có phải, mùa xuân không lặp lại mình, hay Kim Chuông, với hồn thơ sung mãn, tài hoa cứ tuôn trào nên những vần thơ xuân đặc sắc đến vậy?

Ở “Những bài thơ mùa xuân,” với ba mảng kết cấu của tập sách, phần Hai, với tiêu đề “Ở phía mùa xuân” Kim Chuông mở rộng cảm hứng, mở rộng biên độ tiếp nhận và khám phá. Người viết bộc lộ sức tung hoành như một sở trường của “Kim ChuôngNhà thơ – Lục bát – Tình yêu.” Những câu thơ hay đã làm nên điểm sáng ở năng lực “điển hình hóa,” “cá thể hóa” ở cảm xúc tinh tế, ở sự đột biến, bất ngờ của hình ảnh, hình tượng. Trong cái đa dạng, phong phú ấy, nếu “Ở phía mùa xuân” cái hay ở sức “văng xa,” sức “động” thì ở “Những bài thơ mùa xuân” trước đối tượng và đối thoại ngỡ như bất biến, Kim Chuông đã làm nên thành công ở cái biến, cái không trật tự mà hội tụ, phát sáng trong vòng xoay đồng tâm qua trực giác : “Mùa xuân!”

Quả tình, viết về mùa xuân, người đọc luôn bắt gặp Kim Chuông một cảm giác thật tươi non, trong trẻo. Một  hồn thơ luôn vang động, trẻ trung. Một cách nhìn với những hình ảnh được ví von, liên tưởng luôn lung linh, xao động:

Vẫn trời/  Vẫn đất/  Vẫn mây

Sớm nay thức dậy, ô này – Đã xuân!

Rồi :

Trời như là mới một lần

Non như đứa trẻ đứng gần bên

Đất vừa như mới sinh ra

Xanh như hạt biếc đêm qua ai trồng”

(Xuân sang)

Vẫn là trời đất ấy, song phải có con mắt tinh tế và nhạy cảm với những gì đối thoại, nhà thơ mới có được những cảm nhận, những thi liệu, thi ảnh được đồng hiện từ tâm hồn yêu say như thế. Dễ thấy, thơ Kim Chuông có chiều sâu nhận thức và triết lí. Đằng sau những vần thơ xuân say đắm kia là cả một trời suy tư. Thơ không chỉ chuyển tải cảm xúc của thi sĩ mà còn là nơi gửi gắm biết bao thông điệp cuộc sống. Phải chăng, vì thế mà Kim Chuông chờ đợi mùa xuân cũng là cái cớ. Chờ xuân đến hay chờ đợi và tìm gặp một cái tôi chính mình đang ẩn náu nơi sâu khuất con tim?

Mùa xuân bắt đầu từ đâu? Từ sắc nắng trở nên hồng hơn, hay sắc mây, hay từ sự đổi thay của đất trời? Thực ra, cùng với mùa xuân, cái gốc rễ hệ trọng phải là mùa xuân được mở ra từ thẳm sâu nơi mỗi hồn người. Và, Kim Chuông đã khai thác nguồn chảy này từ ý thức khai sáng:

“Mùa xuân ở giọt nắng hồng

Ở cây, ở sắc mây bồng bềnh trôi

Lẽ thường xuân của đất trời

Đâu mùa xuân tự lòng người bước ra?”

(Mùa xuân I)

: Mình tìm mình dọc đường xa

Dễ chi mình gặp mình mà xuân ơi…

Mùa xuân quả thật kì diệu. Với Kim Chuông, mùa xuân luôn mang đến những gì tươi nguyên nhất, tràn trề nhựa sống nhất. Nếu không có một tâm hồn rộng mở, tha thiết với cuộc đời thì làm sao có những câu thơ như thế?

Ta cũng gặp bóng dáng mùa xuân với những nét đặc trưng của làng quê xứ Bắc trong thơ Kim Chuông. Đó là những mùa xuân với tiết trời se lạnh, với cơn mưa xuân rây bụi, lặng thầm. Những hình ảnh mộc mạc, dân dã, gợi nhớ về một mùa xuân nào đó trong thơ xưa của nữ thi sĩ đồng quê Anh Thơ với:

Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng

Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi

Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng

Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời

(Chiều xuân- Anh Thơ)

Kim Chuông cũng đưa ta về cái thế giới thuần khiết, trong trẻo ấy của làng quê, của năm tháng – xuân này:

“Con sông lặng lẽ đầu làng

Dắt cây lúa dựng phím đàn lên mây

Thuyền ai ngủ dưới bóng ngày

Đồng bao la mấy bóng cây ngồi thiền”

(Gặp ở xuân quê)

Đi hết những mùa xuân quê, Kim Chuông đưa ta đến một không gian rất mới, rất hiện đại với những ý thơ lạ, câu thơ phá cách. Đó là kiểu nghệ thuật cú tự, tiết tấu được tách, ngắt và hình ảnh thơ qua bài thơ “Hai phía mùa xuân”:

“Nghìn lễ cưới thiên nhiên đi trên đất

Cây tách mầm. Cành bật dậy sắc hoa…”

Rồi : Mọi tồn tại đi qua hai phía

Nơi chính mình và nơi:

Phía không ta!

Đó là những câu thơ đầy chiêm nghiệm và triết lí của Kim Chuông. Mùa xuân với tình yêu đôi lứa, với trái tim đa tình của thi sĩ luôn quyện hòa, xao động:

“Chúng mình hò hẹn đi em

cái cây mưa nắng trồng trên đất trồng

mỗi năm gió mặn, mưa nồng

lòng ta thêm giọt đọng cùng buồn vui”

(Xuân hai ta)

hay:

“Mùa xuân làm một bước mà

một ta bước nữa sẽ là bước đôi”

(Xuân này- Với em)

Tình yêu ấy nhờ mùa xuân tưới mát tâm hồn nên cứ trẻ mãi:

“Mùa xuân trẻ mãi không già

Hai ta trẻ mãi bởi là: Có nhau”

(Xuân hai ta)

Trong thơ Kim Chuông thường thấp thoáng những người thiếu nữ, một “cô em” nào đó. Cô em ấy lại trẻ trung, duyên dáng:

“Gặp em đi lễ hội chùa

mưa bay lấm tấm gọi mùa xuân đi

trời non như gái đương thì

em non đến thế cũng vì xuân chăng?”

(Xuân này- Với em)

Cũng vì yêu mùa xuân nên trong thơ ông, mùa xuân hiện lên như một sinh thể có hồn. Nhà thơ gọi mùa xuân là “Người” với những trải nghiệm sâu sắc. Có điều, một tự thức của thi nhân trước muôn đời, “mùa xuân vẫn thế.” Nhưng, cái chiều sâu của suy tư, cái dễ bâng khuâng, se lòng khi ngước nhìn quanh mình với bao nhiêu “cái biến” trước dòng chảy “vô thường” :

“Mùa xuân- mùa xuân ơi!

dòng đời bao biến cải

cánh buồm nào xa khơi

bến nào chìm khuất mãi

giọt mưa nào cuối bãi

giờ gặp mặt trời hồng

ai dã tràng se cát

để đứng nhìn tay không ?”

(Có muôn đời mùa xuân)

Câu thơ của Kim Chuông đã nói hộ tâm tư biết bao người trong cõi nhân sinh này. Biết bao người từng hân hoan đón chào xuân nhưng vẫn không giấu được chút tiếc nuối khi “tuổi theo mùa đi mãi”? Phải chăng, là thi sĩ thì nhạy cảm hơn với thời gian? Xuân Diệu cũng từng trăn trở đó sao?

“Xuân đương tới, cũng là xuân đương qua

Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già

Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất”

(Vội vàng- Xuân Diệu)

Quả vậy, Kim Chuông cũng không nằm ngoài quy luật đó. Nhưng, cái đáng nói  ở Kim Chuông là không hề thở than, không quá bi ai trước cuộc đời dâu bể. Nhà thơ vẫn một lòng giành trọn lòng yêu với mùa xuân và cuộc đời này, vẫn tinh tế qua những phát hiện thú vị về mùa xuân. Và, nàng xuân trong thơ Kim Chuông như một người thiếu nữ trẻ  trung, duyên dáng. Nàng cất bước tới đâu, đất trời như được lây cùng nàng cái yêu kiều, diễm lệ ấy.

Và, đây là, với thiên nhiên:

“Lần theo từng bước xuân đi

Ngàn cây vào tuổi dậy thì cành non

Mưa bay làm dậy thì vườn

Nắng tơ làm dậy thì nguồn sông xa”

(Vào xuân)

Với bóng dáng mẹ già, thì :

“Xế chiều vào tuổi mẹ ta

Con tim thêm giọt nắng và gió đông”

(Vào xuân)

Còn với tuổi trẻ, còn gì tuyệt vời hơn khi được đến cùng xuân:

“ Em đang mười sáu tuổi hồng

Nhìn mây cưới vợ, gả chồng mà mơ

Bãi dài chạm sắc non tơ

Hồn người chạm ngõ đôi bờ xuân sang”

(Vào xuân)

Hồn thơ Kim Chuông luôn rộng mở để đón nhận những vẻ đẹp mùa xuân mang lại hay chính tâm hồn thi sĩ đã biến cảnh vật trở nên xuân sắc hơn? Có lẽ cả hai. Khó có thể đoán biết tuổi nhà thơ khi viết những dòng thơ xuân ấy. Mà tuổi có hề chi khi chính lòng thi nhân không tuổi? Bao mùa xuân đã trôi qua, Kim Chuông vẫn vẹn nguyên tình yêu giành cho cuộc sống. Phải chăng, đó cũng là điều quý nhất mà chúng ta cảm nhận được ở thi sĩ. Dẫu rằng, trong dòng đời xô đẩy, không tránh khỏi những ưu tư, muộn phiền. Bởi, đời mỗi chúng ta, là…mấy-mùa-xuân?

Vâng. Tôi đọc và cảm nhận ở “Những bài thơ mùa xuân” của Kim Chuông những vần thơ thật da diết, mát trong và ngọt lành như sắc mùa xuân vậy.

Phước Long – Cuối năm 2015

T.T.H.P

Liên hệ: Trần Thị Hoài Phương
Giáo viên Ngữ văn Trường THPT Phước Bình
Thị xã Phước Long, Tỉnh Bình Phước
ĐT: 0986325181
Email: hoaiphuong9485@gmail.com

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder