NGƯỢC DÒNG KÝ ỨC (2) – Ghi chép của Lê Xuân Tường

Mời bạn đọc theo dõi phần 2 bản ghi chép NGƯỢC DÒNG KÍ ỨC (sẽ đăng hai số một tuần)  để cùng cảm nhận một cách chân thực nhất về chiến tranh. VHP không cắt bớt các chi tiết với hi vọng biết đâu có bạn lại tìm được tung tích của một người thân mà mấy chục năm qua không biết sống hay đã chết ở nơi đâu, như trường hợp một tiểu đoàn lính sinh viên hi sinh ở giữa miền rừng rú đầm lầy rồi bị bỏ quên mấy chục năm, chỉ có một ngôi miếu nhỏ của nông dân bản địa thờ các anh “THÀNH HOÀNG ĐỘI MŨ CỐI” với tên gọi là MIẾU BẮC BỎ (thờ những người miền Bắc bỏ mạng và cũng bị bỏ quên) – Truyện này VHP mới đăng nửa tháng trước đây…

Mời bạn đọc theo dõi phần 2 bản ghi chép NGƯỢC DÒNG KÍ ỨC (sẽ đăng hai số một tuần)  để cùng cảm nhận một cách chân thực nhất về chiến tranh. VHP không cắt bớt các chi tiết với hi vọng biết đâu có bạn lại tìm được tung tích của một người thân mà mấy chục năm qua không biết sống hay đã chết ở nơi đâu, như trường hợp một tiểu đoàn lính sinh viên hi sinh ở giữa miền rừng rú đầm lầy rồi bị bỏ quên mấy chục năm, chỉ có một ngôi miếu nhỏ của nông dân bản địa thờ các anh “THÀNH HOÀNG ĐỘI MŨ CỐI” với tên gọi là MIẾU BẮC BỎ (thờ những người miền Bắc bỏ mạng và cũng bị bỏ quên) – Truyện này VHP mới đăng nửa tháng trước đây…

Lên đường

Ngày đó đã đến, khoảng hai giờ chiều đơn vị báo động di chuyển. Cả đại đội tập trung trước sân để phổ biến lệnh hành quân. Phía ngoài hàng rào, lố nhố những gia đình bộ đội với xe cộ lỉnh kỉnh thấp thỏm chờ đợi. Đại đội trưởng yêu cầu một số anh em có tên trong danh sách đứng ra khỏi hàng. Về sau mới biết trong số này có những người được giữ lại làm khung cho đơn vị mới, một số làm công tác khác. Trước đó gần một tháng đã có một số anh em được gọi sang Bộ tư lệnh thông tin và Bộ tư lệnh hải quân – tiểu đội tôi có anh Tuệ ở K12 Xây dựng, anh Châu ở K12 Cảng và anh Ba giáo viên thông gió. Dưới cái nắng tháng bảy gay gắt, cả đại đội lên đường theo hàng một, không ai nói một lời, tất cả hình như chung một tâm trạng của người ra đi không biết bao giờ trở lại. Những anh em có gia đình đi theo được đi phía ngoài hàng cùng người nhà. Những chiếc xe đạp đã trở thành xe chở ba-lô cho những anh em đuối sức.

Khu vực tập kết của sư đoàn tại xã Quyết Tiến (?), những căn lều dã chiến được dựng dưới tán rừng thông và bạch đàn. Đây là nơi phát quân trang đi B. Ngoài những thứ như ba-lô, mũ cối, màn đã có khi nhập ngũ, ở đây chúng tôi được cấp phát: hai bộ Tô Châu mới, hai quần lót, hai áo cộc tay, một áo ấm đông xuân cộc tay, hai khăn mặt, hai mảnh gỗ nhỏ có tráng lân tinh để đi đêm, một bình tông, một xanh-tuya-rông, hai bao tượng đựng gạo (mỗi bao đựng được 8 kg), một đôi giầy thấp cổ của Trung Quốc, hai cuộn quai dép cao-su, hai bánh lương khô Việt Nam, hai lạng mì chính Trung Quốc, một hộp sữa bột nửa cân, một gói ruốc bông, một cân đường, một mảnh vải mưa to để đi mưa và khi cần có thể bọc ba-lô làm phao để vượt sông, một túi đựng lựu đạn kèm theo một quả lựu đạn bi mỏ vịt của Liên-xô, cứ mỗi tổ ba người có một dao găm và một bật lửa, mỗi tiểu đội một khẩu AK với một cơ số 90 viên đạn mang theo từ đơn vị. Mỗi tiểu đội được trang bị một bộ nồi quân dụng gồm một nồi cơm mà chúng tôi gọi là nồi B12 và hai nồi nhỏ có nắp được tạo thành những ngăn đựng thức ăn – cái nồi B12 này tôi được phân công mang nó “chung thân” cho tới khi về tới trung đoàn, kèm theo hai cái muôi. Những thứ còn lại sẽ được cấp phát ở những trạm tiếp theo. Bữa cơm hôm đó ở trạm cấp phát của sư đoàn được nấu tập trung, tiểu đội chỉ việc đi lấy về ăn. Tụi tôi đồng loạt tung hê hết các bát ăn cơm bằng sắt tráng men (lính gọi là bát B52) được trang bị khi nhập ngũ thay bằng những cái ca lắp ở đáy bình tông. Những cái ca này thật tiện lợi vì ăn xong là lắp vào đáy bình tông cho vào bao đeo ở xanh-tuya-rông. Chỉ bất tiện ở chỗ ăn bằng ca phải dùng cả đũa lẫn thìa. Sau này vào trận mỗi thằng chúng tôi tự trang bị một cái thìa và một cái dĩa bằng i-nox của Mỹ. Cho đến hôm nay hình ảnh dùng dĩa để xúc cơm, xiên thức ăn và nhất là dùng để đánh chặn trong nồi canh lõng bõng của lính vẫn đọng mãi trong tôi.

Trong bộ Tô Châu mới thay cho những bộ quân phục bằng vải Hung nặng chịch mầu vàng đất, anh em chúng tôi trông khỏe khoắn, đẹp đẽ và rắn rỏi hơn. Tôi được cấp bổ sung một mũ cối mới vì trước đó mũ của tôi bị mất, nghi cho đám mấy thằng ở trường máy kéo.

Khi bị thương ở Quảng Trị chính cái mũ này đã đỡ cho tôi khi bị dính cối cá nhân M79. ba mảnh nhỏ xuyên qua nóc mũ găm vào da đầu, còn mảnh lớn hơn xé thủng vành mũ găm vào xương bả vai. Khi tôi ra Bắc điều trị đã gửi mũ về nhà để cho mẹ tôi cất giữ làm kỷ niệm. Chiếc mũ này đã bay xuống sông Hồng khi tôi đi vác nứa kiếm tiền hè năm 1976.

Hà Nội ơi! Nhớ Hà Nội nhiều, chúng tôi sẽ trở về.

Chúng tôi lên tầu ở ga Phổ Yên, nhưng đến chiều tầu mới chạy. Tầu chạy như rùa bò, thời gian dừng còn nhiều hơn chạy. Mãi đến tối khuya mới tới gần Yên Viên và phải xuống đi bộ vì lúc chiều địch đánh vào ga Yên Viên và cầu Đuống vừa bị đánh sập. Thị trấn Yên Viên còn nghi ngút khói bom, nhà cửa, phố xá đổ xập, một vài chỗ những bóng người hối hả đào bới dưới ánh sáng vàng ệch của đèn bão bên những ngọn khói hương nghi ngút. Vượt qua sông Đuống bằng cầu treo, cầu đung đưa một cách khủng khiếp, những tấm gỗ lát cầu khấp khểnh chỗ có chỗ không, sơ ý là rơi tòm xuống sông. Bên trái phía hạ lưu, cái bóng cầu Đuống đen thẫm bắc qua sông bị trống một khoảng dưới ánh trăng mờ. Qua khỏi cầu treo, chúng tôi ra đường 1, hình như hơi ấm của Hà Nội phía trước thúc chúng tôi rảo bước thật nhanh băng qua những đoạn đường lổn nhổn vì trận đánh bom ban chiều, đoàn quân như những con lạc đà chở nặng hối hả tiến về phía quầng sáng trước mặt: Hà Nội của chúng tôi vẫn sống, vẫn hắt lên bầu trời ánh sáng của niềm tin và hy vọng. Có không ít người dân đã theo chúng tôi hy vọng sẽ tìm thấy người thân của mình trong hàng quân, và chính họ lại là những người đưa thư tận tình nhất. Từng chồng thư của lính đã được họ chuyển ra bưu điện. Một anh về trong nội thành nhận mang thư đến tận nhà, tôi viết vội mấy chữ vào tờ giấy “Con đi B, đợi con ở cầu phao Bác Cổ” và ghi địa chỉ ở mặt sau để nhờ anh chuyển đến nhà.

Anh Được bị đuối sức phải ngồi lại nghỉ, khi đoàn quân đi hết tôi và anh Oanh dìu anh Được đi cuối cùng cùng với những người yếu sức khác. Trong lòng nóng như lửa đốt vì không thể bỏ bạn mình để vượt lên trước được. Sao lúc này lại khỏe như vậy, mang thêm ba-lô cùng một khẩu AK với đủ cơ số đạn của anh Được tôi cứ lao phăm phăm về phía trước hy vọng sẽ gặp được mẹ và những người thân ở bến phà.

Tốp đi cuối cùng chúng tôi đã tới cầu phao, nhưng cầu đã cắt vì nước sông lên to, phương tiện vượt sông lúc này chỉ có phà. Phà tới bờ, tôi lao lên khỏi phà và vượt qua đê. Dưới ánh sáng đỏ quạch của ngọn đèn bên đường Trần Khánh Dư, mấy bóng người dáng vẻ bồn chồn như đang đợi ai, tôi nhận ra trong số đó cái bóng cao cao của bố tôi. Chỉ kịp gọi “Bố” nước mắt tôi đã trào ra nghẹn lại. Vừa lúc đó có tiếng gọi phía sau “Tường con ơi, mẹ đợi con mãi ở bến phà.”. Thì ra những gia đình lên thăm con em đã về Hà Nội thông báo cho nhau, người nọ báo cho người kia, mẹ Hòa ở Hai Bà Trưng đã chạy sang báo cho mẹ tôi biết. Đơn vị qua phà và lên xe ở đầu dốc Bác Cổ, không thấy tôi, mẹ tôi hỏi mãi mới gặp được một cậu liên lạc cho biết tôi đi ở tốp sau cùng. Cậu đó là Cao Minh Sơn – K16 Nước – làm liên lạc đại đội. Sơn gặp mẹ tôi đang nhớn nhác tìm con, cậu ấy nói “Bác giống mẹ cháu quá, mẹ cháu ở tận Hải Phòng lên chắc không kịp”.

Sau này, khi vượt sông Thạch Hãn về đơn vị, tôi về C3, Sơn ở C1 cùng D1/ E101/ F325 chốt giữ khu vực Triệu Long, Triệu Thành ở phía đông bắc Thị xã – Thành Cổ Quảng Trị. Sơn đã hy sinh trong một đêm đầu tháng 9/1972 khi đưa cơm cho đồng đội ở trong chốt. Đã bao năm trôi qua cho mãi đến bây giờ khi mẹ tôi đã ngoài 90 bà chỉ nhớ mỗi thằng bé xinh trai người Hải Phòng và anh Được ở ngõ Nam Ngư trong số rất nhiều đồng đội của tôi. Và sau này cứ mỗi lần chào mẹ để đi Quảng Trị, bà vẫn nhắc tôi cố gắng đi tìm hai người đó về. Sơn nằm ở đâu đó ở khu vực An Tiêm, Chợ Sãi.

Tháng 7/2003, mấy anh em chúng tôi qua nhà Sơn ở Hải Phòng thắp hương và đặt lên bàn thờ Kỷ niệm chương Quyết chiến bảo vệ Thị xã – Thành Cổ Quảng Trị, hè 1972. Quả thật vóc dáng và tuổi tác của mẹ Sơn rất giống mẹ tôi, ôm lấy bà mà tôi không sao cầm được nước mắt. Đất nước chúng ta mất mát nhiều quá, cả một lứa trai ra đi mà rất ít người trở về, cái giá của ngày hôm nay không thể nào đong đếm được.

Xe chở đơn vị đi đã lâu, tốp chúng tôi phải đuổi kịp đơn vị ở Thường Tín. Cả tốp cùng mấy gia đình đi bộ ra bến xe ở công viên Thống nhất để đi Thường Tín. Hà Nội buổi sớm không khí thật trong lành, phố xá còn vắng teo, dân phố đi sơ tán cả. Đi bên cạnh bố mẹ nghĩ rằng sẽ có nhiều chuyện để nói nhưng rồi có nói được đâu. thật là hạnh phúc lúc lên đường lại được gặp những người thân yêu nhất. Giờ này nếu không có chiến tranh, lòng đường nhựa sẽ trở thành những sân bóng của các đội bóng phố tôi rất sôi động. Từ Bác Cổ, ra Trần Hưng Đạo, xuyên qua Lê Văn Hưu, thẳng ra Nguyễn Du, men theo hồ Thuyền Quang rồi Trần Bình Trọng tới bến xe ở cổng công viên, những con đường quen thuộc với chúng tôi từ thủa thiếu thời sao hôm nay đẹp đến thế. Chúng tôi đi đây, hẹn ngày trở lại.

Chúng tôi lên xe khách, mẹ tôi ngẹn ngào nắm lấy tay tôi dường như muốn níu kéo tôi lại. Bố mẹ ơi hãy về đi, bịn rịn qúa con làm sao mà đi được ! Xe chuyển bánh theo đường 1. Giáp Bát, Văn Điển giờ chỉ còn đống gạch vụn. Tới Thường Tín đã thấy những bóng lính trong sắc phục Tô Châu mới toanh đang nhớn nhác bắt xe để về Hà Nội. Thường Tín là trạm giao liên đầu tiên trong hệ thống đường dây chuyển quân vào Nam, từ đây bộ đội sẽ lên tầu hay ô-tô để đi vào. Chúng tôi đóng quân trong nhà dân ở xã Liên Phương. Ngôi nhà mà chúng tôi đóng quân là một ngôi nhà cổ khá bề thế, ba-lô ngổn ngang khắp nhà, anh em đang tranh thủ ngủ để lấy lại sức sau một đêm hành quân, hầu hết tụi Hà Nội tranh thủ về nhà, tôi ở lại vì đã gặp được bố mẹ, phần nữa anh Được vẫn còn mệt chưa lại sức. Chính ngôi nhà này khi anh Minh (anh rể tôi) đi B đã ở đây và sau khi tôi ra viện và từ Đoàn 869 nhập trạm trở về đơn vị cũng ở tại ngôi nhà này.

Năm giờ chiều cả đơn vị lên xe, rất đông gia đình bộ đội đi tiễn, tôi biết bố mẹ tôi không thể đến đây được, dù sao cũng còn hơn những anh em ở tỉnh khác. Còi xuất phát đã nổi lên, chợt bóng dáng thân quen của mẹ tôi đang te tái chạy tới, cả chị Châu và anh Văn nữa. Khi biết tôi tập kết đi B ở Thường Tín, anh Văn lấy xe cơ quan chở mẹ tôi và chị Châu vào hy vọng sẽ gặp được anh Thắng. Hai anh em nhập ngũ cùng một đợt, Thắng ở D69 cùng F304B, không biết có đi B đợt này không? Xe chuyển bánh, nhiều bà mẹ lăn theo xe gọi tên con, nhưng mẹ và chị tôi chỉ đứng đó nhìn theo xe, một tay gạt nước mắt, tay kia vẫy vẫy theo.

Xe tăng tốc trên quốc lộ 1, trời sáng trăng, cả xe im lặng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ. Ý nghĩ của tôi vẫn còn vương vấn ở phía sau nơi những người thân yêu của tôi ở đó. Trước khi ra đi gặp được những người thân yêu nhất quả là một may mắn vô cùng. Tại sao khi bố mẹ đưa mình ra bến xe ở công viên Thống nhất mà mình không tranh thủ lấy xe đạp phóng về nhìn lại ngõ Tức Mạc thân yêu của mình – nơi đầy ắp những ký ức của tuổi thơ. Ôi cái ngõ nhỏ rợp bóng hoàng lan cổ thụ, với tán lá bàng, lá sấu mướt mát những trưa hè oi ả, và đỏ rực hoa gạo mỗi khi tháng ba về, bên tai tôi dường như văng vẳng tiếng còi tầu hỏa vọng về từ ga Hàng cỏ xen lẫn tiếng leng keng của tầu điện mỗi sớm mai về. Vĩnh biệt ư? Không! Chỉ tạm biệt thôi. Hãy nghĩ tới ngày trở lại và nếu như điều xấu nhất xảy ra thì ta cũng sẽ trở về trong niềm nhớ thương của những người thân yêu nhất.

Chợt có tiếng hát từ xe trước vọng lại, trong xe có vài người hát theo rồi cả xe đều hát “Mẹ Việt Nam có hay chăng giờ này đàn con đã lên đường…” Hết bài này đến bài khác cho đến gần Phủ Lý, tiểu đoàn trưởng Trần Ba lầm bầm “Đ. má! Không hát nữa để nghe máy bay”. Phủ Lý chỉ còn một đống gạch vụn dưới ánh trăng mờ mờ. Anh Oanh chỉ về phía phải “Từ đây về làng anh chỉ non một cây số.”

Tới một xóm nhỏ thuộc huyện Gia Viễn, Ninh Bình chúng tôi xuống xe vào nghỉ tại nhà dân. Ở trạm này chúng tôi được cấp phát tăng võng. Võng là võng đôi bằng vải ga-bac-đin dầy, một nửa để nằm, nửa còn lại để đắp; tăng bằng vải nhựa dầy. Ông Viên – C phó – hướng dẫn cách mắc võng, mắc tăng kể cả cách có cọc phụ để phòng khi mưa. Nhiều thằng xé ngay một nửa cho nhẹ, nửa kia mang ra quán đổi thuốc lá.

Chiều tối ra xe để đi tiếp, lúc ấy có mấy thằng tranh thủ về nhà khi còn ở trạm Thường Tín cũng vừa đến kịp, thế là đủ hết, không một ai bị bỏ lại. Quân tư trang lại nặng thêm vì có tăng, võng và mỗi thằng phải đóng đủ hai bao tượng gạo. Xe đi đường nào chắc không phải đường 1, đường khá tồi, ngồi trong xe chao đảo, đầu tiên xe chật cứng, thằng nào ngồi trên ba-lô thằng ấy chân không cựa được, đi được một lúc thì những thằng ngồi sau cùng duỗi được cả chân. Lấy cớ là phải đeo cái nồi to nên tôi chọn phía sau cùng, mặc dù vị trí này xóc nhất ít thằng muốn ngồi nhưng được cái chân cẳng thoải mái và nhất là có sự cố gì thì phi ngay xuống được. Không rõ trạm sau là đâu? Chắc chỉ đến Thanh Hóa là cùng!

Từ Gia Viễn chúng tôi tới trạm nghỉ tại Hoằng Trinh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Từ đây xe chở chúng tôi đi tiếp và xuống sà-lan để vượt sông Mã ở phía thượng lưu Hàm Rồng, khi sà-lan ra đến giữa sông thì bị chết máy, nước sông chảy mạnh đẩy sà-lan về xuôi chỉ còn cách cầu vài cây số. Phía hạ lưu sáng rực những quầng sáng của pháo sáng, của chớp bom và những vạch lửa của pháo cao xạ. Cả đoàn nín thở lo lắng khi khoảng cách với quầng lửa ấy mỗi lúc một thu hẹp. Rồi tất cả thở phào nhẹ nhõm khi một chiếc ca-nô được tăng cường đuổi theo và dìu chúng tôi sang bờ bên kia. Chúng tôi lại tiếp tục lên đường đuổi theo đoàn quân, vòng qua thị xã Thanh Hóa qua Triệu Sơn, Nông Cống, lên đường 15 ở Như Xuân, vượt dốc Bò lăn để vào đất Nghĩa Đàn, Nghệ An.

Đường qua dốc Bò lăn xấu khủng khiếp, trời mưa sập sùi, có lẽ đây là đoạn đường xấu nên phải dùng xe ba cầu. Nhiều chỗ xe nghiêng ngả tưởng chừng như muốn lật tới nơi, xe không có mui bạt nên cây rừng, lau lách, tre nứa ở hai bên đường thi nhau đập vào thành xe và đập vào mũ cối kêu côm cốp. Vuốt vội những giọt nước mưa theo cây rừng táp vào mặt, không một ai nói lời nào, đây mới chỉ chặng gian nan đầu tiên, tất cả còn ở phía trước.

Tới khuya chúng tôi xuống xe, đây là đất Nghĩa Đàn, đoạn đường đầy bùn nhão nhoét, lính tráng thi nhau ngã oành oạch. Hôm trước còn có ánh trăng, hôm nay tối thui vì mưa không biết đằng nào mà lần, chỉ biết cứ bám theo vệt lân tinh cài ở nắp ba-lô của người đi trước. Với thằng tinh mắt trời tối đã là đáng sợ, còn với tôi – một thằng mù dở với cặp kính ba đi-ốp – lại càng khó khăn hơn khi nước mưa làm nhòe mắt kính. Chỉ còn bám sát người đằng trước mà đi, cho nên nhiều lúc đâm sầm vào nhau làm bạn mình ngã dũi ngã dụi nhất là những người còi cọc như ông Oanh. Có tiếng lao xao kèm theo những mùi vị đặc biệt – sau này mới biết đó là mùi của bãi khách, chúng tôi được lệnh xuống ba-lô nghỉ đêm. Lần sờ mãi mới mắc được tăng võng và cứ nguyên quần áo bẩn thỉu như thế thiếp đi không biết gì hết. Chợt thấy lành lạnh sống lưng, bật dậy thấy võng của mình lõng bõng đầy nước, hất vội chỗ nước và lại nằm xuống, xung quanh tiếng kêu oai oái vì nước vào võng. Mưa rơi lộp bộp lên mái tăng, trời đã mờ sáng. Xung quanh tôi la liệt võng, mái tăng thằng nọ chĩa vào võng thằng kia nên nước vào võng là đúng thôi. Lần đầu tiên mắc võng ngủ rừng cho nên lúng túng như vậy. Xung quanh các gốc cây đều có cọc phụ để mắc võng của các đơn vị đi trước để lại, cọc nào cọc ấy đều lên nước bóng vì biết bao lượt quân ra quân vào nghỉ đêm tại đây. Đêm trước mà sờ thấy cọc phụ thì đâu có bị cảnh nước chảy vào võng. Bữa cơm đầu tiên trong rừng của tiểu đội thật đáng nhớ, quá nửa tiểu đội là sinh viên và người thành phố nên rất lúng túng khi chuẩn bị bữa cơm sáng. Cũng may có Triệu và Tú xin nhận nấu cơm. Triệu là người dân tộc Tày Bắc Thái cả ngày chẳng nói câu nào nhưng những việc như thế này cậu ta rất thạo, chỉ riêng đi kiếm được củi để nấu cơm khi trời đang mưa đã đủ kính nể rồi. Tôi và anh Oanh đi lấy nước. Chặt một cành cây làm đòn, hai anh em lần xuống khe để lấy nước, tuy không xa nhưng dốc trơn, leo gần đến nơi ngã cái oạch đổ hết cả nước, lại phải quay xuống lần nữa.

Tú là người Đô Lương, Nghệ An đang học trường công nhân máy kéo, đây là một người khỏe mạnh, tháo vát, cậu ta sang Tăng – Thiết giáp ở Bãi Hà. Còn Triệu hy sinh hôm mất Thành Cổ. Hôm đó cả một ngày quần nhau với địch còn nhìn thấy nhau đến đêm khi phá vây rút ra không thấy cậu ta đâu nữa.

Năm 1973, không có tên của Triệu trong danh sách tù binh được trao trả. Nghi vấn này mãi về sau vẫn còn nhắc đi nhắc lại. Chính tôi khi trình bày với cán bộ trung đoàn trường hợp của cậu ấy: có thể bị thương nặng nằm tại một chỗ nào đó không ai biết và đã hy sinh. Trường hợp anh Tạo B phó khi hy sinh, anh em đã để anh nằm tại góc ngôi trường đổ, đợi đến đêm sẽ tìm cách mang anh ra.

Đây là một trạm khách lớn, xung quanh rất nhiều đơn vị có cả những đơn vị Thanh niên xung phong nữ. Tiếng hỏi thăm nhau í ới, nhận đồng hương với nhau làm cho cánh rừng sôi động hẳn lên. Chúng tôi lại được bổ sung thêm quân trang. Lần này là một mũ tai bèo, một hộp túi cứu thương gồm bông băng, thuốc phòng độc, thuốc lọc nước, thuốc sốt rét, thuốc bổ, thuốc chống rắn cắn, kim chỉ, một hăng-gô Trung-quốc kèm theo một túi đựng, một túi trắng đựng cơm nắm hoặc lương khô, hai đôi tất dài để chống vắt, hai đôi tất ngắn. Ông Viên với kinh nghiệm nhiều lần đưa quân vào Nam hướng dẫn cho chúng tôi cách đi dép cao-su có lồng tất để chống trơn trượt và mỗi thằng phải tìm chọn một cái gậy tốt để dùng khi hành quân bộ. Ngoài tác dụng để chống khi hành quân, nó còn có tác dụng chống vào đáy ba-lô cho đỡ mỏi vai khi tạm dừng, đêm xuống dùng gậy để khua vào bụi rậm đuổi rắn, rết cả khi chẳng may bị trúng bom pháo dọc đường, lúc nhẩy xuống hố cá nhân thì nhớ thò gậy lên để đồng đội sẽ dễ dàng bới đất tìm ra. Trong đơn vị có những người khéo tay chạm trổ gậy rất đẹp, thậm chí có người còn tạo ra một cái điếu cầy ở đầu gậy rất tiện lợi mỗi khi cơn nghiền thuốc lào nổi lên. Chiếc gậy có chạc của tôi chặt từ bãi khách Nghĩa Đàn này đã theo tôi tới tận Ái Tử, khi vượt sông Thạch Hãn lúng túng vì phao và vì pháo địch bắn dữ quá đành phải bỏ lại.

Rời Nghĩa Đàn chúng tôi lên xe đi tiếp. Trời đã tạnh ráo, những chiếc xe tải quân sự chỉ có một ngọn đèn gầm duy nhất lắc lư đi trong đám bụi đường dầy đặc. Từ đây đi đường 15 đi qua những vùng đồi núi đất đỏ của miền Tây Nghệ An. Thỉnh thoảng xe phải dừng lại vì phát hiện máy bay đang lượn trên đầu.

Đột ngột chiếc xe đi trước dừng lại, một bóng người trên xe nhẩy xuống và lao vào mấy nếp nhà núp dưới một cánh rừng bạch đàn ven đường. Xe chúng tôi cũng dừng lại. Sau này mới biết chỗ này là Đô Lương, anh em có đề nghị với lái xe dừng lại ít phút để cho Dương Thanh – K16 Xây dựng – tạt qua nhà từ biệt mẹ. Dương Thanh khi còn ở huấn luyện đã được chọn đi khám tuyển phi công nhưng không trúng tuyển. Thanh về cùng D1với tôi nhưng ở C2 và đã hi sinh tại khu vực An Tiêm, Chợ Sãi ngày 16/9/1972.

(Còn tiếp)

L.X.T

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder