Mời bạn đọc theo dõi bản ghi chép NGƯỢC DÒNG KÍ ỨC sẽ đăng hai số một tuần để cùng cảm nhận một cách chân thực nhất về chiến tranh. VHP không cắt bớt đi nhiều chi tiết với hi vọng biết đâu có bạn lại tìm được tung tích của một người thân mà mấy chục năm qua không biết sống hay đã chết ở nơi đâu, như trường hợp một tiểu đoàn lính sinh viên hi sinh ở giữa miền rừng rú đầm lầy rồi bị bỏ quên mấy chục năm, chỉ có một ngôi miếu nhỏ của nông dân bản địa thờ các anh “THÀNH HOÀNG ĐỘI MŨ CỐI” với tên gọi là MIẾU BẮC BỎ (thờ những người miền Bắc bỏ mạng và cũng bị bỏ quên) – Truyện này VHP mới đăng nửa tháng trước đây…
Mời bạn đọc theo dõi bản ghi chép NGƯỢC DÒNG KÍ ỨC sẽ đăng hai số một tuần để cùng cảm nhận một cách chân thực nhất về chiến tranh. VHP không cắt bớt đi nhiều chi tiết với hi vọng biết đâu có bạn lại tìm được tung tích của một người thân mà mấy chục năm qua không biết sống hay đã chết ở nơi đâu, như trường hợp một tiểu đoàn lính sinh viên hi sinh ở giữa miền rừng rú đầm lầy rồi bị bỏ quên mấy chục năm, chỉ có một ngôi miếu nhỏ của nông dân bản địa thờ các anh “THÀNH HOÀNG ĐỘI MŨ CỐI” với tên gọi là MIẾU BẮC BỎ (thờ những người miền Bắc bỏ mạng và cũng bị bỏ quên) – Truyện này VHP mới đăng nửa tháng trước đây.
NGƯỢC DÒNG KÝ ỨC (4)
(Tiếp theo)
Quay lại chặng đường khi hành quân vào, chúng tôi dừng chân ở trạm Nam Đàn một ngày. Ngôi nhà nơi tiểu đội tôi trú quân có hai người phụ nữ và mấy đứa trẻ nhỏ. Chiều, khi tập kết để đi anh em mới rỉ tai nhau thằng X. và thằng H. ở trường công nhân máy kéo đã chui vào buồng ngủ của hai chị em gia chủ, khi ra thấy mặt mũi phởn phơ lắm.
Chúng tôi đi dọc theo đê sông Lam, đây là nơi thị trấn Nam Đàn sơ tán về nên có vẻ đông đúc, những quán nhỏ le lói ánh đèn dầu phòng không ở bên đường. Gió sông thổi về mát rượi, chẳng bù cho ban ngày nóng hầm hập. Chính tại đoạn đê này khi tôi trên đường chuyển thương ra đã gặp mấy anh em cùng huấn luyện ở Tân Đức đã được giữ lại làm khung cho đợt quân sau. Không biết họ sẽ vào Quảng Trị hay đi đâu ?
Sà-lan chở chúng tôi ngược sông Lam để theo dòng sông La vào đất Hà Tĩnh.
Đức Hòa là một xã của huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, chúng tôi nghỉ lại sau một đêm theo sà-lan từ Nam Đàn vào. Vùng quê này là một vùng bán sơn địa với những vườn cọ và những nếp nhà lợp lá cọ xung quanh vách cũng được thưng bằng lá cọ có thể chống lên để hứng gió. Kiểu nhà này rất nhiều cột chống nên lính tráng tha hồ mà mắc võng.
Tình cờ anh em chúng tôi phát hiện trong làng có một quán cà-phê khá độc đáo. Mấy anh em rủ nhau ra quán để lấy lại hương vị cà-phê kể từ khi nhập ngũ. Quán cà phê là một nếp nhà lá nép dưới tán mấy cây cọ, xung quanh quán là giàn hoa giấy, trong quán bàn ghế làm bằng tre, tủ quầy cũng được làm bằng tre, không gian được bài trí phù hợp cho một quán cà phê của một thị xã tỉnh lẻ nào đó chứng tỏ chủ nhân là một người có óc thẩm mỹ. Ông chủ là một người đàn ông cỡ ngoài 50, đón chúng tôi vào. Trong quán toàn quân nhà ta cả, chuyện nở như ngô rang, khói thuốc lá nghi ngút bên những phin cà-phê đặc sánh đang tí tách nhỏ giọt. Khi biết chúng tôi là những lính sinh viên mà đa phần là dân Hà Nội nên chuyện cà-phê, chè cháo không phải là không sành sỏi, ông chủ liền giới thiệu các loại cà-phê mà ông ta có đặc biệt là cách dùng rượu rhum đun nóng để chế vào phin thay nước sôi. Đúng là lần đầu tiên mới nghe thấy kiểu cách pha này (bụng bảo dạ nếu được sống trở về thế nào tôi cũng phải hỏi bố tôi và nhất là bác tôi có kiểu pha cà-phê như thế không hay là ông nói phét). Âu đó cũng là những kỷ niệm đáng nhớ trên đường hành quân. Mấy tháng sau khi tôi nằm ở trạm chuyển thương cách đó một cánh đồng mà tôi đang tập tễnh nên không thể ghé qua quán được.
Cái đêm xe binh trạm chở chúng tôi từ Hà Tĩnh vào Quảng Bình xe bị máy bay săn đuổi trên đường, pháo sáng rực trời, xe chúng tôi tạt vào một nhánh đường ngang đầy bụi rậm. Chúng tôi tạt nhanh ra xung quanh, tôi, anh Oanh và mấy người nữa chạy vào một khe hẹp thì bom đã dội trúng mặt đường nơi chúng tôi vừa rẽ vào. Đất đá, mảnh bom bay rào rào, nhờ cái khe hẹp này cả xe đều an toàn. Bom dứt, dưới ánh đèn dù sáng như ban ngày một dòng chữ hiện lên trên vách ta-luy: Hà Nội ơi! Nhớ Hà Nội nhiều bằng đá cuội khảm vào đất đồi đỏ quạch. Người lái xe cho biết đây là một đoạn đường tránh, trước đó mấy năm một đơn vị Thanh niên xung phong Hà Nội hầu hết là nữ có nhiệm vụ đảm bảo giao thông tại khu vực này, gần đấy có nơi yên nghỉ của khoảng 20 chị em. Trong những tháng ngày gian khổ ác liệt nỗi nhớ Hà Nội trong các chị không bao giờ nguôi ngoai và đã để lại cho những lứa đàn em hôm nay dấu ấn bất diệt của cả một thế hệ người Hà Nội kiên trung nhưng không kém phần lãng mạn giữa đại ngàn Trường Sơn.
Gần sáng tới trạm nghỉ, sau một đêm thức trắng căng thẳng vì bị đánh chặn trên đường, mắc vội tăng võng và thiếp đi không biết gì hết. Sáng ra mới biết do trận oanh kích đêm trước nên đoàn không đến được trạm chính nên phải nghỉ lại dọc đường. Anh em lái xe mang giấu xe ở chỗ khác phòng khi địch phát hiện đánh vào khu vực trú quân của đoàn. Cánh rừng này không có nhiều cây to nhưng lại nép dưới chân một núi đá, có một lạch nước trong vắt chảy qua, không gian ban ngày rất tĩnh lặng. Bầu trời trong vắt, hầu như vắng tiếng rú rít của tụi cường kích, thỉnh thoảng những vệt khói trắng của B52 cắt ngang bầu trời. Theo phổ biến của anh em lái xe một khi nhìn thấy vệt khói của chúng là an toàn, những vệt B52 thường xuất hiện từ phía Tây, khi thấy chúng lượn vòng nghĩa là chúng đã trút hết bom và quay trở về. Khu vực này hình như địch chủ yếu đánh vào ban đêm thì phải. Tranh thủ tắm táp, giặt giũ. Trời nắng to, ba-lô quân tư trang được đem ra phơi phóng thơm phức, chẳng bù cho những ngày trước đó quần áo hôi sì, ẩm ướt do mồ hôi quyện với nước mưa và bùn đất. Trong khi chờ cơm, đong đưa trên võng, chia nhau điếu thuốc mà cảm thấy sung sướng lạ. Gần 20 ngày hành quân, hết đi xe lại đi bộ, liên tục ngày nghỉ đêm đi, đâu phải có những lúc thảnh thơi khoan khoái như lúc này. Tranh thủ ghi vài dòng nhật ký, viết tiếp lá thư về nhà mà chặng trước bỏ dở.
Chiều xuống, cả tiểu đoàn tập kết ở bìa rừng để tiếp tục đi nhưng không ngờ khi lên xe tiểu đội tôi phải ở lại một nửa vì một số xe bị hỏng phải nằm lại, dồn lên các xe còn lại cũng không hết. Nhóm ở lại có bốn, năm người trong đó có tôi và anh Oanh do chính trị viên phó tiểu đoàn phụ trách. Thế là lại nằm lại một ngày nữa tại cánh rừng này. Đây là đâu đất Hà Tĩnh hay Quảng Bình?
Thêm một ngày thảnh thơi giữa cánh rừng vắng lặng chỉ có mấy anh em chờ đợi đêm xuống để đi tiếp. Nằm khểnh trên võng ngắm trời ngắm đất, mỗi người một suy nghĩ không ai nói với ai chẳng bù cho hôm trước cả cánh rừng ồn ã tiếng trêu chọc, đùa nghịch của quân ta sau một đêm hành quân căng thẳng bị bắn phá dọc đường. Những suy nghĩ về chặng đường đi vừa qua, những dự đoán những ngày sắp tới và cả những hình bóng của những người thân yêu đến với tôi trong giấc ngủ chập chờn, giá như lúc này được bay về Hà Nội nhỉ. Chợt dòng chữ khắc trên vách ta-luy của đơn vị nữ Thanh niên xung phong Hà Nội hiện lên trong tâm trí tôi khiến cho tôi bật dậy với sang đầu võng của anh Oanh để lấy con dao găm. Hí hoáy với mũi nhọn của con dao, tôi châm lên vành sau của mũ cối dòng chữ HÀ NỘI ƠI! NHỚ HÀ NỘI NHIỀU và lấy mấy viên B1 trắng miết vào những nốt châm đó. Hàng chữ trắng nổi bật lên nền xanh lá cây thẫm làm cho tôi hài lòng và những tâm trạng trong lòng được vơi nhẹ đi rất nhiều.
Sau này khi tôi bị thương, một mảnh cối cá nhân M79 đã xuyên qua vành mũ và găm vào bả vai tôi. Cái mảnh đạn đó đã chém thủng vào vị trí của chữ Ớ của từ NHỚ. Cho đến bây giờ, mỗi khi chúng tôi gặp nhau đều có chung một nhận định rằng: sự sống luôn luôn mong manh trong những tháng ngày khốc liệt đó và sau chiến tranh được trở về với Mẹ, với Hà Nội quả là một sự vô lý không thể tưởng tượng nổi.
Khoảng 5 giờ chiều có một xe Vọt tiến đến đón mấy người chúng tôi đi tiếp. Gần sáng xe tới tới một xóm nhỏ, ở đây đã có giao liên đợi sẵn và dẫn chúng tôi tiếp tục hành quân bộ để đuổi theo đơn vị. Trời sáng dần, nhưng mây mù che lấp cả dãy núi phía Tây báo hiệu những trận mưa đang đến. Đường băng qua những xóm làng thưa thớt, hầu như không có dân, vài ba ngôi nhà hầm ở ven đường vọng ra tiếng khóc của trẻ con chứng tỏ cuộc sống vẫn tồn tại nơi đất lửa này. Hôm trước, chắc ông chính trị viên phó đã được biết trước kế hoạch nên bắt chúng tôi nấu thêm cơm chuẩn bị cho mỗi thằng hai nắm cơm, nên hôm nay chúng tôi không mất thời gian nấu ăn để tranh thủ đuổi kịp đơn vị. Qua một khúc sông bằng đò ngang, người lái đò cũng là bộ đội cho biết đây đã là đất Quảng Bình.
Mưa đã giăng ra trên dòng sông, được biết với thời tiết này địch chỉ có thể tọa độ mà thôi, và chúng cũng chỉ tập trung đánh vào ban đêm tại các trọng điểm giao thông. Đã qua rồi thời máy bay địch săn lùng xe trên đường dưới thời Giôn-xơn, còn giờ đây Ni-xơn tập trung đánh những nút giao thông quan trọng như cầu, phà, ngầm … bằng những phương tiện hiện đại hơn như bom la-de, máy bay AC130 chuyên săn ô-tô bằng thiết bị hồng ngoại nên gây cho chúng ta nhiều tổn thất hơn. Rồi chúng tôi gặp nền đường xe lửa xuyên Việt ngày xưa, đoạn đường sắt này men theo triền núi đi dọc theo một vùng bán sơn địa nhỏ hẹp, trời mưa sật sùi, mọi người cứ cắm cúi đi theo vệt đường tầu. Trời về chiều, chúng tôi gặp đơn vị đang chuẩn bị hành quân, mọi người không nghĩ rằng chúng tôi sẽ đuổi kịp đơn vị. Chúng tôi lên xe đi tiếp.
Trời mưa mỗi lúc một to, mùa này đang là mùa mưa bão ở miền Trung, chúng tôi xuống xe và hành quân tiếp. Đường trơn như đổ mỡ, quân ta thi nhau ngã oành oạch. Bây giờ mới thấy công dụng của việc đi bít-tất dài khi phải lội trong bùn đất. Thằng nào chỉ đi dép mà không có tất thì biết nhau ngay, dép trơn tuột đến tận bẹn, trong khi đó đi tất sẽ tăng độ ma sát nên bước chân rất chắc chắn không hề trơn tuột. Đi ngược lại với chúng tôi là một đoàn khá đông không mũ mãng, không ba-lô mà cũng chẳng có vải mưa thì ra đây là đoàn tù binh từ Quảng Trị được chuyển ra phía ngoài. Rồi lại gặp một đoàn các em nhỏ miền Nam được ra Bắc học tập, nhiều em còn bé quá được các cô chú phụ trách cõng trên lưng. Chúng tôi lên sà-lan để vượt sông. Sà-lan đi dọc sông một quãng thì phía sau lưng chúng tôi nơi vừa đi qua bùng lên những quầng lửa lớn kèm theo những tiếng nổ rền rung chuyển mặt đất, B52 rồi! Không hiểu số phận các em nhỏ và những tù binh sẽ ra sao?
Chúng tôi lên bờ và chia nhau vào nhà dân để nghỉ. Sáng ra, mới biết xóm nhỏ nơi chúng tôi đang ở thuộc xã Quảng Thuận, Quảng Trạch. Trước mặt là sông Gianh trong màn mưa trắng cả bờ bên kia. Chủ nhà chúng tôi chạc 40 tuổi, anh là bộ đội mới xuất ngũ về có hai đứa con trai sinh đôi chừng ba bốn tuổi. Anh cho biết trạm sau chúng tôi sẽ tới Cự Nẫm.
Trời tối hẳn chúng tôi lại xuống sà-lan dưới ánh sáng chập choạng của pháo sáng. Bóng những vệt núi đen xẫm ở hai bên bờ mỗi lúc một rõ hơn, chúng tôi đang ngược sông về phía thượng nguồn. Quá nửa đêm chúng tôi lên bờ, trời đã tạnh hẳn. Đây là Cự Nẫm thuộc huyện Bố Trạch. Chia nhau về nghỉ tại các nhà dân. Nhà cửa ở đây cũng tuềnh toàng, mọi sinh hoạt của người dân đều ở dưới hầm. Bao nhiêu đợt quân đã đi qua, họ để lại chi chít những dòng chữ trên vách, trên cửa, trên cột nhà cùng một nội dung thông báo cho những người đi sau hãy cảnh giác. Về sau này tôi mới biết đây chính là nơi xuất xứ của chuyện Bọ – một thể loại chuyện mang tính trào lộng được truyền khẩu qua bao thế hệ những người lính trong cuộc trường chinh vĩ đại xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.
Chúng tôi lại được bổ sung lương thực, thực phẩm. Ngoài thịt hộp ra lần này có thêm khoản thịt lợn ướp thính. Đây là cách bảo quản thịt dân gian, nhưng có mùi khá nặng. Tuy vậy khi nấu lên ăn cũng được, bao nhiêu ngày phải ăn thịt hộp rồi. Vùng này bao bọc xung quanh là núi. Con sông hôm qua chúng tôi đi là sông Son từ Trường Sơn chảy qua Phong Nha ra sông Gianh. Những thông tin này mãi về sau khi tôi bị thương trên đường chuyển thương đã nghỉ tại đây ba ngày mới có điều kiện tìm hiểu.
Hành quân trên đất Quảng Bình ngày ấy chủ yếu là đi bộ. Có đoạn đi men theo đường xe lửa cũ, lúc vượt sông Long Đại ở một bến phà dã chiến phía thượng nguồn thì bị lũ muỗi, dĩn rừng và nhưng con bọ nhỏ li ti tấn công vào mặt, vào mũi, vào mắt, chui cả vào chân tóc, lỗ tai. cái cảm giác khó chịu đó cho đến hôm nay sau 36 năm tôi vẫn mường tượng ra. Có lần đi trong rừng vào ban ngày phải vượt qua một ngọn núi cao mà đêm trước chúng tôi dừng chân ở bên này. Bãi khách đó là bãi mới chưa ai ở nên rất rậm rạp, ẩm thấp, phát những cây bụi nhỏ lấy chỗ mắc võng, dưới lớp lá cây mục lũ vắt nâu và vắt xanh ở đám tre, nứa và bụi le ngửi thấy hơi người nhao nhao ngóc đầu dậy nhẩy tanh tách vào đầu vào cổ. Cảm giác buồn buồn, nhột nhột, ở lưng, ở nách đến khi sờ vào thì toàn là máu. Sáng sớm rời bãi khách đáng nhớ đó bắt đầu leo dốc, hai bên đường là từng đống chăn Nam Định và áo Đông Xuân lính ta bỏ lại bốc lên một thứ mùi khó tả. Có những gốc cây tuy nhỏ nhưng lên nước bóng nhoáng vì tới đây ai cũng phải bám vào mà leo lên. Rồi có cả một cây to nằm đổ ngang đường leo qua thì cũng khó chỉ có cách nằm xuống để trườn qua. Tại mặt dưới thân cây đó cậu lính nào đó đã tinh nghịch dùng dao khắc tại vị trí nhậy cảm biểu tượng của người phụ nữ. Thở như kéo bễ, mồ hôi ướt đẫm, chân mỏi nhừ, hai vai ê ẩm. Có chỗ có một tảng đá chồi lên, trên đó có một vết lõm hình bàn chân bắt buộc thằng nào cũng phải đặt chân để vượt qua. Biết bao nhiêu triệu lượt con người đã qua đây và đã để lại dấu ấn của một thời xẻ dọc Trường Sơn.
Chợt phía trước có tiếng reo “Đến đỉnh rồi!” rồi tiếng hát của thằng Chiến vang lên “Lòng ta hằng mong muốn và ước mơ, bàn tay son sắt giương cao ngọn cờ. Để ngàn đời bền vững Tổ quốc ta. Trời cao muôn ngàn năm chói lòa.”. Tốp quân phía dưới vẫn còn đang leo lầm bầm “Thở còn chẳng ra hơi còn hát với hò”. Không biết đỉnh núi này cao bao nhiêu mét nhưng chỉ biết nó vươn hẳn lên cao so với xung quanh. Trên đỉnh cao này là một khoảng bằng phẳng khá rộng, khô ráo mọc toàn cây to và thoải xuống sườn bên kia. Nắng vàng rực rỡ, gió thổi ào ào, phía Đông là một biển mây trắng xen vào đó là những khoảng xanh đậm (không biết đấy có phải là biển không?). Chẳng thèm cởi ba-lô, chúng tôi khuỵu cả xuống thở lấy thở để. Tựa lưng vào một gốc cây to nhai trệu trạo nắm cơm với ruốc bông mà cổ họng nghẹn lại vì mệt và háo nước. Thằng Cẩn lấy ca nước pha một ít ruốc mặn và ít mỳ chính làm canh đưa cho tôi, nhấm thử một chút thấy ngang phè nhưng còn hơn. Thằng Cẩn có cái lạ là hay ăn mì chính sống. Khi ở huấn luyện nó luôn có trong túi một gói mì chính để khi mệt thì lôi ra nhấm nháp cho đỡ mệt. Tôi thì chịu không tài nào nếm được thứ đó. Một tiếng đồng hồ nghỉ tranh thủ nhắm mắt một chút để lấy lại sức, nhiều thằng lúi húi ghi chép gì đó, riêng Sơn lại viết thư cho em Diệp (cứ có thời gian là nó lại viết thư, đặc biệt là chỉ viết bằng bút chì gọt nhọn). Ông Được có vẻ đã hồi sức sau chuyến leo dốc vừa rồi. Quả thật chặng qua Quảng Bình là cực nhất vì chủ yếu đi bộ, sau lần ở Yên Viên ông ấy bị sửu cho đến bây giờ chưa bị lần nào. Đường xuống núi thoai thoải hơn nhưng lại rất nguy hiểm vì chân cẳng bây giờ đã chồn chùng hẳn xuống, không cẩn thận lăn xuống vực như bỡn. Lắm chỗ đường trơn buộc phải bệt mông mà trượt.
Cái đêm xe chở chúng tôi qua khu vực Đồng Hới dưới tầm pháo hạm đội 7 của địch, phía biển liên tục là các chớp lửa, tiếng rú của đạn pháo bay qua đầu tạo thành những tiếng nổ rung chuyển cách chỗ chúng tôi khoảng hơn một cây số. May mà nó pháo kích ở đâu đó nếu như ở nơi chúng tôi đang đi thì không biết nấp vào đâu vì toàn là bình địa nham nhở hố bom, hố pháo.
Đêm hành quân trên đất Lệ Thủy trời mưa tầm tã, nhưng vẫn không ngớt những trận bom tọa độ. Chúng tôi lầm lũi đội mưa đi dọc nền đường sắt, phía núi xa xa từng quầng lửa bùng lên trong đêm mưa. Bỏ nền đường sắt chúng tôi băng qua cánh đồng trắng xóa vì ngập nước. Cũng chẳng biết chỗ nào là bờ ruộng, chỗ nào là mương, là hố bom mà tránh. Lính tráng thi nhau tháo đạn đứng dậy, đầu tiên còn ngã ít và cười với nhau về sau không còn sức để mà cười nữa, thay vào đó đủ loại của ngon vật lạ được tung ra. Rút kinh nghiệm mấy trận hành quân trời mưa bị ngã văng kính, lần này tôi lấy một sợi dây chun quần cột chặt vào gọng kính để quàng qua đầu nên khi bị ngã kính không thể văng ra được. Với cách này cả khi vào trận tôi chưa hề một lần nào rơi kính, chỉ sợ nhất khi trời mưa làm nhòe nhoẹt mắt kính. Lúc dừng chân lấy sức không có chỗ để ba-lô nữa vì nước ngập trên đầu gối chỉ còn cách dùng gậy chống vào đáy ba-lô cho nhẹ bớt vai mà thôi. Ông Trần Ba đi cùng tốp chúng tôi phải kêu lên “Đ. má! Lính tráng tụi bay tung hết ra thì lấy gì mà dùng. Tao cho thu dung gom lại mang về nhà bán lại lấy tiền sài.”. Đến một xóm nhỏ chúng tôi được lệnh nghỉ lại. Thôi thì mạnh ai tự tìm chỗ ngả lưng. Chẳng còn sức để tìm chỗ mắc võng nữa, tôi sờ soạng thấy một nền đất tương đối khô ráo cứ nguyên vải mưa ướt sượt trải ra đất, lấy võng phủ lên làm chiếu và trùm tăng kín mít bất chấp những giọt mưa theo giọt gianh táp vào. Sáng ra, ngoài trời mưa đã ngớt, quần áo ướt sũng, hôi sì, may mà ba-lô còn khô ráo, nhưng chưa thể thay bộ khác được vì đêm nay lại phải đi tiếp. Chỗ tôi ngủ đêm qua là đầu hồi một gian bếp liền với chuồng trâu. Đây không phải là trạm khách mà chỉ là chỗ dừng chân trên đường. Xóm nhỏ này dưới chân một quả đồi trồng toàn chuối. Trong nhà có mấy bộ bàn ghế văn phòng chứng tỏ đây là nơi sơ tán của cơ quan nào đó.
Đi trên đất Quảng Bình bao giờ chúng tôi cũng đi cùng một đoàn cỡ vài chục người. Họ là những lính tăng đi từ Vĩnh Yên được bổ sung cho chiến trường và đều là sinh viên các trường đại học nhập ngũ tháng 1/1972. Cung cách hành quân của họ khác hẳn với đoàn chúng tôi, trong lúc chúng tôi đi theo đội hình từ đại đội cho đến từng trung đội, tiểu đội để tiện cho việc sinh hoạt trên đường, còn họ thì từng tốp vài ba người đi với nhau, có khi trên đường chỉ có một người. Có lúc chúng tôi gặp một cái võng mắc ngay bên đường mòn, hoặc có lần thấy một cậu ngồi ngay vệ đường ôm ghi-ta hát ngêu ngao, hỏi ra cậu ta không theo kịp tốp trước, sợ lạc đành ngồi hát để đợi tốp sau. Trang bị của họ cũng không như chúng tôi: một cái ba-lô lép kẹp may ra còn tăng võng để ngủ còn thì đã hóa giá để thành khói thuốc. người có mũ, người đầu trần chỉ đội mỗi cái khăn mặt. Có một vài người mang AK báng gấp tôi đoán đó là những cán bộ khung đi cùng. Chúng tôi trên đường hành quân nấu ăn theo tiểu đội còn họ mỗi người một hăng-gô ngồi ăn với nhau. Sau này, trong số những người lính tăng đó tôi đã gặp Bình – nhà ở 38 Phan Bội Châu gần nhà tôi – là pháo thủ số hai trên chiếc tăng T59 số hiệu 988 cùng phối thuộc tác chiến với chúng tôi ở Nam Cửa Việt.
L.X.T…
(Còn tiếp)