Hàng trăm xe xếp hàng chờ qua phà Gianh, nhưng xe chở quân được ưu tiên qua trước. Sang đến bờ Nam chúng tôi gặp một đoàn xe ca treo cờ giải phóng và băng khẩu hiệu đi ngược lại đó là đoàn xe chở những tù binh của ta được trao trả ở sông Thạch Hãn. Những người chiến thắng trở về này gầy gò, xanh xao trong bộ quần áo mới vẫy tay chào chúng tôi, nhìn họ tôi chợt nhớ tới trận đánh Chợ Sãi hôm đó: liệu có ai trong số anh em cùng đơn vị bị địch bắt không, nếu có liệu họ có mặt trong đợt trao trả lần này không ?…
Hàng trăm xe xếp hàng chờ qua phà Gianh, nhưng xe chở quân được ưu tiên qua trước. Sang đến bờ Nam chúng tôi gặp một đoàn xe ca treo cờ giải phóng và băng khẩu hiệu đi ngược lại đó là đoàn xe chở những tù binh của ta được trao trả ở sông Thạch Hãn. Những người chiến thắng trở về này gầy gò, xanh xao trong bộ quần áo mới vẫy tay chào chúng tôi, nhìn họ tôi chợt nhớ tới trận đánh Chợ Sãi hôm đó: liệu có ai trong số anh em cùng đơn vị bị địch bắt không, nếu có liệu họ có mặt trong đợt trao trả lần này không ?
Xuân hòa bình trở lại.
Sau khi đưa anh Minh tôi quay sang đơn vị, lúc này mới biết đơn vị đã đưa những anh em trở lại đơn vị lên đường cách đấy mấy hôm. Tôi và một số anh em khác lên muộn phải lên gặp D bộ giải trình việc không quay về đơn vị. Lại kiểm điểm, lại hứa hẹn, lại cam đoan rồi về. Ông D trưởng nói: riêng các anh về 325 sẽ có người của đơn vị về tận nơi đón đi.
Những ngày này hương vị xuân 1973 đang dần dần đến, trời vẫn mưa rét nhưng không khí của hòa bình đang đến gần, đài Tiếng nói Việt nam liên tục phát bài hát Đường chúng ta đi rất là náo nức. Hồi cuối tháng 10 vừa qua cũng thế đấy, sau rồi lại tiếp tục đánh nhau, còn lần này chắc là hòa bình đến nơi rồi vì con bài B52 của Mỹ chắc là con bài cuối cùng của chúng.
Thế rồi niềm vui chợt vỡ òa lên khi tin Hiệp định Paris đã được ký kết, Mỹ phải rút quân khỏi Việt Nam và thực hiện hòa hợp dân tộc ở miền Nam. Sung sướng quá, không biết giờ này đơn vị tôi đang ở đâu? Đồng đội tôi ai còn ai mất? Khu vực Chợ Sãi, An Tiêm, Nại Cửu ra sao thuộc về ta hay địch.
Trong đoàn người đi đón giao thừa xung quanh Bờ Hồ, thấp thoáng trong đám đông đủ mầu sắc là những sắc áo Tô Châu của những người lính như tôi. Tôi cảm nhận rất nhiều ánh mắt nhìn theo như muốn tìm thấy ở chúng tôi hình bóng của người thân mình đang ở chiến trường xa. Có lẽ tôi là một trong những người hạnh phúc nhất khi được đón xuân trong thời khắc một nửa đất nước lại có hòa bình trở lại.
Mới chỉ hôm qua thôi qua đài báo đưa tin chiến sự tại Cửa Việt mới chấm dứt. Ta đã giành lại quyền kiểm soát cảng Cửa Việt khi Quân đội Sài Gòn lấn chiếm lợi dụng khi HĐ Paris vừa có hiệu lực. Bối cảnh này liệu có lặp lại như sau Hiệp định Genève 1954 không? Thời gian sẽ kéo dài bao lâu?. Câu hỏi đó vượt qua khả năng trả lời của tôi có lẽ chỉ để giành cho các nhà chính trị mà thôi.
Về hậu cứ của Sư đoàn.
Chúng tôi rời D22 để trở lại hậu cứ của sư đoàn tại Bắc Giang. Dẫn chúng tôi đi là anh Bắc, trợ lý quân lực của E101 chính là người đã làm thủ tục cho tôi đi viện tại phẫu trung đoàn hồi tháng 9 năm ngoái. Tốp chúng tôi từ 869 đi có ba người, hai cậu kia là lính của D3 quê ở Gia Lâm. Không khí sau Tết không còn lạnh lắm, chúng tôi băng cánh đồng ra đường 1 để bắt xe đi Bắc Giang. Đoạn đường chúng tôi đi phải băng qua mấy vệt bom B52 hồi tháng trước, trên mặt ruộng vẫn còn chi chít những hố bom. Không khí đầu xuân của làng quê thật là thanh bình nếu như không hiện hữu nhưng gì còn lại của chiến tranh.
Chúng tôi đến một xóm nhỏ nằm ven sông Thương, bên kia là nhà máy phân đạm Hà Bắc. Từ xóm này ra cầu Bắc Giang chưa đầy ba cây số. Đây là xóm Đồng thuộc xã Song Mai, huyện Việt Yên, Hà Bắc. Song Mai là hậu cứ của sư bộ 325 trước khi đi B đầu năm ngoái. Hiện tại có một bộ phận nhỏ quản lý hậu cứ cũng như thu dung quân từ các tỉnh để đưa về lại đơn vị.
Ông bà cụ chủ nhà nơi tôi ở năm ấy chừng 60 tuổi có hai cô con gái, chị lớn tên là Lự là phó chủ tịch xã, cô em tên là Vân là bí thư chi đoàn của thôn. Chồng chị Lự cũng là bộ đội đi B, hai người có một cậu con trai chừng 5 tuổi. Đây là một xóm nghèo, thanh niên hầu như đi bộ đội nên mọi công việc đồng áng đều đổ lên vai phụ nữ và người già. Ông cụ chủ nhà vẫn phải đưa trâu đi cầy. Tình cảm dân làng đối với chúng tôi rất mộc mạc chân tình khi biết chúng tôi là những thương binh tập trung để trở về đơn vị.
Mấy ngày sau đó các đoàn thu dung từ các tỉnh Bắc Thái, Hải Phòng, Hải Hưng … cũng lục tục tập trung về xóm Đồng này. Đại bộ phận là từ các trại an dưỡng của các tỉnh nhưng cũng có một số anh em đảo lạc ngũ được thu gom để cùng đi.
Ngày ba bữa cơm chẳng còn việc gì làm bọn tôi lại lang thang khắp nơi để giết thời gian. Từ chỗ đóng quân leo tắt qua sườn một quả núi thấp chúng tôi ra đến cây số 8 trên trục đường từ Bắc Giang đi Nhã Nam. Người ta quen gọi cây số 8 vì đây là nơi dân thị xã Bắc Giang sơ tán về rất đông vui nhộn nhịp. Chủ nhật ở đây rất vui, bộ đội của các đơn vị đóng gần đấy la cà ở các quán xá. Có một quán nước của một cô chủ xinh đẹp rất đông khách bộ đội lui tới. Chúng tôi gọi là quán của marie Thọ, trong khi anh em xà vào quán thì thu hút tôi lại là một quầy sách báo ngay gần đấy. Hầu như báo chí đều của mấy ngày trước nhưng được cái mua rẻ (tôi còn nhớ báo Nhân dân hay Quân đội nhân dân hàng ngày giá là 7 xu, nhưng vì báo cũ nên tôi chỉ mua có 5 xu bằng một chén nước chè). Thích nhất là vớ được những cuốn Văn nghệ Quân đội giá 4 hào, mặc dù có thể số tạp chí này đã phát hành từ mấy tháng trước nhưng ông bán báo dứt khoát không hạ giá mà giữ nguyên giá bìa. Chỉ có mấy tuần nằm ở xóm Đồng mà tôi cũng đã gom được hơn chục cuốn VNQĐ cùng một lô báo chí.
Trong số những người trở lại đơn vị có Lê Thanh Sơn ở C8/D5/E95 quê Hải Phòng nguyên là sinh viên K15 Toán ĐH bách khoa; Chung D4/E95 quê Thái Nguyên là sinh viên Đại học Kinh tế Kế hoạch. Sơn sau này là đại tá, cục phó cục nhà trường và là Chủ tịch Hội Cựu Sinh viên-Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị và Chung hiện là Cục phó Cục dự trữ quốc gia. Tôi cũng gặp Đồng cùng C3 với tôi, cậu ta quê Thái Nguyên vốn là học sinh trung cấp lâm nghiệp ở Quảng Ninh bị thương ra trước tôi. Sau này Đồng thi vào Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh và lập nghiệp tại đây. Còn phải kể đến Nết ở C20/E101 cùng huấn luyện ở D60/F304 với tôi, Đăng C4/D1 quê ở Thúy Lĩnh, Thanh Trì.
Trước khi đi chúng tôi được cấp bổ sung tăng, võng, xanh-tuya-rông và bình tông nước, đây là những trang bị chiến đấu được trang bị trước khi đi B.
Bà ơi! Hãy đợi cháu về nhé.
Chúng tôi rời xóm Đồng vào một buổi sáng nắng ấm, bà con trong xóm bịn rịn chia tay chúng tôi. Nhớ mãi tình cảm của người dân xóm nghèo giành cho chúng tôi và vùng quê này chính là xuất sứ của bài ca “Tấm áo mẹ vá năm xưa” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.
Hai xe ca chở chúng tôi ra đường một và xuôi về Hà Nội, đã nói trước với trưởng đoàn nên khi đến trước Ga Hàng Cỏ tôi xuống xe và chạy nhanh về nhà. Thật không ngờ hôm nay có cả bố mẹ tôi và cả bà ngoại nữa. Bà tôi năm nay đã ngoài 80 nhưng vẫn đi bộ từ Nguyễn Công Trứ đến thăm con cháu. Bà ơi! Hãy đợi cháu về nhé, chắc ngày đó chẳng còn lâu nữa đâu!
Ở trạm giao liên T1 tại xã Liên Phương, Thường Tín tôi lại được bố trí vào ở ngôi nhà cổ mà hồi tháng 7 năm ngoái đi B đã ở và cũng là ngôi nhà anh Minh ở hồi đầu năm để đi B. Lần này chúng tôi đi bằng tầu hỏa vào Vinh, đoàn chúng tôi cùng đi với một tiểu đoàn quân tăng cường của Hà Bắc, họ nhập ngũ tháng 12/1972 và huấn luyện ở Mai Sưu. Trên đường 1 cùng trực chỉ hướng Nam với chúng tôi là những đoàn xe tải chở hàng, có cả những xe chở quân. Quân trên tầu, quân đi xe mỗi khi đường sắt cà đường bộ chạy sát nhau đều í ới gọi nhau hỏi thăm quê quán và đích đến của nhau: họ B dài, chúng tôi B ngắn.
Chúng tôi nghỉ tại trạm giao liên tại một xã thuộc huyện Hưng Nguyên, gần Thành Phố Vinh để hôm sau lại đi tiếp bằng xe tải quân sự. Vinh đang hồi sinh trên đóng tro tàn của chiến tranh, đâu cũng thấy tranh, tre, nứa, lá để dựng lại nhà cửa trên những nền nhà đã bị bom Mỹ san phẳng.
Qua cầu phao Bến Thủy, chúng tôi vào đất Hà Tĩnh. Cuộc sống thanh bình đang dần dần trở lại về với mảnh đất miền Trung nghèo khó nhưng rất nên thơ này. Chiều tà chúng tôi dừng ở trạm Kỳ Anh để sáng mai vượt đèo Ngang.
Cảnh sắc đèo Ngang là núi, là rừng vươn mình ra phía Đông như muốn níu kéo khoảng xanh vô tận của biển cả vào lòng mình. Thật là tuyệt đẹp. Nắng xuân trải dài hòa quyện mầu xanh của núi rừng với mầu thạch bích của đại dương khiến cho lòng mình xốn xang trước phong cảnh sơn thủy hữu tình này. Đây là lần đầu tiên tôi được dong duổi qua dải đất miền Trung dọc theo đường 1 giữa ban ngày như thế này. Phải nói rằng sau đó mấy chục năm tôi qua đây rất nhiều nhưng cảm giác không được như lần đầu tiên này có lẽ đó là cảm giác tuyệt vời nhất mà sau này chỉ có núi đâu còn những vạt rừng hoang sơ như ngày xưa nữa.
Qua đèo Ngang là đến đất Quảng Trạch, Quảng Bình là những đồi cát trắng nham nhở những hố bom, hố pháo với những vạt phi lao tơi tả bởi bom đạn kẻ thù. Chúng tôi nghỉ tại trạm Ba Đồn ở bắc sông Gianh trong một xóm nhỏ không xa đường 1. Xóm nhỏ này chắc dân mới trở về dựng những ngôi nhà tạm trên những vạt cát trắng, nhà cửa tuềnh toàng, mái lợp lá gồi 4 vách nhà cũng bằng lá gồi được dựng lên để đón gió.
Hàng trăm xe xếp hàng chờ qua phà Gianh, nhưng xe chở quân được ưu tiên qua trước. Sang đến bờ Nam chúng tôi gặp một đoàn xe ca treo cờ giải phóng và băng khẩu hiệu đi ngược lại đó là đoàn xe chở những tù binh của ta được trao trả ở sông Thạch Hãn. Những người chiến thắng trở về này gầy gò, xanh xao trong bộ quần áo mới vẫy tay chào chúng tôi, nhìn họ tôi chợt nhớ tới trận đánh Chợ Sãi hôm đó: liệu có ai trong số anh em cùng đơn vị bị địch bắt không, nếu có liệu họ có mặt trong đợt trao trả lần này không ?
Thị xã Đồng Hới bị bom đạn san phẳng, từ xa đã nhìn thấy tháp chuông nhà thờ còn sót lại, đó chính là nhà thờ Tam tòa.
36 năm sau vào dịp 27/7 2009, đoàn cựu Sinh viên-Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị trên đường từ Quảng Trị ra, đi qua khu vực nhà thờ này đúng lúc có sự kiện giáo dân ở đây bị kích động chiếm nhà thờ. Các lực lượng an ninh làm nhiệm vụ ra chặn xe của chúng tôi bắt đi đường vòng không cho đi ngang qua nhà thờ nhưng nhờ có băng rôn đỏ ở mũi xe: Cựu Sinh viên-Chiến sĩ trở về với Thành cổ Quảng Trị nên được phép đi qua.
Chúng tôi rời đường 1 để lên đường 15. Qua cầu phao Long Đại mà chúng tôi vẫn gọi là Long Đầu bởi đây chính là trọng điểm bắn phá của địch trên trục đường 15. Con đường chiến lược đầy ổ voi, ổ trâu đang ở cuối mùa khô bụi một cách khủng khiếp, có những lúc xe ba cầu bị chúi vào những hố bụi đất ngập gần hết bánh xe. Cứ lắc lư, nẩy lên nẩy xuống dưới cái nắng gay gắt của miền Trung cuối cùng chúng tôi dừng lại tại một ngã tư và tất cả xuống xe.
Đến một vạt rừng cao-su chúng tôi được lệnh dừng tại đây. Vạt rừng cao-su này thuộc Nông trường Quyết thắng của khu vực Bãi Hà. Cảm giác ban đầu được nghỉ lại trong một cánh rừng cao-su đẹp như thế này tưởng là rất dễ chịu dưới cái nắng đầu mùa nào ngờ lại rất oi ả, khó chịu vô cùng, không hiểu tại sao lại như vậy. Sau này mới biết đặc thù ở những rừng cao-su không khí rất nặng nề, đậm đặc. Buổi chiều một cán bộ của trạm khách ra làm việc với trưởng đoàn, nào ngờ đó là thầy Khôi dạy Toán của trường Đại học Xây dựng cùng nhập ngũ với tôi. Tôi xin phép trưởng đoàn vào chỗ thầy Khôi. Ngược theo một lạch nước nhỏ chừng 20 phút chúng tôi đến một lán nhỏ nép mình vào vách núi. Tại đây thầy Khôi ở cùng với hai người nữa: anh San và Thắng. Thắng nhà ở phố Cao Bá Quát, còn anh San qua câu chuyện lại là học sinh của anh Thiện. Anh San là sinh viên K13 Đại học Nông nghiệp 1 lớp Bảo vệ thực vật của anh Thiện. Quả thực không ngờ trái đất lại bé nhỏ như vậy, quanh đi quẩn lại biết nhau cả. Anh San nhập ngũ sau tôi và trên đường hành quân bị sốt rét ác tính phải nằm lại trạm thu dung. Thầy Khôi đã đưa anh San về để giúp việc. Đêm đó 4 chúng tôi hàn huyên rất lâu, mới chia tay nhau có mấy tháng thôi mà biết bao chuyện để kể. Thì ra thầy Khôi đã giúp rất nhiều người khi ở thu dung về nhất là anh em người Hà Nội. Trường hợp Thắng “mỡ” – thằng bạn thân của tôi – cũng thế, nó đã ở đây một thời gian và vừa xuống đại đội trinh sát cách đây ít ngày. Tiếc quá không gặp được nó.
Chúng tôi được xe chở ra trạm Hồ Xá, từ đây các đơn vị của 325 sẽ đón về. Cái đêm ở Hồ Xá đã xảy ra một chuyện không lấy gì làm hay ho cho lắm. Đêm ấy có chiếu phim, anh em trong đoàn rủ nhau đi xem nhưng tôi không đi vì đang viết dở thư gửi về nhà. Sau khi xem phim về tôi biết đêm trước xẩy ra một vụ lộn xộn đánh nhau ở bãi chiếu phim giữa bộ đội với nhau. Sáng hôm sau chúng tôi được lệnh tập trung toàn đoàn để đọc danh sách của từng trung đoàn, một việc rất bình thường. Đột nhiên phía hàng quân của e18 xuất hiện một tốp bộ đội nai nịt gọn ghẽ với đầy đủ súng ống. Người chỉ huy đọc tên ba người ra đứng ngoài hàng, đồng thời 6 người lính với súng ống nói ở trên tiến đến khống chế ba người trong đoàn chúng tôi. Người chỉ huy đọc lệnh bắt giữ những người này vì đã gây rối trong đêm chiếu bóng hôm trước. Thực ra bất cứ một đêm chiếu phim nào mà chẳng lộn xộn vì lính tráng chòng ghẹo chị em địa phương nhưng ở đây quân ta đánh lộn với đơn vị cạo xạ đóng gần đó, nghiêm trọng hơn cậu Cần (E18, quê Thái Nguyên) đã cướp súng của vệ binh và bắn chỉ thiên, ông Hảo là C phó và là phó đoàn vì bênh lính mình mà bị vạ lây. Sau này nghe tin họ bị trả về sư đoàn giam một thời gian rồi bị loại ngũ trả về địa phương.
Lại chia tay với đất Bắc
Tốp về E101 chúng tôi được một cậu truyền đạt của C18 đưa về. Cả tốp có gần chục người hành quân vào Hiền Lương. Sông Bến Hải đây rồi, cầu Hiền Lương bị đổ sụp vì bom Mỹ từ 1967. Nối đôi bờ sông là chiếc cầu phao dã chiến của công binh, hai đầu cầu là hai cột cờ cao vút bằng thép được dựng lại: bờ bắc là cờ Tổ quốc, bờ Nam là cờ Giải phóng. Người qua cầu rất đông và chủ yếu lại là bộ đội. Chúng tôi bước xuống cầu phao, người lính mang quân hàm xanh của Công an vũ trang đứng gác ở đầu cầu phía Bắc yêu cầu chúng tôi tháo hết quân hiệu ngôi sao đỏ trên mũ trước khi sang đến bờ Nam để tránh sự soi mói của Ủy ban quốc tế đang làm nhiệm vụ giám sát.
Đi vào khu phi quân sự mới thấy sự ngẫu nhiên của thiên nhiên được chọn khi con người với mục đích chính trị lấy vĩ tuyến 17 có dòng Bến Hải để làm ranh giới giữa hai miền Nam Bắc theo HĐ Genève 1954: phía Bắc khu phi quân sự là một dẫy đồi cao chạy từ Cửa Tùng qua Vĩnh Thành, ngược lên Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy với cao điểm 74 như bức thành phía Bắc; tương tự như thế ở phía Nam khu phi quân sự cũng là một bức thành từ cao điểm 31 Bắc Cửa Việt chạy qua Dốc Miếu lên Cồn Tiên rồi 241, 544 – đây chính là nơi hàng rào điện tử Mac Namara chạy qua.
Khắp nơi ngổn ngang xác xe tăng, trọng pháo và những chiến cụ còn lại sau đợt tấn công cuối tháng ba năm ngoái. Cây cối đã hồi sinh trên những hố bom, hố pháo, trên những công sự lở loét chất đầy bao cát và dây thép gai. Dốc Miếu là căn cứ pháo binh rất mạnh nằm trên hệ thống hàng rào điện tử Măc Namara đã bị chúng ta nghiền nát ngay trong ngày mở màn chiến dịch giải phóng Quảng Trị 30/3/1972.
Qua khỏi Dốc Miếu chúng tôi đến chợ Hà Thượng họp ngay ven đường 1. Chợ cũng lèo tèo không có nhiều hàng hóa mà chỉ có hàng nông sản. Ở đây bầy bán một loại củ to như bình tích có mầu tía, lá rất giống với lá trầu không, cậu truyền đạt chọn mua một củ nói rằng để nấu canh ăn bữa trưa. Từ chợ Hà Thượng chúng tôi rẽ trái băng qua những đồi cát trơ trụi không một bóng cây. Một xóm nhỏ ở ngay ven đường, chúng tôi nấu nhờ cơm ở một nhà dân trong xóm. Củ khoai tía nấu canh với mì chính ăn lạ miệng rất ngon, tuy không có thịt hay xương nhưng nồi canh rất ngậy và béo. Bà con ở đây mới từ Vĩnh Linh trở về, dựng lại túp nhà bằng những vật liệu nhặt được như tôn, gỗ dán, cọc hàng rào dây thép gai và những mảnh bao cát được khâu lại để che chắn cái nắng gió của mảnh đất này. Chúng tôi được biết đơn vị từ cuối tháng 10 đã rút ra Bắc Quảng Trị để củng cố sau đó lại tiếp tục sang bờ Nam Cửa Việt chiến đấu. Trận chiến đấu giành lại cảng Cửa Việt ngay hôm ký Hiệp định Paris chính là của trung đoàn tôi cùng một số đơn vị bạn.
Chúng tôi nghỉ đêm tại thôn Nhị Thượng, hồi tháng 11 năm ngoái sau khi rút khỏi khu vực Chợ Sãi, An Tiêm, Nại Cửu E101 về đóng ở đây để củng cố trong thời gian ngắn sau đó lại tiếp tục vượt sang bờ Nam Cửa Việt cho đến tận bây giờ. Khung cảnh xung quanh toàn là những trảng cát không một bóng cây, xen lẫn là những khoảng đất trũng mọc toàn giống cỏ lác, phía trước sừng sững cao điểm 31- một quả đồi cũng toàn cát vươn lên giữa biển cát mênh mông. Nhìn những cánh đồng cỏ lác úa vàng vì giờ là mùa khô không còn ngập nước như ngày nào theo đường chuyển thương ra Bắc chợt nhớ lại tất cả những gì đã xảy ra trong quãng thời gian ngắn ngủi vừa qua và mường tượng tới quãng đường trước mặt đang chờ đợi tôi.
Dưới cái nắng đầu mùa rực rỡ, gió từ biển thổi vào lồng lộng cuốn theo những bụi cát mù trời. Trước chúng tôi là mắt sông Cửa Việt với mặt nước xanh biếc và phẳng lặng. Từ bờ này sang bờ bên kia khá rộng phải đến gần 800 mét. Dọc bờ sông không một bóng người, gần đấy chúng tôi thấy có một chiếc xuồng cao-su buộc vào một sợi cáp vắt sang bờ bên kia. Chúng tôi ngồi trên xuồng cao-su và kéo dây cáp để sang bờ Nam. Sang đến bờ Nam đã thấy thấp thoáng những mái nhà lợp tôn sáng loáng dưới ánh sáng mặt trời giữa biển cát mênh mông. Đã nhìn thấy những ngôi nhà bị bom đạn phá hủy, một vết tích của một nhà thờ còn sót lại. Hỏi ra đây là thôn Tường Vân của xã Triệu Vân.
Từ bến sông chúng tôi theo người dẫn đường về E bộ. Những gì còn sót lại của trận chiến bảo vệ cảng Cửa Việt dường như còn nóng hổi: xác xe tăng M48, M41, M113 nằm ngổn ngang dọc theo mép biển, có những chiếc hầu như còn nguyên vẹn. Những công sự bao cát của địch ngổn ngang khắp nơi với vỏ lon bia, vỏ đồ hộp, túi cơm sấy, vỏ súng M72 và các loại thùng đạn. Từ trên đồi cát cảm nhận của tôi với vùng đất mới này là chỗ nào cũng cắm cờ giải phóng, phía cảng Mỹ một cột cờ cao lồng lộng một lá cờ nửa đỏ nửa xanh khổ lớn tung bay giữa biển cát trắng xóa và mầu xanh biếc của biển và trời Cửa Việt. Không xa về hướng Nam những dãy cờ giải phóng chạy dài chênh chếch về phía Tây Nam xen lẫn với những lá cờ vàng ba sọc của địch – đấy chính là tuyến giáp ranh giữa ta và địch theo Hiệp định Paris.
…
(Còn tiếp)
17
NGƯỢC DÒNG KÝ ỨC (17)
(Tiếp theo)
Lại về với C3
Chúng tôi tạt vào một nhà âm giữa những cồn cát, đây là quân lực của trung đoàn. Người cán bộ quân lực đón chúng tôi cho biết tốp về 101 không dính dáng gì về chuyện xảy ra ở Hồ Xá hôm trước. Chia tay Nết về C20 và hai cậu về D3; tốp về D1 còn hai người ở C2, hai người C3, một ở C4 lại đi tiếp. Có một cán bộ của D1 lên họp và chúng tôi theo anh ta về tiểu đoàn.
Tiểu đoàn 1 đóng ở thôn Lệ Xuyên, ngay cạnh một lạch nước lợ trong vắt. Nơi tiểu đoàn bộ đóng cũng đã thấy những nếp nhà lợp tôn của dân trở về dựng tạm trên nền nhà cũ. Người trợ lý quân lực của D nhìn thấy tôi đọc luôn cả họ lẫn tên và những thông tin trên trích ngang. Còn những anh em khác anh ta chỉ hỏi tên và tra sổ. Thấy tôi ngạc nhiên vì đây là lần đầu mới gặp anh ta mà anh lại biết tôi rõ thế. Anh ta cười bảo “Riêng việc ông đeo kính đi đánh nhau là chúng tôi biết ông là ai rồi”. Thế đấy việc nhớ tên của cán bộ quân lực thì đây là nghề nghiệp của họ, ngoài ra họ còn phải biết những đặc điểm riêng nữa, thật là bái phục.
Từ D bộ 1 tôi được chỉ đường vể đại đội. Ra khỏi xóm gặp đường 4 được đổ bê-tông xi măng rất dầy trên nền cát mà pháo và bom đào những hố rất lớn trên mặt đường khiến cho những tảng bê-tông chồng chất lên nhau, tôi đi về phía cảng chừng một cây số thấy bên phải nhấp nhô mấy gò cát cao với một cái lều bạt dã chiến được dựng giữa một đám cỏ dại hiếm hoi ở nơi cát trắng này – đấy chính là 4 mỏm là tên lính tráng đặt tên còn trên bản đồ có tên là điểm cao 5.2 – đó là nơi C3 của tôi chốt giữ.
Người đầu tiên tôi gặp là Trình ba toác – cái tên từ khi còn huấn luyện. Trình trước là giáo viên cấp hai quê Lập Thạch, Vĩnh Phú, khi ở huấn luyện là B phó, vào đến đây là B trưởng, giờ là C phó. Trình cho tôi biết số người cũ chẳng còn mấy: mấy thằng cùng trường như Chiến, Sơn ra học Đại học kỹ thuật quân sự, số anh em chiến đấu với nhau người thì hy sinh, người bị thương đi viện.
Thằng M. đảo ngũ ngay cái hôm vào trận, nó là cái thằng khi huấn luyện ngoài Bắc luôn luôn tỏ ra mình là một người cấp tiến, cứ leo lẻo cái mồm, phát ngôn như một chính trị viên thực thụ lại còn lên mặt phê phán tôi và mấy người khác về tội phát biểu không có lập trường. Khi về cùng C3 nó ở B2, tôi ở B1, mãi cho tới đêm vào trận tôi mới thấy mặt nó khi nó bắt tay tôi động viên “Cố gắng nhé”. Chuyện đi hay ở là chuyện của nó nhưng nó đừng có vơ vét hết quân tư trang của anh em để chuồn. Về sau tôi mới biết khi nó ra đến Gio Linh, Cam Lộ gì đó thì bị bắt đưa về một đơn vị vận tải. Cho tới năm 1975 khi tôi về trường thì nó đã về trường từ lúc nào, nó có đến hỏi thăm tôi sau đó mất dạng. Nghe nói nó bây giờ đang giữ một trọng trách về xây dựng hay giao thông gì đó ở một tỉnh gần Hà Nội. Trận đó Triệu mất tích hiện đang ở diện nghi vấn. Bắc “điếc” chết rồi, nó đi tải đạn về gần hầm không nghe tiếng xoẹt của pháo, nếu như thằng Th. kéo nó vào ngay thì cũng chưa chắc đã chết. Một mảnh pháo phạt vào gáy, tội quá. Nhớ đến nó tôi nhớ tới những lúc nó tần ngần giở những tờ bạc không kịp gửi về cho mẹ và khi nó cứ lầm bầm đọc kinh mỗi khi pháo địch dội trên hầm.
Tôi nhìn thấy cái ba-lô của tôi ở góc hầm, Trình đang dùng nó. Những ngày chiến đấu anh em thường lấy những quân trang của những người đi viện để dùng. Tôi hy vọng những cuốn sách của tôi nhặt được vẫn còn nhưng chẳng còn gì ngoài cái ba-lô vẫn đề tên tôi trên nắp. Đổi cho Trình cái ba-lô mang từ Bắc vào, tôi lấy lại cái ba-lô cũ, với nó tôi cảm nhận tất cả những gì từ khi nhập ngũ.
Nếu ai có dịp qua nhà tôi, tôi sẽ cho các bạn xem cái ba-lô thủng lỗ chỗ vì mảnh pháo đó cùng những gì tôi còn giữ lại cho đến bây giờ như như hăng-gô, bình tông, xanh-tuya-rông, dao găm… những đồ này sau này mới có. Nhưng quý nhất là chiếc ba-lô suốt từ khi nhập ngũ 27/5/1972; cái thìa US, cái mở đồ hộp và bật lửa Zippo là những chiến lợi phẩm vẫn nóng hổi của trận chiến cho đến bây giờ.
Cảm giác trên đường trở lại đơn vị nao nức bao nhiêu thì khi về đến đơn vị lại buồn bấy nhiêu. Cánh Đông tạm thời ngưng tiếng súng, sự chia sẻ đồng cảm nhau trước cái chết tạm thời lui ra thay thế vào đó là mối quan hệ đồng hương, bè phái mà xuất phát từ những ý nghĩ địa phương, cục bộ của một số cán bộ. Ông Tr. giờ là C viên trưởng, trong thời gian đánh nhau đã có lúc sợ quá đến nỗi đi vệ sinh ngay trong hầm và sai liên lạc đem đổ. Giờ ông ta huênh hoang khoác lác trước những đồng hương là lính mới bổ sung về những ngày đánh nhau ở ven Thành Cổ mà không một chút ngượng mồm. Mà hình như ông ta rất dị ứng với tôi khi biết tôi nắm rất rõ cái sự tích ống cóng đó. Biết tôi bơi tồi nhưng ông ta vẫn cử tôi đi theo bè chở vật liệu từ Ái Tử hoặc chở gỗ từ thượng nguồn Bến Hải về Cửa Việt. Mỗi lần đi như thế anh em giúp tôi rất nhiều nhất là khi đi bè tôi thường được vác ba lô lương thực, thực phẩm đi ven sông để chuẩn bị chỗ ăn nghỉ cho anh em.
Đơn vị hầu như toàn những người mới là quân bổ sung từ Thanh Hóa, Hải Phòng, Nam Hà. Tôi lại về A3, tiểu đội hầu như người mới cả. A trưởng là Hảo quê Nghĩa Hưng, Nam Hà đồng hương với ông Khảm C trưởng. Cậu ta thuộc quân U38 của Nam Hà tăng cường cho đơn vị sau trận Cửa Việt. Tiểu đoàn này ngoài những tân binh còn có một số anh em lính cũ trong diện thu dung. Số quân Hà Nội ngoài tôi còn có hai người nữa là D. và S. cũng là diện thu dung trở về. Số người đã tham chiến ở An Tiêm, Chợ Sãi, Nại Cửu bị thương trở về cũng không còn nhiều. Có một điều đặc biệt số quân Hải Phòng khá đông nhưng lại tập hợp lại theo kiểu bè đảng khống chế những anh em khác. Ngay ngày đầu tiên trở về tốp quân Hải Phòng này đã cho người gây sự với tôi theo kiểu dằn mặt lính cũ. Hôm đó sau buổi tập trung cả C, thằng C. ở B2 cố tình huých tôi, khi tôi hỏi “Sao vậy ?” liền đó hai, ba thằng xông vào dùng mũ cối đập tôi, tôi né tránh được, nhưng sau đó phải chịu trận vì một thằng xông lại ôm lấy tôi. Trước tình thế đó tôi quẫy ra được và quay ngay mũi khẩu AK ở trên vai lên đạn chĩa vào chúng nó và quát “Muốn chơi nhau thì một chọi một, còn chơi hội đồng tao cũng chơi! Chết tao cũng chẳng sợ nói gì mấy thằng hèn”. Chúng nó lui ra ngoài, và lảng ra khi mấy vị cán bộ C xuất hiện. Bản lĩnh được tôi luyện khi sinh ra và lớn lên ở khu ga Hàng Cỏ khiến tôi không ngán mọi sự va chạm nào nhưng tâm trạng rất buồn vì mối quan hệ đồng đội như vậy, cán bộ của đơn vị hình như né tránh những chuyện như thế. Buổi chiều, tôi lên thẳng hầm C bộ và thẳng thừng tuyên bố: sẽ không chịu trách nhiệm những gì sẽ xảy ra một khi chuyện sáng nay lặp lại. Các ông ấy bảo tôi về và sẽ xem xét giải quyết, nhưng rồi chuyện đó cũng bèo dạt mây trôi không thấy quay trở lại.
Từ “4 mỏm” ra Ái Tử, Đông Hà
Cuối tháng 1/1973, sau Hiệp định Paris ta đập tan tham vọng chiếm lại cảng Cửa Việt của địch, tiêu diệt lữ đoàn đặc nhiệm 147 Thuỷ quân lục chiến với hơn 100 xe tăng và xe bọc thép của chúng, đẩy chúng về vị trí cũ trước khi Hiệp định được ký kết, khu vực Nam Cửa Việt tạm thời im tiếng súng. Trung đoàn chúng tôi chấn giữ một dải cát trắng từ Lệ Xuyên, Long Quang, Thanh Hội ra tới cảng. Những ngày này đơn vị phải làm nhiệm vụ trực tiếp tiếp xúc với địch, sẵn sàng chiến đấu tại tuyến giáp ranh đồng thời phải xây dựng tuyến phòng thủ Nam Cửa Việt để bảo vệ tuyến vận tải huyết mạch từ biển qua Cửa Việt để ngược lên cảng Đông Hà. Khu vực Nam Cửa Việt chỉ có những cồn cát trắng đến nhức mắt, xây dựng công sự chiến đấu ở đây cực kỳ vất vả vì luôn luôn bị gió cát vùi lấp. Chúng tôi phải thay phiên nhau cử người ra Ái Tử để khai thác vật liệu như ghi sân bay, cột điện gỗ thông, vỏ thùng phuy, bao cát, cọc dây thép gai, dây thép gai, lưới chống B40, gỗ dán. và tất tần tật những gì có thể lấy được ở cái dạ dày này cho xuống bè để xuôi về Cửa Việt. Ngày ấy ở Cửa Việt với những cồn cát nóng bỏng dân cư thưa thớt, suốt từ 7 giờ sáng cho tới 4 giờ chiều chỉ có một thứ gió từ miền Tây thổi về, gió thổi phần phật nhiều lúc như bão cuốn theo những luồng cát bỏng rát lấp đầy các công sự hầm hào. Muốn ăn được bát cơm không bị trộn cát chỉ còn mỗi hai cách: thứ nhất là chui xuống hầm, thứ hai là chui vào màn. Gió cát dữ dội đến nỗi sau một vụ mưa các công sự được làm bằng ghi sắt gỉ vàng nhưng chỉ có vài ngày những tấm ghi được cát đánh sạch bong. Có những đợt gió mạnh làm cho những cồn cát di chuyển nhiều khi lấp hết cả hầm hào công sự. Nắng nóng, gió cát và bọ chét là ba đặc sản thứ thiệt mà lính cánh Đông được hưởng miễn phí, thằng nào thằng ấy cũng đen cháy, chân tay toàn những vết thâm tím do bọ chét cắn, thằng nào dữ da thì chân tay lở loét. Nhớ lại dịp đoàn Văn công hải quân vào biểu diễn phục vụ các đơn vị tại Nam Cửa Việt, nhìn những diễn viên múa với những vết bọ chét cắn để lại trên thân thể sao mà ái ngại đến thế.
Tuy đóng quân trên vùng cát trắng nhưng nước ngọt lại không đến nỗi thiếu, mỗi tiểu đội đào hai giếng nước sâu chừng một mét là có nước dùng. Nước ngọt, trong và mát cứ múc hết lại đầy. Những giếng này chúng tôi phải quây bằng bao cát được đào dưới chân những đụn cát. Từ bốn giờ chiều trở đi là gió từ biển thổi vào mát rượi, thời gian này có thể rời công sự để hít thở không khí trong lành. Bữa cơm thiếu rau vì chẳng có giống rau nào chịu được cái nóng và gió cát. Có những gò cát mọc những đám cây dại trong đó có một loại cây lá chua, chúng tôi hái về nấu canh với thịt hộp lõng bõng. Ngoài ra có một món thay rau đó là xương rồng bà. Loại xương rồng này bẹt có gai nhọn, phải tước hết vỏ, ngâm cho hết nhựa trong nước vôi loãng, sau đó đem phơi khô như phơi củ cải. Ngon thì chẳng ngon lành gì nhưng đánh lừa được cảm giác thiếu rau.
Mấy chục năm sau qua đài, báo cho biết vùng Ninh Thuận, Bình Thuận có những thời kỳ dài không mưa, khô hạn đến nỗi cỏ cũng không mọc được, người dân ở đây phải đốt xương rồng để cho cừu ăn thay cỏ. Họ không thể biết rằng đã có những người lính đã lấy xương rồng để thay rau trong những năm tháng gian khó của cả dân tộc.
Đi công tác lẻ dễ chịu hơn ở nhà nhiều, chính vì thế được cử ra Ái Tử để lấy vật liệu là sung sướng lắm rồi. Rồi những chuyến đi ra tận thượng nguồn của Bến Hải để khai thác gỗ đưa về. Làm cái nghề sơn tràng vất vả lắm nhất là trong tay chỉ có dao tông nhưng được cái thoải mái không họp hành, không kiểm điểm. Lúc đó Ái Tử và nhất là Đông Hà như là hậu phương vì có dân, có chợ búa, hàng quán. Đông Hà ngày ấy vui lắm, trên bến dưới thuyền và những đoàn công tác dân chính từ Bắc vào đều dừng chân ở đây. Ái Tử và Đông Hà là nơi dễ gặp gỡ của bạn bè từ các đơn vị khác nhau.
Từ Nam Cửa Việt để ra Ái Tử chúng tôi ngược đường 4 ra đến Đại Hào đi xuyên qua các làng xóm đang hồi sinh trở lại của các xã Triệu Đại, Triệu Thuận, Triệu Long rồi vượt sông sang thôn Trà Liên Tây. Mỗi chuyến đi lấy vật liệu như thế thường kéo dài một tuần. Nghỉ tại nhà dân, ăn uống thì nấu lấy mà ăn. Nhiều khi gửi gạo để ăn cùng với dân. Dân từ Vĩnh Linh trở về dựng tạm lại nhà trên nền cũ đã bị xập, nhưng được cái cũng dễ kiếm vật liệu để dựng lại chỗ trú mưa, trú nắng. Thôn Trà Liên Tây nằm ven sông Thạch Hãn. Buổi trưa ở đây nắng như lò lửa thiêu đốt nhất là dưới những mái tôn hầm hập, làng xóm cây cối bị bom đạn phạt trụi cả duy chỉ còn những rặng tre ven sông là tránh được cái nóng. Mà cũng lạ chính những rặng tre lại rất nhanh chóng hồi sinh sau những trận mưa bom bão đạn.
Một buổi trưa tháng 5/1973, tôi vác một bó cọc dây thép gai trên đường từ sân bay về nơi tập kết vật liệu khai thác được tại bờ sông, khi đi ngang qua đoạn cuối của sân bay gặp một đơn vị bộ đội đang tập các động tác luồn qua các hàng rào dây thép gai. Họ là lính trinh sát qua trang phục được khâu thêm những sợi vải để buộc lá, cỏ ngụy trang và những khẩu AK báng gấp. Chợt một giọng thất thanh “Có mìn!” khiến những người đang đứng xung quanh để thị phạm đều nằm ngay xuống đất. Một giọng nói miền Nam cất lên như hát “Các em cứ yên tâm! Đã có anh đây”. Một người chững tuổi có lẽ chỉ huy tốp trinh sát đó bò tới bên cạnh người lính đang nằm phủ phục phát hiện ra quả mìn còn sót lại, với động tác thành thục, người chỉ huy đã tháo được kíp của một quả mìn sát thương bộ binh. Trong tốp trinh sát đó tôi nhận ra An đen. An học lớp Cảng 15 nhập ngũ cùng chúng tôi nhà ở Hàng Thiếc. Rất vui khi gặp lại nhau kể từ khi rời Ái Tử để vượt sông về trung đoàn. An về C17 công binh của trung đoàn cùng với Long 15 Cầu đường, Đức 13 Vật liệu, Đức 15 Cảng, Động cận 15 Xây dựng, Vượng 15 Công trình, Tuấn 15 cầu, Ngự 14 Cầu, Thé 15 Thủy lợi. Tháng 11/1972 An đen và Hùng côn ở C1 được rút lên Sư đoàn làm lính trinh sát. Hiện tại An đang ở C20 trinh sát của Sư đóng ở Trà Liên Tây gần bến tập kết vật liệu của chúng tôi, còn Hùng côn hiện đang ở A12 trinh sát kỹ thuật của Sư đóng tại Tân Vĩnh cách hơn chục cây số. An cho biết số anh em về C17 có Tuấn, Ngự và Thế hy sinh; Long, Vượng, Đức 15 Cảng ra học ở Đại học Kỹ thuật quân sự cùng đợt với Chiến, Sơn ở C tôi, Phùng C1 và Nghĩa ở thông tin tiểu đoàn. An hẹn với tôi sẽ đi thăm Hùng côn ở trên Sư bộ.
…
(Còn tiếp)
L.X.T