NGƯỢC DÒNG KÝ ỨC kì 5 – Ghi chép của Lê Xuân Tường

Chiếc thìa US này đã theo tôi suốt bao nhiêu năm kể cả khi bị thương trên đường ra viện chỉ có duy nhất một bộ quần áo đẫm máu trên người nhưng túi quần sau có gài cái thìa, rồi những năm 80 nó cũng theo tôi sang Campuchia làm chuyên gia giáo dục và bây giờ vợ tôi để nó trong tủ đựng bát đĩa, mỗi khi mở tủ ra nhìn thấy người bạn bằng i-nox này lòng lại chộn rộn lên những chuyện cũ không thể nào quên…

Chiếc thìa US này đã theo tôi suốt bao nhiêu năm kể cả khi bị thương trên đường ra viện chỉ có duy nhất một bộ quần áo đẫm máu trên người nhưng túi quần sau có gài cái thìa, rồi những năm 80 nó cũng theo tôi sang Campuchia làm chuyên gia giáo dục và bây giờ vợ tôi để nó trong tủ đựng bát đĩa, mỗi khi mở tủ ra nhìn thấy người bạn bằng i-nox này lòng lại chộn rộn lên những chuyện cũ không thể nào quên.

Ngày đầu tiên về đơn vị chiến đấu.

Ánh sáng chiếu qua cửa hầm làm tôi choảng tỉnh dậy, không gian yên ắng vắng tiếng bom và pháo, Phồm và một cậu béo lùn (tôi đoán đó là Bình) đang hí húi bắc bếp nấu cơm trong góc nhà kề ngay miệng hầm. Chúng tôi đang ở trong một ngôi nhà đã đổ sập dìa một ngôi làng tan hoang vì bom đạn. Phía trước mặt là cánh đồng chi chít những hố bom, hố pháo. Đập vào mắt tôi trên bức tường còn sót lại một dòng chữ ngay ngắn rất đẹp viết bằng than củi một câu tiếng Nga rất nổi tiếng : “POДИHA ИЛИ УMEPETЬ” – Tổ quốc hay là chết. Rõ ràng ở đây đã có sự hiện diện của những người lính Bắc nào đó phải là sinh viên đại học mới có thể viết được những dòng tiếng Nga như vậy. Được biết Phồm và số anh em Hải Hưng về đơn vị khi còn ở Hà Bắc, trong đơn vị có một số anh em đại học – như Phồm nói nhưng đến giờ bị thương vong chỉ còn lại mấy người mà thôi. Bữa cơm đầu tiên tại đơn vị giữa không gian ngổn ngang đổ nát khét lẹt mùi thuốc súng, mỗi thằng một góc xúc vội thìa cơm với ruốc mặn chẳng có rau cỏ gì cả.

Thấy anh Tạo từ phía sau đi sang, anh đi hội ý ở bên đại đội về, ngồi thụp bên bếp kéo một hơi thuốc lào và cho biết sơ qua tình hình : đơn vị đang ở thôn Đầu Kênh, xã Triệu Long, quận Triệu Phong. Số quân chúng tôi từ D60/F304B bổ sung đêm qua rải khắp các đơn vị của E101. Về C3 này có khoảng hơn chục người trong đó có Trình ba toác khi huấn luyện là cán bộ trung đội vào đây là trung đội trưởng trung đội 1 (B1) của tôi, anh Tạo cũng là cán bộ khung ở huấn luyện giờ là B phó B1, Tiến lớp Nước 15 ở tiểu đội 1 (A1), Chiến lớp Công trình 15 ở A2, Mẫn lớp Đường 15 ở B2 cùng với Triệu người dân tộc ở Việt Bắc, Sơn trắng lớp Cầu 15 ở A cối còn tôi ở A3. Anh Tạo được phân công ở với A3 và nằm cùng hầm với Phồm và Bình. Trong thời gian đang củng cố cứ đêm xuống chúng tôi có nhiệm vụ đi lấy gạo, thực phẩm, vũ khí, đạn dược từ bến sông hoặc đưa cơm và đạn dược cho các đơn vị đang ở trong chốt cũng như đưa thương binh, liệt sĩ về phía sau.

Hầm của đại đội (C bộ) ngay phía sau hầm chúng tôi cách độ ba chục mét. Được anh em cũ cho biết buổi sáng mật độ oanh kích của địch ít hơn ban đêm nên tranh thủ lên mặt đất thở hít không khí, tắm táp và củng cố lại hầm hố. C3 của tôi do thượng sĩ Nông Quốc Sủi người Tày Lạng Sơn là đại đội trưởng. Trước đấy anh ở C4 hỏa lực của tiểu đoàn được điều sang vì ban chỉ huy C3 bị thương vong hết cả. Chính trị viên trưởng (CV trưởng) cũng tên Trình là cán bộ khung của tốp quân Nghệ An vào trước tôi một ngày. Ông Sủi nhìn thấy tôi đeo kính cười ha hả “Thằng A3 thêm một thằng đui rồi, hôm trước có thằng Bắc điếc và thằng Bình lé nay lại có mày đeo kính. không biết rồi đánh chác ra sao đây.”. Thảo nào sáng nay lúc ngồi ăn cơm, hỏi chuyện thằng Bắc nhiều lúc nó không trả lời, khi nói nó phải nghiêng tai về phía người nói. Còn thằng Bình đúng là đi xe máy solex (cách nói vui chỉ người mắt bị lác).

Hầm A cối của đại đội gần ngay hầm của C bộ, Tú A trưởng A cối người Đức Thọ, Hà Tĩnh dáng người nho nhã, trắng trẻo đang hướng dẫn Sơn và mấy người khác thao tác sử dụng cối 60 li – hỏa lực chính của đại đội. Sau gần một tháng chiến đấu, A cối chỉ còn mỗi Tú, có hai cối 60 ly thì một bị trúng đạn pháo của địch, khẩu cối còn lại của đại đội cũng bị thương do mảnh pháo chém vào thân nên khi bắn phải lựa chiều quả đạn. Mấy ngày sau, A cối của Sơn vào chốt tăng cường hỏa lực cho C1 nên được thay bằng khẩu cối của C1 (A cối của C1 bị thương vong hết). Tú nhập ngũ 6/9/1971, trước đó đi xuất khẩu lao động ở Liên Xô về, anh có giọng hát rất hay nhất là nhạc vàng. Anh hy sinh tháng 10/1972 lúc 24 tuổi. 29 năm sau chúng tôi tìm thấy mộ của anh tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Triệu Long và có gửi thư báo cho địa phương theo địa chỉ trên bia mộ nhưng không thấy hồi âm ( ?).

Trường hợp chúng tôi tìm ra quê nhà Tú cũng là một câu chuyện xin kể ở đây. Trên bia mộ của Tú tại Nghĩa trang Liệt sĩ Triệu Long có ghi : Phạm Thanh Tú quê tại Phố Lâm, Phước Thọ, Thị xã Hà Tĩnh. Chúng tôi đoán là quê Đức Thọ nhưng cả huyện không có thôn nào là Phố Lâm. Một lần tôi phát hiện một cô đồng nghiệp quê Hà Tĩnh và tìm ra ở Thị xã Hà Tĩnh có phố Lâm Phước Thọ. Điện hỏi đến nơi thì gia đình đã không có ai ở phố này nữa. Qua sở Thương binh xã hội chúng tôi tìm ra người anh trai của Tú đang nhận tiền cúng giỗ hàng năm. Ngày 14/4/2012 tôi và Phạm Chiến cùng mấy người bạn lên đường vào Hà Tĩnh để tìm đến gia đình Tú. Trên đường qua Vinh chúng tôi đón Thái Hồng Sơn đang làm công trình tại đây và cùng đi. Phần mộ của Tú được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Núi Nài, Thành phố Hà Tĩnh. Gia đình người anh của Tú kinh tế cũng khá giả nên bàn thờ bạn mình cũng đẹp đẽ không đến nỗi như một số gia đình Liệt sĩ khác.

Vạt đất trước hầm C bộ có khoảng hơn chục ngôi mộ bị trận bom pháo đêm qua cầy xới lên, mấy người đang vun lại các ngôi mộ, chôn lại các tấm bia làm bằng tôn. Đất ở đây tơi xốp có lẽ do bom đạn cầy đi xới lại nhiều lần. Một cậu dáng bé loắt choắt, mắt to da đen sạm nhưng khuôn mặt lại rất láu lỉnh – đó là Thủy là liên lạc của C bộ. Cậu ta quê Nam Hà là lính cũ đi từ Hà Bắc giống như Phồm. Chúng tôi là đợt bổ sung thứ tư sau đợt quân Thái Bình, Quảng Ninh và Nghệ An. Hiện tại sau khi bổ sung đại đội có chưa đầy hai chục tay súng. Sau gần một tháng chốt ở An Tiêm chống chọi với tụi Thủy quân lục chiến ngụy và bị thương vong nhiều. Giờ được lui về phía sau để bổ sung quân số. Thủy còn cho biết số thương vong của đại đội chủ yếu do bị bom pháo vòng ngoài, vào trận thì dính nhiều do cối cá nhân M79. Sau này Thủy và tôi cùng bị thương, hai anh em dìu nhau theo đường chuyển thương ra tới Nghệ An.

Phồm tiểu đội trưởng của tôi kém tôi hai tuổi. Một người ít nói nhưng nhanh nhẹn, hút thuốc lào liên tục cho biết số quân Hải Hưng hiện tại chỉ còn cậu ta và Thuận ở B2. Người hy sinh, người bị thương đi viện, cả đại đội chỉ còn mấy tay súng. Đấy là tình trạng chung của đơn vị sau khi ở chốt ra ngoài củng cố.

Tôi vẫn nhớ tới Phồm khi vào trận với vẻ mặt đanh lại tay lăm lăm lựu đạn đánh trả các đợt phản kích của địch nhưng luôn đưa mắt về phía chúng tôi với ánh mắt động viên. Chính Phồm là chỗ dựa tinh thần cho tôi khi vào trận đầu vượt qua được nỗi sợ hãi khi xung quanh chỗ nào cũng thấy địch. Năm 2007 tôi có về quê Phồm. Nó giờ chẳng còn nhớ được gì, Quang “ấm” cho biết mấy năm trước Phồm là một tay bắt ba ba có hạng nhưng một lần không biết vì sao nó dùng dao tự thọc vào bụng mình. sau khi ở viện về nó chỉ ngồi một chỗ nhớ nhớ quên quên. Nhắc tên tôi và Chiến nó vẫn nhớ : Chiến và Tường đều học đại học, Tường còn đeo kính. nhưng khi chỉ vào mình tôi hỏi : “Đây có phải Tường không ?”. Nó lắc đầu quầy quậy : “Tường gầy và đeo kính.”. Nhìn bạn ngồi thu lu trong ngôi nhà nhỏ chỉ có hai gian, tường vách vẫn để nguyên, chưa đủ tiền để trát tôi xót xa quá, vét hết số tiền trong túi được mấy trăm đưa cho vợ Phồm mà nghẹn lại không thể thốt lên lời. Ôi số phận những chiến binh quả cảm 30 năm sau cuộc chiến là như thế này đây !

Lào, Bình, Bắc quê Nghệ An (Diễn Châu và Quỳnh Lưu) đều chưa tham chiến vì vào trước chúng tôi có một ngày. Bắc là dân đạo gốc, chính vì thế những đêm trong hầm mỗi khi pháo địch bắn dữ dội thì nó lại lầm rầm đọc kinh cầu nguyện. Bắc nhà nghèo lắm bố mất sớm, khi đi bộ đội mẹ cho ăn no một bữa cơm không độn. Lúc lên đường gia đình, họ hàng gom góp cho cậu ta ít tiền, Bắc không dám tiêu, hy vọng trước khi đi B được về phép sẽ đưa hết cho mẹ. Nhưng rồi phép không được đi, số tiền Bắc mang theo vào đây không gửi về cho mẹ được làm cho cậu ta nhiều lúc ngồi trong hầm tần ngần với những đồng bạc trong tay. Bắc tuy nặng tai nhưng được cái rất nhớ đường nhất là về ban đêm. Đêm nào phải vào chốt đưa cơm và tải thương ra hoặc đi lấy lương thực, vũ khí ở bến sông có cậu ta thì rất yên tâm không bị lạc.

Đã có đêm đi lấy gạo về đến giữa đường bị pháo kích, chúng tôi chạy thục mạng, tôi lao vào một bụi tre gai lớn bị bật gốc, ba-lô gạo trên lưng vướng vào các tay tre ở thế tiến thoái lưỡng nan không tài nào ra được. Khi về đến hầm không thấy tôi, Bắc cùng Lào quay trở lại đúng chỗ bị pháo kích và phải phát chặt đến gần một giờ đồng hồ mới lôi tôi ra được khỏi bụi tre gai. Bắc hy sinh tháng 10 khi đi lấy đạn về bị pháo bắn nhưng do không nghe thấy tiếng rít xoẹt trên đầu để lăn xuống tránh, một mảnh pháo chém vào gáy cậu ta. Còn Lào hy sinh khi đánh nhau ở Chợ Sải. Mộ của Bắc ở Nghĩa trang Liệt sĩ Triệu Long, còn Lào thì không tìm thấy xác như tôi đã nói ở phần trên.

Trần Văn Bắc quê tại xã Sơn Hải, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Đầu tháng 7/2011 tôi và Phạm Chiến tìm đến quê của Bắc, một xóm đạo nghèo của xã Sơn Hải. Trước đó nhiều năm anh trai của Bắc đã đưa bắc về quê nhưng không biết l‎ý do gì lại không đưa vào Nghĩa trang Liệt sĩ mà phần mộ đặt chính ngay sân nhà phải chăng Nghĩa trang Liệt sĩ địa phương không cho đề tên thánh của Bắc trên bia mộ mà nghĩa trang xóm đạo không chấp nhận danh xưng Liệt sĩ nên người anh trai đã xây mộ tại sân nhà với đầy đủ danh xưng “Liệt sĩ Phê-rô Trần Văn Bắc…” Anh trai Bắc đã mất giờ chỉ còn người chị dâu cùng các cháu ở trong một ngôi nhà xập xệ.

Hầm của Chiến dưới lùm tre te tua vì bom đạn nhưng lại gần giếng nước tiện cho sinh hoạt. Chiến lôi ra một nồi thịt bò thơm nức, thì ra tiểu đội nó cải thiện bằng cách đi săn. Ở đây bò, trâu vô chủ nên còn sót lại có thể săn bắn để cải thiện. Thì ra cánh đồng trước mặt hầm của tôi có rất nhiều xác trâu bò chết do bom pháo địch mà có thể cũng do quân ta bắn để cải thiện. Tôi và Chiến sẽ đi săn với nhau để có cái ăn và đồng thời tìm hiểu nơi mình đang ở để thỏa chí tò mò.

Cách hầm của Chiến khoảng hai chục mét là hầm của Tiến ở bên trong một khu vườn. Giữa vườn là một ngôi nhà khá đẹp có hành lang chạy xung quanh. Có lẽ đây là ngôi nhà còn khá nguyên vẹn vì mái chưa bị xập chỉ bị xô ngói. Ngôi nhà này là nơi trú ngụ của hai bà cháu : bà cụ yếu không đi được phải nằm lại, cô cháu gái phải ở lại chăm sóc. Họ ở dưới hầm ít khi lên khỏi mặt đất, anh em bộ đội thỉnh thoảng đưa gạo, ruốc cho họ.

Những ngày ở cứ

Chuyện đi săn cải thiện cũng nên kể lại đây. Buổi sáng khu vực chúng tôi đang ở tương đối yên tĩnh vì hầu như không có bom pháo của địch. Phồm cho phép tôi đi kiếm thịt, rau để cải thiện bữa ăn và khuyên tôi về trước buổi trưa vì địch hay oanh kích vào giờ chiều đến suốt đêm. Chiến và tôi mỗi thằng một khẩu AK, nai nịt đầy đủ dao lê, bình tông.một bao cát để đựng những thứ kiếm được. Những xóm làng xung quanh vắng tanh không một bóng người ngay cả đến bộ đội cũng không thấy một ai. Cây cối đổ ngổn ngang rậm rì, luồn lách qua rặng tre chúng tôi vào làng. Ở đây có nhiều rau rền, mùng tơi, rau đay và cả rau muống trong những vạt ruộng nước dìa làng. Vơ vội đám rau nhét vào đầy bao tôi bước bào một ngôi nhà mái tốc hết ngói, các vì kèo nghiêng ngả siêu vẹo nhưng còn giữ lại được hai chái còn khá nguyên vẹn. Đồ đạc tan hoang chẳng còn gì, tôi tìm trong đống giấy tờ, sách vở hy vọng kiếm được cuốn sách nào đó để đọc chơi nhưng không có chỉ toàn vở viết bài của học sinh cấp một.

Trong bếp bị sập tôi phát hiện có hai hộp dầu đậu nành (in chữ Việt) còn nguyên của Quân tiếp vụ. Thế là có cái để nấu nướng và thắp đèn rồi. Có tiếng AK nổ gần làm tôi giật thót ngồi sụp xuống chĩa súng về phía cửa. Đấy là phát súng của Chiến bắn một con chó nhưng không trúng, con chó nhanh chân lủi vào bụi rậm. Rồi chúng tôi cũng bắn được hai con lợn choai choai trong một đàn có đến 5, 7 con. Giống này đã sống hoang rồi nên nhanh lắm bắn được cũng vất vả. Có hôm chúng tôi phát hiện có mấy con bò đang gặm cỏ ỏ bãi B52 gần đấy, nhưng do bom đạn và bị săn nhiều nên mấy con bò thấy thoáng có bóng người là chạy thục mạng. Một lần sau khi bắn được một con chó đen khoảng 7, 8 cân, trên đường về thì bị B52, hết một loạt hai thằng lao vào những hố bom còn nóng hổi thì những loạt tiếp theo rơi trúng chỗ trúng tôi vừa nằm. Chậm chút nữa thôi là hai thằng ăn đủ cả, thế mà khi nằm trong hố bom Chiến tiếc con chó còn thò tay lên kéo xuống hố trong khi khói bụi, mảnh bom và đất đá bay rào rào xung quanh. Về tới nhà hai thằng lấm lem toàn bùn đất. Sau khi nấu nướng đem chia cho các hầm nhưng hầm đại đội không ăn mà còn bị ông Sủi mắng vì tội bắn chó đen là điềm không lành. Còn chúng tôi vẫn cứ chén vì còn hơn nhai cơm với ruốc mặn và mắm tôm khô.

Ngày 2/9/1972

Đêm 2/9 pháo địch bắn dữ quá như để chào mừng ngày Quốc khánh của ta, anh Tạo bò sang từng hầm đưa cho mỗi đứa một bao Trường Sơn đỏ móp mép nhưng chỉ có vỏ ngoài mà không có giấy nến bên trong (sau này mới biết kho giấy nến chống ẩm của nhà máy thuốc lá Thăng Long bị phá hủy hoàn toàn do bom Mỹ) và hai cái kẹo Hải Châu ướt mẹp. Tôi ngắm nghía bao thuốc lá và rút một điếu để hút nhưng thay vì một điếu mà tới ba điếu được rút ra khỏi bao, hơi lạ, dưới ánh sáng đỏ quạch của ngọn đèn thắp bằng dầu đậu nành tôi nhìn kỹ ba điếu thuốc dính nhau bởi hai mảnh đạn mảnh dài khoảng gần 1cm găm vào. Vỏ bao thuốc bị rách lại có vệt mầu nâu sẫm, phải chăng khi những bao thuốc này từ miền Bắc đến tay chúng tôi đã có đồng đội tôi bị thương trên đường vận chuyển. Ba anh em ngồi dựa lưng vào nhau trong căn hầm nước ngập đến hông thả hồn theo khói thuốc mà vơ vẩn theo đuổi những ý nghĩ khác nhau trong âm thanh rung chuyển của bom pháo địch.

Ngày 5/9/1972, Tiến ơi! Sơn ơi!

Tôi vừa đặt nồi thịt chó lên bếp để chuẩn bị cho bữa chiều thì nhoằng một cái một cơn lốc bốc tôi lên trong ánh chớp sáng lòa đất dưới chân như sụp xuống. khi mở mắt ra tôi đã thấy mình trong hầm tối đen, sờ soạng xung quang thấy có người nằm cạnh thì ra đấy là Bắc do tôi chạm phải cái dây đeo thánh giá đeo trước ngực. Tôi giũ hết bụi đất ngồi dậy ngực tức không thể thở được. Hầm chưa bị sập mà chỉ bị lấp hai cửa ra vào. Moi cái xẻng để góc hầm tôi lấy hết sức moi đất để lấy không khí để thở. Phía ngoài tiếng lục cục đào bới rồi thì Phồm, Bình, Lào cũng lôi tôi và Bắc ra khỏi hầm. Hít một hơi đầy lồng ngực tôi nhìn quanh thấy ngay cách hầm tôi khoảng vài mét là một hố bom sâu hoắm, góc nhà nơi chúng tôi đặt bếp bay đi hết. Nhìn sang phía đại đội thấy trống hoác không còn gì tôi hét lên “C bộ bị rồi.” Chúng tôi lao sang hầm đại đội đào bới lôi được mấy người mặt mày cháy sém ra khỏi hầm. Chúng tôi đưa ông Sủi và ông Trình lên phẫu tiểu đoàn còn hai người nữa tôi không còn nhớ tên đã chết, họ bị sức ép nặng người mềm nhũn như không còn xương cốt nữa. Hầm A cối chỉ còn lại một hố bom toang hoác, may cho A cối vừa vào chốt tăng cường cho C1 đêm trước, nếu ở lại thì cũng chẳng còn ai. Tôi chạy sang bên chỗ Chiến thì được biết hầm của Tiến ăn trọn một quả bom. Chiến nhặt được khoảng một bát thịt lèo nhèo của Tiến và Sơn (người Nghệ An) chia làm hai mộ chôn ngay cạnh hố bom mà hai đứa đã hy sinh. Tổn thất đầu tiên khi chúng tôi về đến đơn vị lớn quá. Lúc đó khoảng 4 giờ chiều ngày 5/9/1972.

Ngay tối hôm đó chúng tôi được lệnh ra bến sông lấy gạo và súng đạn chuẩn bị vào chốt. Gặp lại anh em cùng trường ở C1. C1 rất đông anh em chúng tôi, mừng vì gặp được Hùng bồ, Hùng côn, Hòa, Tân quẩy. Trận B52 lúc chiều cũng trúng vào khu vực của C1 và Cấn Văn Long K14X nhà ở Bà Triệu đã hy sinh.

Nếu như không có trận trận B52 này thì ngay đêm đó chúng tôi sẽ vào chốt vì mấy đêm trước khi đi đưa cơm cho C2 chúng tôi có đi cùng tốp cán bộ C và B đi trinh sát để nhận địa bàn. Sau khi cả C bộ bị thương vong trên điều ông Nghĩ ở C6 về làm C trưởng và ông Trọng về làm C viên phó phụ trách C viên trưởng (chính trị viên đại đội).

Buổi trưa hôm sau đang hí húi ghi lại sự việc xảy ra hôm qua, tôi nghe thấy tiếng khàn khàn quen quen “Các đồng chí ơi, đây có phải C3 không ?”. Tôi nhô ra khỏi cửa hầm thì ra là thằng Phùng. Nó mếu máo “Thằng Tiến chết thật rồi à.”. Tiến và Phùng học cùng lớp 15 Nước, nhà lại gần nhau, Phùng ở Nguyễn Trường Tộ, còn Tiến nhà ở Hàng Đậu. Sau khi học xong lớp y tá trên trung đoàn, Phùng được giữ lại trên phẫu của tiểu đoàn. Hôm qua khi chuyển thương binh về phẫu nó đã nghe tin Tiến hy sinh, hy vọng không phải Tiến bạn mình nào ngờ.

Đưa cơm vào chốt mới biết thế nào là chốt !

Đêm nào chúng tôi phải vào chốt đưa cơm thì ngay buổi chiều đã phải nấu cơm nắm thành nắm để nguội, sau lấy lá chuối hơ nóng gói cơm lại kèm theo ít ruốc mặn. Bữa nào nhân tiện kiếm được thịt hay rau thì anh em trong chốt lại có chất tươi. Bọc cơm nắm vào một tấm vải nhựa cắt từ bao gạo buộc chặt phòng khi bị nước nhét vào cái bòng làm bằng bao cát đeo lên vai hoặc cho vào ruột tượng gạo đeo chéo trên lưng cùng khẩu AK với hai băng đạn buộc chéo và vài quả lựu đạn phòng khi chạm địch. Thường thường tốp đưa cơm rời đơn vị lúc chạng vạng tối nếu xong xuôi thì khoảng tám, chín giờ tối đã về tới nhà nhưng có những lúc bị kẹt phải nằm lại tới nửa đêm thậm chí gần sáng mới về được. Bóng tối đổ xuống là lúc địch oanh kích dữ dội, ra khỏi xóm men theo rặng duối, rặng tre đổ rạp chúng tôi ra đến con đường nhựa bị bom đạn cầy nát.

Sau này chúng tôi mới biết đây là đường 4 đi từ Thị xã Quảng Trị ra Cửa Việt. Tôi đoán chừng đoạn này là một dãy phố vì những ngôi nhà xây bằng các viên gạch đúc (ngoài ta gọi là gạch pa-panh trong này gọi là viên táp-lô) đổ xập tan hoang với các cửa xếp cùng biển hiệu còn sót lại. Ánh sáng của hỏa châu địch bắn lên rọi sáng cả một vùng chứng tỏ địch cách chỗ này không xa lắm. Bên vệ đường là xác mấy chiếc thiết giáp của ta, vừa lúc đó tiếng hú xoẹt. xoẹt ngay trên đầu, tôi lao nhanh vào gầm chiếc thiết giáp thì một loạt pháo nổ ngay gần đấy, tiếng mảnh pháo đập vào vỏ xe nghe chát chúa, hú vía khi nhìn xung quanh không thằng nào bị sao cả. Qua một cánh đồng lầy thụt vì ngập nước mưa chi chít hố pháo, hố bom, không biết thụt xuống hố bao nhiêu lần, cũng may nhờ ánh sáng của hỏa châu nên phát hiện ra những hố bom to như cái ao nếu không sẽ chìm nghỉm ở đó vì mình bơi quá giỏi. Có những đoạn bị lầy thụt chúng tôi phải trườn như loài bò sát vì đất tơi do mật độ bom pháo dầy đặc trộn với nước mưa thành một thứ cháo đặc như hồ. Đến một bãi đất còn sót lại những bụi dứa dại và ngổn ngang những tấm bia mộ bằng xi-măng, người dẫn đường khoát tay chỉ hướng các hầm chốt để đưa cơm và sẽ gặp nhau tại đây để về.

Tôi lom khom tụt xuống một đoạn hào thì thào gọi “Ra lấy cơm.”. Một bóng người nhô ra “Có rồi, đưa hộ lên chốt trên, đây toàn người bị thương.”. Đoạn hào đầy bùn bốc lên một mùi vị khó chịu đến buồn nôn, nhiều tiếng rên ở các ngách hầm thì ra đây là nơi tập kết thương binh, liệt sĩ để chuyển ra phía sau. Một bóng người lao xuống hào nói “Đưa cơm hả, chếch bên phải có mấy hầm chưa có cơm. Cối cá nhân dữ lắm đấy.”. Đoạn hào chỉ có một đoạn, tôi trườn lên khỏi mặt đất, dưới ánh sáng hỏa châu được bắn liên tục sáng như ban ngày, những tia đỏ lừ phun từ phía bên phải bay trên đầu tôi, khẩu đại liên này chúng đặt ở một vị trí cao chắc bắn để cầm canh hay hù dọa thì phải. rồi những viên đạn đỏ lừ lừ tiếp đến là tiếng cóc khô khốc của cối cá nhân M79 liền ngay đó tiếng oành chát đanh tóe lửa xung quanh chỗ chúng tôi – đó là loại vũ khí đáng gờm của địch gây nhiều thương vong cho quân ta với độ chính xác khá cao. Đây là khu vực ta và địch xen kẽ nhau rất khó đoán vị trí của nhau may nhờ có luồng đi của đạn mà đoán ra vị trí của địch cách chỗ tôi nằm trên dưới trăm mét. Tim đập thình thình vì xung quanh mình liên tục bị cối cá nhân xoẹt qua đầu.

Chợt nghe thấy tiếng hét gằn giọng “Ai ! Bắc.”, tôi bật nhanh tiếng trả lời “Đưa cơm !”. Lại giọng nói đó nhưng có vẻ nhẹ nhàng hơn “Bắc.”. Chết cha rồi mật khẩu của đơn vị tôi vội kêu lên “Bình. Bình. Bình đây.” (lúc này trung đoàn có mật danh là Bắc Bình). Một bóng người nhô lên trước mắt tôi vài ba mét, tôi lăn nhanh về phía đó và lộn xuống một công sự cá nhân ngang đến cổ. Người lính đứng đó kéo tay tôi đẩy về phía sau dúi tôi vào ngách hầm. Tôi buông bọc cơm xuống đưa cho họ còn mình ngồi thở dốc, tim vẫn còn đập mạnh. Số cơm nắm tôi mang theo họ phân phát cho mấy hầm gần đấy. Hầm có ba người, họ vào chốt được 3, 4 ngày mà đã phải bổ sung hai lần. Hầm nằm dưới đống đổ nát của một căn nhà ngay kề sông Thạch Hãn. Tuy gần sông nhưng việc lấy nước để uống là không thể vì bờ sông dốc lại bị khống chế bởi khẩu 12 ly 8 của địch đặt tại một căn nhà tầng sát bờ sông. Vị trí này rất lợi hại vì chúng khống chế cả một đoạn sông ngăn cản đường vận chuyển của thuyền vận tải ngược sông vào Thị xã. Tôi lom khom lần theo bức tường đổ nhìn xuống sông.

Dưới ánh sáng như ban ngày của hỏa châu địch, dòng sông như bị sôi lên bởi đủ các loại hỏa lực cả hai bên. Chợt bên kia sông liên tục chớp lửa và một loạt tiếng nổ dội lên bên bờ bên này. Người lính đứng cạnh tôi thở dài “Xuồng chở thương binh của ta đang xuôi đấy, bên kia sông nổ súng để yểm trợ, nhưng không ăn thua chúng nó phản pháo ngay bây giờ.”. Liền lúc đó tiếng rú rít của pháo địch bay qua đầu chúng tôi dăng thành một màn lửa bên bờ bên kia, nhiều quả pháo rơi xuống sông tạo nên những cột nước trắng xóa. Tiếng đại liên và 12 ly 8 của địch nổ dồn dập, luồng lửa đan chéo xuống sông cách không xa nơi chúng tôi nằm, dưới sông cách mép nước bên này một quãng ngắn một bóng đen dài đang từ từ trôi xuôi dưới làn đạn địch. Bờ bên này là bờ lở nên bắt buộc thuyền vận tải đến đây phải đi men theo bên này để tránh mắc cạn. Chiếc thuyền đầu tiên đến ngang khu vực của ta thì nổ máy lao nhanh về phía trước. Chiếc thứ hai nặng nề trôi đến loạng choạng như không có người điều khiển kèm theo tiếng rên la của anh em thương binh. Một loạt cối cá nhân nổ ngay bờ sông xung quanh hầm, chúng tôi chúi cả xuống để tránh, chừng 10 phút trôi qua khi tiếng M79 đã ngớt tôi nhô lên để nhìn xuống sông nhưng chẳng còn thấy bóng dáng con thuyền đâu nữa.

Dưới ánh sáng như ban ngày của hỏa châu địch thấp thoáng có những bóng đen nhấp nhô chới với trong sóng nước sôi sùng sục của đủ các loại đạn. Nhìn những đồng đội của mình đang bị cái chết cướp đi mà đành chịu vì mép sông nằm trong tầm khống chế của địch. Đơn vị bạn chốt ở đây gần sông mà không thể lấy được nước đành phải dùng nước trong các hố pháo, hố bom. Hàng đêm có bao lượt thuyền vận tải vào Thành và khi ra chở thương binh đi qua khu vực Chợ Sãi này dưới làn đạn và có bao nhiêu chiếc không tới được bến. ? Vị trí này thật là hóc hiểm, là ngã ba của sông Vĩnh Định với sông Thạch Hãn, là tuyến vận tải quan trọng tiếp tế cho Thị xã và Thành Cổ. Từ vị trí này địch khống chế cả một dải dài ven sông từ Thị xã cho tới khu vực Triệu Long do ta kiểm soát với chiều dài hơn hai cây số. Chính bởi lẽ đó ta và địch giành đi giật lại không biết bao nhiêu lần, cho tới khi mất Thành ta vẫn giữ nguyên tuyến chốt này cho đến 19/3/1975 là ngày ta giải phóng hoàn toàn Quảng Trị.

Sau này tại đây người ta xây dựng khu nhà tưởng niệm ông Lê Duẩn vì đây là quê ngoại của ông (làng Hậu Kiên). Ngôi nhà tầng nơi mà địch sử dụng làm điểm cao khống chế các khu vực xung quanh đã bị đổ xuống sông trong vụ lụt lớn năm 1999. Đêm 25/8/1972, ta tiến hành tập kích Chợ Sãi để giành lấy vị trí quan trọng này nhưng không thành. Hơn 70 chiến sĩ của tiểu đoàn 2 hy sinh và không lấy được xác. Cuối tháng 10/2005 trong dịp tổ chức lễ Một thời hoa lửa tại Thành Cổ, chúng tôi có đưa gia đình của Nguyễn Kỳ Sơn – nguyên sinh viên Đại học Thủy lợi – vào khu vực này để bốc một nắm đất tâm linh đưa về quê hương. Cũng tại đây chúng tôi còn tìm ra một nền nhà sát bến sông còn sót lại mà tầng dưới có cửa thông ra sông. Xung quanh tường và những tấm tôn vẫn còn lỗ chỗ vết đạn, thậm chí còn vết tích của một thanh dầm bê-tông có khắc dòng chữ Tiểu đoàn 8 Thuỷ quân lục chiến.

Chuyến đưa cơm đầu tiên vào chốt ngày ấy với hình bóng con thuyền chở thương binh bị trúng đạn trên sông với bóng những thương binh đang chới với rên la trên dòng sông cuộn sóng. vẫn ám ảnh trong tôi cho đến tận bây giờ.

Những trận mưa tầm tã do ảnh hưởng của những cơn bão làm cho nơi đóng quân như một túi bùn. Hầm hào đầy nước, nước lưng hầm chữ A. Ban ngày còn đỡ vì mật độ phi pháo ít, nên tranh thủ lên trên mặt đất nép dưới những mái tôn còn sót lại. Đêm xuống buộc phải xuống hầm rồi thay nhau tát nước để có chỗ dựa lưng mà chợp mắt một chút. Trời càng khuya và mưa mỗi lúc một to trong khi pháo địch vẫn bắn không ngớt, những tiếng nổ âm trong lòng đất khiến cho căn hầm rung chuyển như muốn sập. Mẹ nó chứ ! Lợi dụng mưa bão chúng bắn pháo khoan để phá hầm trong lúc hầm hào đầy nước. Bỗng nước từ hai cửa hầm ào ào đổ vào như thác khiến cho bên trong ngập tới bụng rồi ngực.

Tình huống này bắt buộc chúng tôi phải chui ra nếu không sẽ bị chết vì ngạt nước, vơ vội súng ống và quân tư trang chui ra, nước ở cửa ra mấp mé lỗ mũi khiến chúng tôi phải nín thở cho khỏi bị sặc nước. Ba anh em chui ra khỏi hầm đành nép tạm vào góc nhà còn sót lại, lấy mấy tấm tôn rách phủ lên và vơ mấy bao cát chất trên hầm quây lại để trú thân. Mệt quá vì cả đêm chống chọi với nước, cả ba đều thiếp đi không biết gì hết. Bỗng một tiếng ục rất lớn rung chuyển vạt đất chỗ chúng tôi đang nằm làm cho mảng tường còn sót lại đổ ập ra phía ngoài khiến cho mấy tấm tôn rách đè lên người. mặc cho số phận đến đâu thì đến các cụ mày ngủ đã ! Sáng ra mưa cũng đã ngớt, nhìn ra chẳng còn thấy hầm đâu nữa mà chỗ đó là bộ khung hầm kèo bị đội lên mặt đất vì một quả đạn khoan nổ ngay cạnh. Số chúng tôi may thế, nếu không chui ra khỏi khi bị ngập nước thì với sức ép của quả đạn khoan thì chúng tôi sẽ chết vì sức ép, thân thể sẽ bị bầm dập không thể nhận dạng ra được. Anh Tạo và mấy người ở các hầm xung quanh chạy sang và đều mừng cho chúng tôi thoát nạn. Ông Nghĩ C trưởng cho B1 của tôi rời hầm vào khu vực giữa xóm nơi địa thế cao để phòng nước lên.

Chúng tôi lùi sâu vào trong xóm cách nơi cũ khoảng trăm mét. Trên nền một ngôi nhà đã sập một bên mái, phần còn lại ngói lợp còn khá nguyên vẹn, trong góc nhà kề với nhà bếp là một căn hầm khá rộng rãi được làm bằng những tấm vòm cống bắng tôn dầy, một cửa ở trong nhà, còn cửa kia thông ra sân. Hầm này chắc của gia chủ làm để tránh bom đạn nên làm khá cẩn thận : nền hầm được láng xi-măng có lát gỗ dán dầy để năm, sau người cùng ngủ, thậm chí hai đầu hầm có hai dầm ngang để có thể mắc được ba cái võng. Vòm tôn cao tới 1.2 mét nên rất thoải mái, hai ngách cửa vào được chống bằng những dầm gỗ lớn và những cọc dây thép gai. Mặc dù hầm gần như chìm và được đắp tới mét đất, nhưng chúng tôi vẫn gia cố thêm đất và bao cát. Chúng tôi phát hiện những nhà bên có rất nhiều những bao cát, có bao đựng toàn hột củ ném (một loại củ họ nhà hành kiệu có mùi rất hăng), có bao đựng toàn bông gòn hoặc lá thuốc rê. Chất những bao này lên xung quanh cửa lên xuống cũng tiện vì nhẹ dễ mang vác.

Nhưng trong số những bao đó người ta đựng ớt bột mà chúng tôi không biết, hôm sau một quả pháo nổ ngay trong vườn, mảnh pháo xé toang mấy bao cát chất ở cửa hầm, pháo thì không chết mà chúng tôi muốn chết vì bị sặc ớt bột cùng bông gòn. Về sống trong căn hầm mới thoải mái hơn nhưng lại xa các hầm khác trong B và nhất là hầm của Chiến, nhưng được cái ở đây cũng có giếng nước ngay trong sân, xung quanh rau cỏ cũng có sẵn. Tôi lần mò những ngôi nhà xung quanh nhặt nhạnh những thứ cần thiết như bút bi, bút chì, giấy vở, thậm chí có cả những quyển sổ tay rất đẹp chưa có chữ nào. Một lần đi bắn được con gà nhưng phải vứt đi vì đạn AK làm con gà vỡ nát, giá như có khẩu AR15 để đi săn thì tốt biết bao, đạn cực nhanh không phá như đạn AK nhưng bù lại thu hoạch cũng khá khi trong một chái bếp của một ngôi nhà trong làng Phương Ngạn (theo giấy tờ nhặt được trong nhà) cách Đầu Kênh một cánh đồng tôi phát hiện một bao cát được lấp vội, lôi ra thì một đống đến gần chục hộp đồ Quân tiếp vụ (hàng hậu cần của địch) như dầu đậu nành, thịt pha gan, thịt băm, cá hộp. kèm theo mấy cái khui đồ hộp (Phồm và mấy cậu lính cũ đều có những cái này).

Nhìn thấy một dây xanh-tuya-rông nằm trong đống đất cát trộn vôi vữa, khi lôi lên tôi sung sướng khi nhìn thấy cả một bộ đồ trận của ngụy hầu như đầy đủ phủ đầy bụi đất : dao lê cực nhanh, bình tông bằng i-nox còn nguyên cả ca và vỏ bao bằng nỉ, mấy vỏ bao đựng băng đạn cực nhanh. Đặc biệt khóa cài không phải bằng đồng mà bằng hợp kim nhôm sơn đen có dòng chữ DAVIS. Lần trước khi đưa cơm vào chốt, mấy người lính cũ thấy xanh- tuya-rông của tôi mang từ Bắc vào vặn xoắn khi đeo nặng đã khuyên tôi thay bằng đồ của ngụy vì rất tốt tuy có nặng. Phồm cũng có một bộ như vậy, nhất là ông Nghĩ còn có cả một túi đựng mìn Claymore đeo trên người. Rửa sạch sẽ bộ xanh-tuya-rông, tôi thay những đồ của mình sang, tần ngần lựa chọn giữa hai bình tông và quyết định lấy vỏ bình tông ngụy để đựng bình tông của ta vì nó gắn bó với tôi suốt chặng đường từ Bắc vào, tôi tiếc rẻ cái bình tông i-nox nên giữ lại trong ba-lô. Phải thừa nhận con dao lê AR15 rất sắc, gọn và tiện dụng hơn lê AK rất nhiều. Khi tháo bình tông ra để rửa thì có một cái thìa i-nox US có lỗ ở tay cầm cài sẵn trong vỏ bình tông.

Chiếc thìa US này đã theo tôi suốt bao nhiêu năm kể cả khi bị thương trên đường ra viện chỉ có duy nhất một bộ quần áo đẫm máu trên người nhưng túi quần sau có gài cái thìa, rồi những năm 80 nó cũng theo tôi sang Campuchia làm chuyên gia giáo dục và bây giờ vợ tôi để nó trong tủ đựng bát đĩa, mỗi khi mở tủ ra nhìn thấy người bạn bằng i-nox này lòng lại chộn rộn lên những chuyện cũ không thể nào quên.

(Còn tiếp)

L.X.T

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder