NGƯỢC DÒNG KÝ ỨC kì 9 – Ghi chép của Lê Xuân Tường

Mời bạn đọc theo dõi bản ghi chép NGƯỢC DÒNG KÍ ỨC  sẽ đăng hai số một tuần để cùng cảm nhận một cách chân thực nhất về chiến tranh. VHP không cắt bớt đi nhiều  chi tiết với hi vọng biết đâu có bạn lại tìm được tung tích của một người thân mà mấy chục năm qua không biết sống hay đã chết ở nơi đâu, như trường hợp một tiểu đoàn lính sinh viên hi sinh ở giữa miền rừng rú đầm lầy rồi bị bỏ quên mấy chục năm, chỉ có một ngôi miếu nhỏ của nông dân bản địa thờ các anh “THÀNH HOÀNG ĐỘI MŨ CỐI” với tên gọi là MIẾU BẮC BỎ (thờ những người miền Bắc bỏ mạng và cũng bị bỏ quên) – Truyện này VHP mới đăng nửa tháng trước đây…

Mời bạn đọc theo dõi bản ghi chép NGƯỢC DÒNG KÍ ỨC  sẽ đăng hai số một tuần để cùng cảm nhận một cách chân thực nhất về chiến tranh. VHP không cắt bớt đi nhiều  chi tiết với hi vọng biết đâu có bạn lại tìm được tung tích của một người thân mà mấy chục năm qua không biết sống hay đã chết ở nơi đâu, như trường hợp một tiểu đoàn lính sinh viên hi sinh ở giữa miền rừng rú đầm lầy rồi bị bỏ quên mấy chục năm, chỉ có một ngôi miếu nhỏ của nông dân bản địa thờ các anh “THÀNH HOÀNG ĐỘI MŨ CỐI” với tên gọi là MIẾU BẮC BỎ (thờ những người miền Bắc bỏ mạng và cũng bị bỏ quên) – Truyện này VHP mới đăng nửa tháng trước đây.

(Tiếp theo)

Hà Nội, Đất Mẹ ơi nhớ lắm!

Rồi trong đêm tối xuất hiện những ngọn đèn le lói ở hai bên đường, đó là những ngọn đèn dầu ở nhà dân không phải che chắn phòng không chứng tỏ chúng tôi ra đến Thanh Hóa là vùng Mỹ tạm ngừng ném bom đợt này. Những ánh đèn của sự sống đã làm tôi chộn rộn trong lòng khi khoảng cách về với thành phố thân yêu ngày càng ngắn lại.

Gần sáng chúng tôi đến CT12C, đây là một xóm nhỏ vùng đồi bán sơn địa Triệu Sơn. Tôi không nhớ là làng xã nào vì thời gian đã nhòa dần nhưng dấu ấn của tôi là ở đây trồng rất nhiều cọ. Khi chúng tôi tỉnh giấc sau một đêm hành quân đầy lo âu khi qua những trọng điểm mà cái chết luôn luôn rình rập, thấy anh chị chủ nhà đang dọn dẹp nhà cửa, chị chủ ra vườn hái những bông hoa trông giống những bông cúc nhỏ mầu vàng cắm vào lọ. Tôi ngạc nhiên trước không khí rất thanh bình của gia đình chủ nhà (chả nhẽ họ đón tiếp ta, vô lý, đêm nào chẳng có xe chở thương binh đến và đi) và hỏi:

– Hôm nay anh chị có việc à ?
– Ơ các chú quên hôm nay là ngày 20/11 à! Vợ chồng tôi là giáo viên cả, dọn dẹp để chút nữa bà con sang chơi.

Ôi chao, thế mà mình chẳng nhớ chút nào! Nhà mình có tới ba người làm nghề giáo cơ mà. Nghĩ đến đây tôi hỏi chị chủ ở quanh đây có chợ búa gì không? Chỉ chỉ ra một vườn cọ cách nhà không xa, chợ làng đang họp ở đấy. Tôi kéo Hùng và hai cậu nữa cùng nhà và bảo “ Ra chợ xem có gì để ăn mừng ngày 20/11 vì chúng ta thằng nào cũng phải đi học.”

Người ta nói cái chợ là bộ mặt kinh tế của một vùng, quả thật đây là một vùng quê nghèo nên chợ búa gì chỉ lèo tèo vài con cá đang tuổi mẫu giáo, thịt lợn hầu như không có (có lẽ mặt hàng này là mặt hàng quản lý bán theo tem phiếu) mà chỉ có mấy mẹt thịt trâu xám ngoét, hoa quả chỉ thấy dăm nải chuối còi cọc. Cuối cùng chúng tôi thấy cuối chợ một hàng bún mắm tôm trông khá sạch sẽ ngon mắt. Bốn thằng xụp xuống cứ thế dùng tay cầm những con bún chấm mắm tôm ăn rất ngon lành.

Chiều tối chúng tôi lại tiếp tục lên xe dong ruổi ra Bắc. Hai bên đường người xe đi lại khá đông. Hàng quán hai bên đường chong đèn đón khách, một vài cửa hàng phố thị sáng rực ánh đèn măng sông. Không khí thật thanh bình, chẳng ai có thể ngờ được cách đấy không xa khi bước sang đất Nghệ lại là bom bom đạn mù trời.

Chúng tôi tới trạm CT14A ở Gia Khánh (?). Gần chục anh em ngủ tại một gia đình có ngôi nhà ngói khá rộng rãi. Tâm trạng ngày mai về đến nhà khiến cả bọn náo nức chuyện trò cả đêm, hút thuốc vặt lại thêm trời về đêm đã bắt đầu lạnh nhiều nên không ngủ được. Đoàn chúng tôi sau khi rời CT12A ra đến Thanh Hóa lại ít đi vì số anh em Thanh Hóa về Viện 111 hoặc về đoàn an dưỡng của tỉnh. Ở trạm này người ta cũng phân loại luôn: ai về Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phú, Hòa Bình, Bắc Thái… sẽ đi tiếp về CT14B ở Thường Tín, còn các tỉnh như Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Hà và Ninh Bình… sẽ ở lại để về các địa phương. Cùng đi chúng tôi có hai xe thương binh nặng nhưng hầu hết tới Thanh Hóa họ được chuyển về Viện 111. Chúng tôi được thông báo sáng hôm sau sẽ lê đường về CT14B (Thường Tín).

Từ CT12A chúng tôi ra đường 1, không có gì để nói hết được niềm sung sướng khi về gần tới Hà Nội giữa ban ngày. Trời của ta, đất của ta mà bao nhiêu ngày tháng qua chúng ta đã phải lấy đêm làm ngày. Cảm giác này có lẽ chỉ có ở những đứa con từ miền đất lửa phương Nam vượt Trường Sơn để trở về Đất Mẹ.

Qua Phủ Lý tan hoang, thấp thoáng những bóng người đang bới tìm trong đống gạch vụn để tìm kiếm những gì còn sót lại của ngôi nhà thân yêu của mình.

CT12B đóng ở thôn Nhị Khê. Chúng tôi vào nghỉ tại một ngôi nhà cổ khá bề thế với đủ hoành phi câu đối, sập gụ tủ chè. chứng tỏ gốc gác gia thế của chủ nhà. Lúc này trời còn sớm, tôi rủ Hùng về nhà sáng mai vào sớm nhưng Hùng không về nên tôi về cùng mấy cậu nữa ở nhà bên cạnh. Từ Nhị Khê ra đường 1 rất gần, đây chính là Quán Gánh. Lên xe bus về Hà Nội trong trạng thái lâng lâng khó tả. Tôi cảm giác tất cả mọi người trên xe đều nhìn mấy thằng chúng tôi. Có thể vào thời điểm này những chàng trai khoác trên mình bộ quần áo Tô Châu, thằng đội mũ cối, thằng đội mũ tai bèo hình như đều mang dáng dấp của người thân của họ. Một bà cụ chừng tuổi của Mẹ tôi hỏi nhỏ:

– Các chú ở chiến trường nào ra vậy?
– Cháu ở Quảng Trị.
– Trời đất ạ! Ở Quảng Trị mà các chú cũng về được ư? Tôi nghe nói bộ đội ta chết nhiều ở Quảng Trị lắm phải không chú?
– Cũng có nhiều người như cháu chỉ bị thương thôi
– Cháu tôi đi đầu năm mà đến nay cũng chưa thấy tin tức gì!

Mẹ ơi, con đã về.

Xe bus dừng ở hồ Thuyền Quang, tôi bước xuống xe mà cảm thấy chếnh choáng phải vịn vào cây si trước cổng đảo Thanh Niên. Ôi đất Mẹ yêu dấu con đã trở về, nửa năm trước cũng tại nơi đây con đã rời xa người mà không bao giờ nghĩ có ngày hôm nay.

Tôi vừa đi vừa chạy, quãng đường từ hồ Thuyền Quang về nhà đâu có xa thế mà sao lâu thế! Con đường Trần Bình Trọng dài hun hút tưởng như vô tận, rẽ ra Trần Hưng Đạo, kia rồi chiếc đồng hồ trên nóc nhà ga với những chữ số La-mã ngay ngắn cuốn hút tôi suốt từ thời còn đi học, một đoàn tàu điện cũng sơn mầu ngụy trang loang lổ đang leng keng chuyển bánh về Kim Liên, rồi Nhà hát Nhân dân – nơi gắn bó với tôi những trò chơi tinh nghịch thời nhỏ: đánh trận giả, mò mẫm thám hiểm những khu hầm đầy bí ẩn của nhà hát, rồi những buổi tập nghi thức đội, còn phải kể đến những đêm biểu diễn ở nhà hát mà chúng tôi không được vào vì không có vé, thế là trèo tường vòng ra đằng sau chui xuống sàn gỗ của khán đài rồi chui lên ở một chỗ nào đó. Qua phố Yết Kiêu, đến trước cổng nhà 95 tôi gặp Bà Tú – mẹ của Thiệp bạn thân tôi – bà kêu lên “Mày về rồi ư! Ông ơi thằng Tường nó về rồi đây này. Mày về nhà ngay đi cho bà ấy mừng, để tao bảo thằng Thiệp tối sang chơi”.

Ngõ Tức Mạc của tôi vẫn như trước khi tôi đi, đầu ngõ vẫn tổ phục vụ bán nước sôi và mấy hàng bán nước chè chén. Dẫy hầm phòng không chạy dọc ngõ vẫn là chỗ để cho người ta trút bầu tâm sự một khi bí bách. Trên đầu tôi vẫn tán sấu như xưa chỉ khác đã có nhiều lá vàng điểm xuyết, còn cây bàng trơ trụi những cành sần sùi chứa đựng những mầm xanh khi mùa xuân về.

Cái ngõ 16 của tôi đây rồi, vẫn cái cổng ngõ mà ông nội tôi xây từ năm 1920 với những mảng đắp nổi hình lá đề, cành nguyệt quế, chữ Thọ… mang phong cách kiến trúc của những năm đầu thế kỷ sao hôm nay với tôi thân thương lạ. Cái tin tôi trở về sao mà đi nhanh thế, mấy người hàng xóm chạy ra “Chú Tường về thật kìa! Bà Châu ơi ra mà đón con.”. Bố tôi từ trong nhà chạy ra, như kim nén lại nỗi xúc động của người cha “Con vào nhà đi, mẹ đi làm sắp về.”. Tôi đứng giữa nhà ngắm nhìn mọi đồ đạc dường như tất cả đã lâu lắm rồi. Múc gầu nước giếng đổ ra cái chậu đồng từ thời bà nội còn sống, úp mặt vào làn nước trong mát đó mà cảm thấy khoan khoái vô cùng nhưng chợt nhói lên một cảm giác như khi chơi với trên dòng sông Thạch Hãn đang nổi sóng vì bom pháo của địch.

Có tiếng lao xao ngoài ngõ “Bà ơi! Chú Tường về đấy”, tôi chạy ra đã thấy mẹ tôi đang lập cập dắt xe đạp vào, thấy tôi Bà đưa bàn tay sờ vào cánh mũi của tôi giọng nghẹn lại “Con tôi không mất mũi thật rồi, lạy trời lạy phật mẹ thấy thư gửi về nhà chữ của người khác lại nói là bị vào mũi, mẹ lo lắm mất mũi thì con gái đứa nào nó lấy”.

Quây quần quanh mâm cơm ấm cúng, chỉ còn thiếu anh tôi bên trường chưa về, còn chị tôi chắc ngày mai bố tôi sẽ lên báo cho chị biết. Cả nhà đã biết tin tôi qua Thường, nó về đến Hà Nội trước tôi độ 10 ngày. Mẹ tôi có kể lại khi ở nơi cơ quan sơ tán, một hôm ông NKT (ngày ấy là Chủ nhiệm UBKHXH) là thủ trưởng của mẹ tôi bảo: tôi được tin hôm qua bộ đội mình rút khỏi Thành cổ Quảng trị, hôm nay có xe về Hà Nội cô theo xe về đi nghe ngóng có tin tức gì của cháu nó không. Về đến Hà Nội, bà chạy đến mấy gia đình như nhà Hòa, nhà An… nhưng chẳng thấy tin tức gì. Rồi mấy người hàng xóm thì thầm nói rằng: đài địch đưa tin chúng đã chiếm được Thành cổ Quảng Trị, trong những xác cộng quân để lại cùng với thẻ sinh viên và Sổ học tập được xác định là sinh viên các trường Đại học như Bách Khoa, Xây dựng, Kinh tế… thuộc một Sư đoàn sinh viên thiện chiến của Bắc Việt. Bà quay về nhà thẫn thờ nhớ đến con, lầm rầm cầu Trời khấn Phật cho con qua được cơn hoạn nạn. Đêm ấy bà không ngủ được, một lúc bà thiếp đi và thấy tôi máu me đầm đìa chìa tay về phía bà mà không nói câu nào, choàng tỉnh dậy bà nhìn đồng hồ lúc đó là 11 giờ đêm ngày 17/9/1972. Bà ghi vội vào cuốn lịch nhỏ: thấy Tường về. Nắm chặt tay mẹ tôi, tôi nói rằng chính khoảnh khắc đó tôi đã tưởng sẽ không qua được khi lội nước trên cánh đồng Gio Linh và chỉ nhớ tới Mẹ mà thôi. Phải chăng những người có máu mủ ruột rà lại có một mối liên hệ nào đó về tâm linh được gọi là thần giao cách càm chăng!

Sáng sớm hôm sau tôi bắt xe bus đi Quán Gánh để vào trạm. Hùng cũng đang sốt ruột nhấp nhổm ngóng tôi vào. Chúng tôi lên xe về Đoàn an dưỡng 869 của Bộ tư lệnh Thủ đô. Xe không có mui nên anh em chúng tôi thoải mái nghênh ngáo hai bên đường 1 về Hà Nội. Dòng người trên Quốc lệ 1 những ngày này khá đông vui, không ít trong số họ chắc từ nơi sơ tán về với chiếc xe đạp lỉnh kỉnh đồ đạc đang hướng về thành phố. Văn Điển, Giáp Bát hoang tàn, đổ nát bởi những trận oanh kích của máy bay địch. Khi qua công viên Thống nhất xe phải đi chậm lại đột nhiên có tiếng kêu “Kìa anh Hùng kia kìa”. Hùng nhoai về phia tiếng kêu của một cô gái và hét lên “Anh đây! Mấy hôm nữa anh sẽ về.” Thì ra cô em gái của Hùng có việc từ trong ngõ đi ra nhìn thấy anh trai của mình trên xe. Hạnh phúc đến thật bất ngờ với những gia đình có người thân đi chiến trường trở về.

Vượt cầu phao Bác Cổ nhớ tới đêm hành quân vào Nam gặp được bố mẹ đón ở đây, trong lòng chợt nhói lên vì đêm qua khi Mẹ có hỏi thăm về thằng bé người Hải Phòng gặp ở đầu bến phà – đó là Cao Minh Sơn, lúc đó tôi biết tin Sơn đã hy sinh khi đưa cơm mà không tìm thấy xác. Mẹ tôi lau nước mắt và nhắc tôi nên thu xếp ra Hải Phòng thăm gia đình Sơn, nhưng nào tôi có biết địa chỉ gia đình cậu ta ở đâu. Qua cầu phao sông Đuống, xe chở chúng tôi theo Quốc lộ 3 hướng về Đông Anh, dọc theo đê hàng đoàn xe tải quân sự đi ngược lại, nhiều chiếc hầu như còn mới tinh. Tranh thủ khi địch đang ngừng bắn ở phía Bắc vĩ tuyến 20, hậu phương miền Bắc dồn sức người sức của cho chiến trường.

Ngày đầu tại đoàn 869, bị “thẩm vấn”.

Đến trạm biến thế Đông Anh, xe chúng tôi rẽ trái và tới xã Cổ Dương nơi đóng quân của Đoàn an dưỡng 869. Địa chỉ này không xa lạ với tôi. Trước khi ngập ngũ tôi học tại Khu C của Trường Đại học Xây dựng tại chợ Yên, xã Tiền Phong, huyên Yên Lãng, Vĩnh Phú cách Cổ Dương chừng 7 km. Lúc đó thỉnh thoảng để cải thiện, sinh viên chúng tôi thường đạp xe từ Khu C về Vân Trì để đổi quẩy về ăn.

Xe đỗ ở nhà tiếp đón, anh em trong trại xúm lại tìm người quen họ nói với nhau “Lại Quảng Trị đây.”. Quả thật mấy tháng nay hầu hết là các thương binh từ mặt trận Quảng Trị trở về đây. Từng người chúng tôi lần lượt được gọi vào Ban quân lực để làm thủ tục. Tại đây một trung úy và một thượng sĩ tiếp chúng tôi. Một loạt câu hỏi được viên trung úy đặt ra phải trả lời: Họ tên – Ngày tháng năm sinh – Quê quán – Chỗ ở – Trình độ văn hóa – Đảng, đoàn – Tên cha mẹ – Đơn vị trước khi đi B- Đơn vị khi chiến đấu – Ngày đi chiến trường – Ngày bị thương – và đặc biệt họ hỏi đi hỏi lại những câu:

– Nơi bị thương thuộc xã, huyện, tỉnh nào?
– Khi bị thương ai biết!
– Lúc bị thương đêm hay ngày, lúc mấy giờ
– Tư thế khi bị thương
– Bị thương trong trường hợp nào do loại vũ khí nào gây ra
– Sau khi bị thương đã điều trị ở đâu.

Những câu hỏi sau họ hỏi đi hỏi lại mấy lần! Sau đó chúng tôi ổn định chỗ nghỉ trong trạm tiếp đón và được cấp phát quân trang mới và chờ về các đội an dưỡng của đoàn. Khoảng hơn một giờ chiều đang ngủ tôi bị lay dậy để lên gặp quân lực. Lại những câu hỏi như ban sáng khiến tôi cảm thấy có cái gì đó mà mình chưa hiểu.

Đêm đầu tiên ngủ tại Đoàn trong tiếng ì ầm của máy bay bay đêm, ở đây theo đường chim bay cũng không xa sân bay Đa Phúc là mấy. Bất chợt có tiếng rít của máy bay ngay trên đầu, phản xạ tự nhiên của một thằng lính khiến mấy thằng chúng tôi bật khỏi chỗ nằm lăn ngay xuống đất – một thói quen mỗi khi cảm nhận tiếng máy bay đich tọa độ trên đầu. Rồi cũng dần quen và giấc ngủ đã đến với tôi.

Đang mơ màng thì ai đó gọi tôi dậy, lại tay thượng sĩ của Ban quân lực. Cũng vẫn những câu hỏi xoáy vào việc tôi bị thương. Lần này tôi cảm thấy bị xúc phạm thật sự: phải chăng người ta nghi ngờ việc tôi bị thương, mình có đầy đủ giấy tờ mà họ không tin? Tôi khùng lên “Các ông nghi tôi tự thương ư ? Giấy tờ của tôi có đầy đủ. Nếu không tin các ông trả lại tôi về đơn vị.” Tay thượng sĩ mặt lạnh tanh: đây là nhiệm vụ của chúng tôi, đề nghị đồng chí thông cảm và tạo điều kiện cho chúng tôi làm việc. Lúc đó nhìn đồng hồ để trên bàn là 11 giờ 30.

Về đến giường nghĩ tới việc mình bị thẩm tra như là kẻ có tội, tôi uất quá mà không ngủ được. Hay là ba lần trả lời có gì không ổn? Chứng tỏ trong số những thương binh từ chiến trường trở về có lẫn một số người tự thương. Quả thực vàng thau lẫn lộn. Nhưng chỉ nghĩ đến nét mặt của mấy thằng quân lực là muốn táng cho chúng nó một trận. Ngẫm đến câu thơ ca thán của Cao Bá Quát mà liên tưởng đến phận mình:

Con voi đánh trận đường xa,
Con mèo trong bếp ỉa đầy nồi rang.

Về D22 và những ngày tiếp theo.

Sáng hôm sau tôi cùng hơn chục người nữa có tên về D22. Trong số người đi D22 không có Hùng nhưng có một số anh em về từ trước đang ở các đội cùng đi. Xe lăn bánh ra khỏi đoàn thì gặp một xe đỗ ở cổng vào, đây chính là xe đưa tôi từ CT14B về hôm trước, tôi thoáng nhìn thấy Dũng ngựa K16 ở C2/D1 với tôi với cái tó đang tập tễnh đi vào.

Xe lại quay ra cầu Đuống nhưng không qua cầu mà xuôi theo để đi về phía Phù Đổng. Con đường đê đầy ổ gà làm cho xe cứ nhảy chồm chồm, lắc lư. Cả bọn không thể ngồi được đành phải đứng vịn tay vào thành xe cho khỏi xóc.

Qua khỏi Phù Đổng chừng ba cây số xe đưa chúng tôi rẽ xuống chân đê vào một khu nhà giống như một trại chăn nuôi với một dẫy nhà xây nhiều gian, bên kia cái sân rộng là hai, ba dãy nhà lá trống tuềnh. Đây là D22 – một đơn vị thuộc Đoàn 869 – nằm tại xã Trung Mầu thuộc huyện Gia Lâm.

Trước đây D22 là đơn vị thu dung của Bộ tư lệnh Thủ đô chuyên làm nhiệm cụ thu gom quân đảo, lạc ngũ để đưa lại vào chiến trường. Sau này sát nhập về Đoàn 869 để phân bớt thương binh về và cũng là nơi tập trung các anh em chuẩn bị ra quân. Nhưng cái tên thu dung vẫn đeo bám cho tới tận lúc này. Có rất nhiều anh em đã nằm hai, ba năm ở đây. Họ từ mọi chiến trường trở về tuổi quân tương đối nhiều nên có tư tưởng công thần, ngày ba bữa ăn chẳng biết làm gì nên có rất nhiều chuyện mà ta hay nói nhàn cư vi bất thiện. Họ giết thời giờ vào những trận tiến lên hay la cà ở những quán nước trong xóm. Mặt khác cơ sở vật chất rất tồi tàn. Khu trại chúng tôi ở đúng là một trại chăn nuôi của địa phương cho mượn và cải tạo làm bếp ăn và làm thêm mấy dãy nhà lợp nứa, vách đất.

Sau mấy ngày với cảm giác náo nức kèm theo tâm trạng có vẻ tự hào của một người từ chiến trường ác liệt trở về giờ cảm thấy mình bị hẫng hụt rất nhiều. Ở đây tôi gặp được Thế Anh, nó về đây trước tôi mấy hôm, rồi cả Ngọ tây nữa, nó nằm đây từ tháng 10 sau khi bị thương ở trong Thành cổ.

Mấy cậu cùng đi rủ tôi chuồn về nhà ngay trong đêm đó. Cả bọn ăn cơm tối xong gửi lại đồ đạc cho anh em cùng nhà rồi vai khoác ba-lô lộn trái và lên đường. Chúng tôi lên đê và đi về phía cầu Đuống, bầu trời tối xẫm lùi xùi mấy hạt mưa, gió rét thổi ù ù, chúng tôi cứ lầm lũi đi không ai nói với ai một lời nào trong lòng đầy nỗi u uẩn. Ra đến cầu Đuống chừng 8 giờ tối, chúng tôi qua cầu phao nhưng đành phải đi bộ tiếp về Hà Nội.

Về đến nhà khuya lắm rồi, bố tôi lập cập ra mở cửa và rất ngạc nhiên khi thấy tôi xuất hiện. Tôi kể lại cho bố mẹ tôi tất cả những chuyện xảy ra vừa qua với những uất ức của một người mà lòng tự trọng bị tổn thương.

Những ngày tiếp theo ở nhà tâm trạng tôi cũng dần dần bình tĩnh lại. Việc đầu tiên là đi thăm họ hàng và bạn bè quen biết. Anh Minh – anh rể tôi – hồi tháng 5 nhập ngũ cùng tôi nhưng được hoãn lại cho tới tháng 9 lại đi, hiện đang huấn luyện tại Yên Tử. Các cháu con chị tôi thời gian qua lăn lóc đi sơ tán theo bà ngoại ở Đanh Xuyên, Ứng Hòa, Hà Tây rồi lại về Hiệp Hòa, Hà Bắc…. nhưng cũng may chúng cũng chịu được. Cu Mốc trước khi tôi đi bộ đội đã phải nằm viện tới 6 tháng tưởng rằng không qua được nay cũng khỏe. Một nách hai con nhỏ lại còn đi dậy, chồng lại bộ đội nên chị tôi tất bật suốt ngày, một vài tuần lại đạp xe lên Yên Tử thăm chồng.
Anh Thiện tôi vẫn dậy bên trường Đậi học Nông nghiệp 1, hồi tháng 9 có giấy gọi nhập ngũ nhưng lúc đó ở nhà chưa nhận được giấy thông báo của trường Đại học Xây dựng về việc tôi đã nhập ngũ mà ở cương vị anh tôi không thể giải thích với tổ chức. Được tin, mẹ tôi tức tốc đạp bốn chục cây số về Hà Nội bắt bạn anh tôi đưa lên khu C nơi tôi học ở Chợ Yên (Tiền Phong, Yên Lãng, Vĩnh Phú) để lấy giấy xác nhận tôi đã đi bộ đội. Ở khu C không có dấu tròn của trường, bà lại đạp xe lên Hương Canh để lấy giấy có dấu tròn của trường để mang về. Đúng ngày anh tôi lên xe về đơn vị, mẹ tôi đến gặp Hiệu bộ của Đại học Nông nghiệp 1 đưa giấy để anh tôi được hoãn lại “Tôi có hai thằng con, thằng em nó đi B giờ chưa có tin tức gì. Nhà nước mới có lệnh động viên cục bộ chứ chưa có lệnh tổng động viên nên tôi còn một thằng hãy để nó ở lại”. Thế là anh tôi ở lại.

Viết đến những dòng này tôi chợt nghĩ đến Mẹ tôi, một người phụ nữ xuất thân từ một gia đình khá giả ở Hà Nội, lại là con gái duy nhất trong một gia đình đông con có gốc gác từ họ Hồ làng Quỳnh Đôi, Nghệ An nhưng phiêu bạt rời bỏ quê hương để kiếm sống. Bà sinh ra ở Vân Nam, Trung Quốc khi ông ngoại tôi là công chức tại Sở hỏa xa Vân Nam của Pháp. Bà theo bố tôi cũng xuất thân từ một gia đình công chức ăn lương Tây nhưng lại không theo nghề tổ là nghề làm thợ bạc ở Đình Công, Thanh trì, Hà Nội, hết ở Lạng Sơn (lúc đó bố tôi là thư ký Tòa sứ Lạng Sơn) rồi về Hà Nội. Trong kháng chiến chống Pháp bà đã đưa cả gia đình từ bỏ gia sản của mình đưa mẹ chồng, mẹ đẻ, hai cô em gái của chồng, một cậu em trai còn nhỏ cùng hai đứa con thơ dại theo cơ quan chồng ra vùng tự do, hết Việt Bắc, Thái Bình rồi vào Thanh Hóa. Bà kể lại chuyện khi tôi mới có 10 tháng tuổi, bà đã một mình địu tôi từ Thanh Hóa theo đường giao liên vượt vành đai trắng ra Hà Nội để đón anh chị tôi (lúc đó đã theo bà nội và bà ngoại tôi vào Hà Nội) ra đi học ở khu Học xá Nam Ninh, Trung Quốc. Hòa bình lập lại, với đồng lương ít ỏi của bố tôi, bà đã tần tảo lo toan cho gia đình vượt qua những khó khăn về cơm, áo, gạo, tiền trong những năm khốn khó để chồng yên tâm công tác và nuôi ba con đều vào đại học. Tôi là con út được chiều lại ngỗ ngược từ bé, không ngày nào là không bị đòn vì tội đánh nhau với trẻ con xung quanh. Tuy chiều con và thương con rất mực nhưng bà lại rất dữ đòn, có lần bà bắt anh chị tôi giữ chân tay để bà đánh, anh chị tôi thương em mà khóc xin tha cho tôi, trong khi đó tôi nghiến răng chịu đòn vì mình đánh thằng ấy là đúng vì hôm trước nó cậy lớn đánh tôi trước.

Những ký ức ngày xưa ấy làm sao mà có thể quên được khi cái bóng của mình thật là nhỏ nhoi bên bóng hình cao vời vợi của người Mẹ hiền.

Hà Nội những ngày này lại rục rịch vận động nhân dân đi sơ tán vì tình hình Hội nghị Paris không tiến triển được, Mỹ răn đe ném bom lại miền Bắc. Nhiều việc tôi phải giải quyết như đưa bà ngoại tôi lên chỗ sơ tán của cơ quan cậu tôi ở Quốc Oai, cùng Thiệp đưa An nhập trường ở Vũ Di, Vĩnh Tường, Vĩnh Phú. Đi thăm gia đình mấy anh em ở Hà Nội như Hòa, An đen, anh Được. Tôi đã bao lần dừng chân ở trước cửa nhà 53 Hàng Đậu mà đôi chân cứng cả lại mà không thể nhấc chân bước vào nhà, làm thế nào đây khi buộc phải báo cho gia đình biết tin Tiến đã hy sinh, chắc chắn người ta chưa gửi giấy báo tử về cho gia đình… giá như có một thằng nào đấy cùng ra với mình để mình có đủ dũng khí đến báo tin cho gia đình Tiến nhỉ.

Ở nhà đã 10 ngày chán quá, có lẽ lên đơn vị cho thay đổi không khí và cũng để cho khu phố khỏi dị nghị. Đã có lần cụ Tỳ bên nhà 18 là tổ trưởng dân phố lập cập chống ba-toong sang bên nhà rào trước đón sau vì chuyện tôi về nhà mà chẳng có giấy tờ gì cả. Tôi nói luôn với cụ “Ai hỏi chuyện của cháu cụ cứ bảo nó ở bên Đoàn an dưỡng 869 về, cứ sang bên ấy mà hỏi, nó mà đảo ngũ thì làm sao nó lại dám mặc quân phục với sao mũ đầy đủ”. Tôi biết cụ cũng chỉ bị sức ép của mấy vị cán bộ khu phố mà thôi.
Cái tên 869 những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước như một cái gì đáng nể trọng nhưng cũng đầy tai tiếng: lính 869 mặc “cốt bà Định” (áo rét đông xuân dài tay mầu cỏ úa mở khuy trước ngực) khoác bên ngoài quân phục (điều lệnh phải mặc bên trong) hoặc áo bông bộ đội (chỉ có ở bệnh viện quân y hay các đoàn an dưỡng), vai khoác ba-lô lộn trái đi từng tốp về Hà Nội, không một quân cảnh nào dám hỏi. Thậm chí va chạm với công an cũng lính 869 hay từ tầu Thái Nguyên về với hàng bao tải chè qua mặt cả thuế vụ cũng 869, say rượu bét nhè quậy phá ở chợ Tó hay chợ Vân Trì cũng 869, còn chuyện giăng hàng ra chặn ô tô về Hà Nội là chuyện thường ngày ở trại.

Ngày nào tôi cũng nghe đài và đọc báo chí để theo dõi tình hình chiến sự nhất là ở Quảng Trị. Lâu nay chiến sự khu vực thị xã Quảng Trị ít nói đến chỉ nhắc nhiều đến vùng Nhan Biều và nhất là ở Tích Tường, Như Lệ. Lúc ấy cũng chẳng biết khu vực đó là ở đâu và đơn vị mình hoạt động ở khu vực nào nữa.

Sang đơn vị lần này tôi đi đi xe bus đến Trâu Quỳ rồi lên đê sông Đuống, qua đò ngang sang Phù Đổng và băng cánh đồng thẳng tắp về Trung Mầu, đi theo tuyến đường này gần biết bao nhiêu. Về đến đơn vị việc đầu tiên là bị gọi lên làm kiểm điểm, đoạn kết của bản kiểm điểm là vì “nhớ Mẹ nên lần này xin chừa lần sau cứ thế”. Mấy vị cán bộ tức lắm lại thuyết trình tràng giang đại hải kiểu con tằm nhả ra tơ. Hồi ấy thằng nào bị làm kiểm điểm nhiều thế nào thứ hai đầu tuần phải lên đọc 10 lời thề của Quân đội nhân dân Việt Nam. Có lần mình lên đọc nhưng do tư tưởng tếu táo đọc lời thề thứ 9 thành “Trong tình thương yêu giai cấp hết lòng thương yêu đồng đội, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau lúc thường như lúc có đường có sữa”. Cả đơn vị được một trận cười vỡ bụng.

Khoảng gần giữa tháng 12/1972, trên D bộ xuất hiện rất nhiều cán bộ lạ và có tin các đơn vị của B5 ra đón quân về.

Tôi và khoảng hơn năm chục người nữa là lính Quảng Trị có tên trong danh sách quay lại chiến trường, mặc dù chưa được khám thương. Tin này làm chấn động cả đơn vị, chỗ nào cũng thấy lính tráng bàn tán việc đi hay ở. Nhiều người lo thật sự. Với tôi, tin này cũng làm tôi xao xuyến nhưng mình cũng đã xác định từ trước: đây chỉ là một chuyến đi phép dài mà thôi. Đơn vị gọi tôi lên và chính thức thông báo tôi sẽ trở về đơn vị và việc khám thương sẽ do đơn vị cũ làm. Tôi chỉ yêu cầu xin được về mấy ngày để từ biệt gia đình. Ngay buổi chiều hôm đó tôi ra Trâu Quỳ và tới trường Đại học Nông nghiệp 1 để báo cho anh tôi biết.

Mẹ tôi nghe tin tôi trở lại chiến trường cũng buồn lắm, bà gắng gượng động viên tôi “Thôi con cứ đi đi, về được nhà lần này là tốt lắm rồi, Trời, Phật sẽ phù hộ cho con.”

Từ bến xe Trâu Quỳ ra bến đò sang Phù Đổng lần này tôi hơi ngạc nhiên vì thấy xuất hiện rất nhiều lính ta trong trang phục áo bông hai túi ngực của đoàn an dưỡng. Sang khỏi đò thì mới biết mấy hôm tôi về nhà thì toàn bộ khu vực Cổ Dương phải sơ tán gấp về Phù Đổng vì khả năng Mỹ sẽ ném bom Hà Nội là rất lớn vì Hội nghị Paris đã đi vào bế tắc.

Không khí của D22 chộn rộn vì chuẩn bị cho đợt quân trở lại chiến trường. Những người ra đi đợt này đều nhập ngũ 1971-1972 là quân số của các sư đoàn 304, 308, 312, 320, 324, 325, 367, 351 và các đơn vị chiến đấu tại mặt trận Trị-Thiên. Anh em còn lại hầu hết từ cánh B dài từ Quảng Nam trở vào, họ đã nằm ở đây đã lâu và cho biết từ khi thành lập đoàn tháng 8/1969 đến nay đây là lần đầu tiên đưa thương binh trở lại chiến trường, điều này chứng tỏ các đơn vị ở đó quân số thiếu hụt rất nhiều và rất cần những lính đã kinh qua chiến đấu.

Tôi bao giờ cũng rất kính nể những người lính từ các chiến trường B dài, hầu hết các anh đều trên 30 tuổi thậm chí có người ngoại 40 với nhiều năm lăn lộn khắp các chiến trường. Với nước da xám ngoét vì sốt rét và vô vàn những câu chuyện lính ở những vùng sâu vùng xa tít tận đồng bằng sông Cửu Long hoặc Ông Cụ (mật danh chỉ vùng Cà Mau) hay những cánh rừng già đại ngàn của mảnh đất cao nguyên hùng vĩ. Những câu chuyện đó cuốn hút chúng tôi, các anh coi chúng tôi như những người em út “vừa rời vú mẹ đã phải lao vào cái chảo lửa khổng lồ” nào là “tuổi quân của chúng mày chưa bằng thời gian chúng tao bị hắc lào và sốt rét”.

So với các anh chúng tôi chưa là cái gì cả mà lại hơn các anh ở chỗ chỉ bị thương nhẹ thôi đã được ra Bắc hít thở bầu không khí chiến tranh và hòa bình. Có những anh đi bộ đội từ khi thành lập đường dây 559 và hơn chục năm trời trông kho trong rừng thẳm chỉ làm bạn với một chú chó Lào, người anh sắt lại đen đúa như một già làng Tây Nguyên; có anh cẳng chân nham nhở không ra hình thù gì thì ra một lần vượt sông Sài Gòn anh đã bị cá sấu tấn công, chống chọi với cá sấu trong khi xung quanh tầu tuần tiễu của địch vẫn đang lùng sục trên sông; còn cậu Long ở Lò Đúc trong khi đi lấy gạo bị trúng B52 cả mảng lưng bị lột sạch còn trơ phần xương sống mà chỉ có một lớp da mỏng như tờ pelure phủ lên và rất nhiều câu chuyện được chia sẻ với nhau giữa những người đi và người ở lại trong các quán nước ở xung quanh doanh trại.

12 ngày đêm Tháng Chạp 1972.

Mùa đông năm 1972 sao mà lạnh thế, nhất là trong dãy nhà tuềnh toàng của D22, gió bấc ù ù lùa qua khe vách như những mũi kim châm vào da thịt. Mỗi thằng một chăn Nam Định không đủ ấm, đơn vị lại cho mượn cả chăn dạ Mông Cổ cũng không ăn thua gì. Hai ba thằng phải ngủ chung với nhau để chống rét.

Những tiếng nổ như sấm rền cùng những chớp lửa hắt qua khe vách làm cho chúng tôi bật dậy theo phản xạ của những thằng lính. Lao vội ra sân nhìn xung quanh bùng lên những quầng lửa ở phía Yên Viên, phía bên kia sông, kèm theo đó phía Bắc Ninh là những luồng lửa xé màn đêm của các quả tên lửa, bầu trời mùa đông bị xé nát bởi những luồng lửa cao-xạ, chúng tôi lao ra dẫy hố cá nhân ở ngoài doanh trại, biết rằng những hố cá nhân này chẳng ăn thua gì nhưng còn hơn là phơi mình dưới những cơn lốc lửa. Xa tít trên bầu trời đen kịt rất nhiều ánh đèn nhấp nháy nối đuôi nhau bay vào. Đích thị B52 rồi, một cảm giác nghẹn lại khi nghĩ tới cái từ B52 này. Kẻ thù đã đưa loại vũ khí khủng khiếp này ra tận đây, chúng muốn hủy diệt Hà Nội như đã từng hủy diệt Tokyo, Hirosima… trong thế chiến thứ 2. Chợt có tiếng reo ồ lên “Cháy rồi! Cháy rồi!.” Từ trên bầu trời đỏ rực phía Đông Anh một chùm lửa cháy ngùn ngụt lả tả lao xuống đất. Một thằng đã bị đền tội, nếu chiếc này là B52 thì quả thực là tuyệt vời. Trong chiến trường chỉ nhìn thấy chúng ngạo nghễ rải bom mà có được tận mắt thấy chúng bị cháy như ở đây đâu.

Nếu ai đã từng ở trong vệt B52 sẽ biết rằng mức độ tàn phá của nó khủng khiếp như thế nào nhất là ở một thành phố với mật độ dân cư đông đúc với số lượng lớn B52 nhiều như thế. Thông thường ở Quảng Trị mỗi tốp máy B52 gồm ba chiếc oanh kích vào một tọa độ nào đó, chỉ có hôm 2/9/1972 trong một ngày khu vực chúng tôi phải chịu 27 lần/chiếc hay đêm 18/11 vừa rồi chúng tôi bị ba tốp B52 cùng đánh trên trục đường 15 đã thấy khủng khiếp lắm rồi thế mà giờ đây sự khủng khiếp đó đang diễn ra ở đây tại thành phố thân yêu của tôi. Đấy là đêm 18/12/1972, cái đêm mở đầu cho cuộc không kích tàn bạo nhất trong lịch sử chiến tranh của Mỹ vào Hà Nội. Gần sáng chúng tôi lại phải chạy ra hầm lần nữa, kinh nghiệm lần này vác theo cái chăn để chùm kín lên đầu khỏi rét và tranh thủ ngủ vì nếu còn nghe tiếng nổ nghĩa là mình vẫn con sống.

Sáng ra qua bản tin của đài Tiếng nói Việt Nam thì việc Mỹ dùng B52 đánh Hà Nội là đúng và ta đã hạ được B52 trên bầu trời Hà Nội. Nghĩ về những người thân mà nhấp nhổm muốn về quá, nhưng vừa mới ở nhà lên được hai, ba ngày trong khi việc quay trở về đơn vị chỉ có ngày một ngày hai mà thôi.

Những đêm sau đó hầu như chúng tôi đều ngủ ngoài trời, D22 lọt thỏm vào giữa những khu vực đánh phá của B52 như Yên Viên, Gia Lâm và các trận địa tên lửa và pháo phòng không. Ban ngày hầu như yên tĩnh thỉnh thoảng mới có báo động.

Trưa ngày 22/12 sau khi được ăn tươi nhân dịp ngày thành lập Quân đội tôi đang chìm trong giấc ngủ vì đêm nào cũng phải dậy mấy lần thì có người báo có gia đình lên thăm. Tôi định sang nhà C bộ thì đã thấy mẹ cùng anh chị tôi đã ở ngay cửa nhà. Sau ngày 18 hầu như Hà Nội đều đi hết chỉ còn rất ít người ở lại. Mẹ tôi hiện đang ở Hà Nội, mấy hôm nay bà ở ngay tại cơ quan vì có hầm trú ẩn. Bố tôi ở khu sơ tán của cơ quan. Chị tôi cho các cháu đi sơ tán với bà nội, còn chị ở lại. Khu tập thể Tôn Đản chỗ chị tôi được ngân hàng xây hầm trú ẩn khá kiên cố nên cũng yên tâm. Còn anh tôi vẫn bên trường. Sốt ruột vì bom B52 tơi bời lại biết tin tôi trở lại chiến trường, cả nhà kéo sang thăm tôi. Cho đến lúc này ngày giờ chúng tôi xuất phát cũng chưa hề biết nên chỉ còn động viên mẹ tôi và anh chị yên tâm trở về. Tiễn mọi người ra cổng trại thì ngay lúc đó phía Hà Nội vọng đến tiếng cao-xạ cùng tiếng rít của máy máy bay bay thấp của địch.

Tin ga Hàng cỏ bị trúng bom trưa 22/12 rồi đêm đó Bệnh viện Bạch Mai bị trúng bom B52… làm cho tôi nóng ruột quá. Ga mà bị ném bom thì nhà tôi thế nào đây? Bình tĩnh lại thì lúc ấy mẹ và anh chị tôi vừa ở chỗ tôi về nên cũng yên tâm, còn nhà cửa thì sao, biết đâu một quả bom mồ côi lại lạc ra khỏi ga thì sao? Phải về ngay, kiểu gì cũng phải về, đây là lý do phải về!

Tôi về qua Tôn Đản mượn xe chị tôi để phóng về nhà. Ra đến Trần Hưng Đạo nhìn về phía ga, tôi như bị hẫng hụt vì nóc nhà ga với chiếc đồng hồ to tướng có những chữ số La-mã biến đi đâu mất mà ở đấy chỉ còn đống gạch vụn. Phải nói rằng thằng phi công nào đánh cú này quá tuyệt vì hai bên nhà chờ của hành khách còn nguyên vẹn. Nói dại chẳng may quả bom đó chệch ra phía nhà tôi độ 70 mét thôi thì không biết điều gì sẽ xảy ra.

Sức ép của bom làm cho các cánh cửa nhà tôi bung ra hết, đồ đạc lung tung hết cả. Mẹ tôi đang ngồi nhặt nhạnh lại những bát đĩa còn lành, anh tôi đang thu dọn đống sách vở tài liệu bị tung tóe khắp nơi. Nhà tôi cũng chẳng có gì đáng giá ngoài những bát đĩa cổ từ ngày xưa để lại cùng tủ sách quý của cả nhà.

Ban ngày tôi đạp xe qua những khu phố bị đánh bom như An Dương, bệnh viện Bạch Mai để biết tình hình. Quả thực khung cảnh hoang tàn của một thành phố đông dân bị trúng bom hủy diệt khiến lòng ta đau nhói trước những con người vô tội bị giết hại.

Buổi tối chị tôi bắt tôi lên khu nhà chị ngủ lại vì ở đây có hầm trú ẩn. Đêm đêm khi còi báo động rú lên cùng với những tiếng nổ rung trời của bom đạn và lưới lửa phòng không của ta, cả khu tập thể ngân hàng đều xuống hầm. Tôi thì không chịu xuống vì cảm thấy mình như lạc lõng giữa những bà con ở đây. Đã mấy lần khi có tiếng còi báo động ở Nhà hát lớn rú lên chị tôi chạy cuống hầm và giục tôi cùng đi nhưng tôi cứ nấn ná không chịu đi, chợt có tiếng đập cửa và tiếng gọi phía ngoài “Anh Tường ơi! Xuống hầm đi! Nhanh lên!”. Đấy là tiếng của N – cô gái hàng xóm của chị tôi, đang là sinh viên năm thứ nhất Cao đẳng Sư phạm Hà Nội – “Tôi không xuống đâu! N xuống đi! Mặc tôi, tôi quen rồi”. Tiếng cô gái cương quyết “Anh không xuống hầm thì em cũng không xuống”. Đến nước này là phải xuống hầm rồi. Trong hầm mọi người ngủ la ngủ liệt, thì ra mọi người đều chuẩn bị hết cả, N cũng có một chỗ đầy đủ cả chăn chiếu để ngủ đêm tại hầm.

Câu chuyện về cô gái đó tưởng như bị lãng quên trong muôn vàn cuộc gặp gỡ trên những nẻo đường chiến tranh nào ngờ nó lại được nhắc lại khi chiến tranh kết thúc và tôi trở về thăm chị gái và các cháu lại gặp cô gái hàng xóm đó nay đã trở thành một cô giáo dạy Toán của trường cấp hai Yên Viên. Một cô giáo trẻ nhưng rất cả tin vào những câu chuyện tếu táo của tôi và an ủi động viên tôi trước những khó khăn, khúc mắc khi trở về với đời thường. Kể cũng lạ tôi và mấy đồng đội thân thiết, những thằng ngỗ ngược, ngang ngạnh ấy đều phải chọn cho mình một cô giáo chủ nhiệm để quản lý những thằng học trò to đầu nhưng rất cá biệt đó thì phải. Trải qua những khó khăn vất vả đầy lo toan bộn bề của cuộc sống nhiều khi tưởng như không vượt qua khỏi, cô giáo trẻ ấy đã trở thành cảnh sát trưởng kiêm ma ma tổng quản của bố con và các cháu nội tôi và đã cùng đi với tôi cho đến ngày hôm nay.

Đêm 26/12, sau khi tạm ngưng ném bom nhân dịp Noel, Nixon tập trung B52 đánh vào Hà Nội với mật độ dày đặc. Cũng như những đêm trước khi báo động không thấy tôi xuống hầm, N lại lao lên nhà giục tôi xuống. Đứng ngoài cửa hầm nhìn những chớp lửa liên tục hắt lên bầu trời chứng tỏ khoảng cách đến nơi bị dội bom đó không xa, bụi đất cuốn mù mịt.

Sáng 27/12 anh em tôi đưa nhau vào Nhân Chính để xem tình hình nhà cô tôi có làm sao không. Qua phỗ Khâm Thiên mà không còn nhận ra con phố sầm uất ấy nữa, tất cả chỉ còn lại những đống gạch vụn. Những xác người phủ chiếu nằm la liệt trong khói hương nghi ngút. Tất cả đang hối hả lao vào đào bới tìm những người bị lấp dưới đống đổ nát. Những xác người bị chết vì sức ép, bị sập hầm thâm đen không còn nhận dạng được nữa. Tiếng khóc của người thân giữa khung cảnh tan hoang sao mà thê lương thế. Là người đã mấy lần chui ra từ vệt bom B52 và chôn cất đồng đội nhưng ở đây trước những cảnh này tại thành phố quê hương đã khiến trong tôi trào lên mội nỗi uất hận. Hậu quả của những trận B52 giữa một thành phố lớn hơn rất nhiều những trận B52 tại chiến trường làm cho bao người dân vô tội phải chết.

12 ngày đêm dùng B52 đánh bom Hà Nội đã phải chấm dứt. Kẻ thù đã phải trả giá cho tội ác của chúng: hơn ba chục B52 đã phải phơi xác trên bầu trời Hà Nội. Chiến thắng của trận Điện Biên Phủ trên không buộc địch phải chấm dứt ném bom miền Bắc và tiếp tục ngồi vào bàn Hội nghị.

Mấy hôm nay tranh thủ ngừng bắn, ta tranh thủ đưa quân và hàng hóa vào chiến trường. Mình chắc cũng phải lên đơn vị để đi thôi thì chị tôi qua một người dân đi đường mang thư của anh Minh báo rời Yên Tử để đi B và ngay đêm đó sẽ qua Hà Nội.

Hai chị em tôi đạp xe qua cầu phao Bác Cổ cứ theo đường một đi ngược về phía Yên Viên. Thị trấn Gia Lâm đổ nát nhất là khu vực nhà máy xe lửa. Qua nhà máy xe lửa một quãng gặp ngay một đơn vị bộ đội đang hành quân. Hỏi ra họ đúng là đơn vị đã huấn luyện ở Yên Tử. Anh Minh đi ở cuối hàng quân. Vợ chồng anh chị tôi gặp nhau trước bao con mắt của các bạn đồng ngũ, họ mừng cho anh chị tôi và cũng tiếc nuối không gặp được người thân của mình trước khi đi.

Chị em tôi gặp viên sĩ quan chỉ huy đoàn quân đề nghị cho anh tôi tranh thủ về qua nhà rồi sẽ tiếp tục nhập đoàn. Anh ta lưỡng lự chỉ lo anh tôi không đuổi kịp đơn vị. Tôi phải giải thích: các anh phải nhập trạm Thường Tín, chiều tối mai mới xuất phát, gia đình tôi sẽ đưa anh tôi nhập trạm trưa mai, trạm giao liên Thường Tín với tôi quá quen thuộc vả lại tôi mới ở Quảng Trị ra. Có lẽ người sĩ quan thấy tôi rất nghiêm chỉnh trong bộ quân phục với quân hiệu đàng hoàng và ông ta lại quá biết anh tôi là người cao tuổi nhất đoàn quân (32 tuổi) nên đã đồng ý với lời dặn: trưa mai phải có mặt.

Chỉ có hơn chục tiếng đồng hồ là anh rể tôi phải đi, không được gặp bố mẹ và hai con trước khi đi anh rất buồn. Tôi đã định cùng anh tôi đạp xe ngay trong đêm về Thiên Thai (Gia Lương, Hà Bắc) để cho anh gặp mẹ và các cháu nhưng quãng đường quá xa, đường xấu, đêm tối rét mướt nên đành phải ở lại.

Xã Liên Phương nơi trạm T1 giao liên đóng quân, căn nhà mà tiểu đội anh tôi ở chính là căn nhà mà khi chúng tôi nhập trạm hồi tháng 7. Anh em cùng đơn vị với anh tôi đều quê ở Hải Phòng và Quảng Ninh, Hải Hưng họ hầu hết là công nhân, cán bộ của các mỏ than, của các xí nghiệp cơ quan đóng tại Quảng Ninh. Nhớ hồi tháng 4/1972 khi tôi nhận được tin anh tôi nhập ngũ và lúc ấy chị tôi cùng hai cháu đang ở ngoài đó, tôi đã phải ra Uông Bí rồi vào Mẫu Sơn nơi Liên đoàn địa chất của anh tôi ở để đón chị và các cháu về Hà Nội. Anh tôi tốt nghiệp Tổng hợp Lý năm 1965 về công tác tại Liên đoàn 2 địa chất tại Quảng Ninh. Là kỹ sư địa vật lý chuyên về karota, dùng phóng xạ co-bal để thăm dò trữ lượng qua lỗ khoan. Trong buổi tiễn đưa tại cơ quan hôm ấy, người kỹ sư Nga chuyên gia về karota bày tỏ rất tiếc khi anh tôi lên đường nhập ngũ trong khi người thay thế chưa thể đảm đương được công việc. Có lẽ chính vì lý do đó mà anh tôi đã được lui lại đến đợt tháng 9/1972.

Chiều tối anh tôi lên đường, không ngờ chị em tôi ra tiễn anh lần này cũng là lần anh ra đi mãi mãi.

Đầu năm 1974 khi tôi đang ở Nam Cửa Việt thì nhận được thư của anh tôi gửi từ Bình Long, lá thư nhầu nhĩ vì phải trải qua một chặng đường dài. Anh viết từ tháng 9/1973, anh ở sư đoàn 9 miền Đông Nam Bộ, anh đã nhận được thư của chị tôi cho biết số hòm thư của tôi. Đầu năm 1975 chị tôi nhận được thư của một người bạn cùng đơn vị lại cùng cơ quan cũ báo tin anh tôi đã hy sinh khi đang điều trị sốt rét tại bệnh xá của đơn vị. Theo lá thư của người bạn đã chứng kiến giờ phút cuối cùng của anh tôi: người ta truyền nước cho anh tôi nhưng để tốc độ truyền quá nhanh khiến cho người bệnh bị sốc vì nước ngập tim, trong khi lượng máu của người bệnh không còn nhiều.

Cuối năm 1975 chị tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh được bạn bè của anh tôi đưa đến nơi anh hy sinh. Đấy là một khu rừng nơi đặt bệnh xá của Sư đoàn 9 ở huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước bây giờ. Đến tháng 8/1990 tôi cùng chị tôi vào đưa anh tôi về Hà Nội, khi ấy mộ anh tôi đã được di dời về Nghĩa trang Liệt sĩ của huyện Bình Long nằm ngay cạnh quốc lộ 13 cách Sài Gòn hơn bẩy chục cây số. Ngày ấy chưa có chủ trương đưa các Liệt sĩ về quê nhà nên gia đình tôi phải đưa anh về quê tôi ở Định Công ngay gần mộ của ông bà nội, quê của anh mãi tận Hà Tĩnh mà ở đó chẳng còn ai. Cho tới năm 2003 một lần nữa mộ anh tôi lại được di dời về Nghĩa trang Liệt sĩ của Thành phố đặt tại xã Tây Tựu, Từ Liêm. Anh tôi nằm đó xung quanh là những đồng đội của nhiều thế hệ Liệt sĩ. Ước nguyện đó đã làm cho anh tôi toại nguyện vì một lần sau khi đưa anh về quê chị gái tôi có năm mơ thấy anh: về đây tuy được gần vợ gần con nhưng buồn lắm vì xung quanh toàn người lạ, không có đồng đội. Anh tôi nằm cùng khu với chị Trâm – người bạn học cùng trường Chu Văn An ngày xưa, phía trước mặt là mộ của Thạc. Cũng tại Nghĩa trang Liệt sĩ này có nhiều mộ của đồng đội tôi như mộ của Tiến (C3/D1), của anh Lâm (C1/D1) là những người bạn cùng ra đi từ Đại học Xây dựng mà chúng tôi đã đưa về, rồi mộ của Phạm Vũ Hồng (C12/D3) và Hoàng Tích Minh nữa.

(Còn tiếp)

L.X.T

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder