
Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn “Người ấy lại về” của nhà văn Trần Hiệp in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước – NXB Hội Nhà văn 2014.
Nhà văn TRẦN HIỆP
HỌ VÀ TÊN KHAI SINH: TRẦN HIỆP. SINH NGÀY 25 THÁNG 2 NĂM 1936. QUÊ QUÁN: CHÍNH ĐA, QUẢNG CHÍNH, QUẢNG XƯƠNG, THANH HOÁ. DÂN TỘC: KINH. HIỆN THƯỜNG TRÚ TẠI: B24 TT7 KHU ĐÔ THỊ VĂN HOÁ, PHƯỜNG PHÚC LA, QUẬN HÀ ĐÔNG, HÀ NỘI. NĂM 1952 LÀ BÍ THƯ XÃ ĐOÀN THANH NIÊN CỨU QUỐC. 1953 ĐI BỘ ĐỘI. 1960 CHUYỂN NGÀNH VỀ CÔNG TÁC Ở UBHC TỈNH THANH HOÁ LÀM CÔNG TÁC THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN; BÍ THƯ ĐOÀN TN LAO ĐỘNG CÁC CƠ QUAN THUỘC UBHC TỈNH; HỌC LỚP BÁO CHÍ ĐẠI HỌC NHÂN DÂN HÀ NỘI. 1962 VỀ CÔNG TÁC Ở BÁO THANH HOÁ LÀM PHÓNG VIÊN, BIÊN TẬP, TRƯỞNG PHÒNG, TRƯỞNG BAN, PHÓ THƯ KÝ CÔNG ĐOÀN, PHÓ THƯ KÝ HỘI NHÀ BÁO. 1979-1982: HỌC ĐẠI HỌC KINH TẾ KẾ HOẠCH, UỶ VIÊN BCH, TRƯỞNG BAN VĂN XUÔI – HỘI VĂN NGHỆ THANH HOÁ.
NGƯỜI ẤY LẠI VỀ
Cách đây mươi năm tôi về công tác ở vùng Tam Đồng, một vùng đồng chiêm trũng. Vừa đến đầu làng Viên Nội thì trời đổ mưa. Đất vùng này “mến khách”, quấn chặt lấy bánh xe, đạp không tiến, đẩy không đi, đôi dép ở chân thành hai chân voi. Mưa càng lúc càng nặng hạt, tôi đành vác xe ì ạch chạy vào trú nhờ ngôi nhà đầu làng. Nơi đây chỉ lẻ loi mấy nóc nhà như là một xóm mới. Hai người đàn bà ra mở cửa mời tôi vào. Đang loay hoay với cái xe đạp và đôi dép nặng chịch thì thấy chú bé khoảng mười tuổi đội mưa chạy về, chào tôi rồi chào hai người đàn bà:
– Con chào mẹ Thảo, con chào mẹ Ngận.
Tại sao thằng bé này lại có hai mẹ? Tôi nhìn hai người đàn bà, họ đang cuống lên vì thằng bé quần áo bị ướt đẫm. Một người trên ba mươi tuổi, mặt trái xoan, cái mũi thon thon, cặp mắt sáng và dài: người kia ít tuổi hơn, thân hình cân đối, nét mặt tròn đầy đặn, hình dáng này, các nhà xem tướng nói là rất phúc hậu. Họ mời tôi vào nhà và rót nước mời tôi trong cái ấm tích cũ kỹ, nhưng sạch sẽ. Người lớn tuổi phàn nàn mà như thanh minh:
– Quê bọn em khổ rứa đó bác ạ. Nắng ráo thì còn đỡ, mưa xuống, ra khỏi nhà chỉ có đi chân trần, giầy dép chi cũng không tha nổi.
Tôi mạnh dạn hỏi:
– Cả hai chị đều là mẹ cháu?
– Vâng, cả hai chị em tôi chỉ có một mình cháu.
Tôi hiểu nhầm ý chị nên lại hỏi:
– Thế anh nhà ta đâu?
Chị nhìn lên bàn thờ và nói:
– Mất cả rồi bác ạ.
Ôi! hai người thanh niên trong ảnh giống nhau như hai giọt nước. Người đeo quân hàm thiếu úy chỉ chưa đến tuổi ba mươi; người đeo quân hàm trung sĩ chỉ mới ngoài hai mươi – hai người con trai trẻ mãi không già. Bỗng có tiếng gì rất lạ, như tiếng người mà hình như không phải, the thé từ hồi nhà vọng lại, tôi liền hỏi:
– Tiếng gì đấy chị?
– Chú út tàn tật từ nhỏ. Gần hai mươi tuổi mà ăn uống, bài tiết đều phải phục vụ tại chỗ.
– Em bị bệnh gì thế?
– Nghe mẹ chồng em kể, hồi chú nó mới ba tháng tuổi, bị sốt cao, co giật, chạy chữa mãi mới thoát chết, nhưng lại bị bại liệt, vừa câm vừa điếc.
Chẳng thể ngồi yên tôi đi lại chỗ chú út. Một thanh niên có nhiều nét giống hai người anh, tuy bị méo mó đôi chỗ. Chú ấy lê lết dưới sàn láng xi măng, tứ chi teo tóp, vừa bậy ra quần.
Cơn mưa vẫn chưa ngớt, tôi đành phải nán lại chờ tạnh. Thế rồi cái máu nghề nghiệp hối lên, tôi hỏi các chị về cảnh nhà, về hai người liệt sĩ. Câu chuyện li kỳ như huyền thoại, tôi nghi nghi hoặc hoặc. Mưa bớt hạt, tôi tạm biệt họ đi làm việc với xã. Đêm ấy tôi hỏi chuyện ông chủ tịch xã để xác minh những gì đã nghe hai chị ấy kể. Nhưng ông chủ tịch kể lại còn chi tiết hơn, li kỳ hơn. Tuy vậy, sáng hôm sau tôi còn đến gặp bà Chủ tịch Hội phụ nữ xã, một bà già, góa chồng từ năm ngoài ba mươi tuổi, ở vậy nuôi con, thờ chồng. Bà kể cho tôi nghe tất cả những gì về cuộc đời hai người vợ liệt sĩ ấy, cuối cùng bà bảo tôi:
– Đã có một chị nhà báo viết về họ, mặc dù họ bảo đừng viết chi cả, lần sau cô nhà báo trở lại họ đã tránh mặt.
– Vâng, các chị ấy cũng dặn tôi như thế.
– Chị em họ đã muốn như thế, đồng chí cũng đừng viết chi về họ nữa.
Bẵng đi hơn mười năm tôi chưa viết gì về hai người đàn bà ấy, mặc dù câu chuyện về họ đã cuốn hút tôi. Gần đây, tôi nghe tin người em trai tàn tật của họ lại phát bệnh, chạy chữa mãi không được, sau vài lần co giật đã qua đời. Dù cảm thương người con trai ấy, tôi vẫn thầm bảo, may cả cho chú ấy và cho hai người đàn bà và thằng cháu nhỏ. Không lâu sau lại nhận được tin dữ về họ. Tôi thu xếp công việc trở lại ngôi nhà ấy xem sao, thì hóa ra còn li kỳ hơn tôi tưởng. Dù các chị có trách, tôi vẫn không thể không chép lại chuyện này.
*
Vừa ra khỏi cuộc chiến tranh kéo dài, đất nước chưa kịp hồi sức lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh mới. Cũng như cái gia đình nhỏ bé này, chồng Thảo là anh con trưởng chưa kịp về giúp đỡ vợ sau nhiều năm chinh chiến, người em trai đã phải ra trận, để lại nhà cho người chị dâu hiền, người vợ trẻ đang mang thai và đứa em tàn tật. Đất nước mình suốt mấy chục năm qua, những cuộc chia ly như thế không có gì là lạ. Thanh niên đua nhau ra trận như đi trẩy hội. Cuộc chiến tranh vệ quốc ở biên giới hai đầu đất nước như lửa cháy hai đầu hồi nhà. Người ở hậu phương nương tựa vào nhau mà sống và lao động chi viện cho chiến trường. Những tin dữ liên tiếp truyền về. Người anh, hy sinh ở biên giới tây-nam tháng giêng năm bảy chín; tháng ba năm sau, người em mất tích ở biên giới phía bắc. Hai người đàn bà trẻ, người chưa kịp làm mẹ, người sắp được làm mẹ ngơ ngác nhìn nhau, cùng thốt lên trong tiềm thức: “Sao lại có thể như thế được?” Mất chồng, họ phải nương tựa vào nhau để chăm sóc người em chồng tàn tật, dồn tất cả cho việc nuôi dưỡng cái bào thai cho đứa trẻ chào đời.
Đứa bé được sinh ra trong sự chăm ẵm của mẹ và bác, không rời một phút. Họ kết thân với cô y tá ở trạm y tế xã, hễ thằng bé có gì khang khác là cô có mặt ngay. Được cái may, thằng bé như củ khoai trong đất cát pha, không sùng, không hà, chỉ có ngày một phổng phao. Chưa lần nào nó làm cho mẹ và bác lo toát mồ hôi. Hễ nó khóc là bác nó đang làm gì cũng vứt đấy chạy lại nựng cháu:
– Nào, bác thương con nhiều nhiều.
Ngận thấy chị dâu thương yêu con mình hết lòng, mỗi lần cho con bú xong, trao con cho chị dâu, Ngận đều nói:
– Thằng Tít đi với mẹ Thảo để mẹ Ngận đi làm nhá.
Nói mãi thành quen. Thảo cũng xưng hô với bé như chính mình sinh ra.
Thế rồi, chuyện rắc rối đã đến. Khi chiến tranh ở hai đầu biên giới qua đi. Vào một buổi chiều muộn, mây lãng đãng, sắp có dông ra. Một người lính cụt cánh tay phải, ngoắc ba lô trên vai trái, khập khiểng đến nhà hai chị. Mới nhìn thấy anh, hai chị đã ngớ người ra, tưởng là Thành, chồng Ngận. Khuôn mặt méo mó, tiếng nói lạ hoắc đã kịp ngăn hai người không thể xô lại với anh ta. Anh ta tự giới thiệu là bạn chiến đấu của Thành. Tuy cũng chỉ bằng tuổi Thành, nhưng anh ta già và tiều tụy, có lẽ là do các vết bỏng trên mặt tạo ra. Anh cho con trai Ngận hai bộ quần áo; cho An, chú em tàn tật, hai cân đường, hai hộp sữa; cho hai chị em mấy mét lụa Nam Định may quần. Anh nói:
– Tôi và Thành ở cùng một tiểu đội, điếu thuốc bẻ đôi, sướng khổ có nhau. Trong một trận đánh ở cửa ngõ Lạng Sơn, cả hai cùng bị thương nặng, được đưa về trạm cấp cứu. Tôi mua mấy thứ này cho ba chị em và cháu là tiền phụ cấp của hai đứa dành dụm, các chị đừng phân vân làm gì.
Anh kể cho hai chị biết những gì đã diễn ra trong trận chiến đấu ấy, họ bị thương như thế nào. Còn việc mất tích là do trạm cấp cứu tiền phương bị địch đột kích, Thành bị hỏng chân chạy không kịp, vì không tìm thấy xác đồng chí ấy nên thông báo là mất tích, nhưng chắc chắn Thành đã hy sinh. Anh từ tốn kể nhiều lắm. Ngận luôn tay lau nước mắt, ghì chặt con vào lòng. Thảo thì chăm chú nhìn anh ta, có điều gì anh ta chưa thể nói, chị mạnh dạn hỏi:
– Chú Thành có dặn anh điều gì không?
Như gỡ được nút rối, anh thương binh mở ba lô lấy cái hộp sắt, trong đó có tấm huân chương và một mảnh giấy xé từ sổ tay. Cầm tờ giấy mà tay anh run bần bật, đắn đo một lúc mới đưa cho Thảo:
– Đây là những dòng chữ Thành viết vội khi bị thương nặng, tưởng mình chết tại trận. Thành dặn tôi: nếu còn sống thế nào cũng phải về đây.
Thảo đón mảnh giấy mà mắt vẫn không rời anh thương binh. Gương mặt ấy bần thần, gượng gạo, mắt anh gặp mắt Thảo, anh vội cúi xuống loay hoay với cái ba lô. Thảo thấy Ngận đang khóc nên đọc trước. Đúng là chữ chú ấy nhưng viết vội, từng chữ xô lệch, các hàng chữ chỗ thưa chỗ dầy, chỗ lên chỗ xuống. Thảo đọc nhanh những dòng chữ ngã nghiêng, làm đảo điên lòng chị, Thảo đứng phắt lên đưa mảnh giấy cho Ngận:
– Chú nứ gửi cho thím.
Nói rồi chị ra sân kéo sền sệt rổ rau lợn, lấy dao băm. Trong nhà chỉ còn lại anh thương binh và mẹ con Ngận. Tiếng dao băm bèo của Thảo khác với mọi ngày. Nó không nhẹ nhàng mà như tiếng dao chém gỗ: cái thớt bị băm mạnh dằn lên nền sân xi măng phát ra âm thanh giận dữ như có nhiều đầu gậy cùng thúc vào cánh cửa khóa chặt.
Ngận đọc chậm chạp từng chữ của chồng để lại. Nước mắt chảy xối xả làm cho một chữ thành năm bảy chữ, hàng nọ chồng lên hàng kia, ngổn ngang như lòng chị lúc này. Chị đọc đi rồi đọc lại, mãi chị mới hiểu ra điều chồng chị trăng trối. Chị òa khóc, chạy vào trong buồng úp mặt xuống gối.
Anh thương binh khi đến nhà này được đón tiếp nồng nhiệt, thân thiết bao nhiêu, thì bây giờ thấy bơ vơ bấy nhiêu và có phần bẽ bàng. Đúng là đi cũng dở, ở không đành. Anh đốt ba thẻ hương cắm vào bát hương trên bàn thờ, khi lật tấm vải đỏ anh nhận ra ảnh hai anh em Đại – Thành. Anh đi ra hồi nhà ngồi với chú em tàn tật, lấy từng cái bánh quy đút cho chú ấy ăn mà nước mắt chảy ròng ròng. Sau hồi lâu đắn đo, anh mạnh dạn đi ra chỗ chị Thảo đang băm rau lợn. Thấy anh đi ra, Thảo càng băm nhanh hơn, mạnh hơn như tiết tấu ngựa phi nước kiệu. Anh thương binh ngồi xổm trước mặt, lù lù như con gấu, Thảo vẫn không ngơi tay. Anh thương binh vừa bực lại vừa buồn cười. Chỉ có một rổ bèo, chị băm kiểu ấy thì làm sao mà lâu được. Anh kiên trì ngồi chờ như xem chị múa dao. Vừa buông dao, hai tay Thảo hối hả vơ bèo lại và nói trong hơi thở dồn nén:
– Cô nứ đang trong nhà, anh không ở trong ấy mà trao đổi ý kiến với nhau.
– Chị Thảo, cả Thành và tôi đều không biết anh Đại đã hy sinh. Thành đã dặn như thế, và tôi đã hứa với cậu ấy, mong chị hiểu cho.
Trời tối sầm lại như đã vào đêm. Mây từ biển ùn ùn kéo lên phủ kín mặt trời. Không khí oi nồng, ngột ngạt. Kiểu này sẽ có giông và mưa trút tầm tã. Thảo nói:
– Anh vào nhà đi. Trời sắp mưa.
Chị bê rổ rau ra ao rửa. Xong, chị quay vào vơ nháo nhào quần áo phơi khắp trên cái dây trước nhà, ném qua cửa sổ vào chỗ Ngận đang khóc. Không còn đi đâu được nữa, Thảo đành phải vào nhà ngồi tiếp khách. Thảo cũng cảm thấy mình đã không phải với khách, một thương binh từ nơi trận mạc trở về. Chị hỏi:
– Anh tên là Vân à?
– Vâng, tên tôi là Vân.
– Mần răng anh không về nhà?
– Bản tôi bị quân giặc đốt, phá hết, gia đình tôi cũng chẳng còn ai sau cái trận hỏa chiến ấy.
Thằng Vinh mới lên ba, nó đã biết gì đâu, thấy mẹ khóc, nó ngồi cũng thút thít. Anh thương binh đã mấy lần định đến với bé, ôm nó vào lòng. Nhưng thằng bé rất sợ cái mặt méo mó của anh, không dám nhìn anh, làm sao nó có thể ngồi vào lòng anh. Biết là Thảo đã đội mưa chạy ra chợ, Ngận ra sau nhà rửa mặt, lên nhà trên nói với Vân:
– Gia cảnh nhà tôi như rứa anh đã thấy cả rồi. Hai chị em góa, một đứa con nhỏ, một chú em tàn tật. Anh ngồi đây chơi, chị Thảo bảo để đến tối sẽ nói chuyện, anh thông cảm đợi đến tối.
Ngận nói theo ý của Ngận. Vân lại hiểu theo ý của Vân. Thế là cô ấy đã chấp nhận. Chao ơi, gái một con, cô ấy vất vả là thế mà vẫn như búp hồng sắp nở. Còn chị Thảo, chỉ hơn Ngận có hai tuổi mà sao chị ấy già đi nhiều thế, thật tội nghiệp. Liệu mình ở lại đây có nên không? Chắc chắn sẽ khó khăn và khổ cả cho năm người. Không ai sung sướng khi mình hiện diện trong cái nhà này.
Bữa cơm nhà nông như thế là khá tươm tất. Có thịt gà luộc, dấm cá quả, rau sống tươi xanh trộn rau giá, cơm gạo trắng, nhưng lặng lẽ trôi nhanh, ngoài đôi câu Vân kể về những bữa ăn ở chiến trường, ở Quân y viện, ở khu điều dưỡng thương, bệnh binh. Thảo và Ngận ậm ừ cho phải đạo, họ không dám nhìn thẳng vào mặt anh. Anh cảm thấy, nếu họ nhìn anh như thế bữa ăn sẽ mất ngon. Bé Vinh thì xoay lưng lại phía anh, nó coi như không có anh trong bữa cơm này. Ai cũng chỉ chăm chắm vào mâm cơm nhưng có ai ăn đàng hoàng đâu. Ngận bạo dạn hơn, chị gắp thịt vào bát của Thảo của Vân và nói:
– Các bác ăn thịt đi cho cháu Vinh ăn với chứ.
Xong bữa ăn, hai người đàn bà mải ở dưới bếp. Bé Vinh vào buồng, khép cửa lại. Vân tủi thân, hai hàng nước mắt trào ra.
Dưới bếp, Thảo và Ngận mỗi người ngồi một ghế đun bếp. Ngận nhìn Thảo để tỏ bày tâm sự. Thảo quay mặt ra vườn.
– Anh Thành dặn lại như rứa, là anh vẫn tưởng anh Đại đã trở về…
– Thì đã mần răng? Thím lo cho tôi à?
– Chị! Để em nói hết đã. Lâu nay em vẫn thề ở vậy nuôi con, thờ chồng. Chị thì nhiều nơi mai mối, đến như bác Hậu ở bên tê hàng rào, khỏe mạnh, tốt tính, hai đứa con rất ngoan mà chị vẫn gạt phắt. Em hiểu, vì chị thương chú em tàn tật, vương vấn mẹ con em…
Lại nói đến anh Hậu, vợ mất khi anh mới ngoài ba mươi tuổi, đã nhiều lần nhờ người mai mối, rồi có lần anh mạnh dạn cầm tay Thảo hẹn hò, gạ gẫm, Thảo tưởng mình đã xiêu lòng. Nhưng khi về đến nhà, chị lại phải gạt đi, kìm nén sự thèm khát cháy bỏng trong lòng.
Lặng đi một lát, Thảo gắt:
– Thím lạ lắm, đây là việc của thím, sao thím lại lôi chuyện của tôi vào? Con cà con kê mãi làm chi.
– Răng chị lại mắng em? Em nói có chi sai mô.
– Ý thím mần răng thì cứ nói thẳng ra.
– Ý em thì chị đã rõ rồi. Không đời mô em bỏ con, bỏ chị và An để sống với ai. Dù răng em cũng đã có thằng Vinh. Còn chị, em tính, chị để cho anh Vân ở lại đây với chị.
Thảo trừng mắt nhìn Ngận. Chưa bao giờ Ngận thấy chị nhìn mình như thế. Ánh mắt ấy vừa giận hờn vừa thương cảm. Thảo bặm môi như sắp tát cho Ngận một cái. Chị đang cố kìm nén dòng xúc cảm dâng lên từ lồng ngực. Chị nói;
– Lời chú nứ dặn lại là thiêng liêng lắm, thím không thể không làm theo.
– Nhưng anh nứ cũng nói: đó là ý anh, tùy em quyết định. Vả lại, nếu anh nứ không nói như rứa thì em cũng không thể làm khác được.
Thảo thở dài đánh sượt, đứng dậy, hai tay phủi hai bên ống quần như tỏ giận dữ:
– Thím đã quyết như rứa thì nói thẳng với người ta.
Đắn đo mãi, Ngận bạo dạn hơn:
– Em thì dứt khoát rồi, nhưng em muốn anh nứ ở lại, việc ni do chị quyết định.
Không biết Thảo không hiểu hay hiểu nhầm ý của Ngận nên hòa hoãn:
– Để anh nứ ngồi một mình không tiện. Đêm nay chị em mình bàn thêm.
Thế là cả buổi tối hôm ấy, trong câu chuyện của họ vẫn ở đẩu ở đâu, không ăn nhập với điều Vân chờ đợi. Trước khi đi ngủ, Thảo nói với Vân:
– Khuya rồi, anh đi nghỉ cho lại sức.
Đó là một đêm nặng nề trong ngôi nhà này. Mỗi người một tâm trạng. Mấy dòng chữ của Thành để lại khuyên Ngận chung sống với Vân, người bạn chiến đấu của anh, khuấy động tâm trí hai người đàn bà. “Đồng sàng, dị mộng”, họ quay lưng lại với nhau, mỗi người theo đuổi ý nghĩ của riêng mình. Bé Vinh ngủ say, nhưng mấy lần mơ màng la toáng lên như hoảng loạn tinh thần. Anh thương binh ở nhà ngoài, đốt thuốc lá hết điếu này đến điếu khác, gần như cả đêm không ngủ. Khi mới hừng đông, hai người đàn bà choàng dậy đều nhìn ra nhà ngoài rồi lại nhìn nhau như hỏi: thật hay mơ? Nhà ngoài vắng lặng. Màn đã gấp vuông vắn, anh Thương binh đã biến đi đâu từ lúc nào. Trên gối có một mảnh giấy, mấy dòng chữ xô lệch, có lẽ do anh viết bằng tay trái:
“Hai chị em thông cảm, tôi không thể ở lại đây. Với hai chị em và cháu bé, tôi như một quái vật làm cho mọi người khiếp đảm.
Tôi còn một ít tiền (để dưới gối) và bộ quân phục còn mới (gói trong màn) để lại cho bé Vinh và em An tội nghiệp.
Vĩnh biệt”.
Thương thì thương thật, nhưng giữ anh ấy lại theo lời dặn của Thành thì không được. Hai người đàn bà góa bụa, một đứa bé lên ba, một chú em tàn tật, thêm một người đàn ông cụt một chân, đi đứng khập khiểng, mặt mũi méo mó, lông mày cháy trụi, cái nhà này sẽ ra thế nào? Anh ấy xử sự như thế cũng phải. Anh ấy còn có Trại thương binh nặng được nhà nước chăm sóc ưu tiên mọi thứ. Hai chị em chỉ phân vân là anh không để lại địa chỉ để còn gửi đến anh những điều phân trần, mong anh hiểu cho nỗi lòng hai chị em họ.
*
Thời gian lẳng lặng trôi đi, nhiều đêm Ngận mơ thấy anh thương binh ấy trở lại, họ nhìn nhau mà không ai nói một lời. Thế rồi, anh ấy không còn là anh ấy nữa mà lại là Thành với khuôn mặt tươi rói. Chị giấu kín giấc mơ ấy, không hé cho Thảo biết, sợ chị lại cho là còn mơ tưởng này nọ. Trong những năm qua, nhiều lần Ngận còn nhận được tiền anh thương binh gửi cho bé Vinh và em An và cả một khoản để xây lăng cho bố mẹ Thành. Nhưng họ vẫn không biết anh đang ở đâu. Thấm thoát, bé Vinh đã học hết lớp mười hai, Ngận đưa con ra Hà Nội nhờ người anh họ dạy kèm cho cháu thi đại học. Gần ba tháng ở Hà Nội nuôi con ôn thi, lòng Ngận cồn cào như có lửa. Sau buổi đưa con đi thi môn cuối cùng, về nhà người anh họ, Ngận vội vàng thu vén mọi thứ của hai mẹ con rồi ra bến xe.
Về đến nhà Ngận mới biết Thảo đã đi khỏi nhà từ ba bốn hôm nay. Mở cửa, hơi trong nhà phả ra ngột ngạt. Vào buồng, cái chị trông thấy là tờ giấy đặt trên gối.
“Thím! Cô em yêu mến của chị.
Tôi không ngờ từng ấy năm trời giữ được mình, thế mà phút chốc đã lỡ làng. Cũng là khôn ba năm, dại một giờ, của thân phận người đàn bà. Tôi không thể ở lại làng để bẽ bàng với mọi người, để em và cháu chê cười. Nếu còn sống, chị em mình còn có dịp gặp lại nhau. Thím cố gắng nuôi dạy con nên người. Vinh thương mẹ, thương bác, hãy xứng đáng với bố Thành, bác Đại. Tôi đi, mẹ con thím đừng tìm tôi làm gì.”
Nuốt nước mắt vào lòng, Ngận nói với dân làng là Thảo vào Nam tìm mộ chồng, ngậm ngùi chờ tin chị. Nhưng càng trông đợi càng vô vọng. Ngày nhận được giấy báo con trúng tuyển vào đại học, Ngận vừa mừng vừa cảm thấy châng lâng. Mình vắng nhà ba tháng, chín chắn như chị Thảo còn bị lỡ làng. Khi thằng Vinh vào đại học, một mình trong ngôi nhà rộng thênh thang năm này qua năm khác, rồi sẽ ra sao? Mới nghĩ đến cảnh huống ấy Ngận đã rùng mình, sởn gai ốc khắp người. Chị nơm nớp lo lo mà không dám cho con biết. Tính mãi, cuối cùng chị phải nhờ báo và đài truyền hình tìm Thảo qua mục nhắn tin:
“Em là Lê Thị Ngận, nhắn tìm chị Mai Thị Thảo: Cháu Hoàng Vinh đã đậu đại học, chị ở đâu về ngay. Ai biết chị Thảo ở đâu xin báo cho tôi biết theo địa chỉ… Tôi xin cảm ơn và hậu tạ.”
Ngận ngong ngóng đợi chờ, tin Thảo chẳng có. Đến ngày thứ bảy, Vinh đang đi chơi với các bạn, chuẩn bị chia tay vào đại học thì anh thương binh chia tay từ hơn hai mươi năm trước xuất hiện với khuôn mặt có khác trước đôi chút, mắt bớt xếch, da mặt đỡ rúm ró, lông mày đã mọc lại lưa thưa, nhưng già đi nhiều, râu ria xồm xoàm. Anh đàng hoàng bước vào nhà, đặt ba lô và cái va li nặng xuống giường. Không chờ Ngận mời, anh kéo ghế ngồi, rút thuốc lá hút. Ngận lúng túng chưa biết nói thế nào thì anh lên tiếng:
– Tôi đã nghe đài và đọc báo về tin cô nhắn tìm chị Thảo.
Ngận quắc mắt, bặm môi, bật hỏi:
– Vì rứa mà anh trở lại. Anh sợ tôi cô đơn à?
– Trong hoàn cảnh của cô hiện nay, làm sao tôi không quan tâm cho được.
– Cảm ơn anh. Tôi tự lo liệu được.
– Tôi đã về đây và sẽ ở lại đây, không ra đi như lần trước nữa, vì đó là lời của người đã khuất.
– Anh lợi dụng hoàn cảnh của mẹ con tôi?
Anh thương binh ném mẩu thuốc lá xuống dất, dùng mũi giầy dụi đi rồi tiến lại trước mặt Ngận. Chị lùi lại cho đến khi lưng chạm vào tường mới dừng lại:
– Anh làm chi rứa? Tôi la lên đây…
Anh thương binh không trả lời. Cái yết hầu chạy lên chạy xuống. Nước mắt trào ra. Hai người lặng nhìn nhau khá lâu. Bỗng anh òa khóc nức nở. Ngận hoang mang, hai bàn tay luýnh quýnh như muốn lôi bàn tay anh đang úp vào mặt đầm đìa nước mắt. Nhưng chị không dám, hai tay buông thõng, lần lần cầm lấy li quần. Cuối cùng, hai tay chị co lên, nắm chặt lại, lăm lăm như võ sĩ bị dồn vào góc võ đài.
Thấy thế, anh thương binh cũng lùi lại cho đến khi chạm vào cây cột đầu bàn thờ. Anh ôm lấy cây cột bằng cánh tay còn lại, gục đầu vào đấy, vừa khóc vừa gào lên như bà già trong đám đại tang: “Trời ơi! Làm sao lại có thể vợ không nhận ra chồng, con không dám nhận cha, chị không nhận ra em, em không nhận ra anh? Vì sao? Vì sao? Vì sao?”
Anh đập mãi bàn tay còn lại vào cây cốt như tra hỏi cây gỗ vô tri vô giác.
Bà con hàng xóm nghe tiếng la lối, tưởng xẩy ra chuyện gì vội chạy sang. Nhưng tất cả đứng ngoài sân, ngơ ngác nhìn nhau, không ai có thể nói được gì.
Anh khập khiểng bước ra cửa, mặt vẫn đầm đìa nước mắt, đầu tóc rũ rượi. Dừng lại bên trong cửa, chỉ tay ra sân hỏi như gào lên: “Các ông, các bà hãy nhìn đi, nhìn cho kỹ, tôi là ai? Tôi là cái thằng nào? Tôi có còn là người nữa không?”
Anh bước qua ngạch cửa đi ra hè. Nhiều người lùi ra cổng, họ tưởng anh đang lên cơn diên khùng. Anh chỉ vào mặt mấy ngời còn đứng lại: “Ông Hậu, bà Mai, bà Lầu, bà áng, ông Sênh, các ông, các bà có nhận ra tôi không? Tôi là ai? Tôi là thằng nào?” Nói rồi anh ngồi xuống ngạch cửa, gục đầu khóc nức nở.
Như có linh cảm xui bảo, Ngận rón rén đi lại sau anh thương binh, nói nhỏ nhẹ:
– Xin anh, đừng làm ầm lên như thế.
Anh quay phắt lại, đứng bật dậy làm cho Ngận phải lùi vài bước. Bằng bàn tay còn lại, anh giật tung cả một dãy cúc áo, vồng ngực nở nang phơi ra trước mặt Ngận:
– Cô có thấy gì đây không? Thấy không? Nói đi!
Một cái nốt ruồi đỏ, to như hạt ngô trên vú bên phải anh ấy. Chao ơi, cả tiếng nói của anh cũng giống như lần trước anh về đây, cả mắt anh, miệng anh… Ngận lao lại ôm lấy anh. Cả con người ấy run lên, nóng như bốc lửa:
– Anh Thành!
Nhưng như sợ bị nhầm, chị đẩy anh ra, hai tay nắm lấy vai anh, nhìn như khoan vào từng chi tiết trên mặt anh, rồi như quả bóng xì hơi, hai tay chị rơi khỏi vai anh, tụt cả tấm thân mềm oặt xuống chân anh. Chỉ có một tay, anh phải vất vả lắm mới đưa được chị vào giường, nhờ bà con đi gọi y tế xã đến cấp cứu cho chị.
Khi tỉnh lại, đã định thần, Ngận nức nở nói như đoản hơi:
– Anh… tệ lắm… Chị… Thảo…
Anh nói nhỏ nhẹ vào tai vợ:
– Chúng ta sẽ đi tìm chị ấy.
Một lần nữa Ngận lại ngất xỉu. Dân làng ai cũng vừa cười vừa khóc mừng cho cuộc tái hợp đầy cảm động và bi thương này. Bị thương giữa chiến trường, Thành lê lết hết bệnh viện này đến bệnh viện khác với khuôn mặt méo mó, kỳ dị. Anh đã định không trở về với vợ con, nhưng rồi cầm lòng không đậu.
T.H