Người đi dạo ven hồ – Triệu Bôn


Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.

Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn “Người đi dạo ven hồ” của nhà văn Triệu Bôn in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.

Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.

Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn “Người đi dạo ven hồ” của nhà văn Triệu Bôn in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.


Nhà văn Triệu Bôn (1938 – 2003)

 

 

TRIỆU BÔN

(1938-2003)

HỌ VÀ TÊN KHAI SINH: LÊ VĂN SỬU. SINH NGÀY 18 THÁNG 1 NĂM 1938. QUÊ QUÁN: XÃ ĐÔNG THANH, HUYỆN ĐÔNG SƠN, TỈNH THANH HOÁ. DÂN TỘC: KINH. MẤT NGÀY 7 THÁNG 9 NĂM 2003 TẠI HÀ NỘI. NĂM 1953 ĐI THANH NIÊN XUNG PHONG. 1954-1956: NHẬP NGŨ Ở TRUNG ĐOÀN 246. 1963: HỌC ĐẠI HỌC SƯ PHẠM VINH, RA TRƯỜNG LÀM BÁO QUÂN KHU VIỆT BẮC; SAU ĐÓ VÀO CHIẾN TRƯỜNG LÀM PHÓNG VIÊN MẶT TRẬN TẠI MIỀN ĐÔNG NAM BỘ. SAU GIẢI PHÓNG MIỀN NAM. TỪNG ĐẢM NHIỆM CÁC CÔNG VIỆC: TRƯỞNG BAN VĂN XUÔI TẠP CHÍ VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI, TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP BÁO NGƯỜI HÀ NỘI, TỔNG BIÊN TẬP TẠP CHÍ DU LỊCH VIỆT NAM.



NGƯỜI ĐI DẠO VEN HỒ

Bấy giờ đang là mùa xuân. Sau đêm mưa bụi mặt đất xông hơi ngào ngạt, trên hàng cây ban trơ trụi bên hồ Tây, những bông hoa màu trắng xứ bỗng nở bừng.

Bom Mỹ vẫn rơi xuống những đường phố rợp tán bàng, tán sấu.

Bom đạn giặc khiến con người sao nhãng trước những cành ban chi chít hoa. Song hoa ban vì thế càng đẹp, một rặng cây ban đủ làm nên một vòm không gian thanh thản, tĩnh lặng cõi thần tiên, rực rỡ, tráng lệ lẫn xót xa đau đớn… Chí ít, có một người là anh đã chiêm ngưỡng hoa ban trong hoàn cảnh ấy và nảy ra ý nghĩa ấy.

Anh mới ngoài ba mươi tuổi, mặt gầy, hơi xanh xao, người cân đối. Anh thường mặc chiếc áo len màu rêu rộng thùng thình, thỉnh thoảng mới mặc quân phục. Ngày nắng cũng như ngày râm, cứ vào lúc nắng chiều nhạt dần trên những đọt lá non, người ta lại thấy anh lững thững đi từ phía Bộ Quốc phòng ra, im lặng, như đếm từng bước trên con đường thoáng đãng phân chia hồ Tây và hồ Trúc Bạch, chạng vạng tối mới về.

Bà chủ quán nước chè cạnh đền Quan Thánh là người đầu tiên để ý đến sự xuất hiện đều đặn của anh. Bởi chiều nào anh cũng tạt vào quán của bà mua một điếu thuốc lá, châm lửa, sau đó dọc hàng cây đi về phía đê Yên Phụ, và bà lại ngồi nhìn theo mái tóc dày của anh bị gió lạnh thổi hết dựng lên lại ép xuống. Anh không nghiện nhưng là người sành hút, ngoài loại thuốc Thăng Long – loại thuốc ngon nhất hồi đó – bán lẻ một hào một điếu, anh không hề động đến các loại thuốc khác.

Ít lâu sau bà chủ quán phát hiện thêm, anh là người đãng trí, và không coi tiền bạc là chuyện hệ trọng trên đời. Thường thường, anh gửi bà một vài đồng, rồi cứ thế mỗi chiều đến “lĩnh” một điếu thuốc. Khi thì tiền hãy còn nhiều, anh đã đưa thêm. Lại có những ngày quên gửi tiền, anh vẫn điềm nhiên vào “lĩnh” thuốc. Bà Mão – tên bà chủ – biết mình thiệt mấy hào nhưng không muốn chi li với anh. Chẳng đáng là bao. Vả lại ở anh có cái gì hay hay, khang khác thế nào ấy. Bà muốn bắt chuyện với anh mà chưa có dịp. Anh đến và đi chỉ trong khoảng thời gian đủ để bà rút điếu thuốc trong bao ra trao cho anh, anh tước mảnh vỏ diêm châm vào ngọn đèn hoa kỳ vặn nhỏ đặt trên bàn, thêm cái gật đầu cảm ơn hoặc câu chào ngắn, là anh quay ra ngay. Người đâu mà ít lời ít tiếng thế!

Đến một buổi chiều còi báo động hú bốn, năm lần, trên loa phòng không thông báo máy bay địch cách Hà Nội 80km, 60km, 30km,… bom và đạn cao xạ nổ ì ùng như cơn giông thoắt dậy thoắt tan ở chân trời phía nam. Bà Mão đang định dọn hàng về sớm thì anh đến. Bà rút thuốc đưa cho anh, và chỉ vào cái ấm tích nước trà ủ trong mấy lớp bao bì.

– Ở đây mà uống nước, hút thuốc – Bà nói – Đừng ra ngoài kia.

Anh ngẩng nhìn, đôi mắt ngỡ ngàng.

– Ở đây có động dụng gì mà sẵn hầm hố – Bà Mão nói thêm, tay chỉ ra con đường hun hút hết hàng ban nối sang hàng phượng, hàng liễu – Chứ ngoài ấy, lỡ chúng ập đến…

Đó là lần đầu tiên anh bỏ thói quen đi dạo, ngồi lại trong túp lều tạm bợ dựng bằng vài tấm cót, dăm hàng lá cọ, dựa vào bức tường phủ rêu nhà đền, mặt hướng thẳng ra hồ Trúc Bạch lếnh láng như tấm gương để ngửa.

– Người ta đi sơ tán quang lắc hết cả – Anh nói với bà chủ quán – Sao bác còn ở lại đây?

Bà Mão têm miếng trầu, chùi dấu vôi dính tay vào chân bàn.

– Tôi cũng muốn đi lắm chứ.

– Sao bác không đi?

– Các cháu đứa trên khu gang thép Thái Nguyên, đứa ở Ninh Bình, chúng nó đi công tác ghé qua nhà mà không gặp mẹ thì tội lắm. Với lại… – Bà già ngập ngừng quay nhìn xuôi phía sông Hồng – Tôi còn một thằng đang ở ngoài kia. Anh có để ý thấy bộ đội bắc súng trên đỉnh cầu không?

– Có.

– Đơn vị thằng cháu nhà tôi đấy. Anh nghĩ mà xem, bày trò bán hàng bán quán thế này bất quá kiếm được vài đồng mỗi ngày, cốt cho nó khuây khỏa thôi. Cứ nghĩ đến đứa con ngồi trên bệ súng giữa lưng chừng trời mà xót cả ruột gan. Nói đổ sông đổ bể, bom đạn dội xuống nó “có làm sao” thì còn có mẹ có con…

Anh ngắt lời người mẹ một cách nóng nảy:

– Nếu cháu là anh ấy, cháu muốn bác đi sơ tán thật xa.

– Biết mà! Thằng nhà tôi hôm nao xuống cầu ghé về nhà cũng nằng nặc bắt mẹ đi sơ tán. Nó bảo mẹ không chịu đi thì con vướng súng không bắn được. Ra là thế – bà chép miệng – Các cậu chỉ sợ chúng tôi làm vướng chân vướng cẳng. Chứ các cụ nhà chú ở đâu?

– Cảm ơn bác. Bố mẹ cháu ở xa lắm.

– Thế là chú được “rảnh chân rảnh tay”, tha hồ “yên tâm”, nhỉ?

Bà Mão mỉm cười vô cùng đôn hậu.

– Không ạ. Ở chỗ cháu, cả làng phải ăn ngủ dưới hầm hàng năm nay rồi.

Bà Mão ái ngại nhìn nước da mai mái và đôi mắt thâm quầng của anh.

– Chú ở đây làm gì mà xem ra vất vả thế?

– Cháu làm linh tinh – Anh lảng tránh câu trả lời – Cháu giúp bác dọn hàng nhé. Sắp tối rồi.

Hai bác cháu nhặt mấy lọ kẹo xếp vào một đầu gánh. Còi báo động lại hú vang. Tiếng một cô gái từ ngoài công viên Lý Tự Trọng hét lên: “Mẹ!…”. Bà mẹ luống cuống bê cả cái khay chén trút vào vào thúng, giọng run rẩy:

– Rõ khổ. Báo động báo địa, ai khiến nó chạy ra!

Cô gái nhào vào lều như cơn gió lốc, suýt xô phải anh. Cô thở hổn hển, tay vơ vội những quả nhót, táo, bánh gai, bánh cốm, cả cái ấm tích nước chèn ném tuốt vào thúng. Anh kêu lên:

– Nhẹ tay kẻo vỡ!

Đạn cao xạ nổ bì bùm. Lần này máy bay địch chỉ dập dờn bên ngoài khung trời Hà Nội. Hai mẹ con gồng gánh ra về. Cô gái chững bước trước cái công viên rợp bóng cây rộng và con đường hun hút không một bóng người.

– Eo ơi, vắng quá!

– Vắng thì làm sao? – Bà mẹ hỏi.

– Con sợ…

Thật tình bà mẹ cũng thấy rờn rợn. Bà đưa mắt nhìn anh cầu cứu. Và anh đã lặng lẽ đáp ứng cái nhìn ấy. Hai mẹ con bà Mão líu tíu đi trước, anh rảo bước theo sau cách một quãng. Anh mỉm cười ngượng nghịu mỗi lần bà mẹ hoặc cô gái ngoái nhìn lại.

– Anh bộ đội ơi. Đi nhanh lên cho vui – cô gái dừng chân đợi! Nhà anh cũng ở phố này?

Anh dấn bước, hỏi cô gái, cốt có cớ bắt chuyện với nhau.

– Sao cô biết tôi là bộ đội?

– Em không biết.

– Sao lại thế?

– Không hiểu vì sao lại biết anh là bộ đội. Thật mà!

Cô nói rồi khúc khích cười. Chút ráng đỏ nền trời thành phố hồng lên chốc lát phía sau mấy ngôi biệt thự mái nhọn. Đường Quan Thánh xào xạc lá khô và những ngôi nhà vắng chủ đóng cửa im lìm. Tự nhiên anh nóng mặt bắt “quả tang” chính mình vừa nhìn trộm cái dáng đi mềm mại, mái tóc dài tiệp màu với lưng áo sơ mi gụ, và những đường cong quyến rũ trên người cô được nổi lên qua ánh đèn đường.

Anh đưa hai mẹ con bà Mão đến trước cánh cổng đóng bằng gỗ thùng, dưới tán cây so đũa lua tua những quả rồi quay lại, mặc dù bà Mão và cô gái cùng nài nỉ mời anh vào chơi nhà.

– Chiều mai anh vẫn ra đây chứ? – Cô gái hỏi khi anh quay gót.

Anh ậm ừ trả lời không ra có không ra không. Nhưng, chiều hôm sau, ngay từ lúc ánh nắng chênh chếch rọi qua khung cửa kính, anh đã muốn xếp tài liệu cùng những bản vẽ trên bàn lại, ngong ngóng chờ hết giờ làm việc để được đi dạo.

* * *

Chẳng bao lâu sau kể từ cái buổi chiều hôm ấy, anh và mẹ con bà Mão đã trở thành thân quen với nhau. Bà mẹ chiều chiều vẫn “phát” thuốc lá cho anh nhưng nhất định không lấy tiền. Cô gái thì chắc chắn đã cùng anh nhặt hoa ban và sánh vai đi dạo cùng anh trên đường Thanh Niên nếu cô không gặp cái nhìn ý tứ của mẹ ngăn lại.

Những bông hoa ban trên cành thưa dần, nhường chỗ cho lộc non nhú lên. Lộc non nở xòe thành những chiếc lá hình móng bò ấy là lúc trời bắt đầu oi nồng chuyển sang hè.

Mùa hè năm ấy thủ đô Hà Nội như một cánh cung dương sẵn đón đợi lũ ác điểu từ phía bên kia trái đất lao sang. Bọn chúng mới tìm ra một đường bay khá hiểm. Từ biển Đông chúng bay rất thấp theo triền sông Hồng tránh tầm quét của ra-đa, tới quãng bến phà Trương Lương chúng mới bất thần vọt lên cao lấy đường ngắm để phóng tên lửa và cắt bom xuống cầu Long Biên, xuống nhà máy điện và xuống những khu phố sầm uất. Còi báo động hú liên miên. Ngày ngày khó lòng đếm hết những lần mảnh đạn rơi xeo xéo xuống mái nhà và xuống mặt hồ. Cái mũ rơm trở thành vật bất ly thân cho những ai vì công kia việc nọ chưa đi khỏi thành phố. Anh hồi này không còn đi dạo buổi chiều được đều đặn như trước. Thỉnh thoảng anh lại vắng mặt dăm bảy ngày liền, để sau đó vừa thoáng nghe tiếng chân anh bước lại gần, cô con gái út của bà Mão đã mừng đến tái mặt. Bà mẹ được gặp lại anh cũng mừng không kém, nhưng bà quay mặt làm ngơ, mặc cho cô bé dúi vào tay anh từng bao thuốc còn đầy nguyên.

Một lần, lúc dúi thuốc lá cho anh, cô đã kiễng chân nói thầm với anh:

– Anh cầm lấy kẻo mẹ mắng em!

– Anh… Anh chỉ xin một điếu…

– Cầm lấy! Rồi em nói chuyện này, hay lắm.

– Chuyện gì, em?

– À thôi. Đến mai…

Dù không quay lại, bà mẹ vẫn hình dung ra đôi mắt con bé đang nhìn “thằng kia” đắm đuối như thế nào. Bà vừa hoan hỉ vừa e ngại. “Nó” là người tốt thì đão, nhưng con gái bà làm thế liệu có nông nổi quá hay không. Còn anh, những giây phút như rơi vào khoảng chân không màu tím bát ngát, khi định thần lại, người vẫn còn lảo đảo như say mùi thơm kỳ diệu từ má và từ tóc cô gái phả vào mặt mình.

Chiều hôm sau, tức là ngày “mai” của cô gái, mặt trời đã lặn khuất sau cái đường viền cây cối óng ánh phía chân trời làng Bưởi, cô vẫn còn nấn ná trong túp lều quán của mẹ. Cô xếp mấy cái chén vào thúng, lát sau lại bày lên mặt bàn. Đôi bàn tay cô cứ lóng ngóng nhặt cái này bỏ cái kia. Tới chừng không thể kiên nhẫn hơn được nữa, cô bật lên một tiếng thở dài.

– Sao hôm nay anh ấy ra muộn thế mẹ nhỉ?

– Thì mặc “người ta”. Nhắc làm gì?

Bà mẹ trả lời thế nhưng mắt lại nhìn ra đầu rặng ban, có ý chờ anh.

Còn anh thì đã rời Hà Nội từ lúc khuya đêm hôm trước. Chiếc xe com-măng-ca chở anh phóng vun vút trên quốc lộ 1, khi qua cầu Phủ Lý bị bom đánh nham nhở anh chợt nghe tiếng gà gáy sáng bên đường. Anh giật mình không nhớ anh đã khóa cửa phòng làm việc hay chưa. Cả đến khăn mặt, bộ quần áo lót phơi trên dây, và cái mũ sắp úp trên tủ tài liệu anh cũng bỏ quên ở nhà. Rửa mèo dăm hôm đã sao! – Anh tự an ủi – Chỉ cần hai thứ: Tờ lệnh đi đường đặc biệt, và cái cặp đựng những tính toán cuối cùng về VF đừng quên là được.

Nhờ phép màu nhiệm của tờ lệnh đặc biệt, không một ai dám làm chậm trễ thời gian của anh. Cầu bị bom phá sập, dân quân phải dỡ nhà, đẵn chuối kết bè đưa xe anh qua sông giữa ban ngày. Người ta phải huy động cả tiểu đoàn thanh niên xung phong ra gỡ vội bom nổ chậm và lấp hố bom cho xe anh qua. Người ta phải cắt phiên nhau thay lá ngụy trang để không một ngọn lá nào kịp héo, và canh gác chung quanh chỗ xe anh đậu… Chiều hôm, khi ở cái quán nước chè bên đền Quan Thánh bà già và cô gái khắc khoải mong anh đến, thì xe anh đang thận trọng chạy nốt những thước đường cuối cùng của miền Bắc – nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa – trên đất Vĩnh Linh. Rồi ngay chập tối hôm đó, ở bờ bên kia sông Bến Hải, các đồng chí trinh sát bộ đội đã đợi sẵn để đưa anh đi tiếp vào đất địch.

Đường còn kéo dài thêm mấy chặng đêm đi ngày nghỉ, len lách giữa tiếng súng bắn cầm canh trong các ấp chiến lược, giữa từng chùm pháo sáng vàng vọt từ máy bay thả xuống và do bọn địch dưới đất bắn lên. Nghe cát lún dưới chân, tiếng rừng phi lao truốt gió à à, và thứ ánh sáng phao phao màu tro vạc từ bên dưới hắt lên vòm trời, anh biết mình đã tiến gần tới biển. Người lái xe đang giấu xe trong hầm chờ ngoài thị trấn Hồ Xá bên bờ bắc. Sau cái vành vô lăng nhẵn bóng ấy, anh như nhìn thấu mấy trăm kilômét đường về hậu phương, với điểm nút là cái quán nước chè tựa lưng vào tường đền Quan Thánh. Những ngày căng thẳng nhất ngoài đó, so với trong này, chỉ đáng coi như một khúc dạo đầu, một thứ “trang sức” của chiến tranh. Vậy mà anh bỗng lo thắt ngực khi nghĩ, biết đâu lại chẳng có một quả bom rơi lạc vào cái quán tí xíu ấy. Hình ảnh những đại lộ, những quảng trường, phố xá nhập nhòa hiện lên trong tâm trí anh, đâu đâu cũng thấp thoáng đôi gót chân nhỏ hồng hồng như gõ cho nền đất thủ đô âm vang thành khúc nhạc nẫu lòng…

Lạ thay. Sự rung động cháy bỏng này chỉ dội lên trong anh một lần ngắn ngủi như thế, để rồi bẵng đi ngót chục năm trời anh sống như một người chưa từng biết yêu, hơn thế, một người không hề có quá khứ.

* * *

Trái VF đã được cơ sở bí mật chuyển đến một động cát ở phía nam quân cảng Cửa Viềng. Phương án tác chiến của trận đánh đã được cấp trên phê chuẩn. Các chiến sĩ đặc công nước đều đã tập dượt khá chu đáo cách sử dụng loại vũ khí lần đầu tiên “ra mắt trình làng” này. Tất cả những gì có thể làm để tăng thêm sức công phá, tăng thêm sức bám và khả năng định hướng, đồng thời giảm tới mức tối thiểu sự nguy hiểm cho những người sử dụng VF, anh và các cộng sự của anh đều đã làm. Bây giờ xông pha mấy trăm cây số đường bom đạn vào đây, anh tự lấy thân mình, niềm hy vọng cùng nỗi lo âu vô bờ bến của mình làm “vật bảo đảm” trước những người sắp đưa VF lên đường xuất trận.

Thoáng cái đã một tuần trôi qua ở khu căn cứ du kích – một lõm rừng trồng toàn cây sắn sơn thuyền, bị bom và đạn đại bác cào qua quét lại không biết bao nhiêu lần – Một tuần anh hầu như không ăn, vì nóng nực, chia nhau từng bát nước lờ lợ vị nước biển, mồ hôi lẫn với hơi muối tanh tanh lúc nào cũng dấm dứt trong người; và tệ hại hơn, dạ dày của anh chưa thể làm quen với những miếng cơm lạt sạt cát do gió biển phả vào. Một tuần đêm nào anh cũng bị dựng dậy vì những quả đạn 406 milimét từ tàu chiến Mỹ bắn lên nổ như sét đánh trên đầu. Sau mỗi đợt bị pháo kích như thế, mấy chiến sĩ bảo vệ lại chạy đến lo chèn lại vách hầm, nắp hầm cho anh. Nhiều lần thấy lửa nháng xanh lè trên mặt đất, các chiến sĩ vội ôm chặt lấy người anh, che mảnh đạn cho anh, và để anh đỡ giật mình.

Dù vậy, nguyên nhân chính làm anh khó chợp mắt lại không phải là những tiếng nổ hãi hùng ấy. Cái đêm anh cùng trung đoàn trưởng và chính ủy trung đoàn tiễn bốn người chiến sĩ lên đường làm nhiệm vụ, dưới trời sáng sao, người mũi trưởng cứ nắm chặt tay anh, dùng dằng mãi trước con đường mòn băng qua bãi cỏ lông chông, ngoằn ngoèo một vệt sáng mờ mờ màu vỏ hà.

– Hình như anh còn chưa yên tâm điều gì? – Anh thì thầm hỏi.

– Tôi… Tôi… Tôi…

– Xin anh đừng ngại!

– Về cái nút tự hủy ấy mà, – cuối cùng, người mũi trưởng đã nói ra cái điều đang làm anh băn khoăn. – Chỉ riêng việc ấn cái nút ấy chúng tôi không thể tập dượt. Hy sinh tính mạng, không đáng ngại, nhưng nếu bị sa vào tay địch thì…

– Tôi hiểu – Anh xúc động ôm ngang người chiến sĩ – Hy vọng là các anh không phải “thử” đến nó!

Anh mũi trưởng bật cười khe khẽ. Tiếng cười khô khan, gắng gượng, chứa đựng cả lòng dũng cảm vô song lẫn nỗi luyến tiếc cuộc đời của anh mũi trưởng bỗng làm người anh như lệch hẳn đi một bên, chỉ vì cái nút bé xíu gắn phía đuôi quả VF. Một khi buộc lòng phải chọn lấy cái chết, người chiến sĩ chỉ cần làm một động tác không gì đơn giản hơn, là ấn nhẹ vào nó… Cả cái khoảnh khắc bi thương và hùng tráng tuyệt đỉnh ấy, anh – người chế tạo vũ khí – cũng đã phải nghĩ tới nó, nghĩ tới nó một cách thật hoàn hảo!

Kể từ hôm mũi đặc công xuất phát, cứ vào quãng chín, mười giờ đêm trung đoàn trưởng lại sang hầm của anh chơi. Trung đoàn trưởng người cao lớn, da đen kịt, lớn hơn anh dăm tuổi. Từ dáng người đến đôi tay, đôi chân của người chỉ huy này trông đều có vẻ nghệch ngoạc, thô tháp, nhưng mọi cử chỉ của anh lại rất mềm mại, lanh lợi như một nhà thể thao điền kinh. Cả trong lời lẽ và cách cư xử của trung đoàn trưởng cũng thế, thoải mái, phóng khoáng và tế nhị.

Trung đoàn trưởng thường bắt đầu câu chuyện bằng cách hỏi xem việc phục vụ anh có chu đáo hay không. Anh có đủ nước rửa ráy, cách nấu nướng “con nhà lính” có hợp khẩu vị của anh, anh có cần thay quần áo thì cứ thay, sẽ có người giặt hộ. Anh rất biết ơn sự chu đáo của những người ở đây nhưng lại ngầm bực bội thấy mình được giữ gìn như một thứ đồ dễ vỡ: Cơm, nước đều có người mang đến, hầm hố có người đào và lo tu sửa, đến việc anh muốn ra hố bom tắm giặt cho thoải mái cũng không được. Họ sợ anh lớ ngớ không biết tránh bom, tránh pháo lỡ anh vấp phải mìn, lỡ anh gặp thám báo địch, lỡ máy bay trực thăng địch đổ chụp xuống bắt mất anh.

Vì thế, dù mấy hôm nay mồ hôi và bụi cát bết vào quần áo anh, vừa chua khét vừa ngứa ngáy, anh đành cắn răng chịu, chờ ít hôm nữa ra Hồ Xá tắm giặt luôn thể.

Sự thực là anh đã có thể trở ra Bắc ngay sau khi mũi đặc công xuất phát, nhưng anh không muốn, và không nỡ lòng làm như thế. Những quả bom từ tàu chiến Mỹ ngày ngày bắn vào đất liền giống như một lời thách đố, trêu ngươi, cầm giữ chân anh lại.

Những gian khổ ở khu căn cứ vùng cát rồi cũng qua đi. Mọi người chịu được, anh cũng chịu được. Duy có nỗi chờ đợi – chờ đợi tiếng gầm của VF ngoài biển khơi – chậm giờ nào anh như bị lửa đốt trong gan ruột giờ ấy. Vậy mà tin tức về bốn chiến sĩ đi làm nhiệm vụ vẫn bặt tăm. Còn những bức điện khẩn từ Vĩnh Linh đánh vào cho anh thì lại ngày một thêm dồn dập, sáng một bức, đêm một bức, vẫn một nội dung giục anh ra nhanh, xe đang chờ.

Một hôm, trước bữa cơm tối, anh chiến sĩ cần vụ đến mời anh sang gặp trung đoàn trưởng. Anh chạy vọt ra khỏi hầm, trống ngực đập loạn xạ, nghĩ là có tin về trận đánh. Nhưng anh đã nhầm. Trên mảnh bàn ghép bằng cành cây trong hầm của trung đoàn trưởng đặt một ngọn đèn úp trong ống bơ, ánh sáng hắt qua cái lỗ nhỏ như con mắt cá, anh ngạc nhiên thấy mấy đĩa thức ăn còn bốc hơi nghi ngút và hai chai bia.

– Mời kỹ sư! – Giọng trung đoàn trưởng trịnh trọng khác thường – ta vừa ăn vừa bàn công việc. Chắc giờ này chưa “có chuyện” gì đâu – Anh hiểu trung đoàn trưởng muốn nói tới hoạt động của pháo binh hải quân địch.

Trong lúc người lính cần vụ rót bia ra hai cái cốc giấy xếp – loại cốc lính Mỹ vẫn dùng trên các đồn bốt – trung đoàn trưởng đưa anh xem một bức điện mới nhận được.

– Lần này chúng ta phải chia tay nhau rồi kỹ sư ạ. Bộ Tổng gọi anh về.

Anh đọc xong, gập bức điện bỏ vào túi, cài cúc cẩn thận, đầu nghiêng nghiêng như mải nhìn vào cái hạt sáng le lói trên thành ống bơ.

– Tôi nghĩ là tới đây xem như kỹ sư đã hoàn thành nhiệm vụ – trung đoàn trưởng lại nói – Tôi thật lòng vừa trọng cái tài vừa mến tính nết của anh. Chính vì thế tôi không muốn anh nấn ná ở đây lâu. Bom đạn vốn không biết nể nang riêng một ai cả…

Nói rồi trung đoàn trưởng rót thêm bia, gắp thêm thức ăn vào bát của anh. Những người ở liền kề với biển nhưng phải đãi nhau toàn bằng giò hộp, trứng hộp, thịt hộp chiến lợi phẩm thu được của lính Mỹ. Nghề chài lưới ở vùng này đã tan tác từ lâu. Dân ở các vạn chài người đi bộ đội Giải phóng, người đi lính ngụy, người vượt sông Bến Hải ra Bắc, người dắt díu nhau chạy vào thành phố hoặc dạt lên dãy Trường Sơn, số còn lại thì bị dồn vào bên trong những lớp rào kẽm gai của ấp chiến lược. Không hiểu giữa cánh đồng bị bỏ hoang và mặt biển bỏ hoang bên nào trông buồn bã, tiêu điều hơn.

Im lặng hồi lâu, rồi anh ngước nhìn gương mặt trung đoàn trưởng mồ hôi láng ánh đèn nhóng nhánh màu than đá.

– Xin hỏi: Các anh định thu xếp cho tôi đi như thế nào?

Trung đoàn trưởng giơ tay nhìn đồng hồ:

– Tôi đoán, đêm nay chúng sẽ bắn pháo vào quãng 11 giờ. Dùng cơm xong, kỹ sư còn có thể tranh thủ ngả lưng được vài tiếng. Sau đợt pháo khuya tôi sẽ cho giao liên đến đón anh. Anh có gì phải chuẩn bị không?

Ở đây, việc phán đoán “thời gian biểu” hoạt động của không quân và pháo binh địch chẳng có gì là khó. Đêm ấy, đúng như lời trung đoàn trưởng từ 11 giờ đến 11 giờ rưỡi, cả vùng căn cứ kháng chiến bị chìm ngập trong một “dàn đồng ca” của pháo binh hải quân Mỹ. Cái nắp hầm dày 1 mét của anh bị phá vỡ trong nháy mắt. Những đoạn thân cây to bằng bắp chân lát ngang nắp hầm sau khi không còn lớp đất dày bên trên, chúng bị tiếng nổ lúc thì xô cụm lại, lúc thì nhảy tâng tâng như có người đặt nắm đũa lên cái mặt trống mà khua thật lực.

Việc có ý nghĩa nhất mà anh làm được lúc đó là ôm ghì cái cặp tài liệu, mắt nhắm nghiền, trong lòng trào lên nỗi tiếc đời và một ước ao duy nhất là được sống. Nếu sống – anh nghĩ – mình sẽ làm việc gấp nghìn lần hơn thời gian đã qua. Nếu sống, mình sẽ trở thành một tài năng lỗi lạc, sẽ là người số một đóng góp cho đất nước và cho đời. Nhưng trước hết, phải được thở cái đã. Ngạt quá…

Anh ngất đi mất một lúc. Khi tỉnh dậy, câu đầu tiên anh hỏi là “giao liên đã đến chưa?”. Chị bác sĩ của khu căn cứ tiêm thêm cho anh một ống thuốc, rồi bằng giọng đặc Quảng Trị, bảo anh hãy nằm im, đêm nay chưa lên đường ra Bắc được.

– Vì sao? – Anh hỏi.

Im lặng.

– Tôi có thể đi được – Anh nói thêm – Chị đừng ngại.

– Không phải vậy mô, eng!

– Thế thì vì sao?

– Vì… vì con út hy sinh mất rồi.

– Út là ai?

– Là giao liên dẫn eng đi đó. Eng chưa biết mặt con nhỏ, hỉ?

Anh cố nhớ lại mấy cô gái thường qua lại trước cửa hầm anh ở. Cô nào tên là Út? Một cô thấp đậm, ngăm ngăm, tóc tết đuôi sam, hay quàng chiếc mũ tai bèo màu tím Huế lật ra sau gáy. Một cô cũng thấp nhưng da rất trắng mặt tròn, môi lúc nào cũng đỏ mọng. À hay là… ý nghĩ của anh dồn đọng ở hình ảnh một cô gái cao dong dỏng, thích mặc áo sơ mi quân phục nam giới với khẩu súng AK báng gập đeo bên hông. Chính cô gái này đã có lần bắt gặp anh đứng tựa lưng vào cây sắn trước cửa hầm, đầu óc nghĩ vẩn vơ, mãi lúc nghe cô nói ở sát phía sau: “Coi bộ này là kỹ sư nhớ Hà Nội hung rồi?…” anh mới giật mình quay lại, miệng lúng búng:

– Chào cô.

– Đúng không. Eng?

– Cô bảo đúng gì?

– Có đúng là eng đang nhớ Hà Nội?

– Hình như cô đoán nhầm.

– Răng lại “hình như”?

– Vì ngay ở tôi, tôi cũng không nhớ tôi vừa nghĩ gì.

Cô gái che miệng cười, và bấy giờ anh mới kịp nhận ra cô có giọng nói trong trẻo như tiếng chuông reo.

– Tội nghiệp con nhỏ – chị bác sĩ nói trong hơi thở dài xót tiếc – Nó là sinh viên ở Huế ra. Hồi đầu nó cũng sợ cơm lắm sạn, sợ nước lợ, sợ nằm võng, sợ đêm tối, ôi thôi sợ đủ thứ. Vậy mà chỉ mấy tháng sau đã thành o giao liên gan cóc tía. Nhưng rồi chỉ một miểng pháo là xong!

Chị bác sĩ nói mà như xát muối vào lòng anh. Nếu như lần này quả VF sẽ “làm sao”, anh thật có lỗi với vong linh của Út và với mọi người hiện có mặt ở đây.

Cuộc lên đường của anh bị hoãn lại một ngày, rồi một ngày nữa. Không những không sốt ruột, anh còn lấy thế làm mừng. Sau cơn ngất vì bị sức ép, anh nằm thiêm thiếp trên tấm võng căng giữa hai cây cột chống hầm. Anh ngủ li bì, ngủ ngay cả những khi vòm trời bị nắng nung hầm hập, mồ hôi thấm ướt đẫm lưng võng. Hễ có lúc nào đầu óc tỉnh táo là anh lại nơm nớp lo: Nếu ngay phút này bọn địch lại nã pháo lên, liệu mình còn đủ sức chống đỡ với những tiếng nổ như gươm chém ngang người hay không?

May mắn cho anh, suốt ngày, rồi cả đêm hôm đó máy bay trực thăng, máy bay trinh sát địch bay lượn như chuồn chuồn đáp nước từ ngoài khơi vào tới chân rừng Trường Sơn, nhưng pháo biển bắn lên thì tịnh không một quả.

Chiều hôm sau nữa – kể từ đêm địch dội pháo vào đúng căn cứ – anh thấy người khỏe trở lại. Sẩm tối, anh sang chào tạm biệt trung đoàn trưởng để khi giao liên tới anh sẽ lên đường theo kế hoạch.

Dưới căn hầm thùng tối sền sệt, anh chỉ nhận ra cái bóng trung đoàn trưởng cửi trần ngồi chìa tấm lưng đồng hun ra phía bậc lên xuống, một tay cầm cái máy thu thanh bí tí áp vào tai. Nghe tiếng anh chào, trung đoàn trưởng không ngoảnh lại, ra hiệu bảo anh ngồi gần lại cùng nghe. Từ trong chiếc máy nhỏ vọng ra giọng khê khê, hơi lè nhè của phát thanh viên đài BBC đang đọc bản tin chiều, “một tàu chiến Hoa Kỳ bị…”. Khi cái giọng lè nhè ấy chuyển qua mẩu tin khác, trung đoàn trưởng liền tắt máy, đứng dậy nói rất nhỏ:

– Mời kỹ sư vào. Bản tin đêm chắc thế nào các đài phương Tây cũng nhắc lại tin này.

– Có phải đó là tin về…? – Anh hồi hộp cổ họng khản đặc. Trung đoàn trưởng gật đầu:

– Phải. Bọn cậu Luận đấy!

– Ôi. – Anh reo lên. – Tiếc quá, tôi chỉ nghe được vài câu cuối cùng. Cụ thể thế nào, anh?

– À thì… – Trung đoàn trưởng bật lửa châm vào cây đèn hạt đỗ – Tụi nó đưa tin là một tàu chiến Hoa Kỳ bị trúng thủy lôi của Việt Cộng hư hỏng nhẹ”. Tiên sư chúng nó, “hư hỏng nhẹ” nên mới phải câm họng mấy hôm nay!

Anh chợt hiểu nguyên nhân vì sao suốt mấy chục tiếng đồng hồ vừa qua không một quả pháo rơi xuống vùng này.

– Chiều nay, cơ sở dưới đó cho biết – Trung đoàn trưởng nói tiếp – Nó bốc cháy suốt ba tiếng đồng hồ trong đêm. Sáng ra bà con miềng còn nhìn thấy cột khói bốc cao ngoài khơi.

– Còn anh em ta?

Đến đây, trung đoàn trưởng bỗng ngồi lặng.

– Hở anh? Có ai việc gì, hay mất cả rồi?

Anh hỏi hối hả, run run sắp bật khóc. Trung đoàn trưởng đặt tay lên vai anh, nói thì thầm:

– Tôi đề nghị đồng chí phải thật bình tĩnh mới được. Rất may là còn cậu Luận…

– Còn ba người kia?

– Họ đã hy sinh tại chỗ. Cậu Luận thì bị thương, đang phải nương náu trong một gia đình cơ sở.

– Khi nào anh cho đón anh Luận về?

– Chờ cho bọn địch “giã” cơn choáng váng đã. Hiện thời chúng đang lồng lộn như bầy chó điên dưới đó. Trung đoàn trưởng ngắc ngứ, cố tìm một cách diễn đạt khác mà không được, đành lần tay sang bóp chặt bàn tay anh:

– Kỹ sư ạ. Tôi buộc lòng phải nói, để ra ngoài đó các anh xem lại xem sao. Cậu Luận nhắn cơ sở nên đề nghị cấp trên hãy tạm dừng việc sử dụng VF…

Trung đoàn trưởng không nói nữa, còn anh thì như vừa bị một trái bom nổ trong đầu, hai tai anh ù đặc, ánh đèn nhảy nhót tóe ra những ánh chớp màu hoa cà, và anh thấy vô cùng ngột ngạt trong hơi thở của mình. Trung đoàn trưởng vỗ nhè nhẹ lên bàn tay anh:

– Phải chờ Luận về mới biết cụ thể. Anh đừng quá nghĩ như thế. Thắng, bại trong chiến đấu là chuyện thường tình. Có lẽ anh nên ngả lưng một lúc lấy sức đêm nay đi.

Anh bước về hầm mình như người mất hồn. Trong óc ngập lên những câu hỏi về cái nút tự hủy, về tác dụng của lực ly tâm ở cái bánh xe hẹn giờ, về nguyên lý cân bằng và định hướng lực của trái VF.

Ba chiến sĩ giao liên đến chỗ anh vào lúc quá nửa đêm, có trung đoàn trưởng đến cùng với họ. Trung đoàn trưởng trao cho anh một gói nhỏ đựng mấy hộp thức ăn để anh dùng trên đường, rồi ôm chặt lấy anh. Nhưng ngay lúc đó anh đã trả lại gói quà và nói với một tâm trạng hoàn toàn tỉnh táo:

– Tôi không thể ra được! Không thể, anh ạ.

– Sao thế? Trung đoàn trưởng sững người hỏi lại.

– Vì sao, chắc anh đã hiểu. Nếu anh không ngại một người như tôi đi theo đơn vị anh thì đề nghị anh điện giúp ra Bộ: Tôi xin ở lại để tìm hiểu thêm về những khuyết điểm của VF…

Trung đoàn trưởng còn đang ngần ngừ, anh lại chụp lấy bàn tay to bè của trung đoàn trưởng, khẩn khoản:

– Anh không ngại có tôi ở đây chứ? Anh không ngại chứ?

* * *

Khoảng hai tháng sau cái đêm ở khu căn cứ rừng sắn, anh gửi về Hà Nội một tài liệu viết hết sức tỉ mỉ nhằm loại bỏ ảnh hưởng của mọi cấp sóng biển và nâng VF lên thành một thứ vũ khí bán tự động chuyên dùng cho binh chủng đặc công hải quân. Thêm mấy tháng chờ đợi, đề nghị của anh mới nhận được hồi âm. Đó là sự ra đời của VF2.

Năm sau, khi chính quyền Nguyễn Văn Thiệu hỉ hả tuyên bố rằng họ đã bẻ gãy xương sống Việt Cộng, và bắt đầu chương trình bình định nông thôn miền Nam, thì cả một giang đoàn lính ngụy tan xác trên sông Tiền vì những tiếng nổ của thế hệ kế tiếp VF2, tức VF3. Sau đó, VF3 liên tiếp lên tiếng vang dậy ở các vùng biển Hội An, Cam Ranh, Bà Rịa sông Lòng Tàu…

Rồi giữa những ngày anh loay hoay tìm cách nâng cao VF3 thành VF4 thì “đùng một cái” miền Nam đã hoàn toàn giải phóng.

Anh không có cái may mắn làm người lính tiến vào giải phóng Sài Gòn. Khi những cánh quân từ giã rừng xanh, xe pháo, súng đạn rùng rùng tiến về đồng bằng bát ngát, anh còn đắm chìm trong vài ba hệ phương trình cực kỳ hóc búa. Những người chỉ huy thừa biết là không nên làm gián đoạn công việc của anh, họ bèn xếp anh vào danh sách những người ở lại trồng rau, trồng sắn và trông coi hậu cứ. Không khí của những ngày sôi động nhất trong suốt cuộc chiến tranh kéo dài mấy thập kỷ dường như chỉ giống một làn gió nhẹ lọt xuống căn hầm có chiếc bàn ngập ngụa giấy má của anh.

Mãi đến một buổi sáng chiếc xe của bộ tư lệnh Miền từ Sài Gòn lên đón anh, anh mới giật mình thảng thốt: Cái mục tiêu bấy lâu nay VF4 đau đáu nhằm tới thế là không còn nữa! Anh không hiểu mình đang vui hay đang buồn. Đống tài liệu mà từng phép toán, từng dòng chữ đều là máu của anh được xếp gọn lại cho vào một cái hòm sắt để hai anh lính trẻ khiêng ra xe. Anh chỉ giữ lại một phong tư tình cờ tìm thấy trong lúc xếp sắp giấy má. Phong thư chưa được mở ra, bị những chồng giấy nén chặt, và bị hơi ẩm dưới hầm làm dính đét lại như một miếng bìa dày. Khó khăn lắm anh mới đoán được những nét chữ nhòe nhoẹt ngoài phong bì là tên cô gái từ Hà Nội gửi vào cho anh. Anh đau đớn vì ân hận, không thể nhớ bức thư ấy đến với anh từ năm nào, và vì lẽ gì anh không kịp bóc ra đọc xem cô gái nói với anh những gì trong đó. Trời ơi! Dãy cây ban và túp quán nước chè bên đền Quan Thánh!…

Thấy anh cứ đứng ngơ ngẩn trước cánh cửa chiếc xe du lịch màu cà phê sữa đã mở sẵn, cậu lính trẻ chạy lại, lễ phép chỉ vào tấm đệm nhung phía sau chiếc ghế của người lái:

– Thưa chú. Mời chú vào xe ạ.

Anh lom khom cúi mái đầu đã loáng thoáng những sợi tóc bạc, dáng vụng về, lụ khụ của một ông già bước vào cái xe sang trọng. Tiếng cửa xe sập lại rất êm. Tiếng máy xe nổ rất êm. Anh như trôi nhẹ trên quãng đường võng vãnh bùn nước trước khi ra tới quốc lộ. Không hiểu sao, trong cánh rừng hậu cứ mấy tầng cây bịt bùng, giữa bầu ánh sáng vang vang bên dưới các tán lá, anh bỗng thấy đâu đâu cũng mọc toàn những cây ban vừa tàn hoa và lộc non đang nhú trên cành.

Bất giác từ trong người anh trút ra một hơi thở dài hết cỡ. Anh thả cho toàn thân chùng xuống như một mảnh vải vắt vào lưng ghế. Lần đầu tiên trong đời anh nhận viết sự mất mát, không một thứ vinh quang nào, hoặc châu báu ngọc ngà nào có thể bù đắp được.

Sài Gòn, 17/5/1975
Chép lại tại Hà Nội, 17/7/1994

T.B

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder