Người luôn đưa ra những ý tưởng nhân văn và táo bạo – Bút ký: Nguyễn Trọng Thái

 

Nói không quá lời rằng Phạm Hồng Điệp sinh ra để luôn “đa mang” với những ý tưởng mới mẻ cứ như thường trực trong đầu.

Những tháng ngày chập chững bước vào đời sau khi vừa tốt nghiệp phổ thông, từ bỏ ước mơ được ngồi trên ghế giảng đường đại học với niềm say mê môn sinh học, Phạm Hồng Điệp gia nhập quân ngũ và trải bước chân trên những nẻo đường biên giới đông bắc, để rồi khi ra quân, cũng như bao số phận phải bươn chải trong thời kỳ khó khăn nhất của đất nước, anh đã làm đủ việc để kiếm sống từ công nhân bốc xếp ở Cảng, kéo xe ba gác ở kho Ngoại thương, đến nhân viên bảo vệ ở Công ty Vật tư đường thủy, rồi nhân viên kinh doanh ở Công ty Phá dỡ tàu cũ… Ngay trong những lúc tưởng như bế tắc nhất thì anh vẫn nung nấu suy nghĩ phải học; chỉ có học mới thoát khổ, thoát nghèo. Và Phạm Hồng Điệp cứ âm thầm ban ngày đi làm, buổi tối lại đạp xe đến lớp, để rồi những năm sau này anh đã có trong tay những tấm bằng cử nhân Kinh tế Ngoại thương, Ngoại ngữ và Luật. Đến bây giờ lúc nào cũng như ở trạng thái sấp ngửa với việc điều hành Khu công nghiệp Nam Cầu kiền của mình, rồi thỉnh thoảng lại được mời đến chia sẻ, nói chuyện cùng các doanh nhân với những chương trình đào tạo của HPM, của BNI, rồi lại xuất hiện trong vai trò luật sư tại những phiên tòa dân sự ở Hải Phòng…, lúc nào cũng “trên từng cây số”, nhưng thỉnh thoảng lại bật ra những ý tưởng để có những chương trình chẳng ai ngờ tới.

Còn nhớ khi vừa là Phó giám đốc phụ trách kinh doanh, vừa là Bí thư Đoàn của Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hồng Bàng, anh đã đăng ký với Thành đoàn Hải Phòng một công trình Thanh niên với sản phẩm tàu cao tốc VISDEMCO nổi tiếng một thời khi vừa quản lý đóng mới vừa đưa vào khai thác trên tuyến du lịch Hải Phòng – Cát Bà. Ở thời điểm đầu những năm 2000, khi mà cơ chế thị trường vẫn còn đang manh nha thì cái công trình ấy của Phạm Hồng Điệp cũng thuộc loại không phải “dạng vừa đâu”. Chẳng thế mà con tàu cao tốc do những khối óc, bàn tay của người thợ đóng tàu Việt Nam tự thiết kế và đóng mới này, khi được Nhà nước giao cho Công ty Công nghiệp tàu thủy Hồng Bàng làm chủ đầu tư và trực tiếp là Phạm Hồng Điệp và các cộng sự quản lý, nhiều lần đã được sử dụng làm phương tiện đưa đón các vị lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và thành phố như: Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Thủ tướng Đỗ Mười, rồi cả ban Thường vụ Thành ủy và UBND thành phố Hải Phòng lúc đó, khi đi ra đảo Cát Bà thăm và làm việc.

Không ngồi yên ngay ở vị trí mà nhiều người mơ ước với một công việc “ngon lành cành đào” khi đương nhiệm là Phó giám đốc phụ trách kinh doanh của một doanh nghiệp nhà nước, Phạm Hồng Điệp với những kinh nghiệm từ chính cuộc đời bản thân được rút ra từ công việc, từ cuộc sống, cộng với uy tín cá nhân, anh đã được lãnh đạo Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam tin cậy giao cho thành lập mô hình mới là doanh nghiệp cổ phần có vốn chi phối của Nhà nước. Sau những ngày suy nghĩ và gặp gỡ những người bạn cùng chí hướng, anh đã chấp nhận cuộc chơi mới, đứng ra thành lập Công ty cổ phần Shinec mà cái vốn liếng chính là niềm tin ở chính mình với tâm nguyện “Làm những gì mà người khác chưa làm”.

Câu chuyện thành lập ra Shinec của Phạm Hồng Điệp cũng khá thú vị, khi lãnh đạo Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam gọi lên gặp, hỏi anh muốn chọn ngày nào để ký Quyết định, chẳng cần suy nghĩ lâu, Phạm Hồng Điệp trả lời ngay tắp lự: Nếu được thì cho em chọn ngày 26/11. Ơ, cái nhà cậu này. Người ta tính theo ngày âm cho những việc đại sự, còn cậu lại lấy ngày dương là cớ làm sao? Báo cáo anh, đó là ngày sinh của em ạ! Hóa ra Phạm Hồng Điệp đã suy nghĩ và như muốn đánh cuộc và gắn chặt cả cuộc đời mình vào cuộc dấn thân này. Và từ đây, có thể nói cuộc đời doanh nhân của Phạm Hồng Điệp cũng chẳng khác gì một cuốn tiểu thuyết best seles.

Cái Công ty Shinec của Phạm Hồng Điệp mang tên là sản xuất nội thất tàu thủy, nhưng hóa ra anh lại có thêm ý tưởng lấy ngắn nuôi dài khi có nhà máy sản xuất thức ăn nuôi tôm, rồi một nhà máy nội thất gỗ với những sản phẩm được xuất khẩu theo tiêu chuẩn châu Âu cho những tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới như IKIA (Thụy Điển), với hệ thống quản lý theo ISO 14000, IWAY, QWAY, COC, FSC… Chính khi làm việc với các đối tác nước ngoài này, để tuân thủ theo những quy định bảo vệ tài nguyên và môi trường, Phạm Hồng Điệp đã đầu tư vào dự án sử dụng nguyên liệu rừng bền vững bằng việc triển khai liên kết việc trồng rừng với hơn 5000ha đồi núi tại Hữu Lũng (Lạng Sơn) và Lục Nam (Bắc Giang). Khó có thể hình dung được một ông giám đốc ở tận vùng biển thì điều hành quản lý kiểu gì cho việc trồng rừng tận nơi thâm sơn cùng cốc ở các tỉnh trung du, miền núi, khi mà cái nạn lâm tặc ở Việt Nam đâu có còn xa lạ? Phạm Hồng Điệp đã có sáng kiến khá táo bạo lúc đó, nhưng lại cũng rất nhân văn và hiệu quả. Với phương châm sử dụng lao động tại chỗ và tuyên truyền ý thức cộng đồng, Shinec đã xây dựng được hệ sinh thái phát triển rừng bền vững với nhân dân địa phương, thông qua việc để họ trở thành công nhân của mình, hàng tháng mỗi lao động được tiêu chuẩn 22kg gạo, được cấp dụng cụ, giống cây trồng với 5 loại: bạch đàn, lát Mehico, thông Caribe, keo lá chàm, trám, đã biến những đồi trọc tại Hữu Lũng (Lạng Sơn) và Lục Nam (Bắc Giang) trở thành những cánh rừng xanh và trở nên phong phú giữa cây ngắn ngày và cây dài ngày khi áp dụng cơ chế phát giống cây lương thực cho bà con trồng và tự chăm sóc bảo quản trên những cánh rừng trong 2 năm đầu, sản phẩm nông nghiệp bà con được thụ hưởng còn Shinec chỉ giữ rừng. Đến năm thứ 3 khi cây rừng lên tốt thì chuyển đổi sang trồng cây dược phẩm dưới tán rừng và tỷ lệ chia với bà con 50/50. Đây là một dự án trồng rừng đã giúp cho bà con dân tộc ở đây từ lúc không đủ ăn, chỉ giữ thói quen phá rừng làm rẫy, nay đã làm giàu lên từ trồng rừng và yêu quý rừng, chăm sóc rừng như chính cuộc sống của mình … Cùng là người trong cuộc lúc đó, tôi đã nhiều lần theo Phạm Hồng Điệp đặt chân lên những cánh rừng nơi thâm sâu ở Hữu Lũng để mục sở thị và được những công nhân của mình ở đây chiêu đãi cá bắt dưới ao, gà thả trên đồi, cùng nhâm nhi ly rượu thuốc mà thả hồn ngắm rừng xanh ngút ngàn bao la.

Bây giờ để mà nói về những gì Phạm Hồng Điệp đã làm khi khoác trên mình hai chữ Doanh nhân thì là cả một câu chuyện dài; chỉ cần nhìn thấy cơ ngơi một Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền hiện tại của anh thì đủ biết gần hai mươi năm qua anh đã phải nếm trải đủ cung bậc thăng trầm của đời doanh nhân như thế nào rồi. Nhưng cái điều đáng trân trọng và nể phục Phạm Hồng Điệp là ngay cả lúc khó khăn nhất, tưởng chừng như khó vượt qua được thì cái bản lĩnh của một con người đã được tôi rèn qua môi trường người lính, cũng như phong cách của người cán bộ Đoàn trong Phạm Hồng Điệp đã được thể hiện đến bất ngờ nhất. Có lẽ chính nhờ cái bản lĩnh ấy mà anh luôn nung nấu những ý tưởng làm những gì tốt nhất cho đời.

Ngay khi bắt tay làm đề án xây dựng Khu công nghiệp thì anh đã đưa ra ý tưởng một Khu công nghiệp xanh thân thiện với môi trường. Cùng là người trong cuộc, sát cánh bên anh trong những tháng ngày đó nên tôi hiểu rõ vì sao mà anh đã tổ chức cho cả một đoàn cán bộ nhân viên của mình hơn hai chục người làm chuyến sang Singapore tham quan hình mẫu các khu công nghiệp của bạn, trong khi Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền vẫn còn đang nằm trên những chồng tài liệu của dự án. Phải là người tâm huyết lắm, có tầm nhìn chiến lược xa lắm, quyết tâm và bản lĩnh lắm thì mới có những bước đi tưởng chừng chỉ như chơi vơi. Thực tế sau này đã chứng mình là anh đúng.

Ở một lát cắt khác, nhiều người còn ngạc nhiên khi cái tên Phạm Hồng Điệp đã được xướng lên 3 lần với tư cách người đạt Giải Nhất của cuộc thi “Sáng kiến bảo vệ môi trường bền vững” do Đài TNVN và Bộ TNMT tổ chức, trong 3 năm liên tiếp 2006, 2007 và 2008; để rồi lại bất ngờ tiếp khi biết với những công trình nghiên cứu về việc giữ gìn môi trường sống, anh còn được vinh danh là “Hiệp sĩ bảo vệ môi trường” cùng Giải thưởng “Nhân tài Đất Việt”…

Độ rày, đôi khi thấy Phạm Hồng Điệp có vẻ phởn phơ như một lão nông chi điền, chiều chiều thư thả tung từng nắm thức ăn cho từng đàn cá đủ loại chép, rô, trắm, mè… đang quẫy bơi dưới hai chiếc hồ xinh xắn trong khu vườn sinh thái của Khu công nghiệp Nam cầu Kiền; rồi lúc lại lúi húi thăm ngắm dàn dưa leo, cà chua, đỗ đũa… trong khu nhà kính thực nghiệm, cứ nghĩ anh đã an phận với những thành công, nhưng hóa ra nhầm hết. Phạm Hồng Điệp lại đang say đắm với những ý tưởng áp dụng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao cho Khu công nghiệp của mình. Chả thế mà lại hẹn hò với tôi bữa nào thu xếp thời gian làm “hoa tiêu” đưa anh lên thăm trang trại của Hà Thắng trên Hòa Bình mà tôi đã vài lần lên đó, cũng như bữa sang khu sinh thái của hội viên Hội Doanh nhân trẻ Hải Phòng Nguyễn Thị Nhung bên An Lão đã ngẩn ngơ đưa mắt khắp khu mặt nước mênh mang mà xuýt xoa; rồi mới đây lại hỏi tôi về Tập đoàn Hùng Nhơn của doanh nhân Vũ Mạnh Hùng trong Bình Phước xa lắc… Chỉ bấy nhiêu thôi, đã đủ hiểu một niềm say mê luôn thường trực trong anh như thế nào rồi.

Bẵng đi ít lâu chưa gặp nhau, mấy hôm trước Phạm Hồng Điệp gọi cho tôi: “Ý tưởng về một khu công nghiệp công viên của anh em mình đang dần thành hiện thực rồi. Bữa nào rảnh mời bác sang với em thăm khu nhà trồng lan, trồng hồng và khu vườn Hạnh Phúc nhé!”.

Tôi chẳng ngạc nhiên lắm vì biết trong con người lúc nào cũng tiềm ẩn những ý tưởng mới lạ kia thì việc gì cũng có thể lắm chứ. Chả thế mà có lần hai anh em ngồi riêng với nhau, Điệp thủng thẳng tiết lộ: “Đến một lúc nào đó em sẽ viết một cuốn tiểu thuyết về cuộc đời doanh nhân”.

Chả phải bàn. Ai mà biết được trong cái đầu lúc nào cũng hừng hực những ý tưởng làm đẹp cho đời thế kia thì có gì mà không thể cơ chứ?

________
* Ảnh trong bài: Doanh nhân Phạm Hồng Điệp, TGĐ Công ty Shinec trao quà cho người lao động nhân Ngày môi trường.

 

Shinec 8/2017 – 6/2019

V.T.T

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder