6- BÁNH CỦA QUỶ
Thế là con quỷ Đen trốn đi rồi! Hai mẹ con cậu bé làm bánh rụng rời chân tay khi cuối cùng phát hiện ra điều ấy.
Đó mới là tai họa khủng khiếp nhất mà hai mẹ con phải gánh chịu. Bà Phù thuỷ truớc khi đi ngủ dặn rằng ”nhắc thằng bé đừng để con quỷ chạm vào thứ nước trong ve…“, thế mà vì thằng trộm đêm xuất hiện quá bất ngờ, cậu bé cuống quít đã để rơi chiếc găng tay đựng con quỷ xuống chậu bột ướt, trộn sẵn với nuớc có pha loại keo kì diệu trong ve thuỷ tinh.
Mới đầu thấy con quỷ vẫn bị xích vào chiếc móng Rồng như cũ, hai mẹ con đã thở phào nhẹ nhõm. Nhưng họ không để ý đến chuyện con quỷ đã bạc màu đi và mắt nó không sáng lên ghê rợn khi có người đụng vào, cả hai còn đang rối bời vì vụ trộm xảy ra mặc dù bà mẹ cũng đã đề phòng cẩn thận.
Số bột được nặn thành bánh, nướng và giao hết cho Mũi-cà-tím vào gần trưa hôm đó, đó sẽ là mẻ bánh cuối cùng giao cho thằng cha ấy, bà mẹ quyết định như vậy. Thằng bé không ăn mẩu nào nên không biết rằng bánh hôm đó không ngon như mọi khi, chúng chỉ còn là những chiếc bánh sừng bò bình thường như mọi nơi khác làm ra. Là vì tinh tuý trong mẻ bánh đã bị con quỷ Đen thu hết.
Không chỉ vậy, con quỷ cũng thu hết tinh tuý cả trong ve thuỷ tinh, có nghĩa là từ giờ trở đi không ai còn có thể làm ra loại bánh sừng bò ngon và bổ dưỡng như thế nữa.
Sau khi trả tiền bồi thường huỷ hợp đồng cho Mũi-cà-tím, hai mẹ con nghỉ ngơi mấy ngày rồi bắt đầu làm bánh bán lẻ như truớc đây. Ngày làm bánh bán lẻ đầu tiên, cậu bé mời lũ bạn đến nhà ăn một bữa “cho đã đời”, đó là câu nó nói với bạn trong lớp. Như ngày xưa thì một bữa bánh đã đời cho hai mươi hai đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi ngủ sẽ phải hết hai rổ xề bánh là ít, nhưng chẳng hiểu sao hôm nay không như thế.
– Ơ! Cái bánh này không ngon, cậu đổi cho tớ đi – cu Tí chợt kêu lên.
– Đổi cho cậu đây – cái Hon đổi chiếc bánh cắn dở của nó cho cu Tí, đổi xong rồi nó mới nói thêm: bánh của tớ cũng cóc ngon đâu!
– Ơ! Sao bánh này không ngon như bánh ngày xưa – mấy đứa bé đều lao nhao – Hay là mẹ mày quên không cho đường với sữa vào bánh rồi, nhạt tèo tèo ấy! – Chúng nói thế với cậu bé chủ nhà.
Mẹ nó cầm bánh lên ăn thử. Chị ta kinh ngạc khi thấy đúng là bánh nhạt nhẽo như bọn trẻ nói thật. Không phải là quên cho đường, trứng với bơ sữa, vốn xưa nay những thứ đó chỉ cho tí ti lấy lệ, bánh ngon và bổ chủ yếu là do keo địa y nha của bà Phù thủy. Chị chợt tái mặt rồi lặng lẽ đứng lên đi vào buồng, kín đáo lấy ve thuỷ tinh ra xem xét.
Người mẹ rụng rời chân tay khi thấy keo nha địa y trong ve tuy vẫn còn, nhưng lỏng như nước lã. Đêm qua lúc chấm kim vào ve chị không để ý, bây giờ nhìn kĩ mới thấy nó không còn mang màu xanh lam huyền diệu, mở nắp ra không có mùi thơm huyền bí như truớc đây. Ngồi lặng đi như hoá đá đến mấy phút ở trong buồng, sau đó chị lập cập moi chiếc găng tay của con trai ra xem xét.
Con quỷ đen vẫn bị xích vào chiếc móng rồng như cũ. Móng rồng và sợi xích hình như không có gì thay đổi, nhưng con quỷ không còn đen bóng mà nhạt hẳn đi như màu chiếc quần thâm mặc đã mấy năm. Mắt nó không còn ánh lên thứ sáng xanh ma quái khiến hai mẹ con chị cùng kinh sợ, thường phải vội vàng cho nó trở lại vào chiếc găng, có chần thêm sợi gai mèo của bà Phù thuỷ khâu cho.
Vậy là con quỷ Đen đã trốn đi rồi, ve địa y nha cũng mất hết tác dụng, có lẽ con quỷ đã làm hỏng nó. Chính vì vậy mà bà Phù thuỷ đã dặn không cho con quỷ chạm vào thứ nuớc trong ve.
Bây giờ biết làm thế nào đây? Người mẹ trẻ đâu biết rằng việc con quỷ Đen không bị xiềng xích nữa, còn nguy hiểm hơn nhiều so với việc con khỉ Tôn Ngộ Không trốn khỏi lò bát quái của Thái thượng Lão quân, trong bộ phim dài nhiều tập Tây Du kí mà bao nhiêu người đã thích thú đón xem.
Bọn trẻ con ở bên ngoài đã bỏ dở buổi khao bánh sừng bò của con trai chủ nhà. Chúng không vui vẻ nhảy lò cò hát “Bánh sừng bò, bánh sừng bò…” như trước kia. Cả lũ lục tục kéo nhau ra về, thằng bé buồn thiu tiễn bạn với câu nói” Để hôm nào mẹ tớ làm lại bánh thật ngon, tớ mời các cậu đến ăn bù nhá!” Nó đâu biết rằng chẳng bao giờ mẹ con nó lại có thể làm ra thứ bánh ngon và bổ dưỡng như truớc nữa.
Con Quỷ trốn đi thì rồi sẽ dở nhiều thủ đoạn để không biết bao nhiêu người nhớn, trẻ con trở nên khốn khổ, sống còn hơn chết. Bản chất của quỷ là như vậy, càng nguy hiểm hơn khi trước khi hoá quỷ nó là một con người, một pháp sư nhiều tài năng cũng như mưu mẹo, đến mức các loại quỷ dữ nhất như Xa Tăng với Dạ Xoa cũng phải tôn nó làm Đại ca. Chuyện còn dài dài lắm cơ!
Mũi-cà-tím đòi một số tiền bồi thường hợp đồng khá lớn, đến mức chị làm bánh sừng bò phải thu vén hết số lãi trong thời gian bán cất cho hắn mới trả đủ. Hai mẹ con thân cô, thế cô, nói đến chuyện ra toà đã sợ run lên, hơn nữa chẳng muốn rùm beng để ai cũng biết câu chuyện về bà Phù thuỷ ngái ngủ, đành phải cắn răng trả tiền cho Mũi-cà-tím, miễn là cắt được cái đuôi nòng nọc – hai mẹ con an ủi nhau như vậy.
Lão chủ Công ty Bánh ngọt “Hết Ý” có cái mũi to, tím ngắt như quả cà dái dê tuy vậy vẫn còn cay cú lắm. Mấy ngày liền hắn ngồi vò đầu nghĩ cách ăn trộm bí quyết của “mẹ con nhà nó” mà chưa nghĩ ra kế nào khả thi. Cả tối hôm ấy hắn ngồi bên li cà phê lạnh ngắt (pha rồi mà quên không uống!), khói thuốc lá làm mờ cả căn phòng, đến nỗi cô thư kí kiêm vợ hai của hắn ho sặc ho sụa, phải bỏ ra ngoài vì không thể chịu nổi.
Đồng hồ trên tường điểm mười hai tiếng, hắn chán ngán đứng lên tắt đèn đi về phòng ngủ.
Vừa mở cửa phòng ngủ Mũi-cà-tím vừa há mồm ra ngáp, thế rồi mồm hắn cứ mở ra mãi vì bóng hắn in trên tường, do đèn mắc phía ngoài cửa chiếu vào lưng, bỗng tự dưng động đậy. Động đậy hẳn hoi chứ không phải là do gió lay động, sau đó mọc ra hai chiếc sừng, lại thêm chiếc đuôi kì lạ ve vẩy nữa!
Hắn định thần nhìn kĩ, chưa hiểu thế là thế nào thì có những âm thành kì quái cất lên:
– Ba ba! Quỷ cha, ma mẹ, thằng kẹ Mũi-cà-dái-dê! Vào đây, vào đây! Dỏng tai nghe ta nói đây!
Cái bóng vẫy hắn. Lão chủ Công ty Bánh ngọt định lùi ra ngoài nhưng không hiểu sao không thể nhích được bên cẳng nào. Ngược lại, thân thể cứng đơ của lão lại tự động tiến về phía chiếc bóng, như một thằng bé đang đà trượt pa-tanh.
– Thế được rồi, đứng nguyên đấy, nghe ta hỏi đây – cái bóng cất tiếng, giọng the thé nhưng dõng dạc.
– Mày đang muốn làm được loại bánh ngon mà rẻ như của mẹ con thằng bé “bánh sừng bò” phải không? – Cái bóng hỏi tiếp.
Vừa sợ vừa kinh ngạc nên Mũi-cà-tím cứng lưỡi, không thể nói được.
– Gật hay lắc, hở? Mau lên chứ? Thằng ngu kia!
Mũi-cà-tím đành cố gắng gật đầu. Đúng là hắn muốn thế, có điều…
Cái bóng không để cho lão nghĩ ngợi nhiều, nó lại hỏi ngay:
– Mày có muốn hai mẹ con nó đến giúp mày làm bánh không?
– Nhưng, nhưng… – Mũi-cà-tím lắp bắp, muốn thì hắn muốn quá rồi nhưng xưa nay chưa có ai nói với hắn như thế, cứ như ông bố hắn hỏi, hồi hắn ta còn cởi truồng chạy rông ngoài đường.
– Gật hay lắc, thằng kia. Cho cái lưỡi mày nghỉ đi!- Cái bóng trên tường quát lên the thé.
Tự dưng Mũi-cà-tím thấy lưỡi hắn cứng đơ, không thể nào nói được nữa. Hắn vừa sợ vừa tức, nhưng việc “hai mẹ con nhà nó” đến giúp việc làm bánh đúng là điều hắn luôn mơ ước, vậy nên hắn đành gật đầu một cái.
– Đúng nửa năm nữa mày đến mời, thì mẹ con nó thế nào cũng đến làm cho mày. Nhưng mời cho tử tế đấy nhá. Từ ngày mai cứ mỗi đêm trộn hai bao bột mì làm bánh, tao giúp làm cho bánh ngon để giữ khách. Chỉ trộn hai bao bột thôi, đến sáng làm thành bánh, nhớ chưa!
Chiếc bóng trên tường đã mờ dần, tưởng là biến mất nhưng nó lại hiện rõ lên để dặn thêm một câu:
– Khi nào cần mời hai mẹ con nó, tao sẽ nhắc truớc một ngày cho mày biết.
Lần này thì cái bóng biến đi thật, chỉ còn mấy tiếng lầu bàu vọng lại, hình như là “quỉ cha, ma mẹ, kẹ kẹ…” gì đấy.
Lão chủ hiệu bánh “Hết Ý” đứng ngẩn ra mãi, không hiểu vừa xảy ra chuyện gì. Mãi đến khi cô vợ hờ đi từ vườn vào nhà đẩy lưng chồng một cái, hắn mới ngồi phịch xuống như một bao bột, chẳng nói chẳng rằng gì cả.
Cô vợ nhập nhằng của Mũi-cà-tím tưởng ông chồng lên cơn hấp, khi khoảng nửa đêm hắn bỗng nhiên choàng dậy lôi tay cô ta đi vào kho bột. Không nói không rằng hắn đổ hai bao bột vào thùng trộn, ra hiệu cho cô lấy gáo múc nuớc rưới để hắn nguấy cho bột thấm đều. Rồi ghé qua lán của mấy người làm công, hắn bảo họ sáng mai đem số bột đó làm bánh sừng bò, xong xuôi mọi việc mới về giường nằm vật ra, mặc cho cô ta cáu kỉnh hỏi này hỏi nọ.
Thật kì lạ, số bánh làm ra từ hai bao bột mì đó thơm ngon hệt như bánh mà hai mẹ con thằng bé giao cho Mũi-cà-tím. Tuy vậy hắn tuyệt nhiên không kể với ai, kể cả cô vợ bé kiêm thư kí vốn hay nằn nì dò hỏi, về đoạn đối thoại một chiều với bóng đen có sừng, có đuôi ở trên tường vào tối hôm qua.
Đợi đến tối hắn dẫn người làm vào xưởng trộn hai bao bột như đêm qua hắn đã làm.
– Chỉ trộn hai bao thôi hở ông? – Anh người làm hỏi.
– Hai bao. Cho cái lưỡi mày nghỉ đi! – Hắn bắt chước kiểu nói của cái bóng trên tường. Anh người làm cũng không hỏi nữa nên không biết lưỡi anh ta có bị cứng lại như lưỡi hắn hôm qua hay không.
Sáng hôm sau Mũi-cà-tím dạy rất sớm xem họ làm bánh. Hắn bảo người ta trộn vào bột rất ít đường, sữa, trứng vì thấy rằng ở nhà hai mẹ con bà “bánh sừng bò” những thứ đó không bao giờ có nhiều như ở các nhà làm bánh khác.
Hai người thợ làm mẻ bánh sừng bò lạ lắm, không hiểu mùi vị bánh này sẽ ra sao, họ hỏi thì ông chủ gắt “cho cái lưỡi mày nghỉ đi!” Chiếc bánh đầu tiên vừa chui ra khỏi lò họ thấy ông ta đã cầm lên, dù nó đang nóng bỏng dẫy, hai anh thợ tò mò nhìn ông chủ chuyển chiếc bánh từ tay nọ sang tay kia như bọn trẻ chơi “chuyền một, chuyền hai” rồi nhấm thử với vẻ mặt nửa hớn hở nửa kì quái.
Sau đấy ông ta bẻ cho mỗi người một mẩu, họ nhấm và vẻ mặt cũng trở nên kì quái như vậy, bởi vì thứ bánh hầu như chẳng có đường, sữa, bơ với trứng này không hiểu sao lại ngon và thơm cực kì. Chẳng khác gì bánh của “mẹ con nhà nó” giao cho mỗi sáng truớc đây.
Từ đấy hai anh thợ này rất nhàn, mỗi ngày chỉ có nhiệm vụ làm mấy trăm chiếc bánh với hai bao bột trộn riêng, để riêng ở một gian kho nhỏ. Họ tin là Mũi-cà-tím mới tìm ra bí quyết gì đó nhưng không anh nào dám hỏi han. Ông chủ luôn bảo “cho cái lưỡi chúng mày nghỉ đi!” cùng lời đe sẽ sa thải và trừ lương nếu họ thóc mách hỏi han, hoặc trò chuyện với người khác về những chiếc bánh sừng bò “Hết Ý”.
Từ ngày xảy ra sự cố với tên trộm đêm, hai mẹ con chị “bánh sừng bò” trở nên túng quẫn. Tiền dành dụm chẳng còn được bao nhiêu, bánh làm ra không ngon nữa nên chẳng ai mua, tuy không ưa Mũi-cà-tím nhưng nhiều ông bố vẫn bị các “quái phu nhân” sai phái lên thị xã thật sớm mua bánh sừng bò “Hết Ý” về cho các “cậu ấm sứt vòi”.
– Mẹ ơi, bao giờ bà Phù thuỷ mới thức dậy hở mẹ? – Thằng bé buồn rầu hỏi bà mẹ từng nổi danh là bà ‘bánh sừng bò”
– Mẹ không biết con ạ, có khi cả đời mẹ con mình chẳng còn được gặp bà ấy nữa. Bà ấy ngủ mỗi giấc phải hàng trăm năm cơ mà. – Người mẹ trẻ buồn rầu nói vậy mặc dù trong lòng vẫn hy vọng bà Phù thuỷ ngái ngủ sẽ thức dậy một hôm nào đó.
Người ta nói “miệng ăn núi lở” thật chẳng sai chút nào. Mới nghỉ bán bánh ba bốn tháng mà tiền học phí cho thằng bé, tiền mua thứ nọ thứ kia, cộng với tiền ăn đã làm lở gần hết quả đồi con con, mà người mẹ trẻ giành giụm được từ ngày gặp bà Phù thuỷ ngái ngủ trong mơ.
Vào lúc hai mẹ con sắp sửa lâm vào tình trạng “tiền hết, gạo không” thì Mũi-cà-tím đột ngột xuất hiện. Lúc ấy cậu bé đang học ở truờng, vị khách tỏ ra hết sức nhã nhặn, hỏi thăm tình hình làm ăn, thanh minh về việc đã quá nóng giận hôm thanh lý hợp đồng, lại còn bịa chuyện rằng trộm không chỉ thăm nhà hai mẹ con hôm ấy, mà cũng vào khua khoắng ở xưởng của hắn, nên hắn mới dễ dàng bực bội đến vậy. Cuối cùng thì hắn mời chị “bánh sừng bò” đến làm ở xưởng bánh.
– Bánh “Hết Ý” của tôi vẫn ngon như ngày xưa, nhưng tôi muốn có chị đến coi sóc hộ công việc. Chị giúp tôi thì cả hai bên cùng có lợi, tôi sẽ không để thiệt thòi cho cả hai mẹ con chị đâu – Lão chủ hiệu bánh đề nghị như vậy.
Rất bất ngờ với sự xuất hiện đột ngột của Mũi-cà-tím nên mẹ thằng bé hết sức bối rối. Chị ta đành phải nói là để “xem ý thằng cu nhà tôi thế nào, nhà chỉ có hai mẹ con, cũng muốn cho nó vui vẻ ông ạ!”
Chả là hôm truớc đó Mũi-cà-tím lại gặp cái bóng có sừng dê, đuôi rắn ở trên tường. Bóng đó xuất hiện hệt như lần truớc, cũng quát lên the thé “Cho cái lưỡi mày nghỉ đi!” khi hắn vừa há mồm định hỏi han, nên cuối cùng hắn chỉ có thể tham gia đối thoại bằng cách gật hay lắc mà thôi.
– Mày có nhớ ngày mai là đúng nửa năm, từ hôm tao giúp mày làm bánh ngon không?
Cái lắc ngập ngừng vội vàng được thay bằng cái gật, vì cuộc gặp gỡ quá đột ngột khiến Mũi-cà-tím không nhớ chính xác cho lắm.
– Ngày mai đến mời hai mẹ con nhà nó, nghe chưa?
Một cái gật nữa, lần này khá nhanh.
– Mời cho tử tế, trả lương cao gấp đôi thợ khác. Tao bận, không giúp mày nữa, nghe chưa?
Tất nhiên phải có một cái gật đáp lại.
– Không yêu cầu mẹ con nhà nó phải chịu trách nhiệm làm cho bánh ngon như cũ, hiểu chưa?
Mũi-cà-tím hoang mang với câu này. Vậy thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Nhưng bóng đen có sừng đã nói rõ như vậy thì hắn đành phải gật, lấy gan đâu ra mà lắc!
– Ba ba, quỷ cha, ma mẹ, kẹ kẹ…- là những tiếng cuối cùng lão chủ hiệu bánh “Hết Ý” còn nghe được, do chiếc bóng trên tường biến đi rồi nên hắn tiết kiệm được một lần lắc hoặc gật đầu đáp lại.
Mũi-cà-tím vẫn nghĩ rằng mẹ thằng bé có bí quyết làm bánh ngon nên ngay hôm sau hắn đã đến nhắc lại lời mời. Không vội cũng không được vì mẻ bánh hôm ấy hắn không dám xuất xưởng: nó nhạt nhẽo như chiếc bánh mì không đường sữa, chứng tỏ bóng đen có sừng ở trên tường không đùa chút nào.
Hắn đâu biết rằng hai “mẹ con nhà nó” hiện giờ chỉ còn mỗi món “bí rì rì” thay cho “bí quyết”. Được cái là tay chủ hiệu bánh ngọt “Hết Ý” không đặt yêu cầu với người mẹ về việc phải chịu trách nhiệm làm cho bánh ngon như xưa, hắn chỉ mời đến cộng tác đúng như bóng đen trên tường đã dặn, nên cuối cùng người mẹ trẻ đành phải nhận lời.
Mình đang muốn đi tìm việc làm ở đâu đó, thôi thì cứ thử đến làm cho hắn một thời gian xem sao – chị ta nghĩ vậy. Hôm qua chị đã nói với đứa con, thằng nhỏ ghét Mũi-cà-tím lắm, nhưng cũng hiểu rằng mẹ không đi làm thì nó sẽ phải nghỉ học. Đỏ mắt đỏ mũi một lúc rồi cu cậu ra điều kiện với mẹ:
– Hết giờ mẹ phải về ngay nhà với con đấy nhá! Mẹ mà chưa về thì con không ăn cơm đâu.
Thế là người mẹ đi làm cho Mũi-cà-tím. Tuần đầu tiên hắn bảo chị vào nhóm với hai người thợ làm bánh sừng bò “Hết Ý”, chị kinh ngạc khi thấy bánh họ làm ra tuy mùi vị có hơi khác nhưng cũng ngon như chị đã từng làm, hồi chiếc ve thuỷ tinh, đựng keo địa y nha của bà Phù thuỷ ngái ngủ đưa cho, còn chưa bị con Quỷ đen làm hỏng. Người mẹ trẻ đỡ lo, khi không thấy Mũi-cà-tím nhắc nhở gì đến việc chị phải chịu trách nhiệm làm ra cho hắn thứ bánh như ngày xưa.
Mãi hai tháng sau chủ hiệu bánh mới gọi chị lên văn phòng, giao cho làm tổ trưởng tổ bánh sừng bò, nói là muốn tăng lượng sản phẩm mỗi ngày lên gấp ba. Trong phòng chỉ có hai người, hắn mở két sắt lấy ra một ve thuỷ tinh đưa cho chị xem.
– Có giống không? – Mũi-cà-tím hỏi chị như vậy.
Chị không hiểu hắn hỏi gì nên chỉ nhìn chiếc ve trong tay. Ve này có hình dạng và màu sắc khác hẳn chiếc ve mà bà Phù thuỷ ngái ngủ đã cho. Chị cũng chưa bao giờ để lộ với người khác về việc có chiếc ve ấy, nên không hiểu hắn hỏi thế là có ý gì.
– Tôi được người ta cho chiếc ve này đấy – Mũi-cà-tím bảo thế – Tôi cũng đã biết trước kia chị làm bánh ngon là nhờ ai đó cho chị chiếc ve thuỷ tinh, không biết có giống như thế này không.
Thế ra hắn đã biết hết cả – người mẹ trẻ nghĩ bụng. Chi mở nắp ve xem xét, thấy ở trong cũng là keo đặc sệt nhưng mùi vị và sắc màu không hoàn toàn giống với thứ mình đã có, tuy vậy chị vẫn không biết nên trả lời hắn như thế nào.
– Từ nay chị cất giữ ve này hộ tôi, tôi sẽ chuyển xuống phòng chị ở chiếc két sắt này – Mũi-cà-tím nói, hắn không hỏi chuyện giống hay không giống nữa – Chị cứ theo cách cũ mỗi ngày làm cho tôi nhiều bánh gấp ba lên nhá. Cho chị hai người giúp việc nữa nhưng chị phải ở phòng riêng, giấu kín ve này đừng để cho họ biết, hiểu chưa?
Chủ hiệu bánh ngọt “Hết Ý” nói thế, là vì hôm truớc hắn vừa có cuộc hội thoại thứ ba với bóng đen mang sừng dê, đuôi rắn trên tường. Những gì hắn gật với chiếc bóng, hôm nay hắn đã thực hiện với mẹ thằng bé.
– Tôi may cho chị bốn bộ đồ này để thay đổi khi làm việc hoặc nghỉ ngơi – Mũi-cà-tím đưa cho chị ta chiếc túi – chỉ huy tổ phải ăn mặc khác với anh em, hiểu chưa?
Việc này thì không có trong đoạn hội thoại một chiều của hắn với bóng đen. Hắn làm thế vì nhận thấy rằng mẹ thằng bé là người đàn bà đẹp, đẹp hơn cô thư kí và chủ quán Cà phê Vườn của hắn, giờ lại đang có cơ hội để gần gũi và tán tỉnh. Chẳng biết có phải do tiếp xúc với con Quỷ đen mà hắn mắc phải tính tham có nhiều vợ như tay Pháp sư luyện ngải ngày xưa, hay tại tính hắn xưa nay vốn thế!
Thế là từ ngày ấy người mẹ trẻ đã vô tình tham gia vào việc làm thứ bánh của quỷ. Mũi-cà-tím trả lương cho chị ta gấp ba người khác, còn bố trí một phòng kín đáo và tiện nghi ở đầu xưởng, để hai mẹ con có thể ăn cơm hoặc nghỉ đêm ở đấy khi có công việc đột xuất không thể về nhà, cũng tiện cho hắn ghé qua hỏi han chuyện này chuyện nọ.
Thứ bánh do tổ “sừng bò” mà mẹ thằng bé phụ trách làm ra bây giờ cũng thơm ngon như bánh ngày xưa, khiến doanh thu và lãi suất của công ty bánh ngọt “Hết Ý” tăng lên ghê gớm.
Tuy nhiên, người nào tinh tế sẽ thấy rằng mùi vị bánh ngày nay không hoàn toàn như cũ, còn một điều nữa mãi về sau nhiều người mới nhận thấy, là ăn bánh sừng bò “Hết Ý” trẻ con không lớn phổng lên như thứ “bánh sừng bò, nhảy lò cò…” nổi tiếng ngày xưa. Nhưng mà càng ngày chúng càng đâm nghiền thứ bánh này, nhiều đứa không có bánh “Hết Ý” thì không thể chịu được, khiến cha mẹ chúng lắm phen khốn khổ.
N.C