Cánh thanh niên càng thương cô vì trong lúc tỉnh táo trước khi chết, cô nhất định hất cái chăn len Mỹ giá hai trăm đô ra, bắt mọi người đắp cho cái chăn can cũ. Và cô đòi ăn khoai khô nấu với đỗ đen, nắm lại bằng mo cau. ..
Cánh thanh niên càng thương cô vì trong lúc tỉnh táo trước khi chết, cô nhất định hất cái chăn len Mỹ giá hai trăm đô ra, bắt mọi người đắp cho cái chăn can cũ. Và cô đòi ăn khoai khô nấu với đỗ đen, nắm lại bằng mo cau.
Tết năm ấy cái Vân từ Canada về thăm gia đình. Tin ấy làm xôn xao cả làng. Càng xôn xao, vẻ mặt cô Thoan càng rầu rĩ. Hình như cô cố che giấu sự vui mừng vì cô cảm thấy mọi người đều cho rằng cô rất sung sướng. Cô không muốn như vậy. Ai nói cô nghèo cô khổ, cô thích, cô nở nụ cười như mếu. Ai nói cô giàu, cô sung sướng, cô sa sầm nét mặt, cô giận người ta, cô cho là chế giễu cô, cô tủi thân cô khóc. Mấy anh em tôi đã mắc sai lầm ấy. Một ngày giỗ bố tôi, cô hái quả bưởi (cây bưởi do bố tôi trồng) đem sang. Thấy cô vào tới sân, tất cả chúng tôi reo lên. Chúng tôi hỏi thăm cô về những đứa con gái cô ở bên ấy có hay gởi đô la về cho cô không, ca ngợi cô bây giờ thì nhất làng rồi, nhà có một kiều đã sướng, đằng này lại những hai kiều…
Thế là nước mắt cô giàn ra không thể nào giữ được. Tất cả chúng tôi phát hoảng lên nhưng đã muộn. Cô đặt quả bưởi lên bàn thờ, đảo qua bếp rồi thừa lúc không ai để ý, cô về nhà. Tới bữa ăn, chúng tôi sang mời cô, nhưng cô nằm trong buồng trong, cạnh cái hòm gian và bảo thằng Toản trả lời mẹ cháu đi vắng.
Bởi vậy nên khi nhận được tin cháu Vân sắp về, chúng tôi chỉ nhấn mạnh niềm vui tinh thần của cô: Sự đoàn tụ.
Năm ấy cực rét. Có lẽ rét ngang với năm 1954, khi chúng tôi tiếp quản Hà Nội. Vào một ngày rét nhất của vụ rét, cả làng nghỉ làm đồng, nhưng cô Thoan vẫn đi cuốc ruộng. Gần trưa cô mới về ghé qua nhà anh tôi, mặt tím lại vì rét. Cô thều thào:
– Cậu Hưng ơi. Cậu xem hộ đầu tôi một tí. Nó làm sao ấy. Chỗ này cứ nhun nhũn.
Cô không thể nào không làm việc, cũng như cô rất thích có nhiều thóc trong nhà. Cái Vân về, bảo cô:
– Bu cứ đong gạo. Ăn đến đâu đong đến đấy cho nó ngon.
Nhưng cô không thể làm theo lời nó. Cảnh ăn đong làm cô sợ lắm rồi. Cả đời cô chỉ mong thóc đầy nhà, nay cô mới toại nguyện. Cái hòm gian bằng gỗ xoan trong ruột nó chứa đầy thóc.
Trưa mùng 2 Tết, tôi sang thăm cô. Nhà vắng, tôi đi rón rén, sợ con chó bẹc-giê xồ ra. Hai gian ngoài không có ai. Tôi nhón qua mấy bước, nhìn vào buồng trong, nơi mẹ tôi ngày trước đã nằm, nơi bây giờ để cái hòm giàn bằng gỗ xoan chứa đầy thóc chống đói, những tạ thóc mơ ước của cả đời cô Thoan. Qua cửa sổ, tôi thấy bác Văn và cô Thoan đang đứng trước chiếc tủ đứng để mở, hai người cầm một vật gì vàng chóe, cái vật đó một đầu như bao diêm, đầu kia xoắn lại như một chiếc kẹo quấn thừng. Tôi chưa thấy một khối vàng to như thế bao giờ đến nỗi không tin ở mắt mình nữa và vội lùi lại đầu sân, hắng giọng:
– Có ai ở nhà không?
Tôi thấy tiếng kẹt của cánh cửa tủ, tiếng khóa tủ và cả hai người bước ra gian giữa đón tôi.
Nội thất nhà cô Thoan hôm nay lại thay đổi. Giường nào cũng trải đệm mút Mỹ. Một cái tivi màu 21 inh của Nhật để trên cái tủ ly ngay giữa nhà. Cạnh đó là đầu video. Bên tủ ly lừng lững những chai rượu ngoại: Mác-ten, Ông cụ, Napoleon, mấy chai vang… chè ngon, thuốc lá Dunhill. Những chai rượu kia chắc chỉ để bày, không uống và cũng không tiếp khách. Đã lâu lắm tôi mới gặp bác Văn ở nhà. Bác vẫn cứ phải đi đi về về Khe Sâu, trông nom nhà cửa, thu xếp bán nhà bán trâu trong đó.
– Cậu sang thăm cháu mà cháu lại đi chơi mất rồi. Đi phố. Đi từ sáng cơ.
– Cháu về lâu chưa hả cô?
– Cháu về từ hôm xưa.
– Cháu còn được ở nhà lâu không?
– Còn. Cháu đăng ký rồi. Họ bẩu phải đăng ký ở bao lâu. Quá một ngày phải nộp phạt 5 đồng cơ.
Tôi đoán là 5 đô la. 5 lâu la theo cách nói của những bà già quê tôi. Và tôi ngờ ngợ khái niệm về thời gian trong cô cũng mù mờ như những tiếng hôm xưa, hôm nay cô nói.
Tôi hỏi công việc các cháu làm ở Canada. Câu trả lời thật bất ngờ.
– Nó sang đào giun bên đấy. Thế mới bẩu giun làm gì mà đắt thế. Giun ở bên ta thì đầy.
Ông anh rể ít nói của tôi cũng góp chuyện, vẻ phấn khởi:
– Giun bán cho người ta đi câu cậu ạ. Các cháu đang bàn nhau đón tôi sang chơi bên ấy.
Cô Thoan cười: Ngày nào chúng nó cũng đào thêm một ống bơ giun. Chúng bẩu: Bơ này để mời bố sang mát-xoa đây. Mát-xoa là cái gì hả cậu?
Tôi giảng cho cô về sự xoa bóp và đe cô:
– Bác giai sang đấy bọn đầm mắt xanh mỏ đỏ nó không để cho bác về đâu. Gay lắm đấy.
Cô cười:
– Gớm. Người giả xằng thế ai lấy.
Chúng tôi cùng cười.
Thấy tôi nhìn những tấm nệm, những chăn len cứ sáng rực cả nhà lên, cô Thoan giải thích:
– Con Vân mới mua đấy. Mang những mấy trăm đô đi Phòng sắm. Về được ba hôm là đi ngay. Nó bẩu chả ở đâu mua sắm thích như ở ta. Mấy trăm đô mà được bao nhiêu thứ. Thế mới bẩu mua gì mà lắm thế cho nó tốn tiền. Đệm thì khổ lắm cậu ơi. Tôi nằm đau hết mình mẩy. Suốt đêm không ngủ. Nó bẩu: Bu cứ nằm rồi sẽ quen. Tôi nằm mãi mà không quen. Ê ẩm hết cả người. Giường tôi, tôi phải bỏ đệm ra rồi.
Khi tôi đứng dậy ra về, cô bảo bác Văn:
– Con Vân nó bẩu biếu cậu bao thuốc cậu hút Tết. Bố nó lấy cho cậu.
Chỉ vì bao thuốc ấy tôi bị một phen ngượng chín người. Thuốc lá để ngay trong ngăn cánh gỗ tủ ly thôi. Mà không mở được.
Bác Văn cầm một vốc chìa khóa. Tra, Vặn. Hết cái nọ đến cái kia. Lại lẩm bẩm một mình: “Đúng cái này mà. Sao lại… Hay là không phải…”. Tôi ngồi. Chờ đợi. Bao thuốc lá ngoại quý thật đấy, nhưng cái máu sĩ của tôi cũng mạnh lắm.
Tôi im lặng chờ. Chẳng lẽ lại khơi mào một câu chuyện mới. Không tiện. Vì cánh tủ có thể mở bất kỳ lúc nào. Cô Thoan càu nhàu:
– Cái nào thì đánh dấu nó vào. Ông còn không mở được, tôi biết mở làm sao.
Phải đến mười lăm phút sau mới thấy tiếng “tách” quen thuộc. Cánh tủ mở. Bác Văn lấy ra một cây thuốc Dunhill đã bóc và đưa cho tôi một bao:
– Quà của cháu Vân biếu cậu.
Như bạn đọc thấy đó, nhờ có cô Thoan, tôi là một người hạnh phúc. Tôi vẫn được trở lại thiên đường đã mất của tôi. Nhưng cái gì tốt đẹp quá thì làm sao bền được. Chưa đầy ba năm sau tôi đã không thể bước chân vào đấy được nữa. Mỗi khi có việc về quê, đúng như tôi lo sợ, tôi chỉ đứng ở vườn anh tôi, nhìn sang ngôi nhà, mảnh vườn trước đây của bố mẹ tôi, hiểu rằng một thế giới đã vĩnh viễn mất rồi.
Một người khác đã đến ở đấy. Một người làm lò vôi ở làng bên, hoàn toàn xa lạ.
Bác Văn đã sang ở hẳn bên Canada, do mấy đứa con gái bảo lãnh. Rồi đến lượt bác, bác bảo lãnh cho thằng Toản sang. Tất cả sang đào giun bên ấy. Hai đứa lớn đã có vợ con, không sang được thì xây nhà ở phố huyện bằng tiền của hai cô em gái gửi về.
Còn cô Thoan, tội nghiệp cô. Cô đã mất sau một trận cảm nhập lý. Hôm ấy mưa to. Từ Đồng Tép cô chạy về không kịp. Mưa ngấm cái lạnh vào người… Ai cũng thương cô đến lúc sướng thì không được hưởng.
Cánh thanh niên càng thương cô vì trong lúc tỉnh táo trước khi chết, cô nhất định hất cái chăn len Mỹ giá hai trăm đô ra, bắt mọi người đắp cho cái chăn can cũ. Và cô đòi ăn khoai khô nấu với đỗ đen, nắm lại bằng mo cau.
Tôi ra mộ cô thắp mấy nén nhang. Lại một lần đối mặt với vô cùng. Bỗng nhiên nghĩ rằng mình có thể trở thành nhà triết học.
B.N.T